Vì sao nghiên cứu của phương Tây về Trung Quốc giảm đi khi quyền lực của nước này đang lớn mạnh

Liệu các nước phương Tây có thể cạnh tranh với Trung Quốc mà không hiểu về nó?

Tổng thống đắc cử của Mỹ, Joe Biden, nói rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất” của đất nước ông. Tuy nhiên, vị trí trung tâm của Trung Quốc trong các kế sách của các chuyên gia chính sách đối ngoại ở Washington cũng như các nước phương Tây hầu như không thể sánh bằng sự quan tâm được thể hiện trong giới học thuật. Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sự quan tâm đến ngôn ngữ – và sự chú ý ngày càng lớn đến ngôn ngữ này ở các trường học phương Tây vài năm trước – sự nhiệt tình dành cho các nghiên cứu về Trung Quốc ở cấp đại học vẫn còn mờ nhạt. Một phần nguyên nhân là do nỗi sợ hãi Trung Quốc và những hạn chế do nước này áp đặt.

Ở Anh, từ năm 2017 số người theo ngành Trung Quốc học tại các trường đại học đã giảm đi đáng kể. Năm ngoái, con số này đã giảm đi 90, xuống còn 1.434, theo Ủy ban Trung Quốc của các trường đại học ở London, cơ quan thúc đẩy nghiên cứu về Trung Quốc ở Anh. Ở Úc, một cuộc khảo sát năm ngoái đối với 16 học giả tham gia vào các nghiên cứu về Trung Quốc cho thấy một xu hướng tương tự. Một trong những học giả cho biết số lượng người Úc nghiên cứu các chủ đề liên quan đến Trung Quốc hoặc Trung Quốc học tại trường đại học đã “giảm rõ ràng” trong 5 năm qua. Một người khác than thở về sự “đào thải dần dần” chuyên môn về Trung Quốc ở Úc.

Tại các trường đại học Mỹ, số sinh viên đăng ký các chương trình tiếng Trung đạt con số 60.000 vào năm 2013. Ba năm sau, một cuộc khảo sát tiếp theo cho thấy con số đã giảm hơn 8.000. Sinh viên quan tâm nghiên cứu nghiêm túc về Trung Quốc thường dành thời gian ở một trường bên đó. Trong năm 2011-12, khoảng 15.000 người Mỹ đã làm như vậy. Vào năm 2018-19, tổng số người Mỹ đi du học đã tăng 20%. Nhưng tỉ lệ sang học ở Trung Quốc đã giảm với mức tương tự, bất chấp nỗ lực của Barack Obama nhằm khuyến khích nhiều sinh viên Mỹ đến đó hơn, khi ông là tổng thống. Điều này không phải là điềm báo tốt cho việc xây dựng chuyên môn ở một quốc gia rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Có một số lý do khiến sinh viên phương Tây thờ ơ với việc tập trung sự chú ý vào Trung Quốc. Trước tiên – điều luôn cản trở lĩnh vực học thuật này – là rào cản khó vượt qua do tiếng Trung Quốc, một ngôn ngữ rất khác với các ngôn ngữ phương Tây, đòi hỏi phải ghi nhớ hàng trăm ký tự để có được khả năng đọc viết cơ bản. Những người học tiếng Trung ở trường thường chỉ học đủ để khám phá mức độ làm thế nào thành thạo ngôn ngữ này.

Một vấn đề liên quan là nhiều người bản ngữ nói tiếng Quan Thoại tốt nghiệp từ các trường đại học ở Trung Quốc và phương Tây với khả năng thông thạo tiếng Anh. Trong các doanh nghiệp phương Tây, cơ hội cho công việc yêu cầu trình độ tiếng Quan Thoại có thể đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng cũng có sự cạnh tranh cho những công việc như vậy. Những người lớn lên ở Trung Quốc thường có lợi thế hơn, không chỉ về ngôn ngữ mà còn về khả năng mở rộng cánh cửa ở Trung Quốc cho các nhà tuyển dụng của họ.

  Gần đây, bầu không khí chính trị ngày càng đàn áp của Trung Quốc đã trở thành một biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với những người nghiền ngẫm chủ đề này. Năm ngoái King’s College London từng cố gắng thiết lập một văn bằng đại học về ngôn ngữ Trung Quốc, nhưng đã từ bỏ kế hoạch. Các giảng viên nhận thấy rằng nhu cầu về một bằng cấp tiếng Nhật hiện cao hơn nhiều. Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc của trường đại học này cho biết: “Mọi người bị thu hút nhiều hơn bởi văn hóa Nhật Bản — họ thích manga, anime (hoạt hình) và trò chơi trực tuyến. Quyền lực mềm của Trung Quốc yếu hơn. Việc kiểm duyệt Internet và các phương tiện truyền thông khác cũng như không khí ô nhiễm của các thành phố đã khiến sinh viên giảm sút, các học giả nói.

Sau khi Phil Entwistle, một cựu học giả người Anh, hoàn thành chương trình tiến sĩ vào năm 2015, ông đã được một trường đại học Ireland mời dạy một khóa học về quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu. Ông nhận thấy rằng nhiều đồng nghiệp có chuyên ngành không phải Trung Quốc đã hết sức ngạc nhiên trước sự quan tâm của ông đối với nơi này. “Họ hỏi tôi: tại sao bạn lại muốn nghiên cứu chế độ thực sự khủng khiếp này? Chúng tôi không muốn bất cứ điều gì liên quan đến Trung Quốc – hãy nhìn xem điều gì đang xảy ra ở đó”, ông Entwistkle, một nhà tuyển dụng hỏi.

Việc nghiên cứu Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với những người gắn bó với nó. Minxin Pei của Trường Cao đẳng Claremont McKenna ở California gọi đây là thời kỳ “khó khăn nhất kể từ cuối thời đại Maoist”. Đã qua rồi cái thời tương đối cởi mở của cuối những năm 1990 và 2000. Sau khi Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, nước này bắt đầu thắt chặt các hạn chế đối với công việc của các học giả phương Tây. Các kho lưu trữ và cơ sở dữ liệu ở Trung Quốc trở nên khó truy cập hơn; thị thực và các cuộc phỏng vấn khó sắp xếp hơn.

 Vào năm 2018, một cuộc khảo sát của các học giả nghiên cứu về Trung Quốc ở một số quốc gia phương Tây cũng như Hồng Kông cho thấy, trong thập kỷ trước, một phần ba trong số họ đã bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc hoặc được phép sử dụng tài liệu lưu trữ của nước này. Gần một phần mười cho biết họ đã bị “đưa đi uống trà” – một cách nói hài hước phổ biến khi bị giới chức Trung Quốc triệu tập để cảnh cáo. Jean-Pierre Cabestan của Đại học Baptist Hồng Kông cho biết, nhiều nhà học thuật nói với nghiên cứu sinh tiến sĩ của mình rằng có thể tốt hơn họ nên chuyển sang lĩnh vực khác vì rủi ro hoặc khó khăn khi thực hiện nghiên cứu ở Trung Quốc.

Một số học giả hiện tránh xa Trung Quốc vì nguy cơ bị giam giữ ở đó. Nỗi sợ hãi của họ càng tăng cao bởi vụ bắt giữ hai người Canada vào năm 2018 – Michael Kovrig, một nhà phân tích chính trị và Michael Spavor, một doanh nhân. Nhiều nhà quan sát phương Tây giải thích việc tiếp tục giam giữ hai người này là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc ngày càng sẵn sàng sử dụng các cáo buộc an ninh quốc gia mỏng manh đối với người nước ngoài từ các quốc gia mà họ có xung khắc. Giới học thuật chuyên về các lĩnh vực nhạy cảm như chính trị đặc biệt cảnh giác. Iwatani Nobu, một nhà sử học về Trung Quốc hiện đại tại Đại học Hokkaido, đã bị giam hơn hai tháng vào năm ngoái vì nghi ngờ làm gián điệp. Theo truyền thông Nhật Bản, ông bị buộc tội mua sách ở Trung Quốc liên quan đến các sự kiện lịch sử trước khi Cộng sản nắm quyền năm 1949.

Rủi ro thậm chí còn lớn hơn đối với các học giả gốc Trung Quốc, những người chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong các bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc ở phương Tây. Cảnh sát Trung Quốc thường coi người di dân là công dân Trung Quốc, bất kể họ đã có quốc tịch nước ngoài nào. Điều đó có thể có nghĩa là đối xử thậm chí khắc nghiệt hơn nếu họ bị bắt. Ngay cả trong sự an toàn của các cơ sở của họ ở nước ngoài, họ thường giữ im lặng về các chủ đề mà Trung Quốc cho là nhạy cảm vì sợ rằng các quan chức Trung Quốc sẽ quấy rối người thân của họ ở Trung Quốc hoặc cấm họ đến đó. Đối với các chính phủ và công ty phương Tây, đối phó với Trung Quốc là một mối quan tâm cấp bách hơn bao giờ hết. Để phản ứng một cách khôn ngoan, họ cần hiểu điều gì khiến Trung Quốc trở nên nổi tiếng. Nếu không có đủ Hán học để hướng dẫn, họ chắc chắn sẽ mắc sai lầm.

Nguồn: https://www.economist.com/china/2020/11/28/as-chinas-power-waxes-the-wests-study-of-it-is-waning

Bình luận về bài viết này