Tag Archives: Văn học

Những điều chưa biết về bản dịch PRISON DIARY và dịch giả Aileen Palmer

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay tác phẩm 獄中日記 (Ngục trung nhật ký) của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch sang ít nhất 37 ngôn ngữ nước ngoài (không kể chữ Quốc Ngữ). Đáng chú ý, riêng tiếng Anh đã có 8 bản dịch được in (với số lượng bài được dịch khác nhau) và hiện là ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất. Tiếp đến là các thứ tiếng: Bengali (4 bản), Tây Ban Nha (3 bản), Sinhala – Srilanka (3 bản), Czech (3 bản), Pháp (2 bản), Đức (2 bản), Bồ Đào Nha (2 bản), Slovak (2 bản), Hàn Quốc (2 bản).

Bản dịch tiếng Anh đầu tiên có tựa đề Prison Diary gồm 101 bài thơ, với 95 trang, được Nhà xuất bản Ngoại Văn xuất bản ở Hà Nội năm 1962, tức chỉ hai năm sau khi bản gốc bằng chữ Hán được dịch sang chữ Quốc Ngữ và được nhà xuất bản Văn Hóa xuất bản năm 1960[2].

Tuy không phải là bản dịch sang chữ nước ngoài đầu tiên của Ngục trung nhật ký (từ đây trở đi chúng tôi dùng “Nhật ký trong tù”), vì trong năm 1960, tiếp theo bản dịch chữ Quốc Ngữ được xuất bản (tháng 5.1960), Nhật ký trong tù bằng tiếng Nga “Хо Ши Мин, Тюремный дневник” do Павел Антокольски (1896 – 1973) dịch, được Nhà xuất bản Ngoại Văn Moskva xuất bản (tháng 9.1960) và bản dịch tiếng Pháp “Journal de Prison, Poèmes” do Đặng Thế Bính, Lê Văn Chất, Vũ Quý Vy và G. Boudarel dịch, được Nhà Xuất bản Ngoại Văn xuất bản tại Hà Nội.

Song, chắc rằng Prison Diary là bản dịch có số lượng bản in nhiều nhất và cũng là bản dịch được dùng làm nguồn để dịch tiếp ra các ngôn ngữ khác nhiều nhất. Chỉ tính riêng lần in đầu tiên tại Mỹ năm 1971 dưới tựa đề “The Prison Diary of Ho Chi Minh”, bản dịch này đã được in với số lượng kỷ lục: 500 000 bản và được review trên tạp chí chuyên về văn học “The Times literary supplement” của Anh[3] và “The New York Times” danh tiếng của Mỹ[4].

Tác giả của bản dịch Prison Diary là Aileen Palmer, nhà thơ, dịch giả người Australia, một đảng viên đảng Cộng sản Australia, một thành viên nhiệt thành của Lữ đoàn Tình nguyện Quốc Tế trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Trước Prison Diary, Aileen Palmer còn dịch sang tiếng Anh một số bài thơ của nhà thơ Tố Hữu được nhà xuất bản Ngoại Văn xuất bản năm 1959 ở Hà Nội.

Chân dung Aileen Palmer, tranh của Madge Hodge vẽ năm 1938

62 đã năm trôi qua, kể từ khi được xuất bản lần đầu tiên (1962), hàng triệu bản Prison Diary đã được phát hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, với rất nhiều lần tái bản, chưa kể là nguồn cho nhiều bản dịch sang các ngôn ngữ khác. Một số người đã đặt ra câu hỏi dịch giả Aileen Palmer đã thực hiện hai bản dịch đó từ nguồn nào (ngôn ngữ gì), dịch ở đâu và vào thời gian nào? Song cho tới hôm nay câu trả lời vẫn chưa thực sự rõ ràng và thuyết phục.

Trong bài viết “Đi tìm những người dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Anh” (2008) dịch giả Thúy Toàn viết: “Chúng tôi đã đi hỏi nhiều người ở Nhà xuất bản Thế giới, trước đây là Nhà xuất bản Ngoại văn, nơi xuất bản bản dịch “Prison Diary” của Aileen Palmer. Đáng tiếc là không có ai có thể cung cấp cho thông tin nào. Phải tìm đến nhà văn hóa Hữu Ngọc, từng là Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, từng làm việc với nhiều chuyên gia biên tập nước ngoài, nhưng cũng chỉ được một thông tin chung chung là đã từng có những chuyên gia Australia giúp đỡ nhà xuất bản Ngoại văn trong công tác biên tập vào những năm sau Hiệp định Geneve, 1954… Có thể, Aileen Palmer có mặt ở Việt Nam trong số các chuyên gia Australia giúp đỡ ta trên mặt trận tuyên truyền vào giai đoạn sau năm 1954”[5]

Trong bài viết khác “Sức lan tỏa của Nhật ký trong tù” được Tạp chí Văn nghệ Đất tổ “rút ra và biên tập lại từ bản tham luận cùng tên của nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn”, thông tin về dịch giả Aileen Palmer ở Việt Nam được khẳng định rõ hơn: “Sau khi hòa bình lập lại ở Việt Nam (1954), cùng với một số người khác bà lại tình nguyện đến Việt Nam, tham gia xây dựng đời sống văn hóa sau chiến tranh. Bà Aileen Palmer đã cộng tác trong lĩnh vực ra sách đối ngoại của Nhà xuất bản Ngoại văn Việt Nam mới được thành lập. Ngoài công tác hiệu đính biên tập, bà bắt tay vào dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh.”[6]

Gần đây, năm 2024, trong bài viết với tiêu đề “Nhật kí trong tù hành trình đến với độc giả Nga và phương Tây” đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1032, tác giả Nguyễn Thị Như Trang cũng viết một cách chắc chắn rằng: “Aileen Palmer – người dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Anh – là một trong những chuyên gia người Australia, được đào tạo bài bản và có mặt ở Việt Nam năm 1954, am hiểu văn hóa Việt Nam và có nhiều công trình dịch văn học cách mạng Việt Nam sang tiếng Anh.”[7]

Vậy có đúng là Aileen Palmer thuộc trong số những người đã sang “giúp Việt Nam trên mặt trận tuyên truyền”, và đã cộng tác với nhà xuất bản Ngoại Văn rồi bà đã dịch Thơ Tố Hữu cũng như Nhật ký trong tù sang tiếng Anh trong thời gian ở Việt Nam không?

Bài viết này xin cung cấp một số tư liệu mà chúng tôi mới sưu tầm được nhằm giúp cho vấn đề được tường minh.

1.            Những người cộng sản Australia và New Zealand sang giúp đỡ Việt Nam sau năm 1954.

Đúng như dịch giả Thúy Toàn đã viết, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, để xây dựng lại đất nước, phát triển văn hóa và giáo dục, chính phủ Việt Nam đã mời một số chuyên gia từ Australia và New Zealand đến Hà Nội. Theo những tư liệu mà chúng tôi tìm được, những người đó là: Len Fox, Mona Brand, Dick Diamond, Lilian Diamon, Malcolm Salmon, Lorraine Salmon (từ Australia), và Freda Mary Cook (từ New Zeland).

Len Fox và Mona Brand

Len Fox (1905-2004) là nhà báo, họa sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà sử học và nhà hoạt động xã hội. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, bảo thủ ở Melbourne, song Len Fox mang tư tưởng cánh tả. Sau bốn năm ở Hungary và Anh, được chứng kiến sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Phát xít, khi trở về Melbourne, ông tham gia Phong trào Chống chiến tranh, chống chủ nghĩa phát xít và gia nhập Đảng Cộng sản Australia năm 1935. Từ năm 1946 đến năm 1955, Len Fox làm việc cho báo Tribune, một tờ báo của Đảng Cộng sản Australia.

Còn Mona Brand (1915 – 2007) là nhà thơ, nhà văn, nhà báo và nhà viết kịch “nổi tiếng vô danh”, có nhiều đóng góp cho New Theater, một công ty sân khấu cánh tả cấp tiến ra đời năm 1935 ở Australia. New Theater sử dụng sân khấu ‘như một vũ khí’ trong cuộc đấu tranh chống cường quyền. Cả Len Fox và Mona Brand đều là những người sáng lập Hiệp hội Thổ dân Australia năm 1967 và suốt đời tích cực đấu tranh cho quyền lợi của người bản địa.

Năm 1956, qua sự giới thiệu của nhà báo Australia danh tiếng là Wilfred Burchett đang công tác ở Việt Nam, Len Fox được mời sang Việt Nam và Mona Brand đã “tháp tùng” ông. Ngoài việc làm báo và sáng tác, cả Len Fox và Mona Brand đều tham gia dạy tiếng Anh cho cán bộ Việt Nam và đào tạo nghiệp vụ cho phát thanh viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Trong hai năm ở Việt Nam, họ đã có dịp gặp chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội.

Năm 1958 Fox và Brand rời Hà Nội trở về Australia. Fox làm việc cho báo Common Cause, một tờ báo của Liên đoàn công nhân mỏ và năm 1960 làm tổng biên tập. Từ năm 1970, ông nghỉ hưu và chuyên viết sách. Còn Mona Brand tiếp tục sáng tác và dàn dựng kịch cho New Theater. Vở kịch On Stage Vietnam – Trên sân khấu Việt Nam (1967) của bà là một tác phẩm đặc biệt của sân khấu Australia và là một trong những tác phẩm sân khấu quốc tế sớm nhất chỉ trích Chiến tranh Việt Nam và phản ánh cuộc sống xây dựng đất nước sau chiến tranh của người dân Việt Nam mà bà được tận mắt chứng kiến.

Trong cuốn tự truyện Enough Blue Sky, xuất bản năm 1995, Mona Brand cho biết lý do bà viết vở kịch On Stage Vietnam là “Năm 1966, tuy cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra một số cuộc biểu tình phản đối lớn ở Australia, nhưng vẫn còn có rất nhiều người tán thành việc Chính phủ chúng ta ủng hộ cuộc chiến. Là người sống ở Việt Nam, tôi nhận thấy nếu tôi có thể chia sẻ một số hiểu biết của mình thì người khác sẽ hiểu rõ hơn tại sao đây là cuộc chiến mà Australia không nên can dự.”

Len Fox đã xuất bản 38 cuốn sách, trong đó có 3 cuốn về Việt Nam: Chung of Vietnam (1957), Friendly Vietnam (1958), và Vietnam Neighbors. Poems (1966). Còn Mona Brand đã viết 39 vở kịch, tất cả đều liên quan đến chính trị, đều được xuất bản và dàn dựng ở nhiều nước châu Âu và Ấn Độ. Ngoài ra Mona Brand còn sáng tác thơ và viết truyện với tập truyện Daughters of Vietnam, được Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1958.

Bên cạnh các sáng tác của mình, trong hai năm ở Việt Nam, Len Fox và Mona Brand còn sưu tập nhiều tranh, ảnh và áp phích ghi lại cuộc sống hàng ngày của người dân miền Bắc Việt Nam sau giải phóng. Những tư liệu này đã được ông bà hiến tặng cho thư viên công cộng bang New South Wales. Từ bộ sưu tập này, tháng 9/2020, Thư viện bang New South Wales đã tổ chức trưng bày triển lãm 68 tranh cổ động Việt Nam được sáng tác từ 1952-1961.

Để ghi nhận đóng góp của Mona Brand cho sân khấu nước nhà, tháng 11.2016, Thư viện Tiểu bang New South Wales đã công bố Giải thưởng Mona Brand trị giá 40.000 USD dành cho nữ biên kịch sân khấu và màn ảnh, giải thưởng duy nhất thuộc loại này ở Australia được trao hai năm một lần lấy từ số tiền bản quyền các vở kịch của Mona Brand.

Dick Diamond và Lilian Diamond

Richard Frank (Dick) Diamond (1906–1989) là nhà viết kịch và nhà báo, sinh ở Anh và di cư sang Australia năm 1914. Sau khi được đào tạo chính quy, Dick Diamond làm phóng viên cho các tạp chí nhỏ, phát triển mối quan tâm đến điện ảnh, sân khấu và chính trị cánh tả. Năm 1934, ông kết hôn với Lilian Frances Rembelinker, một nữ thư ký. Cả hai đều gia nhập Đảng Cộng sản Australia và hoạt động tích cực trong Nhà hát Hành động Tuổi trẻ.

Năm 1956 Diamond được mời tới Việt Nam. Một năm sau Lilian cũng sang Hà Nội đoàn tụ với Diamond. Hai người dạy tiếng Anh và giúp đỡ các cán bộ Việt Nam xây dựng chương trình phát thanh tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Phát thanh viên tiếng Anh lão thành của đài tiếng nói Việt Nam, Nguyễn Thị Ngọ, cho biết “Người thầy đầu tiên có công lớn đào tạo tôi trong công tác phát thanh là một chuyên gia Australia, ông Dick Diamond và vợ là bà Lilian Diamond.”[8]

Về sáng tác, Diamond có viết cuốn tiểu thuyết The Walls Are Down, được Tran Manh Tuyen minh họa, Len Fox thiết kế bìa và Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1958. Năm 1962 Diamond trở lại Australia và làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng và biên tập. Ông qua đời vào ngày 9 tháng 2 năm 1989 tại Balgowlah.

Malcolm Salmon và Lorraine Salmon

Malcolm Salmon (1925-1986) là nhà báo của báo Tribune, một tờ báo của Đảng Cộng sản Australia và biên tập viên của báo The Guardian. Malcolm Salmon gia nhập Đảng Cộng sản khối Liên hiệp Anh từ năm 1950. Còn Lorraine Salmon (1910-1970), có tên khác: Lorraine Barnett, là một nữ doanh nhân, thành viên lâu năm của Đảng Cộng sản Australia, từng làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng và quảng cáo sau khi trở thành người viết kịch bản cho Ủy ban Phát thanh Truyền hình Australia trong Thế chiến thứ hai. Từ năm 1952 đến 1958 bà làm thư ký Ủy ban Bình đẳng cho Nghệ sĩ.

Năm 1957, Malcolm Salmon và Lorraine Barnett kết hôn. Tháng 3 năm 1958, Malcolm Salmon được cử sang Hà Nội và Lorraine “tháp tùng” ông. Ngoài việc viết bài cho báo, đài của Australia, Malcolm và Lorraine dạy tiếng Anh và làm việc cho ban tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Malcolm là một trong số ít nhà báo phương Tây, có dịp phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11.3.1960 và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 11.6.1960.

Giữa năm 1960 Lorraine phải trở về Australia vì lý do sức khỏe. Đến tháng 11 năm đó Malcolm cũng rời Việt Nam. Nhưng tháng 4-5.1967 Malcolm lại đến miền Bắc Việt Nam và Campuchia với tư cách là phóng viên của báo Tribune. Lorraine qua đời ở Victoria năm 1970. Đầu năm 1974 đến tháng 10.1975, Salmon cùng gia đình mới trở lại làm việc ở Việt Nam và phần lớn thời gian này ông đóng góp thường xuyên cho Tạp chí Kinh tế Viễn Đông

Bên cạnh việc viết báo, Malcolm Salmon còn viết sách và xuất bản 3 cuốn sách về Việt Nam: Focus on Indo-China (1961, North Vietnam: a first-hand account of the blitz (1969), và The Vietnam-Kampuchea-China conflicts (1979). Ngoài ra ông còn dịch cuốn sách Contribution a l’histoire de la country vietnamienne (1954) của sử gia người Pháp Jean Chesneaux ra tiếng Anh. Còn Lorraine ngoài việc làm một nhà báo tự do đã cùng với Malcolm Salmon dạy tiếng Anh và cộng tác với chương trình tiếng Anh của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Bà đã viết cuốn sách Pig follows Dog; Two Years in Vietnam, được nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1960.

Ngoài những người Australia được biết trên đây, còn có một đảng viên đảng Cộng sản New Zealand, là Freda Cook (1896-1990), cũng đến Việt Nam khi đã ở tuổi 64. Sinh ra ở Anh năm 1896, Freda Cook di cư sang New Zealand năm 1924. Năm 1929 bà kết hôn với Eric Kingsley Cook, một người có cùng chí hướng và từ năm 1931 cả hai đều là thành viên của Liên minh chống Phát xít. Năm 1934, Freda gia nhập Đảng Cộng sản. Freda tích cực hoạt động trong phong trào chống phát xít, là thành viên của Liên minh Chống Chủ nghĩa tư bản, và đòi độc lập cho Ấn Độ.

Năm 1960, Freda Cook được chính phủ Việt Nam mời làm giảng viên chính thức cho khoa tiếng Anh trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Không chỉ giảng dạy, Freda còn làm “informant” để ghi âm tiếng Anh cho học viên của khoa luyện tập. Một trong những “bóng rợp từ điển” và là người xây dựng khoa tiếng Anh của trường là Phạm Duy Trong kể “Bài nghe thì dùng chiếc máy ghi âm Revere do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng để thu tiếng của ông bà Malcolm và bà Freda Cook, chuyên gia người Australia và New Zealand sang giúp ta.”[9] Cũng như Wilfred Burchett, trong hai năm 1965 & 1966, Freda Cook viết nhiều bài báo tiếng Anh về Việt Nam cho tờ Tạp chí Eastern Horizon ở Hồng Kong.  

Năm 1968 Freda trở về New Zealand để tham dự hội nghị Hòa bình, Quyền lực và Chính trị ở Asia tổ chức ở Wellington với tham luận từ thực tiễn Việt Nam. Chiến tranh trở nên khốc liệt hơn khiến bà không thể trở lại Việt Nam. Ở lại New Zealand, Freda tham gia phong trào phản đối chiến tranh và là thành viên của Ủy ban về Việt Nam. Mãi đến năm 1974 Freda mới có dịp trở lại và năm 1976, bà được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời sang thăm Việt Nam.

Trong một bài viết đăng trên báo Vietnamnews, nguyên tổng biên tập báo Việt Nam News, Nguyễn Khuyến, cho biết: “Freda không bao giờ nói không khi cần bà giúp đỡ. Ngoài những khóa học thường xuyên, cùng với trưởng khoa tiếng Anh, Đặng Chấn Liêu và các giáo viên khác, bà như con thoi giữa các lớp đặc biệt và các lớp đột xuất được tổ chức cho các cán bộ của chính phủ, quân đội và an ninh… Những nguyên tắc hòa bình và công lý mà bà đề cao suốt cuộc đời vùng với tình yêu thương con người và niềm tin vững chắc vào quyền được sống hòa bình tự do của họ đã khắc ghi tên tuổi của bà trong trái tim nhiều người Việt nam.”[10] Còn Freda cho rằng thời gian làm việc ở Việt Nam của bà “Ấn tượng, thú vị và đẹp nhất trong cuộc đời, sau thời gian tại Phong trào Lao động Thất nghiệp ở Nes Zealand”.

Như vậy, Aileen Palmer không thuộc trong số những người được mời sang công tác ở Việt Nam như dịch giả Thúy Toàn đã viết.

2.            Aileen Palmer, chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình, nhà thơ của lương tâm

Aileen Palmer tên đầy đủ là Aileen Aileen Yvonne Palmer, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1915 ở London trong một gia đình trung lưu người Australia và lớn lên trong một môi trường tri thức cánh tả cấp tiến. Mẹ bà là Janet Gertrude Higgins (Nettie) và bố là Edward Vivian Palmer (Vance), hai nhà văn nổi tiếng của Australia lúc bấy giờ.

Tròn nửa tuổi, Aileen Palmer cùng bố mẹ rời Anh trở về Australia. Năm 1929 Aileen vào học trường Presbyterian dành cho nữ sinh thuộc Đại học Melbourne. Khi còn là sinh viên, Aileen Palmer đã tham gia Câu lạc bộ Lao động của Đại học Melbourne, Hội Nhà văn cánh tả Victoria và năm 1932 gia nhập Đảng Cộng sản Australia. Năm 1935 Aileen tốt nghiệp xuất sắc ngành ngôn ngữ và văn học Pháp cùng với bằng về tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italia, những ngôn ngữ gắn với công việc của bà trong những năm kế tiếp đầy sóng gió. 

Cũng năm đó, cuộc đời Aileen Palmer có một bước ngoặt lớn khi được đi du lịch cùng gia đình tới một số thành phố lớn ở châu Âu, trước tiên tới London, nơi Aileen cất tiếng khóc chào đời 20 năm trước. Bên cạnh khám phá các bảo tàng và nhà triển lãm, Aileen Palmer đã tham dự các buổi diễn thuyết, các cuộc biểu tình chống phát xít ở London.

Tháng 5.1936 Aileen đi cùng bố mẹ đến Tây Ban Nha. Aileen đã gặp gỡ những người trẻ tích cực hoạt động chính trị và tham gia phong trào chống Phát xít ở Barcelona. Nhờ biết nhiều thứ tiếng và mang tư tưởng cánh tả, Aileen được nhận làm phiên dịch cho Thế vận hội Đại chúng (Olimpiada Popular), một sự kiện của phe cánh tả dự định sẽ diễn ra ở Barcelona từ 19.7 đến 26.7.1936 như một phản ứng chống lại Thế vận hội của Đức quốc xã được tổ chức tại Berlin vào tháng 8 cùng năm. Nhưng Đại hội đã không diễn ra vì cuộc nổi dậy của tướng Francisco Franco chống lại chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha và Aileen phải miễn cưỡng cùng với bố mẹ rời Tây Ban Nha trở về London.

Ngay sau khi trở lại London, Aileen làm việc không mệt mỏi cho Đội Hỗ trợ Y tế cho Tây Ban Nha mới được thành lập của Anh. Nhưng, chưa đầy một tháng ở London, Aileen lại lên đường đến Tây Ban Nha với tư cách là phiên dịch của Đội Y tế Anh sang giúp Tây Ban Nha. Mặc dù không được đào tạo về y tế, song kinh nghiệm phục vụ ở Barcelona trước đó và sự thông thạo tiếng Tây Ban Nha đã giúp Aileen được lựa chọn.

Trở lại Tây Ban Nha, Aileen đã làm việc 3 tháng ở mặt trận Aragon. Bà thường có mặt trên xe cứu thương vận chuyển và cứu chữa những người lính bị thương vì ngoài người Anh và người Tây Ban Nha, còn có quân tình nguyện Pháp, Ý và Đức. Bà phiên dịch cho các bác sĩ và bệnh nhân trong bệnh viện, hoặc “đóng gói và gửi những gói đồ đạc của những người đã chết về nhà cho họ.”

Tháng 3.1939, phe Cộng hòa bị đánh bại, nhà độc tài Franco lập nên chính phủ quân chủ ở Tây Ban Nha. Một lần nữa Aileen buộc phải trở lại London và làm việc cho một trạm cứu thương trong Thế chiến thứ hai, sau đó cho Australia House ở Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc. Năm 1945, nhận được tin mẹ bị ốm nặng, Aileen Palmer miễn cưỡng trở về Australia.

Sau hơn một thập kỷ ở châu Âu trở về, Aileen Palmer cảm thấy xa lạ như “một người nước ngoài” ở quê nhà Australia. Sau gần hai năm làm quen với cuộc sống mới, Aileen bắt đầu trở lại với việc sáng tác và làm diễn giả các buổi nói chuyện về thơ ca của một số nhà thơ cộng sản: Luis Aragon, John Cornford, John Manifold. Bà tự nhận mình là “a poet of conscience” (nhà thơ của lương tâm). Nhưng không lâu sau, vào tháng ba năm 1948, bà bị suy sụp về tinh thần và buộc phải vào bệnh viện.

Kể từ đó trở đi Aileen phải ra, vào bệnh viện nhiều lần để chữa trị bệnh thần kinh, hệ quả của thời gian xông xáo ngoài mặt trận ở Tây Ban Nha và ở London trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Trong những khoảng thời gian sung sức, bà theo đuổi hai niềm đam mê: hoạt động chính trị và làm thơ. Bà hướng năng lượng của mình nhiều hơn vào các hoạt động vì hòa bình thế giới, đặc biệt là đấu tranh cấm bom nguyên tử và chống phát triển vũ khí hạt nhân.

Tháng 8.1957, Aileen được mời tham dự Hội nghị thế giới lần thứ 3 về chống vũ khí A&H tổ chức ở  Tokyo. Tại đây, bà giúp phiên dịch cho các đại biểu nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Sau khi đến thăm Hiroshima và Nagasaki bà đã sáng tác một số bài thơ, và tạp chí Meanjin sau đó đã in một trong những bài thơ có tên “Vùng đất chết” của bà. Sau Nhật Bản, Aileen Palmer cũng được mời đến thăm Trung Quốc cùng với năm đại biểu người Australia khác.

Vào những năm 1960, Aileen là người tích cực phản đối Chiến tranh Việt Nam. Bà từng nói với nhà văn Australia, người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Australia, cố vấn lâu năm của bà là Katharine Susannah Prichard, rằng: “Việt Nam là Tây Ban Nha của thời điểm hiện giờ”. Cũng trong thời gian này Aileen bắt đầu “bén duyên” với Việt Nam. Thông qua hai người đồng chí trong đảng Cộng sản Australia sang giúp Việt Nam là vợ chồng nhà báo Malcolm Salmon, Aileen đã thực hiện hai bản dịch thơ của hai nhà thơ nổi tiếng Việt Nam là Hồ Chí Minh và Tố Hữu.

Ba năm sau, năm 1962, Aileen hoàn thành bản dịch Prison Diary của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản dịch tiếng Anh gồm 101 bài thơ được tuyển chọn từ 133 bài thơ trong nguyên tác “Ngục Trung Nhật ký”. “Aileen đã được nhà xuất bản Ngoại văn cung cấp một bản dịch nghĩa đen từng từ của các bài thơ từ tiếng Hán sang tiếng Anh và được yêu cầu cung cấp một bản dịch thơ bằng tiếng Anh. Mặc dù Aileen không thực sự hài lòng về “chất thơ” trong bản dịch tiếng Anh của mình và coi đây chỉ là một bản “diễn giải” (rendering) hơn là một bản dịch thơ theo đúng nghĩa của từ này. Bởi lẽ, như bà viết cho Salmons, người làm cầu nối giữa Nhà xuất bản Ngoại văn với bà: “Để có được một tác phẩm thực sự tốt tôi phải hiểu vần điệu của bản gốc, điều mà bạn không thể biết, trừ khi bạn biết ngôn ngữ (tiếng Hán – VXQ) khá tốt.”          

Tuy nhiên, sự sáng rõ, khúc chiết trong câu thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh đã tạo ra một nhạc điệu đặc biệt của riêng nó. Ngay sau khi xuất bản, Prison Diary đã được độc giả trên khắp thế giới nồng nhiệt đón nhận và góp phần đưa danh tiếng của Aileen Palmer vang xa hơn nhiều so với bản dịch trước đó. Và Prison Diary đã được nhiều dịch giả dùng làm bản nguồn để dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài khác và được xuất bản lại ở nhiều nước, đáng chú ý nhất là lần xuất bản đầu tiên ở Mỹ năm 1971 với tựa đề The Prison Diary of Ho Chi Minh. Ngoài ra, nhiều bài thơ từ bản dịch Prison Diary cũng được in lại trong các tác phẩm khác viết về Hồ Chí Minh. Chẳng hạn như trong sách “Ho Chí Minh: a biographical introduction”, tác giả Charles Fenn đã in tới 21 bài thơ từ Prison Diary, trong đó có 12 bài mở đầu cho 12 chương và 9 bài in ở Phụ lục của cuốn sách[11].

Đáng chú ý, Prison Diary đã tạo nguồn cảm hứng cho hai nhạc sĩ Phil Minton và Veryan Weston sáng tác bản hợp xướng “Songs From A Prison Diary” được nhóm “Voices from Somewhere” trình diễn tại Festival Âm nhạc Strasbourg tháng 10 năm 1991. Bản hợp xướng đã được trao giải thưởng Cornelius Cardew và được ghi âm tại chỗ trong buổi trình diễn thứ hai, sau đó làm thành đĩa CD và phát hành năm 1993 ở Anh[12]. Một số bài trong bản dịch này còn được ghi âm vào đĩa CMS audiobook “Poetry Of Ho Chi Minh – The Prison Diary” qua giọng đọc của Martin Donegan, phát hành năm 1970[13].

Ngoài hai bản dịch thơ Việt Nam, năm 1964 Aileen Palmer cho xuất bản một tập thơ với tựa đề Thế giới không có người lạ? (World Without Strangers?) tập hợp các bài thơ được bà sáng tác rải rác trong nhiều năm với những bài thơ đã đăng trước đó trên các tạp chí, như Overland, Southerly, MeanjinThe Realist cũng như các bản dịch của các nhà thơ bà yêu thích: Aragon, Heine, Pushkin và nhà thơ Cuba, Nicolás Guillén. Gần đây, một số bài thơ của Aileen Palmer còn được in trong tuyển tập thơ của những tình nguyện viên thuộc Lữ đoàn Quốc tế ở Tây Ban Nha.

Trong bốn thập kỷ cuối đời (từ 1948-1988) Aileen Palmer đã phải vật lộn với những tổn thương về tâm lý và tinh thần do những trải nghiệm mà bà đã chịu đựng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha và chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Điều đó được thể hiện trong tập thơ Thế giới không có người lạ? của bà và đúng như tác giả Campamà-Pizarro đã viết: “thơ của Aileen Palmer đã trở thành phương tiện mà qua đó bà có thể bày tỏ quan điểm của mình về những điều phi lý đang diễn ra trong các cuộc xung đột trên thế giới. Trên thực tế, thơ của bà đã trở thành một công cụ chính trị để bà có thể định vị bản thân mình.”

Aileen Palmer qua đời một cách lặng lẽ ngày 21.12.1988 ở tuổi 73 tại một trạm điều trị tâm thần nhỏ ở Ballarat, bang Victoria. Nghe tin Aileen qua đời không có lời ai điếu, nhà thơ Colleen Z. Burke đã sáng tác một bài thơ bày tỏ sự ngưỡng mộ thơ ca và hoạt động của bà trên báo Southerly với tiêu đề “No Words”. Năm năm sau, tháng 12.1993, tại buổi lễ tưởng niệm những người Australia từng phục vụ trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha tổ chức ở Canberra, Len Fox (lúc này đã 88 tuổi) một cựu “đồng chí” của Aileen Palmer đã đọc bài thơ “Danger is never danger” lạc quan nổi tiếng của bà. Bài thơ ba khổ, với khổ mở đầu:

Nguy hiểm chẳng bao giờ nguy hiểm

cho tới khi máu đổ trên đường

là máu của trái tim anh đang khóc:

người yêu anh tìm đến gặp lúc này…

Phụ lục

Thông tin về 8 bản dịch “Nhật ký trong tù” được in bằng tiếng Anh:

  1. Prison Diary, Aileen Palmer dịch, Hanoi, Foreign Languages Publishing House 1962, 96 trang, dịch 101 bài

  2. Poems Written While In Prison, Kenesth Rexroth dịch 20 bài, In trong tạp chí Avant Garde, số 3, năm 1968

  3. Eleven Prison Poems by Ho Chi Minh, Burton Raffel dịch,in trong sách From the Vietnamese : ten centuries ofpoetry, New York : October House Inc. 1968

  4. Ho Chi Minh in Prison, lan McLanchlan dịch 14 bài, In trong Tạp chí Malahat Review, số 43, tháng 7-1977.

  5. Ho Chi Minh, Prison Diary, Christopher Jenkins, Trần Khánh Tuyết và Huỳnh Sanh Thông dịch, in trong sách: Reflections from captivity : Phan Boi Chau’s “Prison Notes” and Ho Chi Minh’s “Prison Diary.” Athens: Ohio University Press, 1978. 113 trang

  6. From the Frison Quatrains of Ho Chi Minh, John Birtwhistle dịch 18 bài in trong sách Our Worst Suspicions, Anvil Press Poetry 1985.

  7. Prison Diary, Đặng Thế Bính dịch, Foreign Languages Publishing House, Hanoi 1972 (Fifth Edition), 134 trang

  8. Poems from the Prison Diary of Ho Chi Minh, Steve Bradbury dịch từ chữ Hán, Tinfish Press xuất bản, 2004, 33 trang.

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Silvia Martin, Ink in her veins: the troubled life of Aileen Palmer, UWAP Publishing 2016.

  2. Salmon family – Malcolm Salmon – papers, 1927-1986, The Australian Women’s Archives Project

  3. Australian Dictionary of Biography (https://awhf.wordpress.com/2008/02/12/aileen-palmer-1915-88/)

  4. Marcos Rodríguez-Espinosa, The Forgotten Contribution of Women Translators in International Sanitary Units and Relief Organizations During and in the Aftermath of the Spanish Civil War, in  : Current Trends in Translation Teaching and Learning E, pp 348 – 394.

  5. People Australia (https://peopleaustralia.anu.edu.au/biography/fox-leonard-phillips-len-22028)

  6. Angela O’Brien, Theatre of the Old Wave: Mona Brand’s On Stage Vietnam, in: Double Dialogues, Issue 11, Winter 2009 (https://doubledialogues.com/article/theatre-of-the-old-wave-mona-brands-on-stage-vietnam/)

  7. The Encyclopedia of New Zealand (https://teara.govt.nz/enbiographies/4c30/cook-freda-mary)


[1] Thông tin chi tiết về các bản dịch này xin xem ở phần phụ lục cuối bài.

[2] Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, Viện Văn học, Nhà xuất bản Văn hóa 1960

[3] Jenner, William J. F., and JENNER [sic] (AKA). “The Poet Ho”, The Times Literary Supplement, no. 3329, 16 Dec. 1965, p. 1171

[4] Henry Raymont, The New York Times, July 8, 1971

[5] Thúy Toàn, Đi tìm tác giả những bản dịch “Nhật ký trong tù” sang tiếng Anh, báo Công An nhân dân online, Thứ Năm, 22/05/2008 (https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Di-tim-tac-gia-nhung-ban-dichNhat-ky-trong-tu-sang-tieng-Anh-i326409/)

[6] Thúy Toàn, Sức lan tỏa của Nhật ký trong tù, Tạp chí Văn Nghệ Đất Tổ, đăng ngày 10/17/2013.

[7] Nguyễn Thị Như Trang, Nhật ký trong tù hành trình đến với độc giả Nga và phương Tây, Văn nghệ Quân đội số 1032, đăng online 14/04/2024 (http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/nhat-ki-trong-tu-hanh-trinh-den-voi-doc-gia-nga-va-phuong-tay_15784.html)

[8] https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/hoi-uc-cua-ptv-huyen-thoai-trinh-thi-ngo-ve-thoi-gian-lam-viec-o-vov-555956.vov.

[9] Việt Đông, Còn đó một bóng rợp từ điển… (https://cand.com.vn/Xa-hoi/Con-do-mot-bong-rop-tu-dien%E2%80%A6-i119886/)

[10] Nguyễn Khuyến, Freda Cook – enshrined in many Vietnamese hearts (https://vietnamnews.vn/life-style/418119/freda-cook-enshrined-in-many-vietnamese-hearts.html)

[11] Charles Fenn, Ho Chi Minh: A biographical introduction, Studio Vista London, 1973.

[12] Sóng from a Prison, Phil Minton & Veryan Weston, Voices from Somewhere, 1993

[13] Poetry Of Ho Chi Minh – The Prison Diary, 1970 (https://www.discogs.com/release/8629629-Ho-Chi-Minh-Poetry-Of-Ho-Chi-Minh-The-Prison-Diary)

Võ Xuân Quế

Bài đã đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân đội số 1037, ngày 20.05.2024

NHẬT KÝ TRONG TÙ bằng tiếng nước ngoài và một số bản dịch chưa được biết đến ở Việt Nam

Cho đến nay có thể nói Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh là hai trong số những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Thế nhưng, cho đến nay số ngôn ngữ đã dịch và số bản dịch được xuất bản của hai tác phẩm này vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ và thống nhất.

Với Nhật ký trong tù phần lớn các bài viết đề cập đến vấn đề này đều có chung nhận định: Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh đã được dịch ra “hàng chục tiếng nước ngoài”. Một số ít tác giả đưa ra số lượng và kể tên các ngôn ngữ đã có bản dịch, song số lượng giữa các tác giả không thống nhất, ngay cả trong cùng một thời gian công bố.

Để góp phần bổ khuyết cho tình trạng nêu trên và hiểu rõ hơn giá trị và sức lan tỏa của tác phẩm Nhật ký trong tù trên thế giới, chúng tôi đã tiến hành sưu tầm và giới thiệu các bản dịch Nhật ký trong tù ra các ngôn ngữ nước ngoài. Theo tìm hiểu và sưu tầm bước đầu của mình, kết hợp với sưu tầm của một số tác giả đi trước, chúng tôi được biết Nhật ký trong tù đã được dịch ra ít nhất 36 ngôn ngữ/ chữ viết nước ngoài.

Các ngôn ngữ đó (xếp theo thứ tự chữ cái a,b,c) là: Ả Rập, Anbani, Anh, Ba Lan, Ba Tư, Basque, Belarus, Bengali (Bangladesh, Ấn Độ) Bồ Đào Nha, Croatia, Czech, Đan Mạch, Đức, Esperanto, Galicia, Hàn Quốc, Hebrew, Hindi, Hungary, Hy Lạp, Italia, Kazakh, Lào, Malayalam (Ấn Độ), Mianma, Mông Cổ, Na Uy, Nga, Nhật, Pháp, Phần Lan, Rumani, Slovak, Sinhala (Sri Lanka), Tây Ban Nha, Thụy Điển, Uzbek.

Trong số các ngôn ngữ kể trên, chỉ tính những bản dịch được in thành sách hay in riêng, có 8 ngôn ngữ đã có 2 bản dịch là: Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Slovak, Thụy Điển, Lào; 4 ngôn ngữ có 3 bản dịch là: Sinhala, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Czeck; 1 ngôn ngữ có 4 bản dịch là tiếng Bengali và 1 ngôn ngữ có 6 bản dịch là tiếng Anh.

  • Một số bản dịch Nhật ký trong tù sang chữ nước ngoài chưa được biết

Bên cạnh các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Phần Lan và bằng tiếng Na Uy mà chúng tôi đã giới thiệu trong hai bài viết năm 2020  và năm 2021, hai bản dịch bằng tiếng Hebrew và tiếng Galicia (được chúng tôi giới thiệu năm 2023), còn có một số bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài khác cũng chưa được sưu tầm và giới thiệu ở Việt Nam. Đó là các bản dịch tiếng Bengali, tiếng Malayalam, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Basque.

Tiếng Bengali (hay Bangla) là ngôn ngữ thuộc chi đông Ấn-Aryan với khoảng 265 triệu người nói, chủ yếu ở Bangladesh (159 triệu) và miền bắc Ấn Độ (104 triệu). Tiếng Bengali là ngôn ngữ quốc gia duy nhất của Bangladesh. Ở Ấn Độ tiếng Bengali là một trong 22 ngôn ngữ chính thức được hiến pháp công nhận và là ngôn ngữ chính thức của các bang Tây Bengal, Tripura, Assam, và Jharkhand. Ngoài ra tiếng Bengali cũng được công nhận là ngôn ngữ thứ hai ở Karachi (Pakistan).

Cho đến nay đã có 4 bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Bengali, trong đó có 3 bản được dịch và xuất bản ở Bangladesh và 1 bản được xuất bản ở Ấn Độ.

Ba bản dịch được xuất bản ở Bangladesh là: কারাগারের দিনলিপি (Nhật ký trong tù) do Ovinu Kibria Islam (sinh năm 1986) dịch, gồm 120 trang,  được nhà xuất bản Văn học Quốc gia xuất bản năm 2012. Bản dịch này đã được biết đến ở Việt Nam, tuy nhiên tên dịch giả Ovinu Kibria Islam bị viết nhầm thành Ovinu Bibria Islam. Bản dịch thứ hai có tiêu đề কারাগারের কাব্য (Thơ viết trong tù), 96 trang, do Munir Siraj (sinh năm 1946) dịch, Annow Prokash xuất bản năm 2017 và bản dịch thứ ba হো চি মিনের কবিতা (Thơ Hồ Chí Minh) gồm 32 trang, do Shamsur Rahman (1929 – 2006) dịch, Charulipi xuất bản năm 2017. Cả ba bản dịch trên đều được dịch từ bản dịch tiếng Anh của Aileen Palmer.

Còn bản dịch thứ tư gồm 104 trang được nhà xuất bản Monfakira xuất bản năm 2013 ở Calcuta (Ấn Độ). Bản dịch do nhà thơ, dịch giả Priyadarsi Mukherji (sinh năm 1962) dịch trực tiếp từ nguyên bản chữ Hán sang thơ tiếng Bengali với tiêu đề Ho Chi MinhPrison Diary during his captivity in China. Mới đây dịch giả Priyadarsi Mukherji. một nhà Trung Quốc học hiện đang giảng dạy ở Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) đã chia sẻ với chúng tôi về việc dịch tác phẩm này trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Văn Nghệ Công an số Xuân 2024.

Nhật ký trong tù bằng tiếng Malayalam: മിന്‍, ഹോ ചി, ജയില്‍ ഡയറി “Ho chi minh, jail diary” do nhà thơ Koyamparambath Satchidanandan dịch, được Granthashala Sahakarana Sangam xuất bản lần đầu tiên năm 1976 ở Kerala. Sau đó bản dịch đã được các nhà xuất bản khác nhau ở Ấn Độ tái bản 6 lần vào các năm 1982, 1991, 1998, 2004, 2005 và 2021.

“Ho chi minh jail diary” được thực hiện dựa trên bản nguồn tiếng Anh “The Prison Diary of Ho Chi Minh” do Bantam Book xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1971. Bản dịch xuất bản lần đầu tiên gồm 88 trang, với 101 bài thơ và lời giới thiệu của dịch giả. Riêng bản in năm 1991 do Kozhikode: Madonna Books xuất bản chỉ có 61 trang, còn bản in năm 2021 do Mavelikkara: Fabian Books xuất bản dày 125 trang.

Dịch giả K. Sachidanandan (Malayalam: കെ സച്ചിദാനന്ദൻ) sinh năm 1946, là nhà thơ và nhà phê bình nổi tiếng người Ấn Độ, viết bằng tiếng Malayalam và tiếng Anh, nguyên biên tập viên của Tạp chí Văn học Ấn Độ và Thư ký của Sahitya Akademi (Viện Hàn lâm Văn học Ấn Độ). Là người tiên phong về thơ hiện đại Malayalam, K. Sachidanandan cũng là một trong những nhà thơ đương đại lớn nhất ở Ấn Độ với 60 tác phẩm bằng tiếng Malayalam, trong đó có 21 tập thơ và 32 tập thơ được dịch ra 18 thứ tiếng khác.

Sachidanandan đã giành được 35 giải thưởng cho sự đóng góp văn học của mình, trong đó có 5 giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Ấn Độ cho 5 thể loại khác nhau và nhiều giải thưởng quốc gia khác. Ông được Chính phủ Ba Lan trao tặng Huân chương Hữu nghị Ấn Độ-Ba Lan năm 2005 và năm 2006 được chính phủ Italia phong tước Hiệp sĩ và Huân chương Dante của Viện Dante. Năm 2011, tên ông được đưa vào danh sách Ladbroke có khả năng đoạt giải Nobel Văn học. Năm nay K. Sachidanandan bước vào tuổi 78 và hiện sống cùng gia đình ở New Delhi.

Ở Ấn Độ, ngoài bản dịch tiếng Malayalam và tiếng Bengali, cón có một bản Nhật ký trong tù bằng tiếng Hindi. Bản dịch có tựa đề हो ची मिन्ह, जेल डायरी (Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù) do Anuvadak Satyavrat dịch, nhà xuất bản Lucknow Pariksha Prakashan xuất bản năm 2006. Bản dịch dày 134 trang, song chúng tôi chưa sưu tầm được bản in nên không biết được bản dịch được thực hiện dựa trên bản nguồn nào và gồm bao nhiêu bài thơ được dịch.

  • Những bản dịch đã được biết, song chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác

Đó là các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Thụy Điển và tiếng Basque.

Có lẽ cho đến nay, chúng ta chỉ mới biết được Nhật ký trong tù bằng tiếng Tây Ban Nha qua bản dịch “Diario de prisión” của Felix Pita Rodriguez, do Coleccion cocuyo, Instituto Del Libro/La Habana, xuất bản năm 1970. Tuy nhiên, Nhật ký trong tù tiếng Tây Ban Nha còn có 2 bản dịch khác, được xuất bản trước và sau bản dịch của Felix Pita Rodriguez (1909 – 1990), nhà thơ Cu Ba đã từng gặp chủ tịch Hồ Chí Minh và là tác giả bài thơ nổi tiếng “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”.

Một bản có tiêu đề “Cuadernos de la cárcel. Poemas” (Nhật ký trong tù. Thơ) do Emilio Jáuregui dịch, La rosa blindada xuất bản ở Buenos Aires năm 1968. Bản dịch được thực hiện dựa trên bản dịch tiếng Pháp “Carnet de Prision” của Phan Nhuận, do nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1965. Bản dịch dày 114 trang gồm 101 bài thơ và in lại lời nói đầu trong bản dịch của Phan Nhuận.

Dịch giả, nhà thơ Emilo Jáuregui (1940-1969) là người Argentina, từng là Tổng thư ký Liên đoàn Báo chí Argentina, từng học ở đại học Sorbonne (Pháp) và đã đến thăm Việt Nam năm 1966. Năm 1969 ông bị cảnh sát của chính phủ độc tài Onganía của Argentina sát hại trong cuộc biểu tình ở thủ đô Buenos Aires chống chuyến thăm của Rockefeller, thống đốc bang New York và là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Argentina ngày 27.6.

Một bản khác có tiêu đề “Diario de prisión” do Ángel Yanguas dịch, Tusquets xuất bản ở Barcelona lần đầu năm 1974, lần thứ hai năm 1977 và lần thứ ba năm 2019. Bản dịch gồm 123 trang với 101 bài thơ dịch và lời giới thiệu của dịch giả. Trong lời giới thiệu, Yanguas cho biết bản dịch được thực hiện dựa trên bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh. Ngoài ra ông còn dẫn một số tài liệu về Hồ Chí Minh và một số bài thơ mà ông tham khảo trong quá trình dịch.

Nhật ký trong tù bằng tiếng Bồ Đào Nha gồm có 2 bản dịch đều được in ở Brazil. Bản dịch thứ nhất có tựa đề “Poemas do cárcere” do Coema Simões & Moniz Bandeira dịch, Laemmert, Rio de Janeiro – Guanabara xuất bản năm 1968. Bản dịch gồm 71 trang in 76 bài thơ được dịch từ bản dịch tiếng Pháp của Phan Nhuận và lời giới thiệu của Moniz Bandeira. Bản được Bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu “Xuất bản tại Bồ Đào Nha năm 1969” chỉ là bản in rônêô lựa chọn 20 bài từ bản dịch này.

Một bản dịch khác có tựa đề “Diário de Prisão de Ho Chi Minh” do Difel xuất bản ở Rio de Janeiro năm 1971. Bản dịch gồm 137 trang, in 101 bài thơ cùng với lời giới thiệu của Harrison E. Salisbury trong bản dịch tiếng Anh “The Prison Diary of Ho Chi Minh” (do Bantam Books xuất bản năm 1971) và Lời nói đầu của Phan Nhuận trong bản dịch tiếng Pháp (1963). Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là bản dịch chỉ ghi “được dịch từ bản dịch tiếng Anh”, mà không ghi tên dịch giả.

Đáng chú ý nhất có lẽ là bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Basque. Mặc dù là ngôn ngữ chỉ có khoảng 1 triệu người nói (ít hơn một số dân tộc thiểu số của Việt Nam) sống chủ yếu ở một vùng đất rộng khoảng 10 ngàn km2 ở Tây Ban Nha và Pháp, song tiếng Basque cũng có một bản dịch Nhật ký trong tù với tựa đề “Gartzelako Egunkaria”. Bản dịch do Iñaki Aramaio dịch trong thời gian ông bị giam ở trong tù, do Susa, một nhà xuất bản chuyên về sách văn học nghệ thuật của xứ Basque, xuất bản năm 1985. Bản dịch gồm 101 bài thơ được dịch sang tiếng Basque dựa trên bản nguồn tiếng Tây Ban Nha “Diario de prisión 101 poemas” của Ángel Yanguas .

Bìa của bản dịch tiếng Basque (trái) và screenshot tư liệu BTHCM (phải)

Một bản in của bản dịch này đã có trong bộ sưu tập các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Song thật đáng tiếc là bản dịch được giới thiệu là “Bản tiếng dân tộc miền nam Liên Xô (cũ)”, không giới thiệu tên dịch giả và tên nhà xuất bản “Susa” cũng bị xác định sai là “Lege Gordailua”.

  • Vài suy nghĩ về việc sưu tầm và giới thiệu các bản dịch Nhật ký trong tù sang tiếng nước ngoài

Có lẽ trong kho tàng văn học Việt Nam chưa có tác phẩm nào được dịch ra tiếng nước ngoài sớm như Nhật ký trong tù. Chỉ 3 tháng sau khi xuất bản bằng chữ Quốc Ngữ  (tháng 5.1960), Nhật ký trong tù bằng tiếng Nga (Тюремный дневник do Павел Антокольский dịch) đã được xuất bản ở Moskva tháng 8.1960 và cuối năm Nhật ký trong tù bằng tiếng Pháp (Journal de Prison, Poèms) cũng được xuất bản ở Hà Nội . Kể từ đó, nhất là sau khi bản dịch tiếng Anh (Prison Diary do Aileen Palmer dịch) được xuất bản năm 1962, Nhật ký trong tù tiếp tục được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài khác và hiện vẫn tiếp tục được dịch, in cũng như đăng tải trên internet .

Nhờ có những bản dịch đó người đọc thuộc các tầng lớp khác nhau trên thế giới biết thêm và hiểu hơn về một con người khác trong Hồ Chí Minh, đồng thời hiểu được vì sao nhà thơ Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, việc sưu tầm, gìới thiệu các bản dịch cũng như dịch giả của các bản dịch đó một cách rộng rãi đến bạn đọc Việt Nam là việc làm có ý nghĩa và cần thiết đối với giới nghiên cứu cũng như những người yêu thích Nhật ký trong tù.

Chúng ta cần giúp cho bạn đọc hiểu được các dịch giả nước ngoài dịch Nhật ký trong tù sang ngôn ngữ của họ không phải chỉ vì cùng chung lý tưởng cách mạng hoặc lý tưởng vì con người mà còn vì sự ngưỡng mộ tài năng nghệ sĩ của Hồ Chí Minh. Điều này có thể thấy được trong lời giới thiệu các bản dịch của nhiều dịch giả. Chẳng hạn: “Tôi dịch Nhật ký trong tù vì đây là những bài thơ hay. Bởi vì tôi ngưỡng mộ cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh” (Pentti Saarikoski, dịch giả bản dịch tiếng Phần Lan). Hay: “Những bài thơ súc tích, ngắn gọn trong Nhật ký trong tù là những kiệt tác nhỏ, mặc dù phần lớn trong số đó được ra đời trong những điều kiện dường như kém thuận lợi nhất cho công việc sáng tạo của nghệ sĩ.” (Maria Kurecka, đồng dịch giả bản dịch tiếng Ba Lan)…

Đã 62 năm kể từ khi Nhật ký trong tù được dịch sang các ngôn ngữ nước ngoài lần đầu tiên và 12 năm được công nhận là “bảo vật quốc gia của Việt Nam”, song việc sưu tầm và giới thiệu các bản dịch Nhật ký trong tù ra tiếng nước ngoài “vẫn chưa đầy đủ và chính xác”, như dịch giả Thúy Toàn từng nhận xét. Thiết nghĩ trong điều kiện công nghệ như hiện nay, tình trạng này không khó khắc phục. Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn, Bảo tàng Hồ Chí Minh là những tổ chức, cơ quan chuyên trách có thế mạnh và điều kiện để thực hiện việc này.

Mặt khác, cùng với việc sưu tầm cần chú trọng tới việc nghiên cứu và giới thiệu các bản dịch cũng như các dịch giả của các bản dịch đó tới bạn đọc Việt Nam. Bởi lẽ việc làm này giúp bạn đọc hiểu rõ hơn sức lan tỏa sâu rộng của tác phẩm Nhật ký trong tù, thấy rõ hơn giá trị của “bảo vật quốc gia” và tầm vóc của danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Võ Xuân Quế

Bài đã đăng trên trang Văn Nghệ Tp Hồ Chí MInh ngày 9.5.2024 tại địa chỉ: https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/nhat-ky-trong-tu-bang-tieng-nuoc-ngoai-va-mot-so-ban-dich-chua-duoc-biet-den-o-viet-nam

Tôi dịch thơ Hồ Chí Minh sang tiếng Anh

John Birtwhistle

Lời người dịch: Trong số khoảng 40 ngôn ngữ nước ngoài đã có bản dịch Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng Anh hiện là ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất với 6 bản dịch được biết đến, đã xuất bản ở Việt Nam, Mỹ, Canada và Anh. Mới đây, chúng tôi tình cờ phát hiện được một phiên bản khác với 18 bài của nhà thơ Anh John Birtwhistle được xuất bản ở Anh năm 1985, sau đó được dùng làm lời trong bản hợp xướng “Rings of Jade” của nhà soạn nhạc David Blake năm 2005, song chưa được biết đến và giới thiệu ở Việt Nam. Để tìm hiểu thêm về phiên bản này cũng như việc dịch của John Birtwhistle, chúng tôi đã liên lạc và trò chuyện với ông qua email. Được sự đồng ý của John Birtwhistle, chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc bài viết dưới đây của ông. Tiêu đề là của người dịch.

Tôi được biết Hồ Chí Minh thường viết thơ chúc Tết mỗi dịp xuân về và lần đầu tiên tôi làm quen với thơ ông là vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Cũng vào dịp Tết năm đó chúng tôi đã xuống đường biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ tại ‘Quảng trường Grosvenor’ ở London ngày 17 tháng 3 nhằm hưởng ứng một cuộc biểu tình toàn cầu đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh chống Việt Nam.

Vào thời gian đó tôi đang sáng tác thơ và tôi tình cờ đọc được những bài thơ sáng tác trong tù của Hồ Chí Minh trong một cuốn sách nhỏ bìa màu xám có tựa đề : Hồ Chí Minh: Prison Diary, do Nhà xuất bản Ngoại văn in ở Hà Nội năm 1962. Người dịch là nhà văn và nhà hoạt động người Australia gốc Anh chống phát xít, Aileen Palmer (1915-1988).

Mười bài trong bản dịch này đã được tờ tạp chí tiến bộ Mỹ The Nation in ngày 6 tháng 5 năm 1968 với tựa đề “Vị lãnh tụ Việt Nam cũng là một nhà thơ” và bài này nay vẫn có thể truy cập được trên mạng. Năm 1971 bản dịch của Palmer đã được Bantam Books xuất bản lần đầu tiên ở Mỹ với lời giới thiệu của nhà báo Mỹ từng đến Việt Nam là Harrison E. Salisbury. Trước đó Palmer đã dịch một số bài thơ của nhà thơ, chính trị gia Tố Hữu, cũng được Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản ở Hà Nội năm 1959.

Tôi còn nhớ Jane Fonda đã từng nói trong buổi phát thanh từ Hà Nội vào năm 1972 : sau bốn nghìn năm chống xâm lược, trong đó có 25 năm chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp gần đây, người Việt Nam không chịu khuất phục; và ‘Tôi nghĩ Richard Nixon nên đọc lịch sử Việt Nam, nhất là thơ của họ, đặc biệt là thơ của Hồ Chí Minh.’

Năm 2016, UWA Publishing xuất bản cuốn tiểu sử về Palmer của Sylvia Martin: Ink in her Veins: The Troubled Life of Aileen Palmer. Trong cuốn sách này Martin tiết lộ: mặc dù là một nhà ngôn ngữ học tài danh, nhưng Palmer không dịch Prison Diary từ bản gốc tiếng Việt (chính xác hơn là chữ Hán – ND chú thích) mà từ một bản được dịch sang tiếng Anh từng từ theo nghĩa đen và bà tìm cách làm cho nó ‘thơ’ hơn.

Song, kết quả là bản dịch tiếng Anh của Palmer, theo tôi có phần cứng nhắc và không mang đậm chất thơ, mà là “thơ” theo nghĩa thông thường nhất, như thể dư âm vọng lại từ thế kỷ trước. Nó không có vần, nhưng cũng không phải là thơ tự do. Đúng hơn, nó phảng phất hình thức của thơ truyền thống nhưng ít vần điệu và phép luật.

Nhà thơ, dịch giả John Birtwhistle (photo: Mireille Berthoud)

Năm 1976, để hưởng ứng hoạt động quảng bá rộng rãi các bài viết về nhà tù của Tổ chức Ân xá Quốc tế, tôi dùng những bài thơ viết trong tù của Hồ Chí Minh để đọc trước công chúng. Vì mục đích này, tôi bắt đầu lược bỏ những từ mang tính tu từ trừu tượng dường như không thuyết phục mà tôi không biết cách sửa đổi nó như thế nào cho tốt hơn. Chúng khiến bài thơ bị chùng xuống bởi lối nói dài dòng không phù hợp với những gì tôi biết về thơ ca cổ điển Trung Quốc.

Không biết chữ Hán, tôi nghiên cứu lý thuyết “imagist” (hình tượng) về chữ tượng hình Trung Quốc được lấy từ tác phẩm Cathay của Ezra Pound[1]The Chinese Written Character as a Medium for Poetry (Chữ Hán như một phương tiện cho thơ) của Ernest Fenollosa. Đây là những tác phẩm khẳng định khó có thể tìm thấy mối quan hệ giữa văn học Trung Quốc cổ đại và chủ nghĩa hiện đại Anh-Mỹ.

Việc đọc thơ Trung Quốc theo cách của các nhà hình tượng, như bây giờ tôi nhận ra từ các chuyên gia như George Kennedy và A.C. Graham, là dựa trên một sự hiểu biết hạn chế và ở một khía cạnh nào đó là thiếu sót về tiếng Hán. Tuy nhiên, nó cung cấp một thi pháp thực tiễn để dịch lại các bản dịch chính thức của Hồ Chí Minh. Tôi nén hình thức các câu thơ lại và cố gắng tạo nhịp điệu và cách diễn đạt chính xác hơn những gì tôi đã tìm thấy trong tư liệu của mình (ở đây là bản dịch của Aileen Palmer – ND).

Tôi có thể sáng tác lại các bài thơ này, sau đó tôi sắp xếp lại thành một chuỗi nối tiếp như kiểu hình elip. Vẫn không hài lòng, trong nhiều năm tôi mày mò làm lại bất cứ khi nào tôi nghĩ về chúng. Tại một số thời điểm, tôi thực sự đã bỏ quên các bản dịch mà tôi đã bắt đầu. Từ đó trở đi, tôi tập trung làm cho những bài thơ trở nên hoàn chỉnh nhất có thể, như thể chúng là của chính tôi. Các phiên bản này đã được in trong tuyển tập của tôi với tựa đề Our Worst Suspicions (Những nghi ngờ tồi tệ nhất của chúng ta), do Anvil Press Poetry xuất bản ở London năm 1985.

Khi sáng tác lại phiên bản của mình từ phiên bản của Aileen Palmer, tôi tự nhủ rằng mình có thể khám phá ra điều gì đó về tính hình tượng rõ nét, sự súc tích, rút gọn dòng, cũng như sự hài hước và thâm thúy đã làm nên thơ Hồ Chí Minh.

Chẳng hạn, phiên bản của tôi gồm ít hơn một nửa số từ trong phiên bản của Palmer, đôi khi còn có những dòng để mở cho những hiệu ứng cụ thể như niềm khao khát mãnh liệt, hoặc sự thỏa mãn khi được ra tù, hoặc hành trình cô đơn của người sắp qua đời trên đường đến suối vàng (nguyên bản “the land of nine springs”).

Một cách có thể gây tranh cãi hơn, tôi bỏ hết tựa đề các bài thơ. Bởi tôi nghĩ chúng dường như không chỉ không cần thiết; như Palmer đã thể hiện, chúng là vật liệu không thể biến thành bất cứ thứ gì có hiệu quả. Ví dụ: tiêu đề “Hard Is the Road Of Life” (dịch từ 世路難 – Đường đời hiểm trở I, II, III trong nguyên bản Ngục trung nhật ký  – ND), với sự đảo ngược cổ xưa và phép ẩn dụ sáo rỗng, nghe giống như một khẩu hiệu của thời Victoria (nguyên văn: “Victorian motto”)[2]. Những tựa đề khác, chẳng hạn như “After Prison a Walk in the Mountains” (dịch từ bài 新出獄學登山 – Ra tù tập leo núi – trong Ngục trung nhật ký  –  ND), chỉ lặp lại những gì được nói trong bài thơ. Việc loại bỏ các tiêu đề của các bài thơ chỉ là một ví dụ về việc tôi cố cô đúc và diễn giải ngữ liệu của Palmer thành một phiên bản có sức nặng hơn.

Một quyết định khác tương tự là tôi không gieo vần. Steve Bradbury đã tạo ra một phiên bản có vần điệu trong Poems from the prison diary of Ho Chi Minh (Những bài thơ từ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh) do Tinfish Press xuất bản năm 2004, nhưng nếu không biết về bản gốc (tác giả chỉ chữ Hán – ND) như ông ấy thì việc lựa chọn từ có vần điệu của tôi là tùy ý. Thay vào đó, cách tiếp cận ý nghĩa của tôi là tìm kiếm niêm luật và sức sống bằng cách tập trung vào các hình  tượng.

Bài thơ dưới đây là một trong những bài hùng hồn và hay nhất trong bản dịch của Aileen Palmer:

On the Way to Nanning

The supple rope has now been replaced with iron fetters.

At every step they jingle as though I wore jade rings.

In spite of being a prisoner, accused of being a spy,

I move with all the dignity of an ancient government official!

Bài này được dịch từ bài 往南寧 (Đến Nam Ninh) trong nguyên bản “獄中日記” của Hồ Chí Minh :

銕繩硬替麻繩軟,

步步叮噹環珮聲。

雖是嫌疑間諜犯,

儀容卻像舊公卿。

Bài này được Nam Trân dịch ra chữ Quốc Ngữ như sau (3) :

“Hôm nay xiềng xích thay dây trói

Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung

Tuy bị tình nghi là gián điệp

Mà như khanh tướng vẻ ung dung” 

Dựa trên ngữ liệu của Palmer tôi dịch như sau:

Ropes give way

to ringing irons

as though I were decked

with showy rings of jade

 The convict steps

with all the dignity

of an ancient court official

and all his restraint.

Phiên bản của Palmer chắc chắn truyền tải nhiều chi tiết ‘nhật ký’ thực hơn. Phiên bản của tôi mất đi một số chi tiết ‘nhật ký’ trên thực tế nhưng mang tính hình tượng và vần điệu chặt chẽ. Chẳng hạn, cụm danh ngữ “of an ancient court offical” mà tôi mượn từ Palmer, được rút lại bằng một dòng ngắn hơn tiếp theo. Và ở dòng cuối cùng đó, tôi thêm vào một câu mỉa mai có thể chỉ có tác dụng trong tiếng Anh. Từ “restraint” cô đúc hai nghĩa: sự giam cầm, nhưng “restraint” cũng là sự kiềm chế nhưng với thái độ tự tôn – điều mà người Anh thường gọi là “stiff upper lip” (kiềm chế cảm xúc).

Như vậy, tôi đã gặp những bài thơ này vào những năm sáu mươi, rồi dịch chúng vào những năm bảy mươi, và vào những năm tám mươi đã in chúng trong tập thơ Our Worst Suspicions. Trong tập thơ này, ngoài 18 bài thơ của Hồ Chí Minh được dịch dựa trên phiên bản Prison Diary, còn có loạt bài thơ tôi sáng tác với tiêu đề “Shadow of the Advisors” (Bóng của các cố vấn), nói về cuộc chiến tranh Việt Nam và những phản ứng của phe cánh tả Anh của chúng tôi vào thời kỳ đó. Một trong số bài đó có nói đến vụ thảm sát Mỹ Lai, cuộc biểu tình ở Quảng trường Grosvenor và việc Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Bìa Our Worst Conspicions (trái) & Rings of Jade (phải)

Tôi rất vui khi David Blake (nhà soạn nhạc người Anh – ND) muốn phổ nhạc hầu hết các bản dịch của tôi cho bản hợp xướng dành cho giọng nữ trung với dàn nhạc. Từ gợi ý của David tôi đã nhuận sắc lại một số bản dịch một lần nữa. Để tạo sự thống nhất về lời thơ trong bản nhạc, ông đã bỏ đi bốn bài thơ với hình ảnh, ẩn dụ về công việc của một phụ nữ và một nữ tù nhân. Tôi cũng rất vui khi David đề xuất đặt tên cho bản hợp xướng là Rings of Jade (Vòng Ngọc) xuất phát từ bài thơ trong đó người tù lấy lại phẩm giá bằng cách cố gắng mang chiếc xích trên mình như thể đó là chiếc nhẫn ngọc của quan lại ngày xưa.

Năm 2005 bản hợp xướng được hoàn thành và được dàn nhạc giao hưởng thành phố York (Anh) biểu diễn lần đầu tiên vào ngày 2.7.2005 tại Phòng hòa nhạc Jack Lyons, do David Blake chỉ huy với giọng ca của Sally Burgess, người đã đóng vai Sylvia trong vở opera The Plumber’s Gift (1989) của chúng tôi. Cũng năm đó bản nhạc được Nhà xuất bản Âm nhạc Đại học York xuất bản. Tôi chỉ biết trước đây một bài thơ của Hồ Chí Minh đã được nhạc sĩ người Đức, Hans Werner Henze (1926-2012) phổ nhạc vào năm 1971. Bản nhạc dựa trên lời bài thơ “The leg-irons” (Dây trói) trong Ngục trung Nhật ký, được đặt tên là Prison Song (Bài ca trong tù).

Như vậy, bạn có thể thấy rằng Nhật ký trong tù, được viết bằng một ngôn ngữ và bởi một chính trị gia mà tôi khó có thể hiểu được, đã khiến tôi quan tâm trong nhiều thập kỷ với thơ của chính mình. Có thể nói việc tôi sáng tác lại phiên bản Prison Diary của Palmer đã góp phần hình thành sự phát triển thơ ca của chính tôi. Vào thời điểm đó, tôi chưa đưa ra đánh giá chính trị nào về “Bác Hồ” tinh tế hơn người Anh đánh giá về Churchill cho đến năm 1945. Điều cấp bách là phải phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Liệu quan điểm chính trị “anti-war” của chúng tôi thời đó có tỏ ra hiệu quả hơn về lâu dài hay không vẫn còn phải chờ xem. Với thơ ca của chúng ta, việc không biết chữ Hán đã được các nhà văn viết bằng tiếng Anh như Kit Fan (nhà thơ sinh 1979 ở Hồng Kong, hiện sống ở Anh – ND chú thích) và Ocean Vương, những người thông thạo cả hai nền văn hóa, vượt qua.

Về nhà thơ, dịch giả John Birtwhistle: sinh năm 1946 ở Scunthorpe (Anh), là giảng viên tiếng Anh và Văn học tại Đại học York (Anh). John Birtwhistle đã xuất bản 8 tập thơ và giành được một số Giải thưởng về Văn học và Nghệ thuật ở Anh. Thơ ông còn được đưa vào 3 vở hợp xướng và nhạc kịch. Ông từng làm phó tổng biên tập Tạp chí Y khoa Anh. Hiện ông đã nghỉ hưu và sống ở Sheffield (Anh).

 

Võ Xuân Quế (lược dịch từ các trao đổi qua email với tác giả Birtwhistle)

——–

[1] Cathay (1915) là tuyển tập thơ cổ điển Trung Quốc do nhà thơ Ezra Pound (1885 – 1972) ) dịch sang tiếng Anh dựa trên những ghi chú của Ernest Fenollosa (1853 – 1908) sau đó được biết đến như của Pound năm 1913.

[2] Thế kỉ thứ 19, trong thời kỳ Nữ hoàng Victoria trị vì nước Anh, từ năm 1837 cho đến khi bà qua đời vào năm 1901.

(3) Nguyên văn bài chữ Hán và bài dịch chữ Quốc Ngữ do người dịch thêm vào, lấy từ sách “Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù”, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2020. .

Bài đăng trên báo Văn Nghệ online ngày 10/05/2024 tại địa chỉ: https://baovannghe.com.vn/toi-dich-tho-ho-chi-minh-sang-tieng-anh-30218.html

Đi tìm người dịch NHẬT KÝ TRONG TÙ sang tiếng nước ngoài ở trong tù

Hẳn những ai quan tâm đến các bản dịch Hán 獄中日記 “Ngục trung nhật ký” sang tiếng nước ngoài đều biết đã từng có bản dịch mà phần lớn các bài thơ được người dịch thực hiện trong nhà tù. Đó là bản dịch tiếng Pháp với tựa đề “Carnet de Prison” của dịch giả Phan Nhuận, do Pierre Seghers” xuất bản năm 1963 ở Paris. Song không phải Phan Nhuận “tình nguyện vào ngục Bastille” để lấy cảm hứng dịch “Nhật ký trong tù” như có người đã viết trên báo Tiền Phong mà ông chỉ “đã dịch phần lớn những bài thơ của cụ Hồ Chí Minh trong nhà lao Xăng tê (không phải “ngục Bastille” – VXQ nhấn mạnh), là nơi mà vì công việc nghề nghiệp tôi thường lui tới. Tôi đã chọn những buổi chiều mưa hay sương mù che phủ hợp với thực trạng tâm lý hơn.” Bởi lẽ theo dịch giả Phan Nhuận “những tập thơ viết trong nhà tù, nếu được đọc và dịch trong nhà tù thì có lợi hơn.” (Nam Trân, Bản dịch “Ngục trung Nhật ký” xuất bản ở Pháp, Tạp chí Văn học số 5-1960, trang 11).

Còn bản dịch chúng tôi giới thiệu ở đây thực sự được người dịch thực hiện trong thời gian phải ở trong tù. Đó là bản dịch tiếng Basque có tựa để “Gartzelako Egunkaria” (Nhật ký trong tù) do một tù nhân đang bị giam giữ trong một nhà tù ở Tây Ban Nha dịch, được Susa, một nhà xuất bản chuyên về sách văn học nghệ thuật của xứ Basque, xuất bản năm 1985. “Gartzelako Egunkaria” là ấn phẩm thứ 20 trong seri Susa 83-86 (xuất bản từ năm 1983 – 1986), gồm 30 ấn phẩm của Susa.

Toàn văn bản dịch “Gartzelako Egunkaria” hiện nay có thể đọc được trên website của Susa Literature. Được biết một bản in của “Gartzelako Egunkaria” cũng đã có trong bộ sưu tập các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Song thật đáng tiếc bản dịch này lại được coi là “Bản tiếng dân tộc miền nam Liên Xô (cũ)” và tên nhà xuất bản “Susa” cũng bị xác định sai là “Lege Gordailua” (Xem: Lê Hồng Hà, Sưu tập sách Nhật ký trong tù, bản dịch và phát hành ở nước ngoài, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nội san, Thông tin tư liệu, số 22, tháng 12-2008, trang 66).

 Bìa bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Basque (1985), ảnh: Susa Literature 

Screenshort bìa và giới thiệu cuốn sách in từ tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh 

  1. Xứ Basque, tiếng Basque và bản dịch “Gartzelako Egunkaria”

Xứ Basque (tiếng Basque: Euskadi) còn gọi là Cộng đồng tự trị Basque (tiếng Basque: Euskal Autonomia Erkidegoa) ở miền bắc Tây Ban Nha, bao gồm các tỉnh Álava, Biscay và Gipuzkoa, được hiến pháp Tây Ban Nha công nhận quy chế tự trị vào năm 1978. Người Basque là người bản địa, sống chủ yếu ở một khu vực theo truyền thống được gọi là xứ Basque, nằm phía tây của dãy Pyrenees trên bờ biển Vịnh Biscay và nằm giữa các phần phía bắc – miền trung Tây Ban Nha và tây nam nước Pháp. Theo số liệu mới nhất (2023) dân số của xứ Basque là 2,2 triệu người, một nửa trong số đó sống ở Bilbao. Cộng đồng tự trị xứ Basque đứng đầu ở Tây Ban Nha về thu nhập bình quân đầu người và cao hơn GDP bình quân của EU 22%.

Tiếng Basque (“Euskara” hay “Euskera” trong tiếng Basque), là một trong những ngôn ngữ lâu đời nhất còn lại ở miền tây nam châu Âu trước khi vùng này bị La Mã hóa vào thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên. Đây là một ngôn ngữ tiền Ấn – Âu mà nguồn gốc của nó vẫn còn là điều bí ẩn.

Xưa kia tiếng Basque được sử dụng trên một lãnh thổ rộng lớn, song bị thu hẹp dần do các cuộc chinh phục (của người Celt, người La Mã…) và từ thế kỷ 19, bị mất đi một nửa vùng ảnh hưởng. Ngày nay Euskara chủ yếu được sử dụng trong một vùng rộng khoảng 10.000 km2 ở Tây Ban Nha và Pháp, hiện có khoảng một triệu người nói. Ngoài ra còn có một số người nói sống rải rác ở những nơi khác ở Châu Âu và Châu Mỹ. Ở Tây Ban Nha, xứ Basque bao gồm tỉnh Guipúzcoa, một phần Vizcaya (Biscay) và Navarra (Navarre), và một góc Álava. Xứ Basque thuộc Pháp có trung tâm là khu vực phía tây của tỉnh Pyrénées-Atlantiques.

Là một cộng đồng có bản sắc dân tộc cao, người Basque rất coi trọng tiếng nói của mình. Chữ viết tiếng Basque ra đời năm 1545 và năm 1571 bản dịch Tân Ước bằng tiếng Basque được in. Kể từ đó, văn học Euskara tiếp tục xuất hiện nhiều tác phẩm mới. Năm 1968, viện Ngôn ngữ xứ Basque, Euskaltzaindia, đã thống nhất về một ngôn ngữ viết tiếng Basque tiêu chuẩn có tên là Euskara Batua. Trước khi Francisco Franco lên nắm quyền ở Tây Ban Nha, tiếng Basque có được vị thế chính thức trong một thời gian ngắn (1936–37). Tuy nhiên, trong thời kỳ quân chủ Franco, ngôn ngữ này bị coi thường và vị thế chính thức bị bãi bỏ. Chính trong thời kỳ này tiếng Basque đã trở thành linh hồn của người dân xứ Basque. Đến năm 1978, theo luật ngôn ngữ mới tiếng Basque mới trở lại địa vị chính thức xứ Basque tự trị cùng với tiếng Castilian (Tây Ban Nha).

Bản dịch “Gartzelako Egunkaria” gồm 112 trang, in khổ 20x13cm, với 101 bài thơ được dịch sang tiếng Basque. Đặc biệt, ở bìa 1, giữa tên tác giả (Hồ Chí Minh) và tên dịch giả (Iñaki Aramaio) là bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Cu Ba René Mederos với tựa đề “Viet Nam Shall Win” vẽ năm 1971, sau chuyến thăm Việt Nam trở về của ông. Gần đây bức tranh này của Mederos cũng được in trên bìa cuốn sách “Selected Hồ Chí Mình” (Hồ Chí Minh truyển chọn) của dịch giả Vijay Prashad do LeftWord Books xuất bản năm 2022.

“Gartzelako Egunkaria” mở đầu với “Hitzaurrea” (Lời nói đầu) và kết thúc với bài thơ “Libre, mendien bestaldera noa” (Ra tù tập leo núi). Trong Lời nói đầu ngắn gọn với 2 trang, người dịch giới thiệu vắn tắt về sự ra đời của Việt Minh, về lý do tác giả Hồ Chí Minh bị bắt, về sự ra đời và nội dung của tác phẩm “Nhật ký trong tù”. Ở đây, ông không nói rõ bản dịch được thực hiện từ nguồn nào.

Sau này trong một bài trả lời phỏng vấn (đăng trên tạp chí Susa số 23-24, tháng 6/1989) dịch giả mới cho biết “Gartzelako Egunkaria” được dịch từ bản nguồn tiếng Tây Ban Nha, song ông cũng không nói rõ đó là bản dịch của dịch giả nào, vì theo chúng tôi được biết “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Tây Ban Nha có tới ba bản dịch của ba dịch giả khác nhau. Chúng tôi đồ rằng có thể đó là bản dịch “Diario de prisión 101 poemas” do Ángel Yanguas dịch, được Tusquets xuất bản ở Barcelona:năm 1974, vì cả hai đều có 101 bài thơ.

Tuy nhiêu, điều hết sức thú vị là ở những dòng cuối cùng của “Lời nói đầu” ngắn gọn đó, người dịch đã tiết lộ “Bản dịch này được thực hiện trong tù, nhưng không phải nhà tù của Trung Hoa mà là nhà tù của Tây Ban Nha có tên Herrera de la Mancha.”

Lời tiết lộ dí dỏm đó đã khích lệ người viết bài này tiến hành một cuộc tìm kiếm đầy ly kỳ và thú vị. Tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu email, vào bao nhiêu website để tìm kiếm thông tin về người dịch tác phẩm này, kể cả viết tới nhà tù Herrera de la Mancha, sau khi tìm thấy tên ông trong danh sách tù nhân ở đây. Có lẽ chỉ một phần ba trong số email gửi đi nhận được hồi âm và chỉ một phần rất nhỏ trong số thư hồi âm này cung cấp một vài thông tin hữu ích. Song, những thông tin ít ỏi đó cũng đã giúp tôi tìm ra được “tung tích” của dịch giả bản dịch độc đáo này.

  1. Tù nhân – Dịch giả của “Nhật ký trong tù” tiếng Basque là ai?

Trên bìa có ghi bằng tiếng Basque “Người dịch: Iñaki Aramaio”. Nhưng tên đầy đủ của ông viết theo chữ Basque là Iñaki Aramaio Egurrola hay Jósa Ignacio Aramayo Egurrola (thường gọi là Joseba), còn viết theo chữ Tây Ban Nha là: José Ignacio Aramayo Egurrola. Trong bài này chúng tôi dùng tên được viết theo chữ Basque như ghi trên bìa và trong bản dịch của ông.

Iñaki Aramaio sinh năm 1955 ở Ondarroa, một thị trấn của tỉnh Biscay, thuộc xứ Basque, nằm ở phía bắc Tây Ban Nha. Sinh ra và lớn lên dưới chế độ độc tài Francisco Franco (1939-1975), Iñaki Aramaio đã sớm tham gia vào phong trào đòi độc lập cho xứ Basque của cộng đồng người Basque ở Tây Ban Nha và trở thành một thành viên chủ chốt của tổ chức ETA (viết tắt của cụm từ tiếng Basque “Euskadi Ta Askatasuna”). ETA (ra đời năm 1959) là tổ chức chính trị – quân sự theo chủ nghĩa Mác – Lênin và có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ly khai, đòi độc lập cho xứ Basque, chống lại “sự áp bức người Basque” của chế độ độc tài Franco và thành lập một nhà nước xã hội chủ nghĩa độc lập.

Sau khi chế độ Francissco Franco sụp đổ (1975), xứ Basque được Tây Ban Nha trao quyền tự trị, với nghị viện, cảnh sát, chính sách thuế và giáo dục riêng. Tuy nhiên, những điều này chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của ETA và họ tiếp tục tiến hành các hoạt động, kể cả có vũ trang chống lại chính quyền Tây Ban Nha và cả những người Xứ Basque ủng hộ một quốc gia Tây Ban Nha thống nhất. Kể từ khi thành lập cho đến khi tuyên bố ngừng bắn (2009) ETA đã gây ra cái chết của khoảng 800 người. Vì thế, tổ chức này bị nhiều quốc gia coi là một tổ chức khủng bố ETA. Đến năm 2018 ETA mới tuyên bố tự giải thể và chấm dứt hoạt động.

Tháng 4 năm 1974, khi mới 20 tuổi, Iñaki Aramaio bị bắt lần đầu tiên vì hoạt động vũ trang và bị chế độ Franco kết án tù. Tháng 9 năm 1976 Iñaki Aramaio đã tổ chức cuộc trốn chạy khỏi nhà tù Basauri cùng với bốn tù nhân khác. Tháng 9 năm 2019, Đài phát thanh và truyền hình Xứ Basque (ETB) đã dựng lại dựa trên những chi tiết có thật một chương trình có tên “Ihesaldia” (Vượt ngục) gồm 5 phần phát trong 1 tuần liền và ngày 13 tháng 9 năm 2019 báo GAUR8 cũng đã tường thuật lại vụ vượt ngục kéo dài 52 ngày này theo lời kể lại của chính người cầm đầu là Iñaki Aramaio (xem ảnh). Iñaki Aramaio cho rằng bộ phim “không phản ảnh đúng sự việc đã xẩy ra khi đó.” Iñaki Aramaio đã ghi chép lại một cách chi tiết toàn bộ cuộc trốn chạy đó trong một cuốn sách chưa xuất bản “tôi đã ghi lại từng giờ rồi xếp vào cặp hồ sơ.”

Sau cuộc trốn chạy bất thành đó Iñaki Aramaio bị đưa đến nhà tù Puerto de Santa Maria và được thả tự do ở đó vào tháng 4 năm 1977 theo Luật Ân xá được Tòa án Madrid thông qua. Nhưng hai năm sau, vào tháng 3 năm 1979, ông lại bị bắt và phải vào tù cho đến khi được thả ra khỏi nhà tù Soria vào tháng 10 cùng năm. Một năm sau, tháng 4 năm 1980, Iñaki Aramaio bị bắt lần thứ ba và bị giam ở trong các nhà tù Soria và Herrera de la Mancha. Năm 1987, khi xứ Basque bắt đầu việc phân tán tù nhân, Iñaki Aramaio được chuyển đến Almeria và tại đây ông được trả tự do vào tháng 4 năm 1988.

Tổng cộng cả ba lần Iñaki Aramaio đã phải ở trong tù 11 năm 7 tháng và đã lần lượt trải qua các nhà tù: Carabanchel (Madrid), Almeria (Andalucía), Iruñea-Pamplona (Navarra), Puerto, Soria (Castilla y León), Basauri (Basque Country), Herrera de la Mancha (Castilla-La Mancha) và Almeria. Trong thời gian bị bắt lần thứ ba và bị giam tại nhà tù Herrera de la Mancha, Iñaki Aramaio đã dịch Nhật Ký trong tù sang tiếng Basque.

Iñaki Aramaio (giữa) cùng 4 tù nhân khác trốn nhà tù Basauri năm 1976 trên báo Tây Ban Nha. Ảnh: lấy từ GAUR8 ngày 13.9.2019

Theo những gì Iñaki Aramaio kể lại trong bài phỏng vấn được nhắc đến ở trên, cả số lần bị bắt lẫn thời gian ở trong tù của ông đều nhiều hơn tác giả Nhật ký trong tù, song ông không bị cảnh đói, rét, bệnh tật hành hạ. Ở trong tù các tù nhân như ông dù chịu các hình phạt, song cũng có thư viện chung lẫn thư viện riêng, được đọc sách, tham gia các khóa học và làm các công việc họ yêu thích. Một số bạn tù của Iñaki như Joseba Pikabea, một trong những nhà văn nổi tiếng của xứ Basque và cũng là thành viên chủ chốt của ETA, đã sáng tác nhiều tác phẩm ở trong tù. Những người khác như Iñaki Aramaio cũng đọc và dịch.

Iñaki Aramaio kể rằng ông đã dịch khá nhiều từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Basque, chủ yếu để luyện ngôn ngữ. Phần lớn các dịch thuật đó “không để xuất bản (trừ Nhật ký trong tù – VXQ) mà đưa về nhà và không nhớ có bao nhiêu bản thảo đã dịch”. Các tù nhân có thể dịch những gì mình thích, song đôi khi cũng được giao việc và có lần được bảo dịch từ tiếng Anh, song phần lớn không biết, trừ Joseba Pikabea. Và Iñaki, ngoài Nhật ký trong tù được xuất bản, cũng dịch một tác phẩm khác song không in là Bốn bài giảng ở xứ Basque từ Durango.

Iñaki Aramaio kể lại vụ trốn chạy với phóng viên GAUR8, tháng 9.2019. Ảnh: Gaur8

Về Nhật ký trong tù, Iñaki Aramaio cho biết “một hôm Pikabea đưa cho tôi cuốn “Diario de prisión 101 poemas”, và bảo “đọc đi rồi chuyển cho người khác”. Sang ngày thứ hai tôi mới bắt đầu đọc như đọc một bức thư và rồi tôi bắt đầu dịch mỗi hôm một ít”. … “Thật là một sự trùng hợp hoàn toàn. Cuối cùng tôi không thể chuyển cuốn sách đó cho người khác.”

Được hỏi ông có cần đến từ điển khi dịch không, Iñaki Aramaio cho biết trong thư viện của nhà tù có từ điển, song cũng nói thêm rằng ông nhận thấy nội dung của Nhật ký trong tù sáng rõ, dễ hiểu. “Nếu như Pikaeba không tình cờ chuyển cuốn sách đó cho tôi thì tôi đã không biết đến nó.” Ông cho biết “Bìa của cuốn sách in tranh của một họa sĩ Cu Ba, được Pablo Sastre (một nhà văn Basque – VXQ) chuyển cho. Và bản thảo tất nhiên do Joseba Pikaeba biên tập.”

Điều thú vị là cuối bài phỏng vấn, Iñaki Aramaio “tiết lộ”: “Tôi được giảm 45 ngày cho việc dịch Nhật ký trong tù và 45 ngày cho việc học và thi được bằng EAG, trình độ B (Chứng chỉ năng lực tiếng Basque, để được làm giảng viên tiếng Basque ở xứ Basque tự trị – VXQ). Họ cho tôi 45 ngày với khóa học Thạc sĩ. Tổng cộng là bốn tháng.”

Điều đáng nói là với việc dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Basque, Iñaki Aramaio không chỉ được giảm 45 ngày tù mà ông đã ghi được tên mình vào đội ngũ các dịch giả của xứ Basque và đưa Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh trở thành tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong danh mục các tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Basque cho đến nay (xem: Manu López Gaseni, Kiểm kê và phân tích các bản dịch tiếng Basque (1976-2008), Khoa Ngôn ngữ và Văn học, Đại học xứ Basque 2009).

Sau khi được ân xá, với bằng EAG có được khi ở trong tù, Iñaki Aramaio Egurrola đã trở thành một giảng viên tiếng Basque của AEK, một tổ chức giáo dục nhằm hồi sinh, phát triển tiếng Basque và xứ Basque, ở vùng Orereta. Với mong muốn kết nối được với Iñaki Aramayo để tìm hiểu thêm về việc dịch Nhật ký trong tù từ chính ông, chúng tôi đã kiên nhẫn tìm kiếm dò hỏi, liên lạc với nhiều nơi đã gần 1 năm nay. Song đáng tiếc là cho đến hiện giờ vẫn chưa kết nối được với ông. Hy vọng rằng sau khi bài viết này được công bố, mong muốn đó của chúng tôi sẽ trở thành hiện thực và một ngày nào đó chúng tôi sẽ có cơ hội được đến thăm nơi Iñaki Aramayo đã từng dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Basque.

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Beñat Eizaguirre Indo từ Biblioteca de Koldo Mitxelena Kulturunea (Thư viện Trung tâm Văn hóa Koldo Mitxelena) và Maia Ossa Rissanen, dịch giả người Basque từ Kääntö Piiri (Câu lạc bộ Dịch thuật) của FiLi (Trung tâm trao đổi văn học Phần Lan) đã tìm và dịch giúp một số tư liệu về Iñaki Aramaio Egurrola bằng tiếng Basque sang tiếng Anh cho người viết. Nếu không có sự giúp đỡ quý báu đó, bài viết này không thể thực hiện được.

 Hà Nội cuối tháng 11/2023

Võ Xuân Quế

Có một bản NHẬT KÝ TRONG TÙ bằng thơ tiếng Bengali

Cách đây đúng 10 năm (2013), giáo sư Priyadarsi Mukherji, chuyên gia về ngôn ngữ, văn học và văn hóa Trung Quốc của trường Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), đồng thời cũng là một nhà thơ đã dịch Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Bengali ở Ấn Độ. Đây là ngôn ngữ có nhiều người nói thứ hai và là một trong 22 ngôn ngữ chính thức được hiến pháp công nhận ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Điều đặc biệt là, theo như ông cho biết, bản Nhật ký trong tù với 112 bài này đã được ông dịch sang thơ Bengali từ nguyên văn chữ Hán.

Chúng tôi đã may mắn kết nối được với giáo sư Priyadarsi Mukherji để tìm hiểu thêm về dịch phẩm của ông và ông đã vui lòng cùng chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc.

  1. Hỏi: Xin ông vui lòng cho biết vì sao ông dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Mình sang tiếng Bengali?

Gs. P. Mukherji: Tôi biết tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh từ năm 1996. Kể từ đó tôi cố tìm mua cho mình một bản, song tôi không tìm được và cũng không biết nhờ ai có thể mua giúp. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì tìm mua bằng được một bản để dịch nó sang tiếng Bengali, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Tiếng mẹ đẻ của nhà thơ nổi tiếng thế giới Rabindranath Tagore (1861-1941) – người đoạt giải Nobel văn chương (năm 1913 – VXQ), cũng là tiếng Bengali. Trong văn học Bengali thơ ca có rất nhiều thể thức phong phú. Là một nhà thơ, tôi muốn dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang thơ tiếng Bengali.

Bìa trước và bìa sau của Nhật ký trong tù bằng tiếng Bengali. Ảnh: P. Mukherji 

  1. Hỏi: ̉Bản dịch của ông được thực hiện dựa trên bản nguồn nào?

Gs. P. Mukherji: Bản dịch của tôi dựa trên những bài thơ nguyên bản chữ Hán được cụ Hồ Chí Minh sáng tác theo phong cách thơ Đường trong thời gian bị giam cầm trong nhà tù Trung Hoa những năm 1942 – 43. Khoảng tháng 3 năm 2011, trong chương trình trao đổi học giả Ấn Độ – Việt Nam, Giáo sư Hoàng Văn Việt từ Đại học Quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gặp tôi tại Delhi để thảo luận về một số vấn đề trong mối quan hệ lịch sử của hai nước chúng ta trong thời kỳ đương đại. Cuối tháng 5 năm 2011 tôi nhận được một cuốn Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh do giáo sư Hoàng Văn Việt hào phóng gửi tặng từ Việt Nam. Cuốn Nhật ký trong tù do nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2010 có in cả nguyên văn các bài thơ chữ Hán, một số bài có chú thích bằng tiếng Việt.

  1. Hỏi: Ngoài bản nguồn chữ Hán ra, ông có tham khảo bản dịch nào khác không?

Gs. P. Mukherji: Ngoài nguyên bản chữ Hán, tôi không tham khảo thêm bất kỳ bản dịch nào khác vì tôi chủ đích dịch trực tiếp các bài thơ của cụ Hồ Chí Minh từ nguyên bản chữ Hán sang tiếng Bengali.

  1. Hỏi: Là một chuyên gia về Hán học đồng thời cũng là một nhà thơ, ông nhận xét thế nào về nội dung và nghệ thuật của Nhật ký trong tù? Ông thích bài thơ nào nhất trong tập thơ.

Gs. P. Mukherji: Hồ Chí Minh bị nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ hiểu lầm nên bị giam giữ rất lâu. Hồ Chí Minh cảm thấy thất vọng vì bị bắt và bị cầm tù, không được tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách diễn đạt của tác giả bằng tiếng Trung đầy hương vị khi phản ánh thực tế khắc nghiệt đằng sau song sắt, thường xen vào những cảm xúc đau đớn với sự hài hước. Các bài thơ miêu tả một chuỗi các sự kiện theo trình tự thời gian từ nhà tù này sang nhà tù khác, ròng rã hơn một năm. Tất cả các bài thơ đều đầy ắp ý nghĩa theo cái nhìn của cụ và đều quan trọng để hiểu trạng thái tinh thần của cụ ở trong tù.

  1. Hỏi: Được biết ông đã dịch thơ của một số nhà thơ nổi tiếng như: Lỗ Tấn, Ngải Thanh, Mao Trạch Đông, Pablo Neruda, vậy ông có nhận thấy thơ Hồ Chí Minh có khó dịch không?

Gs. P. Mukherji: Sau khi dịch thơ của các nhà thơ như Lỗ Tấn, Ngải Thanh, Mao Trạch Đông, Pablo Neruda, Nicolás Guillén và nhiều người khác, tôi không thấy thơ Hồ Chí Minh khó dịch vì tôi có hiểu biết tương đối tốt về tiếng Hán cổ. Trước đấy, tôi cũng đã dịch một số bài thơ của các nhà thơ lớn đời Đường – Lý Bạch và Đỗ Phủ, cũng như của những nhà thơ ít tên tuổi hơn ở thời kỳ sau đó. Bản thân tôi cũng đã sáng tác một số bài thơ theo phong cách thơ Đường được xuất bản ở cả Ấn Độ và Trung Quốc.

  1. Hỏi: Ông có nói “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Bengali có rất nhiều chú thích để người đọc hiểu rõ hơn nội dung các bài thơ của Hồ Chí Minh. Ông đã mất bao lâu để hoàn thành bản dịch của mình?

Gs. P. Mukherji: Tôi bắt đầu dịch thơ Hồ Chí Minh từ ngày 4 tháng 6 năm 2011 và dịch xong vào ngày 8 tháng 3 năm 2012. Vào tháng 8 năm 2011, tôi nhận thấy Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, xuất bản ở Hà Nội, có một số chú thích bằng tiếng Việt (chữ Quốc Ngữ – VXQ) ở cuối trang. Vì không biết tiếng Việt nên tôi liên lạc với một sinh viên Việt Nam tên là Phan Nữ Quỳnh Thi, đang học lịch sử tại Đại học Jawaharlal Nehru (JNU). Trước khi về Việt Nam vào đầu tháng 9 năm 2011, cô ấy đã giúp tôi hiểu những dòng chữ nhỏ bằng tiếng Việt đó. Trong cuốn sách, tôi đã  cảm ơn cả Giáo sư Hoàng Văn Việt và cô Phan Nữ Quỳnh Thị vì sự giúp đỡ vô giá của họ. Sau đó tôi đã cần mẫn tìm hiểu những ý nghĩa tiềm ẩn, bối cảnh lịch sử và nội tâm của các nhân vật mà cụ Hồ Chí Minh đã nói đến trong các bài thơ và chú thích thêm. Tôi đã hoàn thành việc chú thích các câu thơ vào tháng 3 năm 2012.

Giáo sư, dịch giả P. Mukherji và bản dịch Nhật ký trong tù tiếng Bengali. Ảnh: P. Mukherji

  1. Hỏi: Tôi được biết, tiếng Bengali là một trong 22 ngôn ngữ chính thức được hiến pháp Ấn Độ công nhận, xin ông cho biết đến nay “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng ở Ấn Độ?

Gs. P. Mukherji: Đúng vậy, Bengali là ngôn ngữ được nói nhiều thứ hai ở Ấn Độ sau tiếng Hindi. Nhưng chưa có ngôn ngữ nào ở Ấn Độ dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, hoặc giới thiệu về nó vì nó được viết bằng chữ Hán (Thật ra ở Ấn Độ, trước bản dịch tiếng Bengali, Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra hai ngôn ngữ khác là: tiếng Malayalam (1976, 1982, 2004) và tiếng Hindi (2006) – VXQ chú thích). Ngay cả Bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc năm 2014 cũng không biết Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh vốn được viết bằng chữ Hán. Ông ấy muốn biết tôi có biết tiếng Việt không khi xem bản dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh bằng tiếng Bengali. Tôi tin rằng chưa có ngôn ngữ nào dịch được trọn vẹn Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh ngoài bản dịch tiếng Bengali của tôi. Đây cũng là bản dịch được dịch từ nguyên bản chữ Hán với rất nhiều chú thích cùng với lời giới thiệu khái quát về lịch sử Việt Nam và tiểu sử Hồ Chí Minh.

  1. Hỏi: “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh cũng đã được dịch sang tiếng Bengali ở Bangladesh. Ông có biết về nó và ông đã đọc nó chưa?

Gs. P. Mukherji: Tôi chưa được thấy bản dịch tiếng Bengali nào trước hay sau bản dịch của tôi, cũng như không biết có bản dịch nào từ Bangladesh.

  1. Hỏi: Ông có nói “không phải là nhà thơ thì không thể dịch thơ từ bất kỳ ngôn ngữ nào khác.” Thành thật mà nói, ông có hài lòng với bản dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang tiếng Bengali không?

Gs. P. Mukherji: Vâng, tôi tin chắc rằng nếu không phải là nhà thơ thì không thể dịch thơ từ bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Người dịch phải là một nhà thơ – để có thể hiểu rõ các thể loại thơ của cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích trước khi bắt tay vào dịch bất cứ tác phẩm nào. Nói thực, tôi thấy hài lòng với bản dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh bằng tiếng Bengali của mình.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư Priyadarsi Mukherji đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc Việt Nam về một trong những dịch phẩm mà ông hết sức tâm huyết. Kính chúc ông sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.

Gs. Priyadarsi Mukherji:

–           Sinh năm 1962 tại Calcutta, nay là Kolkata (Ấn Độ)

–           Chuyên gia về văn học, ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc

–           Từng thỉnh giảng tại một số trường Đại học ở Trung Quốc, Philippines

–           Hiện giảng dạy tại Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi, Ấn Độ), 

Hà Nội – New Dehli, tháng 11/2023

Người thực hiện: Võ Xuân Quế

—–

Bài đã đăng tại địa chỉ:

  1. Báo An Ninh Thế Giới số Tết Giáp Thìn 2024 (báo in) và Công an nhân dân điện tử (https://cand.com.vn/Nguoi-trong-cuoc/co-mot-ban-nhat-ky-trong-tu-bang-tho-tieng-bengali-dich-tu-chu-han-i721025/)
  2. https://giaoducthoidai.vn/co-mot-ban-nhat-ky-trong-tu-bang-tieng-bengali-post669120.html

Vốn sống của nhà văn mang lại niềm an ủi giữa chiến tranh và thù hận

Vào ngày chủ nhật 28 tháng 1 năm 2024 Phần Lan sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống. Muộn nhất là 47 ngày trước ngày bầu cử chính thức Ủy Ban bầu cử quốc gia sẽ chốt danh sách các ứng cử viên của các đảng và ứng cử viên độc lập. Khác với các cuộc bầu cử trước, trước cuộc bầu cử lần này, ngoài các cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng giữa các ứng cử viên, một cuộc “so tài” về khả năng cảm thụ văn học nước nhà đã được Thời báo Helsinki, tờ báo lớn nhất Phần Lan tiến hành. Cụ thể các ứng cử viên phải viết một bài luận thể hiện quan điểm của mình thông qua một tác phẩm văn học Phần Lan.

Dưới đây chúng tôi xin dịch bài viết của Pekka Haavisto ứng cử viên độc lập viết về cuốn tiểu thuyết được người Phần Lan yêu thích nhất trong cuộc bầu chọn nhân 100 năm thành lập nước Cộng hòa Phần Lan (1917-2017) – “Sinuhe, egyptiläinen” (1945). Đây là tiểu thuyết vừa được dịch ra tiếng Việt dưới tựa đề “Sinuhe, người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu” do First News Trí Việt & Nhà xuất bản Dân Trí xuất bản tháng 2 năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Phần Lan (1973 – 2023).

—-

ng cử viên tổng thống Pekka Haavisto viết: Tiểu thuyết Sinuhe egyptiläinen[1] (1945) của Mika Waltari nhắc nhở chúng ta rằng dù các quốc gia gây hấn chiến tranh với nhau, những người cai trị luôn thay đổi, nhưng nhân loại vẫn tồn tại. Không có gì mới dưới ánh mặt trời.

Pekka Haavisto và bìa nguyên bản tiểu thuyết Sinuhe egyptiläinen. Ảnh: Helsingin Sanomat

Trên bàn trong ngôi nhà phố Tunturi của Mika Waltari, bên cạnh chiếc ghế bành của tác giả là một hộp thuốc lá màu xanh lam có hình mũ sắt cánh chuồn của Celtic. Khi màn đêm buông xuống, ta có thể thấy đầu điếu thuốc Gauloises lóe sáng trong chiếc ghế bành trống rỗng của tác giả. Có thật vậy không? Tôi gọi cho cháu trai của Waltari, nhà văn Joel Elstela. “Không phải đâu.”

Nhưng có lẽ không bao giờ chúng ta được biết chính xác Waltari đã thấy gì và chó sủa ra sao khi tác giả Sinuhe, người Ai Cập ngày này qua ngày khác ngồi trên sàn căn phòng áp mái ở Hartola, kể lại câu chuyện của mình vào mùa xuân năm 1945. Chiếc máy chữ hiệu Olivetti (Hiện được trưng bày trong Bảo tàng Dân tộc Phần Lan ở Helsinki – ND) gõ liên tục và cuốn tiểu thuyết gần một nghìn trang được hoàn thành trong vòng ba tháng rưỡi.

Đầu tiên tôi biết đến Waltari không phải vì Sinuhe, người Ai Cập. Vào những năm 1920 nhà văn là công dân toàn cầu của Phần Lan, thành viên của nhóm Những người cầm đuốc. Tập thơ Valtatiet (Những xa lộ) của Olavi Paavolainen và Mika Waltari (xuất bản năm 1928) hừng hực chủ nghĩa lãng mạn của các thành phố lớn. Các cần cẩu vươn lên trời cao, đèn xe xẻ đôi đường nhựa.

Trong những chuyến đi tàu hỏa xuyên châu lục đầu tiên của mình, tôi đã mang theo hai cuốn sách du lịch “Chuyến tàu của người cô đơn” và “Tôi rời Istanbul” của Waltari. Phải tới Đại Tây Dương, phải tới Biển Đen, phải đến Paris. Không chỉ để nhìn thế giới, mà còn để tích lũy kinh nghiệm và suy nghĩ, để mang điều gì đó về nhà.

Các điểm hành hương trong chuyến đi của tôi là hiệu sách văn học Anh-Mỹ nổi tiếng Shakespeare and Company ở Paris, là Trung tâm Pompidou mới được khánh thành năm 1977 – một loại thư viện và trung tâm văn hóa mới – hình mẫu mà thư viện Oodi được khai trương 40 năm sau ở Helsinki.

Thế hệ lớn lên trong những năm 1970 đã bị tách biệt khỏi thế hệ của những năm 1920 bởi một cuộc chiến tranh thế giới đã chia cắt châu Âu theo một cách mới. Nhưng ranh giới chia cắt đó bắt đầu vỡ dần. Trong tâm trí chúng ta Bức tường Berlin đã sụp đổ từ rất lâu trước khi những chiếc máy ủi tiến đến.

Trong thời chiến tranh thế giới đó, Waltari phục vụ trong Cơ quan Thông tin quốc gia. Thường thì công việc ở đây được coi là viết bài tuyên truyền chiến tranh. Nhưng tác phẩm “Sự thật về Estonia, Latvia và Lithuania” của Waltari, được xuất bản dưới tên Nauticus vào năm 1941, vẫn là một tác phẩm thú vị cho đến ngày nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu số phận của vùng Baltic và Phần Lan giống nhau?

Cuốn sách đã mô tả chính xác đến việc các nước vùng Baltic dần dần bị sáp nhập vào Liên Xô như thế nào. Một bài đọc đáng suy ngẫm cho những ai đang suy nghĩ về lịch sử và tương lai của khu vực Biển Baltic.

Sinuhe là một loại trải nghiệm khác. Để có được trải nghiệm đó ta không cần phải đi đâu. Một chiếc ghế bành thoải mái là đủ. Waltari cũng chưa bao giờ đến thăm Ai Cập. Lăng mộ của Tutankhamun được phát hiện vào năm 1922 bởi một cậu bé người Ai Cập, Hussein Abdel-Rasoul, khi đang gánh nước cho các nhà khảo cổ. Sau chiến tranh, từ ngôi mộ này và từ các bảo tàng Ai Cập, trong căn phòng áp mái tại Hartola, Waltari đã vẽ ra một thế giới mà chi tiết và độ chính xác của nó đã khiến mọi người bị chinh phục.

“Sinuhe, bạn của tôi, chúng ta đã được sinh ra vào một thời điểm lạ kỳ. Mọi thứ đều chuyển động và đổi thay hình dạng, giống như đất sét trên bàn xoay của người thợ gốm. Trang phục thay đổi, lời nói lẫn phong tục cũng thay đổi, và con người không còn tin vào các vị thần, mặc dù họ sợ hãi các vị.” (Lời Horemheb, bạn của Sinuhe và sau này trở thành Pharaon, nói với Sinuhe – ND)

Trên thế giới chiến tranh xảy ra với sức mạnh của sự thù hận.

Sinuhe là một bức tranh lịch sử bị che giấu của châu Âu thời hậu chiến. Là điểm 0, trên đống đổ nát của chiến tranh và ý tưởng. Là thế giới của những người bị chấn động và vô vọng.

“Không có quốc gia này dũng cảm hơn hay hèn nhát hơn, độc ác hơn hay đáng thương hơn, công bằng hơn hay bất công hơn quốc gia khác, mà tất cả các quốc gia đều có những vị anh hùng và những kẻ hèn nhát, người đúng và kẻ sai, ở Syria và Ai Cập cũng vậy. Vì thế bản thân người chỉ huy và người cai trị không thù ghét ai và không nhìn thấy sự khác biệt giữa các quốc gia, nhưng hận thù là một sức mạnh to lớn trong tay người chỉ huy, mạnh hơn vũ khí, bởi vì không có sự thù hận thì không có đủ sức mạnh trong tay để nâng cao vũ khí.”[2]

Chúng ta có thấy quen thuộc không? Thế giới đang chiến đấu với sức mạnh của sự thù hận. Waltari biết mình đang nói về điều gì vì đã trải qua những khoảnh khắc định mệnh của Thế chiến thứ hai.

Trải nghiệm sống đầy bi quan đã dần trở thành niềm an ủi với Sinuhe: “Tất cả trở về như cũ và không có gì mới dưới ánh nắng mặt trời, con người không thay đổi, dù quần áo thay đổi và ngôn ngữ của anh ta cũng thay đổi”.

Nhân loại bất biến, cuộc chiến và xung đột của thế giới tư tưởng, ghi chú của Nhà truyền giáo Kinh thánh. Người Phần Lan đã chọn Sinuhe người Ai Cập, tác phẩm đã tạo nên bước đột phá quốc tế, làm cuốn sách yêu thích nhất của mình.

Bìa bản dịch tiếng Việt Sinuhe egyptiläinen

Chiếc máy chữ của Waltari vẫn không ngừng nghỉ sau khi Sinuhe đến với bạn đọc. Các tiểu thuyết lịch sử Mikael KarvajalkaMikael Hakim cũng như Johannes Angelos lần lượt ra đời, và cả Nuori Johannes tiểu thuyết được xuất bản sau tác giả qua đời. Mikael HakimJohannes Angelos xoay quanh trong thế giới giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Thật là một chủ đề độc đáo và thời sự trong thời điểm hiện nay.

Bằng ngòi bút của mình, Mika Waltari đã đưa Phần Lan lên bản đồ thế giới. Vào sinh nhật lần thứ 60 của mình, ông trở lại với giá trị sống chính của mình – tính nhân văn và lòng khoan dung. Ông nói về những điều lớn lao: kiểm soát vũ khí và xóa đói giảm nghèo trên thế giới. Ông còn bổ sung thêm “sự phù phiếm đẹp đẽ” vào giá trị cuộc sống của mình – những điều nhỏ nhặt tạo nên niềm vui thường ngày trong cuộc sống của con người.

Waltari chỉ trích các hệ tư tưởng độc tài và việc sử dụng quyền lực cứng rắn. Ngay cả ý định tốt cũng có thể phản tác dụng.

Trí tuệ của dân thường được đại diện bởi Kaptah, người hầu của Sinuhe. Nếu cần thiết, có thể thờ cúng một số vị thần – chỉ để chắc chắn. Thế giới đầy rẫy những Kaptah (người hầu chột mắt, nhưng rất tinh khôn, ranh mãnh và cơ hội trong tiểu thuyết của Waltari – ND)  – những người vượt qua tất cả để tồn tại từ ngày này qua ngày khác, những người giải quyết vấn đề.

Đối với Waltari, mối liên hệ với số phận của nhân loại rất chắc chắn: “Vì tôi, Sinuhe, là một con người và với tư cách một con người, tôi đã sống trong mỗi con người sinh trước tôi, và với tư cách một con người, tôi sẽ sống trong mỗi người sinh sau tôi. Tôi sống trong tiếng khóc và niềm vui của mỗi người, tôi sống trong nỗi buồn và nỗi sợ hãi, trong lòng tốt và sự xấu xa của họ, trong công lý và bất công, trong sự yếu hèn và mạnh mẽ.”

Cuộc sống diễn ra như thế. Và có lẽ ngay lúc này, trong căn phòng áp mái nào đó, nghe người kể chuyện ngồi bên mép giường, một nhà văn trẻ người Phần Lan nào đó đang viết câu chuyện của chính mình.

Pekka Haavisto

Nguyên Bộ trưởng Môi trường, Hợp tác và Phát triển (1995-1999), Bộ trưởng phụ trách phát triển (2013-2014), Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan (6.2019 – 6.2023), Chủ tịch đảng Liên minh Xanh (1993-1995), Ứng cử viên Tổng thống thứ 13 của Phần Lan. Ông đã sang thăm Việt Nam vào tháng 12 năm 1995 với tư cách là Bộ trưởng Môi trường, Hợp tác và Phát triển, và vào dịp đó đã đến thăm và làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là ứng cử viên của Liên minh Xanh trong các cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012 và 2018.

Việt Xuân dịch từ nguồn: https://www.hs.fi/mielipide/art-2000009988528.html

—–

[1] Bản dịch tiếng Việt có tựa đề “Sinuhe người Ai Cập, Quyền lực và Tình yêu” I & II (Võ Xuân Quế & Bùi Việt Hoa dịch),  First News & Nhà xuất bản Dân trí, 2023.

[2] Những dòng in nghiêng trong ngoặc kép là trích nguyên văn trong tiểu thuyết “Sinuhe egyptiläinen” của Mika Waltari

Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ ngày 26/12/2023

Quanh bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du”

Vương Trọng

Đến mùa xuân 2024 này, bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” của tôi đã tròn 42 tuổi. Tháng Ba năm 1982, tôi được khu Bốn mời vào dự hội diễn văn nghệ quần chúng toàn Quân khu tổ chức ở thành phố Vinh. Kết thúc hội diễn Tổ chức cho khách đi tham quan một số nơi, trong đó có quê hương cụ Nguyễn Du, vì trong đoàn có nhiều người quê ở Bắc, ít có dịp vào xứ Nghệ. Tôi là “dân bản địa” nhưng học xong cấp ba trường huyện là ra Hà Nội học đại học rồi nhận công tác xa quê nên chưa có dịp đến các huyện khác của tỉnh và đây là lần đầu tiên tới Tiên Điền.

Dọc đường tới khu di tích tôi hình dung ra một vùng bề thế, khang trang vì năm 1965, nghe đài đưa tin ngành văn hoá đã xây dựng khu bảo tàng Nguyễn Du nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Cụ. Tới nhà lưu niệm của Đại thi hào, trước sau nào thấy bóng người, đợi mãi mới thấy một chị đang cuốc cỏ khoai, chân đất chạy qua vườn, tìm chìa khoá mở cửa rồi giới thiệu sơ lược vài nét về ngôi nhà, sau đó dẫn chúng tôi ra thăm ngôi mộ. Đứng trước ngôi mộ sè sè nấm đất giữa bãi tha ma của làng, cầm nén hương trên tay không biết cắm vào đâu, tự nhiên tôi rơm rớm nước mắt.

Tôi thương Cụ từng chịu bao cuộc bể dâu, sang thế giới bên kia chưa hết nợ phong trần. Tôi vốn là người yêu và thuộc Truyện Kiều từ thời đi học cấp hai, khi trở thành thi nhân thì nghiền ngẫm kỹ 250 bài thơ chữ Hán của Cụ và không những phục tài thơ mà cảm thấy Cụ là người có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Có khi vì quá yêu, tôi tự coi Cụ như người của nhà mình, vô tình nghe ai chê một câu, một chữ nào đó trong Truyện Kiều, cứ nghĩ là họ đang trêu mình, tự thấy mình bị xúc phạm!

Tôi vốn yêu thơ và thuộc khá nhiều thơ từ trước đến nay và đinh ninh rằng, nói về thơ thì khoảng cách từ cụ Nguyễn Du đến các nhà thơ khác của Việt Nam còn xa lắm, khoảng cách đó hàng trăm năm, thậm chí ngàn năm sau, chưa có người lấp kín được! Chính xác của nhận định này đến đâu thì không biết nhưng mấy chục năm nay, tôi hằng nghĩ như thế. Vậy nên khi đứng trước nấm đất như mộ Đạm Tiên này, tôi buồn và thương Đại thi hào của dân tộc. Chúng ta biết rằng, Cụ mất ở Phú Xuân (Huế) năm 1820, thọ 55 tuổi. Khi Cụ mất, có một đôi câu đôi hay, người thì bảo của quan trong triều, nhưng theo nhà thơ Thanh Tịnh thì của vua Minh Mạng. Câu đối đó như sau:

Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh sinh bất thiểm
Bách niên sự nghiệp, tại gia tại quốc tử do vinh
(Một đời tài hoa, đi sứ làm quan, sống chẳng thẹn
Trăm năm sự nghiệp, trong nhà ngoài nước, thác còn vinh)

Mộ Cụ khi đó táng ở cánh đồng Bàu Đá, xã An Hoà, tỉnh Thừa Thiên và bốn năm sau, năm 1824, con trai của Cụ là ông NNgũ cùng với một người cháu, đưa hài cốt của Cụ về táng trong vườn nhà, và hơn một trăm năm sau, năm 1928 mới cải táng chỗ hiện nay, cách nhà hơn cây số.
Sau chuyến đi trở về Hà Nội, tôi treo tấm ảnh của đoàn chụp trước mộ Cụ lên tường đối diện nơi ngồi làm việc, để lặng hàng giờ nhìn ảnh và nghĩ về một kiếp tài hoa. Thế rồi tự dưng tôi thốt lên: “Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên. Ngờ đâu cụ Nguyễn Điền nằm đây” và lấy bút ghi vào quyển sổ đang mở sẵn trên bàn.

Chúng ta nhớ lại rằng, cách đây bốn mươi hai năm, (năm 1985 mới bắt đầu công cuộc Đổi mới), thơ ở nước ta hầu như chỉ đăng những bài thiên về ca ngợi chứ ít có bài nói buồn, đặc biệt là nỗi buồn vì một tồn tại xã hội thì không mấy ai dám viết. Bởi vậy khi viết bài thơ này, tôi không mảy may định để đăng báo, mà để ghi lại tâm trạng của mình khi đứng trước mộ cụ Nguyễn Du và nghĩ rằng, nếu viết được thì dán phía dưới bức ảnh ấy mà thôi.

Khi viết xong ba khổ đầu (mỗi khổ 6 câu), tôi đọc lại và nghĩ rằng, có buồn đấy, nhưng chưa nỗi nào, nếu khổ cuối “sáng” lên một ít thì có thể gửi báo được. Nhân đây xin mở ngoặc rằng, mặc dù trong một thời gian biên tập thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng những bài thơ “hơi khó đăng” của tôi, không bao giờ tôi đăng ở báo. Bởi thế bài thơ này khi hoàn thành tôi đã gửi cho nhà thơ Phạm Tiến Duật ở Tuần báo Văn Nghệ, coi như làm một phép thử xem sao.

Không ngờ rất nhanh sau đó, bài thơ được in ra và những ngày tiếp theo, tôi nhận được thông tin nhiều chiều về bài này. Bạn bè, đồng nghiệp nói chung là khen, không những khen tôi mà khen báo Văn nghệ mạnh tay dám đăng một bài thơ như thế. Ông Tào Mạt hùng hồn tuyên bố rằng đây là một trong hai bài thơ Việt Nam mà ông thích nhất! Và rồi ông làm một việc ngược đời là đã dịch bài thơ đó ra chữ Hán!

Bản dịch này tôi đã công bố trên báo và nhiều bạn đọc thông thạo chữ Hán Tào Mạt tài hoa. Nhà thơ Thanh Tịnh gọi tôi lên phòng riêng, sau khi khen bài thơ thì cung cấp cho tôi về đôi câu đối mà dẫn trên kia, và ông còn nói rằng: “Phía dưới câu đối còn ghi mấy chữ Minh Mạng hoàng đế trang tặng” và bình luận thêm “trang tặng” chứ không phải ban tặng đâu nhé, chứng tỏ vua chúa ngày xưa cũng biết coi trọng nhà thơ đấy chứ”!

Từ khi bài thơ ra đời, nhân dân các vùng mới biết được thực trạng của mộ cụ Nguyễn Du lúc đó nên phản ứng mạnh. Có Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng gọi điện chất vấn Bộ Văn hóa, tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh về vấn đề này. Nhiều xí nghiệp tự động tổ chức các cuộc quyên góp để xây dựng lại mộ của Đại thi hào…

Nhưng trên quê hương Nghệ Tĩnh của tôi thì tình hình ngược lại. Bắt đầu là ý kiến của một vài cán bộ ở Hội Văn nghệ. Họ cho tôi là kẻ nói xấu quê hương, vạch áo cho người xem lưng…, họ phản ảnh điều đó với lãnh đạo tỉnh và tổ chức một cuộc hội thảo để bài xích bài thơ này, loại nó ra khỏi đội ngũ những thi phẩm viết về cụ Nguyễn Du.

Sau đó họ tuyển chọn một tập thơ của thế hệ viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tất nhiên trong đó không có bài thơ của tôi, nhưng trớ trêu là trong lời giới thiệu họ phê phán bài thơ này! Không dừng lại đó, một đại diện của Hội Văn nghệ đã gửi hồ sơ cuộc hội thảo lên cho ông Hà Xuân Trường đề nghị ông Trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng phê bình báo Văn nghệ đã sử dụng một bài thơ độc hại như thế! Thật may là tôi ở Hà Nội, ăn lương Quân đội, chứ nếu công tác ở Nghệ Tĩnh thì chắc chắn bị “lên bờ xuống ruộng” chẳng kém gì Thạch Qùy với bài thơ “Nói với con”!

Mộ cụ Nguyễn Du trước khi xây lại năm 2000

Sau này có khi tự đọc lại bài thơ của mình, tôi ngạc nhiên sao khi đó mình lại có thể viết được câu: “Không cành để gọi chim/ Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời”, “ý dày” được như thế! Còn khi đọc câu thơ “Bao giờ cây súng rời vai /vôi, chở đá tượng đài xây lên“, có nhà phê bình bảo rằng, đất nước ta đã hoà bình từ năm 1975, thì năm 1982, “cây súng rời vai” đã được bảy năm rồi. Nói như vậy là không chính xác!

Sự thật, năm 1982, khi bài thơ ra đời, đất nước ta đang trong mộchiến tranh biên giới ác liệt, dai dẳng. Chỉ đến năm 1989, khi bộ đội của ta hoàn thành nhiệm vụ ở Cămpuchia trở về thì thực sự có hoà bình. Và thật kỳ diệu, chính năm 1989, mộ của cụ Nguyễn Du đã được xây dựng lại. Ngày khánh thành, tôi được giấy mời vào giữ lễ, nhưng vì đi công tác bận, đến đầu năm 1990, nhân chuyến đi viết về sự kiện hợp long cầu Bến Thủy tôi mới có dịp cùng đoàn đến thắp hương trước mộ mới của Cụ. Đợi cho đoàn chúng tôi khấn vái xong, một cụ già tiến gầ“Các ông có biết tại sao mộ cụ Nguyễn Du của chúng tôi được xây lại đẹp như thế này không? Đó là nhờ bài thơ của ông VTrọng đấy! Các ông có nghe, tôi đọc cho mà nghe”!

Ông trưởng đoàn nháy mắt với tôi, ý bảo tôi đừng lên tiếng để nghe cụ đọc thơ. Và cụ đọc rất hồn nhiên. Khi cụ đọc xong, “Thưa cụ, chính con là Vương Trọng đấy ạ!” Cụ già cùng bao người khác chăm chú nhìn tôi. Rồi cụ nói: “Tôi tưởng ông phải già hơn, sao còn trẻ thế này! Tôi đọc thế có đúng không ông?” Sự thật cụ đọc theo lối truyền miệng, có sai đôi chữ, nhưng tôi cám ơn và khen cụ đọc hay. Cụ cho biết tên là Nguyễn Ngẫu, 83 tuổi, cùng họ với cụ Nguyễn Du. Cụ còn nói thêm rằng  năm 1982 đọc bài thơ của tôi đăng báo, bà con trong họ tin rằng mộ cụ Nguyễn Du thế nào cũng được xây dựng lại, và đúng như thế thật!

Nhân đây cũng xin lưu ý với bạn đọc rằng, năm 2000, mộ của cụ Nguyễn Du lại được tôn tạo, nâng cấp một lần nữa, để cùng với khu tưởng niệm Đại thi hào tạo thành một quần thể di tích văn hoá, hàng tuần đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tham quan.

Hơn nửa thế kỷ làm nghề biên tập và sáng tác, tôi may mắn có một số bài thơ được bạn đọc yêu thích như “Với đứa con ngoài giá thú”, “Hai chị em”, “Khóc giữa chiêm bao”, “Chị dâu”, “Sợi tóc hai màu”… nhưng có lẽ hai bài được bạn đọc nhắc đến nhiều nhất là “Bên mộ cụ Nguyễn Du” và “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”.

Có người nói đùa rằng, sở dĩ tôi viết được hai bài thơ hay trên quê hương Hà Tĩnh là nhờ có linh hồn cụ Nguyễn Du phù hộ vì tôi mang họ của Thuý Kiều, tên của chàng Kim, hai nhân vật chính trong tác phẩm kiệt xuất của Cụ!

BÊN MỘ CỤ NGUYỄN DU

Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây
Ngửng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng “thập loại chúng sinh” nằm kề.
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn, gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng yên bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm.
Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người

Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu
Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân.
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá, tượng đài xây lên:
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa..

Nghi Xuân, 7-3-1982

VƯƠNG TRỌNG

Còn đây là phiên âm bài thơ dịch của Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt:

NGUYỄN DU PHẦN BIÊN

Lân Đạm Tiên bạc mệnh
Hà tưởng Nguyễn Du phần
Vọng thiên cao địa hậu
Phủ trưởng giảo ngô thần
Thiên chủng liên thiên bích
Dữ chúng sinh đồng quần.
Cực mục vô lê hoa
Bạch đàn vi phong ca
Thảm thê hoa thảo lạc
Ô nê tiểu kính tà
Tịnh khán vô mao thổ
Do nghi thùy đáo gia?
Vô diệp điểu thanh hoang
Vô hoa diệp thiểu quang
Vô thảo hi noãn khí
Hương yên thụ diệc hoàng
Thanh minh đoạn trường cú
Nghi Xuân nhật mộ tàng.

Thủ phủ tưởng vĩ nhân
Thùy thương độc phong trần
Kỷ hồi hạ sang thủ
Thạch tượng lưu thi thần:
Thiên địa nhất tâm đại
Tiếp tích quán thiên xuân.
TÀO MẠT (dịch)

Nguồn: https://vanviet.info/tren-facebook/quanh-bi-tho-bn-mo-cu-nguyen-du/