Những điều chưa biết về bản dịch PRISON DIARY và dịch giả Aileen Palmer

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay tác phẩm 獄中日記 (Ngục trung nhật ký) của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch sang ít nhất 37 ngôn ngữ nước ngoài (không kể chữ Quốc Ngữ). Đáng chú ý, riêng tiếng Anh đã có 8 bản dịch được in (với số lượng bài được dịch khác nhau) và hiện là ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất. Tiếp đến là các thứ tiếng: Bengali (4 bản), Tây Ban Nha (3 bản), Sinhala – Srilanka (3 bản), Czech (3 bản), Pháp (2 bản), Đức (2 bản), Bồ Đào Nha (2 bản), Slovak (2 bản), Hàn Quốc (2 bản).

Bản dịch tiếng Anh đầu tiên có tựa đề Prison Diary gồm 101 bài thơ, với 95 trang, được Nhà xuất bản Ngoại Văn xuất bản ở Hà Nội năm 1962, tức chỉ hai năm sau khi bản gốc bằng chữ Hán được dịch sang chữ Quốc Ngữ và được nhà xuất bản Văn Hóa xuất bản năm 1960[2].

Tuy không phải là bản dịch sang chữ nước ngoài đầu tiên của Ngục trung nhật ký (từ đây trở đi chúng tôi dùng “Nhật ký trong tù”), vì trong năm 1960, tiếp theo bản dịch chữ Quốc Ngữ được xuất bản (tháng 5.1960), Nhật ký trong tù bằng tiếng Nga “Хо Ши Мин, Тюремный дневник” do Павел Антокольски (1896 – 1973) dịch, được Nhà xuất bản Ngoại Văn Moskva xuất bản (tháng 9.1960) và bản dịch tiếng Pháp “Journal de Prison, Poèmes” do Đặng Thế Bính, Lê Văn Chất, Vũ Quý Vy và G. Boudarel dịch, được Nhà Xuất bản Ngoại Văn xuất bản tại Hà Nội.

Song, chắc rằng Prison Diary là bản dịch có số lượng bản in nhiều nhất và cũng là bản dịch được dùng làm nguồn để dịch tiếp ra các ngôn ngữ khác nhiều nhất. Chỉ tính riêng lần in đầu tiên tại Mỹ năm 1971 dưới tựa đề “The Prison Diary of Ho Chi Minh”, bản dịch này đã được in với số lượng kỷ lục: 500 000 bản và được review trên tạp chí chuyên về văn học “The Times literary supplement” của Anh[3] và “The New York Times” danh tiếng của Mỹ[4].

Tác giả của bản dịch Prison Diary là Aileen Palmer, nhà thơ, dịch giả người Australia, một đảng viên đảng Cộng sản Australia, một thành viên nhiệt thành của Lữ đoàn Tình nguyện Quốc Tế trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Trước Prison Diary, Aileen Palmer còn dịch sang tiếng Anh một số bài thơ của nhà thơ Tố Hữu được nhà xuất bản Ngoại Văn xuất bản năm 1959 ở Hà Nội.

Chân dung Aileen Palmer, tranh của Madge Hodge vẽ năm 1938

62 đã năm trôi qua, kể từ khi được xuất bản lần đầu tiên (1962), hàng triệu bản Prison Diary đã được phát hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, với rất nhiều lần tái bản, chưa kể là nguồn cho nhiều bản dịch sang các ngôn ngữ khác. Một số người đã đặt ra câu hỏi dịch giả Aileen Palmer đã thực hiện hai bản dịch đó từ nguồn nào (ngôn ngữ gì), dịch ở đâu và vào thời gian nào? Song cho tới hôm nay câu trả lời vẫn chưa thực sự rõ ràng và thuyết phục.

Trong bài viết “Đi tìm những người dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Anh” (2008) dịch giả Thúy Toàn viết: “Chúng tôi đã đi hỏi nhiều người ở Nhà xuất bản Thế giới, trước đây là Nhà xuất bản Ngoại văn, nơi xuất bản bản dịch “Prison Diary” của Aileen Palmer. Đáng tiếc là không có ai có thể cung cấp cho thông tin nào. Phải tìm đến nhà văn hóa Hữu Ngọc, từng là Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, từng làm việc với nhiều chuyên gia biên tập nước ngoài, nhưng cũng chỉ được một thông tin chung chung là đã từng có những chuyên gia Australia giúp đỡ nhà xuất bản Ngoại văn trong công tác biên tập vào những năm sau Hiệp định Geneve, 1954… Có thể, Aileen Palmer có mặt ở Việt Nam trong số các chuyên gia Australia giúp đỡ ta trên mặt trận tuyên truyền vào giai đoạn sau năm 1954”[5]

Trong bài viết khác “Sức lan tỏa của Nhật ký trong tù” được Tạp chí Văn nghệ Đất tổ “rút ra và biên tập lại từ bản tham luận cùng tên của nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn”, thông tin về dịch giả Aileen Palmer ở Việt Nam được khẳng định rõ hơn: “Sau khi hòa bình lập lại ở Việt Nam (1954), cùng với một số người khác bà lại tình nguyện đến Việt Nam, tham gia xây dựng đời sống văn hóa sau chiến tranh. Bà Aileen Palmer đã cộng tác trong lĩnh vực ra sách đối ngoại của Nhà xuất bản Ngoại văn Việt Nam mới được thành lập. Ngoài công tác hiệu đính biên tập, bà bắt tay vào dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh.”[6]

Gần đây, năm 2024, trong bài viết với tiêu đề “Nhật kí trong tù hành trình đến với độc giả Nga và phương Tây” đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1032, tác giả Nguyễn Thị Như Trang cũng viết một cách chắc chắn rằng: “Aileen Palmer – người dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Anh – là một trong những chuyên gia người Australia, được đào tạo bài bản và có mặt ở Việt Nam năm 1954, am hiểu văn hóa Việt Nam và có nhiều công trình dịch văn học cách mạng Việt Nam sang tiếng Anh.”[7]

Vậy có đúng là Aileen Palmer thuộc trong số những người đã sang “giúp Việt Nam trên mặt trận tuyên truyền”, và đã cộng tác với nhà xuất bản Ngoại Văn rồi bà đã dịch Thơ Tố Hữu cũng như Nhật ký trong tù sang tiếng Anh trong thời gian ở Việt Nam không?

Bài viết này xin cung cấp một số tư liệu mà chúng tôi mới sưu tầm được nhằm giúp cho vấn đề được tường minh.

1.            Những người cộng sản Australia và New Zealand sang giúp đỡ Việt Nam sau năm 1954.

Đúng như dịch giả Thúy Toàn đã viết, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, để xây dựng lại đất nước, phát triển văn hóa và giáo dục, chính phủ Việt Nam đã mời một số chuyên gia từ Australia và New Zealand đến Hà Nội. Theo những tư liệu mà chúng tôi tìm được, những người đó là: Len Fox, Mona Brand, Dick Diamond, Lilian Diamon, Malcolm Salmon, Lorraine Salmon (từ Australia), và Freda Mary Cook (từ New Zeland).

Len Fox và Mona Brand

Len Fox (1905-2004) là nhà báo, họa sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà sử học và nhà hoạt động xã hội. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, bảo thủ ở Melbourne, song Len Fox mang tư tưởng cánh tả. Sau bốn năm ở Hungary và Anh, được chứng kiến sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Phát xít, khi trở về Melbourne, ông tham gia Phong trào Chống chiến tranh, chống chủ nghĩa phát xít và gia nhập Đảng Cộng sản Australia năm 1935. Từ năm 1946 đến năm 1955, Len Fox làm việc cho báo Tribune, một tờ báo của Đảng Cộng sản Australia.

Còn Mona Brand (1915 – 2007) là nhà thơ, nhà văn, nhà báo và nhà viết kịch “nổi tiếng vô danh”, có nhiều đóng góp cho New Theater, một công ty sân khấu cánh tả cấp tiến ra đời năm 1935 ở Australia. New Theater sử dụng sân khấu ‘như một vũ khí’ trong cuộc đấu tranh chống cường quyền. Cả Len Fox và Mona Brand đều là những người sáng lập Hiệp hội Thổ dân Australia năm 1967 và suốt đời tích cực đấu tranh cho quyền lợi của người bản địa.

Năm 1956, qua sự giới thiệu của nhà báo Australia danh tiếng là Wilfred Burchett đang công tác ở Việt Nam, Len Fox được mời sang Việt Nam và Mona Brand đã “tháp tùng” ông. Ngoài việc làm báo và sáng tác, cả Len Fox và Mona Brand đều tham gia dạy tiếng Anh cho cán bộ Việt Nam và đào tạo nghiệp vụ cho phát thanh viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Trong hai năm ở Việt Nam, họ đã có dịp gặp chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội.

Năm 1958 Fox và Brand rời Hà Nội trở về Australia. Fox làm việc cho báo Common Cause, một tờ báo của Liên đoàn công nhân mỏ và năm 1960 làm tổng biên tập. Từ năm 1970, ông nghỉ hưu và chuyên viết sách. Còn Mona Brand tiếp tục sáng tác và dàn dựng kịch cho New Theater. Vở kịch On Stage Vietnam – Trên sân khấu Việt Nam (1967) của bà là một tác phẩm đặc biệt của sân khấu Australia và là một trong những tác phẩm sân khấu quốc tế sớm nhất chỉ trích Chiến tranh Việt Nam và phản ánh cuộc sống xây dựng đất nước sau chiến tranh của người dân Việt Nam mà bà được tận mắt chứng kiến.

Trong cuốn tự truyện Enough Blue Sky, xuất bản năm 1995, Mona Brand cho biết lý do bà viết vở kịch On Stage Vietnam là “Năm 1966, tuy cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra một số cuộc biểu tình phản đối lớn ở Australia, nhưng vẫn còn có rất nhiều người tán thành việc Chính phủ chúng ta ủng hộ cuộc chiến. Là người sống ở Việt Nam, tôi nhận thấy nếu tôi có thể chia sẻ một số hiểu biết của mình thì người khác sẽ hiểu rõ hơn tại sao đây là cuộc chiến mà Australia không nên can dự.”

Len Fox đã xuất bản 38 cuốn sách, trong đó có 3 cuốn về Việt Nam: Chung of Vietnam (1957), Friendly Vietnam (1958), và Vietnam Neighbors. Poems (1966). Còn Mona Brand đã viết 39 vở kịch, tất cả đều liên quan đến chính trị, đều được xuất bản và dàn dựng ở nhiều nước châu Âu và Ấn Độ. Ngoài ra Mona Brand còn sáng tác thơ và viết truyện với tập truyện Daughters of Vietnam, được Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1958.

Bên cạnh các sáng tác của mình, trong hai năm ở Việt Nam, Len Fox và Mona Brand còn sưu tập nhiều tranh, ảnh và áp phích ghi lại cuộc sống hàng ngày của người dân miền Bắc Việt Nam sau giải phóng. Những tư liệu này đã được ông bà hiến tặng cho thư viên công cộng bang New South Wales. Từ bộ sưu tập này, tháng 9/2020, Thư viện bang New South Wales đã tổ chức trưng bày triển lãm 68 tranh cổ động Việt Nam được sáng tác từ 1952-1961.

Để ghi nhận đóng góp của Mona Brand cho sân khấu nước nhà, tháng 11.2016, Thư viện Tiểu bang New South Wales đã công bố Giải thưởng Mona Brand trị giá 40.000 USD dành cho nữ biên kịch sân khấu và màn ảnh, giải thưởng duy nhất thuộc loại này ở Australia được trao hai năm một lần lấy từ số tiền bản quyền các vở kịch của Mona Brand.

Dick Diamond và Lilian Diamond

Richard Frank (Dick) Diamond (1906–1989) là nhà viết kịch và nhà báo, sinh ở Anh và di cư sang Australia năm 1914. Sau khi được đào tạo chính quy, Dick Diamond làm phóng viên cho các tạp chí nhỏ, phát triển mối quan tâm đến điện ảnh, sân khấu và chính trị cánh tả. Năm 1934, ông kết hôn với Lilian Frances Rembelinker, một nữ thư ký. Cả hai đều gia nhập Đảng Cộng sản Australia và hoạt động tích cực trong Nhà hát Hành động Tuổi trẻ.

Năm 1956 Diamond được mời tới Việt Nam. Một năm sau Lilian cũng sang Hà Nội đoàn tụ với Diamond. Hai người dạy tiếng Anh và giúp đỡ các cán bộ Việt Nam xây dựng chương trình phát thanh tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Phát thanh viên tiếng Anh lão thành của đài tiếng nói Việt Nam, Nguyễn Thị Ngọ, cho biết “Người thầy đầu tiên có công lớn đào tạo tôi trong công tác phát thanh là một chuyên gia Australia, ông Dick Diamond và vợ là bà Lilian Diamond.”[8]

Về sáng tác, Diamond có viết cuốn tiểu thuyết The Walls Are Down, được Tran Manh Tuyen minh họa, Len Fox thiết kế bìa và Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1958. Năm 1962 Diamond trở lại Australia và làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng và biên tập. Ông qua đời vào ngày 9 tháng 2 năm 1989 tại Balgowlah.

Malcolm Salmon và Lorraine Salmon

Malcolm Salmon (1925-1986) là nhà báo của báo Tribune, một tờ báo của Đảng Cộng sản Australia và biên tập viên của báo The Guardian. Malcolm Salmon gia nhập Đảng Cộng sản khối Liên hiệp Anh từ năm 1950. Còn Lorraine Salmon (1910-1970), có tên khác: Lorraine Barnett, là một nữ doanh nhân, thành viên lâu năm của Đảng Cộng sản Australia, từng làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng và quảng cáo sau khi trở thành người viết kịch bản cho Ủy ban Phát thanh Truyền hình Australia trong Thế chiến thứ hai. Từ năm 1952 đến 1958 bà làm thư ký Ủy ban Bình đẳng cho Nghệ sĩ.

Năm 1957, Malcolm Salmon và Lorraine Barnett kết hôn. Tháng 3 năm 1958, Malcolm Salmon được cử sang Hà Nội và Lorraine “tháp tùng” ông. Ngoài việc viết bài cho báo, đài của Australia, Malcolm và Lorraine dạy tiếng Anh và làm việc cho ban tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Malcolm là một trong số ít nhà báo phương Tây, có dịp phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11.3.1960 và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 11.6.1960.

Giữa năm 1960 Lorraine phải trở về Australia vì lý do sức khỏe. Đến tháng 11 năm đó Malcolm cũng rời Việt Nam. Nhưng tháng 4-5.1967 Malcolm lại đến miền Bắc Việt Nam và Campuchia với tư cách là phóng viên của báo Tribune. Lorraine qua đời ở Victoria năm 1970. Đầu năm 1974 đến tháng 10.1975, Salmon cùng gia đình mới trở lại làm việc ở Việt Nam và phần lớn thời gian này ông đóng góp thường xuyên cho Tạp chí Kinh tế Viễn Đông

Bên cạnh việc viết báo, Malcolm Salmon còn viết sách và xuất bản 3 cuốn sách về Việt Nam: Focus on Indo-China (1961, North Vietnam: a first-hand account of the blitz (1969), và The Vietnam-Kampuchea-China conflicts (1979). Ngoài ra ông còn dịch cuốn sách Contribution a l’histoire de la country vietnamienne (1954) của sử gia người Pháp Jean Chesneaux ra tiếng Anh. Còn Lorraine ngoài việc làm một nhà báo tự do đã cùng với Malcolm Salmon dạy tiếng Anh và cộng tác với chương trình tiếng Anh của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Bà đã viết cuốn sách Pig follows Dog; Two Years in Vietnam, được nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1960.

Ngoài những người Australia được biết trên đây, còn có một đảng viên đảng Cộng sản New Zealand, là Freda Cook (1896-1990), cũng đến Việt Nam khi đã ở tuổi 64. Sinh ra ở Anh năm 1896, Freda Cook di cư sang New Zealand năm 1924. Năm 1929 bà kết hôn với Eric Kingsley Cook, một người có cùng chí hướng và từ năm 1931 cả hai đều là thành viên của Liên minh chống Phát xít. Năm 1934, Freda gia nhập Đảng Cộng sản. Freda tích cực hoạt động trong phong trào chống phát xít, là thành viên của Liên minh Chống Chủ nghĩa tư bản, và đòi độc lập cho Ấn Độ.

Năm 1960, Freda Cook được chính phủ Việt Nam mời làm giảng viên chính thức cho khoa tiếng Anh trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Không chỉ giảng dạy, Freda còn làm “informant” để ghi âm tiếng Anh cho học viên của khoa luyện tập. Một trong những “bóng rợp từ điển” và là người xây dựng khoa tiếng Anh của trường là Phạm Duy Trong kể “Bài nghe thì dùng chiếc máy ghi âm Revere do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng để thu tiếng của ông bà Malcolm và bà Freda Cook, chuyên gia người Australia và New Zealand sang giúp ta.”[9] Cũng như Wilfred Burchett, trong hai năm 1965 & 1966, Freda Cook viết nhiều bài báo tiếng Anh về Việt Nam cho tờ Tạp chí Eastern Horizon ở Hồng Kong.  

Năm 1968 Freda trở về New Zealand để tham dự hội nghị Hòa bình, Quyền lực và Chính trị ở Asia tổ chức ở Wellington với tham luận từ thực tiễn Việt Nam. Chiến tranh trở nên khốc liệt hơn khiến bà không thể trở lại Việt Nam. Ở lại New Zealand, Freda tham gia phong trào phản đối chiến tranh và là thành viên của Ủy ban về Việt Nam. Mãi đến năm 1974 Freda mới có dịp trở lại và năm 1976, bà được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời sang thăm Việt Nam.

Trong một bài viết đăng trên báo Vietnamnews, nguyên tổng biên tập báo Việt Nam News, Nguyễn Khuyến, cho biết: “Freda không bao giờ nói không khi cần bà giúp đỡ. Ngoài những khóa học thường xuyên, cùng với trưởng khoa tiếng Anh, Đặng Chấn Liêu và các giáo viên khác, bà như con thoi giữa các lớp đặc biệt và các lớp đột xuất được tổ chức cho các cán bộ của chính phủ, quân đội và an ninh… Những nguyên tắc hòa bình và công lý mà bà đề cao suốt cuộc đời vùng với tình yêu thương con người và niềm tin vững chắc vào quyền được sống hòa bình tự do của họ đã khắc ghi tên tuổi của bà trong trái tim nhiều người Việt nam.”[10] Còn Freda cho rằng thời gian làm việc ở Việt Nam của bà “Ấn tượng, thú vị và đẹp nhất trong cuộc đời, sau thời gian tại Phong trào Lao động Thất nghiệp ở Nes Zealand”.

Như vậy, Aileen Palmer không thuộc trong số những người được mời sang công tác ở Việt Nam như dịch giả Thúy Toàn đã viết.

2.            Aileen Palmer, chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình, nhà thơ của lương tâm

Aileen Palmer tên đầy đủ là Aileen Aileen Yvonne Palmer, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1915 ở London trong một gia đình trung lưu người Australia và lớn lên trong một môi trường tri thức cánh tả cấp tiến. Mẹ bà là Janet Gertrude Higgins (Nettie) và bố là Edward Vivian Palmer (Vance), hai nhà văn nổi tiếng của Australia lúc bấy giờ.

Tròn nửa tuổi, Aileen Palmer cùng bố mẹ rời Anh trở về Australia. Năm 1929 Aileen vào học trường Presbyterian dành cho nữ sinh thuộc Đại học Melbourne. Khi còn là sinh viên, Aileen Palmer đã tham gia Câu lạc bộ Lao động của Đại học Melbourne, Hội Nhà văn cánh tả Victoria và năm 1932 gia nhập Đảng Cộng sản Australia. Năm 1935 Aileen tốt nghiệp xuất sắc ngành ngôn ngữ và văn học Pháp cùng với bằng về tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italia, những ngôn ngữ gắn với công việc của bà trong những năm kế tiếp đầy sóng gió. 

Cũng năm đó, cuộc đời Aileen Palmer có một bước ngoặt lớn khi được đi du lịch cùng gia đình tới một số thành phố lớn ở châu Âu, trước tiên tới London, nơi Aileen cất tiếng khóc chào đời 20 năm trước. Bên cạnh khám phá các bảo tàng và nhà triển lãm, Aileen Palmer đã tham dự các buổi diễn thuyết, các cuộc biểu tình chống phát xít ở London.

Tháng 5.1936 Aileen đi cùng bố mẹ đến Tây Ban Nha. Aileen đã gặp gỡ những người trẻ tích cực hoạt động chính trị và tham gia phong trào chống Phát xít ở Barcelona. Nhờ biết nhiều thứ tiếng và mang tư tưởng cánh tả, Aileen được nhận làm phiên dịch cho Thế vận hội Đại chúng (Olimpiada Popular), một sự kiện của phe cánh tả dự định sẽ diễn ra ở Barcelona từ 19.7 đến 26.7.1936 như một phản ứng chống lại Thế vận hội của Đức quốc xã được tổ chức tại Berlin vào tháng 8 cùng năm. Nhưng Đại hội đã không diễn ra vì cuộc nổi dậy của tướng Francisco Franco chống lại chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha và Aileen phải miễn cưỡng cùng với bố mẹ rời Tây Ban Nha trở về London.

Ngay sau khi trở lại London, Aileen làm việc không mệt mỏi cho Đội Hỗ trợ Y tế cho Tây Ban Nha mới được thành lập của Anh. Nhưng, chưa đầy một tháng ở London, Aileen lại lên đường đến Tây Ban Nha với tư cách là phiên dịch của Đội Y tế Anh sang giúp Tây Ban Nha. Mặc dù không được đào tạo về y tế, song kinh nghiệm phục vụ ở Barcelona trước đó và sự thông thạo tiếng Tây Ban Nha đã giúp Aileen được lựa chọn.

Trở lại Tây Ban Nha, Aileen đã làm việc 3 tháng ở mặt trận Aragon. Bà thường có mặt trên xe cứu thương vận chuyển và cứu chữa những người lính bị thương vì ngoài người Anh và người Tây Ban Nha, còn có quân tình nguyện Pháp, Ý và Đức. Bà phiên dịch cho các bác sĩ và bệnh nhân trong bệnh viện, hoặc “đóng gói và gửi những gói đồ đạc của những người đã chết về nhà cho họ.”

Tháng 3.1939, phe Cộng hòa bị đánh bại, nhà độc tài Franco lập nên chính phủ quân chủ ở Tây Ban Nha. Một lần nữa Aileen buộc phải trở lại London và làm việc cho một trạm cứu thương trong Thế chiến thứ hai, sau đó cho Australia House ở Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc. Năm 1945, nhận được tin mẹ bị ốm nặng, Aileen Palmer miễn cưỡng trở về Australia.

Sau hơn một thập kỷ ở châu Âu trở về, Aileen Palmer cảm thấy xa lạ như “một người nước ngoài” ở quê nhà Australia. Sau gần hai năm làm quen với cuộc sống mới, Aileen bắt đầu trở lại với việc sáng tác và làm diễn giả các buổi nói chuyện về thơ ca của một số nhà thơ cộng sản: Luis Aragon, John Cornford, John Manifold. Bà tự nhận mình là “a poet of conscience” (nhà thơ của lương tâm). Nhưng không lâu sau, vào tháng ba năm 1948, bà bị suy sụp về tinh thần và buộc phải vào bệnh viện.

Kể từ đó trở đi Aileen phải ra, vào bệnh viện nhiều lần để chữa trị bệnh thần kinh, hệ quả của thời gian xông xáo ngoài mặt trận ở Tây Ban Nha và ở London trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Trong những khoảng thời gian sung sức, bà theo đuổi hai niềm đam mê: hoạt động chính trị và làm thơ. Bà hướng năng lượng của mình nhiều hơn vào các hoạt động vì hòa bình thế giới, đặc biệt là đấu tranh cấm bom nguyên tử và chống phát triển vũ khí hạt nhân.

Tháng 8.1957, Aileen được mời tham dự Hội nghị thế giới lần thứ 3 về chống vũ khí A&H tổ chức ở  Tokyo. Tại đây, bà giúp phiên dịch cho các đại biểu nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Sau khi đến thăm Hiroshima và Nagasaki bà đã sáng tác một số bài thơ, và tạp chí Meanjin sau đó đã in một trong những bài thơ có tên “Vùng đất chết” của bà. Sau Nhật Bản, Aileen Palmer cũng được mời đến thăm Trung Quốc cùng với năm đại biểu người Australia khác.

Vào những năm 1960, Aileen là người tích cực phản đối Chiến tranh Việt Nam. Bà từng nói với nhà văn Australia, người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Australia, cố vấn lâu năm của bà là Katharine Susannah Prichard, rằng: “Việt Nam là Tây Ban Nha của thời điểm hiện giờ”. Cũng trong thời gian này Aileen bắt đầu “bén duyên” với Việt Nam. Thông qua hai người đồng chí trong đảng Cộng sản Australia sang giúp Việt Nam là vợ chồng nhà báo Malcolm Salmon, Aileen đã thực hiện hai bản dịch thơ của hai nhà thơ nổi tiếng Việt Nam là Hồ Chí Minh và Tố Hữu.

Ba năm sau, năm 1962, Aileen hoàn thành bản dịch Prison Diary của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản dịch tiếng Anh gồm 101 bài thơ được tuyển chọn từ 133 bài thơ trong nguyên tác “Ngục Trung Nhật ký”. “Aileen đã được nhà xuất bản Ngoại văn cung cấp một bản dịch nghĩa đen từng từ của các bài thơ từ tiếng Hán sang tiếng Anh và được yêu cầu cung cấp một bản dịch thơ bằng tiếng Anh. Mặc dù Aileen không thực sự hài lòng về “chất thơ” trong bản dịch tiếng Anh của mình và coi đây chỉ là một bản “diễn giải” (rendering) hơn là một bản dịch thơ theo đúng nghĩa của từ này. Bởi lẽ, như bà viết cho Salmons, người làm cầu nối giữa Nhà xuất bản Ngoại văn với bà: “Để có được một tác phẩm thực sự tốt tôi phải hiểu vần điệu của bản gốc, điều mà bạn không thể biết, trừ khi bạn biết ngôn ngữ (tiếng Hán – VXQ) khá tốt.”          

Tuy nhiên, sự sáng rõ, khúc chiết trong câu thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh đã tạo ra một nhạc điệu đặc biệt của riêng nó. Ngay sau khi xuất bản, Prison Diary đã được độc giả trên khắp thế giới nồng nhiệt đón nhận và góp phần đưa danh tiếng của Aileen Palmer vang xa hơn nhiều so với bản dịch trước đó. Và Prison Diary đã được nhiều dịch giả dùng làm bản nguồn để dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài khác và được xuất bản lại ở nhiều nước, đáng chú ý nhất là lần xuất bản đầu tiên ở Mỹ năm 1971 với tựa đề The Prison Diary of Ho Chi Minh. Ngoài ra, nhiều bài thơ từ bản dịch Prison Diary cũng được in lại trong các tác phẩm khác viết về Hồ Chí Minh. Chẳng hạn như trong sách “Ho Chí Minh: a biographical introduction”, tác giả Charles Fenn đã in tới 21 bài thơ từ Prison Diary, trong đó có 12 bài mở đầu cho 12 chương và 9 bài in ở Phụ lục của cuốn sách[11].

Đáng chú ý, Prison Diary đã tạo nguồn cảm hứng cho hai nhạc sĩ Phil Minton và Veryan Weston sáng tác bản hợp xướng “Songs From A Prison Diary” được nhóm “Voices from Somewhere” trình diễn tại Festival Âm nhạc Strasbourg tháng 10 năm 1991. Bản hợp xướng đã được trao giải thưởng Cornelius Cardew và được ghi âm tại chỗ trong buổi trình diễn thứ hai, sau đó làm thành đĩa CD và phát hành năm 1993 ở Anh[12]. Một số bài trong bản dịch này còn được ghi âm vào đĩa CMS audiobook “Poetry Of Ho Chi Minh – The Prison Diary” qua giọng đọc của Martin Donegan, phát hành năm 1970[13].

Ngoài hai bản dịch thơ Việt Nam, năm 1964 Aileen Palmer cho xuất bản một tập thơ với tựa đề Thế giới không có người lạ? (World Without Strangers?) tập hợp các bài thơ được bà sáng tác rải rác trong nhiều năm với những bài thơ đã đăng trước đó trên các tạp chí, như Overland, Southerly, MeanjinThe Realist cũng như các bản dịch của các nhà thơ bà yêu thích: Aragon, Heine, Pushkin và nhà thơ Cuba, Nicolás Guillén. Gần đây, một số bài thơ của Aileen Palmer còn được in trong tuyển tập thơ của những tình nguyện viên thuộc Lữ đoàn Quốc tế ở Tây Ban Nha.

Trong bốn thập kỷ cuối đời (từ 1948-1988) Aileen Palmer đã phải vật lộn với những tổn thương về tâm lý và tinh thần do những trải nghiệm mà bà đã chịu đựng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha và chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Điều đó được thể hiện trong tập thơ Thế giới không có người lạ? của bà và đúng như tác giả Campamà-Pizarro đã viết: “thơ của Aileen Palmer đã trở thành phương tiện mà qua đó bà có thể bày tỏ quan điểm của mình về những điều phi lý đang diễn ra trong các cuộc xung đột trên thế giới. Trên thực tế, thơ của bà đã trở thành một công cụ chính trị để bà có thể định vị bản thân mình.”

Aileen Palmer qua đời một cách lặng lẽ ngày 21.12.1988 ở tuổi 73 tại một trạm điều trị tâm thần nhỏ ở Ballarat, bang Victoria. Nghe tin Aileen qua đời không có lời ai điếu, nhà thơ Colleen Z. Burke đã sáng tác một bài thơ bày tỏ sự ngưỡng mộ thơ ca và hoạt động của bà trên báo Southerly với tiêu đề “No Words”. Năm năm sau, tháng 12.1993, tại buổi lễ tưởng niệm những người Australia từng phục vụ trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha tổ chức ở Canberra, Len Fox (lúc này đã 88 tuổi) một cựu “đồng chí” của Aileen Palmer đã đọc bài thơ “Danger is never danger” lạc quan nổi tiếng của bà. Bài thơ ba khổ, với khổ mở đầu:

Nguy hiểm chẳng bao giờ nguy hiểm

cho tới khi máu đổ trên đường

là máu của trái tim anh đang khóc:

người yêu anh tìm đến gặp lúc này…

Phụ lục

Thông tin về 8 bản dịch “Nhật ký trong tù” được in bằng tiếng Anh:

  1. Prison Diary, Aileen Palmer dịch, Hanoi, Foreign Languages Publishing House 1962, 96 trang, dịch 101 bài

  2. Poems Written While In Prison, Kenesth Rexroth dịch 20 bài, In trong tạp chí Avant Garde, số 3, năm 1968

  3. Eleven Prison Poems by Ho Chi Minh, Burton Raffel dịch,in trong sách From the Vietnamese : ten centuries ofpoetry, New York : October House Inc. 1968

  4. Ho Chi Minh in Prison, lan McLanchlan dịch 14 bài, In trong Tạp chí Malahat Review, số 43, tháng 7-1977.

  5. Ho Chi Minh, Prison Diary, Christopher Jenkins, Trần Khánh Tuyết và Huỳnh Sanh Thông dịch, in trong sách: Reflections from captivity : Phan Boi Chau’s “Prison Notes” and Ho Chi Minh’s “Prison Diary.” Athens: Ohio University Press, 1978. 113 trang

  6. From the Frison Quatrains of Ho Chi Minh, John Birtwhistle dịch 18 bài in trong sách Our Worst Suspicions, Anvil Press Poetry 1985.

  7. Prison Diary, Đặng Thế Bính dịch, Foreign Languages Publishing House, Hanoi 1972 (Fifth Edition), 134 trang

  8. Poems from the Prison Diary of Ho Chi Minh, Steve Bradbury dịch từ chữ Hán, Tinfish Press xuất bản, 2004, 33 trang.

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Silvia Martin, Ink in her veins: the troubled life of Aileen Palmer, UWAP Publishing 2016.

  2. Salmon family – Malcolm Salmon – papers, 1927-1986, The Australian Women’s Archives Project

  3. Australian Dictionary of Biography (https://awhf.wordpress.com/2008/02/12/aileen-palmer-1915-88/)

  4. Marcos Rodríguez-Espinosa, The Forgotten Contribution of Women Translators in International Sanitary Units and Relief Organizations During and in the Aftermath of the Spanish Civil War, in  : Current Trends in Translation Teaching and Learning E, pp 348 – 394.

  5. People Australia (https://peopleaustralia.anu.edu.au/biography/fox-leonard-phillips-len-22028)

  6. Angela O’Brien, Theatre of the Old Wave: Mona Brand’s On Stage Vietnam, in: Double Dialogues, Issue 11, Winter 2009 (https://doubledialogues.com/article/theatre-of-the-old-wave-mona-brands-on-stage-vietnam/)

  7. The Encyclopedia of New Zealand (https://teara.govt.nz/enbiographies/4c30/cook-freda-mary)


[1] Thông tin chi tiết về các bản dịch này xin xem ở phần phụ lục cuối bài.

[2] Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, Viện Văn học, Nhà xuất bản Văn hóa 1960

[3] Jenner, William J. F., and JENNER [sic] (AKA). “The Poet Ho”, The Times Literary Supplement, no. 3329, 16 Dec. 1965, p. 1171

[4] Henry Raymont, The New York Times, July 8, 1971

[5] Thúy Toàn, Đi tìm tác giả những bản dịch “Nhật ký trong tù” sang tiếng Anh, báo Công An nhân dân online, Thứ Năm, 22/05/2008 (https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Di-tim-tac-gia-nhung-ban-dichNhat-ky-trong-tu-sang-tieng-Anh-i326409/)

[6] Thúy Toàn, Sức lan tỏa của Nhật ký trong tù, Tạp chí Văn Nghệ Đất Tổ, đăng ngày 10/17/2013.

[7] Nguyễn Thị Như Trang, Nhật ký trong tù hành trình đến với độc giả Nga và phương Tây, Văn nghệ Quân đội số 1032, đăng online 14/04/2024 (http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/nhat-ki-trong-tu-hanh-trinh-den-voi-doc-gia-nga-va-phuong-tay_15784.html)

[8] https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/hoi-uc-cua-ptv-huyen-thoai-trinh-thi-ngo-ve-thoi-gian-lam-viec-o-vov-555956.vov.

[9] Việt Đông, Còn đó một bóng rợp từ điển… (https://cand.com.vn/Xa-hoi/Con-do-mot-bong-rop-tu-dien%E2%80%A6-i119886/)

[10] Nguyễn Khuyến, Freda Cook – enshrined in many Vietnamese hearts (https://vietnamnews.vn/life-style/418119/freda-cook-enshrined-in-many-vietnamese-hearts.html)

[11] Charles Fenn, Ho Chi Minh: A biographical introduction, Studio Vista London, 1973.

[12] Sóng from a Prison, Phil Minton & Veryan Weston, Voices from Somewhere, 1993

[13] Poetry Of Ho Chi Minh – The Prison Diary, 1970 (https://www.discogs.com/release/8629629-Ho-Chi-Minh-Poetry-Of-Ho-Chi-Minh-The-Prison-Diary)

Võ Xuân Quế

Bài đã đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân đội số 1037, ngày 20.05.2024

Bình luận về bài viết này