Monthly Archives: Tháng Mười Hai 2023

Vốn sống của nhà văn mang lại niềm an ủi giữa chiến tranh và thù hận

Vào ngày chủ nhật 28 tháng 1 năm 2024 Phần Lan sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống. Muộn nhất là 47 ngày trước ngày bầu cử chính thức Ủy Ban bầu cử quốc gia sẽ chốt danh sách các ứng cử viên của các đảng và ứng cử viên độc lập. Khác với các cuộc bầu cử trước, trước cuộc bầu cử lần này, ngoài các cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng giữa các ứng cử viên, một cuộc “so tài” về khả năng cảm thụ văn học nước nhà đã được Thời báo Helsinki, tờ báo lớn nhất Phần Lan tiến hành. Cụ thể các ứng cử viên phải viết một bài luận thể hiện quan điểm của mình thông qua một tác phẩm văn học Phần Lan.

Dưới đây chúng tôi xin dịch bài viết của Pekka Haavisto ứng cử viên độc lập viết về cuốn tiểu thuyết được người Phần Lan yêu thích nhất trong cuộc bầu chọn nhân 100 năm thành lập nước Cộng hòa Phần Lan (1917-2017) – “Sinuhe, egyptiläinen” (1945). Đây là tiểu thuyết vừa được dịch ra tiếng Việt dưới tựa đề “Sinuhe, người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu” do First News Trí Việt & Nhà xuất bản Dân Trí xuất bản tháng 2 năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Phần Lan (1973 – 2023).

—-

ng cử viên tổng thống Pekka Haavisto viết: Tiểu thuyết Sinuhe egyptiläinen[1] (1945) của Mika Waltari nhắc nhở chúng ta rằng dù các quốc gia gây hấn chiến tranh với nhau, những người cai trị luôn thay đổi, nhưng nhân loại vẫn tồn tại. Không có gì mới dưới ánh mặt trời.

Pekka Haavisto và bìa nguyên bản tiểu thuyết Sinuhe egyptiläinen. Ảnh: Helsingin Sanomat

Trên bàn trong ngôi nhà phố Tunturi của Mika Waltari, bên cạnh chiếc ghế bành của tác giả là một hộp thuốc lá màu xanh lam có hình mũ sắt cánh chuồn của Celtic. Khi màn đêm buông xuống, ta có thể thấy đầu điếu thuốc Gauloises lóe sáng trong chiếc ghế bành trống rỗng của tác giả. Có thật vậy không? Tôi gọi cho cháu trai của Waltari, nhà văn Joel Elstela. “Không phải đâu.”

Nhưng có lẽ không bao giờ chúng ta được biết chính xác Waltari đã thấy gì và chó sủa ra sao khi tác giả Sinuhe, người Ai Cập ngày này qua ngày khác ngồi trên sàn căn phòng áp mái ở Hartola, kể lại câu chuyện của mình vào mùa xuân năm 1945. Chiếc máy chữ hiệu Olivetti (Hiện được trưng bày trong Bảo tàng Dân tộc Phần Lan ở Helsinki – ND) gõ liên tục và cuốn tiểu thuyết gần một nghìn trang được hoàn thành trong vòng ba tháng rưỡi.

Đầu tiên tôi biết đến Waltari không phải vì Sinuhe, người Ai Cập. Vào những năm 1920 nhà văn là công dân toàn cầu của Phần Lan, thành viên của nhóm Những người cầm đuốc. Tập thơ Valtatiet (Những xa lộ) của Olavi Paavolainen và Mika Waltari (xuất bản năm 1928) hừng hực chủ nghĩa lãng mạn của các thành phố lớn. Các cần cẩu vươn lên trời cao, đèn xe xẻ đôi đường nhựa.

Trong những chuyến đi tàu hỏa xuyên châu lục đầu tiên của mình, tôi đã mang theo hai cuốn sách du lịch “Chuyến tàu của người cô đơn” và “Tôi rời Istanbul” của Waltari. Phải tới Đại Tây Dương, phải tới Biển Đen, phải đến Paris. Không chỉ để nhìn thế giới, mà còn để tích lũy kinh nghiệm và suy nghĩ, để mang điều gì đó về nhà.

Các điểm hành hương trong chuyến đi của tôi là hiệu sách văn học Anh-Mỹ nổi tiếng Shakespeare and Company ở Paris, là Trung tâm Pompidou mới được khánh thành năm 1977 – một loại thư viện và trung tâm văn hóa mới – hình mẫu mà thư viện Oodi được khai trương 40 năm sau ở Helsinki.

Thế hệ lớn lên trong những năm 1970 đã bị tách biệt khỏi thế hệ của những năm 1920 bởi một cuộc chiến tranh thế giới đã chia cắt châu Âu theo một cách mới. Nhưng ranh giới chia cắt đó bắt đầu vỡ dần. Trong tâm trí chúng ta Bức tường Berlin đã sụp đổ từ rất lâu trước khi những chiếc máy ủi tiến đến.

Trong thời chiến tranh thế giới đó, Waltari phục vụ trong Cơ quan Thông tin quốc gia. Thường thì công việc ở đây được coi là viết bài tuyên truyền chiến tranh. Nhưng tác phẩm “Sự thật về Estonia, Latvia và Lithuania” của Waltari, được xuất bản dưới tên Nauticus vào năm 1941, vẫn là một tác phẩm thú vị cho đến ngày nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu số phận của vùng Baltic và Phần Lan giống nhau?

Cuốn sách đã mô tả chính xác đến việc các nước vùng Baltic dần dần bị sáp nhập vào Liên Xô như thế nào. Một bài đọc đáng suy ngẫm cho những ai đang suy nghĩ về lịch sử và tương lai của khu vực Biển Baltic.

Sinuhe là một loại trải nghiệm khác. Để có được trải nghiệm đó ta không cần phải đi đâu. Một chiếc ghế bành thoải mái là đủ. Waltari cũng chưa bao giờ đến thăm Ai Cập. Lăng mộ của Tutankhamun được phát hiện vào năm 1922 bởi một cậu bé người Ai Cập, Hussein Abdel-Rasoul, khi đang gánh nước cho các nhà khảo cổ. Sau chiến tranh, từ ngôi mộ này và từ các bảo tàng Ai Cập, trong căn phòng áp mái tại Hartola, Waltari đã vẽ ra một thế giới mà chi tiết và độ chính xác của nó đã khiến mọi người bị chinh phục.

“Sinuhe, bạn của tôi, chúng ta đã được sinh ra vào một thời điểm lạ kỳ. Mọi thứ đều chuyển động và đổi thay hình dạng, giống như đất sét trên bàn xoay của người thợ gốm. Trang phục thay đổi, lời nói lẫn phong tục cũng thay đổi, và con người không còn tin vào các vị thần, mặc dù họ sợ hãi các vị.” (Lời Horemheb, bạn của Sinuhe và sau này trở thành Pharaon, nói với Sinuhe – ND)

Trên thế giới chiến tranh xảy ra với sức mạnh của sự thù hận.

Sinuhe là một bức tranh lịch sử bị che giấu của châu Âu thời hậu chiến. Là điểm 0, trên đống đổ nát của chiến tranh và ý tưởng. Là thế giới của những người bị chấn động và vô vọng.

“Không có quốc gia này dũng cảm hơn hay hèn nhát hơn, độc ác hơn hay đáng thương hơn, công bằng hơn hay bất công hơn quốc gia khác, mà tất cả các quốc gia đều có những vị anh hùng và những kẻ hèn nhát, người đúng và kẻ sai, ở Syria và Ai Cập cũng vậy. Vì thế bản thân người chỉ huy và người cai trị không thù ghét ai và không nhìn thấy sự khác biệt giữa các quốc gia, nhưng hận thù là một sức mạnh to lớn trong tay người chỉ huy, mạnh hơn vũ khí, bởi vì không có sự thù hận thì không có đủ sức mạnh trong tay để nâng cao vũ khí.”[2]

Chúng ta có thấy quen thuộc không? Thế giới đang chiến đấu với sức mạnh của sự thù hận. Waltari biết mình đang nói về điều gì vì đã trải qua những khoảnh khắc định mệnh của Thế chiến thứ hai.

Trải nghiệm sống đầy bi quan đã dần trở thành niềm an ủi với Sinuhe: “Tất cả trở về như cũ và không có gì mới dưới ánh nắng mặt trời, con người không thay đổi, dù quần áo thay đổi và ngôn ngữ của anh ta cũng thay đổi”.

Nhân loại bất biến, cuộc chiến và xung đột của thế giới tư tưởng, ghi chú của Nhà truyền giáo Kinh thánh. Người Phần Lan đã chọn Sinuhe người Ai Cập, tác phẩm đã tạo nên bước đột phá quốc tế, làm cuốn sách yêu thích nhất của mình.

Bìa bản dịch tiếng Việt Sinuhe egyptiläinen

Chiếc máy chữ của Waltari vẫn không ngừng nghỉ sau khi Sinuhe đến với bạn đọc. Các tiểu thuyết lịch sử Mikael KarvajalkaMikael Hakim cũng như Johannes Angelos lần lượt ra đời, và cả Nuori Johannes tiểu thuyết được xuất bản sau tác giả qua đời. Mikael HakimJohannes Angelos xoay quanh trong thế giới giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Thật là một chủ đề độc đáo và thời sự trong thời điểm hiện nay.

Bằng ngòi bút của mình, Mika Waltari đã đưa Phần Lan lên bản đồ thế giới. Vào sinh nhật lần thứ 60 của mình, ông trở lại với giá trị sống chính của mình – tính nhân văn và lòng khoan dung. Ông nói về những điều lớn lao: kiểm soát vũ khí và xóa đói giảm nghèo trên thế giới. Ông còn bổ sung thêm “sự phù phiếm đẹp đẽ” vào giá trị cuộc sống của mình – những điều nhỏ nhặt tạo nên niềm vui thường ngày trong cuộc sống của con người.

Waltari chỉ trích các hệ tư tưởng độc tài và việc sử dụng quyền lực cứng rắn. Ngay cả ý định tốt cũng có thể phản tác dụng.

Trí tuệ của dân thường được đại diện bởi Kaptah, người hầu của Sinuhe. Nếu cần thiết, có thể thờ cúng một số vị thần – chỉ để chắc chắn. Thế giới đầy rẫy những Kaptah (người hầu chột mắt, nhưng rất tinh khôn, ranh mãnh và cơ hội trong tiểu thuyết của Waltari – ND)  – những người vượt qua tất cả để tồn tại từ ngày này qua ngày khác, những người giải quyết vấn đề.

Đối với Waltari, mối liên hệ với số phận của nhân loại rất chắc chắn: “Vì tôi, Sinuhe, là một con người và với tư cách một con người, tôi đã sống trong mỗi con người sinh trước tôi, và với tư cách một con người, tôi sẽ sống trong mỗi người sinh sau tôi. Tôi sống trong tiếng khóc và niềm vui của mỗi người, tôi sống trong nỗi buồn và nỗi sợ hãi, trong lòng tốt và sự xấu xa của họ, trong công lý và bất công, trong sự yếu hèn và mạnh mẽ.”

Cuộc sống diễn ra như thế. Và có lẽ ngay lúc này, trong căn phòng áp mái nào đó, nghe người kể chuyện ngồi bên mép giường, một nhà văn trẻ người Phần Lan nào đó đang viết câu chuyện của chính mình.

Pekka Haavisto

Nguyên Bộ trưởng Môi trường, Hợp tác và Phát triển (1995-1999), Bộ trưởng phụ trách phát triển (2013-2014), Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan (6.2019 – 6.2023), Chủ tịch đảng Liên minh Xanh (1993-1995), Ứng cử viên Tổng thống thứ 13 của Phần Lan. Ông đã sang thăm Việt Nam vào tháng 12 năm 1995 với tư cách là Bộ trưởng Môi trường, Hợp tác và Phát triển, và vào dịp đó đã đến thăm và làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là ứng cử viên của Liên minh Xanh trong các cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012 và 2018.

Việt Xuân dịch từ nguồn: https://www.hs.fi/mielipide/art-2000009988528.html

—–

[1] Bản dịch tiếng Việt có tựa đề “Sinuhe người Ai Cập, Quyền lực và Tình yêu” I & II (Võ Xuân Quế & Bùi Việt Hoa dịch),  First News & Nhà xuất bản Dân trí, 2023.

[2] Những dòng in nghiêng trong ngoặc kép là trích nguyên văn trong tiểu thuyết “Sinuhe egyptiläinen” của Mika Waltari

Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ ngày 26/12/2023

Chữ Quốc Ngữ, đôi điều cần minh định

Trong lịch sử văn tự của mình, được biết người Việt đã từng dùng ít nhất bốn loại chữ viết khác nhau là “chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp và chữ quốc ngữ” (theo GS. Nguyễn Tài Cẩn). “Quốc ngữ” nghĩa là “chữ của tiếng nói nước nhà” trước kia cũng từng được dùng để chỉ chữ Nôm và còn được gọi là “Quốc âm”. Nhưng sau khi thứ chữ viết dùng các chữ cái Roman để ghi âm tiếng Việt ra đời và được sử dụng, cách gọi Quốc Ngữ chỉ được dùng để chỉ loại chữ viết này.

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Gia Định báo năm 1867 đến nay, cụm từ chữ Quốc Ngữ (khi đó được viết là “chữ quốc ngữ”) đã chính thức được dùng trên văn bản viết ngót nghét một thế kỷ rưỡi. Thế nhưng, từ đó đến nay cách viết tên gọi của loại chữ viết này vẫn chưa có sự nhất quán trên các văn bản, giữa các người viết với ba hình thức khác nhau là: “quốc ngữ”, “Quốc ngữ” và “Quốc Ngữ”.

Screenshort cụm từ “chữ quốc ngữ” xuất hiện lần đầu tiên trên Gia Định báo số 1/1867

Thậm chí ngay cả với cùng một người viết, trong cùng một văn bản cũng có sự không thống nhất, chẳng hạn: “Việt Nam đã có chữ Nôm, nhưng hệ chữ Quốc Ngữ trong thời đại mới đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó; hệ quả tất yếu là chữ Hán và chữ Nôm rút khỏi vũ đài lịch sử, nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ.”

Ngoài ba cách viết khác nhau đó, chữ viết này còn được gọi là “quốc văn”, như Tản Đà từng viết trong lời quảng cáo cho cuốn sách “Đại-học” dịch ra chữ Quốc Ngữ: “Trong sách này, về sự in, mặt trang có chia làm ba khoảng. 1. Khoảng dữa là phần rộng hơn, in chính văn, chương cú và tập chú đã theo văn thể mà dịch ra quốc-văn.”

Và cũng còn được gọi là “chữ phổ thông”, như trong Quyết định số 53-CP ngày 22-2-1980 về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số “…Tiếng và chữ phổ thông là ngôn ngữ chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam (…). Để việc dạy và học chữ dân tộc và chữ phổ thông được dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện cho cả đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào người Kinh muốn học chữ dân tộc, cần xây dựng mới hoặc cải tiến chữ viết dân tộc theo bộ vần, gần gũi với bộ vần chữ phổ thông.” (Công báo, số 4, ngày 29-2-1980, tr.86)

Hay “quốc ngữ Latinh” theo cách dùng của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: “Sau khi người Pháp bắt đầu đô hộ Việt Nam và dùng chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức, những khác biệt giữa chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự phương Tây của Dòng Tên với chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự Latin của Dòng Sai đã được giải quyết một cách êm thấm mà dứt khoát, nên chữ Việt Nam hiện đang dùng có thể gọi là chữ quốc ngữ Latin.” để phân biệt với “Quốc ngữ nôm” theo cách gọi của Tạ Chí Đại Trường: “Chỉ đến khi loạn lạc tiếp theo làm giảm bớt áp lực kinh sách, đồng thời với đường tiến thân bằng khoa cử còn là lối duy nhất dẫn đến quyền tước, sang giàu, lúc đó chữ quốc ngữ nôm mới phát triển theo với đà tiến lên đông đúc của đám người ít học (nho)” (Tạ Chí Đại Trường, Chuyện phiếm sử học, Nhã Nam & NXB Tri Thức, 2016, tr.64)

  1. Vậy nên viết “Quốc ngữ”, “quốc ngữ” hay “Quốc Ngữ” để chỉ chữ Quốc Ngữ?

Cho đến nay, chưa có một quy định viết hoa chính thức nào của nhà nước đề cập đến việc viết hoa cụm từ Quốc Ngữ trong chữ Quốc Ngữ. Song theo một số quy định viết hoa đã được ban hành, như “Viết hoa trong văn bản hành chính” (kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19  tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ), hay gần đây nhất là Quy định số 4148-QĐ/VPTW ngày 27/9/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, các tên riêng (tên người, tên địa lý, tên cơ quan, tổ chức, tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm, tên các loại văn bản, tên các tác phẩm sách báo, tạp chí, tên các năm âm lịch, ngày tết) đều viết hoa chữ cái đầu của mỗi âm tiết.

Chữ “Quốc Ngữ”, như trên đã nói, là tên gọi của một loại hình chữ viết dùng các chữ cái Roman (hay La Mã, gồm chữ viết các ngôn ngữ: Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia và Romania) để ghi âm tiếng Việt. Vì vậy nó là một tên riêng gồm hai âm tiết, có giá trị khu biệt với những tên riêng chỉ các loại chữ viết khác, như: chữ Nôm, chữ Nho (Việt Nam), chữ Hán (Trung Quốc), chữ Hangul (Hàn Quốc), chữ Romaji (Nhật Bản)… Mặt khác, chữ Quốc Ngữ cũng có giá trị định danh như những tên riêng ghép khác, kiểu như: sông Hồng Hà, dãy Trường Sơn, Bắc Bộ… Vì thế chữ cái đầu của cả hai âm tiết “Quốc” và “Ngữ” trong chữ “Quốc Ngữ” đều cần phải được viết hoa.

Việc viết hoa hai chữ cái đầu của cả hai âm tiết “Quốc” và “Ngữ” khi viết về chữ Quốc Ngữ đã được nhà ngôn ngữ học Mỹ, John de Francis triệt để tuân thủ trong cuốn sách của ông “Colonialism and Language Policy in Vietnam” (Chủ nghĩa thực dân và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam), do De Gruyter Mouton xuất bản năm 1977. Trong tác phẩm này cũng như trong một số bài viết khác sau đó, khi đề cập đến chữ Quốc Ngữ, ông đều dùng “Quoc Ngu”.

  1. Chữ Quốc Ngữ là chữ viết Latinh (La Tinh) hóa hay Roman/La Mã hóa?

Các công trình khảo cứu về sự ra đời và phát triển của chữ Quốc Ngữ từ trước đến nay đã chỉ rõ bảng chữ cái của chữ Quốc Ngữ không phải được xây dựng chỉ dựa trên bảng chữ cái của chữ viết La Tinh mà còn lấy từ một số chữ viết khác của các ngôn ngữ Roman hay La Mã và cả chữ viết tiếng Hy Lạp. Điều này đã được nhà ngôn ngữ – dân tộc học Pháp André-Georges Haudricourt nêu ra trong công trình ‘“L’origine des particularités de l’alphabet vietnamien” (Nguồn gốc những điểm dị biệt trong bảng chữ cái tiếng Việt) đăng trên tập san bằng tiếng Pháp, Dân Việt Nam, của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), năm 1949.

Theo Haudricourt, A.G. “Khi một ngôn ngữ được ghi lại bằng chữ viết lần đầu tiên, hệ thống chữ viết dùng để ghi lại ngôn ngữ đó thường dựa trên hệ thống chữ viết của một ngôn ngữ khác và hệ thống chữ viết mới kế thừa những đặc điểm dị biệt từ hệ thống chữ viết mà nó dựa vào. Như vậy, Do được xây dựng dựa trên hệ thống chính tả của một số ngôn ngữ Roman mà chữ Quốc Ngữ của tiếng Việt cũng thừa hưởng những điểm dị biệt có trong những ngôn ngữ này”. Haudricourt chỉ ra rằng trong chữ Quốc Ngữ các chữ cái Ă, PH, TH và KH được mượn từ chữ La Tinh (song có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp); các chữ Â, C, Ê, G, Ô,  S, X và CH, NH được mượn từ chữ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha;  QU và GU được mượn từ tiếng Italia và tiếng La Tinh, GI được mượn từ chữ Bồ Đào Nha và chữ Pháp; X được mượn từ chữ Bồ Đào Nha; 4 trong 5 dấu ghi thanh điệu (HUYỀN, SẮC, NGÃ, NẶNG) có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp, chỉ có dấu HỎI bắt nguồn từ chữ La Tinh.

Mặc dù chữ viết La Tinh cũng thường được gọi là chữ Roman hay La Mã, song để tránh hiểu lầm và phân biệt với chữ viết của tiếng La Tinh (một ngôn ngữ cụ thể hiện chỉ được dùng trong một số lĩnh vực nhất định) khi nói về nguồn gốc của chữ Quốc, cần khẳng định rằng chữ Quốc Ngữ là chữ viết được xây dựng dựa trên các chữ cái của các chữ viết Roman hay các chữ viết La Mã. Cũng vì lẽ đó mà loại chữ viết được xây dựng từ chữ cái của các ngôn ngữ Roman được gọi là chữ Romaji ở Nhật Bản.

Hẳn là lưu ý đến điều này, từ năm 1940 trong tác phẩm “Việt Nam văn phạm”, học giả Trần Trọng Kim đã viết rằng  “Chữ nôm là lối chữ mượn âm hay mượn ý của chữ nho mà đặt ra. Sau, các giáo-sĩ đạo Thiên-chúa sang truyền đạo, mới dùng những chữ cái của La-mã mà phiên lấy âm, đặt ra chữ quốc-ngữ, là một thứ chữ bây giờ dùng rất phổ-thông trong nước.”

 Võ Xuân Quế

Bài đã đăng trên báo “Nông nghiệp Việt Nam” ngày 25/12/2023

Quanh bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du”

Vương Trọng

Đến mùa xuân 2024 này, bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” của tôi đã tròn 42 tuổi. Tháng Ba năm 1982, tôi được khu Bốn mời vào dự hội diễn văn nghệ quần chúng toàn Quân khu tổ chức ở thành phố Vinh. Kết thúc hội diễn Tổ chức cho khách đi tham quan một số nơi, trong đó có quê hương cụ Nguyễn Du, vì trong đoàn có nhiều người quê ở Bắc, ít có dịp vào xứ Nghệ. Tôi là “dân bản địa” nhưng học xong cấp ba trường huyện là ra Hà Nội học đại học rồi nhận công tác xa quê nên chưa có dịp đến các huyện khác của tỉnh và đây là lần đầu tiên tới Tiên Điền.

Dọc đường tới khu di tích tôi hình dung ra một vùng bề thế, khang trang vì năm 1965, nghe đài đưa tin ngành văn hoá đã xây dựng khu bảo tàng Nguyễn Du nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Cụ. Tới nhà lưu niệm của Đại thi hào, trước sau nào thấy bóng người, đợi mãi mới thấy một chị đang cuốc cỏ khoai, chân đất chạy qua vườn, tìm chìa khoá mở cửa rồi giới thiệu sơ lược vài nét về ngôi nhà, sau đó dẫn chúng tôi ra thăm ngôi mộ. Đứng trước ngôi mộ sè sè nấm đất giữa bãi tha ma của làng, cầm nén hương trên tay không biết cắm vào đâu, tự nhiên tôi rơm rớm nước mắt.

Tôi thương Cụ từng chịu bao cuộc bể dâu, sang thế giới bên kia chưa hết nợ phong trần. Tôi vốn là người yêu và thuộc Truyện Kiều từ thời đi học cấp hai, khi trở thành thi nhân thì nghiền ngẫm kỹ 250 bài thơ chữ Hán của Cụ và không những phục tài thơ mà cảm thấy Cụ là người có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Có khi vì quá yêu, tôi tự coi Cụ như người của nhà mình, vô tình nghe ai chê một câu, một chữ nào đó trong Truyện Kiều, cứ nghĩ là họ đang trêu mình, tự thấy mình bị xúc phạm!

Tôi vốn yêu thơ và thuộc khá nhiều thơ từ trước đến nay và đinh ninh rằng, nói về thơ thì khoảng cách từ cụ Nguyễn Du đến các nhà thơ khác của Việt Nam còn xa lắm, khoảng cách đó hàng trăm năm, thậm chí ngàn năm sau, chưa có người lấp kín được! Chính xác của nhận định này đến đâu thì không biết nhưng mấy chục năm nay, tôi hằng nghĩ như thế. Vậy nên khi đứng trước nấm đất như mộ Đạm Tiên này, tôi buồn và thương Đại thi hào của dân tộc. Chúng ta biết rằng, Cụ mất ở Phú Xuân (Huế) năm 1820, thọ 55 tuổi. Khi Cụ mất, có một đôi câu đôi hay, người thì bảo của quan trong triều, nhưng theo nhà thơ Thanh Tịnh thì của vua Minh Mạng. Câu đối đó như sau:

Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh sinh bất thiểm
Bách niên sự nghiệp, tại gia tại quốc tử do vinh
(Một đời tài hoa, đi sứ làm quan, sống chẳng thẹn
Trăm năm sự nghiệp, trong nhà ngoài nước, thác còn vinh)

Mộ Cụ khi đó táng ở cánh đồng Bàu Đá, xã An Hoà, tỉnh Thừa Thiên và bốn năm sau, năm 1824, con trai của Cụ là ông NNgũ cùng với một người cháu, đưa hài cốt của Cụ về táng trong vườn nhà, và hơn một trăm năm sau, năm 1928 mới cải táng chỗ hiện nay, cách nhà hơn cây số.
Sau chuyến đi trở về Hà Nội, tôi treo tấm ảnh của đoàn chụp trước mộ Cụ lên tường đối diện nơi ngồi làm việc, để lặng hàng giờ nhìn ảnh và nghĩ về một kiếp tài hoa. Thế rồi tự dưng tôi thốt lên: “Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên. Ngờ đâu cụ Nguyễn Điền nằm đây” và lấy bút ghi vào quyển sổ đang mở sẵn trên bàn.

Chúng ta nhớ lại rằng, cách đây bốn mươi hai năm, (năm 1985 mới bắt đầu công cuộc Đổi mới), thơ ở nước ta hầu như chỉ đăng những bài thiên về ca ngợi chứ ít có bài nói buồn, đặc biệt là nỗi buồn vì một tồn tại xã hội thì không mấy ai dám viết. Bởi vậy khi viết bài thơ này, tôi không mảy may định để đăng báo, mà để ghi lại tâm trạng của mình khi đứng trước mộ cụ Nguyễn Du và nghĩ rằng, nếu viết được thì dán phía dưới bức ảnh ấy mà thôi.

Khi viết xong ba khổ đầu (mỗi khổ 6 câu), tôi đọc lại và nghĩ rằng, có buồn đấy, nhưng chưa nỗi nào, nếu khổ cuối “sáng” lên một ít thì có thể gửi báo được. Nhân đây xin mở ngoặc rằng, mặc dù trong một thời gian biên tập thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng những bài thơ “hơi khó đăng” của tôi, không bao giờ tôi đăng ở báo. Bởi thế bài thơ này khi hoàn thành tôi đã gửi cho nhà thơ Phạm Tiến Duật ở Tuần báo Văn Nghệ, coi như làm một phép thử xem sao.

Không ngờ rất nhanh sau đó, bài thơ được in ra và những ngày tiếp theo, tôi nhận được thông tin nhiều chiều về bài này. Bạn bè, đồng nghiệp nói chung là khen, không những khen tôi mà khen báo Văn nghệ mạnh tay dám đăng một bài thơ như thế. Ông Tào Mạt hùng hồn tuyên bố rằng đây là một trong hai bài thơ Việt Nam mà ông thích nhất! Và rồi ông làm một việc ngược đời là đã dịch bài thơ đó ra chữ Hán!

Bản dịch này tôi đã công bố trên báo và nhiều bạn đọc thông thạo chữ Hán Tào Mạt tài hoa. Nhà thơ Thanh Tịnh gọi tôi lên phòng riêng, sau khi khen bài thơ thì cung cấp cho tôi về đôi câu đối mà dẫn trên kia, và ông còn nói rằng: “Phía dưới câu đối còn ghi mấy chữ Minh Mạng hoàng đế trang tặng” và bình luận thêm “trang tặng” chứ không phải ban tặng đâu nhé, chứng tỏ vua chúa ngày xưa cũng biết coi trọng nhà thơ đấy chứ”!

Từ khi bài thơ ra đời, nhân dân các vùng mới biết được thực trạng của mộ cụ Nguyễn Du lúc đó nên phản ứng mạnh. Có Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng gọi điện chất vấn Bộ Văn hóa, tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh về vấn đề này. Nhiều xí nghiệp tự động tổ chức các cuộc quyên góp để xây dựng lại mộ của Đại thi hào…

Nhưng trên quê hương Nghệ Tĩnh của tôi thì tình hình ngược lại. Bắt đầu là ý kiến của một vài cán bộ ở Hội Văn nghệ. Họ cho tôi là kẻ nói xấu quê hương, vạch áo cho người xem lưng…, họ phản ảnh điều đó với lãnh đạo tỉnh và tổ chức một cuộc hội thảo để bài xích bài thơ này, loại nó ra khỏi đội ngũ những thi phẩm viết về cụ Nguyễn Du.

Sau đó họ tuyển chọn một tập thơ của thế hệ viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tất nhiên trong đó không có bài thơ của tôi, nhưng trớ trêu là trong lời giới thiệu họ phê phán bài thơ này! Không dừng lại đó, một đại diện của Hội Văn nghệ đã gửi hồ sơ cuộc hội thảo lên cho ông Hà Xuân Trường đề nghị ông Trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng phê bình báo Văn nghệ đã sử dụng một bài thơ độc hại như thế! Thật may là tôi ở Hà Nội, ăn lương Quân đội, chứ nếu công tác ở Nghệ Tĩnh thì chắc chắn bị “lên bờ xuống ruộng” chẳng kém gì Thạch Qùy với bài thơ “Nói với con”!

Mộ cụ Nguyễn Du trước khi xây lại năm 2000

Sau này có khi tự đọc lại bài thơ của mình, tôi ngạc nhiên sao khi đó mình lại có thể viết được câu: “Không cành để gọi chim/ Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời”, “ý dày” được như thế! Còn khi đọc câu thơ “Bao giờ cây súng rời vai /vôi, chở đá tượng đài xây lên“, có nhà phê bình bảo rằng, đất nước ta đã hoà bình từ năm 1975, thì năm 1982, “cây súng rời vai” đã được bảy năm rồi. Nói như vậy là không chính xác!

Sự thật, năm 1982, khi bài thơ ra đời, đất nước ta đang trong mộchiến tranh biên giới ác liệt, dai dẳng. Chỉ đến năm 1989, khi bộ đội của ta hoàn thành nhiệm vụ ở Cămpuchia trở về thì thực sự có hoà bình. Và thật kỳ diệu, chính năm 1989, mộ của cụ Nguyễn Du đã được xây dựng lại. Ngày khánh thành, tôi được giấy mời vào giữ lễ, nhưng vì đi công tác bận, đến đầu năm 1990, nhân chuyến đi viết về sự kiện hợp long cầu Bến Thủy tôi mới có dịp cùng đoàn đến thắp hương trước mộ mới của Cụ. Đợi cho đoàn chúng tôi khấn vái xong, một cụ già tiến gầ“Các ông có biết tại sao mộ cụ Nguyễn Du của chúng tôi được xây lại đẹp như thế này không? Đó là nhờ bài thơ của ông VTrọng đấy! Các ông có nghe, tôi đọc cho mà nghe”!

Ông trưởng đoàn nháy mắt với tôi, ý bảo tôi đừng lên tiếng để nghe cụ đọc thơ. Và cụ đọc rất hồn nhiên. Khi cụ đọc xong, “Thưa cụ, chính con là Vương Trọng đấy ạ!” Cụ già cùng bao người khác chăm chú nhìn tôi. Rồi cụ nói: “Tôi tưởng ông phải già hơn, sao còn trẻ thế này! Tôi đọc thế có đúng không ông?” Sự thật cụ đọc theo lối truyền miệng, có sai đôi chữ, nhưng tôi cám ơn và khen cụ đọc hay. Cụ cho biết tên là Nguyễn Ngẫu, 83 tuổi, cùng họ với cụ Nguyễn Du. Cụ còn nói thêm rằng  năm 1982 đọc bài thơ của tôi đăng báo, bà con trong họ tin rằng mộ cụ Nguyễn Du thế nào cũng được xây dựng lại, và đúng như thế thật!

Nhân đây cũng xin lưu ý với bạn đọc rằng, năm 2000, mộ của cụ Nguyễn Du lại được tôn tạo, nâng cấp một lần nữa, để cùng với khu tưởng niệm Đại thi hào tạo thành một quần thể di tích văn hoá, hàng tuần đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tham quan.

Hơn nửa thế kỷ làm nghề biên tập và sáng tác, tôi may mắn có một số bài thơ được bạn đọc yêu thích như “Với đứa con ngoài giá thú”, “Hai chị em”, “Khóc giữa chiêm bao”, “Chị dâu”, “Sợi tóc hai màu”… nhưng có lẽ hai bài được bạn đọc nhắc đến nhiều nhất là “Bên mộ cụ Nguyễn Du” và “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”.

Có người nói đùa rằng, sở dĩ tôi viết được hai bài thơ hay trên quê hương Hà Tĩnh là nhờ có linh hồn cụ Nguyễn Du phù hộ vì tôi mang họ của Thuý Kiều, tên của chàng Kim, hai nhân vật chính trong tác phẩm kiệt xuất của Cụ!

BÊN MỘ CỤ NGUYỄN DU

Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây
Ngửng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng “thập loại chúng sinh” nằm kề.
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn, gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng yên bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm.
Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người

Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu
Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân.
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá, tượng đài xây lên:
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa..

Nghi Xuân, 7-3-1982

VƯƠNG TRỌNG

Còn đây là phiên âm bài thơ dịch của Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt:

NGUYỄN DU PHẦN BIÊN

Lân Đạm Tiên bạc mệnh
Hà tưởng Nguyễn Du phần
Vọng thiên cao địa hậu
Phủ trưởng giảo ngô thần
Thiên chủng liên thiên bích
Dữ chúng sinh đồng quần.
Cực mục vô lê hoa
Bạch đàn vi phong ca
Thảm thê hoa thảo lạc
Ô nê tiểu kính tà
Tịnh khán vô mao thổ
Do nghi thùy đáo gia?
Vô diệp điểu thanh hoang
Vô hoa diệp thiểu quang
Vô thảo hi noãn khí
Hương yên thụ diệc hoàng
Thanh minh đoạn trường cú
Nghi Xuân nhật mộ tàng.

Thủ phủ tưởng vĩ nhân
Thùy thương độc phong trần
Kỷ hồi hạ sang thủ
Thạch tượng lưu thi thần:
Thiên địa nhất tâm đại
Tiếp tích quán thiên xuân.
TÀO MẠT (dịch)

Nguồn: https://vanviet.info/tren-facebook/quanh-bi-tho-bn-mo-cu-nguyen-du/