Tag Archives: Bầu cử địa phương

Tản mạn về bầu cử HĐ địa phương ở Phần Lan năm 2021

Theo luật bầu cử, cứ 4 năm một lần người dân Phần Lan và cả những người chưa là công dân nhưng được phép định cư lâu dài ở nước này thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình vào trung tuần tháng 4 để bầu ra những người đại diện cho mình ở chính quyền địa phương. Năm nay vì đại dịch coronavirus với làn sóng lây nhiễm đang lên cao lần thứ hai ở Phần Lan nên cuộc bầu cử địa phương phải lùi lại gần 2 tháng (đến 13/6/2021).

Mặc dù việc lùi lại này là quyết định có sự thống nhất giữa thư ký của 8/9 đảng trong Nghị viện và bộ Tư pháp, với đề nghị của Viện sức khỏe và Phúc lợi quốc gia (THL), cơ quan chuyên môn về dịch bệnh, song quyết định đó đã bị đại diện của đảng người Phần Lan thuần khiết (PERUS) phản đối và coi đó là ảnh hưởng đến nền dân chủ vì lúc này uy tín của Perus trong dân chúng đang cao hơn các đảng khác.

Bộ trưởng tư pháp, chủ tịch đảng người Thụy Điển ở Phần Lan (SFP), Anna-Maja Henriksson đã phải lên bờ xuống ruộng với phái bải thủ này và bị đề nghị lấy phiếu tín nhiệm ở Nghị viện. May mà kết quả số phiếu tín nhiệm vẫn nhiều hơn phiếu bất tín nhiệm ở Nghị viện nên Bà bộ trưởng Tư pháp được tiếp tục giữ chức trong chính phủ.

Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IDEA) cho biết rằng đại dịch coronavirus đã khiến 75 quốc gia phải hoãn các cuộc bầu cử vào đầu tháng Hai. Tuy nhiên, nhiều lần trì hoãn đã diễn ra trong vài tháng đầu tiên của đại dịch.

Nhưng lùm xùm chưa hết. Chỉ còn chưa đầy 1 tháng đến ngày bầu cử chính thức và trước ngày bắt đầu bầu cử sớm (26/5-8/6) chỉ một ngày, nữ thủ tướng Marin, chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ (SDP) đã trở thành tâm điểm của cơn bão truyền thông khi báo Iltalehti, một tờ báo lá cải của Phần Lan, đăng tải thông tin rằng Văn phòng Thủ tướng đã sử dụng tiền công để chi trả cho bữa sáng gia đình thủ tướng, với 300 euro/tháng.

Văn phòng Thủ tướng biện minh cho khoản chi phí này rằng thủ tướng và gia đình của bà được quyền sử dụng ngân sách nhà nước cho bữa sáng và điểm tâm trong thời gian họ ở nhà công vụ dành cho thủ tướng Phần Lan. Trước Marin, các thủ tướng trước đó, đều được hưởng chế độ này từ ngân sách.

Tuy nhiên, tờ báo cho rằng cơ sở pháp lý cho khoản được hưởng này không rõ ràng trong văn bản. Theo tờ báo, văn bản chỉ nêu rằng: “Thủ tướng được cung cấp nhà ở trong một tòa nhà thuộc sở hữu nhà nước và Nhà nước chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do bảo trì, sưởi ấm, chiếu sáng và đồ đạc, cộng với nhân viên cần thiết.” Đạo luật không đề cập đến vấn đề thực phẩm.

Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng cho rằng có thể tham khảo mục 7, trong đó nêu rõ: “Dựa trên quyết định của Văn phòng Thủ tướng, một bộ trưởng được hoàn trả cho các chi phí phụ hợp lý liên quan đến trách nhiệm của Thủ tướng.”

Tổng thống Phần Lan cũng được hưởng các quyền lợi như đã nêu trong đạo luật trên. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống cho tờ báo biết rằng Tổng thống Niinistö không sử dụng tiền công cho bữa sáng của ông.

Ngay lập tức scandal “Breafastgate” này đã được truyền tải trên báo chí và mạng xã hội nhiều nước như Pháp, Thụy Điển, Mỹ, Italia, Hà Lan, Ấn Độ, Pakistan. Nhưng 300euro cho bữa sáng mỗi tháng của Thủ tướng Phần Lan chỉ xấp xỉ với tiền phòng (396.15USD/ngày) mà người dân Mỹ phải trả cho người bảo vệ riêng cựu tổng thống Mỹ Trump trong lâu đài Mar-Lago của ông ta ở bang Florida (theo báo Washington Post).

* * *

Trước ngày bầu cử 1 tháng, thư báo về quyền bầu cử địa phương của các cử tri đã được gửi đến cho các cử tri (gồm cả những người chưa phải là công dân, nhưng có giấy phép định cư lâu dài ở Phần Lan) qua đường bưu điện. Kèm theo hướng dẫn điền phiếu bầu và bỏ phiếu bầu (4 bước) là thời gian bầu cử sớm, thời gian ngày bầu cử chính thức, cách thức gửi phiếu bầu qua đường bưu điện (với cử tri ở nước ngoài).

1. Ngày bầu cử trong toàn quốc: 13/6/2021 (từ 9:00-20:00)

Thời gian bầu cử trước: – 26/5-8/6/2021 (ở Phần Lan) và 02-05/6/2021 (ở nước ngoài).

Tính đến 20:00 thứ ba (8/6), ngày cuối cùng của thời gian bầu cử sớm đã có 1,5 triệu (chiếm 32,9%) cử tri trong cả nước Phần Lan đã bỏ phiếu ở các địa phương, trong đó Helsinki lên tới 37%. Đây là một kỷ lục của bầu cử địa phương từ trước đến nay. Trong cuộc bầu cử thành phố năm 2017, tỷ lệ bỏ phiếu sớm là 26,6%.

2. Địa điểm bầu cử: Mỗi địa phương có nhiều địa điểm bầu cử. Người dân ở địa phương có thể bầu ở bất cứ địa điểm bầu cử nào thuộc địa phương mình. Chẳng hạn ở Helsinki với dân số khoảng 660 ngàn, có 39 địa điểm bầu cử, thường là ở các thư viện hoặc nhà văn hóa.

3. Số ứng cử viên và đại biểu được bầu ở địa phương: Hội đồng mỗi địa phương được bầu ít nhất là 13 đại biểu. Với địa phương từ 500 ngàn dân trở lên (như Helsinki) được bầu ít nhất 97 đại biểu.

Danh sách ứng cử viên vào Hội đồng thành phố Helsinki trong cuộc bầu cử lần này là 1084 người. Số này sẽ bầu ra ít nhất 97 đại diện cho Hội đồng. Còn cả nước có 35.627 ứng cử viên.

4. Máy bầu cử (vaalikone): Để giúp cho cử tri tìm hiểu về các ứng cử viên và xác định ứng viên nào đại diện cho mình ở chính quyền địa phương, các hãng truyền thông và báo lớn, như Yle (Đài phát thanh và truyền hình nhà nước), báo Helsingin Sanomat (tờ báo lớn nhất Phần Lan), Iltasanomat đã lập “máy bầu cử” công khai trên mạng. Mỗi máy gồm 26 câu hỏi cho các vấn đề khác nhau được quan tâm ở địa phương. Cử tri ở tất cả các địa phương đều có thể vào trả lời các câu hỏi này, sau đó “máy bầu cử” sẽ cho biết kết quả trả lời của mình gần nhất với kết quả trả lời của ứng cử viên nào ở địa phương mình nhất. Từ đó, cử tri có thể quyết đinh được mình sẽ bầu cho ứng viên nào.

Dưới đây là các câu hỏi của “Máy bầu cử” trên báo Helsingin Sanomat theo 4 chủ đề:

Dịch vụ và kinh tế

  1. Không nên tăng thuế ở thành phố nữa, mà nên tìm cách cắt giảm chi tiêu.
  2. Tôi tin rằng cải cách an sinh-y tế (SOTE) của chính phủ sẽ cải thiện các dịch vụ xã hội và y tế của thành phố.
  3. Nên dành nhiều ngân sách hơn cho việc chăm sóc người cao tuổi, cả tại nhà và tại các cơ sở, dù phải giảm chi phí cho giáo dục và chăm sóc trẻ em.
  4. Không được giảm trường học và nhà trẻ, dù nó thắt chặt nền kinh tế thành phố.
  5. Dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi không nên thuê các công ty tư nhân.

Nhà ở và an ninh

  1. Thành phố cần tăng cường nguồn lực để cải thiện an ninh, giảm sự bất an.
  2. Cần giảm thiểu tình trạng vô gia cư bằng cách cung cấp nhà ở được xã hội hỗ trợ, kể cả ở khu vực của tôi.
  3. Thành phố có thể tiếp nhận nhiều người tị nạn và nhập cư hơn.
  4. Thành phố nên xây nhà cho thuê hợp lý hơn.
  5. Thành phố cần thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau, thông qua giá đất và thuế, để nhiều người có thể mua nhà trong thành phố.

Đi lại và năng lượng

  1. Thành phố nên xây dựng nhiều năng lượng gió hoặc các nguồn năng lượng tái tạo khác.
  2. Nên xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhỏ. Tôi chấp nhận nó ở trong thành phố.
  3. Thành phố phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng ô tô cá nhân hơn là phát triển giao thông công cộng.
  4. Thành phố cần tạo thêm đường dành cho xe đạp, ngay cả khi chúng chiếm không gian từ làn đường dành cho ô tô.
  5. Thành phố cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng xe ô tô điện và gas, chẳng hạn như trạm sạc.

Bình đẳng

  1. Cần có các ngày ăn chay hàng tuần tại các trường học trong thành phố.
  2. Cần treo cờ cầu vồng trong Tuần lễ bình đẳng giới hàng năm ở thành phố của tôi.
  3. Không có vấn đề gì khi trong xã hội một số nhóm có vị trí kinh tế tốt hơn những nhóm khác.
  4. Theo tôi, xã hội không nên chỉ đạo mạnh mẽ các ông bố bà mẹ để gia đình ở nhà với con cái nhiều như vậy.
  5. Tăng cường tính đa văn hóa bằng cách tăng số lượng người nhập cư vào thành phố là một điều tốt.

Helsinki

  1. Nhiều cây tổ sóc bay hơn đã được tìm thấy trong khu vực của Sân bay Malmi. Khu vực này là một phần quan trọng của văn hóa Helsinki, vì vậy quyết định xây dựng nhà ở trong khu vực cần được xem xét lại một lần nữa.
  2. Tôi ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế ở Cảng Nam của Helsinki.
  3. Thành phố Helsinki không được bán các tòa nhà trong khu vực Lapinlahti cho các nhà đầu tư bất động sản, mà các tòa nhà đó phải được giữ ở sở hữu công cộng.
  4. Tôi ủng hộ việc mở rộng khu vực nội thành của Helsinki bằng cách chuyển các đường cao tốc thành các đại lộ của đô thị. Các đại lộ như vậy sẽ có ít không gian hơn cho ô tô cá nhân và nhiều không gian hơn cho phương tiện giao thông công cộng, người đi bộ và người đi xe đạp.
  5. Tôi thấy trẻ vị thành niên phạm pháp là một mối đe dọa an ninh cần được giải quyết ngoài việc tăng cường các dịch vụ xã hội và hỗ trợ trường học.

Sau khi trả lời các câu hỏi này, vaalikone sẽ cho biết kết quả trả lời của mình gần với trả lời của ứng cử viên nào nhất. Từ đó cử tri có thể quyết định mình nên bầu cho ứng viên nào.

5. Cách bầu: Sau khi được trao phiếu bầu, cử tri đến buồng điền phiếu. Ở đây có danh sách tất cả các ứng viên cùng với số của họ. Cử tri bầu cho ứng viên nào thì chỉ cần ghi số của ứng viên đó vào phiếu. Trên bàn trong buồng phiếu cũng có mẫu các chữ số để cử tri viết theo. Sau khi đã điền số của ứng viên mình bầu, cử tri gấp đôi phiếu bầu và đến bỏ vào thùng phiếu.

Với phiếu bầu trước: sau khi được nhân viên bầu cử ở cạnh thùng phiếu kiểm tra lại căn cước cử tri một lần nữa, cử tri sẽ được đưa cho một phong bì trống tối màu để cử tri bỏ phiếu bầu của mình vào đó rồi tự mình dán lại. Sau đó, cử tri phải ký tên vào một tờ giấy được nhân viên in ra có ngày mình đi bầu và cử tri ký tên vào đó. Giấy này sẽ được nhân viên bỏ vào trong một phong bì khác to hơn cùng với phong bì có phiếu bầu của cử tri. Sau đó phong bì này được nhân viên bầu cử bỏ vào thùng phiếu trước sự chững kiến của cử tri.

6. Công bố kết quả: Từ 19:30 Yle bắt đầu tường thuật kết quả cuộc bỏ phiếu. 00:30 kết quả kiểm phiếu hoàn tất, với kết quả cao nhất thuộc về 3 đảng: KOK, SDP và KESK. Nhưng 2 đảng giành thắng lợi lớn nhất là PERUS và KOK.

Tỉ lệ và số ghế giành được của các đảng

Số ghế và tỉ lệ giành được so với cuộc bầu cử lần trước

Tỉ lệ độ tuổi và giới tính của người trúng cử

Số cử tri và tỉ lệ đi bầu trong cả nước

Tỉ lệ trúng cử của các đảng ở Heslinki