Điều thú vị từ một số địa danh trong các bản dịch NHẬT KÝ TRONG TÙ tiếng nước ngoài

Trong thời gian hơn một năm bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã bị dẫn giải và giam giữ ở nhiều nhà tù khác nhau ở tỉnh Quảng Tây. Trong một bài viết năm 2013 tác giả Lường Thị Lan cho biết: “Kể từ khi Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (tháng 8/1942) đến khi được trả tự do (tháng 10/1943), Người bị giải đi khắp 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, giam trong hơn 30 nhà lao.”

Đọc nguyên tác chữ Hán  獄中日記 (Ngục trung nhật ký), ta sẽ nhận thấy hầu hết những địa danh này đều được tác giả nhắc đến trong các bài thơ với hình thức như chúng được viết trong chữ Hán.  Chẳng hạn: 足榮 (Túc Vinh), 靖西 (Tĩnh Tây), 天保 (Thiên Bảo), 靖西 (Long Tuyền), 田東 (Điền Đông)… Trong các bản dịch ra chữ viết nước ngoài thuộc hệ chữ viết Roman (hay La Mã), hầu hết các địa danh đều được phiên âm theo theo cách viết của các ngôn ngữ đích.

Chẳng hạn: 1. Tĩnh Tây >Tsing Si (bản dịch chữ Anh, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha), Tingsi (Tây Ban Nha); 2. Long Tuyền > Long Tsuen (chữ Anh),  Long Ts’ien (chữ Pháp), Long Tsien (chữ Italia), Long Ts’ien (chữ Bồ Đào Nha), Lung Juen (chữ Tây Ban Nha); 3. Thiên Bảo > Tien Pao (chữ Anh, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha), T’ien Pao (chữ Pháp)…

Bìa các bản dịch Anh, Đức, Hungary, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha, Na Uy. Ảnh: VXQ

Tuy nhiên, có hai địa danh 桂林 (Quế Lâm) và 足榮 (Túc Vinh) không được dịch thống nhất trong các bản dịch mà được dùng theo hai cách khác nhau: 1. Phiên âm như các địa danh khác và 2. Dùng từ dịch nghĩa của địa danh.

* * *

Địa danh Quế Lâm xuất hiện trong ba bài thơ trong Ngục trung nhật ký là: bài 101 “Đến dinh trưởng quan”; bài 104 “Đến Quế Lâm” và bài 107 với tiêu đề là hai dấu “?!”. Số bài cũng  như các trích dẫn trong bài viết này đều được dẫn từ sách Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2020.

Tuy không phải tất cả các ngôn ngữ đã có bản dịch đều dịch cả ba bài này, song chúng đều có mặt trong ba bản dịch thuộc nhóm bản dịch tiếng nước ngoài đầu tiên của Ngục trung Nhật ký là bản dịch tiếng Pháp Journal de Prison (1960) của Đặng Thế Bính, Lê Văn Chất, Vũ Quý Vy và Gabriel Boudarel (đưới đây viết là bản của Đặng Thế Bính), bản dịch tiếng Nga Тюремный дневник (1960) của Pavel Antokolski và bản dịch tiếng Anh Prison Diary (1962) của Aileen Palmer. Còn các bản dịch sang các ngôn ngữ khác xuất hiện muộn hơn chỉ dịch một hoặc hai trong số ba bài này, trong đó bài số 104 được dịch nhiều nhất.

Phần lớn các bản dịch bằng chữ Roman đều phiên âm địa danh “Quế Lâm” theo hệ thống “pinyin”, song viết theo chữ viết của ngôn ngữ dịch. Chẳng hạn: Kweilin (bản dịch tiếng Anh, Tây Ban Nha -1974, Đức), Kuei Lin (Italia), Kujlin (Hungary), Kouéї-Lin (Pháp, Bồ Đào Nha), Guilin (Esperanto), Kuej-linu (Slovak)…

Nhưng trong tiếng Việt, địa danh “Quế Lâm” cũng được hiểu với nghĩa là “rừng quế” như tác giả chơi chữ ở câu đầu trong bài thơ “Đến Quế Lâm”: Quế Lâm không quế cũng không rừng (Bản dịch của Nam Trân). Bởi vậy, dưới tiêu đề phiên âm “Kweilin” một số bản dịch ghi nghĩa của từ này như một chú thích cho địa danh, như: Kweilin – The cinamon forest (bản dịch tiếng Anh), Kweilin (CannelipuumetsäPhần Lan) hay Kweilin – Kanelskogen (Na Uy).

Screenshot bài “Đến Quế Lâm” trong các bản dịch từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch. Ảnh: VXQ

Trong khi đó một số bản dịch khác lại không không dùng “Quế Lâm” phiên âm cũng không dùng từ dịch nghĩa như một chú thích mà chỉ dùng từ dịch nghĩa là “rừng quế” làm tiêu đề của bài thơ dịch. Chẳng hạn như: Cannelle (bản tiếng Pháp của ĐTB), Lasu cynamonowego (Ba Lan), Kanelskogen (Thụy Điển), hay Kanelskoven (Đan Mạch).

Truy tìm xuất xứ của các bản dịch này, ta sẽ nhận thấy phần lớn các bản dịch dùng “rừng quế” đều được dịch từ bản dịch tiếng Pháp Journal de Prison năm 1960 của Đặng Thế Bính. Chỉ có bản dịch tiếng Thụy Điển, theo dịch giả cho biết được dịch dựa trên bản dịch tiếng Ba Lan Dziennik więzienny (1962) của Maria Kurecka & Witold Wirsza. Tuy nhiên, bản dịch tiếng Ba Lan lại được dịch từ bản tiếng Pháp của Đặng Thế Bính. Còn các bản dịch dùng từ phiên âm của “Quế Lâm” thường là các bản dịch gián tiếp qua tiếng Anh.

Một điều cũng khá thú vị mà có lẽ ít người để ý là cùng địa danh “Quế Lâm” song dịch giả Đặng Thế Bính dùng hai cách khác nhau trong hai bản dịch khác nhau. Trong bản dịch tiếng Pháp (1960), ở tiêu đề bài thơ “Đến Quế Lâm” (bài 104) dịch giả dùng từ dịch nghĩa “Forêt-de-Cannelle” (rừng quế), song trong bản dịch tiếng Anh (1972) ông dùng từ phiên âm “Guilin” và chú thích: “Guilin (Kweilin) mean cinamon forest”.

Tuy nhiên, ngay trong bản dịch tiếng Pháp địa danh “Quế Lâm” cũng được dịch giả Đặng Thế Bính dùng hai cách khác nhau ở ba bài khác nhau: phiên âm “Kouei-Lїn” (ở bài 101 và bài 107)

C’est encore un transfert. Nous partons pour Kouei-Lїn = Quế Lâm còn phải giải đi ngay (Nam Trân – bài 101),

Liou-tchao, Koueї-Lin, de nouveau Liou-Tchao = Liễu Châu, Quế Lâm lại Liễu Châu (Nam Trân – bài 107).

Song dịch nghĩa “Cannele” (ở bài 104):

Ni forêt, ni cannelle à Forêt-de-Cannelle = Quế Lâm không quế cũng không rừng (Nam Trân – bài 104).

Tương tự như “Quế Lâm” là 足榮 (Túc Vinh), tên một phố ở thị trấn huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, nơi Hồ Chí Minh bị bắt ngày 29/08/1942. Sự kiện này được tác giả viết trong bài thơ số 2: “Bị bắt ở Túc Vinh” trong Ngục trung nhật ký. Bài này ít được dịch ra các bản dịch tiếng nước ngoài hơn bài số 104 và phần lớn các bản có dịch bài này đều phiên âm là: Tuc Vinh.

Screenshot bài “Bị bắt ở Túc Vinh” từ các bản dịch từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: Anh (1962), Anh (ĐTB, 1972), Tây Ban Nha (1974) và Đức (1970). Ảnh: VXQ

Tuy nhiên, xuất phát từ câu đầu trong bài thơ của tác giả “có dụng ý chơi chữ, lấy “mông nhục” (mang nhục) đối lập với “túc vinh” (đủ vinh) để làm tăng ý nghĩa mỉa mai hài hước việc bắt người vô lý của nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch”: Túc Vinh mà để ta mang nhục (Huệ Chi dịch). Bản dịch tiếng Anh Prison Diary (1962) của Aileen Palmer dùng tên phiên âm địa danh “Tuc Vinh” và chú thích nghĩa “Abandances and Glory street” dưới tiêu đề. Song, một số bản dịch không phiên âm mà chỉ dùng nghĩa của từ “Túc Vinh” như chú thích tiêu đề trong bản dịch tiếng Anh để làm tiêu đề của bài thơ, như: Gloria (Tây Ban Nha -1974), Glory Street (Pháp – ĐTB) überfluß und herrlichkeit (Đức) hay như bản dịch của Christopher Jenkins, Trần Khánh Tuyết và Huỳnh Sanh Thông cũng dùng tên phiên âm “Perfect Glory Street” trong bài số 2 “Arrested on Perfect Glory Street”:

Một điều nữa cũng đáng để nói thêm về hai bản dịch (tiếng Pháp và tiếng Anh) của dịch giả Đặng Thế Bính là trong bản dịch tiếng Pháp (1960) ông không dịch bài “Bị bắt ở Túc Vinh” (bài số 2). Nhưng trong bản dịch tiếng Anh (1972) bài này được dịch với tiêu đề “Arrested in Glory Steet”. Và trong bản dịch này địa danh “Túc Vinh” được dịch giả dùng với từ dịch nghĩa “Glory Street” (phố vinh hoa, phú quý) giống như trong bản tiếng Pháp địa danh “Quế Lâm” được dịch thành “rừng quế”.

Bình luận về bài viết này