Category Archives: Uncategorized

Những điều chưa biết về bản dịch PRISON DIARY và dịch giả Aileen Palmer

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay tác phẩm 獄中日記 (Ngục trung nhật ký) của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch sang ít nhất 37 ngôn ngữ nước ngoài (không kể chữ Quốc Ngữ). Đáng chú ý, riêng tiếng Anh đã có 8 bản dịch được in (với số lượng bài được dịch khác nhau) và hiện là ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất. Tiếp đến là các thứ tiếng: Bengali (4 bản), Tây Ban Nha (3 bản), Sinhala – Srilanka (3 bản), Czech (3 bản), Pháp (2 bản), Đức (2 bản), Bồ Đào Nha (2 bản), Slovak (2 bản), Hàn Quốc (2 bản).

Bản dịch tiếng Anh đầu tiên có tựa đề Prison Diary gồm 101 bài thơ, với 95 trang, được Nhà xuất bản Ngoại Văn xuất bản ở Hà Nội năm 1962, tức chỉ hai năm sau khi bản gốc bằng chữ Hán được dịch sang chữ Quốc Ngữ và được nhà xuất bản Văn Hóa xuất bản năm 1960[2].

Tuy không phải là bản dịch sang chữ nước ngoài đầu tiên của Ngục trung nhật ký (từ đây trở đi chúng tôi dùng “Nhật ký trong tù”), vì trong năm 1960, tiếp theo bản dịch chữ Quốc Ngữ được xuất bản (tháng 5.1960), Nhật ký trong tù bằng tiếng Nga “Хо Ши Мин, Тюремный дневник” do Павел Антокольски (1896 – 1973) dịch, được Nhà xuất bản Ngoại Văn Moskva xuất bản (tháng 9.1960) và bản dịch tiếng Pháp “Journal de Prison, Poèmes” do Đặng Thế Bính, Lê Văn Chất, Vũ Quý Vy và G. Boudarel dịch, được Nhà Xuất bản Ngoại Văn xuất bản tại Hà Nội.

Song, chắc rằng Prison Diary là bản dịch có số lượng bản in nhiều nhất và cũng là bản dịch được dùng làm nguồn để dịch tiếp ra các ngôn ngữ khác nhiều nhất. Chỉ tính riêng lần in đầu tiên tại Mỹ năm 1971 dưới tựa đề “The Prison Diary of Ho Chi Minh”, bản dịch này đã được in với số lượng kỷ lục: 500 000 bản và được review trên tạp chí chuyên về văn học “The Times literary supplement” của Anh[3] và “The New York Times” danh tiếng của Mỹ[4].

Tác giả của bản dịch Prison Diary là Aileen Palmer, nhà thơ, dịch giả người Australia, một đảng viên đảng Cộng sản Australia, một thành viên nhiệt thành của Lữ đoàn Tình nguyện Quốc Tế trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Trước Prison Diary, Aileen Palmer còn dịch sang tiếng Anh một số bài thơ của nhà thơ Tố Hữu được nhà xuất bản Ngoại Văn xuất bản năm 1959 ở Hà Nội.

Chân dung Aileen Palmer, tranh của Madge Hodge vẽ năm 1938

62 đã năm trôi qua, kể từ khi được xuất bản lần đầu tiên (1962), hàng triệu bản Prison Diary đã được phát hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, với rất nhiều lần tái bản, chưa kể là nguồn cho nhiều bản dịch sang các ngôn ngữ khác. Một số người đã đặt ra câu hỏi dịch giả Aileen Palmer đã thực hiện hai bản dịch đó từ nguồn nào (ngôn ngữ gì), dịch ở đâu và vào thời gian nào? Song cho tới hôm nay câu trả lời vẫn chưa thực sự rõ ràng và thuyết phục.

Trong bài viết “Đi tìm những người dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Anh” (2008) dịch giả Thúy Toàn viết: “Chúng tôi đã đi hỏi nhiều người ở Nhà xuất bản Thế giới, trước đây là Nhà xuất bản Ngoại văn, nơi xuất bản bản dịch “Prison Diary” của Aileen Palmer. Đáng tiếc là không có ai có thể cung cấp cho thông tin nào. Phải tìm đến nhà văn hóa Hữu Ngọc, từng là Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, từng làm việc với nhiều chuyên gia biên tập nước ngoài, nhưng cũng chỉ được một thông tin chung chung là đã từng có những chuyên gia Australia giúp đỡ nhà xuất bản Ngoại văn trong công tác biên tập vào những năm sau Hiệp định Geneve, 1954… Có thể, Aileen Palmer có mặt ở Việt Nam trong số các chuyên gia Australia giúp đỡ ta trên mặt trận tuyên truyền vào giai đoạn sau năm 1954”[5]

Trong bài viết khác “Sức lan tỏa của Nhật ký trong tù” được Tạp chí Văn nghệ Đất tổ “rút ra và biên tập lại từ bản tham luận cùng tên của nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn”, thông tin về dịch giả Aileen Palmer ở Việt Nam được khẳng định rõ hơn: “Sau khi hòa bình lập lại ở Việt Nam (1954), cùng với một số người khác bà lại tình nguyện đến Việt Nam, tham gia xây dựng đời sống văn hóa sau chiến tranh. Bà Aileen Palmer đã cộng tác trong lĩnh vực ra sách đối ngoại của Nhà xuất bản Ngoại văn Việt Nam mới được thành lập. Ngoài công tác hiệu đính biên tập, bà bắt tay vào dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh.”[6]

Gần đây, năm 2024, trong bài viết với tiêu đề “Nhật kí trong tù hành trình đến với độc giả Nga và phương Tây” đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1032, tác giả Nguyễn Thị Như Trang cũng viết một cách chắc chắn rằng: “Aileen Palmer – người dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Anh – là một trong những chuyên gia người Australia, được đào tạo bài bản và có mặt ở Việt Nam năm 1954, am hiểu văn hóa Việt Nam và có nhiều công trình dịch văn học cách mạng Việt Nam sang tiếng Anh.”[7]

Vậy có đúng là Aileen Palmer thuộc trong số những người đã sang “giúp Việt Nam trên mặt trận tuyên truyền”, và đã cộng tác với nhà xuất bản Ngoại Văn rồi bà đã dịch Thơ Tố Hữu cũng như Nhật ký trong tù sang tiếng Anh trong thời gian ở Việt Nam không?

Bài viết này xin cung cấp một số tư liệu mà chúng tôi mới sưu tầm được nhằm giúp cho vấn đề được tường minh.

1.            Những người cộng sản Australia và New Zealand sang giúp đỡ Việt Nam sau năm 1954.

Đúng như dịch giả Thúy Toàn đã viết, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, để xây dựng lại đất nước, phát triển văn hóa và giáo dục, chính phủ Việt Nam đã mời một số chuyên gia từ Australia và New Zealand đến Hà Nội. Theo những tư liệu mà chúng tôi tìm được, những người đó là: Len Fox, Mona Brand, Dick Diamond, Lilian Diamon, Malcolm Salmon, Lorraine Salmon (từ Australia), và Freda Mary Cook (từ New Zeland).

Len Fox và Mona Brand

Len Fox (1905-2004) là nhà báo, họa sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà sử học và nhà hoạt động xã hội. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, bảo thủ ở Melbourne, song Len Fox mang tư tưởng cánh tả. Sau bốn năm ở Hungary và Anh, được chứng kiến sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Phát xít, khi trở về Melbourne, ông tham gia Phong trào Chống chiến tranh, chống chủ nghĩa phát xít và gia nhập Đảng Cộng sản Australia năm 1935. Từ năm 1946 đến năm 1955, Len Fox làm việc cho báo Tribune, một tờ báo của Đảng Cộng sản Australia.

Còn Mona Brand (1915 – 2007) là nhà thơ, nhà văn, nhà báo và nhà viết kịch “nổi tiếng vô danh”, có nhiều đóng góp cho New Theater, một công ty sân khấu cánh tả cấp tiến ra đời năm 1935 ở Australia. New Theater sử dụng sân khấu ‘như một vũ khí’ trong cuộc đấu tranh chống cường quyền. Cả Len Fox và Mona Brand đều là những người sáng lập Hiệp hội Thổ dân Australia năm 1967 và suốt đời tích cực đấu tranh cho quyền lợi của người bản địa.

Năm 1956, qua sự giới thiệu của nhà báo Australia danh tiếng là Wilfred Burchett đang công tác ở Việt Nam, Len Fox được mời sang Việt Nam và Mona Brand đã “tháp tùng” ông. Ngoài việc làm báo và sáng tác, cả Len Fox và Mona Brand đều tham gia dạy tiếng Anh cho cán bộ Việt Nam và đào tạo nghiệp vụ cho phát thanh viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Trong hai năm ở Việt Nam, họ đã có dịp gặp chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội.

Năm 1958 Fox và Brand rời Hà Nội trở về Australia. Fox làm việc cho báo Common Cause, một tờ báo của Liên đoàn công nhân mỏ và năm 1960 làm tổng biên tập. Từ năm 1970, ông nghỉ hưu và chuyên viết sách. Còn Mona Brand tiếp tục sáng tác và dàn dựng kịch cho New Theater. Vở kịch On Stage Vietnam – Trên sân khấu Việt Nam (1967) của bà là một tác phẩm đặc biệt của sân khấu Australia và là một trong những tác phẩm sân khấu quốc tế sớm nhất chỉ trích Chiến tranh Việt Nam và phản ánh cuộc sống xây dựng đất nước sau chiến tranh của người dân Việt Nam mà bà được tận mắt chứng kiến.

Trong cuốn tự truyện Enough Blue Sky, xuất bản năm 1995, Mona Brand cho biết lý do bà viết vở kịch On Stage Vietnam là “Năm 1966, tuy cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra một số cuộc biểu tình phản đối lớn ở Australia, nhưng vẫn còn có rất nhiều người tán thành việc Chính phủ chúng ta ủng hộ cuộc chiến. Là người sống ở Việt Nam, tôi nhận thấy nếu tôi có thể chia sẻ một số hiểu biết của mình thì người khác sẽ hiểu rõ hơn tại sao đây là cuộc chiến mà Australia không nên can dự.”

Len Fox đã xuất bản 38 cuốn sách, trong đó có 3 cuốn về Việt Nam: Chung of Vietnam (1957), Friendly Vietnam (1958), và Vietnam Neighbors. Poems (1966). Còn Mona Brand đã viết 39 vở kịch, tất cả đều liên quan đến chính trị, đều được xuất bản và dàn dựng ở nhiều nước châu Âu và Ấn Độ. Ngoài ra Mona Brand còn sáng tác thơ và viết truyện với tập truyện Daughters of Vietnam, được Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1958.

Bên cạnh các sáng tác của mình, trong hai năm ở Việt Nam, Len Fox và Mona Brand còn sưu tập nhiều tranh, ảnh và áp phích ghi lại cuộc sống hàng ngày của người dân miền Bắc Việt Nam sau giải phóng. Những tư liệu này đã được ông bà hiến tặng cho thư viên công cộng bang New South Wales. Từ bộ sưu tập này, tháng 9/2020, Thư viện bang New South Wales đã tổ chức trưng bày triển lãm 68 tranh cổ động Việt Nam được sáng tác từ 1952-1961.

Để ghi nhận đóng góp của Mona Brand cho sân khấu nước nhà, tháng 11.2016, Thư viện Tiểu bang New South Wales đã công bố Giải thưởng Mona Brand trị giá 40.000 USD dành cho nữ biên kịch sân khấu và màn ảnh, giải thưởng duy nhất thuộc loại này ở Australia được trao hai năm một lần lấy từ số tiền bản quyền các vở kịch của Mona Brand.

Dick Diamond và Lilian Diamond

Richard Frank (Dick) Diamond (1906–1989) là nhà viết kịch và nhà báo, sinh ở Anh và di cư sang Australia năm 1914. Sau khi được đào tạo chính quy, Dick Diamond làm phóng viên cho các tạp chí nhỏ, phát triển mối quan tâm đến điện ảnh, sân khấu và chính trị cánh tả. Năm 1934, ông kết hôn với Lilian Frances Rembelinker, một nữ thư ký. Cả hai đều gia nhập Đảng Cộng sản Australia và hoạt động tích cực trong Nhà hát Hành động Tuổi trẻ.

Năm 1956 Diamond được mời tới Việt Nam. Một năm sau Lilian cũng sang Hà Nội đoàn tụ với Diamond. Hai người dạy tiếng Anh và giúp đỡ các cán bộ Việt Nam xây dựng chương trình phát thanh tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Phát thanh viên tiếng Anh lão thành của đài tiếng nói Việt Nam, Nguyễn Thị Ngọ, cho biết “Người thầy đầu tiên có công lớn đào tạo tôi trong công tác phát thanh là một chuyên gia Australia, ông Dick Diamond và vợ là bà Lilian Diamond.”[8]

Về sáng tác, Diamond có viết cuốn tiểu thuyết The Walls Are Down, được Tran Manh Tuyen minh họa, Len Fox thiết kế bìa và Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1958. Năm 1962 Diamond trở lại Australia và làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng và biên tập. Ông qua đời vào ngày 9 tháng 2 năm 1989 tại Balgowlah.

Malcolm Salmon và Lorraine Salmon

Malcolm Salmon (1925-1986) là nhà báo của báo Tribune, một tờ báo của Đảng Cộng sản Australia và biên tập viên của báo The Guardian. Malcolm Salmon gia nhập Đảng Cộng sản khối Liên hiệp Anh từ năm 1950. Còn Lorraine Salmon (1910-1970), có tên khác: Lorraine Barnett, là một nữ doanh nhân, thành viên lâu năm của Đảng Cộng sản Australia, từng làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng và quảng cáo sau khi trở thành người viết kịch bản cho Ủy ban Phát thanh Truyền hình Australia trong Thế chiến thứ hai. Từ năm 1952 đến 1958 bà làm thư ký Ủy ban Bình đẳng cho Nghệ sĩ.

Năm 1957, Malcolm Salmon và Lorraine Barnett kết hôn. Tháng 3 năm 1958, Malcolm Salmon được cử sang Hà Nội và Lorraine “tháp tùng” ông. Ngoài việc viết bài cho báo, đài của Australia, Malcolm và Lorraine dạy tiếng Anh và làm việc cho ban tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam. Malcolm là một trong số ít nhà báo phương Tây, có dịp phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11.3.1960 và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 11.6.1960.

Giữa năm 1960 Lorraine phải trở về Australia vì lý do sức khỏe. Đến tháng 11 năm đó Malcolm cũng rời Việt Nam. Nhưng tháng 4-5.1967 Malcolm lại đến miền Bắc Việt Nam và Campuchia với tư cách là phóng viên của báo Tribune. Lorraine qua đời ở Victoria năm 1970. Đầu năm 1974 đến tháng 10.1975, Salmon cùng gia đình mới trở lại làm việc ở Việt Nam và phần lớn thời gian này ông đóng góp thường xuyên cho Tạp chí Kinh tế Viễn Đông

Bên cạnh việc viết báo, Malcolm Salmon còn viết sách và xuất bản 3 cuốn sách về Việt Nam: Focus on Indo-China (1961, North Vietnam: a first-hand account of the blitz (1969), và The Vietnam-Kampuchea-China conflicts (1979). Ngoài ra ông còn dịch cuốn sách Contribution a l’histoire de la country vietnamienne (1954) của sử gia người Pháp Jean Chesneaux ra tiếng Anh. Còn Lorraine ngoài việc làm một nhà báo tự do đã cùng với Malcolm Salmon dạy tiếng Anh và cộng tác với chương trình tiếng Anh của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Bà đã viết cuốn sách Pig follows Dog; Two Years in Vietnam, được nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1960.

Ngoài những người Australia được biết trên đây, còn có một đảng viên đảng Cộng sản New Zealand, là Freda Cook (1896-1990), cũng đến Việt Nam khi đã ở tuổi 64. Sinh ra ở Anh năm 1896, Freda Cook di cư sang New Zealand năm 1924. Năm 1929 bà kết hôn với Eric Kingsley Cook, một người có cùng chí hướng và từ năm 1931 cả hai đều là thành viên của Liên minh chống Phát xít. Năm 1934, Freda gia nhập Đảng Cộng sản. Freda tích cực hoạt động trong phong trào chống phát xít, là thành viên của Liên minh Chống Chủ nghĩa tư bản, và đòi độc lập cho Ấn Độ.

Năm 1960, Freda Cook được chính phủ Việt Nam mời làm giảng viên chính thức cho khoa tiếng Anh trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Không chỉ giảng dạy, Freda còn làm “informant” để ghi âm tiếng Anh cho học viên của khoa luyện tập. Một trong những “bóng rợp từ điển” và là người xây dựng khoa tiếng Anh của trường là Phạm Duy Trong kể “Bài nghe thì dùng chiếc máy ghi âm Revere do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng để thu tiếng của ông bà Malcolm và bà Freda Cook, chuyên gia người Australia và New Zealand sang giúp ta.”[9] Cũng như Wilfred Burchett, trong hai năm 1965 & 1966, Freda Cook viết nhiều bài báo tiếng Anh về Việt Nam cho tờ Tạp chí Eastern Horizon ở Hồng Kong.  

Năm 1968 Freda trở về New Zealand để tham dự hội nghị Hòa bình, Quyền lực và Chính trị ở Asia tổ chức ở Wellington với tham luận từ thực tiễn Việt Nam. Chiến tranh trở nên khốc liệt hơn khiến bà không thể trở lại Việt Nam. Ở lại New Zealand, Freda tham gia phong trào phản đối chiến tranh và là thành viên của Ủy ban về Việt Nam. Mãi đến năm 1974 Freda mới có dịp trở lại và năm 1976, bà được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời sang thăm Việt Nam.

Trong một bài viết đăng trên báo Vietnamnews, nguyên tổng biên tập báo Việt Nam News, Nguyễn Khuyến, cho biết: “Freda không bao giờ nói không khi cần bà giúp đỡ. Ngoài những khóa học thường xuyên, cùng với trưởng khoa tiếng Anh, Đặng Chấn Liêu và các giáo viên khác, bà như con thoi giữa các lớp đặc biệt và các lớp đột xuất được tổ chức cho các cán bộ của chính phủ, quân đội và an ninh… Những nguyên tắc hòa bình và công lý mà bà đề cao suốt cuộc đời vùng với tình yêu thương con người và niềm tin vững chắc vào quyền được sống hòa bình tự do của họ đã khắc ghi tên tuổi của bà trong trái tim nhiều người Việt nam.”[10] Còn Freda cho rằng thời gian làm việc ở Việt Nam của bà “Ấn tượng, thú vị và đẹp nhất trong cuộc đời, sau thời gian tại Phong trào Lao động Thất nghiệp ở Nes Zealand”.

Như vậy, Aileen Palmer không thuộc trong số những người được mời sang công tác ở Việt Nam như dịch giả Thúy Toàn đã viết.

2.            Aileen Palmer, chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình, nhà thơ của lương tâm

Aileen Palmer tên đầy đủ là Aileen Aileen Yvonne Palmer, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1915 ở London trong một gia đình trung lưu người Australia và lớn lên trong một môi trường tri thức cánh tả cấp tiến. Mẹ bà là Janet Gertrude Higgins (Nettie) và bố là Edward Vivian Palmer (Vance), hai nhà văn nổi tiếng của Australia lúc bấy giờ.

Tròn nửa tuổi, Aileen Palmer cùng bố mẹ rời Anh trở về Australia. Năm 1929 Aileen vào học trường Presbyterian dành cho nữ sinh thuộc Đại học Melbourne. Khi còn là sinh viên, Aileen Palmer đã tham gia Câu lạc bộ Lao động của Đại học Melbourne, Hội Nhà văn cánh tả Victoria và năm 1932 gia nhập Đảng Cộng sản Australia. Năm 1935 Aileen tốt nghiệp xuất sắc ngành ngôn ngữ và văn học Pháp cùng với bằng về tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italia, những ngôn ngữ gắn với công việc của bà trong những năm kế tiếp đầy sóng gió. 

Cũng năm đó, cuộc đời Aileen Palmer có một bước ngoặt lớn khi được đi du lịch cùng gia đình tới một số thành phố lớn ở châu Âu, trước tiên tới London, nơi Aileen cất tiếng khóc chào đời 20 năm trước. Bên cạnh khám phá các bảo tàng và nhà triển lãm, Aileen Palmer đã tham dự các buổi diễn thuyết, các cuộc biểu tình chống phát xít ở London.

Tháng 5.1936 Aileen đi cùng bố mẹ đến Tây Ban Nha. Aileen đã gặp gỡ những người trẻ tích cực hoạt động chính trị và tham gia phong trào chống Phát xít ở Barcelona. Nhờ biết nhiều thứ tiếng và mang tư tưởng cánh tả, Aileen được nhận làm phiên dịch cho Thế vận hội Đại chúng (Olimpiada Popular), một sự kiện của phe cánh tả dự định sẽ diễn ra ở Barcelona từ 19.7 đến 26.7.1936 như một phản ứng chống lại Thế vận hội của Đức quốc xã được tổ chức tại Berlin vào tháng 8 cùng năm. Nhưng Đại hội đã không diễn ra vì cuộc nổi dậy của tướng Francisco Franco chống lại chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha và Aileen phải miễn cưỡng cùng với bố mẹ rời Tây Ban Nha trở về London.

Ngay sau khi trở lại London, Aileen làm việc không mệt mỏi cho Đội Hỗ trợ Y tế cho Tây Ban Nha mới được thành lập của Anh. Nhưng, chưa đầy một tháng ở London, Aileen lại lên đường đến Tây Ban Nha với tư cách là phiên dịch của Đội Y tế Anh sang giúp Tây Ban Nha. Mặc dù không được đào tạo về y tế, song kinh nghiệm phục vụ ở Barcelona trước đó và sự thông thạo tiếng Tây Ban Nha đã giúp Aileen được lựa chọn.

Trở lại Tây Ban Nha, Aileen đã làm việc 3 tháng ở mặt trận Aragon. Bà thường có mặt trên xe cứu thương vận chuyển và cứu chữa những người lính bị thương vì ngoài người Anh và người Tây Ban Nha, còn có quân tình nguyện Pháp, Ý và Đức. Bà phiên dịch cho các bác sĩ và bệnh nhân trong bệnh viện, hoặc “đóng gói và gửi những gói đồ đạc của những người đã chết về nhà cho họ.”

Tháng 3.1939, phe Cộng hòa bị đánh bại, nhà độc tài Franco lập nên chính phủ quân chủ ở Tây Ban Nha. Một lần nữa Aileen buộc phải trở lại London và làm việc cho một trạm cứu thương trong Thế chiến thứ hai, sau đó cho Australia House ở Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc. Năm 1945, nhận được tin mẹ bị ốm nặng, Aileen Palmer miễn cưỡng trở về Australia.

Sau hơn một thập kỷ ở châu Âu trở về, Aileen Palmer cảm thấy xa lạ như “một người nước ngoài” ở quê nhà Australia. Sau gần hai năm làm quen với cuộc sống mới, Aileen bắt đầu trở lại với việc sáng tác và làm diễn giả các buổi nói chuyện về thơ ca của một số nhà thơ cộng sản: Luis Aragon, John Cornford, John Manifold. Bà tự nhận mình là “a poet of conscience” (nhà thơ của lương tâm). Nhưng không lâu sau, vào tháng ba năm 1948, bà bị suy sụp về tinh thần và buộc phải vào bệnh viện.

Kể từ đó trở đi Aileen phải ra, vào bệnh viện nhiều lần để chữa trị bệnh thần kinh, hệ quả của thời gian xông xáo ngoài mặt trận ở Tây Ban Nha và ở London trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Trong những khoảng thời gian sung sức, bà theo đuổi hai niềm đam mê: hoạt động chính trị và làm thơ. Bà hướng năng lượng của mình nhiều hơn vào các hoạt động vì hòa bình thế giới, đặc biệt là đấu tranh cấm bom nguyên tử và chống phát triển vũ khí hạt nhân.

Tháng 8.1957, Aileen được mời tham dự Hội nghị thế giới lần thứ 3 về chống vũ khí A&H tổ chức ở  Tokyo. Tại đây, bà giúp phiên dịch cho các đại biểu nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Sau khi đến thăm Hiroshima và Nagasaki bà đã sáng tác một số bài thơ, và tạp chí Meanjin sau đó đã in một trong những bài thơ có tên “Vùng đất chết” của bà. Sau Nhật Bản, Aileen Palmer cũng được mời đến thăm Trung Quốc cùng với năm đại biểu người Australia khác.

Vào những năm 1960, Aileen là người tích cực phản đối Chiến tranh Việt Nam. Bà từng nói với nhà văn Australia, người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Australia, cố vấn lâu năm của bà là Katharine Susannah Prichard, rằng: “Việt Nam là Tây Ban Nha của thời điểm hiện giờ”. Cũng trong thời gian này Aileen bắt đầu “bén duyên” với Việt Nam. Thông qua hai người đồng chí trong đảng Cộng sản Australia sang giúp Việt Nam là vợ chồng nhà báo Malcolm Salmon, Aileen đã thực hiện hai bản dịch thơ của hai nhà thơ nổi tiếng Việt Nam là Hồ Chí Minh và Tố Hữu.

Ba năm sau, năm 1962, Aileen hoàn thành bản dịch Prison Diary của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản dịch tiếng Anh gồm 101 bài thơ được tuyển chọn từ 133 bài thơ trong nguyên tác “Ngục Trung Nhật ký”. “Aileen đã được nhà xuất bản Ngoại văn cung cấp một bản dịch nghĩa đen từng từ của các bài thơ từ tiếng Hán sang tiếng Anh và được yêu cầu cung cấp một bản dịch thơ bằng tiếng Anh. Mặc dù Aileen không thực sự hài lòng về “chất thơ” trong bản dịch tiếng Anh của mình và coi đây chỉ là một bản “diễn giải” (rendering) hơn là một bản dịch thơ theo đúng nghĩa của từ này. Bởi lẽ, như bà viết cho Salmons, người làm cầu nối giữa Nhà xuất bản Ngoại văn với bà: “Để có được một tác phẩm thực sự tốt tôi phải hiểu vần điệu của bản gốc, điều mà bạn không thể biết, trừ khi bạn biết ngôn ngữ (tiếng Hán – VXQ) khá tốt.”          

Tuy nhiên, sự sáng rõ, khúc chiết trong câu thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh đã tạo ra một nhạc điệu đặc biệt của riêng nó. Ngay sau khi xuất bản, Prison Diary đã được độc giả trên khắp thế giới nồng nhiệt đón nhận và góp phần đưa danh tiếng của Aileen Palmer vang xa hơn nhiều so với bản dịch trước đó. Và Prison Diary đã được nhiều dịch giả dùng làm bản nguồn để dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài khác và được xuất bản lại ở nhiều nước, đáng chú ý nhất là lần xuất bản đầu tiên ở Mỹ năm 1971 với tựa đề The Prison Diary of Ho Chi Minh. Ngoài ra, nhiều bài thơ từ bản dịch Prison Diary cũng được in lại trong các tác phẩm khác viết về Hồ Chí Minh. Chẳng hạn như trong sách “Ho Chí Minh: a biographical introduction”, tác giả Charles Fenn đã in tới 21 bài thơ từ Prison Diary, trong đó có 12 bài mở đầu cho 12 chương và 9 bài in ở Phụ lục của cuốn sách[11].

Đáng chú ý, Prison Diary đã tạo nguồn cảm hứng cho hai nhạc sĩ Phil Minton và Veryan Weston sáng tác bản hợp xướng “Songs From A Prison Diary” được nhóm “Voices from Somewhere” trình diễn tại Festival Âm nhạc Strasbourg tháng 10 năm 1991. Bản hợp xướng đã được trao giải thưởng Cornelius Cardew và được ghi âm tại chỗ trong buổi trình diễn thứ hai, sau đó làm thành đĩa CD và phát hành năm 1993 ở Anh[12]. Một số bài trong bản dịch này còn được ghi âm vào đĩa CMS audiobook “Poetry Of Ho Chi Minh – The Prison Diary” qua giọng đọc của Martin Donegan, phát hành năm 1970[13].

Ngoài hai bản dịch thơ Việt Nam, năm 1964 Aileen Palmer cho xuất bản một tập thơ với tựa đề Thế giới không có người lạ? (World Without Strangers?) tập hợp các bài thơ được bà sáng tác rải rác trong nhiều năm với những bài thơ đã đăng trước đó trên các tạp chí, như Overland, Southerly, MeanjinThe Realist cũng như các bản dịch của các nhà thơ bà yêu thích: Aragon, Heine, Pushkin và nhà thơ Cuba, Nicolás Guillén. Gần đây, một số bài thơ của Aileen Palmer còn được in trong tuyển tập thơ của những tình nguyện viên thuộc Lữ đoàn Quốc tế ở Tây Ban Nha.

Trong bốn thập kỷ cuối đời (từ 1948-1988) Aileen Palmer đã phải vật lộn với những tổn thương về tâm lý và tinh thần do những trải nghiệm mà bà đã chịu đựng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha và chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Điều đó được thể hiện trong tập thơ Thế giới không có người lạ? của bà và đúng như tác giả Campamà-Pizarro đã viết: “thơ của Aileen Palmer đã trở thành phương tiện mà qua đó bà có thể bày tỏ quan điểm của mình về những điều phi lý đang diễn ra trong các cuộc xung đột trên thế giới. Trên thực tế, thơ của bà đã trở thành một công cụ chính trị để bà có thể định vị bản thân mình.”

Aileen Palmer qua đời một cách lặng lẽ ngày 21.12.1988 ở tuổi 73 tại một trạm điều trị tâm thần nhỏ ở Ballarat, bang Victoria. Nghe tin Aileen qua đời không có lời ai điếu, nhà thơ Colleen Z. Burke đã sáng tác một bài thơ bày tỏ sự ngưỡng mộ thơ ca và hoạt động của bà trên báo Southerly với tiêu đề “No Words”. Năm năm sau, tháng 12.1993, tại buổi lễ tưởng niệm những người Australia từng phục vụ trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha tổ chức ở Canberra, Len Fox (lúc này đã 88 tuổi) một cựu “đồng chí” của Aileen Palmer đã đọc bài thơ “Danger is never danger” lạc quan nổi tiếng của bà. Bài thơ ba khổ, với khổ mở đầu:

Nguy hiểm chẳng bao giờ nguy hiểm

cho tới khi máu đổ trên đường

là máu của trái tim anh đang khóc:

người yêu anh tìm đến gặp lúc này…

Phụ lục

Thông tin về 8 bản dịch “Nhật ký trong tù” được in bằng tiếng Anh:

  1. Prison Diary, Aileen Palmer dịch, Hanoi, Foreign Languages Publishing House 1962, 96 trang, dịch 101 bài

  2. Poems Written While In Prison, Kenesth Rexroth dịch 20 bài, In trong tạp chí Avant Garde, số 3, năm 1968

  3. Eleven Prison Poems by Ho Chi Minh, Burton Raffel dịch,in trong sách From the Vietnamese : ten centuries ofpoetry, New York : October House Inc. 1968

  4. Ho Chi Minh in Prison, lan McLanchlan dịch 14 bài, In trong Tạp chí Malahat Review, số 43, tháng 7-1977.

  5. Ho Chi Minh, Prison Diary, Christopher Jenkins, Trần Khánh Tuyết và Huỳnh Sanh Thông dịch, in trong sách: Reflections from captivity : Phan Boi Chau’s “Prison Notes” and Ho Chi Minh’s “Prison Diary.” Athens: Ohio University Press, 1978. 113 trang

  6. From the Frison Quatrains of Ho Chi Minh, John Birtwhistle dịch 18 bài in trong sách Our Worst Suspicions, Anvil Press Poetry 1985.

  7. Prison Diary, Đặng Thế Bính dịch, Foreign Languages Publishing House, Hanoi 1972 (Fifth Edition), 134 trang

  8. Poems from the Prison Diary of Ho Chi Minh, Steve Bradbury dịch từ chữ Hán, Tinfish Press xuất bản, 2004, 33 trang.

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Silvia Martin, Ink in her veins: the troubled life of Aileen Palmer, UWAP Publishing 2016.

  2. Salmon family – Malcolm Salmon – papers, 1927-1986, The Australian Women’s Archives Project

  3. Australian Dictionary of Biography (https://awhf.wordpress.com/2008/02/12/aileen-palmer-1915-88/)

  4. Marcos Rodríguez-Espinosa, The Forgotten Contribution of Women Translators in International Sanitary Units and Relief Organizations During and in the Aftermath of the Spanish Civil War, in  : Current Trends in Translation Teaching and Learning E, pp 348 – 394.

  5. People Australia (https://peopleaustralia.anu.edu.au/biography/fox-leonard-phillips-len-22028)

  6. Angela O’Brien, Theatre of the Old Wave: Mona Brand’s On Stage Vietnam, in: Double Dialogues, Issue 11, Winter 2009 (https://doubledialogues.com/article/theatre-of-the-old-wave-mona-brands-on-stage-vietnam/)

  7. The Encyclopedia of New Zealand (https://teara.govt.nz/enbiographies/4c30/cook-freda-mary)


[1] Thông tin chi tiết về các bản dịch này xin xem ở phần phụ lục cuối bài.

[2] Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, Viện Văn học, Nhà xuất bản Văn hóa 1960

[3] Jenner, William J. F., and JENNER [sic] (AKA). “The Poet Ho”, The Times Literary Supplement, no. 3329, 16 Dec. 1965, p. 1171

[4] Henry Raymont, The New York Times, July 8, 1971

[5] Thúy Toàn, Đi tìm tác giả những bản dịch “Nhật ký trong tù” sang tiếng Anh, báo Công An nhân dân online, Thứ Năm, 22/05/2008 (https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Di-tim-tac-gia-nhung-ban-dichNhat-ky-trong-tu-sang-tieng-Anh-i326409/)

[6] Thúy Toàn, Sức lan tỏa của Nhật ký trong tù, Tạp chí Văn Nghệ Đất Tổ, đăng ngày 10/17/2013.

[7] Nguyễn Thị Như Trang, Nhật ký trong tù hành trình đến với độc giả Nga và phương Tây, Văn nghệ Quân đội số 1032, đăng online 14/04/2024 (http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/nhat-ki-trong-tu-hanh-trinh-den-voi-doc-gia-nga-va-phuong-tay_15784.html)

[8] https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/hoi-uc-cua-ptv-huyen-thoai-trinh-thi-ngo-ve-thoi-gian-lam-viec-o-vov-555956.vov.

[9] Việt Đông, Còn đó một bóng rợp từ điển… (https://cand.com.vn/Xa-hoi/Con-do-mot-bong-rop-tu-dien%E2%80%A6-i119886/)

[10] Nguyễn Khuyến, Freda Cook – enshrined in many Vietnamese hearts (https://vietnamnews.vn/life-style/418119/freda-cook-enshrined-in-many-vietnamese-hearts.html)

[11] Charles Fenn, Ho Chi Minh: A biographical introduction, Studio Vista London, 1973.

[12] Sóng from a Prison, Phil Minton & Veryan Weston, Voices from Somewhere, 1993

[13] Poetry Of Ho Chi Minh – The Prison Diary, 1970 (https://www.discogs.com/release/8629629-Ho-Chi-Minh-Poetry-Of-Ho-Chi-Minh-The-Prison-Diary)

Võ Xuân Quế

Bài đã đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân đội số 1037, ngày 20.05.2024

Noam Chomsky: “Chúng ta đang tiến đến điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người”

Giáo sư Mỹ, năm nay 93 tuổi, nói về thảm họa khí hậu và mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân.

George Eaton

Khi mới mười tuổi, Noam Chomsky lần đầu tiên đối mặt với hiểm họa ngoại xâm. “Bài báo đầu tiên tôi viết cho tờ báo tường của trường tiểu học là vào ngày Barcelona thất thủ [năm 1939],” Chomsky nhớ lại trong cuộc trò chuyện qua cuộc gọi video gần đây của chúng tôi. Nó phác họa về sự tiến triển của “đám mây nghiệt ngã của chủ nghĩa phát xít” trên toàn thế giới. “Kể từ đó tôi đã không thay đổi quan điểm của mình, nó chỉ trở nên tồi tệ hơn,” Ông mỉa mai nhận xét. Do khủng hoảng khí hậu và mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân, Chomsky nói với tôi, “Chúng ta đang tiến đến điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người … Chúng ta hiện đang đối mặt với viễn cảnh hủy diệt sự sống có tổ chức của con người trên Trái đất.”

Ở tuổi 93, có lẽ là học giả còn sống được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, Chomsky có thể được thông cảm vì đã rút lui khỏi công chúng. Nhưng trong thời đại khủng hoảng thường trực, ông vẫn giữ được lòng nhiệt thành về mặt đạo đức của một người cấp tiến trẻ tuổi – quan tâm đến sự chết chóc của thế giới hơn là của chính mình.

Cơ hội cho cuộc trò chuyện của chúng tôi là việc xuất bản cuốn Biên niên sử về sự bất đồng chính kiến, một tập hợp các cuộc phỏng vấn giữa Chomsky và nhà báo cực đoan David Barsamian từ năm 1984 đến năm 1996. Nhưng bối cảnh là cuộc chiến ở Ukraine – một chủ đề mà Chomsky không có ngạc nhiên.

Noam Chomsky trong cuộc trò chuyện qua video với tác giả (screenshot từ New Statesman)

Ông nói: “Điều đó thật kỳ quái đối với Ukraine.” Giống  với nhiều người Do Thái, gia đình Chomsky có mối liên hệ với khu vực: cha ông sinh ra ở Ukraine ngày nay và di cư sang Mỹ năm 1913 để tránh phục vụ trong quân đội Nga hoàng; mẹ ông sinh ra ở Belarus. Chomsky, người thường bị các nhà phê bình chỉ trích từ chối lên án bất kỳ chính phủ chống phương Tây nào, đã không ngần ngại tố cáo “hành động gây hấn độc ác” của Vladimir Putin.

Nhưng ông nói thêm: “Tại sao ông ta làm điều đó? Có hai cách nhìn vào câu hỏi này. Một cách theo kiểu thời thượng ở phương Tây, là giải quyết những khúc mắc trong tâm trí rối ren của Putin và cố gắng xác định điều gì đang xảy ra trong trí não sâu sắc của ông ấy. Cách khác là xem xét các thực tế: ví dụ, vào tháng 9 năm 2021, Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về chính sách, kêu gọi tăng cường hợp tác quân sự với Ukraine, gửi thêm vũ khí quân sự tiên tiến, tất cả đều là một phần của chương trình ủng hộ Ukraine gia nhập Nato. Bạn có thể đưa ra lựa chọn của mình, chúng ta không biết điều nào là đúng. Những gì chúng ta biết là Ukraine sẽ còn bị tàn phá nặng nề hơn nữa. Và chúng ta có thể chuyển sang chiến tranh hạt nhân giai đoạn cuối nếu chúng ta không tìm kiếm các cơ hội cho một thỏa thuận thương lượng”.

Ông ấy phản ứng như thế nào trước lập luận rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của Putin không phải là Nato bao vây mà là sự lan rộng của nền dân chủ tự do ở Ukraine và “gần nước có biên giới” với Nga?

“Putin cũng quan tâm đến nền dân chủ như chúng ta. Nếu có thể thoát ra khỏi bong bóng tuyên truyền trong vài phút, thì Mỹ đã có một bề dày lịch sử về việc phá hoại và hủy hoại nền dân chủ. Tôi có phải nhắc lại không? Iran năm 1953, Guatemala năm 1954, Chile năm 1973, v.v. Nhưng giờ đây chúng ta phải tôn vinh và ngưỡng mộ cam kết to lớn của Washington đối với chủ quyền và dân chủ. Những gì đã xảy ra trong lịch sử không quan trọng. Đó là dành cho những người khác.

“Còn việc mở rộng Nato thì sao? Có một lời hứa rõ ràng, dứt khoát của [ngoại trưởng Hoa Kỳ] James Baker và tổng thống George HW Bush với Gorbachev rằng nếu ông ấy đồng ý với việc một nước Đức thống nhất tái gia nhập NATO, Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng không có động thái nào đối với phía đông. Bây giờ có rất nhiều người nói dối về điều này. ”

Vào năm 1990 Chomsky đã từng phát biểu “nếu luật Nuremberg được áp dụng, thì mọi tổng thống Mỹ thời hậu chiến sẽ bị treo cổ”, nói về Joe Biden một cách chua chát.

Ông nói về tuyên bố gần đây của Biden rằng tổng thống Nga “không thể tiếp tục nắm quyền” là điều hoàn toàn đúng. “Nhưng sẽ còn tiến bộ hơn nếu có sự phẫn nộ về mặt đạo đức với những hành động tàn bạo khủng khiếp khác… Ở Afghanistan, hàng triệu người đang phải đối mặt với nạn đói sắp xảy ra theo đúng nghĩa đen. Tại sao? Có thức ăn ở chợ. Nhưng những người ít tiền lại phải chứng kiến ​​cảnh con mình chết đói vì không thể đi chợ mua thức ăn. Tại sao? Bởi vì Hoa Kỳ, với sự hậu thuẫn của Anh, đã giữ tiền của Afghanistan trong các ngân hàng ở New York và sẽ không nhả chúng”.

Sự coi thường của Chomsky đối với thói đạo đức giả và những mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ không lạ với bất kỳ ai đã đọc một trong nhiều tác phẩm của ông (tác phẩm chính trị đầu tiên của ông, Quyền lực Hoa Kỳ và vị thế mới, xuất bản năm 1969, báo trước thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam) . Nhưng giờ đây, có lẽ ông là người sôi nổi nhất khi thảo luận về khả năng trở lại của Donald Trump và cuộc khủng hoảng khí hậu.

“Tôi đủ từng trải để nhớ về đầu những năm 1930. Và những kỷ niệm hiện về trong tâm trí,” ông kể trong hồi ức đầy ám ảnh. “Tôi có thể nhớ đã nghe các bài phát biểu của Hitler trên đài phát thanh. Tôi không hiểu từ ngữ, tôi sáu tuổi. Nhưng tôi hiểu tâm trạng. Và nó thật đáng sợ và khủng khiếp. Và khi bạn xem một trong những cuộc diễn thuyết của Trump mà bạn không thể không nghĩ đến. Đó là những gì chúng ta đang phải đối mặt. ”

Dù tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ hay một nhà xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa tự do, Chomsky tiết lộ với tôi rằng trước đây ông đã bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa (“dù muốn hay không thì họ cũng là một đảng đích thực”). Nhưng giờ ông nói, họ là một lực lượng nổi dậy thực sự nguy hiểm.

“Vì sự cuồng tín Trump, cơ sở tôn sùng của Đảng Cộng hòa hầu như không coi biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng. Đó là lệnh tử hình đối với các loài.”

Đối mặt với những mối đe dọa hiện sinh như vậy, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Chomsky vẫn là một trí thức bất đồng chính kiến ​​- theo cách của một trong những anh hùng của ông, Bertrand Russell (sống đến năm 97 và cũng có quan điểm chính trị và triết học tương tự). Nhưng ông vẫn dành hàng giờ mỗi ngày để trả lời email từ những người ngưỡng mộ và phê bình, đồng thời dạy ngôn ngữ học tại Đại học Arizona, bang nơi ông sống cùng người vợ thứ hai, Valeria Wasserman, một dịch giả người Brazil.

Chomsky cũng vẫn tham gia vào chính trường Anh. Ông nói với tôi: “Brexit là một sai lầm rất nghiêm trọng, điều đó có nghĩa là Anh sẽ buộc phải tiến xa hơn nữa trong việc phục tùng Mỹ. “Tôi nghĩ đó là một thảm họa. Nó có ý nghĩa gì đối với Đảng Bảo thủ? Tôi tưởng tượng họ có thể nói dối theo cách của mình, họ đang làm rất tốt việc nói dối về nhiều thứ và bỏ qua nó.”

Ông nhận xét về Keir Starmer một cách khinh bỉ: “Anh ta đang đưa Đảng Lao động trở lại một đảng đáng tin cậy để tuân theo quyền lực, đó sẽ là Thatcher-lite theo phong cách của Tony Blair và điều đó sẽ không làm xù lông của Mỹ hay bất kỳ ai quan trọng ở Anh. ”

Nhà Mác-xít người Ý Antonio Gramsci khuyên những người cấp tiến nên duy trì “sự bi quan của trí tuệ và sự lạc quan của ý chí”. Tôi đã hỏi Chomsky khi kết thúc cuộc trò chuyện của chúng tôi, rằng điều gì mang lại cho anh ấy hy vọng?

“Rất nhiều người trẻ tuổi; Cuộc nổi dậy Extinction ở Anh, những người trẻ tuổi tận tâm cố gắng chấm dứt thảm họa. Bất tuân dân sự – đó không phải là một trò đùa, tôi đã gắn bó với nó trong phần lớn cuộc đời mình. Bây giờ tôi đã quá già rồi [Chomsky bị bắt lần đầu tiên vào năm 1967 vì phản đối Chiến tranh Việt Nam và ở chung phòng giam với Norman Mailer]… Thật không dễ chịu khi bị tống vào tù và bị đánh đập, nhưng họ sẵn sàng thực hiện điều đó.

“Đúng là có rất nhiều người trẻ kinh hãi trước cách cư xử của thế hệ cũ và đang cố gắng ngăn chặn sự điên rồ này trước khi nó tiêu diệt tất cả chúng ta. Đó là hy vọng cho tương lai.”

 

Nguồn: https://www.newstatesman.com/encounter/2022/04/noam-chomsky-were-approaching-the-most-dangerous-point-in-human-history

Vì sao cần bảo tồn các ngôn ngữ?

Anastasia Riehl

Tôi đã gặp người nói tiếng Naati cuối cùng trên một bãi biển trống vắng ở Malekula, một hòn đảo Vanuatu thuộc Nam Thái Bình Dương. Tôi đã đi bộ hàng giờ dọc theo những con đường hẹp xuyên qua khu rừng rậm rạp, nóng bỏng, lội qua dòng suối thỉnh thoảng nước đến cao ngang eo với túi thiết bị ghi âm của tôi được đội trên đầu. Khi tôi thả túi đồ của mình xuống cát, một người từ vách đá gần đó nhảy xuống và băng qua bãi biển tiến về phía tôi.

Chúng tôi chào nhau bằng thổ ngữ địa phương, và cuộc trò chuyện nhanh chóng chuyển sang chủ đề về sự xuất hiện bất ngờ của tôi trên bờ biển này. Tôi nói với người đàn ông tên là Ariep, rằng tôi đến đây để học một trong số ngôn ngữ bản địa của hòn đảo này. Khi biết tôi là một nhà ngôn ngữ học, anh ta hào hứng cho biết anh ta nói tiếng Naati.

Cắm vài cây gậy xuống cát và sử dụng chúng làm điểm tham chiếu, Ariep giải thích mối quan hệ giữa Naati và các ngôn ngữ khác trong vùng. Với sự pha trộn giữa niềm tự hào và nỗi buồn, anh tiết lộ rằng anh là người cuối cùng nói thành thạo tiếng Naati. Mặc dù một vài thành viên trong gia đình anh ta có biết một ít và nỗ lực sử dụng nó cùng nhau, song anh ta sợ rằng với cái chết của mình, Naati sẽ sớm biến mất.

Trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ được sử dụng trên hành tinh hiện nay, 50 – 90 phần trăm được coi là có nguy cơ bị biến mất vào cuối thế kỷ này.

Cuộc khủng hoảng đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng của công chúng trong thập kỷ qua, được nhấn mạnh bởi những dòng như “một ngôn ngữ chết hai tuần một lần” và được minh họa bởi những câu chuyện thương tâm về cái chết của những người nói cuối cùng. Trong “Năm ngôn ngữ bản địa quốc tế” của UNESCO này, khi tiếng chuông báo thức vang lên và những nỗ lực bảo tồn được tổ chức, chúng ta nên tạm dừng để hỏi: Tại sao nó lại quan trọng?

Số phận Naati có liên quan đến thế giới không? Ariep không cần Naati để giao tiếp. Giống như nhiều người nói các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng, họ thông thạo một số ngôn ngữ ấn tượng, bao gồm một số ngôn ngữ bản địa của hòn đảo của mình, cũng như ngôn ngữ quốc gia.

Nếu chúng ta đang hướng tới một tương lai mà trong đó tất cả chúng ta đều nói một số ít ngôn ngữ lớn, đó có phải là một điều tốt? Liệu đó có thể là một cách để tạo điều kiện cho giao tiếp và sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia? Có phải mong muốn “cứu” những ngôn ngữ nhỏ bé này hoàn toàn là tình cảm – một khái niệm lãng mạn được nuôi dưỡng bởi các học giả nơi tháp ngà của các bộ tộc bị cô lập khỏi ảnh hưởng kiệt sức với toàn cầu hóa?

Tôi cho rằng “không”. Là một nhà ngôn ngữ học đã làm việc với các cộng đồng ngôn ngữ đang bị đe dọa ở Canada và châu Á-Thái Bình Dương, tôi biết rằng ngôn ngữ là một vấn đề nghiêm trọng và cấp bách – không chỉ đối với những người nói bị mất ngôn ngữ mà còn đối với mọi người. Ngôn ngữ là một nguồn văn hóa và bản sắc quan trọng đối với các cộng đồng riêng lẻ và đối với cộng đồng toàn cầu, ngôn ngữ là một nguồn thông tin vô giá về nhận thức của con người. Một thế giới đa dạng về mặt ngôn ngữ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta.

Ngôn ngữ là chất keo văn hóa gắn kết các cộng đồng lại với nhau

Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với những người mà ngôn ngữ của họ bị bức hại và thay thế bởi một trong những ngôn ngữ lớn hơn, có vẻ hữu dụng hơn. Kịch bản này đã diễn ra vô số lần trong nhiều thế kỷ dưới bàn tay của các cường quốc thuộc địa hoặc như một công cụ của các chính phủ quốc gia để đàn áp các nhóm thiểu số. Nó xảy ra trên khắp thế giới ngày nay trong các lớp học nơi trẻ em bị trừng phạt hoặc làm nhục vì sử dụng ngôn ngữ và phương ngữ đi chệch khỏi một dạng chuẩn được chấp nhận.

Câu trả lời của các cộng đồng này không phải là để chúc mừng các thế hệ tiếp theo nói tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Swahili hay bất kỳ ngôn ngữ nào đó có ưu thế hơn. Thay vào đó, họ chê bai cuộc diệt chủng văn hóa này và, nếu có thể, chiến đấu chống lại việc trộm cắp di sản ngôn ngữ của họ.

Ở Canada trong thế kỷ 19 và 20, chính phủ quốc gia đã đàn áp người bản địa một phần bằng cách đưa trẻ em ra khỏi gia đình và đưa chúng vào các trường học nội trú[*]. Trong những không gian này, trẻ em bị ảnh hưởng bởi một loạt các hành vi lạm dụng thể chất và tinh thần, bao gồm cả hình phạt với việc chúng nói tiếng mẹ đẻ. Những bất công này đã phá vỡ nghiêm trọng việc lưu truyền hàng chục ngôn ngữ bản địa, phần lớn trong số đó hiện đang bị đe dọa.

Ngày nay, mặc dù khan hiếm nguồn lực để giải quyết những thách thức sau nhiều thập kỷ bị đàn áp, cộng đồng người Canada bản địa đang đầu tư rất lớn vào việc lấy lại ngôn ngữ của họ. Từ “ngôn ngữ của mạng” tại Lãnh thổ Tyendinaga Mohawk ở Ontario, nơi trẻ em chỉ giao tiếp với Mohawk suốt cả ngày, đến các trại ngôn ngữ và văn hóa Nehiyawak ở Saskatchewan, nơi các gia đình học hỏi và chia sẻ di sản Cree của họ, việc giáo dục ngôn ngữ bản địa trên khắp Canada đang hưng thịnh.

Có vẻ như dễ dàng hơn, rẻ hơn và rõ ràng thiết thực hơn khi chấp nhận tiếng Anh (một ngôn ngữ không kém phần quốc tế mong muốn) và dùng nguồn lực vào việc nào đó khác. Song việc mọi người đấu tranh để đòi lại ngôn ngữ của họ bất chấp những trở ngại nói lên điều gì đó quan trọng về giá trị của ngôn ngữ và bi kịch của sự mất mát.

Ngôn ngữ là chất keo văn hóa gắn kết các cộng đồng lại với nhau. Mất ngôn ngữ là mất di sản cộng đồng – từ lịch sử và dòng dõi cổ đại chỉ được biết đến qua cách kể chuyện truyền miệng, đến kiến ​​thức về thực vật và thực hành được mã hóa thông qua các từ chưa được viết và chưa được dịch.

Chẳng hạn, những người nói tiếng Lulamogi ở Uganda lo ngại rằng mọi người quên mất hàng loạt các thuật ngữ mô tả các phương pháp bẫy và ăn mối – như okukunia, okutegerera và okubuutira – họ sẽ quên thực hành văn hóa quan trọng này. Cũng có nguy cơ là các cụm từ và phong tục liên quan để chào đón mùa nông nghiệp và rửa xác người chết.

Giống như khi một bức tường của căn nhà bị sụp, mái nhà không đứng vững. Điều giữ cho các thực hành xã hội và một nghi lễ tồn tại là ngôn ngữ. Giết ngôn ngữ, nơi che chở cũng sụp đổ.

Một người đàn ông ở Uganda ăn kiến ​​trắng (mối), một tập tục truyền thống gắn liền với một số từ trong ngôn ngữ Lulamogi. (Photo by: Eye Ubiquitous/Universal Images Group via Getty Images)

Mất ngôn ngữ cũng là mất bản sắc, mục đích tập thể và quyền tự quyết cộng đồng. Trong khi khó định lượng hơn, những mất mát như vậy có tác động bất lợi thực sự đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trái lại, khả năng của các thành viên cộng đồng nói ngôn ngữ bản địa của họ với nhau giúp tăng thêm hạnh phúc.

Tại British Columbia, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên trong các cộng đồng bản địa nơi có ít nhất 50% dân số nói tiếng bản địa thấp hơn sáu lần. Trong cộng đồng thổ dân và người vùng eo biển Torres của Úc, những người trẻ tuổi nói tiếng bản địa có tỷ lệ uống rượu và sử dụng ma túy bất hợp pháp cũng như cơ hội trở thành nạn nhân của bạo lực thấp hơn so với những người không biết nói.

Sự biến mất của một ngôn ngữ có vẻ như là một mất mát đáng tiếc chỉ với những người liên quan. Tuy nhiên, ảnh hưởng đối với tất cả chúng ta là có thật và đáng kể.

Ảnh hưởng này vượt xa sự mất mát của các thông tin cụ thể, như tên bản địa của cây thuốc chưa được các nhà khoa học ngoài cộng đồng phân loại, hoặc các khái niệm và thế giới quan được phản ánh trong các từ và cấu trúc của một ngôn ngữ không có tương ứng trong ngôn ngữ khác. Hiểu ngôn ngữ là rất quan trọng để hiểu nhận thức của con người. Mỗi ngôn ngữ là một mảnh của câu đố mà chúng ta cần để xác định ngôn ngữ hoạt động trong tâm trí như thế nào. Với mỗi mảnh còn thiếu, chúng ta không thể nhìn thấy bức tranh đầy đủ.

Phân tích các mô hình ngôn ngữ có ý nghĩa thực sự cho cuộc sống của chúng ta.

Các ngôn ngữ có thể khác nhau rất nhiều từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, nhưng chúng đều là các biến thể của một chủ đề. Giống như một cánh đồng hoa, các loài cây riêng lẻ có thể khác nhau về chiều cao và màu sắc, nhưng tất cả chúng đều có thân và cánh hoa.

Ngôn ngữ của bạn có thể có “cao cây” hay “cây cao”. Có thể hỏi, “con chó ở đâu?” hay “Ở đâu con chó?” Bất kể, ngôn ngữ của bạn được nói hay được ký hiệu, nó sẽ dựa trên một tập hợp các hình thức và cấu trúc hạn chế và sử dụng chúng theo những cách nhất quán và có thể dự đoán được.

Sự tương đồng đáng chú ý giữa các ngôn ngữ cho thấy rằng có một số khả năng nhận thức làm nền tảng cho tất cả ngôn ngữ của con người, điều khiển cách ngôn ngữ phát triển và thiết lập ranh giới cho những gì có thể. Mục tiêu của ngôn ngữ học đương đại là mô tả và mô hình hóa hệ thống này – về bản chất, để tìm ra cách thức hoạt động của ngôn ngữ.

Ví dụ, các ngôn ngữ khác nhau rất nhiều về số lượng phụ âm, từ sáu trong tiếng Roto  của Papuan đến 122 trong tiếng Xóõ ở miền nam châu Phi. Có đủ những điểm tương đồng giữa các hệ thống âm thanh, tuy nhiên, nếu các nhà ngôn ngữ học biết ngôn ngữ của bạn có 20 phụ âm, chúng ta có thể đoán khá chính xác về những gì nhiều khả năng sẽ xảy ra, và chúng ta gần như có thể chắc chắn những gì sẽ không xảy ra. Về cấu trúc câu, tất cả các ngôn ngữ đều sử dụng ba yếu tố cơ bản: chủ thể, đối tượng và động từ. Mặc dù những yếu tố này có thể được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau, khoảng 80 phần trăm các ngôn ngữ đã biết đặt chủ thể lên đầu, trong khi chỉ có khoảng 1 phần trăm đặt đối tượng lên đầu.

Phân tích các mô hình này còn hơn một bài thực hành khoa học bí mật; nó thực sự có ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Càng hiểu về cách thức hoạt động của ngôn ngữ, chúng ta càng được trang bị tốt hơn để cải thiện các liệu pháp điều trị rối loạn giao tiếp và phương pháp giảng dạy ngôn ngữ.

Kiến thức này cũng góp phần đổi mới công nghệ. Nghiên cứu các mẫu âm thanh được sử dụng trong việc tạo ra phần mềm tổng hợp giọng nói, trong khi các mô hình cấu trúc ngữ pháp bổ sung vào việc phát triển các thành phần ngôn ngữ học cho trí tuệ nhân tạo.

Việc hiểu ngôn ngữ đến lượt cho chúng ta một cửa sổ nhìn vào nhận thức. Những quan sát về những cách trẻ tiếp nhận ngôn ngữ, chuyển giao các ngôn ngữ và văn hóa một cách giống nhau kỳ lạ, cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách não bộ phát triển. Các thí nghiệm tâm lý học liên quan đến việc sản sinh ngôn ngữ, hiểu và thực hiện các thao tác lặp lại cho thấy trí nhớ tổ chức thông tin như thế nào.

Các mô hình ngữ pháp ban đầu dựa trên một số ngôn ngữ lớn, hầu hết ở châu Âu, mà các học giả phương Tây biết hoặc có thể dễ dàng truy cập. Hãy tưởng tượng những thiếu sót nếu nghiên cứu dừng lại ở đó. Nó sẽ giống như dựa trên sự hiểu biết về thực vật trên vườn rau hàng xóm hoặc trong chuyến đi đến vườn thú nuôi thú cưng.

Các báo cáo gần đây về thành kiến giới tính trong xét nghiệm y tế đã tiết lộ rằng các liệu pháp đang thử nghiệm trên nam giới không nhất thiết dùng cho phụ nữ. Các nghiên cứu về sự thiên vị chủng tộc trong ngành công nghệ đã chỉ ra các ứng dụng như nhận dạng khuôn mặt được đào tạo về hình ảnh của người da trắng không nhất thiết dùng cho người da màu. Khi nói đến ngôn ngữ, điều gì sẽ xảy ra nếu các mô hình của chúng ta được chứng minh là sai bởi một nhóm ngôn ngữ không được ghi chép trước đây trong Amazon? Một lý thuyết về ngôn ngữ của con người phải áp dụng cho ngôn ngữ của toàn nhân loại.

Tuy nhiên, tính đến tất cả các ngôn ngữ, hoặc thậm chí là một mẫu đại diện, là một thách thức rất lớn. Hàng ngàn ngôn ngữ không được ghi chép hoặc chỉ được mô tả rất kém, và không ai – cả nhà ngôn ngữ học lẫn người nói – hiểu chúng hoạt động như thế nào.

Ghi lại một ngôn ngữ là một công việc chính liên quan đến nhiều năm cộng tác giữa các thành viên của cộng đồng ngôn ngữ và các nhà ngôn ngữ học (những người có thể hoặc không thể là người nói). Với tốc độ mất ngôn ngữ nhanh chóng trên thế giới hiện nay, nhiều ngôn ngữ có nguy cơ biến mất, mang theo thông tin không thể thay thế về nhận thức của con người, trước khi chúng được ghi nhận.

Tư liệu về tiếng Naati mà chúng tôi có được rất hạn chế, tiết lộ rằng ngôn ngữ này có một phụ âm gọi là “bilabial trill” (rung hai môi). Những âm rung này từng được coi là âm không thể có trong lời nói, nhưng bây giờ các nhà ngôn ngữ học biết rằng chúng phổ biến trong các ngôn ngữ của Malekula.

Khi tôi nhìn Ariep quay trở lại vách đá ngày hôm đó trên bãi biển, mang theo với anh ta một vốn kiến ​​thức về ngôn ngữ và văn hóa, tôi tự hỏi liệu tiếng Naati mang những đặc điểm khác có thể thách thức sự hiểu biết của chúng ta về ngôn ngữ không?

Nhiều ngôn ngữ không được ghi chép có thể dạy chúng ta điều gì về cấu trúc và nhận thức ngôn ngữ, về sự phong phú của các nền văn hóa và truyền thống của chúng ta, về chính nhân loại chúng ta? Vì lợi ích của những người nói các ngôn ngữ đang bị đe dọa, vì lợi ích của tất cả chúng ta, chúng ta phải bảo tồn các ngôn ngữ trên thế giới khi chúng ta tìm kiếm câu trả lời và làm việc để đảm bảo sự đa dạng ngôn ngữ cho các thế hệ tương lai.

Nguồn: https://www.sapiens.org/language/endangered-languages/

——-

[*] Residential school: trường học nội trú ở Canada dành cho các trẻ em người bản địa bị tách ra khỏi gia đình đến học ở nơi mới.

Trung Quốc đã và đang thôn tính châu Âu ra sao?

Lời người dịch: “Trung Quốc đã và đang thôn tính châu Âu ra sao?” là tiêu đề do người dịch đặt để giới thiệu chùm bài điều tra do một nhóm tác giả Phần Lan thực hiện, được đăng trên trang mạng của YLE (cơ quan phát thanh truyền hình quốc gia của Phần Lan). Chùm điều tra gồm 4 bài với tiêu đề và người thực hiện khác nhau. Bài 1: Trung Quốc thâu tóm châu Âu với từng mảnh nhỏ, Bài 2: Đồng tiền Trung Quốc đã đánh hơi sự thành công, Bài 3: Trung Quốc trên những mảnh đất hoang tàn của Hy Lạp, Bài 4: Cảnh quan quốc gia hay phông nền của người Trung Quốc?

Loạt phóng sự, điều tra chỉ ra những phương thức mà Trung Quốc đã và đang tiến hành ở châu Âu.

                                                                           Người dịch: Việt Xuân

 

Bài 1: Trung Quốc thâu tóm châu Âu với từng mảnh nhỏ[i]

Khách du lịch yêu thích rượu đi lại nhộn nhịp trên đường phố cổ kính của thị trấn nhỏ Saint-Émilion. Cô gái trẻ Trung Quốc gần như đánh rơi que kem xuống đất khi có người hỏi cô nghe tên diễn viên Triệu Vi không?

– Dĩ nhiên rồi, ở Trung Quốc ai mà chẳng biết đến cô ấy! Trang trại nho của cô ấy có thật ở gần đây không? Một người phụ nữ họ Vương hỏi.

Triệu Vi là một ngôi sao điện ảnh, người mẫu và ca sĩ nhạc pop 42 – người được trả thù lao cao nhất ở Trung Quốc.

Ngoài điện ảnh và âm nhạc, Triệu Vi còn có niềm đam mê thứ ba là rượu Pháp. Năm 2011 cô thực hiện được niềm mơ ước của mình và mua một trang trại rộng 7 hecta ở vùng rượu nổi tiếng Saint-Émilion miền tây nam nước Pháp.

– Khi nhìn thấy trang trại này cô Triệu nhận ra ngay đây chính là trang trại trồng nho mà cô ao ước. Trước đó chúng tôi đã đi xem hàng trăm trang trại nho, Sue Zhang – người đại diện ở Pháp của Triệu Vi cho biết.

Cô Trương đón khách đến thăm lâu đài cổ hơn 400 năm tuổi. Trên cổng lâu đài có treo cờ Pháp, Trung Quốc và EU. Chủ nhân tòa lâu đài không có mặt vì đang bận việc ở châu Á, nhưng hàng ngày vẫn theo dõi tình hình diễn ra ở lâu đài. Sếp của tôi luôn bảo: “Rượu là một nghệ thuật. Cô ấy đã nếm đủ các loại rượu trên khắp thế giới, nhưng cô thích nhất là rượu ở Saint-Émilion. Đích mà cô hướng tới là sản xuất được một loại rượu tốt nhất không đếm xỉa đến kinh phí”, cô Trương kể. Vì vậy, lâu đài Château Monlot nằm trong vùng đất được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới đã được sửa chữa lại từ hầm rượu cho đến mái. Một trong những chuyên gia giỏi nhất về loại nho Merlot đã được thuê tới làm việc ở đây.

Trang trại rượu nho của Triệu Vi

Những mùa rượu đầu tiên vừa được đem ra thị trường và các tiệm ăn nổi tiếng của Phấp đã đặt hàng. Rượu này cũng nhận được nhiều lời ngợi khen cả từ người Pháp. Đây là điều đặc biệt đối với trang trại có chủ sở hữu là người Trung Quốc, bởi vì thông thường rượu của người Trung Quốc sản xuất tại Pháp được chuyển về Trung Quốc cho những bàn tiệc của những người trung lưu đang ngày một nhiều thêm ở nước này. Hiện nay 1/10 dân số Trung Quốc, tức là khoảng hơn 100 triệu người, uống rượu hàng ngày.

Cho đến nay người Trung Quốc đã mua tất cả 140 trang trại nho ở vùng Bordeaux này. Chúng ta chưa có thể nói con số này là lớn vì nó chỉ chiếm 3% diện tích đất trồng nho ở đây. Những nơi khác trên đất Pháp việc mua đất của người Trung Quốc không hiếm. Thế nhưng người Trung Quốc không chỉ muốn sở hữu những chùm nho ngon ngọt trên đất Pháp mà hiện tượng mới hơn và gây tranh cãi nhiều hơn là mục đích mua đất của người Trung Quốc trong những năm gần đây.

Tại Pháp, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua hàng ngàn hecta đất canh tác. Gần đây nhất là cuối năm ngoái, một thương gia Trung Quốc đã mua gần 900 hecta đất trồng trọt ở vùng Allien, miền trung nước Pháp. Ông ta trả 10 triệu euro cho thương vụ đó. Vị thương gia này là đại diện cho công ty đa ngành Reward Group. Thông tin này đã khiến người dân địa phương bức xúc. Không ai hiểu được vì sao người Trung Quốc lại muốn mua đất ở vùng quê yên bình của họ, ngay cả vị thị trưởng.

– Không biết họ định làm gì ở đây? Những người chủ mới này có định trồng trọt hay không và nếu có thì đến mức độ nào? Hay họ định thay đổi gen, thị trưởng Daniel Marchand đã bày tỏ sự bức xúc khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 2.

Công ty khổng lồ Trung Quốc này trước đây cũng đã mua nhiều đất ở miền trung nước Pháp. Cho tới nay, họ đã là chủ nhân của tất cả khoảng 3 000 hecta đất canh tác ở Pháp, tức khoảng 1/5 diện tích của Helsinki. Vấn đề không phải là việc sở hữu đất quá lớn. Nhưng Reward Group không phải là công ty duy nhất muốn sở hữu đất canh tác ở Pháp. Tờ báo Kinh tế Challenges[ii] cho biết một công ty lớn khác của Trung Quốc hình như cũng đang xúc tiến những thương vụ mua đất tương tự ở Pháp.

Theo tin từ báo này, một công ty đang được giấu tên có lẽ đã thuê một văn phòng luật tại Paris đứng ra thương thảo về việc mua những cánh đồng trồng yến mạch ở vùng Beauce, phía nam Paris.

Người dân ở những nơi khác cũng thấy khó hiểu: tại sao người Trung Quốc lại mua đất canh tác đắt đỏ cách xứ sở họ hàng ngàn cây số? Chẳng lẽ ngoài vang Bordeaux họ còn muốn đem cả bánh mỳ Pháp về Trung Quốc?

Tỉ phú Hu Keqin đang có những dự định rất lớn. Ông ta muốn dân tộc vốn chỉ quen với gạo và mì làm bạn với bánh mì Pháp vỏ giòn. Tỉ phú này chính là người lãnh đạo và giữ cổ phần của tập đoàn Reward Group đã mua hàng ngàn hecta đất nói đến ở trên. Trong vòng 5 năm tới ông ta sẽ khai trương đến 1500 xưởng bánh mỳ trên khắp Trung Quốc, nơi người ta sẽ bán bánh mỳ được làm từ ngũ cốc Pháp.

– Chúng tôi muốn bánh mỳ Pháp chiếm lĩnh Trung Quốc. Sức mua sẽ khổng lồ. Tôi tin rằng thế hệ sinh ra từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới sẽ thích bánh mỳ của chúng tôi. Ông Hu Keqin chia sẻ khi trả lời phỏng vấn hãng AFP[iii].

Ở Trung Quốc, Pháp là thương hiệu được tin cậy. Reward Group đã quảng cáo ở Trung Quốc rằng họ bán các sản phẩm được làm ra từ ngũ cốc của Pháp. Họ hy vọng quảng cáo này có sức hấp dẫn người Trung Quốc vốn rất sợ hãi lương thực, thực phẩm giả nội địa. Tập đoàn này tin tưởng việc xuất khẩu ngũ cốc từ Pháp về Trung Quốc là rất triển vọng về kinh tế vì ngoài thương hiệu ra nó còn đảm bảo khâu an toàn. Reward Group đã hợp tác với một công ty ở Pháp nhằm tiếp thu quá trình sản xuất và công nghệ của Pháp về an toàn thực phẩm.

Đối với Hu Keqin, những thương vụ mua đất này là việc kinh doanh, nhưng với Trung Quốc nó là chiến lược. Thông qua các thương vụ này Trung Quốc muốn bảo đảm lương thực cho công dân của họ trong tương lai.

Hiện nay Trung Quốc có 1,4 tỉ dân, tức 20% dân số thế giới. Nhưng quốc gia này chỉ sở hữu 10% đất canh tác của thế giới. Tương lai tỉ lệ này sẽ giảm đi vì dân số tăng lên trong khi đất canh tác sẽ bị đô thị hóa.

Trung Quốc đang tính rằng nên mua đất canh tác ngay từ bây giờ, vì theo họ trong tương lai việc mua đất sẽ khó khăn hơn. Dân số trên trái đất tăng lên không ngừng cùng với hiện tượng sa mạc hóa do trái đất nóng dần lên và môi trường bị hủy hoại.

Pháp không phải là quốc gia duy nhất mà Trung Quốc mua đất. Họ còn mua ở nhiều nơi khác như Ucraina, Bulgari. Ngoài châu Âu, người Trung Quốc còn mua hoặc thuê đất canh tác, nhất là ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Ở Australia, những thương vụ Trung Quốc mua đất đã gây nên nhiều lo ngại, vì vậy năm 2015 nước này đã thắt chặt quy định mua đất đối với người nước ngoài.

Ngoài đất canh tác, Trung Quốc còn quan tâm đến những vị trí mang tính chiến lược của châu Âu. Nhiều mạng lưới điện, sân bay, hải cảng đã được mua hay cố mua bằng tiền của Trung Quốc. Vụ mua bán nổi tiếng nhất có lẽ là việc mua hải cảng Pireus của Hy Lạp, quốc gia chìm trong khủng khoảng kinh tế. Ngoài ra Tập đoàn vận tải biển Cosco của nhà nước Trung Quốc còn sở hữu hải cảng Zeebrugge của Bỉ, có đa số cổ phần trong các cảng Valencia và Bilbao của Tây Ban Nha.

Tiền Trung Quốc được đầu tư vào các mạng lưới điện ở Bồ Đào Nha và Italia. Người Trung Quốc cũng có đa số cổ phần ở sân bay Hahn (Frankfurt).

Đầu tư của Trung Quốc vào một số cơ sở hạ tầng ở châu Âu

Ở Pháp, Trung Quốc đầu tư vào các chuối khách sạn và thời trang, các câu lạc bộ bóng đá và vào các hải cảng và sân bay[iv]. Công ty China Merchants Holdings đã sở hữu 49,9% sân bay Toulou và 49% ở cảng hàng hóa Terminal Link (Marseille). Người Trung Quốc cũng mua đất ở gần sân bay Châteauroux, miền trung nước Pháp.

Phần của người Trung Quốc trong vốn đầu tư của nước ngoài vào Pháp hiện chỉ chiếm 2%, song giờ đây nó đang tăng từng ngày. Reward Group đã từng mua đất ở miền trung nước Pháp là một công ty tư nhân. Nhưng khi mua đất canh tác nó đã thực hiện chiến lược mang tính quốc gia của Trưng Quốc.

Giới truyền thông Pháp đã cố gắng săn lùng thông tin về công ty này và mục đích của họ khi thực hiện việc mua đất. Kênh truyền hình France 2 đã phỏng vấn doanh nhân Christophe Dequidt, người đã từng gặp tỉ phú Hu Keqin ở Trung Quốc trước đây. Dequidt cho biết khi đó Hu có nói mình đang làm việc vì lợi ích quốc gia.

“Hu Keqin kể rằng ông được lệnh rời vị trí là một vị tướng trong quân đội sang lãnh đạo một công ty công nghiệp và nhiệm vụ của ông là chiếm lĩnh thế giới.” Dequit nói trong cuộc phỏng vấn[v].

Không chỉ người Trung Quốc, mà người các nước như khác Anh và Hà Lan cũng mua khá nhiều đất canh tác của Pháp. Nhưng theo suy nghĩ của người Pháp, người Trung Quốc đáng sợ hơn người nước khác. Các tổ chức công đoàn của những người trồng trọt coi việc làm của doanh nhân Hu Keqin là việc cướp đất dưới vỏ bọc mua đất. Trên nguyên tắc, chính phủ Pháp có khả năng ngăn chặn việc bán đất canh tác cho người nước ngoài. Công ty Safe – một công ty phi lợi nhuận do các nhà trồng trọt và nhà nước cùng sở hữu, phụ trách việc cân đối việc mua đất trồng trọt có quyền mua trước tất cả các khu đất canh tác. Người ta sử dụng quyền này vào việc mua từng phần đất mà không mua toàn thể.

Nhưng lỗ hổng này đã bị các nhà đầu tư Trung Quốc lợi dụng: ví dụ Tập đoàn Rewward của ông Hu Keqin đã mua 900 hecta đất ở vùng Allier bằng cách mua các phần nhỏ ở những vị trí khác nhau và chỉ mua 98%.

Tổng thống Emmanuel Macron đã nhận thấy cần thiết phải lên tiếng mạnh mẽ trong vấn đề mua bán đất này. Ông đã đưa ra chính sách nghiêm ngặt hơn đối với những người tiền nhiệm trong việc mua đất của người Trung Quốc.

– “Chúng ta không thể cho quốc gia khác mua hàng trăm, hàng ngàn hecta đất, nhất là khi chúng ta không biết rõ mục đích sử dụng đất này của họ.” – Ông Macron đã nói như vậy với những người làm nông trẻ của Pháp vào tháng 2/2018 vừa qua.

Emmanuel Macron hứa sẽ thắt chặt quy định liên quan đến việc mua bán đất. Theo Tổng thống điều đó là cần thiết, bởi vì sự đầu tư này có tính chiến lược, liên quan đến chủ quyền của nước Pháp. Bức tranh đe dọa thực phẩm trong nước đã gây ra những phản ứng mạnh ở nước Pháp. Ngoài ra, gần đây nước Pháp cũng đã thức tỉnh để bảo vệ những vị trí mang tính chiến lược của mình.

Tháng 2/2018 vừa qua, chính phủ Macron đã ngăn ngừa một công ty Trung Quốc mua đa số cổ phần của sân bay Toulou, bởi vì sân bay này có tầm quan trọng chiến lược đối với nước Pháp, nhất là đối với ngành công nghiệp sản xuất máy bay Airbus.

Là một nước lớn trong EU, Pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ nền kinh tế của nước mình. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 1/2018, ông Macron lên tiếng về dự án: “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc đang chuẩn bị và thúc đẩy. Mục tiêu của dự án này là tạo ra những con đường thương mại mới và kết nối Trung Quốc với các nước láng giềng, Trung cận Đông, châu Phi và châu Âu. Nhưng phương tây nghi ngờ rằng ý tưởng này là nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc.

– Chúng ta xây dựng đường sá để kết nối chứ không thể chỉ nhằm một hướng, – Ông Marcon nói[vi]. Phát biểu này được hiểu nó ám chỉ rằng thương mại giữa EU và Trung Quốc quá chênh lệch. Theo ông Marcon, những kế hoạch này của Trung Quốc đòi hỏi các nước châu Âu có sự đồng thuận mạnh hơn.

– Trong quan hệ với Trung Quốc, châu Âu đã bị chia rẽ quá lớn. Trung Quốc sẽ không coi trọng những phần đất mà ai đó để hở, – Ông Marcon nói.

Pháp và Đức có cách nhìn khác với các nước nhỏ khác của EU trong việc phản ứng như thế nào với đầu tư từ Trung Quốc. Không chỉ các nước Đông, Trung Âu mà các nước Bắc Âu, trong đó có Phần Lan cho rằng không nên cân nhắc việc đầu tư này trên phạm vi toàn EU.

Dư âm về người Trung Quốc ở Pháp, ngay cả vùng rượu nho Bordeaux, mấy năm trước đây đã rất xấu. Khi đó người ta nghĩ rằng người Trung Quốc gom các trang trại nho ở Pháp vì tiền và vị thế của chúng chứ không để ý đến truyền thống cũng như chất lượng của nho và rượu nơi đây. Những suy nghĩ này có cơ sở vì người Trung Quốc đã bỏ mặc nhiều trang trại mà họ mua khi thiếu hiểu biết hoặc không quan tâm lâu dài tới việc sản xuất.

Theo cách nhìn của người Pháp, điều này không chỉ gây bức xúc mà còn rất nguy hiểm. Những trang trại nho ở Bordeaux là một phần di sản văn hóa của Pháp và thật đáng xấu hổ khi những trang trại này lọt vào tay những trọc phú không tên tuổi.

Ngay từ khi đó người Pháp đã cân nhắc tới việc có nên thắt chặt quy định về việc mua bán đất hay không để hạn chế sự hiện diện của người nước ngoài trên các mảnh đất canh tác của họ.

Tuy nhiên, bây giờ cách nhìn này đã thay đổi. Địa vị của những người mua đất Trung Quốc đã được cải thiện. Đó là ý kiến của nhà văn Laurence Lemaire, một chuyên gia về rượu và là người rất am hiểu về Trung Quốc.

Theo Lemaire, ngày nay những người mua trang trại nho ở Pháp là những người giàu có, yêu thích rượu kiểu như diễn viên Triệu Vi, còn nếu không là những trọc phú mua rồi để lại cho người Pháp quản lý. “Tiếng tăm của những người sản xuất rượu Trung Quốc đã được cải thiện. Những người chủ mới đã coi trọng việc sản xuất và tiền của họ là sự giải cứu với nhiều trang trại.” – Leimaire nói.

Những năm gần đây, các trang trại nho ở Pháp không phải là những đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận nhất.

Rượu Bordeaux được sản xuất theo phương pháp truyền thống và nho của vùng này rất nhạy cảm đối với thay đổi của thời tiết. Những đêm sương giá của mùa xuân năm trước cũng như những trận mưa đá của mùa xuân năm nay đã hủy hoại hết những cánh đồng nho. Sản lượng nho thu được ở Bordeaux thấp kỉ lục.

Vậy nên các trang trại nho được rao bán rất nhiều và không phải trang trại nào cũng có người mua từ Pháp hay châu Âu. Đối với những người Pháp đang vật lộn với khó khăn trong chính sách thuế thừa kế và chi phí cao khác thì đồng tiền của Trung Quốc được chào đón.

Cách đây vài tháng rất nhiều doanh nhân và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã được mời đến dự khai trương trang trại rượu vừa được khôi phục lại của Triệu Vi ở Château Monlot, trong đó có cả ca sĩ Sting cũng đến biểu diễn. Dân địa phương cũng được tham dự. Những người chủ sở hữu mới của các trang trại kể rằng có mấy người Pháp đến nắm tay họ và cảm ơn họ đã giải cứu trang trại. Cho tới lúc này Triệu Vi được biết đến nhiều nhất trên thế giới là vai diễn trong bộ phim đắt nhất của châu Á do Ngô Vũ Sâm đạo diễn, có tên Đại chiến Xích Bích.

Nhưng hiện giờ Triệu Vi lại nổi tiếng ở Pháp trong giới say mê rượu vang.

——

Bài đã đăng tại:

Trung Quốc đang gặm nhấm châu Âu ra sao? (P1)

[i] Nguyên bản tiếng Phần Lan: ”Kiina ostaa Eurooppaa pala kerrallaan” của Annastiina Heikkilä, Stina Tuominen, Eemeli Martti và Maria Tolsa, đăng tại: https://yle.fi/uutiset/3-10248419

[ii] https://www.challenges.fr/economie/agriculture/apres-l-indre-la-beauce-pourquoi-la-chine-veut-racheter-les-terres-agricoles-francaises_571797

[iii] http://www.lepoint.fr/economie/hu-keqin-nous-prenons-un-soin-extreme-de-nos-terres-en-france-23-02-2018-2197327_28.php

[iv] https://www.lejdd.fr/economie/ce-que-les-chinois-ont-achete-en-france-etat-des-lieux-3477638

[v] https://www.francetvinfo.fr/economie/emploi/metiers/agriculture/video-accaparement-des-terres-agricoles-les-chinois-ont-ils-un-plan-pour-la-france_2390432.html

[vi] https://www.reuters.com/article/us-china-france/chinas-new-silk-road-cannot-be-one-way-frances-macron-says-idUSKBN1EX0FU

Phía sau hào quang PISA của một số nước châu Á

 

Sau khi kết quả của cuộc khảo sát kiến thức ba môn: Toán, Đọc hiểu và Khoa học của học sinh lứa tuổi 15 lần thứ 6, PISA 2015, của OECD được công bố vào ngày 6/12 vừa qua, các phương tiện truyền thông nhiều nước liên tục đưa tin, bình luận với những luồng ý kiến khác nhau.

Cũng như ở PISA 2012, học sinh ba nước châu Á: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như Hồng Kong, Thượng Hải đạt kết quả rất cao về Toán và Khoa học, vượt xa các nước như Anh, Mỹ và ngay cả Phần Lan trong PISA 2015 như trong hai bảng dưới đây:

Bảng xếp hạng PISA năm 2012 và 2015 môn Toán. Nguồn: trích từ OECD
Bảng xếp hạng PISA năm 2012 và 2015 môn Khoa học. Nguồn: trích từ OECD.

Học sinh các nước Đông Á nói trên cũng dẫn đầu trong các cuộc khảo sát về Toán và Khoa học ở học sinh lớp 4 và lớp 8 (Trend in International Mathematiics and Science Study – TIMSS) 2011 & 2015 do Tổ chức Đánh giá giáo dục Quốc tế (International Educational Assessment – IEA) có trụ sở ở Boston (Mỹ) thực hiện.

Học sinh các nước Đông Á dẫn đầu trong các cuộc khảo sát về Toán và Khoa học ở học sinh lớp 4 và lớp 8 năm 2011 và 2015. Nguồn: Trích từ IEA

Các quốc gia này đã đựa vào những kết quả từ các khảo sát ấy để phát triển hệ thống giáo dục của họ cũng như giáo viên và học sinh.

Một số quốc gia cũng đi theo mô hình của các nước này như Anh, Mỹ, Israel đang áp dụng một chương trình Toán của Singapore. Nhưng cùng với sáng kiến ấy người ta cũng chứng kiến những hiện trạng lạ thường.

Mới đây BBC có chương trình giới thiệu ba học sinh Xứ Welsh ở trường học Hàn Quốc và phát hiện ra rằng sự thực khác hơn nhiều so với những điều mà các kết quả khảo sát cho thấy.

Trẻ em Hàn Quốc đang học 14 đến 16 giờ một ngày để cạnh tranh và cuối cùng vượt qua cuộc thi vào đại học.

Học sinh Xứ Welsh không cần làm như vậy và chúng cần nhiều thời gian được vui chơi hơn. Điểm PISA của học sinh Xứ Welsh thấp hơn học sinh Hàn Quốc, nhưng so sánh chúng với nhau cũng giống như so sánh tỏi tây với kim chi.

Các nước Châu Á-Thái Bình Dương đều dẫn đầu PISA về tất cả các môn có trong các cuộc thi vào đại học trong một môi trường xã hội cạnh tranh khốc liệt, trong khi các nước phương tây bỏ điều đó lại phía sau đã rất lâu rồi.

Thời điểm quyết định trong câu chuyện của học sinh Xứ Welsh ở Hàn Quốc là khi một học sinh Hàn Quốc nói về việc các bạn cùng lứa tự tử vì sức ép từ gia đình và thầy cô giáo về kết quả các kỳ thi vào đại học.

Tỉ lệ người tự tử cao nhất trên thế giới của Hàn Quốc (theo sau là Nhật Bản) dường như có liên quan tới sự ganh đua trong xã hội.

Tháng 10/2016, một học sinh Singapore, nước dẫn đầu mấy kì PISA liền, cũng chọn cái chết tương tự vì sức ép của kỳ thi hết bậc tiểu học (Primary School Leaving Examenation – PSLE) rất căng thẳng ở nước này.

Trong cuốn sách: “The Smartest kids in the world and how they got that way” (2013), tác giả Amandar Ripley thuật lại lời của Bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc: “Người Mỹ chỉ nhìn thấy mặt sáng của giáo dục Hàn Quốc. Còn người Hàn Quốc không vui với nó.

Chúng tôi đã tạo nên một con quái vật. Hệ thống đã trở nên cạnh tranh quá mức dẫn tới một tình trạng không lành mạnh về điểm số và lệ thuộc vào phụ đạo tư.

Thậm chí vào kỳ nghỉ hè thư viện đông đến nỗi học sinh phải mua vé mới có chỗ ngồi…

Điểm PISA của Hàn Quốc cao chủ yếu là do việc học không mệt mỏi của học sinh chứ không phải của các trường.”

Cuốn sách còn kể lại chuyện một học sinh ở Seoul đã giết mẹ mình để ngăn mẹ đi dự một cuộc họp phụ huynh vì sợ mẹ phát hiện ra việc cậu đã bị điểm thấp trong cuộc thi gần nhất. Mẹ cậu bắt cậu phải luôn luôn về nhất trong các cuộc thi bằng mọi giá.

Tuy nhiên, ai đã quen với những nước dẫn đầu PISA và TIMSS không lấy làm ngạc nhiên với việc tự tử, ganh đua cũng như dành tới 14-16 giờ mỗi ngày cho việc học. Đấy là tiêu chuẩn ở các nước ấy, chứ không phải là ở Xứ Welsh và các nước phương Tây, vì văn hóa khác nhau. Cách thành lập và điều hành trường học ở Trung Quốc không giống như ở các nước châu Âu và ngược lại. Ở châu Âu, trường học đào tạo học sinh cho xã hội và không quan tâm lắm đến tiếng vang trên thế giới. Nhiệm vụ của các trường là chuẩn bị cho sinh viên bước vào đời và giúp họ có một chỗ đứng trong xã hội.

Vì thế họ tập trung vào việc trang bị cho học sinh các kỹ năng cần cho công việc và sự đam mê. Trong khi đó các quốc gia châu Á thì luôn chăm chăm đến điểm số trong các cuộc thi và tên của các trường tinh hoa trên thế giới. Sự thực là để đạt được điểm số cao trong các khảo sát quốc tế, học sinh các nước giàu ở châu Á đã phải trả giá rất cao. Hệ quả kéo dài với từng cá nhân thật khó biết. Việc trẻ em phải học đến tận nửa đêm mỗi ngày và không có ngày nghỉ cuối tuần đã bị bỏ qua trong các bảng thành tích.

Điều đó nói lên rằng các hệ thống giáo dục đó không giống phương Tây hay nói đúng hơn là chúng có một đích đến khác.

So sánh các quả táo với các quả cam không thể đưa đến một so sánh có ý nghĩa hay công bằng. Những ai thích cam không bao giờ cho rằng táo tốt hơn và ngược lại. Hậu quả của sức ép thi cử và điểm số đối với học sinh đã khiến chính phủ Singapore bắt đầu giảm bớt sự quan trọng của kết quả các kỳ thi.

Từ năm 2012, nước này đã cấm việc công bố tên và điểm số của những học sinh đạt kết quả trong kỳ thi PSLE theo truyền thống.

Mùa hè vừa qua bộ giáo dục Singapore cũng đưa ra dự kiến thay đổi cách chấm điểm với điểm số bằng xếp loại theo các trình độ trong kỳ thi PSLE, sẽ được thực hiện từ năm 2021.

Mục đích là nhằm hạ nhiệt cuộc đua theo điểm số của phụ huynh và học sinh. Tuần qua, một phó giáo sư ở trường Đại học Singapore đã kêu gọi người Singapore và nhất là các em học sinh xóa bỏ nỗi sợ thay đổi quan niệm về kỳ thi PSLE, và cho rằng: các em học sinh đáng yêu và quan trọng hơn cuộc thi.

Khác với các quốc gia Đông Á, Phần Lan cũng là nước có kết quả PISA cao, song trường học Phần Lan không có sức ép như các quốc gia đó.

Học sinh Phần Lan có số giờ học trên lớp và giờ làm bài tập ở nhà ít nhất trong số các quốc gia tham gia khảo sát. Trường học không chấm điểm cho đến năm lớp 8.

Trong 12 năm học phổ thông chỉ có một kỳ thi tốt nghiệp cuối bậc học này để chuyển lên đại học hoặc đi làm.

Mặc dù trong hai kỳ PISA 2012 và 2015 Phần Lan bị sụt hạng về môn Toán, song không vì thế mà các nhà quản lý giáo dục cũng như giáo viên lo ngại.

Cái khiến họ quan tâm hơn là sự chênh lệnh giữa học sinh nam và nữ, giữa các vùng thể hiện rõ hơn các kì PISA trước.

Nhà Nobel kinh tế Bengt Holmström cho rằng: “Giáo dục Phần Lan vẫn phát triển đúng hướng và có chất lượng tốt. Không nên quan trọng hóa kết quả PISA. Điều quan trọng là trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của các em sau này“.

Võ Xuân Quế

_____________

Bài đã đăng tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Phia-sau-hao-quang-PISA-cua-mot-so-nuoc-chau-A-post173103.gd