Monthly Archives: Tháng Bảy 2019

NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐÁNG NHỚ TRÊN ĐẤT MỸ (kỳ V)

Kỳ 5: Rong ruổi kỳ thú trên xa lộ miền tây

Sáng 28 tháng 5 chúng tôi trả phòng tại American Hotel. Tiếng là hotel (khách sạn), nhưng chính thực chỉ là một hostel giá rẻ cho khách du lịch bụi. Hostel chiếm 2 tầng trên của tòa nhà cũ, cửa vào và cầu thang hẹp, không thang máy, và không dịch vụ nào khác ngoài phòng ngủ, TV, wifi, còn lại không bữa sáng, không bếp, mỗi tầng có nhà vệ sinh và phòng tắm dành riêng cho nam và nữ ở hành lang. Chúng tôi đã qua 3 đêm ở đó, với tiếng hát hò khá ầm ĩ “ru ngủ” vào đêm khuya của khách khứa trong quán bia đối diện ở dưới đường. Hostel nằm sát ngay cạnh khu Angel City Brewery nổi tiếng. Đến giờ tôi vẫn lấy làm tiếc là không tranh thủ được để ghé vào nếm bia tươi Los Angeles và nhớ tiếng báo thức vui vẻ của xe dọn rác dưới đường lúc sáng sớm.

Uber đưa chúng tôi qua khu Little Tokyo, đến thẳng bến xe Megabus nép sát bên Union Station. Xe chưa đến, nhưng đã thấy nhà xe yêu cầu khách hàng xếp hàng chờ. Trời đẹp, tôi tranh thủ chụp thêm mấy pô ảnh xung quanh tòa nhà rất đẹp của ga chính, để gắng át đi nỗi lo lắng: Chuyến xe bão táp từ Las Vegas đến đây vẫn còn trong tâm trí, liệu hãng xe này sẽ thế nào đây? Nhưng con gái đã trấn an đây là hãng xe khách lớn thứ hai của Hoa Kỳ! Mà khách đi cũng đến hơn 30 người thế này, chắc có thể an tâm.

Chiếc Megabus dừng nơi chỗ nghỉ trên đường đến San Francisco

Đúng giờ chiếc xe bus 2 tầng chạy vào bến. Nhà xe kiểm tra vé, đã đươc bán trước qua internet, hay tại các bốt tự động gần bến. Vé của chúng tôi mua cả chỗ ngồi, nên được ưu tiên để đồ vào thùng xe trước, và lên xe. Con gái đã mua cho chúng tôi vé ngồi hàng đầu tiên trên tầng 2 “Để mẹ ngắm phong cảnh và bố chụp ảnh”.

Sau khoảng 15 phút đón khách, chiếc Megabus chuyển bánh rồi rẽ vào xa lộ liên bang số 5, tiến về hướng bắc. Đã yên tâm hơn rất nhiều, tôi chăm chú nhìn ra phía trước. Xe đi qua chiếc cầu quen thuộc bắc ngang sông Los Angeles ở đoạn phố cổ. Mùa này sông cạn. Dòng nước nhỏ xíu chảy róc rách trong lòng mương giữa dòng. Hai vách và lòng sông trải bê tông khô khốc, có mấy chú bé trượt pa-tanh trên đó. Xe vẫn chạy dọc theo triền sông khi tiến ra ngoại ô. Càng đi lòng sông càng mở rộng hơn. Khi chạy len lỏi ven Griffith Park đã thấy có những vạt cây cao to mọc giữa lòng sông nước đang chảy lách qua những tảng đá giữa dòng. Nghe nói sông Los Angeles bắt nguồn từ triền núi Santa Monica và các dãy núi khác quanh vùng dài khoảng hơn 80 km.

Cũng như những bộ tộc cư dân bản địa sống trên mảnh đất này hàng mấy trăm năm, khi thành phố mới hình thành người dân Los Angles cũng sử dụng nước sông làm nguồn nước ăn và sinh hoạt. Nước thải từ các khu công nghiệp, nước tưới tiêu và sinh hoạt từ hai bên miền sông đổ xuống khiến sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những năm tháng xa xưa vào mùa mưa (thu và đông) sông tràn qua bờ gây ngập lụt khắp vùng, như trận lụt vào tháng 3 năm 1938, lớn thứ 5 trong chiều dài lịch sử của vùng đất. Cho đến nay, mặc dù hai triền sông gần như được nắn và kê kè cả suốt chiều dài, nhưng đến mùa mưa, thỉnh thoảng sông cũng vẫn gây lụt cục bộ, như đoạn chạy qua Griffith Park này và Vườn bách thú cùng vườn thực vật của Los Angeles.

Kế hoạch khử nhiễm và cải tạo toàn diện dòng sông đã được lập ra từ năm 1991, nhằm làm rộng thêm khoảng không gian mở của thành phố. Nhìn những miệng cống đổ nước đã được xử lý xuống lòng sông, tôi lại nghĩ đến sông Tô Lịch của Hà Nội dọc đường Láng gần nhà chúng tôi. Vào những ngày nắng nóng như thiêu này, Tô Lịch bốc mùi hôi thối đầu độc những người dân sống hai bên triền sông đến thế nào. Đọc được tin thành phố đang kết hợp với đối tác Nhật Bản cải tạo sông Tô Lịch tôi rất mừng và thầm hy vọng con sông mà cả hai vợ chồng tôi thời thanh niên từng cùng có lần góp phần nạo vét sẽ trở nên sạch đẹp trong tương lai như những con sông khác ở nhiều thành phố trên thế giới.

Ra khỏi trung tâm LA, xe vẫn chạy chậm rì rì đến sốt ruột trên xa lộ bốn năm làn mỗi chiều. Sau khoảng 40 phút xe rẽ khỏi xa lộ, vào con phố nhỏ hai bên là các tòa nhà như khu chung cư. Cái gì thế này, sao lại vào đây? Nhưng tiếng lái xe vang lên đã trấn an chúng tôi. Xe dừng lại đón khách tại Burbank, một thành phố vệ tinh của LA, nơi có sân bay Hollywood Burbank. Xem lại trên Google Maps, thấy Hollywood mới gần làm sao. Và cũng dễ hiểu khi Disney rồi NBC Studios, rồi trụ sở của Warner Bros. Pictures đều quy tụ ở thành phố vệ tinh này cả.

Rời thành phố và trên xa lộ

Khách lên xe cũng đông, xe kín người. Có hai người lên ngồi ghế hàng đầu như chúng tôi nhưng phía bên kia, một ông trung niên, mảnh dẻ, cao dong dỏng, treo cái cặp đựng laptop. Người phụ nữ độ 30, khoác ba lô to đùng, tay xách túi ni lông đựng mấy hộp đồ ăn sẵn với can nước, trông dáng vẻ rất nghệ sĩ. Có vẻ như họ không đi cùng nhau. Ngồi yên ổn vào chỗ, người đàn ông lấy laptop ra, lấy trong cặp ra thêm một tập giấy, đọc đọc, gõ gõ, xóa xóa. Còn người phụ nữ bắt đầu buôn dưa rôm rả qua điện thoại, giọng to có lẽ khắp xe đều nghe thấy, về những gì đó như buổi diễn, âm nhạc… Lẽ nào họ là nhà biên kịch và diễn viên, vừa xong việc ở Hollywood, nay lên đường trở về nhà. Xe chuyển bánh, rồi lao ra xa lộ, và bây giờ phóng rất nhanh. Tôi ngả người nhìn phong cảnh trước mắt và hai bên. Thỉnh thoảng những cây phượng tím hai bên đường như còn muốn níu giữ tôi ở lại. Người phụ nữ vừa ngừng một chút để ăn hộp thức ăn mang theo, như để lấy thêm sức, rồi lại tiếp tục diễn màn nói chuyện vô duyên của mình. Đến lúc này tôi trách mình đã không mang theo nút tai để khỏi nghe cái loa không ngừng nghỉ này…

Bus lao rất nhanh trên xa lộ liên bang. Mặc dù ngồi tầng 2 cao ngất ngưởng, nhưng chúng tôi không còn thấy cảm giác sợ hãi hôm nào khi đi từ Las Vegas đến LA. Con gái ngồi hàng ghế sau đã ngủ gật gù, hai tai kín nút nghe, không biết là để nghe nhạc hay để tránh tiếng nói ồn ã từ phía trước. Thi tốt nghiệp, rồi lễ tốt nghiệp, rồi lo tổ chức chuyến đi cho bố mẹ, cô bé mệt nhoài, có lẽ vì lần đầu tiên lãnh trách nhiệm nặng nề làm hướng dẫn viên cho bố mẹ. Đằng sau chúng tôi phần lớn hành khách cũng ngủ. Họ không phải là khách du lịch như chúng tôi. Nhiều người gốc Á, nhiều người dáng vẻ như từ Trung-Nam Mỹ. Già có, trẻ có. Đa phần mệt mỏi và lam lũ. Nhớ lại lời con gái khi lên kế hoạch đi từ LA đến San Francisco: “Ta hãy thuê xe lái dọc bờ biển sẽ rất đẹp. Còn nếu đi xe bus thì bố mẹ phải chuẩn bị tinh thần, chỉ có người nghèo mới đi xe bus thôi!”. Xe không thuê được. Định làm người hơi trung lưu một chút trên đất Mỹ mà không xong. Thôi ta lại về đúng phận của mình vậy!

Không được ngắm bờ Thái Bình Dương, nhưng tôi cũng không lấy làm tiếc. Phong cảnh hai bên đường xa lộ hùng vĩ, khắc nghiệt nhưng cũng nên thơ đến không ngờ. Santa Clarita, thành phố lớn thứ ba của quận Los Angeles đã lùi lại sau với Woodlans Park. Rồi đến công viên giải trí Six Flags Magic Mountain nổi tiếng tại Castais Junction. Rồi xe bắt đầu dần dần leo lên cao tiến vào địa phận Castai. Đầu tiên chỉ thấy núi đồi cằn cỗi nhấp nhô với màu xám và vàng. Những bụi cây thâm thấp lúp xúp. Xa lộ liên bang 5 mỗi chiều 4-5 làn xe xuyên qua núi lên đến đỉnh đèoTejon ở độ cao 1,263 m rồi hạ dần xuống bình nguyên, tiến vào vùng đất Bakersfield của quận Kern. Bus chạy xuyên qua những cánh đồng cải vàng óng, rồi nho, hạnh nhân, cam, quýt … ngút ngát tầm mắt. Có cảm giác như xa lộ 5 là một đường kẻ thẳng. Tôi để ý có lúc dễ tới hành chục, thậm chí hàng trăm ki lô mét đường thẳng tít tắp qua bao la đồng ruộng. Từng đi xe bus từ Budapest đến Roma, từ Lisbon đến Tavira (thành phố cực tây nam của Bồ Đào Nha) tôi chưa thấy ở đâu có đường thẳng tắp kéo dài như ở đây.

Bạt ngàn cánh đồng cây ăn quả hai bên đường đi

Trên bạt ngàn đồng ruộng đó chỉ thi thoảng mới thấy đôi ba cái xe, đôi ba bóng người, mà đồng không thấy cỏ, cây đứng thẳng tắp hàng lối, có nơi đất âm ẩm dưới gốc cây. Nhìn kỹ tôi nhận ra phía dưới gốc cây có những ống nước nhú lên và nước tưới cho cây từ đó. Xe con, xe khách, và cả những xe tải conteno chở hàng dài ngoằng, cao lừng lững cứ nối đuôi nhau chạy. Thi thoảng bus của chúng tôi vượt qua những chiếc xe tải to, dài như thế, tôi lại thấy sờ sợ, nhất là khi vượt đèo. Nó mà huých cho cái thì thôi rồi, lăn xuống vực là cái chắc! Đáng ngạc nhiên hơn, trên quãng đường gần 560 km từ Las Vegas đến LA tôi không hề thấy có trạm thu phí/ thu giá nào mà chỉ có những trạm cân trọng lượng dành cho xe tải nằm ven xa lộ!

Bakersfield, cái tên nghe quen quá. Có phải đây là quê hương của nhạc đồng quê xuất hiện vào những năm 50 của thế kỷ trước, từ khi tôi chưa có mặt trên đời này? Xe vẫn cứ chạy, mắt mỏi dần vì chỉ thấy cánh đồng bằng phẳng màu sắc thay đổi loang loáng theo tốc độ xe. Tôi thiếp đi không biết bao lâu rồi bừng tỉnh khi xe dừng khựng lại. Lái xe tuyên bố xe dừng 30 phút cho khách xuống giải lao. Xe dừng lại tại Lost Hills, một thị trấn nhỏ xíu của quận Kern, là nơi ấn định cho điều tra dân số, chứ chưa được chính thức thành thị trấn. Nhưng trạm nghỉ dành cho các phương tiện giao thông của xa lộ 5 hình như cách xa khu dân cư chủ yếu sống bằng nghề nông. Trạm nằm cô quạnh giữa cánh đồng, với những tiệm ăn, trạm xăng, nhà nghỉ… hình hộp tường vàng, mái đỏ thâm thấp lúp xúp chen chúc giữa các bãi xe rộng.

Không chỉ có Megabus của chúng tôi, mà còn nhiều loại xe nữa cũng đang nghỉ lại. Khách lục tục xuống xe. Chúng tôi theo đoàn người vào Mcdonal gần nơi xe đỗ. Nhiều người vào đi vệ sinh và mua đồ ăn. Chúng tôi như một vài người khác ngồi lại bên vệ đường, lấy bánh mì kẹp nhân đã mua ở subway nhà ga LA ra ăn. Con gái còn tranh thủ chạy vào tiệm, rót đầy nước uống vào chai mang lên xe. Trời nắng, nhưng gió và nhiệt độ vẫn không hơn là mấy so với mấy ngày ở LA. Dù sao không khí giữa thảo nguyên cũng làm cho ta sảng khoái hơn, sau khi đã được nạp năng lượng và đi đi lại lại cho đỡ chồn chân mỏi gối vì mấy tiếng ngồi trên xe.

Xe lại tiếp tục chuyển bánh. Đầu tiên qua Avenal, rồi đến Coalinga. Phong cảnh hai bên vẫn thế. Đồng tiếp đồng. Hết xanh, đến vàng rồi nâu xám. Qua Kettleman City thì hai bên đường chỉ là những cánh đồng cỏ khô vàng hoe. Khô quá. Lúc này tôi mới không thấy ngạc nhiên sao ở California lại hay có nạn cháy đến như vậy. Rồi Mendota, rồi Firebaugh, xe lao vào vùng thuộc Los Banos, hai bên đường những đồi cỏ vàng khô như những chiếc bát khổng lồ úp sấp. Vàng chỉ thấy màu vàng. Cái màu làm ta liên tưởng đến tranh của Van Gogh. Xa lộ liên bang 5 còn tiếp tục chạy lên hướng bắc về phía Sacramento thành phố thủ phủ của California.

Nhưng xe của chúng tôi đã tạm biệt đường 5, rẽ sang hướng tây vào quận lộ 152, tiến vào vùng San Luis Reservoir. Vẫn những đồi vàng nhấp nhô hai bên đường, nhưng bên hướng tây, giữa những quả đồi thấy hiện lên màu xám xanh bàng bạc của mặt nước hồ chứa. Đó là hồ chứa nước lớn thứ năm của bang, nằng trong hệ thống trạm bơm, đập ngăn nước và kênh rạch cung cấp nước tưới cho cả vùng. Những cánh đồng hoa quả xanh mượt, những rặng cây xanh cây đây đó nhô lên giữa vô vàn đồi vàng cỏ khô nhờ có hệ thống này mới được như vậy chăng. Và có lẽ cũng nhờ hệ thông kênh rạch này mới có Công viên thiên nhiên Pachero của bang, trải dài phía bên đường quận lộ 152. Qua đèo Pachero, xe chở chúng tôi trên con đường giờ chỉ còn có hai làn chạy, vòng vèo qua các thị trấn làng mạc. Xa xa vẫn cứ nhấp nhô đồi vàng mâm xôi úp thoai thoải với những khóm cây xanh mọc rất vô tổ chức.

 

Sắp đến San Francisco

Tôi mỏi mắt gật gù thiếp đi, để rồi lại choàng tỉnh với tiếng buôn choe chóe của bạn đường bên cạnh. Cô này lúc trước ngủ, để cho người ngồi cạnh cô ta thỏa sức gõ laptop và tiếp tục gạch xóa kịch bản – ấy là tôi đoán thế. Bị cô ta đánh thức, nhưng bây giờ tôi lại không thấy bực. Hai bên đường thấy có những chòi nhỏ rao bán anh đào, và các loại hoa quả. Nếu thay vào sạp anh đào là sạp cam, có khi lại lầm tưởng mình đang đi trên đường mòn Hồ Chí Minh qua đoạn Thanh Hóa hay Nghệ An gì đó, dừng chân ghé xuống mua cam, và còn bị mắng xơi xơi vì trả rẻ. Bật cười vì sự liên tưởng này, tôi tỉnh hẳn.

Hình như xe vừa chạy ngang qua địa phận của Gilroy thuộc quận Santa Clara, nổi tiếng với lễ hội tỏi (Gilroy Garlic Festival), với các sản phẩm nông nghiệp được chế biến từ tỏi. Nghe nói kem tỏi của Gilroy rất ngon, nổi tiếng mang đến tên gọi Thủ đô Tỏi thế giới về cho thành phố này. Giá được nếm kem tỏi lúc này thì hay biết mấy, vì nắng bắt đầu chiếu thẳng vào mặt khiến ta có cảm giác cơn khát đang đến. Nhưng chắc xe khách bên này không có lệ thích là dừng lại, hay các bác tài cũng không thỏa thuận với những người bán hàng ở những vùng đi qua cho khách xuống mua hàng để ăn hoa hồng như ở Việt Nam. Bus chạy tít tắp, mặc cho khách Việt balo này thèm kem tỏi đến rỏ nước dãi!

Xe chạy vào quận lộ 101, qua các vùng phụ cận của Morgan Hill như San Martin, hay Coyote Lake. Đường lại mở rộng, 4 làn mỗi chiều. Đội ngũ Wikipedia bảo Morgan Hill nhiều hồ, và hồ chứa nước. Nhiều sồi, và các cánh đồng nho. Vùng rượu ngon nổi tiếng. Rằng cuộc sống nơi đây đắt đỏ lắm, vì dân của thung lũng Silicon ở đây khá đông, trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia, công nghệ cao cũng ở đây… Nhưng xe của chúng tôi chỉ chạy nhanh qua thành phố. Nên Morgan Hill chưa kịp để lại ấn tượng gì sâu sắc trong tôi. Cho đến khi trên các biển báo xuất hiện tên San José. Thành phố tôi nghe đến rất nhiều là đây. Thung lũng Hoa vàng của người Việt là đây.

Tôi ngó nghiêng phải trái để nhìn phong cảnh. Trên xe, hành khách, kể cả cô láng giềng lắm lời của chúng tôi bắt đầu lục tục. San José là điểm đỗ thứ hai của tuyến xe. Bus đỗ lại Diridon Caltrain Station. Hành khách xuống xe, nhận hành lý. Chỉ mươi phút, xe tiếp tục chạy, chầm chầm qua downtown. Phượng tím rất nhiều, và tất nhiên cả hoa vàng hai bên phố. Ngắm thành phố đông dân thứ ba của California qua cửa sổ của xe, trong vòng mấy mươi phút này thì thật như là chưa đến. Sau này liệu có nhớ lại, chắc chỉ nhớ cảm giác nhẹ nhõm khi thoát khỏi “cô bạn” lắm lời, và cảm giác ngạc nhiên khi “nhà biên kịch” cất tiếng, tất nhiên không phải với chúng tôi, mà qua điện thoại với người nào đó. Hình như ông hẹn gặp ai đó để nói về bản thảo.

Chặng đường tiếp theo đến Oakland đúng là cực hình. Theo lịch trình xe chạy từ San José đến Oakland là 1 giờ đồng hồ. Nhưng xe phải chạy đến 2 tiếng. Đường rộng rãi thênh thang không biết bao nhiêu thước, mỗi chiều vẫn 4 và 5 làn xe. Từ hướng ngược lại với chúng tôi xe cộ thong dong chạy, còn chúng tôi bò ra trên đường. Xe, sao mà nhiều xe đến thế! Có phải là giờ tan tầm nên mới đông thế này? Hay sau đợt nghỉ dài dân tình quay trở lại nơi làm việc. Nắng quái xế chiều chiếu thẳng vào mặt. Đã hạ màn che nắng, đeo kính râm lên, mà vẫn cảm thấy ánh nắng xuyên kính. Chẳng còn hứng thú ngắm nhìn xe chạy, và có lẽ ngồi đến 7 giờ trên xe cũng đã thấm mệt rồi, nên tôi thử nghĩ đến điểm tiếp theo chúng tôi sẽ đến.

Tại sao địa danh lại là Oakland? Ở đây nhiều sồi lắm hay sao? Có lẽ là vậy. Sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết xung quanh thành phố là vùng đồi với rất nhiều sồi và hồng sam. Ở đây còn có công viên hồng sam nữa. Thế nhưng lá cây tôi chạm được vào ở “Đất sồi” này lại là lá sấu! Xe dừng lại tại West Oakland Bart. Hành khách trên xe xuống rất nhiều. Tưởng trả hết khách xe sẽ chạy, nhưng không. Đổi người lái. Tôi muốn xuống xe duỗi chân một chút, nhưng người lái xe đã già không cho “madamme” này xuống, bảo xe chạy ngay bây giờ. Tôi đành ấm ức lên lại xe, và với tay bứt lá cành cây chọc qua cửa xe. Sao giống lá sấu thế này, và vò thử, mùi chua chua dìu dịu của sấu. Nhìn cây, không hoa mà cũng không quả! Sao sấu lại mọc ở nơi đây. Dù đã chê và tránh món ăn yêu thích của vị Tổng thống nước chủ nhà (Mỹ) và mấy ngày qua chỉ ăn các món Việt, Tàu, Nhật, Philippines song lúc này tôi thấy thèm rau muống luộc, nước dầm sấu quá.

Mấy chục phút xe dừng, tôi ngắm nhìn đường phố thấy không ồn ào, náo nhiệt như Las Vegas Los Angeles hay ngay cả Denver. Một số người thong dong đạp xe, một số người chậm rãi đi bộ. Tôi bảo con: thành phố này có vẻ thanh bình. Nhưng con gái cho biết: Oakland là thành phố có tỉ lệ người da đen nhiều nhất ở nước Mỹ và cũng nổi tiếng nhiều tội phạm.

Chừng 15 phút sau, người lái mới đến thay. Một người đàn ông da màu xin lỗi hành khách vì phải chờ. Chúng ta chỉ còn khoảng 20 phút nữa thôi sẽ về đến San Francisco. Từ đây trở đi xe chạy chậm hơn và sau chừng 5 phút chúng tôi đã nhìn thấy vịnh San Francisco. Rồi xe đi qua cầu San Francisco–Oakland Bay Bridge nối Oakland (phía đông) với San Francisco (phía tây). Đây là cây cầu dài nhất nước Mỹ cho đến nay và mỗi ngày có khoảng 260.000 xe đi qua mỗi chiều.

Trên cầu nối Oakland và San Francisco

Sau khi xe đến chỗ trả khách cuối cùng, con gái gọi uber và chúng tôi đi về khách sạn. Lái uber là một nam trung niên người Philippine. Biết chúng tôi là người Việt Nam, anh ta vui vẻ và chuyện trò rất hào hứng. Anh ta khoe có một người bạn Việt Nam ở San Francisco và giới thiệu cho chúng tôi một vài nhà hàng Việt ở trung tâm thành phố. Đúng 20 giờ chúng tôi check in vào một khách sạn bình dân ở trung tâm, gần Union Square. Khách sạn là một tòa nhà cũ với 7 tầng, song cũng may là có cầu thang máy mặc dù chỉ đủ cho 4,5 người với cửa sắt kéo. Xếp đồ xong thì đã muộn. Chưa kịp tìm nhà hàng Việt, chúng tôi xuống một tiệm McDonal gần đó mua đồ ăn tối. Lần đầu tiên thưởng thức món ăn của người Mỹ sau 10 ngày ở Mỹ.

Vậy là cũng ngồi xe bus, nhưng khác với từ Las Vegas đến LA, lần này chuyến đi của chúng tôi dễ chịu, thú vị hơn rất nhiều, nhất là được mục kích phong cảnh hấp dẫn của miền tây nước Mỹ mà nếu như ngồi trong máy bay không thể nào thấy được.

Thật là những trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ!

Bài và ảnh Việt Xuân (San Francisco-Helsinki tháng 5-6/2019)

Bài đã đăng trên báo Tầm Nhìn (https://tamnhin.net.vn/ky-5-rong-ruoi-ky-thu-tren-xa-lo-mien-tay-72859.html)

NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐÁNG NHỚ TRÊN ĐẤT MỸ (kỳ IV)

Kỳ 4: Thăm thành phố “thiên thần” và đi tìm thần tượng Hollywood

Thành phố “thiên thần” – Los Angeles

Xuống khỏi chiếc xe kinh hoàng của tài xế người Tàu kỳ cục gần Union Station, chúng tôi đi bộ về khách sạn nằm cạnh khu Little Tokyo, ở Downtown Los Angeles. Con gái bảo Google Map cho biết đi bộ đến đấy mất chừng 20 phút, nên chúng tôi không đi uber mà cuốc bộ để vừa đi vừa ngắm nhìn đường phố. Nhưng vì bị hành sau một chặng đường hơn 400 km nên gần nửa tiếng chúng tôi mới về được đến nơi. Bất ngờ đầu tiên đến với tôi nơi đây là hai hình ảnh trái ngược trên đường phố. Bên cạnh rất nhiều cây phượng tím bắt đầu rắc hoa rất đẹp xuống vệ đường, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chiếc lều bạt đủ màu, nhếch nhác của những người vô gia cư rải rác trên vỉa hè, trong các công viên.

Trước đây tôi chỉ mới nghe nói đến và nhìn hoa phượng tím qua ảnh. Đây là lần đầu tiên được mục kích tận mắt, lại ở trên đường phố Los Angeles, nơi tôi hình dung cọ là loại cây chiếm ưu thế như từng xem qua một số bộ phim của Hollywood. Thật ra, trước khi vào đến trung tâm thành phố, tôi đã nhìn thấy khá nhiều cây phượng tím từ ngoại ô. Nhưng ngồi trên chiếc xe chạy như bị ma đuổi, tôi không thể yên tâm nhìn ngó và chụp ảnh được chúng.

Los Angeles (người Mỹ thường nói tắt là LA – el êi) cùng với New York là hai thành phố của nước Mỹ được thế giới biết đến nhiều nhất. Đây là thành phố đông đúc nhất bang California và thứ hai ở Mỹ, sau New York, với dân số hiện nay khoảng 4 triệu người. Thế nhưng có lẽ ít người biết rằng cách đây chừng 1 thế kỷ (vào năm 1910) cư dân nơi đây chỉ mới có chừng hơn 100 ngàn. Nói đến Los Angeles người ta nghĩ ngay đến kinh đô điện ảnh Hollywood và những địa danh nổi tiếng như, Đồi Hollywood, Phim trường Universal, Nhà hát Walt Disney, Nhà hát Dolby (trước đây là Codak), Đại lộ Danh vọng (Hollywood Walk of Fame), Disneyland. Ngoài ra nơi đây còn có những bảo tàng lớn như Getty Center, Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, The Broad (Bảo tàng Nghệ thuật đương đại), California Science Center và có trụ sở của các hãng truyền thông nổi tiếng như: ABC, CBS, Fox, NBC và tờ báo lớn như Los Angeles Times.

Lều của người vô gia cư trên vỉa hè Downtown LA (ảnh: VX)

Ý nghĩa “thiên thần” trong tiếng Tây Ban Nha của tên gọi Los Angeles phần nào đã nói lên sự hấp dẫn, quyến rũ của thành phố này. Los Angeles thường được coi là “Thủ đô sáng tạo của thế giới”, bởi vì nghe đâu cứ sáu người dân thì có một người làm việc trong một ngành công nghiệp sáng tạo và có nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà làm phim, diễn viên, vũ công và nhạc sĩ sống và làm việc tại Los Angeles hơn bất kỳ thành phố nào khác từ trước đến nay trên thế giới.

Với sự đa dạng, giàu có về văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh như vậy, chỉ trong hai ngày ba đêm lưu lại nơi đây, thật khó lựa chọn với chúng tôi. May có con gái đi cùng, chúng tôi tùy theo con quyết định. Bữa tối hôm đó chúng tôi đi ăn ở một nhà hàng Nhật. Người đến ăn đông phải xếp hàng chờ chừng 15 phút, chúng tôi mới có được chỗ ngồi. Tôi để ý thấy nhân viên của nhà hàng toàn con trai, chắc toàn ở độ tuổi U30.

Người châu Á chiếm 11% dân số Los Angeles, nhiều nhất là người Philippines (3,2%) và người Hàn Quốc (2,9%). Người Tàu (1,8%), Nhật tương đương với Ấn Độ (0,9%), người Việt chiếm 0,5%, người Thái và Campuchia, chiếm lần lượt 0,3% và 0,1%. Hầu hết các cộng đồng này đều có các khu cư trú riêng. Người Tàu có Chinatown, người Hàn có Koreatown, người Philippine có Filipinotown, người Nhật Little Tokyo. Tôi ngạc nhiên thấy người gốc Việt chiểm tới 0.5% ở Los Angeles song ở đây không thấy có Viettown hay Little Saigon (như ở San Francisco) trong khi người Thái ít hơn có Thaitown. Hình như người Việt đa phần ở rải rác trong các khu châu Á khác như Chinatown và Little Tokyo?

Bất ngờ với Bảo tàng Nghệ thuật đương đại The Broad

Sáng hôm sau, chúng tôi rời khách sạn theo điện thoại con gái đi bộ đến The Broad nằm trên đường Grand, đối diện với Nhà hát Walt Disney. Cái tên The Broad không gợi lên điều gì liên quan đến bảo tàng nên lúc đầu tôi băn khoăn, không hiểu con gái đưa chúng tôi đi đâu, xem gì. Nhưng vì đã phó thác cho con lên chương trình nên tôi lặng lẽ đi theo. Khi còn cách một con phố, nhìn thấy một tòa nhà to, phía ngoài có hai dãy dài người đang xếp hàng ngoằn ngoèo tôi hỏi con gái: tòa nhà gì đằng kia mà người xếp hàng dài thế. Con gái bảo đó là nơi hôm nay mình đến. Lúc đó tôi mới lờ mờ hiểu.

10 giờ 30 chúng tôi đến nơi. Xếp hàng chờ hơn 1 tiếng mới vào được bên trong bảo tàng. Khi phải chờ ở bên trong trước lúc lên tầng trên xem triển lãm, tôi đọc cuốn sách giới thiệu về sự ra đời và bộ sưu tập của The Broad thì được biết đây Bảo tàng Nghệ thuật đương đại do hai vợ chồng nhà hảo tâm Eli và Edythe Broad hiến tiền (140 triệu USD) và các tác phẩm nghệ thuật để lập nên. Tòa bảo tàng gồm ba tầng với diện tích 4,600 m2 nằm trên đại lộ Grand ở trung tâm Los Angeles, được khánh thành năm 2015 và cho khách tới thăm vào cửa miễn phí. The Broad có bộ sưu tập gồm 2.000 tác phẩm nghệ thuật của 200 họa sĩ, nhà điêu khắc do Eli và Edythe Broad sưu tập trong vòng năm thập kỷ qua. Đây là một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đương đại nổi tiếng nhất thế giới.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, Eli Broad viết: “Edye và tôi hân hạnh xây The Broad, một bảo tàng 120 000 foot vuông, tài trợ một số vốn cho hoạt động của nó và hiến tặng 2 000 tác phẩm hội họa đương đại trong bộ sưu tập của chúng tôi như một món quà tặng cho thành phố Los Angeles. Chúng tôi là những người sưu tập hơn 70 năm nay. Tôi bắt khởi đầu nghiệp sưu tập khi mới 5 tuổi với các con tem. Edye bắt đầu sưu tầm khi 12 tuổi.

Ông kể lại một vài kỉ niệm thú vị về việc sưu tập tranh của vợ chồng ông. Ngạc nhiên với tôi nhất là năm 1972 họ mua bức tranh Cabanes à Saintes-Maries, vẽ bằng mực năm 1888 của Vincent van Gogh với giá lúc bấy giờ là 95.000 USD, trong khi ngôi nhà đầu tiên của ông bà chỉ có giá… 16.000 USD! Đến năm 1984 nhà của họ trở nên quá chật vì các tác phẩm họ sưu tập nên họ quyết định thành lập Quỹ Nghệ thuật Broad (The Broad Art Foundation) nhằm thực hiện hai mục đích: “tiếp tục sưu tập và xây dựng một sưu tập công cộng về nghệ thuật đương đại có thể phục vụ cho các bảo tàng trên khắp thế giới”.

Ông cho biết: Quỹ đã cho 500 bảo tàng trên khắp thế giới mượn 8.000 tác phẩm trong 30 năm qua. Đọc những dòng ông viết, nhìn cơ ngơi của tòa bảo tàng, tôi không biết nói gì hơn là bái phục. Mở đầu phần giới thiệu bộ sưu tập dẫn lại câu nói của ông: “I like the fact that art reflects what’s happening in the world, how artists see the world.” (Tôi thích thực tế là nghệ thuật phản ánh những gì đang xảy ra trên thế giới, các nghệ sĩ nhìn thế giới như thế nào).

Hôm chúng tôi đến xem, bên cạnh các tác phẩm trong bộ sưu tập của bảo tàng được trưng bày trong một số phòng, còn có hai triển lãm các tác phẩm hội họa hiện đại và sắp đặt của một số họa sĩ trên thế giới. Đáng chú ý có hai tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Nhật Bản, Yayoi Kusama (1929-): The Souls of Millions of Light Years Away và Longing for Eternity. Đây là hai tác phẩm rất độc đáo và nổi tiếng của bà từng được triển lãm ở nhiều bảo tàng trên thế giới trong đó có bảo tàng Nghệ thuật Helsinki năm 2016. Để vào xem được hai tác phẩm này ở The Broad chúng tôi lại phải xếp hàng chờ gần nửa tiếng nữa, vì mỗi lần chỉ được bốn người xem cùng lúc.

Trong phòng gương của họa sĩ Yayoi Kusama trong The Broad (ảnh: VX)

Lang thang trong bảo tàng này tôi cứ nghĩ mãi về cái tên: The Broad lấy từ tên họ của người sáng lập: Eli Broad Eli và Edythe Broad, vợ ông. Nếu chỉ đọc qua cái tên đó, hẳn ít ai nghĩ đấy là một bảo tàng nghệ thuật, bởi nó không có gì khiến người ta liên tưởng đến nghệ thuật. Có lẽ vì bệnh nghề nghiệp, nên khi đọc tên bảo tàng này lên tôi cứ miên man nghĩ về những tên nước ngoài của các trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, chung cư nhan nhản ở Việt Nam hiện nay, dù chủ nhân, cũng như đối tượng phục vụ của chúng tuyệt đại đa phần là người Việt. Rồi tôi lại nghĩ đến sự biến mất của những cái tên như: Đại học Tổng hợp, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm… , hay một loạt sân bay Việt Nam nay chuyển thành “Cảng hàng không” và gắn thêm hai chữ “Quốc tế”. Trong khi đó hàng loạt sân bay ở nhiều nước trên thế giới như: Schiphol (Amsterdam), Heathrow, Gatwick (London)… không hề mang hai chữ “quốc tế” nhưng mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay từ trên khắp thế giới đến và đi.

Người ta thường nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Sự thay đổi gây nên nhiều xáo trộn tạo và nhất là tạo nên sự đứt gãy với truyền thống. Quanh quẩn với ý nghĩ này tôi lại nghĩ đến việc cách đây mấy năm sân bay Helsinki-Vanta ở Phần Lan dự định đổi tên để dễ bề tiếp thị, song cuối cùng dự định đó không thành vì nhiều người phản đối. Và hôm đi thăm bảo tàng Lịch sử Colorado ở Mỹ mới đây, con gái kể cho chúng tôi nghe Đại học Colorado College vừa đổi tên Amstrong Quad lớn nhất của trường thành Tava Quad (Sân Tava) để lấy lại tên cũ “Tava” (nghĩa là “Núi Mặt trời”) mà người một bộ tộc bản địa ở vùng này từng đặt cho ngọn núi cao nhất ở Colorado hiện nay gọi là Pikes Peak…

Rời The Broad, chúng tôi sang Nhà hát Walt Disney (Walt Disney Theater) ở phố bên cạnh. Nhà hát với 2.265 chỗ ngồi này đi vào hoạt động năm 2003, là sở hữu của Dàn nhạc Giao hưởng Los Angeles được Lillian Disney, một họa sĩ đồ họa, tặng thành phố Los Angeles để tưởng nhớ người chồng là Walt Disney với số tiền ban đầu 50 triệu đô la Mỹ vào năm 1987. Nhưng không may, lúc đó đang có buổi biểu diễn hay luyện tập gì đó phía tầng trên nên chúng tôi chỉ được nghe tiếng nhạc vọng xuống mà không được phép lên tầng trên để tham quan bên trong nhà hát có kiến trúc nhìn bên ngoài rất độc đáo này. Chúng tôi đành chụp vài kiểu ảnh dù trời không đẹp lắm rồi đi đến Grand Central Market ăn trưa ở một quán ăn của người Philippine. Một khu chợ đông đúc, ồn ào và nhộn nhịp, được mở từ năm 1917 và hoạt động liên tục từ đó đến nay gợi tôi nhớ đến chợ Đồng Xuân, Hà Nội trước đây. Ở đây có quán ẩm thực của rất nhiều nền văn hóa khác nhau.

Sau khi được tiếp thêm nhiên liệu, chúng tôi lên xe bus đi đến Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles (Los Angeles County Museum of Art – LACMA), cách trung tâm khoảng 30 phút. Được biết LACMA là bảo tàng nghệ thuật lớn nhất ở miền tây nước Mỹ, thành lập năm 1961 và mỗi năm thu hút gần một triệu khách viếng thăm. Bảo tàng sở hữu hơn 120.000 tác phẩm trải dài trong lịch sử nghệ thuật từ thời cổ đại đến nay từ trên khắp thế giới, trong đó đáng chú ý có bộ sưu tập các tác phẩm châu Á (Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc) rất phong phú. Ngoài các triển lãm nghệ thuật, bảo tàng còn có các hội thảo, chiếu phim và hòa nhạc.

Tác phẩm Urban Light ở LACMA (ảnh: VX)

Đặc biệt, LACMA được biết đến nhiều nhất với tác phẩm tượng cột đèn ngoài trời sát đường phố, nằm giữa hai tòa nhà của bảo tàng. Một tác phẩm sắp đặt có trật tự, nhiều tầng gồm 202 đèn đường bằng gang cổ từ nhiều thành phố khác nhau trong và xung quanh khu vực Los Angeles. Khách du lịch đến đây ai cũng len vào giữa các hàng cột đèn này để chụp vài kiểu ảnh làm kỉ niệm. Vào buổi tối đèn đường được phát sáng nhờ năng lượng từ các tấm pin mặt trời trên mái của Cổng vào chính sẽ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật rất đặc sắc. Thật thiệt thòi là chúng tôi đến đây khi trời vẫn còn sáng nên không được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của của những ngọn đèn này tạo nên vào ban đêm.

Không thể chờ trời tối được, chúng tôi lại lên xe bus sau đó chuyển sang metro để về Union Station. Từ Union Station chúng tôi đi bộ đến Chinatown cách đó chừng 15 phút đi bộ để và vào một quán ăn Việt Nam có tên Blossom ở đây để ăn tối. Theo chấm điểm của du khách trên internet, Blossom là một trong 15 nhà hàng Việt được đánh giá tốt nhất ở Los Angeles. Bức tượng của Tôn Trung Sơn với cờ Mỹ treo bên cạnh cờ Đài Loan ở ngay sau cổng vào Chinatown này cho thấy khu này chắc phần đông là người Hoa gốc Đài Loan. Khu này được thành lập từ năm 1938. Hiện nay ở Los Angeles có khoảng 20.000 người Hoa, hai trường học và một thư viện chi nhánh ở Chinatown và một bảo tàng Người Mỹ gốc Hoa (Chinese American Museum) ở Los Angeles. Khách sạn chúng tôi ở nằm không xa bảo tàng này và mỗi lần đi qua nó, tôi cứ thắc mắc, không biết đã có bảo tàng tương tự của người Việt ở nước nào chưa? Rồi tôi lại nghĩ liệu trong tương lai sẽ có bảo tàng Người Đức, người Hung, người Ba Lan, người Czeck…gốc Việt ở các nước này?

Đại lộ Danh vọng Hollywood thu hút trên dưới 10 triệu du khách mỗi năm!

Sáng hôm sau, chúng tôi đi bộ tới Union Station rồi từ đây đi Metro Đỏ (Red Line) tới bến Hollywood Vine để lên Hollywood Walk of Fame mà nhiều người Việt gọi là Đại lộ Danh vọng. Ai từng đến Los Angeles một lần hẳn thể nào cũng dành thời gian đến nơi đây để được chạm tay vào ngôi sao ghi tên hoặc chữ ký của 2.600 ngôi sao nổi tiếng của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới: nhạc sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, nhóm nhạc kịch và sân khấu, nhân vật hư cấu và những người khác. Các “tượng đài” này phần lớn được làm bằng đất nung và đồng thau năm cánh được đặt trên vỉa hè dọc theo 15 khối nhà trên Đại lộ Hollywood và 3 dãy phố Vine ở Hollywood. Đại lộ Danh vọng là một điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Los Angeles, mỗi năm thu hút trên dưới 10 triệu du khách thăm.

Dọc theo 2 con đường này còn có Nhà hát Dolby (trước đây là nhà hát Kodak), nơi hàng năm tổ chức lễ trao giải Oscar và Hollywood & Highland Center, tổ hợp mua sắm và giải trí rộng tới 36 000 mét vuông. Từ trên cầu thang nối trên tầng ba của tổ hợp này có thể nhìn thấy dòng chữ Hollywood trên lưng chừng núi phía xa xa. Vì thế, những ai không đến được nơi đó thường lên đây để có một tấm ảnh với dòng chữ Hollywood làm hình nền. Trong tổ hợp này còn có một nhà hát mang tên Chinese Theatre (trước đây có tên là Grauman’s Chinese Theatre). Ít người biết rằng trước sân của nhà hát này có tên và chữ ký, dấu bàn tay hoặc bàn chân của một số ngôi sao điện ảnh nổi tiếng khắc trên nền xi măng, khó tìm hơn so với tên khắc trong các ngôi sao trên vỉa hè Đại lộ Danh vọng. Vì thế trong khi vợ và con gái không khó khăn lắm để đặt tay lên ngôi sao của các minh tinh mà mình yêu thích: Meryl Streep, The Carpenters, Peter Jackson, thì phải một lúc lâu chúng tôi mới tìm thấy dấu tay và chữ ký của Clinton Eastwood, diễn viên nổi tiếng trong hai bộ phim “For a Few Dollars More” và “The Good, the Bad and the Ugly” của đạo diễn người Italia, Luciano Vincenzoni, mà tôi yêu thích. Cũng ở đây chúng tôi phát hiện ra rằng có người như Meryl Streep vừa có tên và chữ ký khắc ở nhà hát này, vừa có tên trong một ngôi sao trên vỉa hè Đại lộ Danh vọng.


 Không dấu được niềm vui khi tìm thấy ngôi sao yêu thích

Đi hết Đại lộ Danh vọng, chúng tôi tìm đến một nhà hàng Thái cách đó không xa. Một nhà với biển quảng cáo khiêm tốn nằm khuất trong đường nhánh, nhưng khi chúng tôi đến đã cuối giờ ăn trưa mà vẫn phải xếp hàng chờ. Vì vậy tận 3 giờ chiều chúng tôi mới rời khỏi được nhà hàng trở lại Đại lộ Danh vọng để lên xe bus, sau đó lên metro đi ra bãi biển Santa Monica. Phải hơn 1 giờ sau chúng tôi mới đến được bãi biển năm cuối đại lộ Colorado. Santa Monica là một bãi biển công cộng dài 5, 6 km nằm trên bờ biển Thái Bình dương. Trên đường từ bến Metro ra tới bãi biển dòng người đi về và đi ra đông như trẩy hội.

Chúng tôi ra đây đúng vào Memorial Day (Ngày tạ ơn) ở Mỹ, nên một ấn tượng khó quên đập ngay vào mắt tôi: một bãi cây thánh giá với hai màu: đỏ và trắng bằng gỗ cắm trên cát, ở giữa là hai chiếc quan tài phủ quốc kỳ Mỹ, cạnh đó là một số đôi giày cũ. Lẫn trong bãi thánh giá đó có vài cọc gắn sao vàng và liềm hay hình mặt trăng. Lại gần tôi mới biết đấy là các nhóm cựu chiến binh nào đó đã “bày vẽ” ra hoạt động này để quyên tiền cho hoạt động tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh. Tôi thầm đoán có thể hai màu sắc đó biểu tượng cho những người lính không bao giờ trở về từ cả hai bên chiến tuyến.

Dưới bãi biển gần mép nước, cơ man nào là người, phần đông là người trẻ và trẻ em đang nằm, ngồi, chạy nhảy giỡn đùa với sóng. Tôi nhìn chung quanh và nhận thấy phần đông người ở đây cũng là người da màu và khách du lịch. Chúng tôi ngồi trên cát một lúc. Tôi xuống mép nước vốc nước biển vào tay rồi đưa lên nếm thử. Cái vị mằn mặn của nước biển ở đây thật giống biển Cửa Hội quê tôi ở xa tít tắp phía bên kia Thái Bình Dương. Tôi đã từng nếm nước biển ở Barcelona, Brighton (Anh), Tavera (Bồ Đào Nha), song chỉ có nước biển ở đây mới có vị mặn như nước biển quê tôi ở miền Trung Việt Nam, vì thế Santa Monica sẽ là lưu lại dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí tôi vào những ngày hè nóng bức này.

Los Angeles có 9 đường metro, nhưng chúng tôi mới có dịp đi thử 3 đường. So với những đường metro của London, tôi thấy metro ở đây hiện đại hơn, đường ray khổ rộng hơn, khách không đông đúc bằng, và có vẻ như chỉ dành cho những người nghèo giống như xe bus. Ba đường metro mà chúng tôi đi, lúc nào lên cũng thấy chủ yếu là người da màu, nhiều người nét mặt mệt mỏi, có người ngủ, và đặc biệt tôi chưa gặp hành khách nào trên metro đọc sách hay báo như trên metro ở London. Điều này tôi cũng nhận thấy khi mấy hôm sau đi một số tuyến metro trong số 27 tuyến hiện có ở thành phố New York.

Thật khó có thể khám phá hết những nét thú vị, đặc sắc và hấp dẫn của thành phố “Thiên thần” – Los Angeles trong vòng chỉ có hai ngày ba đêm lưu lại như “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhưng, với những gì đã mục kích trong thời gian ngắn ngủi đó, chúng tôi cũng thấy hài lòng và nỗi kinh hoàng mà chúng tôi đã trải qua trên chuyến xe từ Las Vegas đến đây cũng bay đi tự lúc nào.

Bài và ảnh Việt Xuân (Los Angeles – Helsinki 5-6/2019)

Bài đã đăng trên báo Tầm nhìn (https://tamnhin.net.vn/ky-4-tham-thanh-pho-thien-than-va-di-tim-than-tuong-hollywood-72776.html)