Tag Archives: Ngôn ngữ

Người Nhật phát triển Hán ngữ hiện đại

Việt Nam, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Trung Quốc (TQ), thời xưa đều từng mượn chữ Hán của người TQ làm chữ viết cho nước mình trong nhiều nghìn năm, làm nên Vành đai văn hóa Hán ngữ. Nhưng người Nhật không chỉ vay mượn một chiều mà từ cuối thế kỷ 19 còn dùng chữ Hán để sáng tạo ra nhiều từ ngữ mới tương ứng với các khái niệm khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội-nhân văn hiện đại trong văn minh phương Tây. Những từ ngữ chưa từng có trong Hán ngữ ấy lại du nhập về TQ, trở thành một phần quan trọng trong Hán ngữ hiện đại của người TQ, được người TQ, Việt Nam, Triều Tiên/Hàn Quốc sử dụng một cách phổ biến và quen thuộc tới mức rất nhiều người không biết đó là những từ ngữ đến từ Nhật mà vẫn tưởng là của TQ.

Cũng mượn dùng chữ Hán như người Việt Nam, Triều Tiên/Hàn Quốc, nhưng người Nhật đã có những sáng tạo đáng khâm phục như vậy, đó là do họ đặc biệt có năng lực học tập và tiếp thu văn hóa nước ngoài, có tinh thần mạnh dạn đổi mới. Một số học giả TQ ước tính các từ ngữ do người Nhật sáng tạo chiếm khoảng 70% tổng số từ ngữ hiện dùng trong Hán ngữ ngày nay. Nói cách khác, trong các khái niệm người TQ và Việt Nam, Triều Tiên/Hàn Quốc dùng để suy nghĩ, nói và viết, có 70% là do người Nhật tạo ra. Điều đó cho thấy trong 100 năm qua, người Nhật đã có ảnh hưởng lớn tới tư duy của người TQ. Họ đã làm phong phú Hán ngữ, góp phần rất quan trọng giúp TQ và các nước trong vành đai văn hóa Hán ngữ nhanh chóng tiếp thu văn minh phương Tây, đẩy mạnh tiến trình lịch sử về cải cách xã hội và văn hóa, chính trị, tiến lên con đường hội nhập quốc tế. Trở thành nước xuất khẩu Hán ngữ hiện đại, Nhật đã đóng vai trò cầu nối TQ và Việt Nam, Triều Tiên/Hàn Quốc với văn minh phương Tây. Những sáng tạo ngôn ngữ của họ rất đáng để chúng ta nghiên cứu học tập.

Dân tộc Nhật thời cổ không có chữ viết. Thời Chiến Quốc, chữ Hán truyền vào Nhật. Năm 600, Nhật Hoàng lần đầu tiên cử sứ giả triều đình sang thăm TQ thời nhà Tùy, kèm theo nhiều học sinh sang tìm hiểu, học tập về thể chế chính trị xã hội, giáo dục, văn hóa TQ. Thời Đường, từ năm 630 đến năm 894 đã có gần 20 đoàn sứ giả Nhật sang TQ học tập. Họ học lấy học để mọi cái hay cái tốt của văn hóa Hán và mang về nước nhiều thứ, như kỹ thuật xây dựng, chế tạo vật liệu, luyện kim… rất nhiều thư tịch chữ Hán, nhất là thư tịch Phật giáo. Từ đó người Nhật bắt đầu mượn chữ Hán làm chữ viết cho nước mình, nhưng đọc theo âm tiếng Nhật và viết theo trật tự từ tiếng Nhật. Họ làm thế được vì chữ Hán là chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideograph), có thể đọc theo những âm khác nhau. Nhưng vì thứ chữ này không ghi âm được tiếng mẹ đẻ nên lúc đầu người Nhật chỉ dùng chữ Hán để viết, coi là thứ chữ của tầng lớp quan lại, quý tộc, trí thức, chủ yếu dùng trong công việc hành chính và văn học.

Thế kỷ 10, người Nhật sáng tạo ra chữ viết riêng của họ, gọi là chữ Kana (chữ Hán-Việt là Giả danh), là những ký tự ghi âm tiếng Nhật, một loại chữ cái biểu âm bản thân không có ý nghĩa gì, được tạo ra từ một phần của chữ Hán, đơn giản hơn chữ Hán. Mới đầu chữ Kana được dùng để phiên âm chữ Hán, về sau phát triển hình thức kết hợp cả hai thứ chữ.

Cuối thế kỷ 19, trong quá trình giao lưu với phương Tây, người Nhật thấy việc dùng các từ ngữ văn ngôn của Hán ngữ TQ khó có thể biểu đạt được các khái niệm mới của văn hóa phương Tây. Vì thế một số học giả Nhật đã vận dụng vốn hiểu biết sâu sắc chữ Hán, tiến hành cải tạo từ ngũ cũ và tạo ra nhiều từ ngữ mới không có trong Hán ngữ, hoặc có nhưng với ý nghĩa khác, để thể hiện các khái niệm mới, sự vật mới chưa từng có trong văn hóa TQ. Ví dụ các từ hy vọng, trường hợp, phương châm, quyền uy, chi bộ, tôn giáo, dẫn độ, thủ tục…. tổng cộng ngót nghìn từ ngữ ngày nay người TQ quen dùng đều là do người Nhật tạo ra.

Người Nhật còn đi đầu trong việc đơn giản hóa (bớt nét) những chữ Hán nhiều nét. Về sau người TQ đã tiếp thu cải tiến này và tiến hành đơn giản hóa chữ Hán với quy mô lớn, tạo ra hàng nghìn chữ giản thể (simplified character). Đại lục TQ hiện chỉ dùng chữ giản thể, không dùng chữ phồn thể (chữ đủ nét, complex character) như Hong Kong, Đài Loan.

Các sáng tạo của người Nhật đã góp phần không nhỏ phát triển, hoàn thiện Hán ngữ và được TQ (sau đó là Triều Tiên, Việt Nam) tiếp thu, sử dụng nhuần nhuyễn tới mức ít ai biết đó là thành tựu của người Nhật. Không rõ vì sao các từ điển chữ Hán do TQ xuất bản đều không ghi xuất xứ Nhật của những từ đó. Gần đây các học giả TQ xới lại vấn đề này, nhưng một số người TQ có ý hạ thấp hoặc phủ nhận cống hiến của người Nhật.

Không thể phủ nhận, Nhật đã có ảnh hưởng tới TQ trên nhiều mặt, quan trọng nhất là đã có tác dụng mở ra cánh cửa giúp TQ tiếp xúc với văn minh phương Tây.

Thời Minh Trị (Meiji era, 1868-1912), Nhật đẩy mạnh mở cửa tiếp thu văn minh phương Tây chứ không đóng cửa “bế quan tỏa quốc” như TQ, Việt Nam. Khi thấy được tính ưu việt của văn minh phương Tây, người Nhật bèn dứt khoát bỏ ngay ông thầy Tàu mà họ đã học mấy nghìn năm để học ông thầy Tây, ồ ạt cử thanh niên sang Âu Mỹ học tập, giới trí thức Nhật say sưa đọc và dịch hầu như toàn bộ các sách có tính khai sáng của Âu Mỹ. Rất nhiều khái niệm mới, phần lớn là khái niệm trừu tượng, được họ dịch ra chữ Hán, qua đó phát huy được tác dụng biểu ý thâm sâu vốn có của chữ Hán (trong khi bán đảo Triều Tiên, Việt Nam bắt đầu loại bỏ chữ Hán). Giới học giả Nhật đã chuyển ngữ sang chữ Hán một cách rất hiệu quả những từ ngữ phương Tây thể hiện các khái niệm mới người châu Á chưa từng biết, chủ yếu về y học, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội-nhân văn.

Năm 1898, hai học giả lớn đại biểu phái Duy tân TQ là Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đến Nhật. Trong thời gian ở đây, Khang Hữu Vi đã dịch sách Nhật và ra một tờ báo chữ Hán phát hành về TQ, trong đó ông đã dùng các từ chữ Hán do người Nhật sáng tạo.

Nước Nhật sau chiến thắng tiêu diệt hạm đội Nga tại eo biển Tsushima (1904) đã trở thành tấm gương sáng của châu Á. Giới tinh hoa TQ đua nhau sang Nhật học tập, hoạt động: Tôn Trung Sơn, Chu Ân Lai, Lỗ Tấn, Tưởng Giới Thạch, Quách Mạt Nhược… Hầu hết các nhân vật chủ chốt của phong trào Tân Văn hóa TQ đều từng học ở Nhật. Họ đã mang về nước những từ ngữ chữ Hán được người Nhật chuyển ngữ từ ngôn ngữ phương Tây. Ví dụ chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Marx, triết học, … Từ ngoại lai nguồn gốc Nhật ồ ạt tràn vào TQ. Người TQ tiếp thu gần như toàn bộ số từ này và lâu ngày biến thành từ Hán ngữ 100%. Các thế hệ người TQ về sau hầu như không thể biết các từ ngữ đó là do người Nhật sáng tạo.

Thời ấy TQ cũng bắt đầu dịch sách của phương Tây. Hồi đó các học giả TQ có ba quan điểm về vấn đề này: 1. Người TQ nên cố hết sức tự phiên dịch, không nên du nhập vô điều kiện các từ ngoại lai có nguồn gốc Nhật. 2. TQ nên mượn dùng từ ngữ người Nhật đã dịch. 3. Nên dịch âm, tức phiên âm tiếng nước ngoài mà không dịch nghĩa.

Tiêu biểu cho quan điểm thứ nhất là Nghiêm Phục (Yan Fu, 1853-1921), nhà tư tưởng, nhà phiên dịch nổi tiếng từng học ở Anh, người đề xuất lý luận Tín, Nhã, Đạt có ảnh hưởng lớn trong giới phiên dịch ở TQ. Ông đã dịch cuốn Evolution and Ethics (Tiến hóa và Đạo đức, của Thomas Huxley), lấy tên sách là Thiên diễn luận, lần đầu tiên giới thiệu cho người TQ biết một lý thuyết khoa học tiên tiến: thuyết Tiến hóa. Trong quá trình dịch, do quá chú trọng Nhã (là yêu cầu khó nhất), nhiều từ do ông dịch tỏ ra tối nghĩa khó hiểu, không được dư luận TQ chấp nhận sử dụng.

Học giả nổi tiếng Vương Quốc Duy (Wang Guo-wei, 1877-1927) đại diện quan điểm nên dùng từ ngoại lai gốc Nhật, nhằm tiết kiệm công sức cho người TQ. Theo ông, người Nhật dịch quá hay, trong khi người TQ dịch thiếu sáng tạo. Quan điểm trên được thực tế chứng minh là đúng: người TQ (và cả VN, Triều Tiên) đều dùng các từ Nhật dịch.

Trương Sĩ Chiêu (Zhang Shi-zhao, 1881-1973, từng học ở Nhật và Anh) đại diện cho chủ trương phiên âm từ ngữ tiếng nước ngoài, nhưng vì những từ phiên âm đó đọc không thuận miệng nên về sau cũng đều bị đào thải. Ví dụ telephone TQ dịch âm là德律风 [de lu feng], sau phải nhường chỗ cho từ điện thoại do Nhật dịch. Người Nhật cũng có chủ trương dịch âm, ví dụ từ club họ dịch sang Hán ngữ là câu lạc bộ, rất đạt cả về âm, hình, ý. Nhưng cũng có những từ Nhật dịch không được TQ chấp nhận, như cholera (dịch tả), Nhật dịch âm là虎列拉 [hu lie la], được TQ dùng khá lâu nhưng về sau thay bằng từ 霍乱 [hu luan] do TQ dịch. Hoặc logic Nhật dịch là luân lý, xem ra không đạt; về sau Nghiêm Phục dịch là逻辑 [luo ji], đạt cả về âm, hình, ý. Từ này về sau đã truyền vào Nhật.

Giới học giả Nhật chủ yếu dùng hai cách sau để dịch từ ngữ phương Tây:

  1. Gán thêm hàm nghĩa mới vào những từ ngữ có sẵn trong Hán ngữ, dần dần làm các từ ngữ đó mất ý nghĩa cũ. Ví dụ Nhật dùng xã hội dịch từ society; trong Hán ngữ cổ, xã hội là nói việc tụ tập cúng tế vào mùa, mùa thu. Nhật cũng dùng từ dân chủ trong từ ngữ thứ dân chi chủ tể庶民之主宰để dịch khái niệm democracy hoàn toàn ngược lại.
  2. Sáng tạo từ ngữ chữ Hán hoàn toàn mới, cách này dùng nhiều nhất. Khi từ ngữ phương Tây không có khái niệm tương ứng trong Hán ngữ, người Nhật bèn tự đặt ra từ chữ Hán mới. Ví dụ nổi tiếng nhất là từ điện thoại đã thay cho từ 德律风. Các danh từ trừu tượng lại càng nhiều, như dân tộc, cá nhân, khoa học, triết học

Có thể thấy người Nhật có xu hướng ưa dùng từ kép (song tự từ) gồm hai chữ, có ưu điểm ngắn gọn, dễ nhớ, ví dụ nhân dân, phục vụ, chính phủ, cán bộ

Thực ra khi tiếp xúc với các nguyên tác của phương Tây, người TQ cũng đã dùng tư duy của mình để sáng tạo một số khái niệm. Điển hình là Nghiêm Phục. Ví dụ economy, người Nhật dịch là kinh tế, ông dịch là kế học (计学). Evolution Nhật dịch là tiến hóa, ông dịch là thiên diễn (天演). Philosophy Nhật dịch là triết học, ông dịch là lý học (理学). Capital Nhật dịch tư bản, ông dịch mẫu tài (母材). Metaphysics Nhật dịch hình nhi thượng học (形而上学), ông dịch huyền học (玄学)… Nghiêm Phục từ chối dùng từ xã hội (Nhật dịch từ society), mà ông dịch là quần (群), xã hội học là quần học (群学). Người TQ cho rằng cách dịch nói trên của Nghiêm Phục chưa hợp lý. Có lẽ người Việt chúng ta cũng nghĩ như vậy.

Rốt cuộc các từ dịch của Nhật giản đơn dễ hiểu nên được người TQ ưa dùng hơn. Từ đó các từ ngoại lai có nguồn gốc Nhật biến thành từ TQ. Vương Quốc Duy cho rằng cách dịch của Nghiêm Phục sở dĩ không được dư luận chấp nhận, chủ yếu do ông quá chú trọng nhã, chú trọng văn dịch phải đẹp, dùng những từ Hán cổ khó hiểu. Tuy vậy, Nghiêm Phục vẫn chấp nhận một số từ Nhật dịch, ví dụ tự do (dịch từ liberty và freedom).

Có học giả TQ đặt vấn đề: Cùng một thuật ngữ phương Tây khi đến TQ và Nhật được dịch thành hai loại từ có mùi vị khác xa nhau, cuối cùng kết thúc bằng việc từ TQ dịch (Trung dịch) thua, từ Nhật dịch (Nhật dịch) thắng. Tại sao lại như vậy, điều này rất đáng suy ngẫm!

Năm 1898, Lương Khải Siêu dịch tiểu thuyết Nhật “Giai nhân chi kỳ ngộ” ra Hán ngữ, đánh dấu sự bắt đầu du nhập TQ của các từ ngoại lai đến từ Nhật. Năm 1998, nhân kỷ niệm 100 năm sự kiện này, một số học giả TQ đặt câu hỏi: Trong thời gian ấy nếu không sử dụng các từ ngoại lai gốc Nhật mà chỉ dùng những từ do Nghiêm Phục dịch, thì người TQ hiểu và suy nghĩ như thế nào về các khái niệm du nhập từ văn minh phương Tây? Và điều đó có ảnh hưởng ra sao tới tiến trình lịch sử của TQ? Cụ thể, nếu các khái niệm chính trị, kinh tế, văn hóa, cách mạng, giai cấp, xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa… đổi sang một phương thức khác xuất hiện trước mắt người TQ, phải chăng sự hiểu biết, cảm thụ của người TQ đối với các khái niệm đó sẽ có biến đổi?

Chữ Hán là của người TQ, người Nhật chỉ mượn dùng. Nhưng khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, người Nhật dám mạnh dạn dịch từ ngữ chữ Tây ra chữ Hán-Nhật, còn người TQ thì ngại làm điều đó, chủ yếu do người TQ có tâm lý không dám động đến chữ Thánh hiền của tổ tiên mình. Mặt khác vì nhà nước Nhật đối ngoại thi hành chính sách mở cửa hòa nhập, học cái hay cái tốt của thế giới, đối nội đẩy mạnh giáo dục quốc dân. Trái lại phong kiến TQ vốn cho mình là trung tâm tinh hoa thế giới, coi thường người nước ngoài, đối ngoại thi hành chính sách đóng cửa, đối nội thi hành đường lối ngu dân, dĩ nhiên không khuyến khích học phương Tây, vì thế tất nhiên TQ đi sau Nhật về mặt dịch ngôn ngữ Âu Mỹ.

Ban đầu các học giả Nhật cũng chưa thống nhất cách dịch từ ngữ phương Tây. Ví dụ từ literature họ dịch là văn chương học và văn học, sau cùng văn chương học bị đào thải. Từ art mới đầu dịch là nghệ thuật/ mỹ thuật/ văn học kỹ nghệ, mãi cho tới đầu thế kỷ 20 từ nghệ thuật mới chiếm vị trí thống lĩnh. Từ individual vất vả hơn cả, mới đầu dịch là nhất cá nhân, sau dịch là độc nhất giả/ nhân/ độc nhất cá nhân/ tư nhân… mấy từ này đồng thời được dùng trong một thời gian dài, cuối cùng từ cá nhân thắng.

Nhưng từ nửa cuối thế kỷ 20 trở đi, khi cần chuyển ngữ các từ ngữ phương Tây, người Nhật lại ngại chuyển sang chữ Hán (là loại chữ biểu ý khó học khó nhớ) mà dùng cách dịch âm và thể hiện bằng chữ Katakana, một loại chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonography). Ví dụ: máy tính họ dùng computer, nhà báo dùng journalist, thịt cừu dùng lamb, và rất nhiều từ khác như bus, taxi, sex, fax, pizza, goods … Người nước ngoài biết tiếng Anh chỉ cần biết các chữ cái Katakana là có thể đọc hiểu khá nhiều từ tiếng Nhật. Một số học giả TQ cũng tán thành cách chuyển ngữ như vậy, vì đỡ mất công suy nghĩ chọn từ chữ Hán; vả lại tiếng Anh đã quốc tế hóa trên toàn cầu.

Từ thập niên 70 thế kỷ 20 tới nay là thời kỳ từ ngoại lai nguồn gốc Nhật lần thứ hai du nhập vào TQ. Sau khi TQ lập quan hệ ngoại giao với Nhật (1972) và bắt đầu cải cách mở cửa, nhiều từ tiếng Nhật, cách dùng từ, phương thức biểu đạt của người Nhật bắt đầu xuất hiện trong tiếng TQ, như 卡拉OK (Karaoke), 料理 (món ăn), 写真 (tả thật, vẽ chân dung), 欧巴桑 (obasan, từ chỉ phụ nữ trung niên trở lên), 卡哇伊 (kawayi, đáng yêu) v.v… Sự du nhập ấy ban đầu qua Hong Kong, Đài Loan, hiện nay trực tiếp vào TQ qua mạng Internet. Hầu hết các từ ngoại lai nguồn gốc Nhật gần đây du nhập vào TQ đều có liên quan với ACG (Animation, Comic, Game: phim hoạt hình, tranh hoạt họa, trò chơi máy tính), chủ yếu do giới trẻ TQ chủ động tiếp thu. Qua đó đã làm giàu vốn từ và sức biểu đạt của Hán ngữ, đồng thời các khái niệm và tư tưởng mới cũng du nhập vào TQ.

Một số học giả TQ khẳng định sự ồ ạt du nhập các từ ngoại lai có nguồn gốc Nhật đã ảnh hưởng tới tiến trình lịch sử hơn 100 năm qua của TQ. Họ cũng tranh luận về mức độ ảnh hưởng của nguồn từ ngoại lai đó. Bài Vấn đề “Từ ngoại lai” Nhật ngữ trong Hán ngữ hiện đại của GS Vương Bân Bân (Wang Bin-bin) ở Khoa Trung văn ĐH Nam Kinh đăng trên tạp chí Văn học Thượng Hải số 8/1998 khẳng định 70% danh từ, thuật ngữ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hiện nay TQ dùng là nhập từ Nhật. “Trên thực tế, nếu rời khỏi các từ ngoại lai Nhật ngữ thì ngày nay chúng ta gần như không thể nói chuyện được” – ông viết.

Hiện tượng các từ ngữ chữ Hán do người Nhật sáng tạo ồ ạt du nhập TQ và được người TQ dễ dàng tiếp nhận cho thấy văn hóa Nhật có sức đồng hóa rất mạnh. Có học giả TQ cho rằng nếu trong Thế chiến II Nhật chiếm được toàn bộ TQ thì có lẽ người TQ đã biến thành người Nhật. Quả thật điều đó đã xảy ra sau khi đảo Đài Loan bị sáp nhập vào nước Nhật (1895-1945). Cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy (sinh 1923) nói 30 năm đầu ông là người Nhật. Thậm chí có người Đài Loan không nói được tiếng Đài Loan, chỉ nói tiếng Nhật.

Một số dân mạng TQ cho rằng nói từ ngữ ngoại lai gốc Nhật chiếm tỷ lệ 70% là nịnh bợ Nhật, là hủy hoại nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm; họ khó chấp nhận kết luận “Trung dịch thua, Nhật dịch thắng”. Ngược lại, nhiều học giả TQ cho rằng chẳng có gì đáng xấu hổ khi thừa nhận đóng góp của người Nhật đối với sự phát triển Hán ngữ.

“Hiện đại Hán ngữ Đại từ điển” chia từ ngoại lai có nguồn gốc Nhật làm hai loại: 1- Loại người Nhật mượn dùng các từ Hán ngữ cổ đã có của TQ nhưng gán hàm nghĩa mới và cách dùng mới, như cách mạng, kinh tế, văn hóa …; 2 – Loại do người Nhật dùng chữ Hán tự sáng tạo, như mỹ thuật, trà đạo, thủ tục…

“Hán ngữ Ngoại lai ngữ từ điển” xuất bản năm 1984 thống kê được 772 từ ngoại lai có gốc Nhật, phần lớn thuộc loại thứ nhất, nhưng nhiều người không tán thành, vì từ ngoại lai gốc Nhật có ý nghĩa khác hẳn từ Hán ngữ cổ. Ví dụ kinh tế, Hán ngữ cổ là kinh thế tế dân, ý nói sự quản trị quốc gia. Trong Hán ngữ hiện đại, kinh tế là các hoạt động sản xuất xã hội, lưu thông, trao đổi.

Bài Nghiên cứu ngoại lai ngữ trong Hán ngữ hiện đại của Cao Minh Khải và Lưu Chính Viêm cho rằng Hán ngữ hiện đại có 459 từ ngoại lai nguồn gốc Nhật. Những từ này hiện đã mọc rễ ở TQ, chủ yếu vì người Nhật dùng từ rất khôn khéo, nhất trí với quy tắc tạo từ của Hán ngữ, dễ hiểu, dễ ghi nhớ và phổ cập. Không ít từ ngoại lai Hán ngữ vốn có cũng bị từ ngoại lai gốc Nhật thay thế. Ví dụ: hợp điểm thay bằng phân tử; giới thuyết bằng định nghĩa; minh giác tráo/ nhãn minh y – giác mạc; nguyên hành chất, nguyên chất – nguyên tố; hoa tinh/ hoa tinh phấn/ tu phấn – hoa phấn …

——————

Dưới đây là những ví dụ về một số từ ngoại lai nguồn gốc Nhật thường gặp, do GS Trần Sinh Bảo ở Đại học Ngoại quốc ngữ Thượng Hải thống kê, phân loại; chúng tôi chỉ ghi chú kèm những từ đã có từ Hán-Việt tương ứng:

  1. Từ tu sức + từ được tu sức:

(1) Hình dung từ + danh từ.   Ví dụ: 人权 nhân quyền, 金库, 特权 đặc quyền, 哲学 triết học, 表象 biểu tượng, 美学 mỹ học, 背景 bối cảnh, 化石 hóa thạch, 战线 chiến tuyến, 环境 hoàn cảnh, 艺术 nghệ thuật, 医学 y học, 入场券, 下水道, 公证人, 分类表, 低能儿.

(2) Phó từ + động từ. Ví dụ: 互惠, 独占 độc chiếm, 交流 giao lưu, 高压, 特许, 否定 phủ định, 肯定 khẳng định, 表决 biểu quyết, 欢送, 仲裁 trọng tài, 妄想, 见习 kiến tập, 假释, 假死, 假设 giả thiết.

  1. Từ phức hợp đồng nghĩa:

Ví dụ: 解放 giải phóng, 供给 cung cấp, 说明 thuyết minh, 方法 phương pháp, 共同 cộng đồng, 主义 chủ nghĩa, 阶级 giai cấp, 公开 công khai, 共和 cộng hòa, 希望 hy vọng, 法律 pháp luật, 活动 hoạt động, 命令 mệnh lệnh, 知识 tri thức, 综合 tổng hợp, 说教 thuyết giáo, 教授 giáo thụ, 解剖 giải phẫu, 斗争 đấu tranh.

III. Động từ + tân ngữ:

Ví dụ: 断交, 脱党, 动员 động viên, 失踪, 投票 đầu phiếu, 休战, 作战 tác chiến, 投资 đầu tư, 投机 đầu cơ, 抗议 kháng nghị, 规范 quy phạm, 动议, 处刑.

  1. Từ phức hợp do các đơn từ kể trên họp thành:

Ví dụ: 社会主义 xã hội chủ nghĩa, 自由主义 tự do chủ nghĩa, 治外法权 trị ngoại pháp quyền, 土木工程, 工艺美术 công nghệ mỹ thuật, 自然科学 tự nhiên khoa học, 自然淘汰 tự nhiên đào thải, 攻守同盟, 防空演习 phòng không diễn tập, 政治经济学 chính trị kinh tế học, 唯物史观 duy vật sử quan, 动脉硬化, 神经衰弱 thần kinh suy nhược, 财团法人 tài đoàn pháp nhân, 国际公法 quốc tế công pháp, 最后通牒 tối hậu thông điệp, 经济恐慌 kinh tế khủng hoảng.

Ngoài ra còn có:   Động từ: 服从 phục tùng, 复习, 支持, 分配 phân phối, 克服 khắc phục, 支配 chi phối, 配给…

Khái niệm cơ bản về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội:   哲学 triết học, 心理学 tâm lý học, 论理学 luân lý học, 民族学 dân tộc học, 经济学 kinh tế học, 财政学 tài chính học, 物理学 vật lý học, 卫生学 vệ sinh học, 解剖学 giải phẫu học, 病理学 bệnh lý học, 下水工学, 土木工学, 河川工学, 电气通信学, 建筑学 kiến trúc học, 机械学 cơ giới học, 簿记, 冶金, 园艺, 和声学 hòa thanh học, 工艺美术…

Từ kết vĩ (结尾词):

(1) 化 hóa: 一元化 nhất nguyên hóa, 多元化 đa nguyên hóa, 一般化, 自动化 tự động hóa, 现代化 hiện đại hóa …
(2) 式 thức: 流动式, 简易式, 方程式, 日本式, 新式…
(3) 炎 viêm: 肺炎 (viêm phổi), 胃炎 (viêm dạ dày), 关节炎 (viêm khớp), 气管炎 (viêm khí quản), 皮肤炎 (viêm da)…
(4) 力 lực (sức): 生产力 (sức sản xuất), 原动力, 想像力 (sức tưởng tượng), 劳动力 (sức lao động), 记忆力…
(5) 性 tính: 可能性, 必然性 (tính tất nhiên), 偶然性(tính ngẫu nhiên), 周期性(tính chu kỳ), 习惯性(tính tập quán)…
(6) 的: 大众的, 民族的, 科学的, 绝对的, 公开的…
(7) 界 giới: 文学界 (giới văn học), 艺术界(giới nghệ thuạt), 思想界(giới tư tưởng), 学术界(giới học thuật), 新闻界…
(8) 型 hình: 新型, 大型, 流线型, 标准型, 经验型…
(9) 感 cảm: 美感, 好感, 优越感, 敏感, 读后感…
(10) 点 điểm: 重点 trọng điểm, 要点 yếu điểm, 焦点 tiêu điểm, 观点 quan điểm, 出发点 (điểm xuất phát), 盲点 (điểm mù)…
(11) 观 quan: 主观 chủ quan, 客观 khách quan, 悲观 bi quan, 乐观 lạc quan, 人生观 nhân sinh quan, 世界观 thế giới quan, 宏观, 微观…
(12) 线 tuyến: 直线, 曲线, 抛物线, 生命线, 战线 chiến tuyến, 警戒线…
(13) 率 suất: 效率 hiệu suất, 生产率, 增长率, 利率 tỷ suất, 频率 tần suất…
(14) 法 pháp: 辨证法 biện chứng pháp, 归纳法 (phép quy nạp), 演绎法 (phép diễn dịch), 分析法 (phép phân tích), 方法 phương pháp, 宪法 hiến pháp, 民法, 刑法…
(15) 度 độ: 进度 tiến độ, 深度, 广度, 强度 cường độ, 力度…
(16) 品 phẩm: 作品 tác phẩm, 食品 thực phẩm, 艺术品, 成品 thành phẩm, 展品, 废品 phế phẩm, 纪念品…
(17) 者 giả: 作者 tác giả, 读者 độc giả, 译者 dịch giả, 劳动者, 缔造者, 先进工作者…
(18) 作用 tác dụng: 同化作用 (tác dụng đồng hóa), 异化作用 (tác dụng dị hóa), 光合作用 (tác dụng quang hợp), 心理作用 (tác dụng tâm lý), 副作用 (tác dụng  phụ)…
(19) 问题 vấn đề: 人口问题 (vấn đề nhân khẩu), 社会问题 (vấn đề xã hội), 民族问题 (vấn đề dân tộc), 教育问题 (vấn đề giáo dục), 国际问题 (vấn đề quốc tế)…
(20) 时代 thời đại: 旧石器时代 (thời đại đồ đá cũ), 新石器时代 (thời đại đồ đá mới), 新时代 (thời đại mới), 旧时代 (thời đại  cũ)…
(21) 社会 xã hội: 原始社会 (xã hội nguyên thủy), 奴隶社会(xã hội nô lệ), 封建社会(xã hội phong kiến), 资本主义社会(xã hội chủ nghĩa tư bản), 社会主义社会(xã hội XHCN), 国际社会…
(22) 主义 chủ nghĩa: 人文主义 (chủ nghĩa nhân văn), 人道主义 (chủ nghĩa nhân đạo), 浪慢主义 (chủ nghĩa lãng mạn), 现实主义 (chủ nghĩa hiện thực), 帝国主义 (chủ nghĩa đế quốc), 排外主义 (chủ nghĩa bài ngoại)…
(23) 阶级 giai cấp: 地主阶级 (giai cấp địa chủ), 资产阶级 (giai cấp tư sản), 中产阶级(giai cấp trung sản), 无产阶级(giai cấp vô sản)…

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn: https://nghiencuuquocte.org/2017/02/07/nguoi-nhat-phat-trien-han-ngu-hien-dai/

Tiếng Việt kỳ diệu: Hành trình từ chữ Nho, chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ

Đã hơn trăm năm nay nước ta chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết được các nhà trí thức tiên tiến đầu thế kỷ 20 ca ngợi là Hồn trong nước; Công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt và tin rằng Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ.

Dư luận nước ta trước đây quy công trạng làm ra thứ chữ kỳ diệu ấy cho giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Gần đây lại có dư luận yêu cầu ghi công các giáo sĩ không phải người Pháp như Francisco de Pina, António Barbosa, Gaspar do Amaral, António de Fontes… và đóng góp của giáo dân miền Nam nước ta từng giúp các giáo sĩ đó học tiếng Việt, và đóng vai trò “giám định” trong quá trình thí điểm sử dụng thứ chữ mới ấy.

Đáng tiếc là cho tới nay công luận ở ta vẫn chưa nhất trí chọn được các nhân vật tiêu biểu làm ra chữ Quốc ngữ, và cơ quan chính quyền liên quan cũng chưa dứt điểm giải quyết vấn đề này. Để tình trạng đó kéo dài sẽ không có lợi cho hình ảnh một dân tộc văn minh. Đã đến lúc cần bàn thảo rộng rãi và sớm có hành động tri ân những người xứng đáng ghi công. Bài này nhằm góp một ý kiến bàn thảo. Vì người viết ít hiểu biết về ngôn ngữ học nên ý kiến nêu ra khó tránh khỏi có sai sót, mong được bạn đọc chỉ bảo.

***

Tiếng nói là khả năng bẩm sinh của con người, còn chữ viết là một phát minh sáng tạo không phải dân tộc nào cũng có. Ở thời xưa, tiến trình làm chữ viết cho một ngôn ngữ cần thời gian nhiều thế kỷ, thậm chí hàng ngàn năm. Tiếng Việt có hệ thống ngữ âm cực kỳ phong phú, cho nên càng có sức sống bền dai và càng khó làm được chữ viết; có thể vì thế mà ta chậm có chữ của mình. Nhưng cũng chính nhờ tiếng ta giàu ngữ âm mà rốt cuộc dân tộc ta được thừa hưởng một loại chữ viết tuyệt vời nhất vùng Đông Á.

Hiếm thấy nước nào từng sử dụng ba loại chữ viết như nước ta: chữ Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, mỗi loại chữ ấy làm nên một trang sử vẻ vang đáng ôn lại.

Chữ Nho

Khoảng thế kỷ 2 TCN, phong kiến Trung Quốc (TQ) chiếm nước ta, bắt dân ta học chữ Hán.[1] Nhờ đó lần đầu tiên người Việt Nam biết tới chữ viết – phương tiện truyền thông tin cực kỳ tiện lợi, không bị hạn chế về không gian và thời gian như tiếng nói. Có thể vì thấy được cái lợi lớn ấy mà các bậc đại trí người Việt đã nảy ý tưởng mượn dùng loại chữ này. Nhưng học Hán ngữ cực kỳ khó, vì người TQ đọc tiếng Hán theo hàng trăm phương ngữ khác nhau. Cái khó ló cái khôn: tổ tiên ta đã nghĩ ra cách chỉ đọc thứ chữ này bằng tiếng Việt mà không đọc bằng tiếng Hán, tức chỉ học chữ mà không học tiếng Hán. Ngôn ngữ học ngày nay giải thích điều đó là hợp lý, vì chữ Hán là chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideograph), tương tự chữ tượng hình vẽ con vật hoặc chữ số 1, 2, 3 hoặc ký hiệu $, %… cả thế giới đều hiểu ý nghĩa các ký hiệu biểu ý đó, tuy đọc bằng tiếng của mình. Tổ tiên ta đã lợi dụng tính biểu ý của chữ Hán để đọc nó bằng tiếng Việt, như cách người TQ các địa phương đọc bằng phương ngữ của họ. Vì thế chính quyền chiếm đóng không thể cấm dân ta đọc chữ Hán theo cách của ta.

Người Việt gọi thứ chữ Hán đã Việt hóa phần ngữ âm ấy là chữ Nho, tức chữ của người có học. Khi ấy mỗi chữ Hán được đọc bằng một âm (từ) Hán-Việt gần giống âm Hán của nó; nhưng một âm Hán có thể chuyển thành một số âm Việt khác nhau. Không chữ Hán nào không được đặt tên tiếng Việt. Việc đặt tên cho hàng chục nghìn chữ Hán kéo dài hàng trăm năm, thực sự là một công trình vĩ đại. Chỉ bằng truyền miệng mà cách nay 2.000 năm các thầy đồ Nho trong cả nước ta đã đọc chữ Hán bằng một âm Việt thống nhất (TQ đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn dân đọc chữ Hán bằng một âm Hán thống nhất). Có lẽ đây là lần đầu tiên chữ Hán được phiên âm ra tiếng nước ngoài.

Do dạy và học chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ nên dân ta học chữ Hán dễ hơn so với khi dạy và học bằng tiếng Hán, nhờ đó mượn được thứ chữ này để dùng, và coi chữ Nho là “chữ ta” trong khoảng 2.000 năm. Không ít người giỏi chữ chẳng kém người Hán. Như Khương Công Phụ (731-805) người Thanh Hóa đỗ Trạng nguyên ở TQ, về sau được vua nhà Đường phong Tể tướng.

Sau khi có chữ viết, dân tộc ta thoát khỏi thời tiền sử lạc hậu, tiến sang thời đại có sử sách ghi chép, có công cụ giao tiếp đối nội đối ngoại, sáng tác văn thơ, xây dựng ngành giáo dục, tiếp thu nền văn minh Trung Hoa tiên tiến, tổ chức xã hội theo mô hình TQ, từ đó tạo dựng nền văn minh Việt. Việc dùng chữ Hán mà không nói tiếng Hán đã giúp dân ta đời đời nói tiếng mẹ đẻ; nhờ thế dù có học và dùng chữ Hán bao lâu thì vẫn tránh được thảm họa bị người Hán đồng hóa. Chữ Nho đã thầm lặng bóp chết âm mưu Hán hóa tiếng Việt. Sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ cùng nền văn hóa của mình. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam.

Phương pháp dùng từ Hán-Việt để phiên âm chữ Hán, qua đó làm thành chữ Nho, là một sáng tạo xuất sắc về ngôn ngữ, cực kỳ ích lợi: vừa mượn được chữ của người Hán về dùng, vừa lợi dụng được kho từ vựng chữ Hán làm nguồn bổ sung vô hạn cho kho từ vựng tiếng Việt. Thực ra hiện nay từ Hán-Việt đã kết hợp nhuần nhuyễn với từ thuần Việt tới mức khó phân biệt (ví dụ: lập trình, cận nghèo v.v…). Khi cần dịch một từ ngữ mới xuất hiện, ta thường tham khảo cách dùng từ của người TQ. Ví dụ từ quantum, người TQ dịch là量子, ta đọc Hán-Việt là lượng tử, rất hay và dễ hiểu. Toàn bộ từ vựng Hán ngữ hiện đại do người Nhật cuối thế kỷ 19 phiên dịch các từ ngữ phương Tây, sau khi vào Việt Nam đều được các nhà Nho Đông Kinh Nghĩa Thục chuyển thẳng thành từ Hán-Việt như vậy. Ngày nay không một từ ngữ mới nào không thể chuyển thành tiếng Việt.

Hơn nữa, tổ tiên ta phiên âm chữ Hán theo cách khôn ngoan không đâu có. Người Triều Tiên/Hàn Quốc phiên âm theo kiểu bám sát âm Hán, hậu quả là thừa kế 100% tình trạng tồn tại quá nhiều chữ đồng âm trong chữ Hán; bởi vậy sau 7 thế kỷ dùng chữ Hangul, cho tới nay họ vẫn phải dùng chữ Hán để ghi chú các chữ đồng âm. Người Nhật đọc chữ Hán theo nghĩa tiếng Nhật, không theo âm tiếng Hán –– cách phiên âm này khiến cho ban đầu họ phải dùng hàng chục nghìn chữ Hán, làm cho tiếng Nhật thời cổ trở nên cực kỳ phức tạp. Về sau họ làm ra chữ Kana biểu âm, nhờ thế chỉ còn cần dùng khoảng 2000 chữ Hán. Tổ tiên ta phiên âm chữ Hán theo kiểu một âm tiếng Hán được chuyển thành hàng chục âm tiếng Việt, nhờ thế giảm hàng chục lần số chữ đồng âm, qua đó làm cho từ Hán-Việt chính xác hơn. Ví dụ âm [yi] tiếng Hán có 135 chữ đồng âm, ta chuyển thành hàng chục âm tiếng Việt như ất, dật, di, dĩ, dị, dịch, duệ, ích, y, ý, nghi, nghị, nghĩa, nhị, ức,…

Chữ Nho vốn là chữ Hán nên không ghi được lời nói tiếng Việt, do đó không thể làm chữ viết của tiếng Việt. Trên thực tế chữ Nho hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ của tầng lớp bình dân, chỉ một số ít người thuộc giới quan lại hoặc giới tinh hoa ở ta biết dùng chữ Nho, và chỉ dùng để viết (bút đàm) trong một số lĩnh vực hẹp, không dùng để nói. Văn thơ chữ Nho làm theo kiểu văn thơ của người Hán không được coi là văn thơ tiếng Việt.

Chữ Nôm

Từ khoảng thế kỷ 12 tổ tiên ta bắt đầu sáng tạo một loại chữ viết nhằm ghi âm tiếng mẹ đẻ, gọi là chữ Nôm. Thử nghiệm này nói lên ý thức tự chủ ngôn ngữ muốn có chữ viết riêng của ta, chấm dứt tình trạng dùng chữ đi mượn, lạithể hiện được trí tuệ của người Việt: tiến tới làm ra loại chữ tiên tiến nhất –– chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonograph), loại chữ người Hán chưa từng có.

Chữ Nôm được xây dựng trên cơ sở chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt, kết hợp cả hai yếu tố biểu ý và biểu âm. Vì chưa biết tới ký tự Latin abc nên tổ tiên ta đã dùng các ký tự vuông chữ Hán (có cải tiến) để ghi âm tiếng mẹ đẻ của mình. Ban đầu chữ Nôm mượn dạng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, dần dần dùng cách ghép hai chữ Hán để tạo ra một chữ mới, một phần gợi âm, một phần gợi ý –– về sau loại chữ tự tạo này được dùng ngày một nhiều. Nhưng vì các ký tự vuông gốc chữ Hán không phải là chữ cái ghép vần, cho nên mức chính xác ghi âm tiếng Việt còn thấp, chưa tiêu chuẩn hóa, nhiều chữ phải đoán âm đọc, có trường hợp một âm có nhiều chữ v.v…

Mỗi chữ Nôm thể hiện một âm tiết. Tiếng Việt giàu âm tiết nên có nhiều chữ Nôm. Theo tài liệu, vào giữa thế kỷ 17 đã có khoảng 80.000 chữ Nôm (?). “Bảng tra chữ Nôm” (xuất bản năm 1976) cho biết có 8.187 chữ. “Từ điển Chữ Nôm dẫn giải” của GS Nguyễn Quang Hồng (2015) có 9.450 chữ Nôm (gồm gần 3.000 chữ tự tạo), ghi 14.519 âm tiết tiếng Việt. Do chữ Nôm chưa chuẩn hóa nên các số liệu trên có khác nhau, nhưng đều cho thấy tổ tiên ta đã làm được rất nhiều chữ, suy ra chữ Nôm thời xưa đã ghi được rất nhiều (nếu không nói là hầu hết) âm tiếng Việt đã dùng.

Chữ Nôm từng được gọi là Quốc ngữ hoặc Quốc âm, tức chữ của tiếng nói nước ta (chữ Nho chưa bao giờ được gọi như vậy). Nhưng do cấu tạo trên nền tảng chữ Hán nên chữ Nôm phụ thuộc vào chữ Hán, khó học (biết chữ Nho mới học được chữ Nôm), khó phổ cập. Hơn nữa, do Nhà nước phong kiến và tầng lớp tinh hoa ở ta mù quáng sùng bái chữ Hán cho nên chữ Nôm chưa được thừa nhận là chữ viết chính thức, bị coi là thấp kém dưới chữ Hán. Vì thế chữ Nôm khó được phát triển và hoàn thiện, chưa tiêu chuẩn hóa.

Tuy vậy văn thơ chữ Nôm, tức văn thơ tiếng Việt, do nói lên được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân nên đã tỏ ra trội hơn hẳn văn thơ chữ Nho. Nền văn học chữ Nôm từng đạt tới cực thịnh từ thời Hậu Lê đến thời kỳ đầu nhà Nguyễn (thế kỷ 17-19), với các kiệt tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Đoàn Thị Điểm (1705-48), Nguyễn Gia Thiều (1741-98), Nguyễn Huy Tự (1743-90), Nguyễn Du (1765-1820), Hồ Xuân Hương (thế kỷ 18-19), Phạm Thái (1777-1813), Bà Huyện Thanh Quan (thế kỷ 19), Lý Văn Phức (1785-1849), Nguyễn Đình Chiểu (1822-88), Nguyễn Khuyến (1835-1909), Trần Tế Xương (1870-1907), v.v. Sách Thiên Nam Ngữ Lục (cuối thế kỷ 17) gồm 8.136 câu thơ lục bát, dùng tới 58.212 chữ Nôm.

Càng về sau chữ Nôm càng được sử dụng nhiều: trong hơn 200 năm sau khi chữ Quốc ngữ đã ra đời nhưng chưa phổ cập, các linh mục Công giáo đều dùng chữ Nôm viết tài liệu giảng đạo. Điều đó cho thấy vai trò to lớn của chữ Nôm trong đời sống văn hóa ở ta, đặc biệt trong cộng đồng Công giáo vốn không ưa dùng chữ gốc Hán.
Vì sao chữ Nôm khó học mà lại được sử dụng khá phổ biến như vậy? Chủ yếu do chữ Nôm có yếu tố ghi âm rất rõ, ghi được tiếng nói người bình dân, là “chữ của tiếng ta”. Ngôn ngữ học thời nay giải thích: chữ Nôm có được yếu tố ghi âm là do tiếng Việt giàu âm tiết nên vượt qua được sự hạn chế của ngôn ngữ đơn âm tiết (monosyllabic).[2]

Chữ Quốc ngữ

Thế kỷ 17 các giáo sĩ Kitô giáo Dòng Tên Francisco de Pina, António Barbosa, Gaspar do Amaral, António de Fontes, Girolamo Maiorica, Alexandre de Rhodes v.v… đến nước ta truyền giáo. Dòng Tên chỉ tuyển người có trình độ tiến sĩ, và nghiêm khắc yêu cầu nhà truyền giáo phải thông thạo ngôn ngữ và theo phong tục tập quán của dân bản xứ.

Theo ghi chép, Francisco de Pina đến Việt Nam năm 1617, ba năm sau đã cùng các giáo sĩ soạn tài liệu giáo lý bằng chữ Nôm. Trong các năm 1632-1656, Girolamo Maiorica (người Ý) đã viết 45 tác phẩm chữ Nôm, trong đó Thư viện Quốc gia Pháp hiện còn giữ 15 tác phẩm với tổng số 1,2 triệu chữ Nôm, nhiều gấp 52 lần số chữ Nôm trong Truyện Kiều. Một số thư viện còn giữ được nhiều tài liệu chữ Nôm của các giáo sĩ đi đầu làm chữ Quốc ngữ như Gaspar do Amaral, António Barbosa…

Vì đối tượng truyền giáo thời ấy là nông dân, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi nên dĩ nhiên các tài liệu giảng đạo chữ Nôm phải dùng từ ngữ của dân thường. Từ đây có thể suy ra các vị giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học ấy không thể không nhận thấy chữ Nôm có yếu tố biểu âm, và đã ghi được phần lớn âm tiếng Việt, nhưng chỉ vì dùng ký tự vuông của Hán ngữ nên ghi âm chưa chính xác, và khó học, khó phổ cập. Kinh nghiệm thất bại của các giáo sĩ Dòng Tên ở Nhật trong việc phiên âm Latin hóa chữ Kanji biểu ý (tức chữ Hán) càng cho thấy việc chữ Nôm có yếu tố biểu âm là một thuận lợi lớn khi phiên âm nó thành chữ biểu âm Latin hóa.

Với nhận thức như vậy, các giáo sĩ giỏi chữ Nôm kể trên dĩ nhiên đã sớm nảy ra ý tưởng và niềm tin có thể dùng chữ cái Latin để phiên âm chữ Nôm, biến thứ chữ gốc Hán có yếu tố biểu âm ấy thành thứ chữ biểu âm Latin hóa dễ học dễ dùng cho việc truyền giáo.

Hiển nhiên, phiên âm một loại tiếng nói đã có chữ viết ghi lại âm của tiếng đó thì đơn giản nhiều so với việc phiên âm thứ tiếng nói chưa có chữ viết –– ở thời xưa, đó là một công trình lao động sáng tạo cực kỳ phức tạp, cần nhiều người làm trong hàng trăm năm.

Trên thực tế, các giáo sĩ kể trên dù rất ít người và làm việc phân tán nhưng đã nhanh chóng tìm ra các chữ cái Latin thích hợp thay cho các ký tự vuông tương ứng trong chữ Nôm và tạo ra loại chữ mới trong thời gian ngắn kỷ lục: 32 năm (1617-1649). Năm 1617 Francisco de Pina đến Đàng Trong, năm 1619 đã viết xong một bản từ vựng tiếng Việt bằng chữ Latin. Năm 1631 Gaspar do Amaral đến Đàng Ngoài, năm sau đã ghi âm rất tốt tiếng Việt, năm 1634 làm xong một cuốn từ vựng tiếng Việt. Trong mấy cuộc gặp tại Macao (1630-1631), các giáo sĩ đã xác định được 6 thanh điệu và tính đơn âm tiết của tiếng Việt. Năm 1649 Rhodes mang theo bản thảo Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) rời Việt Nam. Năm 1651 Từ điển này được xuất bản tại Roma, đánh dấu sự ra đời chữ Quốc ngữ Việt Nam.[4] Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chữ viết biểu âm Latin hóa thành công ra đời tại khu vực ảnh hưởng của Hán ngữ.

Trong quá trình làm chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ đã phải giải quyết nhiều khó khăn gây ra bởi hệ ngữ âm tiếng Việt quá phong phú và mới lạ. Vấn đề phức tạp nhất là phải nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống ký hiệu thể hiện được các thanh điệu sắc, huyền, hỏi. ngã, nặng, và các con chữ thể hiện được các ngữ âm không có trong bộ chữ La tinh như ă, â, ê, ơ, ô, ư, đ. Bộ ký hiệu và con chữ ấy làm nên cái gọi là “giày và mũ” trong nhận xét của một học giả nổi tiếng Trung Quốc: “Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười”. Thực ra “mũ, giày” ấy là những sáng tạo hợp lý tới mức người Việt xưa và nay đều không chấp nhận bất cứ thứ chữ Quốc ngữ nào không có các ký hiệu và con chữ đó. Ví dụ gần đây công luận không tán thành một số phương án chữ Quốc ngữ bỏ dấu. Ngoài ra các giáo sĩđã hiệu chỉnh những âm tiếng Việt mà chữ Nôm chưa ghi chính xác, và hiện đại hóa ngữ pháp cùng cách viết, như đưa vào các loại dấu ngắt câu, ngắt đoạn, dấu ngoặc, ký hiệu toán học, lối viết hoa, viết tắt v.v…

Về hình thức, chữ Quốc ngữ khác hẳn chữ Nôm, nhưng về bản chất cả hai đều là các hệ chữ viết ghi âm tiếng Việt; chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La thể hiện rất rõ mối tương quan với chữ Nôm.[5]

Sau mấy chục năm dầy công lao động sáng tạo, các vị giáo sĩ nói trên đã hoàn thành việc phiên âm và biến đổi chữ Nôm thành một thứ chữ biểu âm dùng chữ cái Latin –– loại chữ viết tiên tiến nhất, quốc tế hóa nhất thời đó, về sau được gọi là chữ Quốc ngữ. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ chính là chữ Nôm được Latin hóa và hiện đại hóa.

Giả thử thời ấy chưa có chữ Nôm, chỉ có chữ Nho, thì việc làm chữ của các giáo sĩ sẽ vô cùng khó khăn vì chữ Nho vốn là chữ Hán. Thực tiễn cải cách chữ viết ở Trung Quốc đã chứng tỏ không thể dùng bất cứ bộ chữ cái nào để phiên âm chữ Hán thành chữ biểu âm.

Năm 1582 giáo sĩ Dòng Tên người Ý Matteo Ricci đến Trung Quốc truyền giáo. Ông rất giỏi Hán ngữ, đã dành nhiều năm nghiên cứu cách phiên âm chữ Hán. Năm 1605 Ricci đưa ra phương án phiên âm chữ Hán bằng chữ cái Latin, nhưng phương án này chỉ giúp người Âu học chữ Hán dễ hơn, chứ chưa phải là một loại chữ viết mới. Về sau, giới trí thức Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu theo phương hướng của Ricci nhằm mục tiêu tạo ra một thứ chữ biểu âm có thể thay thế chữ Hán mà họ muốn loại bỏ. Nhưng mọi cố gắng ấy đều không có kết quả. Năm 1958 Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc làm ra Phương án phiên âm (Pinyin) Hán ngữ dùng chữ cái Latin, nhưng chỉ có tác dụng phụ trợ là ghi chú âm cho chữ Hán, không phải là một loại chữ viết. Từ năm 1986 Ủy ban này không còn nhắc tới mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán nữa, và nói tương lai của chữ Hán sẽ do các thế hệ sau quyết định. Hiện nay Trung Quốc vẫn dùng chữ Hán như cũ, có kết hợp dùng phương án Pinyin Hán ngữ chỉ để ghi chú âm đọc chữ Hán.

Tóm lại, việc dùng chữ cái Latin phiên âm chữ Nôm thành chữ biểu âm đã thành công ngay từ giữa thế kỷ 17, trong khi mọi cố gắng tương tự đối với chữ Hán cho tới nay vẫn bất thành. Tại sao vậy? Đó là do chữ Nôm có yếu tố biểu âm, còn chữ Hán biểu ý không biểu âm; và tình trạng đó bắt nguồn sâu xa từ chỗ tiếng Việt giàu âm tiết, tiếng Hán nghèo âm tiết.

Đến đây có thể kết luận: Chữ Nôm đã xây đắp nền tảng ngôn ngữ để các giáo sĩ nói trên dựa vào đó tạo ra chữ Quốc ngữ. Toàn dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công trạng làm chữ Nôm của tổ tiên ta, coi chữ Nôm là một sáng tạo ngôn ngữ xuất sắc góp phần quyết định sự hình thành chữ Quốc ngữ.

Sau cùng cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của Kitô giáo. Là hiện tượng văn hóa của số đông loài người, các tôn giáo lớn đều tôn sùng và truyền bá tư tưởng nhân ái cao quý. Thế kỷ 17, các giáo sĩ Kitô giáo người Âu khi đến Việt Nam truyền giáo đã kết hợp làm sứ mạng khai hóa dân bản xứ, khác hẳn hành vi xâm chiếm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Thực dân Bồ Đào Nha khi chiếm Brazil đã cưỡng bức đồng hóa dân bản xứ bằng cách bắt họ nói tiếng Bồ, trong khi các giáo sĩ Kitô giáo người Bồ như Francisco de Pina … đến Việt Nam truyền giáo đã không làm thế mà còn tìm cách Latin hóa chữ Nôm. Hơn nữa, de Pina còn nghĩ tới việc dùng thứ chữ hiện đại này bắc cây cầu đối thoạiViệt Nam với châu Âu văn minh, và tạo dựng một nền văn hóa mới cho nước ta. Đây thật là một ý tưởng cao quý! Khi mới chiếm Việt Nam, thực dân Pháp từng chủ trương bắt dân ta đời đời nói tiếng Pháp như chúng đã làm ở các thuộc địa châu Phi. Nhưng giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes lại hăng hái làm chữ viết riêng giúp cho người Việt giữ được tiếng mẹ đẻ. Nếu chưa có chữ Quốc ngữ thì nước ta ắt hẳn đã bị người Pháp đồng hóa từ lâu.

Bởi vậy sẽ là sai lầm khi cho rằng các giáo sĩ đạo Kitô đến Việt Nam truyền giáo là để phục vụ chính sách xâm lược của thực dân Pháp. Với truyền thống Uống nước nhớ nguồn, dân tộc ta đời đời ghi ơn tất cả các giáo sĩ Kitô giáo đã góp phần làm ra thứ chữ viết kỳ diệu ta dùng hơn trăm năm nay.

Và như vậy có thể nói chữ Quốc ngữ là thành quả kết hợp trí tuệ của nền văn minh Việt với nền văn minh Kitô giáo, là món quà vô giá mà các giáo sĩ Dòng Tên trao cho dân tộc ta trong một ngẫu nhiên lịch sử xảy ra ở thế kỷ 17.

—-

(1) Thứ chữ này đến đời nhà Nguyên (thế kỷ 14) mới có tên “chữ Hán”. Ở đây gọi như vậy cho tiện.
(2) Nguyễn Hải Hoành: “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ”. Tạp chí Tia Sáng số 11 (5/6/2020).
(3) Lã Minh Hằng: “Đôi nét về thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”.
(4) Phạm Thị Kiều Ly: “Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1861: Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền giáo”. TC Tia Sáng số 24  (20/12/2019).
(5) Nguyễn Ngọc Quân: “Chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La trong tương quan với cấu tạo chữ Nôm đương thời”.

Nguyễn Hải Hoành 

Nguồn: https://nghiencuuquocte.org/2020/07/09/tieng-viet-ky-dieu-hanh-trinh-tu-chu-nho-chu-nom-den-chu-quoc-ngu/

Độ lệch giữa chữ quốc ngữ và tiếng Việt

Gần đây nhiều người nói tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng tiếng Việt tự thân nó vốn rất trong sáng, chỉ vì sự sử dụng bừa bãi bậy bạ của xã hội và quan niệm lệch lạc méo mó của những người quản lý và qui hoạch chính sách mới làm nó trở nên không còn trong sáng, điều này thể hiện một phần nơi thực tiễn văn tự mà cụ thể là chữ quốc ngữ Latin. Cho nên phải xem lại cái phương tiện đóng vai trò trung tâm trong việc thể hiện sự trong sáng của tiếng Việt ấy nó đang thế nào. Chính từ chỗ này, độ lệch giữa chữ quốc ngữ và tiếng Việt là một vấn đề có thể và cần thiết được đặt ra.

Hiện nay muốn học tiếng Việt thì phải học chữ quốc ngữ, muốn tìm hiểu tiếng Việt dù là trong thời gian trước khi có chữ quốc ngữ cũng phải dựa vào hệ thống ngữ liệu tiếng Việt qua các từ điển, tự điển và văn bản chữ quốc ngữ, những biến động của tiếng Việt đều được thể hiện qua chữ quốc ngữ, những thay đổi của chữ quốc ngữ đều có tác động tới tiếng Việt…, tình hình ấy cho thấy đến nay hai hệ thống này đã gắn kết với nhau tới mức không thể tách rời. Hơn thế nữa, giống như việc nghiên cứu các đối tượng khác, việc nghiên cứu tiếng Việt đòi hỏi một cơ sở dữ liệu khả tín, và bộ phận chủ yếu của cơ sở ấy hiện nay chính là hệ thống các văn bản quốc ngữ. Nhưng tiếng Việt có lịch sử riêng của tiếng Việt và chữ quốc ngữ có lịch sử riêng của chữ quốc ngữ, quá trình song hành hàng trăm năm qua chưa đủ để xóa nhòa độ lệch đã hình thành trong quá khứ. Việc tìm hiểu độ lệch ấy là một cách thức để nhìn nhận rõ hơn về sự phát triển của cả tiếng Việt lẫn chữ quốc ngữ trước nay.

Đề cập tới những khiếm khuyết của chữ quốc ngữ, trước nay nhiều người thường nói về hệ thống ký tự của nó, tức cái được dùng để phản ảnh tiếng Việt về mặt ngữ âm. Tuy nhiên, trong những tác động bất lợi đối với tiếng Việt của chữ quốc ngữ thì những tồn tại về ký tự chỉ là một nhân tố rất không chủ yếu, vả lại nhìn từ một góc độ khác thì đó lại là một kết quả chứ không phải là một nguyên nhân. Chính những cách hiểu chưa chính xác, toàn diện và thấu đáo về tiếng Việt nói chung và lịch sử tiếng Việt nói riêng về mặt ngữ âm khiến chữ quốc ngữ cả trong thời kỳ tiên khởi (trước 1862) lẫn thời kỳ định hình (từ 1862 đến 1945) đều còn những hạn chế về ký tự nhưng quan trọng hơn là không ghi nhận được tiếng Việt một cách chính xác. Chẳng hạn những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ không biết về một âm vị đặc biệt trong tiếng Việt tức i Tam đẳng Khai khẩu trong mảng từ Việt Hán nên đã gây ra những cuộc tranh cãi kéo dài hàng trăm năm qua chung quanh việc ghi những từ có phần vần là i/y. Lý do đưa tới sự hiện diện song song của i và y trong chính tả tiếng Việt hiện đã được làm rõ, nhưng có thể còn phải khá lâu nữa mới có được câu trả lời thống nhất về việc phải ghi những từ Việt Hán có phần vần là i/y trong tiếng Việt như thế nào.

Do hoàn cảnh lịch sử, chữ quốc ngữ đã được sử dụng một cách không đồng thời trên toàn Việt Nam, và do đó cũng bị chi phối bởi qui luật phát triển lịch sử không đồng đều. Được coi là chữ viết chính thức ở Nam Kỳ từ 1879, sau khi đưa ra miền Bắc khoảng 1888 trở đi, nó được sử dụng phổ biến ở khu vực đồng bằng và đặc biệt là các đô thị vốn có mật độ người Việt tập trung cao và số lượng trí thức đông đảo, nên nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều bởi ngữ âm của các phương ngữ Bình Trị Thiên và Trung Trung Bộ. Song bấy nhiêu cũng đủ khiến chữ quốc ngữ thời Pháp thuộc mang dấu vết rất rõ của phương ngữ Nam và phương ngữ Bắc. Trước 1945 sách báo chữ Việt ở miền Bắc ghi giả ơn, mặt giăng, giầu cau; sách báo chữ Việt ở miền Nam ghi trả ơn, mặt trăng, trầu cau. Người Nam nói là giào, ghi là giàu, người Bắc nói là giàu hay giầu, ghi là giàu và giầu, tức ba biến thể ngữ âm của từ này được ghi với hai cách thức không nhất quán, thiếu giào về hình vị mà thừa giàu hay giầu về chính tả. Theo thời gian, nguồn gốc ngữ âm của những trường hợp loại này dần dần nhạt nhòa khiến tiếng Việt phải đối diện với hậu quả về từ vựng: trong thực tiễn chính tả ở Việt Nam hiện vẫn tồn tại những cách viết song trùng như giày dép-giầy dép, trối trăn-trối trăng-dối giăng, thợ duộm-thợ nhuộm-thợ ruộm hay nhật-nhựt, phúc-phước, uy-oai gây ra sự gia tăng vô ích về từ vựng trong các từ điển – tự điển…. Cho nên ở một mức độ nhất định, có thể nói chữ quốc ngữ dưới thời Pháp thuộc chưa thực sự trở thành chữ viết toàn dân vì còn mang nhiều yếu tố “chữ quốc ngữ của các phương ngữ”, nhưng việc chưa được thống nhất theo hướng chuẩn hóa ấy lại không phải do nó gây ra mà chủ yếu do chính sách ngôn ngữ và nhất là thực trạng giáo dục thời Pháp thuộc đưa tới. Việc xóa nạn mù chữ được ráo riết xúc tiến trên toàn quốc sau Cách mạng Tháng Tám khiến cho đến thời gian 1954 – 1975 tiếng Việt trở nên thống nhất ở mức độ cao hơn hẳn, chính tả chữ quốc ngữ cũng trở nên chính xác hơn ở cả hai miền Nam Bắc, và ngược lại, những yếu kém trong việc dạy tiếng Việt của hệ thống giáo dục, sự hời hợt trong nhiều hoạt động của hệ thống thông tin là nguyên nhân chủ yếu đã gây ra sự suy thoái của tiếng Việt và chữ quốc ngữ khoảng hai mươi năm nay.

Trên cơ sở thực tế phổ biến chữ quốc ngữ từ Nam ra Bắc, đầu thế kỷ XX chính quyền thuộc địa cũng có lần đặt vấn đề chuẩn hóa và thống nhất chính tả đối với hệ thống công cụ này. Tuy nhiên sau thể nghiệm không thành công đầu tiên trong việc cải cách chữ quốc ngữ trên đường hướng “Pháp hóa, qui chế hóa và đơn giản hóa” thời gian 1902 – 1907, họ đã mặc nhiên thả nổi vấn đề chính tả. Cho nên từ đó trở đi chữ quốc ngữ cũng phát triển trong hoàn cảnh lỏng lẻo về mặt quản lý nhà nước mà bằng chứng điển hình là sự biến dạng của một số địa danh hành chính vốn thuộc khu vực được qui hoạch một cách nghiêm cẩn trong hệ thống từ vựng quan phương. Phủ Lý tức phủ Lý Nhân (Hà Nội) nói tắt, phủ Quỳ tức phủ Quì Châu (Nghệ An) nói tắt, phủ Lạng Thương (Bắc Ninh), phủ Điện Biên (Hưng Hóa) đều là địa danh hành chính cấp phủ thời Nguyễn. Nhưng bốn địa danh vốn được ghi chép rất thống nhất về cấu trúc trong các văn bản chữ Hán thế kỷ XIX ấy bị biến dạng tới mức hỗn loạn trong các văn bản chữ quốc ngữ dưới thời Pháp thuộc, đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945 có ba vẫn là địa danh hành chính nhưng đã mang tên Phủ Lý, Phủ Quỳ, Phủ Lạng Thương, qua thế kỷ XXI lại có thêm thành phố Điện Biên Phủ, thành phố Phủ Lạng Thương! Một số trường hợp tương tự như Quốc tử giám ở Hà Nội được nói tắt rồi ghi là Giám, Trấn Lao bảo tức bảo Trấn Lao ở Nghệ An được nói tắt rồi ghi là Lao Bảo trước 1945 cũng thế, đều là những bằng chứng về việc chữ quốc ngữ đã cố định mà vô hình trung cũng là “chuẩn hóa” những cách nói phi qui chuẩn trong khẩu ngữ của dân gian. Một số văn bản song ngữ Việt Pháp với cách đọc cách viết không chính xác của người Pháp còn khiến Cồn Ngao ở Trà Vinh thành Cung Hầu, Trấn Di ở Sóc Trăng thành Trần Đề, Đất Hộ ở Sài Gòn thành Đa Kao. Cũng trên đường hướng sai lạc “song ngữ” ấy, đạo Yên Phái, xã Hương Bì, vùng Lão Nhai ở miền Bắc dần dần được nói và ghi là Yên Bái, Uông Bí, Lào Kay (hay Lào Cai, Lào Kai), gần như không có ý nghĩa gì trong từ vựng tiếng Việt.

Tuy nhiên các trường hợp tên riêng nói trên không có nhiều, vả lại thường có bằng chứng hay dấu vết lịch sử nên còn dễ truy nguyên, chứ trong rất nhiều trường hợp khác thì không phải như thế. Chẳng hạn nhìn từ góc độ ngữ âm thì xoa trong xoa bóp hay xẻo trong cắt xẻo rất có vấn đề, vì theo lý phải là soa, sẻo, bằng chứng là nhiều người miền Nam vẫn nói và viết những từ này là thoa, thẻo. Th gần s về bộ vị phát âm nên dễ chuyển dịch qua lại, ví dụ mảng từ Việt Hán có hai cách đọc khác nhau cho cùng một chữ như Thái/ Sái (họ), thoán/ soán (cướp), thương/ sương (kho) hay tháp/ sáp (ghép), thất/ sất (cái, chiếc), thiển/ siển (cạn), thính/ sảnh (phòng khách), thuyền/ suyền (con ve), mảng từ thuần Việt có các cặp thoãi/ soãi, thớ/ sớ, thẹo/ sẹo, thuôn/ suôn; mảng từ Việt Hán được Việt hóa có các cặp the/ sa, thủ/ sỏ, thưa/ sơ, thửa/ sở; mảng từ tiếng Hoa gốc Quảng Đông du nhập theo con đường khẩu ngữ cũng có sảo tức thảo (cỏ), sầu tức thu (mùa thu), có nơi như Hải Hậu, Nam Định khoảng 1975 trẻ em học bảng cửu chương vẫn râm ran “tháu năm ba mươi, tháu tháu ba tháu” (sáu năm ba mươi, sáu sáu ba sáu). Tình hình này dường như cũng diễn ra ở một số trường hợp như thôi/ xui (đẩy), thực/ xực (ăn), bằng chứng là người Hoa gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn hiện nay vẫn phát âm từ sực trong sực phàn (thực phạn – ăn cơm) với s cong lưỡi. Trong các vận thư chữ Hán, ba chữ Thái, thoán, thương được phiên thiết là Thương đại thiết, Thất loạn thiết, Thất cương thiết, đều thuộc thanh mẫu Thanh, nhưng một số từ Việt Hán khác như thai (đoán), thiêm (thăm, cái thẻ), phiên thiết là Thương tài thiết, Thất liêm thiết cũng thuộc thanh mẫu Thanh qua chữ quốc ngữ lại không được viết với s như Sái, soán, sương mà ghi là xai, xăm, có lẽ ở đây s đã dịch chuyển lần thứ hai theo một số tiền lệ s => x trong môi trường ngữ âm tiếng Việt kiểu sao => xào, sát => xét, siết => xiết mới trở thành x, nhưng rõ ràng trên các văn bản chữ quốc ngữ thì dấu vết về chặng th => s ở hai trường hợp này đã bị xóa sạch. Có thể ví từ vựng tiếng Việt khi vừa tiếp xúc toàn diện với chữ quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX giống như vật dùng trong một gia đình dân tộc ít người ở Tây Nguyên hiện nay, cái ná, cái gùi, bật lửa gaz, điện thoại di động có nguồn gốc lịch sử rất khác nhau cùng xuất hiện tại một chỗ, nhưng hệ thống mang tính lịch đại ấy lại được chữ quốc ngữ chụp ảnh và trưng bày cùng một lúc nên rất dễ bị ngộ nhận là một hệ thống đồng đại.

Tìm hiểu sâu hơn về các quá trình ngữ âm ở Việt Nam hơn bốn trăm năm qua, có thể nhận thấy trong một số trường hợp thậm chí chúng còn không được chữ quốc ngữ ghi nhận. Từ vợ lẽ là một ví dụ. Trong tiếng Việt trước nay từ lẽ chỉ có một nghĩa (lý lẽ), nhìn từ góc độ từ pháp thì bất kể thế nào vợ lẽ cũng hoàn toàn không ăn khớp với nghĩa ấy. Nhưng người Việt có vợ lẽ trước khi học chữ quốc ngữ, nên ở đây có thể nghĩ tới việc tìm kiếm nguồn gốc ngữ âm và nghĩa gốc từ vựng của lẽ nơi những tiếng có phụ âm đôi bl, kl, ml, tl trong tiếng Việt cổ. Theo đường hướng này, có thể tìm thấy nơi mục từ tlẻ trong Từ điển Alexandre De Rhodes một số từ ghép như còn tlẻ, tlẻ dại, tlẻ mọn, rõ ràng theo lẽ thì từ vợ lẽ phải ghi là vợ lẻ, và lẻ trong vợ tlẻ là tlẻ rụng t: vợ lẻ tức vợ trẻ, mà trước nay cũng không có ai cưới vợ hai vợ ba bằng hay lớn tuổi hơn vợ chính, những cách nói vợ bé, hầu non đã phản ảnh thực tế ấy (từ điển Alexandre De Rhodes có các từ vợ mọn, vợ lễ, chính là vợ lẽ bị ghi sai). Nhưng trong nhiều từ điển cũng như văn bản chữ quốc ngữ trước nay từ này đều được ghi là vợ lẽ, vừa sai lệch về mặt từ nguyên vừa xóa mất dấu vết của quá trình ngữ âm tlẻ => lẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phản ảnh một cách gián đoạn và thiếu hệ thống một số quá trình ngữ âm nói trên, đến thời Pháp thuộc chữ quốc ngữ lại làm “đóng băng” nhiều quá trình ngữ âm khác của tiếng Việt. Khi một số từ Việt Hán có âm đọc là ky (gái đẹp), ky (máy), ky (nền) đã mang căn cước mới với âm cơ trong cơ thiếp, cơ khí, cơ bản thì cờ thoát thai từ kỳ (lá cờ) vẫn không rũ bỏ được thân phận âm đọc Việt hóa để trở thành âm đọc “Việt Hán mới”, chẳng hạn tuy đã có tổ hợp cờ xí (Từ điển Pigneaux, Từ điển Tabert) nhưng không tạo ra được các tổ hợp hồng cờ, quốc cờ. Âm đọc Việt hóa chúa của từ chủ Việt Hán đã bước đầu có được chỗ đứng trong các tổ hợp chúa nhật, công chúa cũng khựng lại không thể tiến tới thay thế chủ ở những chủ tịch, gia chủ. Người ta cũng đã thấy một số trường hợp đọc chệch thanh điệu trong mảng từ Việt Hán được ghi nhận và phổ biến bằng chữ quốc ngữ như để kháng, Sở Liêm phỏng, phỏng viên trở thành đề kháng, Sở Liêm phóng, phóng viên. Cho nên trong ý nghĩa là hệ thống dữ liệu để tìm hiểu cách đọc và âm đọc Việt Hán của khoảng 70% số từ đơn trong tiếng Việt được ghi nhận hơn một trăm năm qua, chữ quốc ngữ có rất nhiều điểm không thể hoàn toàn tin cậy.

Nhìn rộng ra hoạt động giao lưu và thông tin với quốc tế, tình hình còn phức tạp hơn. Các tên riêng Lê nhin, Mátscơva tiếng Nga qua văn bản chữ Pháp trở thành Lénine, Moscou rồi Việt hóa trên văn bản chữ quốc ngữ là Lê nin, Mốt cu, hay cùng một tên thủ đô nước Pháp mà văn bản chữ quốc ngữ trước 1945 có tới mấy cách viết Paris, Pa ri, Ba lê. Tình trạng phi qui chuẩn tới mức giống như tùy tiện ấy còn dẫn tới những trường hợp độc đặc như tên nhà sưu tập Vương Hồng Thạnh, tên nữ diễn viên điện ảnh Hương Cảng Trịnh Bội Bội được nói và ghi là Vương Hồng Sển, Trịnh Phối Phối, tên nhiều công dân Việt Nam thuộc tộc người Hoa được viết bằng chữ quốc ngữ trong giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ khẩu, giấy tờ cá nhân hiện nay cũng thế, pha trộn cả hai ngôn ngữ Việt Hán và Hoa Hán. Chữ quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX như vậy đã tạo ra một hệ thống dữ liệu tiếng Việt “mới” có những điểm sai lạc về ngữ âm và mơ hồ về từ vựng, xóa nhòa một số đường ranh lịch đại và đồng đại, vô hình trung tạo ra nhiều “cái bẫy” chết người đối với việc tìm hiểu tiếng Việt nói chung và chuẩn hóa tiếng Việt nói riêng.

Trên phương diện ngữ pháp, chữ quốc ngữ có những đóng góp rất to lớn đối với sự phát triển của tiếng Việt trong thế kỷ XX. Với ưu thế dễ học dễ nhớ, nó đã làm gia tăng số người tham gia hoạt động văn tự ở nhiều lãnh vực hoạt động và khu vực địa lý khác nhau, thông qua đó cũng làm gia tăng lực lượng phát triển ngữ pháp tiếng Việt. Câu trong tiếng Việt hiện nay hoàn toàn có thể dùng để chuyển ngữ chính xác không những nội dung mà cả cấu trúc câu trong nhiều ngôn ngữ Ấn Âu, đủ thấy cái đơn vị ngữ pháp quan trọng này của tiếng Việt đã trưởng thành thế nào sau khi tiếng Việt sử dụng chữ quốc ngữ làm phương tiện biểu đạt. Đáng chú ý là cả các ký tự của chữ quốc ngữ cũng ít nhiều được huy động để thực hiện chức năng ngữ pháp, cụ thể là các chữ viết hoa dùng trong các trường hợp mở đầu văn bản, đầu mỗi đoạn văn bản (sau khi xuống dòng), đầu câu (sau dấu chấm) và tên riêng, ở đây nói về trường hợp thứ tư.

Thông thường, viết hoa là cách chỉ định chữ (từ) được viết hoa có ý nghĩa hay chức năng riêng biệt trong ngữ đoạn. Công giáo Cứu quốc hội hay Công giáo cứu quốc hội tuy không thống nhất nhưng đã có chữ Công viết hoa thì không bao giờ gây ra lầm lẫn về ý nghĩa, có điều nếu viết Công giáo cứu Quốc hội thì vấn đề sẽ khác. Hay cách ghi tên riêng kiểu Hà Nội, Lý Công Uẩn hiện nay rõ ràng tiến bộ hơn Hà-nội, Lý-công-Uẩn trước kia nhưng vẫn còn những điểm cần suy nghĩ, ví dụ nên viết Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Hưng Đạo Vương hay Lý Thái tổ, Lê Thánh tông, Hưng Đạo vương? Thật ra tổ hay vương trong các tổ hợp nói trên là danh từ chung, bên cạnh chức năng từ vựng còn có chức năng từ pháp, nhấn mạnh chức năng nào thì viết cách nào cũng là điều dễ hiểu, chỉ là nếu không lưu ý tới chức năng từ pháp thì sẽ ít nhiều xóa nhòa ý nghĩa của những từ Hưng Đạo hay Thái tổ, Thái tông…

Từ một số hiện tượng trực quan nêu trên, có thể thấy trong hơn bốn trăm năm hình thành và phát triển mà chủ yếu là từ thời Pháp thuộc đến nay, chữ quốc ngữ thường xuyên có những hiện tượng, lãnh vực và quá trình không phải lúc nào cũng song hành với tiếng Việt. Để hiểu tiếng Việt một cách chính xác, toàn diện và thấu đáo qua hệ thống dữ liệu chữ quốc ngữ thì cần tiếp tục tìm hiểu độ lệch ấy, vì như người ta đã thấy, đây chính là một vườn ươm cho những mầm mống phi qui chuẩn trong sự phát triển của tiếng Việt và chưa khoa học của chữ quốc ngữ từ 1945 đến nay.

Cao Tự Thanh

Nguồn: http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Do-lech-giua-chu-quoc-ngu-va-tieng-Viet–10001/

Vì sao từ điển Việt-Pháp của Genibrel xuất bản lần đầu (1898) lại ghi xuất bản lần thứ hai?

GÉNIBREL (François-Joseph) – Sinh tại Castres, ngày 20 tháng 4 năm 1851. Là một nhà Truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài (MEP). Ông đến Nam Kỳ năm 1875, phụ trách việc in ấn tại nhà in của phái đoàn Truyền giáo ở Tân Định (Sài Gòn). Ông là người tinh thông ngôn ngữ Hán và Việt. Tác phẩm của ông gồm có:

  1. Dictionnairefrançais-annamite, avec les caractères chinois. Saïgon, Impr. de la Mission, in-4, 1895.
  2. Vocabulaire français-annamite. Saïgon, Impr. de la Mission, in-8, 1895.
  3. Vocabulaire annamite-français. Saïgon, Impr. de la Mission, in-8, 1895.
  4. Dictionnaire annamite-français. Saïgon, Impr. de la Mission, Tan-Dinh, près de Saïgon, in-4, 1898.
  5. Truyện đời xưa mới in ra lần đầu hết – Fables et légendes annamites encore inédites, Saïgon, Impr. de la Mission, in-8, 1899.

Dưới đây là LỜI NÓI ĐẦU CỦA Dictionaire annamite-Francais của J. F. M. Genibrel in trong Nam Kỳ số 13/1898. Trong bản văn này Ông cho biết lý do vì sao cuốn Tự Vị của ông in lần đầu, song được viết ở đầu sách là xuất bản lần thứ hai.

Năm 1877, Bản-in Địa-phận Saigon có ấn phát ra một cuốn Tự-Vị nhỏ, tiếng Annam diễn ra tiếng Tây, mà không có biên chữ Tàu, của Đức Thầy Caspar, là Giám-Mục bây giờ ở tại Huế, làm ra. Thuở đó Đức Thầy còn làm Linh-Mục tại Saigon. Nhờ cuốn đó nên ta coi theo, dùng như thể là một cái Đề vậy, mà làm ra cuốn nầy. Vì vậy cho nên ta đặt hiệu cuốn nầy là in lần thứ hai.

Trang bìa Dictionaire annamite-Francais

Cách thức làm cuốn Tự-Vị mới nầy thời ta suy-nghỉ củng nhất-định làm hồi đầu năm 1884 và từ thuở đó cho đến bây giờ, nghĩa là đã mười bốn năm trưởng, ta dốc lòng làm luôn luôn cho đến khi hoàn thành hết thảy. Trong việc ấy nhờ có một Thầy Văn-Sĩ kia, tài-năng thông-đạt, giúp ta. Ta có ý muốn làm ra một sự thật-tình cùng hữu-ích cho mọi người, cho nên dầu mà trong bốn sách nầy có một hai chỗ lầm-lạc, là đều không khỏi được, thời ta cũng xin miển-chấp, củng ta ước-ao cho được như ý ta muốn. Nhưng vậy chớ cũng xin đừng có chấp ta sao mà làm hối hả gấp-rúc quá.

Bởi đặt nhãn-hiệu là Tự Vị tiếng Nam và tiếng Tây, nên bổn Tự Vị này có hai phần dùng: Thứ nhất là chỉ-biên ra các tiếng An-nam tục thường dùng, có diễn ra chữ nôm cùng cắt-nghĩa rõ ràng riêng mỗi chữ; thứ hai là chỉ-biên các chữ Nhu (chữ Tàu) hay cần-dùng, đặng mà đọc cùng cắt-nghĩa được các sách Tứ-Thơ.

Chữ N nghĩa là chử nôm, tiếng nôm. Tiếng Nôm nhiều hơn hết thảy, cho nên cũng khó mà nói nhầm lẻ rằng ta làm bổn sách này bằng tiếng chữ Nhu. Ấy vậy cho nên ta dám chắc rằng bổn Tự-Vị này có ích cho hết thảy mọi người, người mới học hay là kẻ khác cũng vậy. Vả chăng bây giờ trong tiếng tục Annam thường dùng thời có nhiều chử Nhu (chử Tàu) lắm.

Nếu ta không có in phụ thêm một cái Phụ Trương để biên những tiếng Quan-Thoại, thí dụ như trong bồn Tự-Vị tiếng Annam cùng tiếng Latinh của Đức Thầy Taberd vậy, thời bởi vì in nó gộp vô luôn trong Tự-Vị thời chắc tiện hơn, lại in riêng ra thời dễ quên coi đến lắm.

Ta ráng sức làm cho có thứ-tự cùng cho rõ-ràng trong bổn sách này, nên mỗi nghĩa riêng mỗi tiếng, cùng tên loài-vật, tên thảo mộc, thời ta có in số đậm phân-biệt cả.

Bổn Tự-Vị nầy dùng đặng hết thảy trong các hạt Đông-Dương, bởi vì mỗi tiếng nào dùng riêng theo tục ngoài Bắc-Kỳ, hay là tại Huế, thời ta có in chữ T (nghĩa là Tonkin Bắc-Kỳ) và chữ H (nghĩa là Huế ) cho dể cho kẻ coi.

Ta nhờ quyển Tự Vị in lần đầu, của Đức Thầy Caspar, cùng nhà sách-vỡ của ông Landes thuở trước nhiều lắm. Cả hai Người đều thông-minh tiếng Annam chữ Tàu thuở nay có danh.

Ta lại có chăm-chỉ đọc nhiều sách-vỡ thơ tuồng Annam, ta rút trong ấy ra những câu hay, ta dùng mà làm các lời Thí- lụ, đặng làm cho bổn Tự-Vị nảy, cho có ích cùng cho hay. Nếu ta không có chỉ là rút trong sách nào, thời với không có muốn in rậm đầy trong văn sách làm chi.

Về thảo-mộc hoa-qủa trong Đông-Dương, thời ta cũng đem vô đủ, cứ theo các sách-vỡ đã làm ra bấy lâu mà ta có xem được Nhưng vậy mà cũng còn thiếu nhiều. Lại cũng có một ít thứ cây, tên nó mỗi tỉnh đều khác nhau.

Còn về loài-vật cầm-thú, dầu mà các đều in ra trong bổn sách này không đi được hết mặt lòng, chớ có nhiều chỗ trong các Tự-Vị khác không có.

Chớ chi bổn sách nầy được mọi người thảy thảy ưng dùng cũng để mà trải khắp ra toàn Đông-Phương-Chư-Quốc oai-thể thống quờn của Nhà-Nước Đại Pháp, bởi vì là có ích cho người Annam học chử Tây nhiều lắm.

Tân-Định Giáo-Đường Linh-Mục:

FRANCOIS GÉNIBREL,

Chủ-Bút.

 

Quảng cáo Tự vị Annam-Pháp của J.F. Genibrel trong báo Nam Kỳ số 14/1898

Gia Định báo ở Thư viện Quốc Gia Pháp và những điều chưa biết

Gia Định báo (GĐB) là tờ báo chữ Quốc Ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Cho đến nay, mọi người đều nhất trí rằng GĐB ra số đầu tiên vào ngày 15/04/1865 ở Sài gòn và đình bản ngày 1/1/1910[1]. Như vậy, kể từ ngày ra số đầu tiên đến khi đình bản, GĐB đã tồn tại trong vòng 45 năm. Tuy nhiên, chưa ai xác định được trong thời gian đó GĐB đã phát hành tất cả bao nhiêu số và số cuối cùng là số nào, hiện còn lưu giữ ở đâu không?

Theo tác giả Lê Minh Quốc, thư viện Viện Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh (TVLS) hiện còn lưu giữ 197 số GĐB in trên giấy của các năm: 1882 (48 số), 1883 (45 số), 1884 (52 số) và 1885 (52 số) và Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (TVKHTH) lưu giữ 121 số GĐB của các năm: 1865 (3 số), 1874 (24 số), 1875 (24 số), 1876 (15 số), 1895 (8 số), 1897 (4 số), 1898 (6 số), 1899 (3 số) và 1900 (34 số).

Tác giả cho biết các số báo này cũng đã được chụp microfilm. Biết được thông tin này tôi tự hỏi không hiểu vì sao hai thư viện này không đưa lên mạng các số báo hiện còn lưu giữ và đã được chụp microfilm để những người quan tâm có thể đọc được nguồn tư liệu quý hiếm này, giống như cách làm của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Có điều đáng tiếc là không biết Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện còn lưu giữ được bao nhiêu số GĐB, song chỉ có 4 số của một năm duy nhất là năm 1890 được đưa lên mạng (theo truy cập ngày 1/7/2021).

Mới đây, khi tìm hiểu về tờ báo này, tôi tình cờ phát hiện thấy Thư viện Quốc gia Pháp còn lưu giữ khá nhiều số GĐB kể từ năm 1866 đến năm 1906 và từ năm 2019, các số báo này đã dần dần được số hóa và công bố miễn phí trên trang mạng của thư viện. Từ trang mạng này, những ai quan tâm đến GĐB đều có thể truy cập và đọc được các số báo với chất lượng rất tốt một cách dễ dàng.

Dưới đây là 424 số GĐB ấn hành trong 26 năm từ 1866 đến 1906 trên trang của Thư viện Quốc gia Pháp (https://gallica.bnf.fr/) mà chúng tôi đã đọc được (truy cập lần cuối cùng vào ngày 1/7/2021), xếp theo thời gian:

  1. Năm 1866: 10 số
  2. Năm 1867: 12 số
  3. Năm 1868: 7 số
  4. Năm 1869: 16 số
  5. Năm 1870: 10 số
  6. Năm 1871: 3 số
  7. Năm 1874: 1 số
  8. Năm 1881: 1 số
  9. Năm 1883: 3 số
  10. Năm 1884: 17 số
  11. Năm 1887: 12 số
  12. Năm 1888: 4 số
  13. Năm 1889: 3 số
  14. Năm 1890: 40 số
  15. Năm 1891: 51 số
  16. Năm 1892: 38 số
  17. Năm 1893: 44 số
  18. Năm 1894: 40 số
  19. Năm 1895: 19 số
  20. Năm 1897: 35 số
  21. Năm 1898: 3 số
  22. Năm 1899: 11 số
  23. Năm 1900: 1 số
  24. Năm 1901: 3 số
  25. Năm 1902: 6 số
  26. Năm 1906: 1 số (số 52 của năm thứ bốn mươi, ra ngày 24/12)

Như vậy, GĐB còn lưu giữ được ở Thư viện Quốc gia Pháp không chỉ nhiều hơn về số lượng mà còn dài hơn cả về thời gian (26 năm với 424 số) so với TVLS (4 năm với 197 số) và TVKHTH (9 năm với 121 số) cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam (1 năm 4 số) cộng lại.

Tìm hiểu sơ bộ 424 số báo lưu giữ tại địa chỉ này về một số vấn đề, chúng tôi nhận thấy như sau:

1. Về thời gian ấn hành:

Thời gian ấn hành của GĐB không thống nhất giữa các năm, thậm chí giữa các tháng. Tháng ấn hành ít nhất là 1 số và tháng nhiều nhất là 5 số.

– Từ năm 1866 đến tháng 2 (số 2) năm 1869 báo ra mỗi tháng một lần, như được ghi trên măng sét “Tờ báo nầy mỗi tháng Tây cứ ngày rằm in ra một lần ai muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư”

– Từ tháng 3 (số 3) năm 1869 trở đi mỗi tháng ra bốn số, như ghi trên măng sét “Mỗi tháng in một tháng in ra 4 kỳ, cứ ngày mồng một, mồng tám, mười sáu, hai mươi bốn mà phát”. Tuy nhiên, năm 1869 có một điểm đáng chú ý là: Từ tháng 3 đến ngày mồng 8 tháng 9 (tức trước khi Trương Vĩnh Ký được giao phụ trách) báo bắt đầu ra 4 số một tháng và có một sự “đổi mới” về cách ghi thời gian trên măng sét cũng như sắp xếp nội dung trong tờ báo, với các số riêng về “Công vụ” và số riêng về “Tạp vụ”.

Với 12 số có trên dữ liệu mà chúng tôi đọc được trong thời gian này có 2 số “Công vụ” và 10 số “Tạp vụ”. Hai số “công vụ” (một số ghi trên tên báo, một số ghi dưới tên báo trong măng sét) ghi năm là “Năm thứ nhứt, số 3” và “Năm thứ nhứt, số 5” ở cột giữa, phía trên măng sét. Thời gian bên cột phải phía trên măng sét ghi là Giáng sinh 1869 tháng Juin, ngày mồng một” (số 3) và Giáng sinh 1869 tháng Aout, ngày mồng một” (Số 5). Còn thời gian ở cột giữa phía trên trong măng sét với các số “Tạp/tập vụ” (số thì ghi trên tên báo, số ghi dưới tên báo) đều ghi là “Năm thứ năm”.

   Măng sét 2 số báo “Công vụ” và “Tạp vụ” riêng của GĐB năm 1869 

Tuy nhiên, số báo in ra mỗi tháng 4 lần chỉ tiếp tục đến tháng 8 năm 1870. Còn từ tháng 9 năm 1870 trở đi số báo in ra rút xuống còn mỗi tháng 2 lần “cứ ngày 15 và 30 tháng tây thì phát ra” và tiếp tục ít nhất đến tháng 5 năm 1874. Vì từ năm 1875 đến năm 1880, do trên dữ liệu của Thư viện không có số báo nào nên chúng tôi không biết được mỗi tháng báo được in ra bao nhiêu số.

– Từ tháng 7/1881 báo đã trở lại “Mỗi một tháng in ra 4 lần, cứ mỗi ngày thứ 3 trong tuần lễ thì phát.” Tuy nhiên, mặc dù ghi như thế, song thời gian báo in ra lại khác. Chẳng hạn trên số báo có được của tháng 7/1881, ghi là “ngày thứ bảy, 9 Juillet năm 1881” (chứ không phải thứ 3, ngày 11 theo dương lịch). Một số tháng khác cũng có tình trạng tương tự, tức báo ra ngày thứ bảy. Từ năm 1890 trở đi báo ra vào ngày thứ 3 hàng tuần và tháng có 5 ngày thứ 3 thì báo cũng ra 5 số (chẳng hạn như tháng tháng 4, 9, 12/1890).

– Nhưng 3 số có được của tháng 12 năm 1901 cho thấy báo lại ra vào ngày thứ 2 hàng tuần. Mặt khác có một điều rất đáng chú ý là trên ba số này báo đều ghi năm thứ ba mươi sáu, nhưng số ra ngày 16/2/1901 ghi là số thứ 7, số ra ngày 23/12 ghi là số 8 và số ra ngày 30/12 là số 9. Như vậy, theo cách đánh số này thì cả năm 1901 GĐB chỉ ấn hành 9 số, vì đây là ba số cuối cùng của năm? Đáng tiếc là không có các số trước đó nên chúng tôi không kiểm tra và khẳng định được điều này.

– Năm 1902 và 1906, GĐB cũng ra vào ngày thứ hai hàng tuần với mỗi tháng ít nhất là 4 số và cả hai năm này đều ra mỗi năm 52 số.

2. Hình thức và nội dung trên măng sét

Măng sét GĐB thay đổi rất nhiều lần cả về hình thức và nội dung. Trong một bài viết, Lê Minh Quốc viết rằng “Theo những thống kê trên những số báo đọc được thì manchette của Gia Định Báo thay đổi 4 lần.” Nhưng với 424 số báo đọc được, chúng tôi thấy măng sét của GĐB báo đã có nhiều lần thay đổi hơn với hình thức và nội dung khác nhau, như sau:

– Năm 1866: Hai dòng trên cùng chia làm 3 cột. Cột bên trái ghi năm âm lịch. Ví dụ: số 4 năm 1866, ghi Bính dần niên chánh tam ngoạt (nguyệt) sơ nhứt nhật; Cột giữa ghi: Năm thứ hai, No 4. Cột phải ghi Giáng sinh 1866 tháng Avril ngày rằm (không ghi thứ trong tuần). Ở giữa, dòng trên là 3 chữ Nho cỡ lớn, dòng dưới 3 chữ Gia Định báo cỡ lớn. Dưới cùng là dòng chữ Quốc Ngữ: “Tờ báo nầy mỗi tháng Tây cứ ngày rằm in ra một lần ai muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư.” Măng sét này duy trì cho đến số 19 năm 1869 (ra ngày 8/9/1869).

– Từ số 20 (ra ngày 24/9/1869)  có một sự thay đổi là thời gian âm lịch bên cột trái phía trên của măng sét ghi theo số cả ngày và tháng (Kỷ tị niên. Ngày 19 tháng 8). Số báo đã thay cách viết theo tiếng Pháp (No.) được thay bằng chữ Quốc Ngữ (Số/Số thứ).

– Từ số 5 (ra ngày 16/2/1870) có sự thay đổi: Cột giữa phía trên có thêm ba chữ in khổ nhỏ của tên báo: Gia Định báo ở dòng trên cùng, đồng thời tháng âm lịch được ghi bằng chữ (tháng giêng). Thời gian báo ra cùng với cách thức và giá mua báo phía dưới chữ Gia Định báo được tách thành hai cột “Ngày phát nhựt trình” bên trái và “Giá mua nhựt trình” bên phải.

– Từ năm 1874 ba chữ tên báo bằng chữ Quốc Ngữ đã xuất hiện ở dòng trên và ngăn với ba chữ Nho tên báo với một đường kẻ. “Ngày phát nhựt trình” cũng thay đổi từ 4 lần xuống còn 2 lần.

– Từ năm 1881 tên báo bằng chữ Nho không còn dùng nữa (Theo Lê Minh Quốc là từ số 26 năm 1880). Ba cột trên cùng chỉ in thành một dòng, trong đó đáng chú ý thời gian ở cột bên phải được ghi với thứ (thứ bảy, chứ không phải thứ ba) ngày tháng năm viết theo trật tự tiếng Việt, tuy tên tháng vẫn viết theo tháng tiếng Pháp (Ngày thứ bảy, 9 juillet năm 1881).

– Từ năm 1887 có sự thay đổi là: Cột giữa in thành 3 dòng với: “Republique Francaise” (dòng trên cùng), “Liberté-Égalité-Fraternité” (dòng giữa) và dòng dưới các thông tin theo thứ tự: Năm âm lịch-Thứ tự năm của báo-số báo.

– Từ năm 1900 đến năm 1906, năm âm lịch ở dòng dưới cùng cột giữa chuyển sang góc trái, cùng dòng sau ngày tháng âm lịch. Phía dưới tên báo cũng không còn hai cột “Ngày phát nhựt trình” và “Giá mua nhựt trình” như trước.

– Các số từ 1866 (có lẽ cả các số năm 1865) đến số 27/1869, ngay phía dưới măng sét có bảng thông tin thủy văn, ngày, giờ trăng rằm, trăng mọc và trăng lặn, cùng với ngày nước lớn tại Cần giờ, Sài gòn. Nhưng từ số 28/1869 (ra ngày 1/12/1869) trở đi báo không còn bảng này nữa.

Đáng chú ý, vì con chữ được đúc và mang từ Pháp sang nên chữ cái Đ trong âm tiết “Định” của tên báo “Gia Định” trên măng sét được thêm vào một gạch ngang ở giữa trong đa số trường hợp. Nhiều trường hợp khác chữ cái Đ lại thiếu nét ngang.

7 kiểu măng sét khác nhau của GĐB

3. Về người phụ trách:

– Từ năm 1865 đến số 19/1869 do E. Potteaux (thông phán) phụ trách.

– Từ số 20 (24/9/1869) đến năm 1871 do Trương Vĩnh Ký phụ trách. Riêng số 28 (ra ngày 1/12/1869) báo ghi “Lãnh thể việc nhựt trình: G. Janneau.”

– Theo Lê Minh Quốc “Các số báo năm 1872 cuối trang 4 lại in E.Potteau. Ông này giữ chức chánh tổng tài đến số 4 năm 1882 thì chức vụ này được chuyển giao lại cho E.P (tức Ernest Potteaux-VXQ.” Tuy nhiên, do không đọc được các số báo năm 1872, 1873 nên chúng tôi không kiểm chứng được thông tin này.

Lời Nghị đặt P. Trương Vĩnh Ký làm “GĐB tổng tài ” đăng trên GĐB số 20 ra ngày 24/9/1869

– Số thứ 3 năm 1874, báo do J.Bonet phụ trách. Theo Trần Nhật Vy “Bonet còn làm chánh tổng tài của báo cho tới những năm 1881”. Do thiếu các số báo trong thời gian này nên chúng tôi không kiểm tra được thông tin này, nhưng với sô 19 (ra ngày 9/7/1881), tên người phụ trách được ghi ở cuối trang 3 (193) là Huc F. (Thông phán).

– Từ số 41 (1/12/1883)  đến số 15 (14/4/1891) E. Potteaux. Nhưng trong một bài viết khác, Trần Nhật Vy cho rằng trong thời gian này GĐB do Trương Minh Ký làm chủ bút. Trần Nhật Vy viết: “Sau chuyến đi (đưa đoàn học sinh gồm 11 em sang Alger du học bậc cao đẳng năm 1880), trở về ông được bầu làm ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn và chuyển sang làm chủ bút tờ Gia Định Báo từ giữa năm 1881 đến năm 1896.” Không hiểu tác giả dựa vào nguồn nào để đưa ra lời khẳng định đó. Còn trong 131 số GĐB từ năm 1881-1891 trên trang của Thư viện Quốc gia Pháp, thì đến số ra  ngày 14/4/1891 ở trang gần cuối cùng (tr.7) chỉ thấy ghi tên E. Potteaux và trang cuối cùng (tr.8) ghi “SaigonBản in nhà hàng Rey & CURIOR”. Còn từ số ra ngày 21/4/1891 trở đi không ghi tên người phụ trách, mà chỉ ghi nơi in ở trang cuối cùng.

– Số 16 (21/4/1891) ghi Boscq ở trang 11.

– Từ số 17 (28/4/1891) trở đi không ghi người phụ trách mà chỉ ghi nơi in ở trang cuối cùng.

Trong bài viết đã dẫn ở trên Lê Văn Cẩn có viết “Người chủ biên cuối cùng của GĐB là ông Diệp văn Cương – Nghị định ngày 20/9/1908 do XLTV Thống đốc Nam Kỳ Outrey ban hành, đăng trong “Tập san hành chính Nam Kỳ (Bulletin administratif de la Cochinchine) năm 1908, trang 2864, cho thấy trước ngày 21/5/1908, việc chủ biên tờ GĐB do ông Nguyễn Văn Giàu đảm trách và kể từ ngày 21/5/1908, việc biên tập được giao cho ông Diệp văn Cương.” Tuy nhiên, vì không có các số báo của thời gian này nên chúng tôi không kiểm tra được thông tin này của tác giả. Một số người (trong đó có cả Lê Minh Quốc) cho rằng Paulus Của cũng có thời gian phụ trách GĐB. Song qua 424 số báo đọc được ở nguồn này, chúng tôi không bắt gặp số nào có ghi Paulus Của là người phụ trách, mà tên ông chỉ xuất hiện như là tác giả dưới các bài viết.

Như vậy, thông tin về những người phụ trách Gia Định báo cho thấy trong hơn 40 năm lưu hành, Gia Định báo có nhiều người phụ trách (hay làm chủ bút) với những khoảng thời gian khác nhau. Trong số những người này Ernest Potteaux, thông phán là người có thời gian phụ trách lâu nhất. Còn Trương Vĩnh ký chỉ phụ trách trong thời gian khoảng 3 năm (1869-1871), với tổng cộng 66 số báo (năm 1869: 16 số, năm 1870: 33 số và năm 1871:19 số), trong đó có 1 số do G. Janneau phụ trách là số 28 (ra ngày 1/12/1869).

Sở dĩ trong vòng 3 năm Trương Vĩnh ký chỉ làm “Tổng tài” 65 số báo vì từ tháng 9 năm 1870 trở đi, tức 1 năm sau khi ông được giao nhiệm vụ này, số Gia Định báo in ra mỗi tháng rút từ 4 số xuống chỉ còn 2 số, ra vào ngày 1 và 15 hàng tháng. Mặt khác, về số trang, trong thời gian này tất cả các số Gia Định báo đều có số trang tối thiểu, mỗi số chỉ 4 trang. Trong khi đó nhiều năm khác, nhiều số Gia định báo có 8 trang, 12 trang và nhiều số có 16 trang.

Có điều, khác với các số báo do những người khác phụ trách, các số báo do Trương Vĩnh Ký làm tổng tài đăng nhiều bài của các tác giả khác nhau hơn. Chẳng hạn: trong phần “Tạp vụ” của GĐB số 9 (ra ngày 24/3/1870) có 9 bài của 8 người khác nhau là thông ngôn, giáo tập.

4. Về nội dung của tờ báo

Là tờ công báo của chính quyền bảo hộ Pháp ở Nam kỳ nhằm thực hiện chính sách đồng hóa người dân Nam kỳ vào quỹ đạo của Pháp, nên nội dung chính của tờ báo chủ yếu truyền tải các yết thị, nghị định và thông tư của chính quyền đến người dân. Ngoài ra, để thu hút công chúng, báo cũng đăng một tác phẩm văn học, bài phổ biến kiến thức lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam cũng như các nước khác. Tuy nhiên, những bài này chỉ là phần phụ, được xếp vào phần “Tạp vụ”, “Thứ vụ” và in cạnh các “Lời rao’, “Quảng cáo”. Theo thời gian, GĐB gồm có các phần phần chính sau:

– Từ 1886 – 1869, GĐB gồm ba phần chính: Công vụ, Tạp vụ và Giá chợ.

Trong thời gian này phần “Công vụ” không in nguyên văn “Chỉ thị” hay “Nghị định”, “Sắc lệnh” của chính quyền như sau đó mà chỉ giới thiệu về nội dung. Ví dụ: trong số 3/1866 và số 8/1867 có “yết thị” và “nghị định” như sau:

Yết thị trong số 3/1866 và Nghị định trong số 8/1867

Còn trong số 8/1868 có đăng tin nhiều người được Quan Nguyên-Soái cấp bằng, trong số đó có Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc được “làm chức đốc phủ sứ, ăn lộc một năm là bốn ngàn tám trăm quan tiền; kể từ ngày rằm tháng aout năm 1868” (So sánh với Trương Vĩnh Ký năm 1869 được giao làm “Gia Định báo tổng tài, cho ăn lộc 3000”).

– Từ 1881 đã có phần “Tóm lại” ngay dưới măng sét. Trang cuối cùng có Quảng cáo.

– Từ năm 1883, phần “Công vụ” đăng nguyên văn các Nghị định với tên người ký. Phần Tạp vụ được thay bằng “Ngoài công vụ” (đăng tin tức các nơi cùng các “lời rao”, “giá gạo”) và “Thứ vụ” (đăng các mẩu chuyện, thơ ca, phổ biến kiến thức).

Nghị định thành lập Hội đồng khảo hạch, GĐB 8/12/1883

– Từ năm 1892 trở đi không còn phần “Thứ vụ”. Phần “Tạp vụ” có Lời rao phổ biến được đăng trong mấy năm liền là “Lời rao thuế chánh ngạch Sài gòn và Chợ lớn”.

– Từ tháng 6/1894 trở đi, sau các “Lời rao” trong phần “Tạp vụ” đăng thêm “Tục ngữ Annam”, “Thơ ca”. Đáng chú ý, số 9 (ra ngày 2/3/1897) và số 10 (ra ngày 9/3/1897) đăng 2 bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Có lẽ đây là hai bài thơ duy nhất của Nguyễn Đình Chiểu đăng trong GĐB, chỉ sau khi ông mất. Trong nửa năm 1897, báo đăng “Quy định cấm quan chức bổn quốc nhận lễ vật và cấm đi lễ” của Toàn quyền Paul Boumer và Thống đốc Nam kỳ Nicolai.

– Từ tháng 8/1897 trở đi không còn trang Quảng cáo cuối tờ báo như trước. Các bài thơ, văn hay bài phổ biến kiến thức, vốn được đăng trong phần “Thứ vụ” trước đó, nay được đăng trong phần “Tạp vụ”. Chẳng hạn từ số ra ngày 3/8/1897, báo đăng “Đại Nam quốc sử diễn ca”.

5. Lời kết

Với 424 số GĐB từ trang mạng của Thư viện Quốc gia Pháp, có thể nêu ra một vài nhận xét sau đây:

– Thời gian ấn hành GĐB không thống nhất giữa các năm và không hoàn toàn nhất quán với thời gian được ghi dưới phần “ngày phát nhựt trình.”

– Số báo phát hành trong các năm, thậm chí trong các tháng không hoàn toàn giống nhau. Thời gian đầu mỗi tháng 1 số, sau đó mỗi tháng 2 số. Tiếp đến mỗi tháng 4 số, sau đó lại mỗi tháng 2 số, rồi trở lại 4 số. Có những năm phát hành 52 số (nhiều nhất), song có năm (như năm 1901) chỉ 9 số? Số trang báo cũng đa dạng: ít nhất là 4 trang, nhiều nhất 16 trang.

– Báo có nhiều người phụ trách, mặc dù có những năm không thấy ghi tên. Trong số những người phụ trách có ghi tên, người có thời gian phụ trách lâu nhất là Ernest Potteaux, thông phán.

– Với việc Trương Vĩnh Ký chỉ phụ trách 55 số báo và chỉ trong 3 năm, so với khoảng thời gian tồn tại hơn 40 năm của GĐB, thật khó có thể nói rằng ông là người có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Gia Định báo, như một số người khẳng định. Chẳng hạn, có tác giả đã viết rằng: “từ khi Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm (năm 1869), tờ báo mới thật sự được “sống” với độc giả là người dân nhờ hướng đi quan trọng: cổ động cho một lối học mới, phát triển chữ quốc ngữ.” và “Trương Vĩnh Ký đã tìm cách biến viên chức địa phương thành những “tuyên truyền viên” cho chữ quốc ngữ, đồng thời đào luyện họ thành những cộng tác viên cho tờ báo, thậm chí đào luyện họ thành những người viết báo bên cạnh một nhóm cộng sự của mình”.

Nhưng, thật sự không phải đợi đến khi Trương Vĩnh Ký làm “tổng tài” mà từ trước đó, Ernest Potteaux, người phụ trách GĐB đã kêu gọi các thông ngôn “cộng tác”, gửi bài cho GĐB (Xem screenshot dưới đây). Và, một số số GĐB đã có sự cộng tác của nhiều người. Chẳng hạn như trong mục “Tạp vụ” số 9/1867 có các bài của Tân Pétrus, Thomas Sanh, Alamel, thông ngôn, P. Thới; số 4/1868 có bài của P. Thới, Minh, Gueldre, thông ngôn.

Lời rao của chủ bút E. Potteaux đăng trong GĐB  số 2/1866

Có tác giả khác đã viết thiếu chính xác rằngkể từ ngày 9-1869 (chính xác là từ 24/9/1869-VXQ), tờ Gia Định báo thay đổi từ hình thức đến nội dung.

Về hình thức, báo bắt đầu xuất bản 1 tháng 2 kỳ, rồi 4 kỳ, mỗi năm gồm 16 hay 20 trang khổ nhỏ. Năm 1872, sau khi Trương Vĩnh Ký thôi không làm chủ nhiệm nữa, báo trở lại thuần túy công báo xuất bản mỗi tháng 2 kỳ.

Về nội dung, báo chia ra 2 phần:

  • Phần công vụ, 4 trang, đăng các nghị định, thông báo của Thống Soái phủ.
  • Phần tạp vụ, 16 trang, rất đa dạng, đăng những bài tiểu luận về lịch sử, thơ phú, truyền thuyết, các tài liệu về văn hóa trở nên rất quan trọng.”

Sự thật, trong thời gian Trương Vĩnh Ký làm “Tổng tài” (9/1869-1872), GĐB chỉ ra mỗi tháng 2 kỳ và mỗi số chỉ có 4 trang, chứ không phải “16 hay 20 trang”. Phần “Công vụ” trong GĐB trong thời gian này không bao giờ chiếm 4 trang. Từ năm 1881 trở đi, GĐB bắt đầu ra 4 số mỗi tháng đồng thời số trang cũng tăng từ 4 trang lên 12 trang và nội dung phong phú hơn thời gian trước.

– Một điều quan trọng cần biết thêm rằng GĐB là tờ báo do chính quyền kiểm soát, như Phó đề đốc Nam kỳ đã nói toạc ra khi Nghị viên Hội đồng Quản hạt Trần Bá Thọ chê GĐB nghèo nàn và yêu cầu chuyển một khoản tài trợ của chính quyền cho GĐB sang cho báo Nam Kỳ. Phó đề đốc nói: “Tờ báo chính thức này (tức Gia Định báo-VXQ) thuộc sự kiểm soát của cấp cao hơn và mọi vấn đề nó ấn hành đều được xem xét kỹ càng; người An Nam không thảo luận về nó. Gia Định báo là một tờ báo chính thức, trong khi Nam Kỳ có thể ấn hành những gì mà nó muốn phổ biến, tuy nhiên, không khuấy động các vấn đề chính trị có thể dẫn người dân bản xứ của chúng ta lạc hướng và gây tổn hại đến nền an ninh mà chúng ta đã phải mất đến hai mươi năm mới đạt tới tại xứ này…”[2]

Có lẽ vì sự “khô khan” của GĐB và “coi sách dạy lắm, nó cũng nhàm; nên phải có cái chi vui pha vào một hai khi, nó mới thú”[3] mà năm 1888 chính Petrus Trương Vĩnh Ký đã cho ra đời một tờ báo khác của mình dưới dạng tạp chí là “Miscellanées” (Thông loại khóa trình), tờ báo tư nhân bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên ở Việt Nam, trước khi một tờ báo Quốc Ngữ tư nhân đúng nghĩa khác là “Nam Kỳ” ra đời năm 1897.

Tiếc rằng chưa thể tiếp cận được với những số GĐB hiện còn lưu giữ ở TVLS và TVTH nên chúng tôi chưa có được một khảo cứu toàn diện hơn về GĐB.

Võ Xuân Quế

Ghi chú: Các screenshot trong bài đều lấy từ nguồn: https://gallica.bnf.fr/

—–

[1] Lê văn Cẩn, Góp ý với ông Phạm Long Điền về Gia Đính báo, Bách Khoa, số 416, 10/9/1974, tr. 73-74

[2] Milton E. Osborne, The French Presence in Cochinchina and Cambodia: Rule and Response (1859-1905), Milton E. Osborne, Cornell University Press.1969. Có thể xem lược dịch một chương cuốn sách này tại: http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacEOsborne2.htm

[3] Trích “Bảo” (Lời đề từ) “Thông loại khóa trình”, tr.1.

 

 

 

Cụm từ “chữ Quốc Ngữ” được dùng từ bao giờ và ở đâu?

Cho đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về sự ra đời và thay đổi của chữ viết mà ngày nay được gọi là chữ Quốc Ngữ, kể từ khi nó được “phôi thai” cho đến khi hình thức được ổn định như chính tả ngày nay. Tuy nhiên, cụm từ “chữ Quốc Ngữ” được dùng lần đầu tiên khi nào và được dùng ở đâu là câu hỏi ít được chú ý hơn và hiện vẫn chưa có được câu trả lời thống nhất.

Bước đầu tìm hiểu, tôi thấy có hai ý kiến về vấn đề này như sau:

1. Trong sách “Phiên Dịch Học Lịch Sử – Văn Hoá Trường Hợp Truyền Kỳ Mạn Lục” tác giả Nguyễn Nam đã trích dẫn các nghị định của chính quyền Pháp được thu thập trong sách “Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc”[1] và kết luận: “tên gọi quốc ngữ để chỉ mẫu tự La tinh ghi tiếng Việt được dùng chính thức vào năm 1878, cùng với chính sách cưỡng bách văn tự nhằm làm «tiêu tan dần dần chữ nho mà việc dùng thứ chữ đó chỉ có thể có một ảnh hưởng tai hại đối với công trình đồng hoá mà chính phủ [Pháp] đang dồn mọi nỗ lực thực hiện[2].

2. Còn trước đó, vào năm 1977, trong sách “Colonialism and Language Policy in Vietnam”, John de Francis đã dẫn một đoạn từ bài viết của Paulus Của trong Gia Định Báo số 4 ra ngày 15/4/1867 (xem screenshot 1) mà ông đọc được từ hai nguồn dịch lại bằng tiếng Pháp và viết: “Điều quan trọng nhất trong đoạn trích này là dùng thuật ngữ “Quốc Ngữ”, có nghĩa “Ngôn ngữ Quốc gia” để chỉ chữ viết theo kiểu Roman của tiếng Việt. Đây là cách dùng đầu tiên mà tôi thấy”. Tuy nhiên, de Francis thận trọng chú thích rằng: “Mặc dù đây là trường hợp đầu tiên thu hút sự chú ý của tôi, song không thể khẳng định một cách chắc chắn rằng đây đích thực là thời điểm xuất hiện đầu tiên của cụm từ nàyCó khả năng rằng nó được dùng sớm hơn và tôi hy vọng những người khác lưu ý và tìm hiểu[3].

 

Screenshot 1, từ Gia Định báo số 4/1867 

Sự thận trọng của de Francis quả không thừa. Tìm hiểu các số Gia Định báo hai năm 1866 và 1867 từ dữ liệu số hóa của Thư viện quốc gia Pháp[4], chúng tôi thấy cụm từ “Chữ Quốc Ngữ’ đã được dùng sớm hơn thời điểm (tháng 4/1867) mà de Francis lưu ý.

Cụ thể trong mục “Công vụ” ở trang 2 của Gia Định báo số 1, ra ngày 15/1/1867 chúng tôi thấy cụm từ “chữ Quốc Ngữ” được dùng 3 lần khi đăng “Tên những người mới lĩnh bằng cấp ông Nguyên-Soái làm việc năm nay”. Trong số năm người này có ba người được “bằng cấp làm thầy dạy chữ Quốc Ngữ” tại Chợ-lớn, làng Tân-trạch và làng Phú-kiết. Đó là:

“Bường được bằng cấp dạy chữ quốc ngữ tại Chợ-lớn,

Nguyễn-văn-Hương, được bằng cấp làm thầy dạy chữ quốc ngữ tại làng Tân-trạch, thuộc huyện Kiến-phong.

Phạm-văn-Mua lãnh bằng cấp làm thầy dạy chữ quốc ngữ tại làng Phú-kiết, thuộc huyện Kiến-hòa.”

Screenshot 2, từ Gia Định báo số 1/1867 

Đây là số báo có cụm từ “chữ Quốc Ngữ” xuất hiện lần đầu tiên. Bởi lẽ trong các số Gia Định báo ấn hành trước đấy, tức vào năm 1866, có hai lần chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự Roman hay alphabet được nói đến là “chữ Annam” và chữ Pháp được gọi là “chữ tây”. Đó là:

– Gia Định báo số 3 ra ngày 15/3/1866 có đăng Yết thị do Nguyên Soái kí ngày 24 tháng giêng Annam, trong đó có viết: “Điều thứ năm, – một phần trường để đồ tây, các đồ phải biên giá bán tại Saigon chữ tây và chữ Annam.” (Screenshot 3)

Screenshot 3 (GĐB ngày 15/4/1866)

– Gia Định báo số 4 ra ngày 15/4/1866 cũng dùng “chữ annam”: “Giá và chỗ làm các thứ ấy thì sẽ viết chữ tây và chữ Annam cách rõ ràng; cho nên ai biết đọc thì sẽ hiểu được tức thì, chẳng cần ai cắt nghĩa, mà nếu ai muốn mua giống gì thì biên tên giống ấy chỗ làm, thì mua được, làm vậy thì những người buôn bán được ích lợi, những người làm các đồ ấy cũng được có ích lợi nữa.” (Screenshot 4)

Screenshot 4 (GĐB ngày 15/4/1866)

Như vậy, có thể khẳng định rằng cụm từ “chữ Quốc Ngữ” được dùng lần đầu tiên trong văn bản viết là trên Gia Định báo năm thứ hai, số 1 ra ngày 15 tháng 1 năm 1867. Tiếp đến, cụm từ “chữ Quốc Ngữ” xuất hiện 2 lần trong Gia Định báo số 2/1867 (xem screenshot 5) và 3 trong Gia Định báo số 3/1867 (Screenshot 6)

Screenshot 5, từ Gia Định báo số 2/1867

Screenshot 6, từ Gia Định báo số 2/1867 (2 trong 3 lần xuất hiện)

Sau đó đến số 4 năm 1867 (xem screenshot 1) và từ số 5 năm 1867 trở đi, cụm từ “chữ Quốc Ngữ” bắt đầu được dùng phổ biến hơn trong cả các ngữ cảnh khác nữa trong Gia Định báo, như một ví dụ ở screenshot dưới đây:

Screenshot 7, từ Gia Định báo số 5/1867

Đáng chú ý, Trương Vĩnh Ký, vào năm 1867 vẫn còn dùng cụm từ “de l’alphabet européen” đế chỉ chữ Việt viết bằng chữ cái Roman (tức chữ Quốc Ngữ), chứ chưa dùng cụm từ “chữ Quốc Ngữ” trong sách “Abrégé de grammaire annamite” bằng tiếng Pháp .

Võ Xuân Quế

—-

[1] Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, Nhà xuất bản Nam Sơn 1975

[2] Nguyễn Nam, Phiên Dịch Học Lịch Sử – Văn Hoá Trường Hợp Truyền Kỳ Mạn Lục, Nxb Đại Học Quốc Gia, Tp HCM, tr. 52 (Nguồn: http://thpt-lequydon.edu.vn/Portals/1/thayca/HANNOM/sach/tiengvietmenyeu/chuquocngu.htm)

[3] John De Francis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, De Gruyter Mouton 1977, tr. 82-83.

[4] https://gallica.bnf.fr/GallicaEnChiffres. Các screenshot trong bài đều được lấy từ nguồn dữ liệu này.

Ai là người sáng lập và làm chủ bút Phan-Yên báo?

Trong số không nhiều tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ ra đời vào cuối thế kỷ 19, Phan-Yên-Báo là tờ báo được xếp vào loại “bí ẩn”. Lý do có lẽ là tờ báo tồn tại quá ngắn và từ trước đến nay chưa có ai được tận mắt thấy “diện mạo” của tờ báo này.

Thật vậy, do chưa ai tìm được số Phan-Yên-Báo [1] nào còn lưu lại được đến ngày nay, nên các bài viết, tư liệu đề cập đến thời gian ra đời và chấm dứt của tờ báo này không thống nhất. Cụ thể, hiện có ít nhất những ý kiến như sau:

TT Các nguồn Thời gian ra đời Thời gian bị đình bản
1 Huỳnh Văn Tòng 1898 1898
2 Bằng Giang 1898 1899
3 Bùi Đức Tịnh 1898 Không rõ
4 Nguyễn Q. Thắng 1897 hoặc 1898
5 Đỗ Quang Hưng Tháng 12/1899
6 Nguyên Thăng Sau 16/2/1899
7 Minh Hiền Tháng 12/1898 Tháng 2/1899
8 Chính Đạo Ngay sau Nghị định ngày 30/12/1898
9 Trần Đình Ba Cuối 1898 Đầu 1899
10 Từ điển Bách khoa Việt Nam 1898 Xuất bản 7-8 số thì bị nhà cầm quyền Pháp đình bản
11 Nguyễn Vy Khanh 1/12/1898 “Bảy số thì bị cấm”

Còn về người sáng lập và chủ bút, dù chưa ai được tận mắt thấy tờ báo, song hầu như tất cả tác giả có ý kiến nêu trên đều thống nhất rằng Diệp Văn Cương là người sáng lập và làm chủ nhiệm Phan-Yên-Báo.

Ảnh chụp mục từ “Phan Yên báo” trong “Từ điển Bách khoa Việt Nam” [2]

Vậy có đúng Diệp Văn Cương là người sáng lập và làm chủ nhiệm báo Phan Yên không và tờ báo này ra đời, bị đình bản khi nào vẫn là câu hỏi cần được làm sáng tỏ.

Dưới đây chúng tôi cung cấp một số tư liệu liên quan chưa được biết đến, ngõ hầu góp phần trả lời câu hỏi đó.

1. Về thời gian ra đời

Khi tìm hiểu tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ cuối thế kỷ 19 có tên Nam Kỳ, chúng tôi bắt gặp sau mục “Tạp vụ” trong số 65 (ra ngày 19/1/1899) của báo này một lời chúc mừng báo mới của chủ bút, với nội dung: “Có một tờ nhựt-báo quấc-ngữ, đặt hiệu là Phan-Yên-Báo, mới in ra được vài số đầu. Nhơn dịp ấy, ta xin tặng chúc cho tờ nhựt-báo mới này được bá niên phát đạt.” Có lẽ đây là thông tin sớm nhất hiện có được về Phan-Yên-Báo? (xem screenshot)

Tin về sự ra đời của Phan-Yên-Báo trên báo Nam Kỳ ra ngày 19/1/1899

Lúc bấy giờ (nửa cuối thế kỷ 19) “nhựt-báo” hay “nhựt trình” có thể là tuần báo, ra mỗi tuần một số, như với báo Nam Kỳ là “Nhựt trình mỗi tuần lễ in một lần nhằm ngày thứ năm” được ghi trên măng sét của tờ báo (xem screenshot).

Hoặc “nhựt trình” cũng có nghĩa là mỗi tháng một số, như với Gia-Định báo thời kỳ đầu, qua lời của chủ bút E. Potteaux trong một thông báo ở Gia-Định báo số 3/1866 “Tôi xin mấy thầy thông ngôn Lang-sa và thông ngôn Annam mỗi tháng phải gửi một hai chuyện gì để mà đem vào Nhựt-trình Annam (tức Gia Định Báo-VXQ), chúng tôi hàng lo cho được mỗi tháng cứ ngày rằm thì phát Nhựt-trình, nhưng mà chúng tôi không đủ chuyện mà đam vào Nhựt-trình, bởi đó cho nên mới trễ ra như vậy” (xem screenshot).

Lời của E. Potteaux trên Gia-Định Báo số 2 năm 1866

Như vậy, từ thông tin “Phan-Yên-Báo mới in được vài số” trên báo Nam Kỳ ngày 19/1/1899, ta có thể đoán số đầu tiên của Phan-Yên-Báo được in ra trước đó khoảng 2 tuần, tức tuần đầu tiên của tháng 1/1899 (nếu mỗi tuần báo này ra 1 số, như Nam Kỳ); hoặc cuối tháng 12/1898 (nếu mỗi tháng ra 1 số, như Gia-Định Báo). Tuy nhiên, khả năng thứ nhất có vẻ hợp lý hơn.

2. Về thời gian bị đình bản

Cũng trên báo Nam Kỳ, chúng tôi tìm thấy trong mục “Tiểu tự” (trả lời bạn đọc) của số 83 (ra ngày 1/6/1899) trả lời một bạn đọc có tên viết tắt T.X của chủ bút báo Nam Kỳ về việc người này không nhận được Phan-Yên-Báo dù đã trả tiền mua khiến người này phải liên lạc với chủ bút báo Nam Kỳ để được giúp đỡ. Nội dung trả lời như sau (xem screenshot):

Screenshot trả lời một bạn đọc về Phan-Yên-Báo trong Nam Kỳ số 83 (1/6/1899)

Nội dung trả lời trên của chủ báo Nam Kỳ cho chúng ta biết hai thông tin về báo Phan Yên: 1. Báo này đã bị cấm và không còn phát hành trước ngày 1/6/1899; 2. Cho đến lúc này (tức 1/6/1899) chủ nhân của báo Phan Yên đã “qua đời”.

Nếu đúng là “Phan-Yên-Báo chỉ xuất bản được 7, 8 số thì bị cấm” như nhiều người viết, thì thời gian bị đình bản là cuối tháng 2/1899 (nếu báo ra mỗi tuần 1 số), và tháng 5/1899 (nếu báo ra mỗi tháng 1 số). Khả năng thứ nhất cao hơn và có vẻ phù hợp với “trí nhớ” của Diệp Văn Kỳ, vì ông tổng thống Pháp Felix Faure tạ thế ngày 16/2/1899, như ông viết trong cuốn sách “Chế độ báo giới Nam Kỳ năm mươi sáu năm sau”[4].

Screenshot từ sách của Diệp Văn Kỳ (tr. 24)

3. Có đúng Diệp Văn Cương là người sáng lập và chủ nhiệm Phan-Yên báo?

3.1. Trở lại với trả lời bạn đọc trong số 83 của báo Nam Kỳ ở trên, chủ bút báo này có viết “chủ nhân nhựt trình ấy (tức Phan-Yên  báo) đã qua đời rồi.” Trong khi đó ông Diệp Văn Cương còn sống sang cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ 20, đến đầu năm 1918. Diệp Văn Cương là người cùng thời và “chỗ quen biết” với Alfred Schreiner (1852-1911), chủ bút báo Nam Kỳ, vì là người từng cộng tác với báo này và có bài viết trong số đầu tiên, ra ngày 21/10/1897 của Nam Kỳ. Như vậy, thông tin về việc chủ nhân Phan-Yên báo đã qua đời của A. Schreiner có thể tin cậy được và người đó không phải là Diệp Văn Cương.

Nhân đây, chúng tôi thấy cần minh xác về năm mất của ông Diệp Văn Cương. Nhiều người viết ông mất năm 1929. Nhưng, trong biên bản cuộc họp Hội đồng Thuộc địa ngày 29/5/1918, có một bài phát biểu ngắn của Rimaud, chủ tịch Hội đồng nói về việc Diệp Văn Cương tạ thế, mở đầu như sau:

Thưa các ngài,

Kể từ phiên họp thường lệ gần đây nhất của chúng ta, Hội đồng chúng ta đã phải chịu đựng một tổn thất nặng nề. Chúng ta vừa mất đi vị đồng nghiệp của mình, ông Diệp-văn-Cương, vào một ngày tháng Năm và chúng tôi biết tin ông qua đời vì trọng bệnh. Khi đó tôi không ở Sài Gòn và ông Ardin đã tận tình đến Bến Tre để dự tang lễ của người đồng nghiệp quá cố của chúng ta và chuyển lời chia buồn của Hội đồng chúng ta đến gia quyến người đã khuất.”[5]

Trong biên bản cuộc họp Hội đồng Thuộc địa ngày 5/10/1917 vẫn còn ghi ông Diệp Văn Cương tham dự và các phát biểu của ông. Nhưng từ cuộc họp này trở đi, trong danh sách những người dự họp Hội đồng Thuộc địa không có tên Diệp Văn Cương nữa. Như vậy, đúng là Diệp Văn Cương đã mất trước tháng 5/1918, chứ không phải năm 1929 như nhiều người lầm tưởng. Và học giả Vương Hồng Sển đã nhớ sai khi viết trong sách “Sài Gòn năm xưa” như sau: “Khoảng năm 1919, dạy sử học, ông (tức Diệp Văn Cương-VXQ) lấy Sử Diễn Ca Lê Ngọc Cát ra bình chú, dạy Việt Văn ông đã biết đem những đoạn xuất sắc trong Kiều, Lục Vân Tiên, và Chinh Phụ Ngâm ra giải thích cũng là mới lạ[6]

3.2. Trong một bài viết về lớp tinh hoa người Việt thời Nam Kỳ thuộc Pháp, R. B. Smith có một nhận xét đáng chú ý: “giới tinh hoa Việt Nam ở Nam Kỳ thuộc Pháp rất lệ thuộc vào người Pháp, có lẽ tất yếu là như vậy.”[7] Diệp Văn Cương là một trong sáu thành viên người Việt trong Hội đồng Thuộc địa hay Hội Đồng Quản hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial de la Cochinchine), một trong số ít những người được hưởng sự giáo dục của Pháp và trở thành “cộng sự” (nguyên văn tiếng Pháp là “collaborateur”) khả tín của chính quyền Thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ. Nhận xét về vị thế và quan điểm của các thành viên bản xứ (tức người Nam Kỳ) trong Hội đồng thuộc địa, trong cuốn sách “The French Presence in Cochinchina and Cambodia, Rule and Response (1859-1905)” – (Sự hiện diện của Pháp ở Nam Kỳ và Căm Pu Chia, Sự cai trị và Phản ứng (1859-1905)[8], tác giả Milton E. Osborne có viết; “Thường trong Hội đồng Thuộc địa các cuộc tranh luận hiếm khi quan tâm đến ý kiến của các thành viên người Việt.” (tr. 52), và “Bất chấp sự khó chịu mà họ để lộ trong Hội đồng Thuộc địa, các thành viên người Việt vẫn thường nói về tiếng Pháp và vai trò của Pháp ở Nam Kỳ với cùng một giọng điệu.” (tr. 53)

Câu hỏi có thể đặt ra là liệu một “Ông Hội đồng” của Hội đồng Thuộc địa lúc bấy giờ có thể làm chủ một tờ báo với chủ trương chống đối chính quyền Pháp khiến tờ báo bị cấm không? Mặt khác, sau khi tờ báo có “những bài có tư tưởng chống đối chính quyền” bị cấm, người sáng lập, chủ bút và “tác giả” bài chống đối có thể giữ được vị trí thành viên trong Hội đồng Thuộc địa nữa không?

Trong cuốn sách vừa dẫn ở trên, Milton E. Osborne đã dẫn lại từ biên bản cuộc họp ngày 14/10/1902 của Hội Đồng Thuộc địa một phát biểu đáng chú ý của ông Diệp Văn Cương: “Khi Giám mục Công giáo Mossand cho rằng việc chú trọng giảng dạy bằng tiếng Pháp, theo yêu cầu của chính quyền thuộc địa, đã tạo ra những người Việt Nam ít trung thành nhất với Pháp, một thành viên Việt Nam của Hội đồng, Diệp-Văn-Cương đã phản đối: “Những từ ấy xuất phát từ người đứng đầu Giáo hội Công giáo ở Nam Kỳ … và tạo nên một lời buộc tội rất nghiêm trọng đối với tất cả những người An Nam đã được thừa hưởng lợi ích của nền văn minh Pháp, như tôi.” (Osborne, sđd., tr.53)

Ở một chỗ khác, khi dẫn ý kiến không đồng tình với ông Trần Bá Thọ (đốc phủ sứ, một trong những thành viên người Việt của Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ) cho rằng cần dạy đạo lý Nho giáo cho học sinh người Việt Nam bằng chữ Nho, Osborne viết: “Không phải mọi người thuộc thế hệ ông Thọ đều chia sẻ quan điểm của ông ấy. Ông Hội đồng Diệp Văn Cương, phát biểu tại Hội đồng Thuộc địa năm 1906 rằng, ông không thấy có lý do gì khiến không thể giảng dạy các châm ngôn của triết lý Khổng học bằng tiếng Pháp,“công cụ của nền văn minh” (Osborne, sđd., tr.166)[9]

Từ hai lời phát biểu tại hai cuộc họp được dẫn trên đây, có thể thấy Diệp Văn Cương là một trong những cộng sự ủng hộ chủ trương dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ giảng dạy trong trường học ở Nam Kỳ thời kỳ đầu. Đó là chủ trương nhằm thực hiện chính sách đồng hóa (assimilation) theo quan điểm của các nhà cai trị quân sự thời kỳ đầu, được Étienne Aymonier, giám đốc Trường Thuộc địa Paris, ủng hộ với tuyên bố “Mục đích của nước Pháp, là cải tạo chủng tộc Việt Nam và mở rộng đầu óc của họ để thừa kế các ưu thế của nền văn minh Âu Châu. Để đạt được mục đích này, phương thức an toàn nhất là dạy tiếng Pháp và phổ biến sự sử dụng ngôn ngữ đó ở bất kỳ nơi đâu có thể làm được.” (Osborne, sđd., tr.164).

Cũng về Diệp Văn Cương, trong một bài viết khác, tác giả Huệ-Tâm Hồ Tài có viết: “Cuộc tranh luận (về quyền nhập quốc tịch Pháp và bầu cử cho người dân Nam Kỳ-VXQ) được Diệp Văn Cương, một trong sáu thành viên bản xứ của Hội đồng Thuộc địa khởi xướng vào tháng 9 năm 1917. Trong một bài phát biểu dài đáng chú ý vì tinh thần đồng hóa của nó, Diệp đã vạch ra một chương trình cải cách toàn diện cho Nam Kỳ: các làng xã nên được tổ chức thành các địa phương đúng theo kiểu Pháp với các hội đồng dân cử; những gì còn lại của chế độ quan lại cũ cần bãi bỏ để có một bộ máy hành chính hiện đại hơn; số lượng viên chức phụ tá người Việt cần bãi bỏ và số còn lại nên được tăng lương đáng kể.”[10] Điều này góp thêm lý do khiến chúng tôi thấy khó tin ông là người sáng lập và chủ bút của một tờ báo với nhiều bài chống chính quyền thuộc địa, khiến tờ báo bị cấm.

3.3. Trong số các thành viên người Việt của Hội đồng Thuộc địa, không ai giữ được vị trí lâu dài như Diệp Văn Cương, với 14 năm. Thâm niên này đã nói lên sự “tín nhiệm” của Hội đồng về tinh thần hợp tác và phục vụ “mẫu quốc” của ông Diệp Văn Cương. Thật vậy, trong phát biểu của chủ tịch Hội đồng Thuộc địa tại cuộc họp năm 1918 mà phần mở đầu chúng tôi dẫn ra ở trên, Rimaud nói tiếp:

Ông Ardin đã đọc trước mộ của ông Cương một bài điếu văn, trong đó ông bày tỏ sự thương tiếc đối với người đồng nghiệp bất hạnh và lòng kính trọng mà tất cả chúng ta dành cho ông. Trong vòng 14 năm, ông Diệp-văn-Cương, là thành viên của Hội đồng Thuộc địa, nơi mà tầm hiểu biết và kinh nghiệm tuyệt vời cũng như nhân cách cao quý của ông, đã để lại cho ông một vị trí đặc biệt trong lòng mỗi chúng ta. Hội đồng Thuộc địa chịu đựng một mất mát nặng nề; và bằng cách nói đến những kỷ niệm đẹp đẽ để tưởng nhớ người đồng nghiệp của chúng ta, tôi xin gửi đến bà quả phụ và gia quyến của ông những lời chia buồn sâu sắc của chúng ta.” (xem chú thích 5).

Đáng chú ý hơn, trong biên bản một cuộc họp khác của Hội đồng Thuộc địa vào tháng 11 năm 1918, có ý kiến đề nghị lấy tên Diệp Văn Cương để đặt cho một con đường hoặc một địa điểm ở Bến Tre, quê hương ông ấy, để tưởng nhớ ông, như trong screenshot dưới đây.

Cách đây 85 năm, trên báo “Sông Hương”, số 20 (12 Décembre 1936), tr.3, Phan Khôi từng viếtÔng Kỳ là con trai cụ Diệp Văn Cương, một người Nam Kỳ từng có công trạng với nhà nước Bảo hộ.” Quả thật, con đường quan lộ của Diệp Văn Cương cũng rất hanh thông: tháng 9/1893 ông mới được bổ là “thơ ký thí sai” tại Bến Tre; tháng 10/1897 đã là “thông sự hạng nhì chức tây” và được cử làm thuộc viên trong “Hội đồng khảo hạch các thơ ký annam xin thi phần thưởng về sự biết tiếng phương đông” (xếp trước Paulus Của, đốc phủ sứ) trong Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ ngày 14/9/1898 (trước khi Phan Yên báo phát hành chưa đầy nửa năm).

Screenshot từ Gia Định Báo, số ra ngày 27/9/1898

Vào năm 1899 (chính xác là ngày 1/7/1899, tức cùng năm và ngay sau Phan-Yên báo bị cấm), ông Diệp Văn Cương cũng được thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ là Bocquet cử làm thuộc viên trong hai “Hội giám-khảo” khác để “Khảo hạch các học trò và các thơ ký annam về sự thông thạo các tiếng phương Đông để lãnh thưởng” như được đăng trong báo Nam Kỳ năm 1899, số 89 (xem screenshot dưới đây). Như vậy, nếu là người mang bút danh “Cuồng Sĩ” và làm chủ Phan-Yên báo với những bài viết chống chính quyền bảo hộ, chắc chắn ông Diệp Văn Cương không thể có tên trong hai Hội đồng này.

Screenshot hai Nghị định trên báo Nam Kỳ số 89/1899

Theo “Lịch Annam thông dụng trong sáu tỉnh Nam Kỳ, tuế thứ Đinh Dậu 1899 ” của Phòng Thông ngôn quan Thống đốc, Diệp Văn Cương là thông ngôn hạng nhì, chức tây, chỉ xếp sau thông ngôn hạng nhất người Pháp là Bocsd (đầu phòng), trên Trương Minh Ký và cả Paulus Của – người đã vào ngạch viên chức từ năm 1861, tức trước Diệp Văn Cương 32 năm (Xem screenshot dưới đây).

Đến năm 1904, Diệp Văn Cương trở thành thành viên của Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ và giữ chức vụ này trong 14 năm liền cho đến lúc qua đời vào tháng 5/1918.

3.4. Cuốn sách “Chế-độ báo-giới Nam-Kỳ năm mươi sáu năm sau” của Diệp Văn Kỳ (1895-1945) được xuất bản năm 1938, lúc ông 43 tuổi. Báo Phan-Yên ra đời và bị đình bản năm 1899, khi ông 4 tuổi. Diệp Văn Cương, qua đời năm 1918, lúc Diệp Văn Kỳ 23 tuổi. Tuy Diệp Văn Kỳ không nói ông đọc số Phan-Yên-Báo có đăng tin về việc Tổng thống Pháp mất khi nào, song nếu đó là tờ báo do cha ông sáng lập và làm chủ nhiệm, lẽ nào Diệp Văn Kỳ không biết và không nhắc đến trong cuốn sách của mình?

Trong cuốn sách đó, Diệp Văn Kỳ chỉ đặt câu hỏi: “Phan-Yên-Báo xuất bản năm nào và có xin phép trước không?” Đáng chú ý là ông nói “Tôi đã hết sức sưu tầm, vẫn chưa kiếm ra tông tích chỉ đích xác.” (Diệp Văn Kỳ, sđd., tr.23) Chúng tôi nghĩ đây cũng là một lý do khiến chúng ta nghi ngờ ý kiến cho rằng cha ông, Diệp Văn Cương, là người sáng lập và làm chủ bút báo Phan Yên. Có lẽ vì nghi ngờ như thế nên trong bài viết (xem chú thích 1), tác giả Trần Đình Ba không nhắc đến Diệp Văn Cương và không nói ai là chủ bút báo Phan Yên.

3.5. Một điều nữa cũng rất đáng lưu ý là, nếu ông Diệp Văn Cương đã từng sáng lập và làm chủ bút  Phan Yên báo với những bài viết chống chính quyền bảo hộ khiến báo này bị cấm thì vào năm 1908 (tức 9 năm sau khi báo bị cấm), ông Diệp Văn Cương khó có thể được Thống đốc Nam Kỳ, Outrey, giao phụ trách tờ Gia Định báo kể từ ngày 21/5/1908, thay cho ông Nguyễn Văn Giàu, theo một bài viết của ông Lê Văn Cẩn [11]

Thay cho lời kết

Với những tư liệu dẫn ra trên đây, có thể rút ra ba điều

  • Có thể nghĩ rằng thời gian ra đời và bị cấm của Phan-Yên báo là đầu năm 1899.
  • Ông Diệp Văn Cương mất tháng 5/1918, chứ không phải năm 1929 như tất cả các tác giả người Việt viết về ông khẳng định từ trước đến nay.
  • Câu hỏi ai là người sáng lập và làm chủ bút Phan-Yên báo vẫn cần được làm rõ. Song có đủ cứ liệu để khẳng định rằng người đó không phải là Diệp Văn Cương, như hầu hết các tác giả viết về tờ báo này khẳng định [12], mà rất có thể là “mấy người bổn-sở ẩn danh mà đặt nó ra” như chủ nhân và chủ bút báo Nam Kỳ đã viết [12].

Võ Xuân Quế

——–

[1] Một số người cho rằng Phan Yên là lối nói lái của Phiên An (tên cũ của Gia Định). Tuy nhiên, theo Vương Hồng Sển viết trong sách “Sài Gòn năm xưa” và Alfred Schreiner viết trong “Abrégé de l’histoire d’Annam; 2e édition, augmentée de la période comprise entre 1858 et 1889” thì chính “Phan Yên” là tên cũ của Gia Định. Địa danh “Phan Yên trấn” còn xuất hiện ở hai điểm trên bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” in kèm trong từ điển “Dictionarium Anamitico-Latinum” (1838) của Giám mục Jean Luis Taberd. (https://commons.wikimedia.org/wiki/File:An_Nam_Dai_Quoc_Hoa_Do_by_Jean_Louis_Taberd_1838.jpg)

[2] Từ điển bách khoa Việt Nam 3 (N-S), Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2003, tr. 407. Xin cảm ơn PGS, TS. Phạm Hùng Việt đã kiểm tra và gửi cho chúng tôi ảnh chụp thông tin này từ TĐBKVN.

[3] Theo Huỳnh Văn Tòng, Phan-Yên-Báo là “Báo tuần chỉ ra vài số thì chết (khoảng đầu 1899)”, dẫn từ “Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử Báo chí Việt Nam (từ khởi thủy đến năm 1945)”, Khoa Báo chí Đại học mở bán công TP HCM. 1995, tr. 31

[4] Diệp Văn Kỳ, Chế-độ báo-giới Nam-Kỳ năm mươi sáu năm sau, Saigon 1938

[5] Procès-verbaux du Conseil colonial: session extraordinaire de 1918, séance du mercredi 29 Mai 1918

[6] Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa (https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmnqnqn0n31n343tq83a3q3m3237nvn)

[7] R. B. Smith, The Vietnamese Elite of French Cochinchina, 1943, Modern Asian Studies 6 4 (I972), pp. 459-482

[8] Milton E. Osborne, The French Presence in Cochinchina and Cambodia, Rule and Response (1859-1905), Cornell University Press, Ithaca 1969

[9] Bản dịch tiếng Việt của chương này có thể đọc ở đây (http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacEOsborne2.htm)

[10] Huệ-Tâm Hồ Tài, The Politics of Compromise: The Constitutionalist Party and the Electoral Reforms of 1922 in French Cochinchina, Modern Asian Studies, Vol. 18, No. 3 (1984), pp. 371-391.

[11] Lê Văn Cẩn, Góp ý với ông Phạm Long Điền về Gia-Định báo, Bách Khoa, số 416, ra ngày 20/9/1974. Chúng tôi có một thắc mắc là trong bài viết này nếu đúng như thông tin tác giả cung cấp thì thấy có sự mâu thuẫn khi Nghị định của Thống đốc Nam kỳ ký ngày 20/9/1908, còn ngày ông Diệp Văn Cương phụ trách Gia-Định báo là 21/5/1908, tức trước ngày ký. Đáng tiếc là, vì không tiếp cận được với Nghị định này nên chúng tôi không thẩm định được thông tin tác giả nêu ra.

[12] Chúng tôi chỉ thấy có Trần Nhật Vy khẳng định Diệp Văn Cương không phải là chủ bút của Phan-Yên báo, khi ông viết: “nhiều tài liệu trước nay cứ lặp đi lặp lại là Phan Yên Báo do ông Diệp Văn Cương làm chủ nhiệm. Không, ông Cương không liên quan gì đến tờ Phan Yên Báo, vì khi tờ báo này ra đời, ông còn là một thông ngôn tùng sự ở Vĩnh Long!” (https://nld.com.vn/khoa-hoc/chu-quoc-ngu-trong-nen-van-hien-vn-182512.htm)

[13] Trước khi viết bài này, tôi có gửi email tới Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp (http://www.archivesnationales.culture.gouv.fr/anom/fr/) để hỏi thông tin về Phan-Yên báo. Một tuần sau tôi nhận được trả lời từ giám đốc, cho biết ở thư viện này cũng như ở Trung tâm lưu trữ hồ sơ Đông Dương (GGI) và Thư viện Đại học Ngôn Ngữ và Văn minh (BULAC), Pháp không có số Phan Yên Báo nào cũng như thông tin gì về tờ báo này.

—–

Bổ sung:

Sau khi bài viết này đã công bố, tôi đọc được ba bài viết có liên quan đến Phan Yên báo và Diệp Văn Cương:

  • Bài viết Trương Minh Ký-Nhà văn viết chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Trần Nhật Vy, trong đó tác giả cho rằng Diệp Văn Cương mất năm 1929: “Diệp Văn Cương (1862-1929), đồng môn của Nguyễn Trọng Quản – tác giả cuốn truyện Thầy Lazaro Phiền in năm 1887, sau khi tốt nghiệp trở về làm giáo sư Trường Chasseloup Laubat (nay là Lê Quý Đôn) và từng là chánh tổng tài cuối cùng (1909-1910) của tờ Gia Định Báo” (https://tuoitre.vn/truong-minh-ky-nha-van-viet-chu-quoc-ngu-dau-tien-20190429123903436.htm)
  • Bài viết Chữ Quốc ngữ trong nền văn hiến Việt Nam của Phan Quang, viết rằng: “tờ Phan Yên báo do Diệp Văn Cương, một nhân sĩ nổi tiếng, con rể vua Dục Đức làm chủ bút ra mắt bạn đọc (1868).” Trong bài này tác giả còn có một thông tin thiếu chính xác khác là cho rằng: Nhựt trình Nam kỳ ra đời năm 1883, thay vì 1897 (https://nld.com.vn/khoa-hoc/chu-quoc-ngu-trong-nen-van-hien-vn-182512.htm).
  • Mới đây nhất (1/8/2021) là bài: [Thông điệp từ lịch sử] Diệp Văn Cương – Diệp Văn Kỳ: Cha và con cùng làm báo. Tác giả bài này cũng khẳng định rằng Diệp Văn Cương có “bút hiệu Cuồng Sĩ” và “làm Chủ nhiệm Phan Yên báo.” (https://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-diep-van-cuong-diep-van-ky-cha-va-con-cung-lam-bao-429390.html).
  • Chúng tôi mới đọc được trên hai số “Công Luận báo” nói về việc ông Diệp Văn Cương qua đời và đám tang ông. – Ở trang 11 của số 106 ra ngày 22-1-1918 có viết: “Mới nghe tin M Diệp Văn Cương, Nghị viên Quản hạt Hội đồng tị trần. Bổn quán rất nên thương tiết.” Và ở trang 9, số 108 ra ngày 29/1/1918 có viết: “Đám táng M. Diệp Văn Cương: Ngày 25 Janvier, Bàn nghị viên Quản hạt và các quan tỉnh Bentre, tựu đưa linh cữu M. Diệp-văn-Cương; cùng thân bằng cố hữu đông đủ. Tới huyệt, M. Ardin, nghị viên Quản hạt Hội đồng, thế hành cho Bàn Hội nghị với M. Lê-văn-Trung, Thượng nghị viện Đông Dương có đọc mỗi vị một bài văn tống biệt M. Diệp-văn-Cương lời than tiết rất nên thê thảm.” Đoạn tin này đã minh chứng thêm cho những điều ghi trong Biên bản của cuộc họp Hội đồng Quản hạt (bằng tiếng Pháp) mà chúng tôi sao lục và dẫn ra trên đây và cho ta biết cụ thể hơn rằng: ông Diệp Văn Cương mất trước ngày 22/1/1918 (VXQ bổ sung vào ngày 7/12/2022).