Monthly Archives: Tháng Mười Một 2019

MỘT SỐ ĐIỀU HIỂU SAI VỀ PHẦN LAN CẦN ĐƯỢC ĐÍNH CHÍNH

Trong hơn một thập kỷ gần đây hai tiếng Phần Lan không còn xa lạ với thế giới như trước. Ở Việt Nam cũng vậy! Từ chỗ chỉ quen với cụm từ ”nước Phần Lan” và nhạc chuông của Nokia, ngày nay người Việt đã lướt trò chơi Angry Birds và bắt đầu yêu thích các nhân vật Mumi cũng như đồ dùng mang hình ảnh Mumi. Tuy nhiên, khá nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội và cả giáo dục của đất nước này vẫn bị hiểu sai và cần được đính chính.

Dưới đây là một số trong những hiểu sai đó:

1. Về lịch sử: Phần Lan không phải là “thuộc địa của Thụy Điển” cũng không bị Thụy Điển “cai trị” hay “thống trị”.

Theo “Từ điển tiếng Việt”, từ “thuộc địa” được giải nghĩa là “Nước hoặc vùng bị một nước đế quốc thực dân xâm chiếm và đô hộ” (Viện Ngôn ngữ học, TĐTV, 2005). Hiểu theo nghĩa đó, Phần Lan chưa bao giờ là thuộc địa của Thụy Điển. Các tài liệu của Phần Lan cũng chỉ viết nước này từng là một tỉnh sau đó là một công quốc của Thụy Điển và Nga: “Finland used to be a province and then a grand duchy under Sweden from the 12th to the 19th centuries, and an autonomous grand duchy of Russia after 1809.” (http://www.info4migrants.com/…/Country_profile_FINLAND_Lear…

Trong tiểu thuyết “Seistmän veljästä” – tác phẩm khai sinh nền văn học viết Phần Lan, xuất bản năm 1870, của nhà văn Aleksis Kivi có câu nói của nhân vật Juhani cho thấy Phần Lan thuộc vương quốc Thụy Điển: “Hãy cứ nhiếc móc tao đây, nhưng đừng có chửi rủa vợ tao. Một người vợ như cô ấy sẽ không ai sánh được trong khắp vương quốc Thụy Điển này.”(Aleksis Kivi, Bảy anh em, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2015, tr.463).

Song, chắc không ít người cũng như tôi đã từng nghe hay đọc được những điều không giống thế trên một số trang mạng của cá nhân và tập thể:
– Trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam viết: “Từ 1155-1809 Phần Lan bị Thụy Điển cai trị “ (http://www.mofahcm.gov.vn/…/e…/nr040819111730/ns170106101708), hay:
– “Thời người Thụy Điển thống trị: từ năm 1249 đến năm 1809” (http://www.mofahcm.gov.vn/…/ns090522…/newsitem_print_preview)
Hay một số trang mạng của các tổ chức khác, như:
– “Trong hơn 650 năm (từ 1155-1809) Phần Lan bị Thuỵ Điển đô hộ” (http://vcci.com.vn/uploads/PHAN_LAN_2016.pdf)
– “Trong lịch sử Phần Lan từng nằm dưới sự thống trị của Thụy Điển và Nga cho tới tận năm 1917 mới chính thức tuyên bố độc lập” (https://travel.com.vn/kinh-nghiem/du-lich-phan-lan.aspx)
– “Là quốc gia suốt sáu thế kỷ dưới ách đô hộ của Thụy Điển, thêm hơn một trăm năm thuộc địa của Nga hoàng” (http://tapchisonghuong.com.vn/…/Helsinki-Co-gai-vung-Baltic…)
– “Đan Mạch, Na Uy, Băng Đảo (Iceland) và Thụy Điển gắn bó họ hàng nhiều hơn vì đều thuộc ngữ hệ Bắc Nhật Nhĩ Man (North Germanie) còn dân tộc Phần Lan gốc vùng núi Á – Âu Ural và Altai nói các thổ ngữ Thổ-Mãn-Mông. Nhưng do Thụy Điển đô hộ Phần Lan lâu nên nói chung dân các nước Bắc Âu, đặc biệt người có học, giao tiếp dễ dàng với nhau qua lời nói, có khi cả chữ viết.” (http://baoquocte.vn/nguoi-bac-au-47211.html

Thậm chí có trang còn đi xa hơn, khẳng định rằng: Phần Lan là thuộc địa của Thụy Điển:
– “Phần Lan có lịch sử 600 năm (TK12-19) là thuộc địa của Thụy Điển, hơn 100 năm (1809-1917) dưới sự đô hộ của Nga” (https://sites.google.com/site/huyfinland/pisa&vn).

2. Về địa lý và văn hóa: Phần Lan không thuộc Scandinavia

Ít người để ý rằng trong tiếng Anh, hai từ: Scandinavia và Nordic có nghĩa khác nhau. Nordic có nghĩa rộng hơn, được dùng để chỉ các nước: Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và các quần đảo Greenland, Faroe. Còn Scandinavia là từ được dùng để chỉ các nước có ngôn ngữ khá gần nhau cùng thuộc họ ngôn ngữ bắc Đức (Northern Germanic) là: Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Còn Phần Lan và Iceland có ngôn ngữ không cùng gốc với các ngôn ngữ trên nên không được coi là quốc gia thuộc Scandinavia. Vì thế, khi nói về Phần Lan người sử dụng tiếng Anh chỉ dùng Nordic mà không dùng Scandinavia.

Tuy nhiên, trong tiếng Việt, cả Scandinavia và Nordic đều được gọi chung bằng một từ ”Bắc Âu”. Nhưng nhiều người chuộng dùng từ nước ngoài và không nhận ra sự khác biệt đó nên thay vì ”Bắc Âu” hay ”Nordic” lại dùng Scandinavia khi nói đến Phần Lan. Ví dụ:

– “Nền giáo dục của Quốc gia Phần Lan thuộc bán đảo Scandinavia” (Bài học Phần Lan 2.0, Nxb Thế Giới, 2016, tr.10) “Finland, along with Iceland, is Nordic rather than Scandinavian.” ((http://www.info4migrants.com/…/Country_profile_FINLAND_Lear…
– Trang Wikivoyage tiếng Việt, có lẽ vì không để ý đến sự khác biệt ấy mà từ tiếng Anh là Nordic, đã bị dịch sang tiếng Việt là Scandinavia (https://vi.wikivoyage.org/wiki/Scandinavia)

3. Peruskoulutrường tiểu học và trung học cơ sở.
Peruskoulu là tên gọi cấp học phổ cập và bắt buộc ở Phần Lan (từ lớp 1 đến lớp 9). Song cấp học này chia làm hai bậc: alaaste (từ lớp 1-5) và yläaste (lớp 6-9). Tùy theo điều kiện của từng địa phương mà hai bậc học này có chung ở một trường hoặc ở hai trường khác nhau. Peruskoulu được dịch sang tiếng Anh là basic school hay comprehensive school.

Tuy nhiên, có lẽ vì không hiểu được nội hàm của khái niệm peruskoulu nên nhiều người Việt đã dịch sang tiếng Việt là: “giáo dục toàn diện”, “trường học toàn diện” (https://sites.google.com/site/huyfinland/pisa&vn)
hay “trường hỗn hợp” (http://vietnamnet.vn/…/Bi-quyet-dung-tren-dinh-th…/index.htm)

Trích lọc từ sách:

Phần Lan-Ngôi sao phương bắc” (xuất bản lần thứ 2), Nxb Thế giới & Vivafin, Hà Nội, 2017

Finland_the Northern Star

 

“ĐỂ LÂU…ẢNH SAI HÓA ĐÚNG”

Tôi mượn tựa đề “Để lâu câu sai hóa…đúng” từ một bài viết của Gs. Nguyễn Đức Dân để cải biên thành tiêu đề cho bài này dù/vì trường hợp nói đến ở đây không phải là “câu”, song không kém phần quan trọng.

Đó là việc nhiều bài viết đã lấy ảnh của người khác làm ảnh của Francisco de Pina, vị giáo sĩ hiện được nhiều người coi là có công đầu trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ. Điều này đã được nói đến trong 02 bài viết:

1. “Tránh lấy ảnh người này gán cho người khác” được đưa lên blog của chúng tôi ngày 25/1/2019 và sau đó có đăng trên trang mạng của báo “Phụ nữ Thủ đô“***.

2. “Những ngộ nhận về Francisco de Pina” của tác giả Nguyễn Thanh Quang đăng trên báo “Bình Định”, số ra ngày 14/4/2019.

Nhưng, ngày 25/04/2019 hình của François Pallu, giáo sĩ người Pháp vẫn được dùng làm ảnh của Francisco de Pina trong bài viết “Francesco De Pina – người đầu tiên tạo chữ quốc ngữ” trên báo Tuổi Trẻ.

Sau khi đọc bài báo, tôi có phản ánh sự thiếu chính xác này vào hộp thư “Ý kiến bạn đọc” phía dưới bài báo, song không gửi đi được. Sau đó tôi nhắn tin cho một người quen trong Hội Ngôn ngữ học nhờ anh liên lạc với báo Tuổi Trẻ.  Song, cho đến lúc này (24/11/2019) tên của Francisco de Pina vẫn còn dưới ảnh của François Pallu trong bài viết đã dẫn.

Vừa qua, trên poster hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ” (đăng trên fb của Trần Đức Anh Sơn, ngày 24, 25/9), phía trên tên của Francisco De Pina lại thấy ảnh của Diogo Inácio de Pina Manique (Xem screenshot dưới)

Liên quan đến poster này, một đồng hương của Francesco de Pina và Diogo Inácio de Pina, viết hỏi tôi: “Ông nghĩ gì về trả lời này của Mr. Nguyễn Đăng Hưng: “We knew this was wrong. However, the need of image concerning this important priest mostly concerning the creation of the Vietnamese script using Roman alphabet is really a problem.”

Phải chăng cần phải có một tấm hình mới tôn vinh được Francisco de Pina? Hay chỉ vì lý do thẩm mỹ của poster (cho cân xứng với ảnh của Alexandre de Rhodes bên cạnh) mà phải lấy ảnh của một người khác đại diện cho ông, mặc dù biết đó là sai? Một hội thảo khoa học mà dùng một tấm hình không đúng như vậy, có bảo đảm tính khoa học không? Nếu chấp nhận như vậy thì cái sai đó sẽ nghiễm nhiên tiếp tục trở thành đúng sau này.

Tôi lại muốn mượn câu kết trong bài viết của GS Nguyễn Đức Dân: “Lỗi sai cũng phải được nghiêm khắc phê phán ngay từ lúc chúng mới bơ vơ vào tiếng Việt!” để nói rằng việc dùng ảnh không đúng như thế cần được chấm dứt.

– – – –

Viết thêm:

Sau khi đăng bài viết này trên trang fb của mình (https://www.facebook.com/que.vo.5/posts/10220802796235834), ngày 27/11/2019 tôi nhận được tin nhắn từ Tòa soạn báo Tuổi Trẻ cho biết: Tòa soạn đã gỡ ảnh không đúng (ảnh François Pallu) khỏi bài viết mà tôi đã dẫn.

Song, đáng tiếc là cũng trong ngày 27/11/2019, tôi lại thấy trên báo Lao Động có bài viết dùng ảnh của Diogo Inácio de Pina Manique làm ảnh của Francisco de Pina (như screenshot dưới đây).

Tôi cũng liên lạc vào hộp ý kiến bạn đọc phía dưới bài báo và gửi email tới hộp thư của Tòa soạn. Ngày 29/11/2019, Tòa soạn báo Lao Động đã trả lời email của tôi và cho biết đã gỡ ảnh sai, thay bằng ảnh của Alexandre de Rhodes.

Hoan nghênh tinh thần tiếp thu ý kiến đóng góp của Tòa soạn báo Tuổi Trẻ và báo Lao Động!

Mong rằng những trang khác đã dùng ảnh Francisco de Pina sai cũng sẽ gỡ bỏ và từ nay việc dùng ảnh sai này không tiếp diễn nữa.

Bài ca về bông hoa màu lửa

Trích dịch tiếng Việt từ Tiểu thuyết “Laulu tulipunaisesta kukasta” bằng tiếng Phần Lan của Johannes Linnakoski, Nhà xuất bản WSOY 1905.

Giới thiệu tác giả: Johannes Linnakoski (1869 – 1913) là dịch giả, nhà báo, nhà sáng lập và tổ chức tài ba của Hội nhà văn Phần Lan, đồng thời là nhà văn tiên phong trong giai đoạn vàng son của nghệ thuật Phần Lan. Các tác phẩm chính: Cuộc chiến muôn đời (1903) kịch, Bài ca về bông hoa màu lửa (1905) truyện vừa,  Những người tị nạn (1908) tiểu thuyết, Con gái của Jefta (1911), Simson và Delia (1911) kịch, và hai tập truyện ngắn. Chủ đề chính trong các tác phẩm của ông là những vẫn đề thuộc phạm trù đạo đức xoay quanh cảm giác tội lỗi, sự trừng phạt và sự hòa giải … những vấn đề luôn song hành trong xã hội và trong đời sống của mỗi một con người.

Giới thiệu tác phẩm: Bài ca về bông hoa màu lửa

Nhân vật chính của tiểu thuyết, Olavi Koskela – được coi là chàng Don Juan của Phần Lan – là con trai của một điền chủ. Sau lần xung đột lớn với cha, anh bỏ nhà ra đi, ra nhập vào đội quân thợ thả bè gỗ, lang thang trên các triền sông của Phần Lan. Với vẻ ngoài cao ráo, lời nói ngọt ngào và có duyên, Olavi – người được gọi bằng cái tên ”Dũng sĩ vượt thác” – đã dễ dàng chiếm được trái tim các cô thiếu nữ xinh đẹp sống trong làng mạc ven các dòng sông. Olavi gọi các cô thiếu nữ mình quyến rũ được bằng những cái tên như Nai Con, Mắt Xinh, Hoa Mận … Chàng trai yêu hết mình, nhưng khi rời đi nơi khác cũng quên ngay người mình đã chinh phục.

Nhưng khi gặp Kylikki, người con gái xinh đẹp, kiêu hãnh và rất khó chinh phục của điền trang Moisio, Olavi đã hoàn toàn bị khuất phục, không đủ sức dứt áo ra đi như những lần trước. Anh đến gặp cha của Kylikki, xin cưới nàng làm vợ. Lời cầu hôn của anh bị cha nàng từ chối. Olavi lại tiếp tục cuộc sống lang bạt, chinh phục thêm đôi ba thiếu nữ nữa, để rồi nhận ra mình không thể nào quên được Kylikki. Olavi quay trở lại, và lần này lời cầu hôn được chấp nhận, họ làm đám cưới.

Olavi không muốn tiếp tục sống trong trang trại được thừa kế. Anh quyết định khai hoang lập trang trại cho mình và gia đình. Sau một thời gian Kylikki mang thai. Olavi vẫn không quên được những tháng ngày nhẹ dạ, nông nổi của mình và anh cảm thấy hối hận, đau khổ khôn nguôi vì biết Kylikki vẫn phải chịu đựng khi nhớ lại những cuộc phiêu lưu của chồng. Olavi bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu tính cách mình, cho đến khi hòa giải được với quá khứ. Kẻ lãng tử lang thang đã trở thành một người chủ gia đình có trách nhiệm, và là một thành viên đáng kính của cộng đồng và xã hội.

Laulu tulipunaisesta kukasta là tiểu thuyết đầu tay và nổi tiếng nhất của Johannes Linnakoski. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên được xếp loại bestseller của văn học Phần Lan, đã được dịch ra 19 ngôn ngữ trên thế giới. Tác phẩm sớm được dịch ra các ngôn ngữ lớn như Anh, Pháp, Nga, Đức, trong đó tiếng Nga đã có bốn phiên bản dịch, tiếng Đức có hai. Gần đây nhất năm 2007 tiểu thuyết đã được dịch lại, lần thứ hai, sang tiếng Bungari. Bản dịch tiếng Pháp đã được tái bản đến hơn năm mươi lần.

Bài ca về bông hoa màu lửa đã được chuyển thể và dựng phim 2 lần ở Phần Lan và 3 lần ở Thụy Điển. Bộ phim câm dựa trên tiểu thuyết này cũng là tấm vé bước vào Thế giới Hollywood của đạo diễn Phần Lan gốc Thụy Điển, Mauritz Stiller.

Hình bìa sách Laulu tulipunaisesta kukasta (tiếng Phần Lan), tái bản lần thứ 4. 1914

Dưới đây là nội dung 3 chương trích từ 32 chương của tiểu thuyết.

 

Chương X

Dũng sĩ chinh phục thác

 

Kohiseva là thác nước nổi tiếng, bởi đó là ngọn thác kiêu hãnh nhất, dữ dội nhất trong những con thác của dòng Nuolijoki dài hơn mười lăm dặm[1] này.

Moisio là điền trang nổi tiếng, bởi những người chủ của điền trang này, từ xa xưa đến nay, luôn được biết là những người giàu có, cứng rắn và kiêu hãnh như chính thác Kohiseva luôn tung bọt trắng xóa.

Con gái điền trang Moisio là người nổi tiếng, bởi không cô gái nào có bím tóc đung đưa đẹp như thế, và cũng chưa chàng trai nào có thể hãnh diện là mình đã được nhận chút thờ ơ từ ánh mắt long lanh của cô.

Kyllikki là tên của thiếu nữ Moisio – không ai khác có tên như vậy, và cái tên ấy cũng không có cả trong niên lịch, mọi người bảo thế.

“Cái đuôi sau rốt” của kỳ thả gỗ đã đến làng Kohiseva. Họ đến vào ban đêm và bắt đầu vào việc trong ngày đầu tiên này ở làng. Một nhóm thả nốt bè gỗ cuối cùng, nhóm kia dọn đống thân gỗ mắc lại khô khốc trên bờ phía hai bên thác.

Tối đến những người đàn ông lê bước về nhà trú tạm của họ.

Thiếu nữ trẻ đang lúi húi trong vườn điền trang Moisio. Cô tưới cho đám bắp cải vừa được trồng.

Chàng trai trẻ đang bước trên con đường chạy dài bên vườn.

Chàng đã thấy cô gái từ xa và chăm chú nhìn cô.

“Đó chính là cô ấy”, chàng nhủ thầm với chính mình, “người được đồn thổi nhiều đến vậy – thiếu nữ kiêu hãnh!”

Cô gái đứng thẳng dậy từ thế lom khom, dáng người thon thả, tay trái hất bím tóc vừa rơi xuống trước ngực ra đằng sau lưng và mái đầu xinh xắn khẽ ngẩng lên vẻ tự tin rất con gái.

“Nàng thật đẹp!”, chàng trai nghĩ và bước chậm lại một cách vô thức.

“Đó chính là anh ta, người mà đám con gái suốt ngày bàn tán”, thiếu nữ nghĩ và khẽ liếc nhìn người đang đi tới từ bên khóe mắt, “người mà họ bảo rất khác thường!”

Cô cúi xuống múc thêm gáo nước.

“Mình bắt chuyện với cô ấy chăng?” Chàng trai tự hỏi mình.

“Khéo lại tự làm mình hổ thẹn thôi!”

“Như thế thì sẽ là lần đầu đấy!” Chàng trai bật cười. Cô gái lại cúi xuống tiếp tục tưới. Chàng trai tiến lại ngày một gần.

“Có thật là anh ta táo tợn đến mức dám bắt chuyện với mình không?” Thiếu nữ tò mò tự hỏi  mình. “Có lẽ đó là thói quen của anh ta. Cứ thử xem!”

“Cưỡi trên lưng ngựa và giáo sẵn trên vai – Chúng ta chống lại những kẻ khổng lồ!” Chàng trai chấm dứt sự giằng có trong tâm trí và cương quyết bước qua, không một lần liếc sang bên.

“Thế cơ à?” Mải nghĩ cô gái đổ chệch một gáo nước lớn. “Anh ta quả cũng khác thường!” Cô dõi theo chàng trai rất lâu – và thấy anh ta đi ngang qua mà không bắt chuyện còn xúc phạm hơn nhiều.

Tối hôm sau cô gái lại ở trong vườn. Lúc ấy chàng trai dừng lại.

“Chào cô”, anh cất tiếng và nhấc mũ, động tác kiêu hãnh nhiều hơn là lịch sự.

“Chào anh”, lời đáp vang lên từ trong vườn, qua bờ vai – mái đầu chỉ khẽ quay, đủ để đáy mắt nhìn ra đường.

Im lặng.

“Cô có những bông hồng đẹp quá!” Tiếng từ đường vọng vào.

Câu nói chỉ theo phép lịch sự, nhưng lại vang lên như một lời thách đấu – chàng trai biết rất rõ điều đó.

“Đúng vậy!” Câu trả lời từ vườn vọng lại với giọng nói như thể “tôi đã sẵn sàng, đang chờ đây”.

“Tôi đã nghĩ liệu có thể xin một bông không, làm kỷ niệm cho kẻ qua đường – từ bụi hồng đỏ kia. Nếu như cô không cho đó là hơi quá.”

Thiếu nữ đứng thẳng dậy.

“Tặng hoa cho bất cứ ai qua hàng rào điền trang Moisio không phải là tập tục ở đây, cho dù đó có là thói quen ở nơi khác.”

“Cho dù đó có là thói quen ở nơi khác.” Chàng trai thầm nhắc lại và cảm thấy máu sôi lên. Anh biết thiếu nữ muốn ám chỉ gì qua lời đáp, và cũng đã đoán lần gặp đầu tiên của hai người ít nhất cũng phải như thế này, nhưng đòn tấn công trước, không ngại ngần của thiếu nữ đã khiến anh kinh ngạc.

“Tôi không có thói quen xin hoa qua hàng rào bất cứ khu vườn nào”, anh kiêu hãnh trả lời. “Cũng không có thói quen xin đến hai lần, cho dù ở nơi khác có là thế. Chào cô!”

Thiếu nữ ngạc nhiên, quay lại và nhìn chàng trai: cô không đợi lời đáp thế này!

Chàng trai đi vài bước, rồi đột ngột dừng lại, nhảy qua mương và dựa người vào hàng rào. “Tôi nói thêm một chút – nếu được phép nói?” Anh nói và nhìn thiếu nữ với ánh mắt sắc sảo. “Ai cũng có quyền nói!” Thiếu nữ trả lời.

“Tôi chỉ định nói”, chàng trai tiếp tục bằng giọng nói kìm nén, rất nhỏ nghe gần như một lời thì thào, “rằng nếu cô, thiếu nữ ạ, lúc nào đó nhận ra rằng cô đã rất coi trọng các bông hồng của mình, thì cô hãy ngắt bông hồng ai đó đã xin và cài lên ngực áo. Điều đó sẽ không hạ thấp giá trị của cô, mà chỉ là dấu hiệu, là cô có thể coi kẻ lữ hành cũng là một con người.”

“Chúng tôi vẫn rất coi trọng những bông hoa của mình”, cô gái đáp và nhìn thẳng vào chàng trai, “nhưng người dám xin những đóa hoa đó cho bản thân, phải là người dám làm những việc khác nữa chứ không phải chỉ xin hoa. Bởi vì xin hoa thì bất cứ kẻ lữ hành nào cũng xin được.”

Họ nhìn nhau trong chốc lát, mắt không hề chớp.

“Tôi sẽ nhớ điều đó!” Chàng trai nói, giọng đầy ẩn ý. “Chào cô!”

“Chào anh!” Lời đáp vọng ra từ khu vườn.

“Anh ta đúng là người khác thường, bọn con gái nói thật đúng”, cô gái thì thầm với chính mình khi cúi xuống tiếp tục công việc.

Chiều chủ nhật đám đông đủ loại tò mò chen chúc trên cầu Kohiseva. Không phải ai cũng chen chân lên được chiếc cầu đã chật, mà nhiều nhóm người còn tụ tập hai bên bờ thác.

Cô nàng đưa chuyện đã loan báo những tin tức rất kỳ lạ – thế nên mới đông người đến vậy.

“Chủ nhật tới vào bốn giờ chiều”, cô nàng loa loa khắp nơi, “sẽ có cuộc thi vượt thác tại Kohiseva!”

“Cái gì?” Người người tròn xoe mắt kêu lên, bởi vì chưa có ai có thể chỉ dùng thân gỗ vượt thác Kohiseva. Quả thật đã có một lần, mười năm về trước, một người đàn ông trẻ và kiêu hãnh – người ở phía cửa sông – đã bất chấp và vượt một con thác hiền hòa hơn tí chút ở phía cuối dòng. Anh ta đã làm, và xác được vớt lên bờ – một cảnh thật ảm đạm, khiến ánh nắng mùa hạ cũng tối tăm hơn trong mắt mọi người.

“Nhưng bây giờ sẽ vượt thác!”, cô nàng đưa chuyện vừa nói vừa mỉm cười rất tự đắc. “Lần này trong cả hai đội đều có những người rất điên rồ. Có sự tranh cãi giữa chỉ huy các đội, mà không có cách nào giải hòa, chỉ có thể cá cược mà thôi – đội trưởng đội mà thành viên bị thua sẽ phải mời cà phê cả hai đội thợ.”

Cả vùng Kohiseva náo động, người các làng khác cũng dồn đến – người ta coi việc vượt thác Kohiseva là quá kỳ lạ.

Trên cầu người người đi lại, nói nói, tranh luận. “Sao lại đánh cược chuyện trời đánh vậy!”

“Nghe nói lúc đó họ say”, ai đó giải thích. “Có thể đoán được mà, người tỉnh táo hay cho dù thiểu não cũng không làm vậy!”

“Thế còn những người vượt thác? Việc này liên quan đến chính họ chứ?” Ai đó hỏi.

“Một người hình như đầu có vấn đề, bảo nhảy vào lửa cũng nhảy, chỉ cần ai đó khích bác, sao không dám làm.”

“Thì rõ! Phải hơi điên điên một chút.”

“Đừng chưa gì đã bảo người ta điên, đó là người thợ bè có tiếng!” Ai đó nhấn mạnh.

“Dù sao thác Kohiseva cũng nổi tiếng hơn! Thế còn người kia?”

“Các anh không biết người kia ư? Đó là Olavi, trưởng nhóm, – kia kìa!”

“Kia á, trông như lính cậu ấy ư?”

“Phải!”

“Anh ta là người thế nào nhỉ, trông không có dáng thợ thả bè chút nào!”

“Thì cứ tìm hiểu xem, nếu anh biết cách. Không ai biết gì hơn về anh ta ngoài vẻ bề ngoài ấy. Nghe bảo là người có học và biết đôi ba ngôn ngữ, mà cũng không có tên nào khác ngoài Olavi.”

“Thế là đáng ngờ rồi!”

“Không phải trong đội ta cũng có đôi người thế sao. Mà tôi bảo này, nếu có ai vượt được thác, thì đó chính là anh ta. Anh ta sẽ làm được.”

“Đừng có nói đại – anh đâu phải thánh thần gì!”, ai đó ở đội bên kia thốt lên.

“Nhưng kìa, sao điền chủ Moisio lại vội vàng đến gặp các vị trưởng đạo thế kia?”

Hai người đội trưởng đứng ở giữa cầu. Một người, Falkki đang dựa vào thành cầu và hút cái tẩu cần dài, được buộc chùm rua đo đỏ, anh ta bập bập hút và cười tủm tỉm. Người kia được gọi là Väntti – người đàn ông góc cạnh như gốc vân sam sần sùi nhựa, luôn đứng dạng chân, tay để trong túi quần và điếu xì gà tỏa khói. Và cây vân sam này rất kiêu hãnh, kiêu hãnh với ngôn ngữ Karjala của mình, và còn kiêu hãnh hơn với những đôi ủng da, những đôi ủng da mũi hất kỳ lạ, và thân ủng cao quá bắp chân đến hết đùi – cả phần dưới thân thể người đàn ông chỉ toàn là ủng da.

“Tôi nghe nói cả cuộc thi này bắt đầu từ trò cá cược của hai đội trưởng”, ông Moisio nhấn mạnh: “Vậy nên tôi khuyên các anh nên rút lại ngay lập tức. Con thác này theo trí nhớ của tôi đã đòi năm mạng sống, và điều đó theo tôi đã quá đủ cho cả làng này.”

“Nào nào Moisio!” Väntti đáp, lấy tẩu ra khỏi miệng và nhổ nước đánh toẹt từ một bên mép. “Ở đây chúng tôi có định lấy mạng ai đâu, không có gì sợ, chỉ mua vui cho dân làng thôi.”

“Mặc các anh có định gì đi nữa”, ông Moisio cương quyết, “tôi bảo ở đây cho cả làng cùng nghe, rằng nếu tai nạn xảy ra, thì tôi với tư cách là già làng, sẽ kiện các anh ra tòa, vì các anh đã lấy mạng người ra cá cược.”

“Ông Moisio nói đúng đấy!” Tiếng kêu vang lên từ nhiều phía.

Hai đội trưởng tụm lại và bắt đầu thì thào bàn luận.

“Thôi được!” Väntti nói sau phút suy nghĩ và chìa tay cho Falkki. “Chúng tôi hủy bỏ lời các cược trước sự chứng kiến của tất cả mọi người”, Falkki giải thích, “như vậy sẽ không cần ai buộc tội chúng tôi. Nhưng những người vượt thác, họ có vì thế mà bỏ cuộc hay không – đó là việc của họ!”

Mọi cặp mắt đều hướng về hai người đua, họ đang đứng đối mặt nhau, xung quanh là những người của đội mình.

“Gã trai này không sợ cái chết, cũng không định biến mình thành xác chết trôi sông. Tất nhiên là gã sẽ vượt thác!” Một trong hai người thi, người có áo khoác đỏ kêu lên vênh váo.

“Anh hãy thôi đi!”, Già Moisio nói với Olavi, “ người kia sẽ không còn hứng vượt thác một mình. Bản thân anh cũng phải thấy, là trước đây chưa ai dám vượt cái thác đầu ngọn sông này, và bây giờ cũng sẽ không có.”

Olavi trầm ngâm quan sát thác nước. Những người xung quanh căng thẳng chờ đợi.

“Ông nói rất đúng, tôi phải công nhận điều đó cho tất cả mọi người cùng nghe”, cuối cùng anh nói. “Nhưng liên quan đến việc này đã có sự thỏa thuận, hôm nay chúng tôi sẽ làm những việc mà trước nay chưa ai từng làm, thế nên không thể hủy cuộc thi”, anh tiếp tục, giọng cao và rõ ràng khiến cho tất cả những ai đứng trên cầu đều nghe thấy.

Moisio quay đi không nói thêm lời nào.

“Ai sẽ vượt trước đây?” Falkki hỏi.

“Tôi đã nghĩ là tôi bắt đầu trước.” – người áo đỏ nói.

“Về phần tôi thì thế cũng được!” Olavi nói ngắn gọn.

“Ít nhất thì các anh hãy để mấy người sang đứng ở gờ chắn bờ bên kia phòng nhỡ có chuyện gì xảy ra!” Già Moisio nói với hai đội trưởng.

“Vì tôi thì không cần!” người áo đỏ ngạo mạn hét lên.”Hay người cạnh tôi đây lại cần thợ câu chăng?”

“Vậy thì vì tôi đi!” Olavi nói ngắn gọn. “Dù thế nào đề phòng vẫn tốt mà.”

Hai người đàn ông tìm chọn những cây gậy chống của mình, còn những người trên cầu vừa chờ họ vừa nhìn ngọn thác.

Kohiseva thật hùng vĩ tung bọt trắng xóa vào cuối xuân. Chiếc cầu chắc chắn vòng ngang bắc qua khung cổ vững chãi của thác. Dưới cầu thác thượng nguồn đã gấp gáp lấy thêm đà và rồi đổ thẳng xuống dòng chảy, vội vã và ầm ầm đều đặn. Đầu tiên chảy thẳng, rồi cuộn tròn sang bên phải cho đến khi trốn chạy tung bọt trắng xóa đập vào ghềnh đá của Thành Äkeä. Bức ghềnh thành đó đứng giữa thác như gã khổng lồ, từ khe nứt của ghềnh đâm lên một cây mận rừng xum xuê đung đưa như cái mũ đội đầu – ghềnh đá sừng sững giữa dòng, chia dòng chảy ra làm hai, sóng bạc đầu bên trái đổ thẳng xuống cối xay nước, còn sóng bên phải đổ vào lạch nước thẳng đứng được khoan vào ghềnh đá làm luồng thả gỗ. Nước chảy xiết trong lạch, vũ điệu bốc lửa của bọt trắng – ngắn như niềm vui cuộc sống: những ngọn sóng bạc đầu gầm rú rít dâng lên khuỷu đá có độ cao đến hai sải tay rồi đổ xuống “mắt xoáy Eeva”có hình thù như cái nồi khổng lồ. Ở đó chúng quẩn quanh, chững lại hiền hòa và sau đó như ngọn thác dưới khe khẽ lăn tròn về phía trước.

Kohiseva là như vậy đó. Bức thành đá cô đơn đứng giữa những con sóng bạc, ngăn không cho những người thợ vượt qua nó vào mùa thả gỗ, và bên bờ trái của dòng chảy những thân gỗ nằm ngổn ngang. Từ những thân gỗ đó người ta làm một tường ngăn như một cây cầu lớn, chặn những khúc gỗ đang ầm ầm húc đầu vào trước khi bị hút vào con lạch khoan trong ghềnh. Hai người thi sẽ phải vượt qua thác đầu dòng và nhảy xuống bờ ngăn của Thành Äkeä nếu như họ còn nhảy được – không ai có thể đứng trên thân gỗ trong lạch qua ghềnh đá và cũng không ai có thể giữ được mạng sống bên bờ Vực Eeva.

Những người đàn ông cứu hộ đã vào vị trí của họ, và hai người thi bắt đầu dời đi.

Olavi như tình cờ liếc nhìn đám con gái đang đứng trên cầu. Máu như biến sạch khỏi gò má của một người, và cô nhìn xuống.

“Có lẽ ta nên thả mấy khúc gỗ xuống dò xem dòng chảy và những tảng đá ngầm ở đâu chăng?” Olavi đề nghị.

“Có lẽ ta nên gọi tất cả dân địa chính đến đây để đánh dấu đá ngầm lên bản đồ – rồi chúng ta sẽ vượt thác theo bản đồ đó!” Người áo đỏ nói, đầy vẻ chế nhạo.

Những người trong đội áo đỏ cười phá lên, mọi cặp mắt chĩa vào Olavi.

Khuôn mặt chàng trai thoáng ửng đỏ nhưng anh không nói gì, chỉ khẽ cắn môi và quay nhìn thác.

Gã áo đỏ châm chọc nhìn anh rồi gậy chống trên vai tiến về phía điểm xuất phát, cách cầu độ hơn hai chục sải tay. Anh ta nhảy lên bè gỗ và chọn một khúc gỗ để vượt thác – một khúc gỗ thông to, đã được đẽo vỏ, ngăn ngắn và dễ nổi trên nước.

Một nét cười mỉm lạ lùng thoáng nhanh qua khuôn mặt chàng trai.

“Các anh thấy không?” Trên cầu ai đó thốt lên với những người bên cạnh.

“Đã thấy là không vượt được rồi, nhìn thế là biết!”

“Chào nhé!” Tay đua áo đỏ luồn sợi dây xuống thân gỗ rồi nhảy lên đó. Anh ta dùng chân xoay nó quay tít, điệu “quay tiện” khiến cho nước xung quanh bắn lên tung tóe.

“Thế mới gọi là đàn ông chứ!” Người ta hét lên trên cầu. Người áo đỏ dừng lại, kiêu hãnh ngước nhìn lên cầu và huýt sáo, dùng thanh chống dựng thân gỗ thẳng đứng và lùi lại đôi ba bước – tay chống hông, mắt nhìn vào đầu thanh chống, gào thật to “Lạy Cha Con và Thánh Thần”.

“Này, các chàng trai, đã bao giờ nhìn thấy thế này chưa?” Kẻ áo đỏ nào đó hét lên trên cầu.

“Chưa bao giờ thấy! Bây giờ đã thấy, đã thấy!”

“Chấm dứt đi nào! Đó đâu phải “Cha Con Thánh Thần” cho việc này!” Giọng nghiêm khắc vang lên trên cầu.

“Tôi đọc hay tôi hát thì liên quan gì đến anh chứ!” Người áo đỏ hét trả lời. Nhưng anh ta cũng ngừng lời và nhắc cây gậy chống lên – đã đến gần cầu. Người vượt thác cùng khúc gỗ của mình trôi xuống dưới cầu, những người đứng xem nhìn ra bên rìa thác.

Dòng nước giận dữ đã nuốt chìm khúc gỗ và nước bắn tung lên cả ủng. Nhưng người vượt thác vẫn đứng hiên ngang.

Nước chảy nhanh hơn, khúc gỗ chìm xuống dưới lớp sóng dềnh ngang nhô cao – trên cầu ai nấy nín thở.

Gỗ lại nổi lên dưới lớp sóng. Mặt sau của nó bị đầu sóng đập rất mạnh, khúc gỗ nhẹ chao đảo dạt sang bên như bộ xương cá, dáng người vượt sóng nghiêng đi, cây chống oằn xuống, nhưng rất nhanh đã lại thấy người đàn ông đứng vững trên khúc gỗ.

Tiếng thở phào trên cầu.

“Tra-la-la-lalla!” Người áo đỏ ngân nga nhảy đôi ba bước.

“Anh ta không phải là người nữa”, người ta la hét trên cầu. Ai đó liếc nhìn Olavi: anh thấy thế nào, bạn đua được ngợi ca đấy.

Không có gì. Đôi mắt chàng trai chăm chú nhìn các đợt sóng và sự chờ đợi khiến nét mặt hằn xuống căng thẳng.

Đúng lúc đó khúc gỗ đập mạnh phải tảng đá ngầm dưới sóng nước và bật tung về phía sau. Những bước chân vội vã nghiêng ngả … gậy chống đập mạnh vào sóng làm nước bắn tung, cả thân người dựa vào thế đập – người đàn ông lại đứng thẳng dậy, nhảy mấy bước lùi, khúc gỗ lướt nhanh qua tảng đá về phía trước.

“Đó không còn là trò chơi nữa!” “Không, không, chút nữa, tí nữa thôi thì ngã rồi!”

Khúc gỗ lao nhanh vút, người vượt thác lại đứng vững chắc chắn.

Lại một cú đập nữa. Đầu khúc gỗ nảy lên bay sang phải, “đ… mẹ!” vang lên giữa dòng – áo đỏ trượt ra xa vào giữa các lớp sóng.

Tiếng kêu trên cầu, những bước chạy hoảng sợ, những người ngồi trên bờ bật dậy.

Áo đỏ hiện ra giữa các đợt sóng. Những động tác bơi khỏa nước rất mạnh – người vượt sóng vào được đến vùng nước lặng gần bờ.

Những lời chửi thề. Người đàn ông ngồi phịch xuống bờ và đổ nước ra khỏi ủng, nhận lại gậy chống từ những người cứu hộ bên bờ ngăn Thành Äkeä – mũ trôi đâu mất. Rồi anh ta nhào bật dậy.

“Không phải đã đến lúc chấm dứt ư?” Người trên cầu đề nghị.

“Khuyên mẹ mày ấy!” Anh ta phun ra qua hàm răng cắn chặt.

“Bản đồ bây giờ có thể có ích đấy!” Ai đó nói ngập ngừng.

“Khi mũ không còn, thì áo cũng chẳng cần!”

Áo đỏ bay lên bờ, áo xanh hối hả trên bè gỗ – một khúc gỗ mới bị giận dữ ẩn xuống dưới dây và trôi từ từ về phía cầu.

“Hãy giương mắt lên mà nhìn cho thỏa nhé, để lần sau còn nhớ!”

Trên cầu không một lời đáp. Khúc gỗ lao nhanh qua cầu và kiên cường đâm vào con sóng dâng ngang. Những cú hích mạnh mẽ bằng gậy từ bên phải, khúc gỗ trôi sang trái – may mắn vượt qua tảng đá ngầm đầu tiên, cho dù trong một thoáng thân hình người vượt có hơi nghiêng ngả.

“Ôi, nhìn kìa, nhìn kìa quỷ thần ơi! – Có lẽ cuối cùng anh ta cũng vượt được thác!”

“Chẳng phải khi xuất phát anh ta đã bảo là hãy nhìn anh ta, để lần sau còn nhớ hay sao!” Bạn của người thi huyênh hoang.

Khúc gỗ lao vun vút, thân thể lao theo, gậy chống nằm ngang khẽ rung rinh.

Tảng đá thứ hai lại gần, dáng người khom xuống và dần dần ngả về phía sau. Cú va chạm kinh hoàng, người nảy bật về phía trước, tiếng rắc, gậy chống đẩy gẫy đôi – áo xanh mất hút giữa sóng trắng mịt mù.

“Anh ta vừa ở kia! Liệu anh ta có vào được bờ không?” Đám đông nhốn nháo chạy.

Áo xanh xuất hiện giữa các con sóng.

“Không vào được rồi, anh ta đang ở giữa dòng!”

“Này các anh ở kia, hãy sẵn sàng!”

“Nếu anh ta bị đập vào ghềnh Mälli thì sao?”

“Không, không, anh ta đang trôi ở giữa mà!”

Và cứ thế. Áo xanh lao thẳng vào giữa đống gỗ chắn bờ, một bàn tay nắm lại hình quả đấm giơ thẳng vào người đứng trên từ chối sự giúp đỡ.

Nhưng những người trên đống gỗ không quan tâm. Một người thọc cây gậy chống của mình vào giữa hai đùi của anh này khi anh ta bị đập vào đống gỗ, người khác nhanh thoắt túm lấy cổ áo.

Họ kéo – dòng nước xô đẩy hút người đàn ông xuống dưới bè chắn. Họ kéo – áo xanh dần dần nhích lên từng chút một. Hai người đàn ông dìu người thi khập khiễng lên bờ, máu từ đùi chảy tóe.

“Không ai, con người không thể vượt được con thác này!” Giọng đau đớn gào lên và nắm tay chỉ về phía cầu. Anh ta kêu thế và dựa hẳn người vào hàng rào.

Tiếng thì thào khe khẽ trên cầu, đám đông chờ đợi – Olavi tìm gậy chống của mình. Phía sau anh thiếu nữ mặt trắng nhợt cuống quít nắm lấy bên áo khoác của người đàn ông lớn tuổi và khẽ nói gì đó với ông – khẽ thôi, nhưng cương quyết.

“Một lần nữa tôi đề nghị chúng ta chấm dứt ở đây!” Già Moisio nói khi quay về phía Olavi.

“Anh đã thấy bạn thi của anh thế nào rồi!”

“Vâng cháu đã nhìn thấy, nhưng cháu phải vượt thác này!” Chàng trai trả lời, rõ ràng và lạnh tanh, như tiếng kim loại ken két và nhìn mọi người bằng sự tự tin không giải thích nổi.

Anh xuất phát, tìm cho mình thân gỗ và cẩn trọng thử sức nâng của nó – Một khúc gỗ dài, còn nguyên vỏ sần sùi, không thật to và không thật nhỏ, và chắc chắn sẽ chìm sâu dưới nước.

“Ít nhất là anh ta chọn cho mình con ngựa gỗ khác hẳn!”

“Thì người cưỡi cũng khác mà!”

Chàng trai đang đến gần cầu – bình thản, không nói một lời, nhìn thẳng vào con thác. Bên cầu chỉ một lần anh ngước mắt và để tia nhìn chạm vào ánh mắt của thiếu nữ mặt tái nhợt. Đôi con mắt mỉm cười và đầu khẽ khàng gật như một lời chào.

“May mắn nhé!” Những người xem trên cầu nhiệt tình kêu to – vì chàng trai đã tạm biệt họ thân thiết đến thế.

Anh đã đến dưới cầu, chạm con sóng dâng ngang dòng – Mọi cặp mắt hồi hộp dõi theo.

Bọt nước vỡ ra ầm ầm réo, cây gỗ bơi sâu dưới nước im lìm – người cưỡi giống như trên sàn diễn. “Thấy chưa, thấy chưa? Anh ta hẳn biết ngựa thế nào mới chịu được sóng đập dồn!”

Thân gỗ lao nhanh, dáng người dong dỏng nghiêng về bên trái, sào đẩy đung đưa trong không khí.

“Anh ta định làm gì thế này, sao không tránh đá ngầm?”

Thân hình căng ra, sào chống thẳng băng im phắc, ánh mắt rực cháy tập trung nhìn những dòng xoáy quanh các tảng đá ngầm, hai đầu gối khẽ nhún xuống.

Cú đập chát chúa và bước nhảy thoắt vào không khí. Thân gỗ nặng bật lại sau chừng khuỷu tay và chàng trai rơi xuống lưng gỗ – như rơi lên sàn diễn, và đứng như trên sàn diễn.

“Phải thế chứ, phải thế chứ! Đúng là diễn viên xiếc! Chưa bao giờ được thấy thế này!”

Tiếp tục về phía trước. Ba lần chống sào mạnh, nhanh – thân gỗ vượt qua mà không chạm vào tảng đá đã khiến người áo xanh phải ngã.

“Anh ta đã vượt được, vượt được như người đàn ông chân chính!” Trên cầu những tiếng thán phục vang lên.

Thân gỗ lao nhanh, thân hình khỏe đẹp uốn lượn. Một cú nhảy từ phía trong, anh như múa trên dàn lò xo.

Thân người phía trên lại căng ra, sào chống thôi không đung đưa và đầu gối khuỵu sâu xuống  – trên cầu những cái đầu ngó ra.

Tiếng đập chát chúa vang đến tận cầu, cú nhảy đẹp hơn cả lần vừa nãy. Những bước nhảy nhanh về phía trước … và đã lấy được độ cân bằng.

Những bước chân múa lùi về sau – thân gỗ lại xé sóng.

“Ôi trời không phải là người nữa! Ai đã nhìn thấy vũ sư như thế bao giờ chưa?”

“Nhưng còn ghềnh Mälli! Để xem anh ta qua cú đập tiếp thế nào?”

Ghềnh Mälli đứng canh nơi con thác bắt đầu chuyển dòng.

Thân gỗ nghiêng mình lao vút đến thẳng ghềnh đá đã được cọ xát nhẵn thín. Thân hình chàng trai hơi ngả sang phải, rồi bước nhảy sang phải thẳng vào những ngọn nước trắng. Ghềnh đá cũng ra đòn và đập đầu thân gỗ ra ngoài, người vượt thác rơi thẳng xuống lưng gỗ và lao vun vút về trước – đầu thân gỗ vẽ những đường tạm biệt run run lên ngực ghềnh đá.

“Đúng là ma quỷ! Bây giờ thác Kohiseva đã bị vượt rồi!” Tiếng hò reo tung hô vang trên cầu.

Chàng trai lao như tên bắn ở giữa dòng. Dòng thác vòng cong. Bãi chắn Thành Äkeä tiến lại gần.

“Bây giờ là cản trở cuối cùng!”

“Và ác nghiệt nhất!”

Đôi ba bước lùi về đằng sau – thân gỗ đập thẳng vào tường chắn. Một cú nhảy, một cú va đập, chân chạy gần như đến đầu thân gỗ, và chỉ đến đó anh mới sững lại.

Thân gỗ từ tường ngăn bật trở lại vài sải tay vào giữa dòng và cả dọc thân rung bần bật như vừa nhận phải một cú đấm trời giáng. Và rồi dòng chảy giữa ghềnh bắt đầu hút vào.

Những người gác đứng im như tượng, mắt trợn tròn. Một người bắt đầu hét, người kia ôm đầu và cả anh ta rồi cũng gào lên. Cây cầu cũ kỹ kêu ken két.

“Chúa ơi, bây giờ anh ta cũng không đến được tường ngăn!” Người kêu gào, người nhào ra phía trước, người đứng như hóa đá – những người đứng ở hai bên bờ bắt đầu chạy xuống phía dưới.

Chàng trai nhìn về phía tường ngăn Thành Äkeä lần nữa. Sào chống đung đưa, vòng xoay tròn cương quyết, người đàn ông chạy nhanh về phía đầu thân gỗ và bắt đầu chèo mạnh ngang dòng chảy đi lên phía trên.

“Bây giờ anh ta định đến bờ ngăn bên kia!”

“Anh ta đến đó sao được, mà ở đó cũng không có ai gác!”

“Ôi trời, ôi, đúng, anh ta lao thẳng đến vực Eeva rồi!”

Trận đấu tay đôi! Chàng trai cố gắng cho đầu gỗ hướng vào bờ, dòng chảy bên thành kéo thân gỗ ngày càng mạnh về phía dưới – bây giờ nó đang hút đầu gỗ vào cổ họng trắng bọt nước của mình.

Mấy lần đẩy rất mạnh, mấy bước chân chạy linh hoạt – chàng trai nhảy lên nâng sào chống vào không khí. Anh bay về phía bãi ngăn, rơi xuống, sào chống đập mạnh vào cái gì đó đánh bốp – rồi trên cầu không nhìn thấy gì, tất cả nhìn về phía sau tường ngăn. Những bước chân chạy xuống cuối dòng … tiếng kêu …

Nhưng giây phút sau những người canh bên tường ngăn Thành Äkeä bắt đầu quay mũ của họ như điên và tiếng kêu như gầm rú lan lên phía đầu nguồn. Gì vậy? Một số người đứng sững, số khác còn chạy nhanh hơn.

Khi ấy một thân hình dong dỏng đột nhiên xuất hiện ở phía tường ngăn bên kia và vui mừng khôn xiết quay tung mũ hướng về cầu. Tất cả đứng sững như bị đóng đinh xuống đất. Những chiếc mũ quay tròn, những chiếc khăn phấp phới và tiếng reo mừng vui lan dọc khắp bờ sông.

Olavi bước rất nhanh lên bờ, nhưng cả khuôn mặt vẫn còn trắng nhợt. Điều đầu tiên mà anh nhìn thấy là thiếu nữ xanh nhớt đang đứng bên nhà cối xay nước người run rẩy xúc động. Cô gái đứng một mình, những người khác còn cách cô một đoạn xa.

Chàng trai khựng lại – chàng sẽ bước tiếp, để họ tránh nhau ư! Cô gái nhìn xuống. Chàng trai đến gần. Đôi mắt cô gái ngước nhìn lên, sóng sánh ấm áp sâu thẳm – rồi cụp ngay xuống – những bông hồng đỏ hừng trên đôi má. Mắt chàng trai mỉm cười và anh vui mừng nhấc mũ chào khi đi ngang qua. Thế rồi anh bị những lời hò reo chúc mừng của đám đông nuốt chửng.

“Dũng sĩ vượt thác Kohiseva! Xin chào, chúc mừng! Ông hoàng của tất cả những người vượt thác! Không ai sánh nổi! Đám đông náo nức chen chúc nhau xung quanh anh.

“Nào phải cậu được ăn thức ăn thần thánh đấy không, cậu ấy!” Väntti nói và đập đánh bốp vào vai Olavi – cả người đàn ông là một điệu hân hoan mừng rỡ với cả ủng da xì ga.

“Và bây giờ hình như cậu đã được thêm quá nhiều tên rồi”, Falkki thêm vào. – “Cậu không phải chỉ là Olavi … ô ô hô!”

“Bây giờ chúng ta sẽ gọi cậu là “Dũng sĩ vượt thác” – được không?”

“Cũng đúng việc mà – các anh cứ cho vào sách thôi!” Chàng trai bật cười.

“Và bây giờ chúng ta sẽ đến nhà của chủ nhà xay uống cà phê”, lại Falkki nói. – “Đúng thế, như thế này phải uống đến hai lần mới đáng!”

Tối đó khi Olavi về lại nhà tạm trú của mình, bên cửa sổ phòng ngủ nhà Moisio một thiếu nữ bồn chồn chờ đợi.

Và một bông hồng đỏ thắm được cài vào vết nứt của cọc rào cao nhất cạnh đường cái quan. Chàng trai nhảy qua mường – đầu của cô gái thụt lại nấp vào bòng rèm.

Bồng hồng hiện trên ngựa áo. Ánh mắt cám ơn trượt dài theo sườn vườn cây lên phía trên, nhưng không gặp một ai.

Trong phòng ngủ mái đầu có những lọn tóc vàng gục xuống bàn tay để trên bàn – cô gái bật khóc khe khẽ.

 

Chương XI

Bài ca về bông hoa đỏ lửa   

 

“Sao tối nay anh buồn vậy, Olavi?” Cô gái hỏi và ấm áp nhìn chàng trai.

“Tại sao anh buồn ư?” Chàng trai đáp như nói với chính mình, tay nghịch nghịch dây buộc tóc của cô gái và buồn bã nhìn ra phía trước.

“Giá như anh biết được tại sao!”

“Chẳng lẽ anh không biết ư?” Cô gái hỏi.

“Không, lần này thì không – và đó mới là điều kỳ quặc!”

Tiếng nói ngắt lại —.

“Chính ra em không nên tò mò về nỗi buồn của anh”, một lúc sau cô gái nói. “Nhưng nếu em có những nỗi buồn và em có người bạn, thì em sẽ kể.”

“Và em sẽ có thể làm cho người bạn ấy buồn – bởi vì dù sao người ấy cũng sẽ không hiểu.”

“Có thể người ấy sẽ cố gắng để hiểu.”

Nhưng chàng trai như không nghe thấy cô gái nói gì. Anh buông rơi bím tóc cô, ngả người ra sau dựa vào cánh tay kia và lơ đãng nhìn về phía trước.

“Cuộc đời thật kỳ lạ!”  Anh nói như đang mơ màng. “Không kỳ lạ sao được, khi ta thích một điều gì đó, và rồi đột nhiên lại cảm thấy điều đó chẳng là gì?”

Cô gái nhìn anh dò hỏi.

“Ví dụ như cuộc đời này của anh! Cho đến bây giờ cuộc đời ấy như một câu chuyện cổ tích thật đẹp, thế nhưng bây giờ …”

“Nhưng bây giờ…?”

“Bây giờ anh không biết đó là gì, có thực là gì không. Từ làng này sang làng khác, từ thác này sang thác kia, chuyện rồi lại chuyện …”

Giọng nói lại ngắt giữa chừng—.

“Thế nhưng sao anh lại lang thang như thế?” Cô gái thầm thì hỏi, như ngượng ngùng. – “Đó là điều em luôn ngạc nhiên.”

“Và chính bản thân anh cũng kinh ngạc tại sao anh lại phải lang thang, và anh buộc phải làm thế ư, nhưng dù sao anh vẫn phải đi!”

“Anh phải? Chẳng lẽ anh không thể ở nhà mình …?” Cô gái lại hỏi, có chút đắn đo,”Cha mẹ anh mất rồi ư – anh không kể chút gì về họ?”

“Ồ không, không, họ vẫn còn sống.”

“Nếu như anh ở với họ …?”

“Anh không thể, họ không thể trói buộc anh được!” Chàng trai nói, gần như là lạnh lùng.

“Anh không yêu cha mẹ mình ư?” Cô gái kinh ngạc hỏi.

Chàng trai im lặng trong một thoáng.

“Có chứ, anh yêu họ, cũng như yêu bao điều khác nữa. Nhưng không gì có thể trói buộc được anh!”

Và anh cảm thấy trong mình có gì đó đang lớn dần lên và trào dâng, cái điều mà lâu nay anh cố kìm nén.

“Và anh hy vọng …” Chàng trai sôi nổi tiếp tục, nhưng rồi dừng lại giữa chừng câu nói.

“Và anh hy vọng …?”

“Điều đó liên quan đến em, Kyllikki!” Chàng trai nói như đe dọa.

“Anh cứ nói, em có thể nghe”, cô gái đáp và dự cảm điều chẳng lành.

“Anh hy vọng là chúng ta chia tay nhau như kẻ thù!” Chàng trai nói gần như giận dữ.

“Là kẻ thù?”

“Phải. Chúng ta gần như là kẻ thù khi gặp nhau, và nếu khi chia tay cũng vậy, thì sẽ tốt hơn!”

“Vì sao?”

“Bởi vì – anh nói thẳng ra nhé?”

“Em muốn như thế.”

“Bởi vì”, chàng trai đáp, và sắc lạnh nhìn cô gái, “em không phải là người mà anh đã chờ đợi và hy vọng! Anh rất tự hào và hạnh phúc khi có được tình bạn của em. Thế nhưng anh đã nghĩ anh còn được cái gì khác nữa, và cái khác ấy nồng hậu, lớn lao và nguyên vẹn.”

Thiếu nữ im lặng trong một thoáng.

“Bản thân anh, anh có nồng hậu và nguyên vẹn không?”, cuối cùng cô hỏi, giọng run lên.

“Không! Nhưng anh đã có thể như thế và đã từng muốn như thế, nhưng em đã ngăn anh. Cả tuần nay chúng ta đã là gì đó của nhau, nhưng cũng không phải thế – anh gần như không dám nắm tay em.”

“Vậy còn điều gì đáng lẽ anh đã phải làm?”

“Gì ư? Sở hữu em trọn vẹn! Tất cả, hoặc không gì hết!”

Thiếu nữ im lặng, và đấu tranh với tình cảm của mình.

“Liệu em được phép nói với anh điều gì đó không?” Thiếu nữ khẽ hỏi.

“Em cứ nói!”

“Sở hữu em hoàn toàn ư …?” Cô dừng lại ngập ngừng, nhưng rồi tiếp tục với đôi môi tái nhợt: “Sở hữu hôm nay và ngày mai ra đi – và rồi sau này thỉnh thoảng nhớ lại, rằng đã có lúc anh sở hữu em?”

“Anh có thể căm thù em!” Từ đôi mắt của chàng trai hiện rõ điều đó, nhưng chàng không nói gì, chỉ nhìn.

“Có thể anh cũng không phải là người mà em chờ đợi”, thiếu nữ trầm tĩnh tiếp tục. “Nếu anh là người em chờ đợi, thì anh …”

“Thì sao?” Chàng trai nóng nảy kêu lên, như chống lại lời buộc tội.

“Thì anh … thì anh không nói như vậy với em, như anh đang nói”, cô gái đáp lại như lảng tránh. “Và có lẽ, điều mà vì thế anh giận em, là điều … là … anh không thể nhận được nhiều hơn thứ mà anh có thể tự mình giành lấy?”

Chàng trai nhìn cô gái bằng đôi mắt mở to, đầy kinh ngạc.

“Và có lẽ anh không thể”, cô gái tiếp tục, thầm thì khó có thể nghe thấy, “lấy nhiều hơn mức anh có sức để giữ?”

Cô gái lúng túng nhìn xuống, bản thân cũng không biết mình vừa nói gì. Cô chỉ buộc phải nói ra.

Chàng trai im lặng nhìn cô gái rất lâu, cứ như điều vừa nghe thấy thật mới mẻ và bất ngờ, khiến anh phải suy nghĩ.

“Chính em phải biết chứ, vì sao mà anh không thể giữ!” Cuối cùng anh nói.

“Vâng, quả thật là em có biết”, cô gái đáp, “bởi vì anh không muốn giữ!”

Giống như một cành mềm và sắc nhọn vừa đâm vào người chàng trai, bị gãy và làm chỗ đó  nhói đau. Họ nhìn nhau không nói một lời, mắt không chớp.

“Nhưng nếu như anh muốn giữ”, chàng trai nói, nóng nảy với bàn tay kia của cô gái, “liệu có táo tợn lắm không nếu anh muốn?”

Mặt cô gái cắt không còn giọt máu và cô không cất nổi một lời.

“Liệu anh có liều quá không?” Chàng trai hỏi lại lần nữa.

“Chẳng phải mỗi người phải tự biết là mình dám làm đến mức nào ư?” Cuối cùng cô gái cũng gắng gỏi trả lời.

“Ôi, Kyllikki, Kyllikki, nếu như em biết được!” Chàng trai kêu lên trong đau đớn và nắm chặt hai bàn tay cô gái.

Nhưng rồi chàng sững lại lặng người.

“Nếu như anh vì em và vì mình mà dám làm điều đó – nhưng trong việc này còn người thứ ba nữa!”

“Anh sợ ông ấy ư?” Thiếu nữ hỏi từng tiếng rõ ràng, mắt nhìn thẳng chàng trai.

“Anh không sợ, nhưng ngộ nhỡ ông ấy nhạo báng và đuổi anh đi?”

“Nếu như điều lo lắng ấy là trở ngại”, cô gái nói thẳng, “thì tốt nhất là anh đừng làm. Bởi vì anh yêu ai hơn, bản thân anh, hay người mà anh nghĩ là anh yêu?”

Chàng trai gần như không chịu nổi cái nhìn của cô gái.

“Thế nhưng nếu anh sợ chỉ vì em?” Chàng nói gần như là âu yếm.

“Anh không cần phải sợ điều đó, bởi vì em tin là anh sẽ chưa làm gì chừng nào anh hoàn toàn chắc chắn về bản thân mình. Và nếu một khi anh đã chắc chắn, thì anh sẽ không cần vì em mà sợ bất cứ điều gì.”

Chàng trai nhìn cô vừa ngạc nhiên vừa ngưỡng mộ.

“Em là cô gái thật kỳ lạ Kyllikki”, chàng kêu lên. “Chỉ đến giờ anh mới bắt đầu hiểu em. Em không như là người con gái mà anh hy vọng, em hơn nhiều người anh chờ đợi … Phải, anh biết rõ điều này khiến em phải trả giá thế nào, và anh sẽ không bao giờ quên điều đó.”

Nhưng rồi anh lại buồn bã và đau khổ.

“Phải, bây giờ anh đã biết em”, chàng trai nói gần như là than vãn. “Nhưng anh lại không biết chính bản thân mình!”

“Rồi một lúc nào đó anh sẽ biết,” cô gái dịu dàng nói.

“Giá như có thêm mấy ngày nữa …”

Chàng trai nghĩ một chút, những đường nhăn sâu giữa hai hàng lông mày.

“Chiều mai đội anh sẽ đi, và nếu như trước đó anh biết rõ về mình, anh sẽ cố đến nhà em trước khi anh đi. Nhưng anh sẽ chỉ đến vào những phút cuối cùng, bởi vì nếu điều mà anh lo ngại sẽ xảy ra, anh sẽ không thể ở lại đây thêm một giây phút nào.”

Thiếu nữ gật đầu. Họ đứng dậy.

“Kyllikki!” Chàng trai xúc động thốt lên, tay nắm chặt hai bàn tay cô gái. “Có thể đây sẽ lần cuối cùng anh được gặp em, chỉ hai chúng ta với nhau. Em đừng kết tội anh, vì anh là người như thế.”

“Anh cũng không thể nào là người khác được mà”, cô gái nồng hậu đáp. “Vâng, em hiểu anh.”

“Và vì thế anh luôn biết ơn em. Và có thể … ai biết được” – Giọng anh ngắt lại, chùng xuống – “tạm biệt, Kyllikki!”

Chiều chủ nhật. Những người thợ bè chuẩn bị rời đi.

Đám thanh niên trong làng, có cả mấy người nhiều tuổi nữa, đã tụ tập tại con đường quan dẫn đến bờ vịnh dưới thác Kohiseva để xem những người ra đi.

Vịnh sạch sẽ, quang quẻ không còn gỗ khúc, cái đuôi bè gần như trống không được những người thợ kéo di chuyển nhanh vượt qua vùng nước lặng về phía dưới. Mấy người đi ở phía trước và đẩy những thân gỗ mắc lại vào đám cỏ ven bờ xuống dòng chảy, những người khác thong thả đi dọc bờ, và gào lên những lời tạm biệt vui nhộn.

Trên bờ vịnh, gần nơi những người đến xem đang đứng, có một thân gỗ cô độc, đầu gỗ được kéo lên chỗ nước nông. Cây sào chống ngay gần đó.

“Của Dũng sĩ vượt thác đấy”, ai đó giải thích. Nghe nói anh ta còn có việc gì ở đâu đấy.

Trái tim của một người trong đám đông đập hỗn loạn.

“Ờ, vậy thì chúng ta lại được nhìn thấy anh ta vượt sóng trên thân gỗ rồi – có lẽ nó được để lại cho anh ta đó chứ?”

“Tất nhiên. Sao lại phải nhọc công đi bộ khi có con ngựa thế kia! – Anh ta đến kìa!”

Chàng trai như luồng gió dữ từ trên triền sông lao xuống. Một người trong đám đông tái nhợt. Cô nhìn thấy qua bước chân sự việc đã kết thúc thế nào. Điều gì khác thường xảy ra nơi ấy mà chàng quay lại giận dữ thế kia.

Chàng trai đến gần. Mặt chàng trắng bệch, đôi môi mím chặt và từ đôi mắt thi thoảng thấy lóe lên những tia sắc lạnh, cho dù suốt thời gian chàng chỉ nhìn thẳng ra dòng nước lặng lờ.

Chàng bước qua đám đông, giơ mũ lên chào, nhưng không nhìn ai.

“Có chuyện gì vậy?” Những đôi mắt dò hỏi, nhưng không ai thốt ra lời nào. Cô gái xanh tái sợ mình sẽ ngã và vội nắm lấy thành gỗ dẫn xuống bờ.

Chàng trai giật cây sào chống, ẩn thân gỗ xuống dòng chảy và nhảy lên nó. Rồi chàng đẩy mạnh mấy cái và quay nhìn lên đám đông đứng trên đường. Chàng tìm và thấy khuôn mặt tái nhợt.

“Tạm biệt!” Chàng nói và giơ mũ lên chào.

“Tạm biệt! Chào nhé! Hãy quay lại nhé, Người vượt thác!”

Những cái mũ vẫy vẫy, mấy cô gái phất khăn của mình. Chàng trai vẫn đứng mặt hướng về phía bờ và chậm rãi chèo lùi ra phía vịnh. Những người đứng trên bờ muốn hét to những lời chào tạm biệt thân mật, nhưng không ai thốt ra được lời nào, chỉ biết nhìn vào khuôn mặt trắng nhợt.

Chúng trắng như tuyết, khi chàng trai ngẩng lên và nhìn thẳng vào đám đông, và ngừng mái chèo.

“Những đồng tiền đúc ra từ đồng đỏ,

người ta trả công cho kẻ nghèo khó.

 Thiếu nữ của tôi, nàng chấp nhận tôi,

nhưng cha mẹ nàng khước từ xua đuổi!”

Câu hát vang lên run rẩy, như lời than thở đau cắt thịt da, khiến cho những người nghe gần như giật mình.

“Có chuyện gì thế này – anh ta có bao giờ hát như vậy đâu?”

“Im đi và hãy lắng nghe!” Chàng trai nhìn một thoáng xuống nước, chầm chậm chèo ngược ra sau, và cất tiếng với giai điệu thứ hai:

“Nhà của tôi đứng bên bờ thác cao,

sóng bạc đầu qua vách tường ập đến.

Bàn chân tôi ướt rượt thác thế gian,

nước trắng xóa đập tung tràn mặt.”

Những người đứng nghe ngạc nhiên nhìn nhau: Anh ta hát về mình.

“Đó đâu phải là ngày xuân đẹp,

khi tôi sinh ra trên mảnh đất này.

 Đó chỉ là một ngày thu ảm đạm,

 kẻ lang thang này cất tiếng chào đời.”

 

“Mẹ tôi khóc ròng nhìn những bông hoa,

 khi mang thai tôi đứa con út ít.

Mẹ tôi nhìn bông hoa đỏ màu lửa,

khi cho tôi bú dòng sữa ngọt ngào.”

Chàng trai bây giờ đã ở giữa vịnh và lại chầm chậm chèo, khuôn mặt trắng nhợt vẫn nhìn xuống mặt nước. Trên bờ không ai nhúc nhích, mọi người chờ đợi.

“Bông hoa đỏ rực trên đường tôi đi,

  hoa e ấp nở bừng, ôi đẹp quá;

Vui khôn xiết tôi cài hoa lên ngực,

đâu có ngờ đó chính nỗi buồn đau.”

 

 “Tôi ra đi chính vì bông hoa đỏ,

cửa sau lưng cha giận đóng sập rồi,

 mẹ hiền tôi khóc bên thềm nức nở:

nỗi buồn khổ của con đã bắt đầu!”

Có cô gái chùi bên khóe mắt. Tất cả mọi người đều xúc động.

“Đó là bông hoa đỏ màu lửa cháy,

 đỏ màu lửa-, ôi hoa đỏ màu lửa!

Thiếu nữ ơi hoa ấy em từng yêu,

 thiếu nữ của anh, tội em ở lại!” 

Chàng trai quay nhanh mũ và xoay người về phía dòng sông, bắt đầu chèo rất nhanh. Những cái mũ vẫy và khăn bay phấp phới. Chúng phấp phới rất lâu và rất nhiệt tình, nhưng chàng trai đã không còn nhìn lại đằng sau, chỉ tiếp tục chèo, khiến cho nước tung bọt ở phía đầu thanh gỗ.

 

Chương XII

Nàng tiên cá và Thủy Vương

 

Dòng nước chầm chậm trôi – nước chảy, sậy đung đưa.

Rừng thông xanh chiếm ngự bờ bên kia của dòng sông, cánh đồng cỏ và lúa mạch giữ cho mình bờ bên này sông.

Giữa những cánh đồng vừa nhắc đến ở trên, cách bờ mấy sải tay, là con đường quan ngoằn nghèo.

Trên con đường quan thiếu nữ trẻ đang bước – bồn chồn, do dự, lúc lúc lại nhìn ra sông.

Thiếu nữ đứng lại. Bè của đội thợ thả gỗ nổi rõ mồn một trên sông, những cây sào chống màu trắng nằm phía bờ bên kia. Và còn một người đàn ông nào đó nữa đang nằm ven rừng, đầu dựa vào cánh tay.

Cô gái nhìn. Người đàn ông không nhúc nhích. Cô vẫn còn ngần ngại, vừa bước đến, lại lùi ngay ra sau. Cuối cùng cô cương quyết rời đường quan bước vào đồng cỏ và mất hút sau bờ mương dẫn nước từ đồng xuống sông.

Niềm vui sướng được gặp lại đang giằng co trong lồng ngực chàng trai giữa sự kiêu hãnh bị tổn thương và nỗi đắng cay. Anh chỉ muốn lướt qua mặt nước, nhào đến đón và ôm chặt thiếu nữ vào lòng mình – không suy nghĩ, không quan tâm đến bất cứ điều gì. Nhưng giữa chừng vẫn có cái gì đó, lạnh buốt và trong vắt như nước sông, chia rẽ hai người.

Cô gái đã đến bờ, dừng lại và nhìn qua mặt nước – không nói một lời, không nhúc nhích.

Chàng trai không thể kìm nén được nữa, và chồm phắt dậy.

“Em đã đến!”, anh nói gần như âu yếm và bước ra bờ sông.

“Em đã đến – em không thể không đến”, cô gái trả lời rất khẽ, gần như không thể vọng sang đến bờ bên kia.

“Còn anh thì không thể không nghĩ đến em…”

Dòng sông chăm chú nhìn cả hai người: “Giá mà mình bị đóng băng vào lúc này!”

“Anh không thể tìm cách nào qua đây được một lúc ư?” Cô gái ngập ngừng hỏi.

“Anh cũng đang nghĩ đến điều đó. Nhưng chúng ta không thể ở bên đó, bởi vì thợ đi ăn tối sắp về rồi.” Anh nghĩ trong một thoáng.

“Em không muốn qua đây ư, nếu như anh đưa em qua – ở đây có rừng? Em có dám sang bằng mảng không?”

“Vâng, em qua bằng mảng được.”

Chàng trai lấy sào và tháo mảng ra từ bè lớn – mảng là hai mảnh gỗ thông nhỏ được ghép lại – và chèo nhanh sang bờ bên kia.

“Cứ như người em gái đã được chờ đón từ lâu!” Chàng trai nghĩ khi giơ cả hai tay ra cho cô gái và đón cô lên mảng. Cô gái níu chặt tay chàng và nhìn sâu vào đáy mắt, nhưng không nói lời nào.

“Bây giờ em phải ngồi lên thanh ngang kia – em không thể đứng được, mảng sẽ chòng chành khi anh chèo.”

Cô gái ngồi, chàng trai chèo.

“Anh đã từng không tin em lại có thể là người bạn như thế!” Chàng trai nói, khi họ cùng bước lên bờ.

“Bạn!” Cô gái nhắc lại và nhìn lên với cái nhìn biết ơn và trìu mến – bởi vì chàng trai đã tìm được đúng tên gọi cho cảm xúc đã đưa cô đến đây và đã khiến cô phải chịu nhiều đau đớn và nghi ngại. Mặt trời đang đi về nhà mình. Hai người vừa nói chuyện nho nhỏ vừa cập vào bờ. Chỉ đến đó họ mới như bừng tỉnh và nhìn nhau kinh ngạc. Dòng sông trống vắng – cả hai chưa ai nghĩ đến việc quay lại bằng cách nào.

“Làm sao bây giờ?” Đôi mắt của cả hai như cùng hỏi.

“Em không thể đi dọc bờ bên này để trở về – điều đó anh rất hiểu.” Cuối cùng chàng trai lên tiếng.

“Vâng. Em không thể đi qua cả Kohiseva-Nhỏ và qua cầu trở về – mà em còn phải lùa bầy bê non về nhà.”

“Mà ở đây không có chỗ nào có thuyền ư?”

“Không đâu.”

Cánh rừng cũng nhìn họ lúng túng, mấy bụi hồng đá bờ bên kia rũ xuống nghĩ ngợi.

“Vậy mà tôi cũng muốn giúp các bạn lắm!” Dòng sông lên tiếng.

Trong mắt chàng trai lóe lên tia táo bạo.

“Em biết bơi không?” Chàng kêu lên khi quay lại phía cô gái.

“Bơi?” Cô gái ngạc nhiên hỏi. Nhưng rồi  mắt cô mở to và sáng lên:

“Có! Em biết bơi!”

“Vậy em có dám bơi – với anh, nếu anh mang váy áo của em sang bờ bên kia?” Chàng trai lại hỏi.

Cô gái run lên vì sự táo bạo của lời đề nghị và sự hấp dẫn huyền bí của nó.

“Vâng, em dám bơi – cùng anh!” Cô thốt lên và cả hai nhìn nhau một lúc lâu.

“Em cởi váy áo ở đây!” Chàng trai nói.

“Và cuộn tất cả đồ vào áo, rồi buộc tay áo lại với nhau. Anh cởi đồ ở phía dưới kia. Như thế là được.”

Anh bước nhanh xuống phía dưới. Nhưng cô gái đỏ bừng mặt và nhìn quanh lúng túng, cứ như thể cô vừa hứa một điều gì đó mà cô không thể giữ lời.

Cuối cùng cô bối rối nhìn chàng trai. Anh ngồi trên bờ, quay ra phía khác, và cởi đồ rất nhanh.

“Ôi, sao mình lại trẻ con đến thế!” Cô gái thầm kêu lên và bước nhanh xuống bờ, cúi xuống và vội vã cởi váy áo.

Tiếng khỏa nước – chàng trai gần như mất hút trong đám sậy ven bờ. Chàng tháo ủng và lộn ống ủng lên sau gáy và quàng một dây buộc ủng quanh cổ. Gói quần áo của mình chàng để lên thân ủng và lấy dây ủng kia buộc nó lại dưới cằm.

“Anh xong rồi đấy!” Chàng trai nói to qua bờ vai và nhìn xuống phía dưới dòng sông. Cô gái vội vàng gói đồ vào thân áo. Thân hình trắng trẻo run rẩy vì xấu hổ và niềm vui sướng do sự táo tợn vô bờ đem lại. Nước rẽ ra, bóng trăng trắng chìm xuống dưới sóng nước, cô bơi lên phía trên và giấu mình vào đám sậy.

Chàng trai khỏa nước đi lên phía trên, nụ cười thoáng trên nét mặt và đôi mắt nhìn chằm chằm vào gói quần áo được để lại trên bờ. Chàng với lấy nó bằng một tay, buộc dây xung quanh và để gói váy áo xuống dưới cằm lên trên gói quần áo của mình.

Đó là tất cả gói hàng, được nâng lên cao quá đầu.

“Quần áo ở đó là tốt rồi”, chàng trai khẳng định, “chỉ cần anh không hấp tấp thôi.”

Anh bắt đầu bơi sang bờ bên kia bằng những cái khỏa tay chậm rãi và mạnh mẽ.

Cô gái đứng im phắc trong đám sậy và nhìn chàng trai đang bơi.

“Anh ấy thật dũng cảm, mạnh mẽ và cũng kỳ lạ làm sao!” Cô gái nghĩ. “Sông không cản được, nước không nhấn chìm, tất cả đều theo ý anh. Với người như thế ta không gì phải sợ!”

“Váy áo của cô ấy ở đây!” Chàng trai nghĩ. “Và mình mang đi. Và đó là tình bạn của chúng mình, tình bạn đã bắt đầu và bất chấp tất cả, vì tình bạn ấy mà cái chết bị coi thường, cả nỗi hốt hoảng khôn nguôi trên bờ, những đau đớn và sự khốn khổ – ta vui lòng mang nó!”

Chàng trai đã đến bờ, cởi gói quần áo của thiếu nữ và cẩn thận vứt nó lên bờ. Anh bơi xuống phía dưới và vứt quần áo mình lên đó. “Em vẫn còn ở bên đó à?” Anh kêu lên về phía rặng sậy bờ bên kia –  gọi thế, mặc dù cả quãng thời gian vẫn luôn mong đợi là điều đó sẽ xảy ra.

“Vâng”, cô gái trả lời. “Em quên là mình cũng phải bơi – em thấy nhìn anh bơi thật thích.”

“Anh bơi sang đón em không – nếu điều đó làm em thấy an toàn hơn …?”

“Vâng, em sẽ thấy yên tâm hơn”, cô gái trả lời.

Cô không thấy xấu hổ nữa, mặc dù chàng trai nhìn thẳng về phía cô. Cô cảm thấy niềm hân hoan thầm kín mà con người có thể cảm nhận được khi vượt qua giới hạn của thế giới thường ngày để bước vào thế giới của truyện cổ tích và những cuộc phiêu lưu, nơi tất cả đều được phép và thiêng liêng, nơi cảm giác họ là hai nhân vật đang đi trên những con đường riêng và bí ẩn, chính là ngọn lửa tinh lọc, làm tan chảy và hòa quyện làm một.

Chàng trai bơi rất nhanh đến bên cô gái.

“Hệt như Nàng tiên cá trong đám sậy!” Chàng reo lên ngưỡng mộ và ngừng bơi.

“Và Thủy Vương giữa các lớp sóng!” Cô gái đáp lại bằng ánh mắt sáng ngời niềm vui, và nhào xuống nước.

“Em bơi rất thạo Nàng tiên cá ạ!” Chàng trai nói. Họ cùng bơi song song sang bờ bên kia.

Tiếng khỏa nước khe khẽ, đôi vai trần trắng của thiếu nữ nhấp nhô giữa các con sóng và bím tóc dài vẽ những đường cong cong trên mặt nước sáng lấp lánh như vàng ròng trong ánh nắng hoàng hôn.

“Đẹp quá!” Chàng trai thốt lên và nhìn vào mắt cô gái. “Anh chưa bao giờ nhìn thấy cái gì đẹp như thế này!”

“Em cũng vậy”, cô gái xúc động đáp lời.

“Cả chúng tôi cũng vậy!” Cây ven bờ mỉm cười.

“Cả chúng tôi cũng thế!” Những bụi hồng đá bờ bên kia gần gật.

“Cứ như là chúng ta đang bơi trong dòng sông quên lãng,” Chàng trai nói. “Nơi tất cả những gì của ngày hôm qua biến mất, tất cả xấu xa và đau khổ bị cuốn trôi và chúng ta biến thành những mảnh nho nhỏ thuộc về thiên nhiên do Chúa trời tạo dựng đang mừng vui xung quanh chúng ta.”

“Em cũng cảm thấy như vậy”, cô gái đáp và càng xúc động hơn.

Họ lặng lẽ bơi vào bờ.

“Dòng sông này sao hẹp vậy!” Chàng trai thốt lên và buồn bã bơi ra xa tìm quần áo của mình.

Anh vội vã mặc quần áo và chạy lại bên cô gái.

“Anh có được vắt nước trong bím tóc em không?” Anh dịu dàng hỏi.

Cô gái đáp lại bằng mắt. Những giọt nước như những giọt bạc lăn tròn qua các ngón tay chàng trai.

“Và bây giờ chúng ta đã phải xa nhau hay sao?” Olavi nói, giọng run lên đầy cảm xúc … “Để anh tiễn em lên đến đường quan.”

Anh nhìn ra sông một lần nữa với ánh mắt buồn buồn, như để thu mãi vào tâm trí mình quang cảnh dòng sông. Họ bước qua bờ mương không nói một lời, hướng tới ven đường và đứng lại đó.

“Chúa ơi!” Chàng trai kêu lên và nắm lấy cả hai tay cô gái, “Chia tay em sao lại khó đến thế này!”

“Với em còn khó hơn!” Phải vất vả lắm cô gái mới thốt lên được.

“Liệu anh có bao giờ quên được em, em và buổi tối hôm nay?”

Mắt cô gái chớp nhanh, cô vội cúi đầu xuống.

“Kyllikki!” Chàng trai nói, giọng run run vì vô vọng. “Em đừng giấu mắt mình đi như thế! – Kyllikki …?” Anh lại nói, niềm hy vọng và sự ngần ngại hiện rõ trong ánh mắt – anh nhẹ nhàng gỡ tay mình ra và đặt chúng lên hông cô gái như hỏi thầm.

Thân hình cô gái rung lên – đôi cánh tay đặt lên trên bờ vai chàng trai và chầm chậm vòng xung quanh cổ chàng.

Một niềm ngất ngay trào dâng trong lòng chàng trai. Anh nóng bỏng xiết chặt cô vào lòng, nâng cô lên cao – vòng tay cô gái càng chặt hơn quanh cổ chàng trai.

Chàng trai nhìn ánh mắt cô gái dịu êm và thay đổi – Anh như chóng mặt và đặt cô xuống đất.

“Anh được phép không …?” Ánh mắt chàng hỏi.

“Được!” Ánh mắt cô gái trả lời – hai đôi môi chạm nhau.

Khi cuối cùng anh rời được ra, cả khuôn mặt cô gái thay đổi đến mức cứ như đó là mặt người khác – giọt máu bé xíu ứa ra trên môi dưới mềm mại.

Chàng trai xuýt kêu lên vì hoảng sợ.

Nhưng rồi sự mê mẩn không thể giải thích nổi chiếm ngự anh: giọt máu đó là con dấu bí ẩn của tình bạn bí ẩn nhất và sâu thẳm nhất – bằng nụ hôn say đắm anh nuốt vào mình giọt máu đó và quên mình là ai trong cái hôn, và mong muốn là cả thế gian chìm đắm đi trong giây phút ấy. Anh không thể nói thêm được lời nào, và cũng không biết anh phải ở đó hay ra đi. Mắt anh tối sầm, và anh bước đi lảo đảo như kẻ say, không dám đến một lần nhìn lại sau.

 

Bùi Việt Hoa dịch

 

———–

[1] dặm: đo khoảng cánh cũ ở Phần Lan, khoảng 10 km

Vài huyền thoại về cuộc Vạn lý Trường chinh

6 giờ ngày 18/10/1934 Mao rời đại bản doanh, đi qua cổng tò vò từ thời nhà Tống, bước lên chiếc cầu phao bắc qua sông ở Vu Đô (Giang Tây). Chiếc cầu phao ọp ẹp này không chỉ đưa Mao qua sông mà còn tạo ra cho ông ta một huyền thoại. Quá khứ giết chóc và chế độ công sản Trung Quốc để lại phía sau. Mao đã tự mình tạo ra một câu chuyện hoang đường lâu dài nhất trong lịch sử Trung Hoa, và cũng là một trong những câu chuyện hoang đường nhất của thế kỷ XX – Vạn lý Trường chinh (VLTC).

Đài tưởng niệm Sự khởi đầu VLTC bên sông Vu Đô, được khánh thành năm 2019.

(Ảnh: từ http://www.chinadaily.com.cn/a/201907/22/WS5d350c81a310d8305640036b.html)

Huyền thoại 1: Tưở̉ng Giới Thạch để cho Hồng quân đi

Ngày 30/11, Mao và 40 000 quân lội qua sông Tương và ngày hôm sau qua sông, mặc dù quân Tưở̉ng Giới Thạch ở trên bờ và máy bay lượn trên đầu. Lúc này quân Tưở̉ng Giới Thạch  mới ném bom. Một nửa số quân Đỏ ở lại bờ đông. Không nghi ngờ gì rằng Tưở̉ng Giới Thạch đã để cho chỉ huy Hồng quân và lực lượng chính trốn thoát.

Vì sao Tưở̉ng Giới Thạch làm thế? Một lý do nổi lên là sau khi qua sông, quân Tưở̉ng Giới Thạch đuổi đội quân Mao về phía tây của Quý Châu và Tứ Xuyên. Tưở̉ng Giới Thạch có ý đồ dùng quân Đỏ cho mục đích của mình. Hai tỉnh này cùng với Vân Nam với dân số khoảng 100 triệu người, diện tích 1 triệu km2 và tương đối độc lập với chính quyền trung ương. Tứ Xuyên là địa bàn quan trọng nhất, giàu có và đông dân nhất với khoảng 50 triệu người. Với địa thế hiểm trở, Tưở̉ng Giới Thạch dự tính đây là địa bàn an toàn cho cuộc chiến chống Nhật.

Tưở̉ng Giới Thạch không muốn đem quân vào vùng này mà chỉ muốn đẩy quân Đỏ vào đây để cho địa phú vùng này lo sợ quân Đỏ ở lại và sẽ cho quân Tưở̉ng Giới Thạch vào để đuổi quân Đỏ đi. Tưở̉ng Giới Thạch nói với người thư ký của mình: “Bây giờ quân Đỏ vào Quý Châu, chúng ta có thể theo vào”. “Điều đó tốt hơn là chúng ta tiến hành chiến tranh để chiếm lấy Quý Châu. Tứ Xuyên và Vân Nam sẽ chào đón chúng ta vào để bảo vệ họ. Từ lúc này trở đi, nếu chúng ta sử dụng tốt quân bài của mình, chúng ta có thể tạo lập một đất nước thống nhất”.

Ngày 27/11 trước ngày quân Đỏ qua sông Sông Tương hướng đến Quý Châu, Tưở̉ng Giới Thạch công bố kế hoạch xây dựng quốc gia, một “Tuyên bố phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và các tỉnh”. Điều này vẫn bí mật suốt cuộc đời Tưở̉ng Giới Thạch và vẫn được giữ kín trong lịch sử của Quốc dân đảng cũng như Cộng sản. Cả hai phía đều chia sẻ một điều là không tiết lộ việc chính Tổng tư lệnh Tưở̉ng Giới Thạch đã để cho quân Đỏ đi. Đối với Quốc dân đảng, sách lược của Tưở̉ng Giới Thạch quá ranh mãnh và đã sai lầm dùng quân Đỏ – để cuối cùng dẫn đến chiến thắng của họ – quá bẽ bàng. Đối với những người Cộng sản, thật xấu hổ để thừa nhận rằng cuộc viễn chinh lừng lẫy được Tưở̉ng Giới Thạch dẫn lối.

Để cho quân Đỏ đi cũng là một chỉ dấu tốt của Tưở̉ng Giới Thạch đối với Xô Viết. Ông ta cần giữ quan hệ tốt với Xô Viết vì đang bị Nhật đe dọa, trong khi Cộng sản Trung Quốc là con nuôi của Moscow.

Một lý do khác nữa, sâu kín hơn và hoàn toàn cá nhân là Kinh Quốc (con trai nối dõi duy nhất của Tưở̉ng Giới Thạch với người vợ thứ nhất) đang bị Moscow giữ làm con tin đã 9 năm. Sau khi sinh được Kinh Quốc, Tưở̉ng Giới Thạch dường như không có khả năng có con vì bị bệnh hoa liễu nên ông ta đã nhận một người con nuôi là Weigo. Tưở̉ng Giới Thạch vẫn coi trọng truyền thống của người Trung Quốc: phải có con trai nối dõi mới là người có hiếu với cha mẹ, tổ tiên.

Năm 1925 Tưở̉ng Giới Thạch gửi Kinh Quốc (15 tuổi) vào một trường học ở Bắc Kinh. Đó là lúc Tưở̉ng Giới Thạch thành lập Quốc Dân Đảng, được Moscow bảo trợ. Không lâu sau người Nga để ý đến Kinh Quốc và mời anh ta sang Nga học. Vài tháng sau khi đến Nga, Kinh Quốc được một gián điệp ít được biết đến song rất quan trọng của quân Đỏ trong Quốc dân Đảng là Thiệu Lực Tử (邵力子)đưa đến Moscow.

Việc cài cắm gián điệp là một trong những món quà vô giá mà Moscow để lại cho Cộng sản Trung Quốc (CCP). Hầu hết số gián điệp này gia nhập Quốc dân đảng vào nửa đầu những năm 1920, khi Tôn Dật Tiên ve vãn Nga, mở cửa đảng của ông ta cho những người Cộng sản. Khi Tưở̉ng Giới Thạch li khai khỏi Cộng sản năm 1927, một bộ phận lớn gián điệp này án binh bất động để được “kích hoạt” vào thời cơ thích hợp. Và trong hơn 20 năm tiếp đó họ không chỉ cung cấp cho quân Đỏ những thông tin quan trọng mà còn thường giữ chức vụ quan trọng có tác động đến đường lối trong Quốc dân đảng. Cuối cùng, các gián điệp đã giữ một vai trò to lớn trong việc trao Trung Quốc cho Mao – có lẽ là một vai trò lớn hơn trong chính trường thế giới. Cho đến nay nhiều gián điệp trong số đó vẫn chưa lộ diện.

Thiệu Lực Tử (Shao Li tzu) là một trong số đó. Không nghi ngờ gì là với sự dẫn dắt của Moscow, Thiệu đã đưa con của Tưở̉ng Giới Thạch  đến Nga tháng 11/1925. Năm 1927, khi Kinh Quốc học xong, anh không được cho về và buộc phải công khai cha đẻ. Stalin đã giữ Kinh Quốc làm con tin khi tuyên bố với thế giới là anh ta tự nguyện ở lại.

Việc Kinh Quốc bị giữ làm con tin được Tống Khánh Linh (vợ của Tôn Trung Sơn đồng thời là chị của vợ Tưở̉ng Giới Thạch), một điệp viên của Xô Viết, thông báo cho Tưở̉ng Giới Thạch vào cuối năm 1931.

Nói thay cho Moscow, bà gợi ý đổi Kinh Quốc với hai điệp viên cấp cao của Nga mới bị bắt ở Thượng Hải. Tưở̉ng Giới Thạch từ chối vì việc bắt hai điệp viên Nga đã được công khai và hai điệp viên đã bị bỏ tù. Nhưng đề nghị của Moscow đã để lại cho Tưở̉ng Giới Thạch  một nỗi day dứt trong lòng như ông đã viết hai lần trong nhật ký của mình vào ngày 3 và 14/12/1931: “Ta sẽ bị tội bất hiếu nếu để con trai nối dõi bị chết…”

Tưở̉ng Giới Thạch tiếp tục bị day dứt bởi lo lắng điều gì sẽ xảy ra với con trai. Tháng 12/1931 con trai của Thiệu Lực Tử bị bắn chết ở Roma. Người con trai này cũng được đưa đến Nga cùng với Thiệu khi ông ta đưa Kinh Quốc sang Nga năm 1925. Nhưng khác với Kinh Quốc, người con trai này sau đó được trở về Trung Quốc. Thiệu cho rằng chính gián điệp của Quốc dân đảng, theo lệnh Tưở̉ng Giới Thạch, đã giết con ông vì thù oán cá nhân.

Vào thời gian cuộc Trường chinh bắt đầu, Tưở̉ng Giới Thạch nghĩ ra một sự trao đổi thận trọng và xảo quyệt: Cho quân Đỏ sống sót để đổi lấy Kinh Quốc. Đó là một sự trao đổi không dễ nói ra. Ông đã thực hiện kế hoạch của mình một cách khôn khéo. Để quân Đỏ tạm thời an toàn, sau đó dùng quân Nhật tiêu diệt. Tưở̉ng Giới Thạch cho rằng chiến tranh với Nhật là không thể tránh khỏi và đó cũng là ý muốn của Nga. Tưở̉ng Giới Thạch dự tính rằng khi chiến tranh Trung-Nhật nổ ra. Moscow nhất định sẽ lệnh cho khách hàng của mình là Trung Quốc chống lại Nhật. Cho đến lúc đó Tưở̉ng Giới Thạch nên để cho quân Đỏ sống sót để có thể đổi lấy mạng sống của con mình.

Tưở̉ng Giới Thạch không muốn quân Đỏ chiếm giữ vùng đất giàu có của Trung Quốc. Mục đích của ông ta là đuổi họ đến nơi hoang vắng và nghèo nàn, nơi quân Tưở̉ng có thể bao vây. Nhân vật chính mà Tưở̉ng Giới Thạch tận dụng để thực hiện kế hoạch đó không ai khác là Thiệu Lực Tử. Và Thiệu Lực Tử được bổ nhiệm thị trưởng tỉnh Thiểm Tây tháng 4/1933.

Đúng vào lúc cuộc Vạn lý trường chinh bắt đầu (giữa tháng 10/1934), Tưở̉ng Giới Thạch  viếng thăm tỉnh Thiểm Tây. Trong khi kêu gọi một cách công khai cần xua đuổi bọn kẻ cướp Đỏ, Tưở̉ng Giới Thạch để cho quân Đỏ mở rộng địa bàn trong vòng vài ba tháng tới 30 ngàn km2 với dân số 900 ngàn người.

Kế hoạch của Tưở̉ng Giới Thạch là làm suy yếu quân Đỏ dọc đường, song không giết toàn bộ. Cách mà ông ta điều khiển những người cộng sản là thông báo trên radio đường hành quân của quân mình. Quân Đỏ nhờ thế mà tránh được không gặp quân Tưở̉ng Giới Thạch hoặc gặp rất ít. Tháng 6, quân Tưở̉ng Giới Thạch ném bom bất ngờ đài phát thanh của CCP ở Thượng Hải, nơi có liên lạc với Thụy Kim và Moscow. Sau đó quân Tưở̉ng Giới Thạch kiểm soát và tháng 10 nó bị đóng cửa.

Vạn lý trường chinh được Tưở̉ng Giới Thạch sử dụng để đổi lấy con trai. Trước khi quân Đỏ rời bản doanh Thụy Kim, Tưở̉ng Giới Thạch gửi thông điệp ngoại giao đề nghị cho con trai được về Trung Quốc. Ngày 2/10/1934, ông ghi trong nhật ký rằng “một đại diện chính thức đã gửi đề nghị được đưa Kinh Quốc về.” Trong thời gian ác liệt vào tháng 10 và 11, Tưở̉ng Giới Thạch đã báo cho Xô Viết biết ông sẽ lảng tránh để cho quân Đỏ đi bằng cách không xuất hiện ngoài mặt trận mà đi về hướng đối diện lên phái bắc Trung Quốc cách hàng ngàn km trong một cuộc hành quân kéo dài 40 ngày.

Moscow hiểu thông điệp đó. Đúng vào thời gian Tưở̉ng Giới Thạch yêu cầu thả con trai và ngày quân Mao vượt sông Tương và giải tỏa lô cốt quân Tưở̉ng Giới Thạch, Moscow tăng cường giám sát con tin. Kinh Quốc lúc đầu làm việc ở một làng quê và ở một hầm mỏ ở Siberi bây giờ làm trong một công xưởng ở Ural. Sau này anh ta cho biết: “Từ tháng Tám đến tháng 10/1934 tôi bất ngờ được KGB giám sát một cách chặt chẽ. Hàng ngày tôi bị hai người đàn ông theo dõi.”

Đầu tháng 12, ngay trước khi quân Đỏ phá hủy lô cốt cuối cùng của quân Tưở̉ng, Tưở̉ng Giới Thạch  lại gửi đề nghị thả con trai (như KGB báo cho Kinh Quốc). Nhưng phía Xô Viết nói cho Tưở̉ng Giới Thạch rằng con trai ông không muốn về. Tưở̉ng Giới Thạch  đã viết trong nhật ký “Sự lừa dối của kẻ thù Nga không chấm dứt”, mặc dù ông ta nói ông ta có thể “giữ kín nó”. “Tôi nghĩ rằng quả thật tôi đã tiến một bước vì tôi đã với tới tai họa của gia đình”. Tưở̉ng Giới Thạch  biết con trai sẽ an toàn nếu ông ta nới tay hơn với quân Đỏ.

Huyền thoại 2: Trận đánh trên cầu Đại Độ

Giữa tháng 12, Tưở̉ng Giới Thạch  lái Vạn lý trường chinh đến Quý Châu, tỉnh đầu tiên ông ta muốn kiểm soát. Sau đó Tưở̉ng Giới Thạch  hướng quân Đỏ đến Tứ Xuyên bằng cách chặn các đường khác và dể ngỏ đường này. Nhưng Mao không đi vào Tứ Xuyên. Ông ta không lo đối phó với Tưở̉ng Giới Thạch mà đương đầu với việc giành quyền lực trong đảng.

Mao, Vương Gia Tường và Lạc Phủ đi cùng với nhau, thường nằm trên cáng tre. Cáng tre được dùng cho một số chỉ huy, mỗi người còn có 1 ngựa và một số lính khiêng đồ. Hầu hết chặng đường Vạn lý họ đều được khiêng. Mao còn trang bị cho mình một cáng riêng.

Chính Mao đã nói với nhân viên của ông ta vài thập kỷ sau rằng: “Trong cuộc Vạn lý, tôi nằm trên một chiếc cáng. Vậy tôi làm gì? Tôi đọc. Tôi đọc rất nhiều.” Rất khó khăn cho những người khiêng. Nhiều người lính nhớ lại: “Khi trèo núi, những người khiêng cáng đôi khi chỉ có thể tiến lên bằng đầu gối; da và thịt trên đầu gối của họ xước trước khi lên đến đỉnh. Mỗi lần trèo núi để lại một vệt máu và mồ hôi họ”.

Ngày 28/1/1935 Mao ra lệnh phục kích ở phía tây Thổ Thành (Tucheng). Mao đứng trên một điểm cao từ rất xa quan sát quân Đỏ bị sát hại và chỉ đến cuối ngày mới hạ lệnh rút lui. Đây là trận chiến duy nhất khi quân Đỏ chạm trán với quân Tưở̉ng trong cuộc Vạn lý trường chinh. 4000 (10%) quân Đỏ bị tiêu diệt. Thổ Thành là thất bại lớn nhất trong cuộc Vạn lý và được giữ kín, vì Mao là người chịu trách nhiệm viề việc chọn địa điểm và thời gian. Huyền thoại là Mao đã bảo toàn quân Đỏ ở Tuân Nghĩa (Zunyi). Sự thật là ngược lại.

Thất bại thứ hai là cuộc tấn công ở Mao Đài (Maotai), địa danh một loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc. Hàng ngàn quân Đỏ bị thiệt mạng. Sau khi dồn quân Đỏ vào nơi dự định, Tưở̉ng Giới Thạch chặn đường trở lại Quý Châu. Nhưng Mao vẫn bác bỏ khả năng tốt nhất- tiến lên phía bắc – và ra lệnh cho quân Đỏ đi vòng quanh và qua sông trở lại Quý Châu. Đó là một lệnh lạ lùng và không được công bố sau này. Quân Đỏ quanh quẩn ở vài địa phương trong vòng khoảng hai tháng. Mao còn đặt quân Trương Quốc Đào ở vào tình thế nguy hiểm là ở nguyên vị trí và chờ ông ta. Mao sau này không hề lấy làm xấu hổ gọi thất bại đó là “tour de force”. Trên thực tế, những thất bại đó là vì mánh khóe để giành quyền lực cá nhân mà ngày nay vẫn không được biết đến.

Một nạn nhân của mưu đồ của Mao là người vợ hai, Dương Khai Tuệ. Trong thời gian đi Vạn lý Trường chinh cùng Mao, Dương Khai Tuệ sinh con thứ tư với Mao. Cũng như hai con trước sau khi sinh được 2 ngày phải để con lại và sau ba tháng đứa con bị chết. Nhưng cho đến khi chết (1984) bà vẫn không biết mình sinh đứa con gái này ở đâu.

Trong sâu thẳm, Dương Khai Tuệ bị tổn thương bởi sự lãnh đạm của Mao. Bà từng nói với một người bạn điều làm bà đau nhất là câu nói của Mao với những người phụ nữ khác: “Vì sao phụ nữ quá sợ việc sinh nở? Nhìn vào Dương Khai Tuệ, sinh nở với bà dễ như gà đẻ trứng”. Hai tháng sau khi sinh, trên đường Vạn lý Trường chinh, Dương Khai Tuệ bị bom suýt chết. Mao được báo tin song không đến thăm bà, mặc dù chỉ ở làng bên cạnh.

Đoàn quân của Mao tiến về phía bắc để sáp nhập với quân Trương Quốc Đào. Chặng đường này đã cung cấp một tấm màn cho huyền thoại về Vạn lý Trường chinh: việc đi qua cầu trên sông Đại Độ.

Chiếc cầu này là trung tâm huyền thoại Vạn lý Trường chinh, được Mao cung cấp cho nhà báo Mỹ, Edgar Snow năm 1936, dựng lên. Snow viết: “Việc qua sông là một tình tiết độc đáo nhất của Vạn lý Trường chinh. Một nửa sàn cầu đã bị quân Tưở̉ng Giới Thạch dỡ bỏ và phía trước họ chỉ có những mắt xích đung đưa giữa dòng nước. Ở đầu cầu phía bắc một cỗ đại bác của kẻ thù hướng chĩa về phía họ với quân Tưở̉ng Giới Thạch phía sau. Ai có thể nghĩ quân Đỏ dám qua cầu chỉ với dây xích được? Nhưng họ đã làm.”

Ông ta mô tả quân lính bị bắn và rơi xuống sông. “Paraffin được ném xuống ván cầu và chúng bắt đầu cháy. Lúc đó khoảng 20 hồng quân tiến lên, liên tiếp ném lựu đạn vào các ổ súng của quân thù.”

Điều đó là hoàn toàn bịa đặt. Không hề có trận đánh nào ở cầu Đại Độ. Cũng không có quân Tưở̉ng Giới Thạch ở bên cầu khi quân Đỏ đi qua vào ngày 29/5. Khá xa cầu ở Lô Định, từng có một đơn vị của quân Tưở̉ng đóng, nhưng đã chuyển đi trước khi hồng quân đến.

Khi Hồng quân đến vùng này, họ đã lập một doanh trại ở một nhà thờ đạo Thiên chúa cạnh cầu. Một phụ nữ 93 tuổi khi mà các tác giả gặp năm 1997 đã kể lại lính Hồng quân trú trong nhà bà. Gần cầu có các tiệm bán hàng của người dân địa phương. Bà không nhớ phía đầu cầu bên mình có bị đốt. Bà nhớ rằng Hồng quân mượn các cánh cửa của nhà bà cũng như hàng xóm để lót lên cầu. Cầu không phải chỉ còn trơ trụi các dây xích. Điều đó chỉ có khi chính quyền Mao làm một bộ phim tuyên truyền.

Tranh cổ động “Trận đánh trên cầu Đại Độ” (Nguồn: Chineseposter.net) 

Trung tâm của huyền thoại là khẳng định rằng một phần cầu bị đốt và lính hồng quân phải bò trên dây xích để qua sông. Điều này đã bị người phụ trách bảo tàng ở cầu bác bỏ vào năm 1983. Cầu không hề bị đốt, mặc dù có hỏa hoạn trong thị trấn mà hình như là do quân Đỏ đốt.

Bằng chứng mạnh mẽ khác nữa là không hề có trận đánh “anh hùng” nào dẫn đến thương vong. Quân Đỏ đã qua sông không có ai bị chết. Theo huyền thoại, đội quân tiên phong gồm 20 người đã xông lên cảm tử. Nhưng tại một buổi lễ không lâu sau đó, 20 người này vẫn sống, được tặng một bộ quần áo Lenin, một chiếc bút máy, một bát và một đôi đũa. Thậm chí không ai bị thương.

Sau họ, không ai khác bị chết vì hỏa lực. Chu Ân Lai sau đó đã hỏi Dương Thành Vũ, người chỉ huy một đơn vị qua cầu, rằng “Không ai thương vong ư?” Dương trả lời: Không!

Ngày 31/5./935 Mao bước lên cầu Lô Định (泸定) qua sông Đại Độ.

Ngày 4/7 em rể của Tưở̉ng Giới Thạch gọi cho đại sứ Xô Viết Dimitri Bogomolov, bề ngoài là để thảo luận về việc quân Nhật tiến về phía bắc Trung Quốc. Cuối cùng ông nói về việc Tưở̉ng Giới Thạch rất muốn được đón con trai về. Đây là điều Tưở̉ng Giới Thạch nói với Stalin: Tôi đã để cho hai cánh quân Đỏ sống sót và sát nhập với nhau, ông có thể vui lòng để con trai tôi trở về với tôi được chứ? Bogomolov đáp một cách dối trá “Chúng tôi không cản trở việc anh ấy trở về. Nhưng theo như tôi biết anh ấy không muốn đi đâu cả” (tr.161)

Mặc dù không đón được con về, nhưng Tưở̉ng Giới Thạch đã đạt được mục đích khác là giành ba tỉnh tây nam dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Với quân đội của mình ở Tứ Xuyên, Tưở̉ng Giới Thạch trở lại đây vào tháng 5 để xây dựng căn cứ cho cuộc chiến với Nhật.

Mao cũng giành được mục đích của mình. Với 2 000km hành trình, ông ta đã thiết lập được con rối của mình là Lạc Phú làm người đứng đầu đảng và đặt Mao vào vị trí lên ngôi. Như thường lệ, Mao coi Kremlin chỉ là chỗ dựa nếu ông ta thống lĩnh Trung Quốc. Giờ đây ông ta đã gần hơn bất cứ lúc nào với lãnh thổ do Nga kiểm soát và bắt đầu nói đến việc xin trợ giúp về vật chất và kỹ thuật.

Ngày 15/10 Phái viên của Mao là Trần Vân chuyển thông điệp của Mao đến Quốc tế Cộng sản. Lần đầu tiên Mao được công nhận là người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc. 2 tuần sau tờ Pravda đăng một bài viết với tiêu đề “Mao Trạch Đông, Nhà Lãnh đạo của nhân dân Trung Quốc.”

Lê Lam lược dịch.

Nguồn: Mao – The Unknown Story, Jung Chang and Jon Halliday, Jonathan Cape, London 2005

—–

Bài đăng tại: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-huyen-thoai-ve-cuoc-truong-chinh

 

Haltijatar ja Lohikäärme: Taru Viet – kansan synnystä

Kerrotaan, että ajan alussa Linh Nam-issa ’Linh vuoristosta etelä’ – silloisessa Vietnamissamme – eli Loc Tuc niminen heimopäälikkö, joka on maanviljelyn jumalan pojanpojanpojan poika. Hän on muita voimakkaampi, ja osaa liikkua vedessä kuten maan päällä. Hän kutsuu itseään Kinh Duong Vuong-iksi, ’kuningas Kinh Duong’ saatuaan hallitsijan vastuun. Eräänä päivänä vieraillessaan Dong Dinh – suurella järvellä hän tapasi  Long Nun, veden kuninkaan Long Vuong tyttären. Heiltä syntyi poika, nimeltään Sung Lam.

Vartuessaan Sung Lam peri isältään maan hallitsijan tehtävän, ja otti Lac Long Quan –arvonimen, joka tarkoittaa Lac –maan kuningas Lohikäärme. Hän opetti kansalleen maanviljelyä, talon rakentamista, ja tapoja elämiseen. Siihen aikaan Linh Nam oli viljematonta, oli sen metsissä ja meressä paljon paholaiseläimiä ja merihirviöitä. Long Quan tappoi tai kesytti ne auttaakseen maansa asukkaita. Kun maan päällä hallitsi rauha, hän laski vedenalaiseen asuinpalatsiinsa ja sanoi kansalleen: ”Jos vain tarvitsette minua, kutsukaa, tulen apuun!” Näin tapahtui. Jos vain kuuli kansansa kutsua, hän palasi maahan auttamaan heitä.

Kerran kun Long Quan oleskeli merimaassaan, Pohjolan kuningas De Lai lähtee Etelään mukanaan tyttärensä Au Co ja armeija. Huomattuaan Linh Namin olevan kaunis luonnoltaan ja sopuisa säätilaltaan, ja maassa on erittäin paljon aarteita, De Lai päätti rakennuttamaan linnoitusta asettuakseen kauemmin maassa. Maan asukkaat kärsivät raskaasta palvelusta. He käänsivät silmänsä Bien Dongin’ Itämerelle’ suuntaan ja huusivat: ”Isä! Tulkaa pelastamaan meitä!” Long Quan ilmestyi siinä silmänräpäyksessä. Hän muutti ulkomuotonsa komeaksi nuorukaiseksi, mukana satoja sotilaita ja palvelijaa, ja laulaessa menee De Lain linnoitukseen. Siellä hän tapasi vain uskomattoman kauniin Au Con palvelijattarien ympäröimässä. Au Co rakastui häneen ja suostui seuraamaan häntä korkean vuoren huipulla olevaan linnaansa.

De Lai palasi linnoitukseensa. Tyttärensä ei ollut enää siellä. Hän käski armeijan etsimään ja löytämään sitä. Long Quan tekeytyi monenlaiseksi henkilöksi, loihti villipetoja ja hirviöitä tukkimaan sotilaiden tietä. Nämä pelästyivät ja pakenivat. De Lain oli pakko lähteä takaisin Pohjolaan ilman tyttärensä. Ajan kuluttua Au Co tuli raskaaksi ja synnytti lihakimpaleen. Seitsemän päivän kuluttua kimpaleesta avautui sata munaa, ja joka munasta kuoriutui poika. Sata poikaa kasvoi nopeasti kasvamistaan voimakkaaksi ja älykkääksi. Vuodet kuluivat, Long Quan eli rauhassa Au Co-n ja poikien kanssa, mutta kaipasi silti merimaataan.

Siinä päivänä Long Quan sanoi hyvästit perheelleen, muuttui lohikäärmeeksi ja lensi pilviseen taivaaseen merille suunnattaen. Au Co ja pojat eivät pystyneet seuraamaan häntä, ja oli pakko jäädä vuorille.

Päivät ja kuukaudet kuluivat. He odottivat kärsimättömästi, muttei Long Quan palannut takaisin. Miestään kovasti kaivaen Au Co seisoi korkean vuoren huipulla, katsoi meren päin ja huutaen kutsui: ”Rakas, missä olet? Miksi jätät meidät kauheaan suruun?” Long Quan ilmestyi heti paikalle. Au Co moittii miestään:

  • Korkeassa vuoristossa olen syntynyt. Kanssasi saimme sataa poikaa. Teki mielesi kuitenkin lähteä pois, jätit meidät yksin surujen kanssa kärsimään.

Long Quan vastasi:

  • Olen syntyperässäni lohikäärme, kotoisin merimaasta, olet haltijan sukuinen, asuinpaikkasi korkea vuori. Emme pysty elämään toistemme kanssa ikuisesti. Nyt otan 50 poikaa mukaani merimaahan, jäät tänne vuorten ja metsien maahan 50 pojan kanssa. Jaamme keskenään maata. Meistä toiset hallitsevat merta, toiset vuoria, emme kuitenkaan unohda, että samasta perheestä olemme syntyneet, aina autamme toisiamme vaarojen uhatessa.

Näin he erosivat toisistaan. Sata poikaa jalkautui kaikkien suuntaan. Heistä tuli Bach Viet – Sata Viet –kansan (joista me Lac Viet elämme Vietnamissa) esi-isä.  Vanhin poikansa jäi Phong Chau vuorille. Hänestä tuli Van Lang –maan kuningas, arvonimellä Hung Vuong.

Hung Vuong jakoi maan 15 kuntaan, nimitti hallinnon- ja taiteenjohtajaa Lac hau-ksi, armeijan päälikköä Lac tuong-iksi. Kuninkaanpoika on arvoltaan quan lang, kuninkaantytär my nuong. Hung dynastia polveutui 18 kuninkaan, jokaisen arvonimi on Hung Vuong.

Tästä Lohikäärme – Haltija legendasta vietnamilaiset pitävät itsensä lohikäärmeen ja haltijan jälkiläisinä.

 

Vo Xuan Que kertoo teoksen Linh Nam Chich Quai[1] mukaan

—–

[1] Trần Thế Pháp – Vũ Quỳnh – Kiều Phú: Lĩnh Nam Chích Quái, n. 1492-1493

Lối sống dị thường của Mao Trạch Đông

Tháng 5 năm 1953, khi các chiến dịch Tam phản và Ngũ phản kết thúc, Mao đã đạt được điều ông ta muốn, cụ thể là ngăn chặn cán bộ biển thủ tiền của nhà nước. Theo quy định, chế độ quan liêu cộng sản không được tham nhũng, như không được nhận hối lộ, nhưng nó cho phép có một sự ưu tiên trong cuộc sống theo thứ bậc cụ thể.

Bản thân Mao không biển thủ theo nghĩa thông thường, như kiểu một số lãnh đạo ít độc tài hơn, thường có tài khoản bí mật ở các ngân hàng Thụy Sĩ. Nhưng điều này đơn giản là chỉ vì ông ta không muốn bị mất tham vọng quyền lực. Thay vì biển thủ, ông ta coi ngân khố của nhà nước như là của riêng mình, và sử dụng chúng theo ý muốn của ông không thèm quan tâm đến nhu cầu của người dân và trừng trị bất cứ ai chống lại ý muốn của mình. Mao là một trong những người có lối sống cá nhân xa hoa nhất ngay sau khi thống lĩnh Trung Hoa.

Bìa sách Mao, The Unknown Story, của Jung Chang và Jon Halliday

Mao sống phía sau một bức tường bí mật vì thế rất ít người biết được về cuộc sống cũng như thế giới riêng của ông ta, kể cả việc ông ta ở ở đâu, xuất hiện ở đâu (vì ông ta rất ít xuất hiện trước đám đông). Ngay cả với những người gần gũi, ông ta cũng không tỏ ra có cuộc sống sang trọng. Ông không có thị hiếu về sự giàu có và tránh xa các thứ thể hiện sự xa hoa như vòi nước vàng, tranh tượng, đồ trang trí cổ. Nhưng điều đó không cản trở ham muốn của ông ta.

Mao thích các dinh thự. Trong vòng 27 năm cầm quyền của Mao, hơn 50 dinh thự được xây dựng cho ông, riêng ở Bắc Kinh không dưới 5 cái. Nhiều cái ông không bao giờ đặt chân đến. Các dinh thự đó chiếm một diện tích rất lớn và đa phần ở những vị trí tuyệt đẹp. Nhiều cái có phong cảnh cực kỳ đẹp, toàn bộ quả núi (như núi Ngọc Tuyền – Jade Spring hills ở ngoại ô Bắc Kinh) hay một vùng hồ (như Hồ Tây ở Hàng Châu) được ngăn lại cho riêng Mao. Những nơi này thường có những biệt thự, lâu đài cổ với kiến trúc rất đẹp. Nhưng chúng bị phá bỏ hoặc cải tạo lại theo thiết kế và giám sát của lực lượng an ninh của Mao để đảm bảo an toàn cho ông ta. Các công trình này có khả năng chống đạn, mái chống bom và một số có hầm sâu chống bom nguyên tử. Hầu hết đều có kiểu giống nhau: một phòng riêng cho Mao, một phòng riêng cho vợ được nối với nhau bằng một phòng rộng ở giữa. Tất cả đều một tầng vì Mao sợ leo cầu thang.

Nhà một tầng song rất cao, đôi khi cao như một tòa nhà hai tầng để tạo cho Mao cảm giác hùng vĩ. Một biệt thự một tầng xây vào những năm 1960 ở Nam Xương cao khoảng 25m, trông giống như một nhà để máy bay khổng lồ. Sau khi Mao qua đời, nhiều tòa nhà được cải tạo thành nhà khách, hành lang của chúng rộng đến mức sau khi đã làm thêm một dãy phòng vẫn đủ chỗ cho một hành lang theo kích thước bình thường.

Việc xây dựng các dinh thự đầu tiên bắt đầu từ năm 1949, khi Mao tiến về Bắc Kinh. Từ đó các vila được tiếp tục xây dựng trong thời gian chiến dịch Tam phản. Một dinh thự được hoàn thành năm 1954 trên bờ biển ở Bắc Đới Hà. Nơi đây từng là một khu nghỉ dưỡng bên bờ biển từ hồi đầu thế kỷ với khoảng 600 biệt thự rất đẹp và sang trọng, song không có cái nào đảm bảo tiêu chuẩn an ninh cho Mao. Vì thế một tòa nhà theo kiểu của Mao được dựng lên ở giữa hướng ra bờ biển, sau lưng là những quả đồi cây cối sum suê với các công sự và đường hầm chạy sâu vào trong các quả đồi. Toàn bộ bãi biển ở đó được ngăn lại chỉ dành cho một số ít người.

Năm 1952 chỉ huy an ninh của Mao điện báo tới lãnh đạo tỉnh Hồ Nam bảo cần xây một biệt thự cho Mao ở Trường Sa, thủ phủ của tỉnh. Các lãnh đạo tỉnh không biết chắc chắn nơi nào Mao thích, vì lúc bấy giờ đang là đỉnh điểm của chiến dịch Tam phản. Họ bèn cải tạo lại nhà của mình để chuẩn bị cho Mao. Nhưng rồi Mao không đến. Sau đó họ được báo rằng có một khu vực Mao thích, nên việc xây dựng lại bắt đầu. Chỉ đến khi công trình xây dựng hoàn thành, Mao mới đến trong một chuyến viếng thăm. Sau đó một biệt thự khác được xây dựng bên ngay cạnh đó. Nhiều biệt thự được xây dựng ở Thiều Sơn, nơi sinh của Mao. Các tỉnh khác, lẽ tự nhiên đều muốn mời Mao đến thăm, song được trả lời “các anh không có chỗ ở dành cho Mao Chủ tịch” nên sau đó họ phải xây dựng các biệt thự cần thiết.

Tháng 12 năm 1953, Mao trở lại Hàng Châu, nơi ông ta từng ở năm 1921. Một khu vực có tên Nước và Tre nổi tiếng được dành riêng cho ông. Nó được tô điểm với hồ ao và các rừng tre, nho, cọ hướng ra Hồ Tây. Xen lẫn trong khung cảnh đó là các biệt thự và phía sau là các quả đồi với một hầm tránh bom nguyên tử. Khu vực rộng 36 héc ta. Mao ở trong một biệt thự rất sang trọng kết hợp phong cách cổ điển Trung Quốc và phương Tây. Nhưng không lâu, Mao bắt phá bỏ và thay vào đó một tòa kiến trúc theo kiểu riêng của ông ta. Tiếng kêu của cây cối già cỗi khiến ông ta nghĩ đến chuyện ám sát và sợ. Mao chỉ thấy an toàn khi ở trong các công trình bê tông kiên cố.

Các tòa nhà thường được nâng cấp để bảo đảm an ninh và chất lượng. Khi tuổi cao, Mao cần một hành lang kín để đi dạo mà không bị lạnh. Để đề phòng chuyện ám sát, các cửa sổ nhìn ra ngoài của các hành lang này được xếp chéo với cửa sổ trong các phòng của Mao để từ các hướng đều nhìn thấy một bức tường. Một biện pháp an ninh khác trong các tòa biệt thự sau này là các cửa sắt ở cả hai phía cuối cổng nối vào nhà để xe của Mao có thể lái thẳng vào phòng chờ.

Đôi khi tàu của Mao lái thẳng vào dinh thự của ông ta, nói chính xác hơn là vào vườn trước dọc theo một mũi núi làm riêng cho ông. Ở nhiều nơi một đường hầm riêng chạy dài từ biệt thự đến sân bay quân sự địa phương. Mao thường ngủ tàu của mình nằm ở các sân bay quân sự, để sẵn sàng di chuyển bằng tàu hay máy bay trong trường hợp khẩn cấp. Trong suốt thời gian cầm quyền, Mao sống trong khu cấm địa riêng của mình hệt như trong vùng có chiến sự.

Mao hầu như chỉ di chuyển với ba phương tiện giao thông: tàu hỏa, máy bay và tàu thủy. Thậm chí nếu ông ta đang dùng một chiếc của loại phương tiện nào đó thì hai chiếc khác thuộc loại phương tiện đó phải đi theo bất cứ nơi đâu. Khi ông ta bay, tất cả các máy bay khác ở Trung Quốc đều phải nằm im ở mặt đất. Và khi tàu đặc biệt của ông ta di chuyển, ngay lập tực một thông báo được phát đi là các tàu khác không được phép đến gần dù bất cứ ở đâu. Tình trạng đó xảy ra không hiếm vì Mao thường di chuyển bằng tàu hỏa. Tùy tùng luôn túc trực sẵn sàng, không được về nhà đôi khi nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Một điều kỳ cục nhất là các bể bơi, vì Mao thích bơi. Những năm đó bể bơi còn hiếm ở một đất nước còn nghèo. Ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, khi một bể bơi được xây cho Mao, người ta không biết bao nhiêu chất clo được bỏ vào nước. Rất ít người được ưu tiên xuống bể bơi cùng thời gian với Mao, vì ông ta sợ bị đầu độc. Bể bơi đầu tiên được xây cho Mao là ở Đồi Ngọc Tuyền, đúng vào giữa thời kỳ chiến dịch Tam phản. Theo ước tính của Mao, chi phí xây dựng nó vào khoảng 50.000 yuan, nhiều gấp năm lần số tiền biển thủ dẫn đến bị tử hình. Ở Trung Nam Hải, nơi ở chính thức của Mao ở Bắc Kinh, phía sau tấm biển lớn với dòng chữ “Phục vụ nhân dân” một bể bơi trong nhà xây dựng cho ông ta ngay sau khi chiến dịch Tam phản, mặc dù đã có một bể bơi riêng ngoài trời, vốn là bể bơi công cộng trước khi Mao đến.

Việc giữ nước cho các bể bơi ấm trong suốt tháng để trong trường hợp Mao xuống bơi rất tốn kém. Nước được làm nóng bằng suối nước nóng dẫn vào bằng một đường ống và được đốt nóng với nhiên liệu khan hiếm.

Mao không có khái niệm tiết kiệm với bất cứ điều gì trong đời sống mà ông ta thích. Ông ta là một tay sành ăn và thích thực phẩm được chở đến từ khắp nơi trong nước. Mao chỉ thích ăn một loại cá đặc biệt ở Vũ Hán và cá phải được vận chuyển trong các túi nhựa có nước và đủ ô xy để sống sau quãng đường dài 1000 km.

Một lần đến Moscow nhân dịp sinh nhật của mình Mao đã tỏ rõ sự bực bội về việc nước chủ nhà đã phục vụ ông ta cá ướp lạnh. Ông ta bảo với những người đi cùng: “Tôi chỉ ăn cá tươi. Hãy trả lại cho họ!”. Đại tiện là một vấn đề lớn với Mao vì ông ta không chỉ khổ sở với chứng táo bón, mà còn không quen với bệ cầu bệt, chỉ thích ngồi xổm. Ông ta cũng không thích đệm ngủ và gối quá mềm. Ông ta yêu cầu đổi gối có ruột là vỏ đại mạch và thay đệm bằng ván gỗ.

Về gạo, Mao yêu cầu giữ màng giữa vỏ ngoài và hạt cho khẩu vị của ông ta, tức vở ngoài phải xử lý một cách thủ công hết sức cẩn thận. Có lần vì bị Mao than phiền nên người quản gia phải đến một nông trang riêng ở Đồi Ngọc Tuyền và mua gạo được xay rất cẩn thận theo cách Mao thích.

Nông trang này đặc biệt được lập nên để trồng lúa cho Mao, vì nguồn nước ở đây được coi là rất tốt. Ngày trước, nguồn nước suối ở đây cung cấp nước uống cho các triều đình. Ngày nay nó cung cấp nước cho các cánh đồng trồng lúa cho Mao.  Các loại rau cũng như gia cầm và sữa Mao thích được lấy từ một nông trại riêng có tên Jushan. Trà Mao uống là loại trà nổi tiếng nhất Trung Quốc có tên Long Tĩnh, các lá tốt nhất được hái riêng cho ông ta vào thời gian thích hợp nhất. Tất cả các thực phẩm đều được kiểm tra y tế nghiêm ngặt và việc chế biến phải được người phục vụ ông ta giám sát và nếm trước. Các đồ xào nấu phải được phục vụ ngay, nhưng vì bếp phải ở xa để mùi thức ăn không bay tới chỗ Mao nên những người phục vụ thường phải chạy đôn chạy đáo để mang từng món một đến bàn ăn của Mao.

Mao không thích tắm hay gội đầu và không tắm trong gần một phần tư thế kỷ. Thay vào đó hàng ngày những người phục vụ lau người cho ông ta bằng khăn ngâm trong nước nóng. Ông ta thích mát xa. Ông ta không bao giờ đến bệnh viện. Các thiết bị y tế cùng với các chuyên gia y tế hàng đầu đến chăm sóc ông.

Mao không bao giờ thích quần áo sang trọng. Điều ông thích là sự thoải mái. Ông ta dùng một đôi giày trong nhiều năm, bởi vì theo ông giày cũ thoải mái hơn và những người phục vụ đi giày mới cho ông. Áo choàng tắm, khăn lâu mặt và chăn vá chằng chịt, nhưng không phải vá bình thường mà được mang đến Thượng Hải và được những người thợ may giỏi nhất khâu, sửa với giá đắt hơn nhiều so với mua mới. Còn lâu mới gần với điều được gọi là chủ nghĩa khổ hạnh, mà đấy là những cử chỉ giễu cợt của kẻ siêu quyền lực ham khoái lạc.

Mao Trạch Đông với bản đồ Trung Quốc

Có lẽ không có gì phi lý với việc thích biệt thự và các thứ xa hoa khác với một nhà lãnh đạo, nhưng Mao lại tự thỏa mãn mình trong khi ngăn cấm những người khác làm điều đó. Mặt khác ông ta hưởng thụ như vậy trong khi rao giảng “Phục vụ nhân dân” và kêu gọi tiết kiệm. Tiêu chuẩn gấp đôi của Mao đưa ông ta vào một loại người chỉ có mình ông.

Không có lĩnh vực nào của đời sống mà những tiêu chuẩn gấp đôi đó có nhiều bí mật hơn lĩnh vực tình dục. Mao yêu cầu người của mình chịu đựng chủ nghĩa khổ hạnh quá mức. Các cặp vợ chồng bị đưa đến các vùng khác nhau của Trung Quốc được gặp nhau chỉ 12 ngày một năm, khiến hàng chục triệu người được coi không được quan hệ tình dục hầu như cả năm. Cố gắng quan hệ tình dục một cách riêng tư có thể bị làm nhục trước công chúng.

Trong khi đó Mao hưởng thụ mọi tình huống tình dục dị thường với sự bảo vệ cẩn mật. Vào ngày 9 tháng 7 năm 1953 quân đội được lệnh chọn các phụ nữ trẻ từ các đội văn công quân đội để lập một biệt đội trong Đội Cận vệ. Những người liên quan biết rằng nhiệm vụ của đội này là cung cấp người ngủ với Mao. Bành Đức Hoài, chỉ huy quân đội gọi nhiệm vụ này là “lựa chọn gái bao hoàng đế” – một lời than phiền mà sau này đã buộc ông ta phải trả giá đắt. Nhưng sự bất bình của ông ấy không có tác động gì với Mao và thêm nhiều nhóm văn công trở thành các môi giới săn hàng. Ngoài các ca sĩ và vũ công, các y sĩ và nữ phục vụ viên cũng được dắt đến các dinh thự của Mao để làm thành một nhóm phụ nữ mà từ đó Mao có thể chọn bất cứ người nào ông ta muốn làm tình.

Một số ít những phụ nữ này nhận được tiền boa từ Mao như một số người thân và nhân viên của ông ta. Đó là một số tiền mặt ít ỏi, nhưng ông ta thực hiện nó một cách riêng tư. Mao rất coi trọng giá trị của đồng tiền và nhiều năm kiểm tra tài khoản của những người trông coi nhà với cặp mắt chăm chú của một người nông dân.

Những sự ban phát của Mao đến từ một tài khoản cá nhân bí mật, Tài Khoản Đặc biệt. Đây là nơi mà ông ta giấu giếm những người trung thành công việc viết lách, nhất là dùng quyền được ưu tiên của mình để lũng đoạn thị trường sách bắt buộc toàn bộ người dân phải mua các tác phẩm của ông ta, trong khi ngăn chặn phần lớn các nhà văn khác được công bố.  Vào lúc đỉnh điểm, tài khoản này có hơn 2 triệu yuan, một con số khổng lồ. Nếu như so với thu nhập của nhân viên của ông ta là 400 nguyên (tiền Trung Quốc) một năm và một người nông dân có thu nhập tốt chỉ một ít nguyên mỗi năm.

Mao là triệu phú duy nhất ở Trung Quốc vào thời Mao cai trị.

Vào thời kỳ Đại nhảy vọt, việc chơi gái của Mao càng trở nên trơ trẽn hơn trước. Ở Trung Nam Hải, một phòng chờ được nối với hội trường thường có khiêu vũ và ở đó đặt một chiếc giường. Mao thường gọi một hoặc vài ba cô gái vào và cùng nhau làm tình hoặc truy hoan. Phòng chờ được được thiết kế đảm bảo không gây nên tiếng vang và tường được trang trí với những tấm màn nhung quyến rũ. Rõ ràng nó được làm ra để cho Mao giải trí, song ông ta không hè e ngại.

Một trong những bằng chứng mất nhân tính nhất của Mao là thông dâm với con dâu là Lưu Tứ Kỳ, vợ của Mao Ngạn Anh (con trai cả của Mao và là một trong ba người con với vợ thứ hai là Dương Khai Tuệ). Tứ Kỳ là cô gái được coi như con nuôi của Mao. Cô và Ngạn Anh đã quen biết nhau vài năm. Cuối năm 1948, khi Ngạn Anh nói với Mao vào rằng anh ta muốn cưới Tứ Kỳ, Mao đã nổi cơn thịnh nộ và gầm lên với Ngạn Anh khiến anh ta sợ đến mức ngất đi, hai tay lạnh cóng không cử động được và phải đổ nước nóng khiến trên tay còn lại hai vết bỏng to tướng.

Hành động hung dữ của Mao cho thấy sự ghen tuông tình dục (Tứ Kỳ xinh đẹp và quyến rũ đã ở bên cạnh Mao suốt thời thiếu nữ). Mao giữ sự không đồng ý trong nhiều tháng và bảo đôi uyên ương trì hoãn đám cưới cho đến khi chế độ của ông ta được thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1949. Vào đúng kỉ niệm một năm ngày cưới Ngạn Anh đi tham chiến ở Triều Tiên. Theo quy định, anh ta không nói với vợ đi đâu và vợ cũng không được hỏi.

Mao Trạch Đông và Mao Ngạn Anh năm 1949 (Nguồn: The Wall Street Journal)

Khi Mao được báo tin Ngạn Anh bị chết, ông ta im lặng một lúc lâu rồi lầm bầm: “Trong chiến tranh, làm sao tránh được chết chóc?” Thư ký của Mao nhận xét: “Ông ta không biểu lộ gì là đau xót.” Ngay cả Giang Thanh cũng rơi nước mắt, mặc dù bà không tiếp xúc nhiều với đứa con kế của mình.

Không ai báo cho vợ của Ngạn Anh biết trong vòng hai năm rưỡi. Khi chiến tranh đang diễn ra, cô ta chấp nhận sự im lặng của Ngạn Anh vì cô đã quen với sự bí mật của Đảng. Nhưng mùa hè năm 1953, sau khi việc trao đổi tù binh được ký kết, cô đam nghi ngờ về sự im lặng của chồng và hỏi Mao thì ông ta mới nói cho cô biết là Ngạn Anh đã chết. Trong những năm đó cô thường gặp Mao, dành những dịp cuối tuần và đi nghỉ với ông ta mà ông ta không hề tỏ ra buồn bã thậm chí không để lộ một dấu hiệu nào cho thấy có chuyện gì đó không bình thường. Thậm chí ông ta còn đùa cợt cứ như Ngạn Anh còn sống (p.395).

Giang Thanh có lần khóc bên hồ ở Trung Nam Hải và nói với bác sĩ riêng của Mao, khi ông ta kể với bà về chuyện quan hệ bất chính của Mao, rằng: “Đừng kể thêm nữa. Chủ tịch là người không ai có thể đánh bại trên bình diện chính trị, kể cả Stalin, cũng như không ai có thể thắng nổi ông trong chuyện làm tình với phụ nữ.” (p.408)

Lê Lam (trích dịch)

Từ Phần 1, chương 31, sách: “Mao-the Unknown Story“, Jung Chang and Jon Halliday, Jonathan Cape London 2005.

Trẻ em Đông Đức được “dạy nói dối”

Vào buổi sáng tháng 11 năm 1989, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Thomas Töpfer, chín tuổi, là một trong số ít những đứa trẻ Đông Đức đến trường. Cậu nhìn thấy cô giáo của mình mắt nhòa lệ và một nửa số bạn cùng lớp cậu đã cùng gia đình trốn sang phía Tây.

Tất cả những điều mà Töpfer và các bạn của cậu từng được dạy đã sụp đổ chỉ sau một đêm.

Tuần này đánh dấu 30 năm kể từ khi bức tường bị đập bỏ, mở đường cho sự thống nhất nước Đức năm 1990. Trong công cuộc hợp nhất đất nước, hệ thống trường học của Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) cũng được thiết kế lại.

Những tháng tiếp theo, giáo trình đã bị loại bỏ. Giáo viên được đào tạo lại. Việc gia nhập tổ chức thanh thiếu niên chính thức của đất nước – được gọi là “Những người tiên phong” – với những chiếc khăn quàng và mũ đặc trưng không còn là một nghi thức đối với mọi học sinh.

Những đứa trẻ lớn lên dưới chế độ cộng sản nay đã trưởng thành. Nhưng những năm học ở trường trước đây đã để lại ấn tượng lâu dài với họ.

Một lớp học Đông Đức được tái lập lại trong Bảo tàng Trường học Leipzig

Một nền giáo dục mang tính chính trị

Về một số mặt, Töpfer không bao giờ thực sự thoát khỏi một lớp học Đông Đức. Hiện giờ, ông là giám đốc của Bảo tàng Trường học ở Leipzig, một thành phố cách Berlin khoảng hai giờ lái xe, cũng là nơi diễn ra cuộc cách mạng hòa bình giúp hạ bức tường xuống.

Bước vào bên trong bảo tàng giống như chạm ngón chân vào cỗ máy thời gian. Một lớp học Đông Đức được tái tạo có những dãy bàn và ghế ọp ẹp hướng về phía bảng đen. Trên tường treo một bức chân dung của Erich Honecker, Tổng Bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức cho đến năm 1989.

Tường lớp học được trang trí bằng những bức tranh không tưởng của những người cộng sản – những công nhân cần mẫn trên những cánh đồng hoa và các nhà khoa học chăm chú thao tác các bảng điều khiển hạt nhân. Sách giáo khoa với hình ảnh của Lenin trên bìa xếp trên bàn. Ngay cả rèm cửa có hoa văn màu sắc thực sự sặc sỡ.

Từ năm 1949, trong những năm đầu của CHDC Đức, các trường học đóng vai trò trung tâm trong việc “giáo dục xã hội mới này”, Emmanuel Droit, giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Strasbourg, nói.

Sau khi Bức tường Berlin được xây dựng vào năm 1961, sự kiểm soát của chế độ được thắt chặt. Mục tiêu chính của các trường học bây giờ là “kiểm soát suy nghĩ và thể chất của học sinh”, Droit nói.

Một phần lớn của sự truyền dạy này là chương trình Tiền phong. Nó giống như một hội Hướng đạo – nhưng với một khuynh hướng: các bài hát xung quanh lửa trại mang tính quân sự hơn và các câu chuyện có các anh hùng xã hội chủ nghĩa bảo vệ nhà nước yêu chuộng hòa bình chống lại phía Tây tồi tệ.

Lễ kết nạp các tân binh Tiền phong “gần như là một điều gì đó thần bí, một điều gì đó thiêng liêng”, Robert Schleif, người lớn lên ở Leipzig và 19 tuổi khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Khi còn là một cậu bé sáu tuổi, Robert đã “rất phấn khích” trở thành Thiếu niên Tiền phong – bậc đầu tiên trong ba cấp được tổ chức theo độ tuổi. Trong thời gian khởi đầu của mình, trẻ em đã được dựng một “đền thờ” đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong trường hợp này, một bức tượng bán thân của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, Ernst Thälmann, đội mũ công nhân bẩn thỉu.

Chủ nghĩa xã hội bắt nguồn từ hầu hết những thứ mà những đội viên tiền phong làm, Schleif 49 tuổi, hiện là một chuyên gia tư vấn tại một công ty sàn ở Leipzig nói. Mỗi tuần một lần, các nhà máy địa phương sẽ tổ chức các tour du lịch cho trẻ em, giới thiệu chúng với công nhân và giải thích cách các máy móc hoạt động.

Một thiếu niên tiền phong đang báo cáo với giáo viên ở Đông Berlin năm 1987

“Phía Tây là xấu”’

Trở lại lớp học, tuyên truyền chính trị đầy rẫy. Schleif nói: “Chúng tôi luôn được thông báo: ‘Phương Tây rất tệ còn ở phương Đông, tất cả chúng ta đều tốt. Chúng ta là những người tiến bộ – chúng ta yêu hòa bình. Những người khác là những người đe dọa chúng ta”.

Trẻ em nhanh chóng học cách kiểm duyệt những gì chúng nói với một số giáo viên vì sợ chúng là người cung cấp thông tin, giám đốc bảo tàng Töpfer nói. Các nhà sử học mô tả những người trẻ tuổi là “hai lưỡi” – ví dụ, bưu kiện được gửi từ người thân ở phía Tây, được thảo luận ở nhà chứ không phải ở trường.

“Một số người nói rằng trẻ em được giáo dục để nói dối”, Töpfer nói.

Các em có lý do chính đáng để làm thế. Các giáo viên lão thành thường xuyên báo cáo các cá nhân “thù địch” hoặc “tiêu cực” với cảnh sát bí mật Stasi – theo cách tương tự như bạn hoặc tôi sẽ nộp tờ khai thuế của chúng ta, “Mary Fulbrook, Giáo sư lịch sử Đức tại Đại học College London nói.

Đó là một “nhiệm vụ hơi khó chịu nhưng bình thường”, cô nói.

Bất kỳ trường học nào cũng giống nhau: học sinh phân biệt các giáo viên mà họ thích và những người họ không tin tưởng. Nói điều sai trái với một giáo viên nào đó, có thể “bị ghi sổ đen cho đến hết đời,” Fulbrook nói. Một học sinh như vậy có thể bị cấm: làm bài kiểm tra ở trường, học một số môn ở trường đại học, hoặc thậm chí là đi học đại học.

“Chào các em”

Không phải tất cả các giáo viên đều đồng ý với chương trình giảng dạy này. Elke Urban một giáo viên âm nhạc và người Pháp, cũng ở Leipzig, là người đã nghỉ việc vào giữa những năm 1970 để chăm sóc năm đứa con của mình. Urban, hiện 69 tuổi, nhận thấy “áp lực chính trị quá lớn”.

“Tôi lớn lên trong một gia đình theo chủ nghĩa hòa bình Kitô giáo”, bà nói và cho biết thêm rằng bà từ chối hát những bài hát quân sự của trường hoặc làm lễ chào cờ Tiền phong.

Mỗi bài học sẽ bắt đầu bằng một lời chào đặc biệt. Giáo viên sẽ nói: “Vì hòa bình và chủ nghĩa xã hội hãy sẵn sàng.” Và các sinh viên sẽ đồng thanh hô, ” sẵn sàng!, sẵn sàng!”, đồng thời đưa bàn tay phải của họ sang phần giữa của đầu mình.

“Điều đó khiến tôi bị ức chế”, và bà thay điều đó bằng cách chào các học trò của mình bằng một câu đơn giản: “Chào các em”.

Trong khi chương trình giảng dạy “đông cứng”, giáo viên đã có một mức độ tự do để tập trung vào các khía cạnh cụ thể đằng sau cánh cửa đóng kín, Urban nói.

Một kỷ nguyên mới

Vào mùa hè năm 1987, khi Schleif tốt nghiệp, sự kìm kẹp của Liên Xô đối với các quốc gia vệ tinh như CHDC Đức đã bắt đầu nới lỏng. Lần đầu tiên, cuộc thảo luận chính trị mở đã diễn ra ở các trường học Đông Đức.

“Chúng tôi vẫn thận trọng khi nói to,” Schleif nói. “Nhưng chúng tôi không còn bị đe dọa như trước đây nữa.”

Khi Bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, hệ thống giáo dục của CHDC Đức cũng đổ theo. Sách giáo khoa cho thấy những người lính chì bảo vệ nhà nước Xô Viết hùng mạnh không còn đúng nữa. Những bài đồng ca trống rỗng.

Một cuốn sách giáo khoa lớp một có một bức thư tưởng tượng từ ‘chiến sĩ Heinz’ gửi một học sinh. Bức thư viết: “Nghĩa vụ quân sự của chúng tôi rất khó khăn. Nhưng chúng tôi tiếp tục làm điều đó để bạn có thể học tập và vui chơi trong hòa bình. Không kẻ thù nào dám tấn công Cộng hòa Dân chủ Đức của chúng ta.”

Giáo viên bị buộc phải trình báo nếu họ từng làm việc cho Stasi – mặc dù họ có trả lời trung thực hay không còn tranh luận. “Hầu hết các giáo viên đều e ngại vì họ sợ mất điểm tựa”, Urban nói.

Cô là một trong những người quản lý trường học bắt đầu làm việc với các đối tác ở phía Tây để xây dựng một chương trình giảng dạy mới. Họ phát hiện ra rằng trong khi Đông Đức tụt hậu về nhân văn, nó lại xuất sắc trong khoa học.

Sau khi được thống nhất vào năm 1990, tất cả các trường công lập ở Đông Đức bị giải thể. Chúng được thay thế bằng một hệ thống giáo dục quốc gia khá giống với mô hình của Tây Đức.

Tuy nhiên, phải mất một thời gian để niềm tin của công chúng được khôi phục trong giáo viên của mình, Urban, cũng là một trong những người sáng lập ra sáng kiến ​​Giáo dục Tự do đã hỗ trợ các mô hình trường học thay thế như Steiner hoặc Montessori.

Điều đó cho thấy rằng, các trường học ở Đông Đức đã có một số điểm bù lại, chẳng hạn như các bài học “hướng đến cuộc sống thực tế hàng ngày”, theo Urban. Các sinh viên thường xuyên đến thăm các nhà máy và họ “đã học được rất nhiều từ điều này”, cô nói.

Họ được tôn trọng bởi tầng lớp lao động, “những người làm việc rất chăm chỉ trong những hoàn cảnh thường gặp khó khăn”, cô nói thêm.

Lướt qua một trong những cuốn sách giáo khoa cũ trong Bảo tàng Trường học Leipzig ngày hôm nay bạn sẽ tìm thấy bức tranh vẽ Lenin kỳ lạ, hoặc một loạt những lời tục tĩu trẻ con.

Rốt cuộc, trẻ em Đông Đức vẫn là trẻ em, Töpfer nói. “Chúng cười, chúng pha trò, chúng trở nên tinh nghịch”, ông nói thêm. “Giống như trẻ con bất cứ nơi nào.”

Tác giả: Sheena McKenzie and Nadine Schmidt

Người dịch: Lê Lam

Nguồn: https://edition.cnn.com/2019/11/09/europe/berlin-wall-30-years-schools-grm-intl/index.html?utm_medium=social&utm_source=fbCNNi&utm_content=2019-11-09T09%3A53%3A48&fbclid=IwAR3VEXv_3Ooyg2en0nCxeQX-3KfzaeiHO-CXymT1-nNhPPaA2wJFYA5XBFU