Tag Archives: chính trị

Bài phát biểu đầu Năm Mới 2023 của Tổng Thống Phần Lan

Tổng thống Niinistö phát biểu trên truyền hình hôm 1/1/2023 (Ảnh chụp lại từ Yle)

Thưa đồng bào,

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy lo âu. Chúng ta đã quen với việc mọi thứ luôn trở nên tốt hơn từ thập kỷ này qua thập kỷ khác. Hoặc ít nhất là ngày càng tiếp tục có nhiều thứ hơn. Người Phần Lan chúng ta, đã trở thành những người hạnh phúc nhất thế giới. Cho dù chúng ta không thực sự nhận thấy điều đó.

Năm vừa qua bất ngờ đưa ta về quá khứ. Thế hệ này qua thế hệ khác, chúng ta đã bắt đầu coi điều tưởng như ngày càng xa vời, và hầu như không thể vì sự phi lý của nó. Nỗi kinh hoàng của một cuộc đại chiến đã quay trở lại châu Âu.

Nhiều rắc rối ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày khiến gánh nặng lo toan của chúng ta càng khó gánh hơn. Giá điện tăng gấp bội. Cả chi phí sinh hoạt lẫn lãi suất đều tăng. Hơn nữa, đại dịch vẫn chưa buông tha chúng ta.

Nhưng, khi nhìn lại lịch sử, chúng ta cũng nên nhớ lại tất cả những điều mà chúng ta đã cùng nhau vượt qua một cách thành công trong quá khứ. Chúng ta đã vượt qua các cuộc chiến của mình, một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn và các giai đoạn suy thoái. Sau những thử thách thậm chí còn khó khăn hơn những thử thách mà chúng ta đang đối mặt ngày nay, chúng ta luôn xây dựng một thứ gì đó tốt hơn những gì chúng ta có trước đó. Lần này chắc chắn chúng ta cũng sẽ vượt qua.

Tuy nhiên, tôi muốn chỉ ra rằng khả năng chống chọi không được chia đều. Điều bắt buộc là phải đảm bảo rằng cả những người ở vị trí dễ bị tổn thương nhất cũng có thể đương đầu. Đây là lúc cần sự chung tay giúp đỡ của những người đồng loại.

* * *

Các hành động chiến tranh của Nga ở Ukraine đã bị quốc tế lên án nhiều lần. Điều đó là xứng đáng. Phần Lan đã làm như vậy một cách có hệ thống và kiên quyết.

Nếu Nga tin rằng một sự đe dọa lớn sẽ nhanh chóng buộc Ukraine phải quỳ gối, thì họ đã mắc một sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá. Người ta không thể không nghĩ về những điểm tương đồng trong tình hình với cuộc Chiến tranh Mùa đông của chúng ta khi Liên Xô cho rằng họ sẽ tiến vào Helsinki trong vòng hai tuần. Là những nhà lãnh đạo độc tài của một đất nước, Stalin và Putin đã không nhận ra một nhân tố then chốt. Thực tế là những người sống trong một đất nước tự do có ý chí và niềm tin của riêng họ. Và rằng sự đoàn kết của một quốc gia làm nên một lực lượng to lớn.

Một sai lầm khác là tin rằng tình nhân ái của châu Âu hoặc phương Tây đối với người dân Ukraine sẽ phai nhạt. Điều ngược lại đã xảy ra. Thay vì chỉ cảm thấy đồng cảm, chúng ta đang chia sẻ sâu sắc với người Ukraine. Chúng ta coi vấn đề của người Ukraine là vấn đề của mình. Và sự hỗ trợ dành cho Ukraine chỉ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, chỉ nói rằng những đánh giá sai lầm đã được thực hiện không trả lời cho câu hỏi then chốt. Vì sao ranh giới địa lý cắt qua châu Âu trên thực tế lại là biên giới giữa hai thế giới quan hoàn toàn khác nhau? Thậm chí không thể nghĩ rằng một quốc gia ở bên này của đường biên đó lại có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh chống lại một quốc gia khác. Ở phía biên giới Nga, mọi thứ lại khác.

Sự khác biệt cơ bản, chung quy lại là sự tôn trọng con người và cuộc sống của con người. Những năm gần đây, đã có những yêu cầu về một trật tự an ninh châu Âu – đôi khi yêu cầu bảo tồn trật tự cũ, đôi khi đòi hỏi tạo ra một trật tự mới. Các đề xuất về nhu cầu đảm bảo an ninh đã được đưa ra. Nhưng chừng nào sự khác biệt cơ bản trong thế giới quan vẫn còn tồn tại, thật khó để tìm ra bất kỳ giải pháp đáng tin cậy và lâu dài nào cho những vấn đề này.

Để chấm dứt những đau khổ của người Ukraine, chúng ta vẫn phải dám nói về hòa bình. Mỗi ngày cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục, cái giá khủng khiếp của nó càng tăng thêm. Con người đang bị giết, đau khổ của người dân đang gia tăng. Thiệt hại vật chất và tinh thần không thể khắc phục được đang diễn ra.

Triển vọng là ảm đạm. Nhưng một nền hòa bình công bằng là một mục tiêu quan trọng đến mức mọi nỗ lực thực sự hướng tới nó đều đáng giá. Nỗ lực của Ukraine nhằm đưa sáng kiến ​​của mình ra Liên Hiệp Quốc cũng vậy.

* * *

Năm vừa qua buộc chúng ta phải suy nghĩ về việc điều này đã xảy ra như thế nào. Vì vậy, không chỉ trong các sự kiện thế giới, mà trên hết là trong suy nghĩ của chính chúng ta. Chúng ta cần bắt đầu xem xét vì sao một điều chúng ta tin rằng không thể xảy ra, đã xảy ra?

Bởi vì chẳng phải là nó đã liên tiếp xảy ra. Các cuộc chiến đã nổ ra ở Trung Đông, Châu Phi, và cũng cả ở Châu Âu: ở Balkan, Georgia và Ukraine trong gần chín năm nay. Đã có đủ sự tàn ác trên thế giới. Có thể chúng ta – ở Phần Lan, ở các nước Bắc Âu, ở châu Âu, rộng hơn là ở phương Tây – chỉ muốn tự ru ngủ mình rằng sự tàn ác sẽ không đến với chúng ta.

Bây giờ nó đang lăm le đến với chúng ta. Nó buộc chúng ta phải biết rằng không phải ai cũng muốn chấp nhận mô hình của chúng ta, cách hành xử mà chúng ta cho là đúng. Chúng ta phải học cách phản ứng với một mô hình và lối hành xử khác. Tệ nhất là độc đoán và hung hăng.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta thôi suy nghĩ và đưa ra những sáng kiến tốt đẹp. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng trên thế giới cũng có cái ác. Chỉ cái thiện không đủ để dập tắt cái ác. Phải có quyết tâm và dũng cảm chống lại cái ác. Nhưng, chúng ta không nên để bao giờ bị cám dỗ và rơi vào cái ác.

Khi nói đến việc chuẩn bị trước các mối đe dọa từ bên ngoài, Phần Lan có thể có ít điều phải sửa chữa hoặc hối tiếc hơn so với nhiều quốc gia khác. Ít nhất là sự sẵn sàng và khả năng của chúng ta, tương xứng với quy mô của chúng ta, thuộc hàng tốt nhất ở châu Âu. Công việc này sẽ tiếp tục.

Tuy nhiên, đã đến lúc phải chú ý đến an ninh trong nước. Phần Lan là một quốc gia cởi mở và khoan dung. Với kiểu tư duy này có lẽ chúng ta đã đi xa hơn các nước Bắc Âu khác, thậm chí có thể xa hơn cả thế giới. Điều đó đem đến nhiều điều tốt đẹp.

Nhưng trở thành người khoan dung nhất cũng có những cạm bẫy của nó. Cụ thể, cái ác rất giỏi tìm ra kẻ khoan dung nhất. Ở các nước Bắc Âu, xu hướng bây giờ là tăng cường trật tự công cộng và sự an toàn của các cá nhân.

Chính sách đối ngoại và an ninh của Phần Lan đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Những gì chúng ta chỉ có thể dự đoán một năm trước, đã trở thành sự thật vào mùa xuân. Chúng ta đã đăng ký làm thành viên NATO sau một quá trình xử lý nhanh chóng nhưng kỹ lưỡng.

Đòi hỏi của Nga về một khu vực lợi thế và sau đó là cuộc tấn công vào Ukraine chắc chắn đã tác động đến mọi người Phần Lan. Tinh thần và niềm tin đã được sinh ra – chúng ta không thể tiếp tục con đường truyền thống của mình nữa. Quan điểm ​​mạnh mẽ của người dân được thể hiện trong hành động chung của Tổng thống nước Cộng hòa và Hội đồng Chính phủ cũng như trong các quyết định của Nghị viện và các đảng.

Giải pháp của chúng ta đã được áp dụng rộng rãi trong xã hội Phần Lan. Điều này đảm bảo rằng nó sẽ tồn tại không chỉ qua những biến động cảm xúc khi bắt đầu chiến tranh mà còn qua các giai đoạn bầu cử. Những thay đổi lớn cần có thời gian.

Chúng ta hiện ở trong tình trạng vẫn chưa được hai quốc gia phê chuẩn. Có thể sự chậm trễ sẽ tiếp tục sau cuộc bầu cử quốc hội mùa xuân của chúng ta. Khả năng này đã được thảo luận trong các cuộc trao đổi vào mùa xuân năm ngoái. Tất nhiên, việc chúng ta có muốn giải quyết đề xuất gia nhập trước cuộc bầu cử hay không là tùy thuộc vào nghị viện hiện thời.

Dù sao, có lý do để tin rằng việc gia nhập của chúng ta sẽ trở thành hiện thực trong năm nay. Điều đó sẽ chấm dứt kỷ nguyên không liên kết quân sự của Phần Lan.

Trong tương lai, Phần Lan cũng chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình. Nhưng nó xảy ra như một bộ phận của liên minh phòng thủ. Chúng ta nhận được sự an toàn từ những nước khác, chúng ta mang lại sự an toàn cho những nước khác. Với tư cách thành viên của chúng ta, khả năng răn đe phòng ngừa của khối NATO sẽ được tăng cường. Đồng thời, khả năng Phần Lan bị đe dọa bằng vũ lực thậm chí còn tăng lên.

Đây là một sự thay đổi rất lớn trong việc đảm bảo an ninh của chúng ta. Tuy nhiên, có sự liên tục trong chính sách đối ngoại của chúng ta: Phần Lan có đường lối ổn định và được thiết lập với tư cách là thành viên của EU và là một quốc gia Bắc Âu. Phần Lan được biết đến trên toàn thế giới như một quốc gia có năng lực, đáng tin cậy và có thể dự đoán được. Danh tiếng này cần được duy trì trong tương lai.

***

Tình hình quốc tế hiện nay hết sức căng thẳng. Nhất là vào lúc chúng ta cần sự hợp tác toàn cầu để giải quyết những thách thức chung của nhân loại. Biến đổi khí hậu phải được kiềm chế và các tác động của nó phải được điều chỉnh cho phù hợp. Nạn phá rừng phải được dừng lại.

May mắn thay, có hy vọng. Ngay trước Giáng sinh chúng ta nhận được tin tức đáng khích lệ nhất trong năm qua từ Montreal, đó là Hội nghị Đa dạng sinh học đã đồng ý ngăn chặn tình trạng suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2030. Mặc dù mục tiêu là vô cùng tham vọng, nhưng đây là hướng khả thi duy nhất để thực hiện. Tốc độ cũng quan trọng. Thời gian không còn nhiều.

Điều đáng khích lệ là cộng đồng doanh nghiệp Phần Lan đã đảm nhận vai trò thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Đối với những người tiên phong, những cánh cửa và cơ hội mới trên thế giới sẽ mở ra. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng không phát thải. Đồng thời, sự an toàn và độ tin cậy của việc bảo trì cũng được cải thiện.

***

Thưa đồng bào

Những thách thức to lớn của thời đại chúng ta – chiến tranh, thiếu thốn kinh tế, biến đổi khí hậu – chắc chắn khiến chúng ta phải suy nghĩ về những gì thực sự cần thiết hoặc quan trọng. Và nó không chỉ là về vật chất.

Bây giờ chúng ta cũng bắt gặp tin tức cá nhân hàng ngày, điều đó cho thấy sự khó lường của cuộc sống. Thiên tai xảy ra có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quốc gia. Hoặc những hành động khó hiểu gây sốc sâu sắc cho cộng đồng gần.

Tất cả điều này buộc chúng ta cân nhắc và nhấn mạnh giá trị của cuộc sống. Và để tìm thấy một tâm trạng tốt, cho chính mình và những người khác. Ngay cả những việc hàng ngày cũng có thể là đủ: chẳng hạn như hoàn thành trách nhiệm của bản thân, giúp đỡ người khác một tay hoặc chỉ cần gặp gỡ đồng loại một cách tôn trọng.

Tôi nhớ có lần đã nghe câu “con người là những sinh vật phi thường”. Tôi tin điều đó đúng. Mọi người đều tìm thấy ở mình những khả năng và phẩm chất mới nếu họ phải tự thúc đẩy mình. Đó là sisu (sự kiên cường) của Phần Lan.

Hãy tin tưởng vào điều đó và tin tưởng lẫn nhau. Đó là cách chúng ta vượt qua gian khó trước đây. Đó là điều tạo nên một Phần Lan tự tin.

Tôi chúc tất cả mọi người một năm mới hạnh phúc và cầu Chúa ban phước lành cho chúng ta.

Sauli Niinistö

Tổng Thống (thứ 12) Cộng hòa Phần Lan

Nguồn: https://www.presidentti.fi/puheet/tasavallan-presidentti-sauli-niiniston-uudenvuodenpuhe-1-1-2023/

 

Tổng thư ký NATO thăm Helsinki, để ngỏ cánh cửa gia nhập NATO với Phần Lan

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã dẫn đầu một phái đoàn của Liên minh bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày tới Phần Lan vào thứ Hai, 25/10/2021. Đây là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của những người đứng đầu NATO tới nước này.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã thảo luận về quan hệ song phương với ông Stoltenberg tại Phủ Tổng thống vào sáng thứ Hai. Ngay sau cuộc thảo luận, Tổng thống Phần Lan và Tổng thư ký NATO đã tổ chức một cuộc họp báo chung. Tại cuộc họp báo Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói: “Phần Lan là một trong những đối tác thân thiết nhất của NATO và chúng tôi đánh giá rất cao thực tế là hai bên đã có thể tăng cường mối quan hệ đối tác này trong những năm qua. Trong khi hợp tác chặt chẽ với nhau, NATO cũng hoàn toàn tôn trọng chính sách an ninh độc lập mạnh mẽ của Phần Lan.” Ông nhấn mạnh: “cánh cửa vẫn mở cho Phần Lan trở thành thành viên đầy đủ của NATO.”

Tổng thư ký NATO và Tổng thống Phần Lan tại cuộc họp báo ở Helsinki 25/10/2021 (ảnh: HS)

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay Phần Lan kiên trì chính sách trung lập trong quan hệ ngoại giao giữa Đông và Tây. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Đức, Frankfurter Allgemeine Zeitung, ở Helsinki tháng 9 năm 2018, Tổng thống Sauli Niinistö đã nói: “Chúng tôi không thể thay đổi địa lý. Chúng tôi là hàng xóm của nhau và chúng tôi có đường biên giới chung dài 1.300 km. Đây là một đường biên giới dài như các quốc gia EU và Nato khác cùng nhau [có với Nga].” Ông nói thêm rằng: “Người Nga đã nói rõ rằng khi họ nhìn qua biên giới, họ sẽ thấy người Phần Lan. Nếu chúng tôi gia nhập NATO, họ sẽ nhìn thấy kẻ thù. Đó là vị trí của họ.”

Nhưng trong những năm gần đây trước sự thay đổi của tình hình thế giới, việc gia nhập NATO đã được đặt ra không chỉ với các nhà chính trị mà cả với người dân Phần Lan. Trước cuộc gặp này, tổng thống Sauli Niinistö đã từng tuyên bố rằng việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO là một khả năng và trong cuộc họp báo chiều thứ Hai, ông đã lưu ý rằng quan hệ giữa Phần Lan và NATO đã phát triển trong những năm gần đây và “tiếp tục phát triển”.

Tuy nhiên, nước láng giềng của Phần Lan là Nga ngày càng tỏ ra khó chịu với những gì họ cho là NATO xâm phạm phạm vi ảnh hưởng tự nhiên của mình. Chuyến thăm của tổng thư ký Stoltenberg tới Phần Lan diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa NATO và Cộng hòa Liên bang Nga đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Hãng tin Reuters đầu tháng này cho biết NATO đã trục xuất 8 thành viên của phái bộ Nga tại Liên minh này vì cho rằng họ là “các sĩ quan tình báo Nga không khai báo”. Trong khi đó, hồi đầu tuần trước, Nga đã phản ứng bằng cách thông báo rằng họ sẽ đóng cửa phái bộ NATO của mình ở Brussels và rút giấy chứng nhận ngoại giao khỏi các văn phòng của NATO ở Moscow, hãng BBC đưa tin.

Vào thứ 3, Stoltenberg và các thành viên trong phái đoàn NATO cũng sẽ gặp Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, Bộ trưởng Ngoại giao Pekka Haavisto, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Antti Kaikkonen, Chủ tịch Quốc hội Anu Vehviläinen cũng như Ủy ban Ngoại giao và Quốc phòng của Nghị viện Phần Lan trước khi sang thăm chính thức Thụy Điển cùng ngày.

Trong khi đó, thứ Sáu (29/10) Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö sẽ đến Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất 60% người dân Phần Lan cho rằng Nga có sự đe dọa về quân sự với Phần Lan. Theo một cuộc thăm dò khác, tỉ lệ người Phần Lan muốn gia nhập NATO đã tăng lên 26% so với 20% trong cuộc thăm dò trước đó.

 

Lê Lam (Theo YLE và HS)

—-

Bài đăng tại: https://kinhtedothi.vn/tong-thu-ky-jens-stoltenberg-tham-helsinki-de-ngo-canh-cua-gia-nhap-nato-voi-phan-lan-439006.html

 

 

Tản mạn về bầu cử HĐ địa phương ở Phần Lan năm 2021

Theo luật bầu cử, cứ 4 năm một lần người dân Phần Lan và cả những người chưa là công dân nhưng được phép định cư lâu dài ở nước này thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình vào trung tuần tháng 4 để bầu ra những người đại diện cho mình ở chính quyền địa phương. Năm nay vì đại dịch coronavirus với làn sóng lây nhiễm đang lên cao lần thứ hai ở Phần Lan nên cuộc bầu cử địa phương phải lùi lại gần 2 tháng (đến 13/6/2021).

Mặc dù việc lùi lại này là quyết định có sự thống nhất giữa thư ký của 8/9 đảng trong Nghị viện và bộ Tư pháp, với đề nghị của Viện sức khỏe và Phúc lợi quốc gia (THL), cơ quan chuyên môn về dịch bệnh, song quyết định đó đã bị đại diện của đảng người Phần Lan thuần khiết (PERUS) phản đối và coi đó là ảnh hưởng đến nền dân chủ vì lúc này uy tín của Perus trong dân chúng đang cao hơn các đảng khác.

Bộ trưởng tư pháp, chủ tịch đảng người Thụy Điển ở Phần Lan (SFP), Anna-Maja Henriksson đã phải lên bờ xuống ruộng với phái bải thủ này và bị đề nghị lấy phiếu tín nhiệm ở Nghị viện. May mà kết quả số phiếu tín nhiệm vẫn nhiều hơn phiếu bất tín nhiệm ở Nghị viện nên Bà bộ trưởng Tư pháp được tiếp tục giữ chức trong chính phủ.

Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IDEA) cho biết rằng đại dịch coronavirus đã khiến 75 quốc gia phải hoãn các cuộc bầu cử vào đầu tháng Hai. Tuy nhiên, nhiều lần trì hoãn đã diễn ra trong vài tháng đầu tiên của đại dịch.

Nhưng lùm xùm chưa hết. Chỉ còn chưa đầy 1 tháng đến ngày bầu cử chính thức và trước ngày bắt đầu bầu cử sớm (26/5-8/6) chỉ một ngày, nữ thủ tướng Marin, chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ (SDP) đã trở thành tâm điểm của cơn bão truyền thông khi báo Iltalehti, một tờ báo lá cải của Phần Lan, đăng tải thông tin rằng Văn phòng Thủ tướng đã sử dụng tiền công để chi trả cho bữa sáng gia đình thủ tướng, với 300 euro/tháng.

Văn phòng Thủ tướng biện minh cho khoản chi phí này rằng thủ tướng và gia đình của bà được quyền sử dụng ngân sách nhà nước cho bữa sáng và điểm tâm trong thời gian họ ở nhà công vụ dành cho thủ tướng Phần Lan. Trước Marin, các thủ tướng trước đó, đều được hưởng chế độ này từ ngân sách.

Tuy nhiên, tờ báo cho rằng cơ sở pháp lý cho khoản được hưởng này không rõ ràng trong văn bản. Theo tờ báo, văn bản chỉ nêu rằng: “Thủ tướng được cung cấp nhà ở trong một tòa nhà thuộc sở hữu nhà nước và Nhà nước chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do bảo trì, sưởi ấm, chiếu sáng và đồ đạc, cộng với nhân viên cần thiết.” Đạo luật không đề cập đến vấn đề thực phẩm.

Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng cho rằng có thể tham khảo mục 7, trong đó nêu rõ: “Dựa trên quyết định của Văn phòng Thủ tướng, một bộ trưởng được hoàn trả cho các chi phí phụ hợp lý liên quan đến trách nhiệm của Thủ tướng.”

Tổng thống Phần Lan cũng được hưởng các quyền lợi như đã nêu trong đạo luật trên. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống cho tờ báo biết rằng Tổng thống Niinistö không sử dụng tiền công cho bữa sáng của ông.

Ngay lập tức scandal “Breafastgate” này đã được truyền tải trên báo chí và mạng xã hội nhiều nước như Pháp, Thụy Điển, Mỹ, Italia, Hà Lan, Ấn Độ, Pakistan. Nhưng 300euro cho bữa sáng mỗi tháng của Thủ tướng Phần Lan chỉ xấp xỉ với tiền phòng (396.15USD/ngày) mà người dân Mỹ phải trả cho người bảo vệ riêng cựu tổng thống Mỹ Trump trong lâu đài Mar-Lago của ông ta ở bang Florida (theo báo Washington Post).

* * *

Trước ngày bầu cử 1 tháng, thư báo về quyền bầu cử địa phương của các cử tri đã được gửi đến cho các cử tri (gồm cả những người chưa phải là công dân, nhưng có giấy phép định cư lâu dài ở Phần Lan) qua đường bưu điện. Kèm theo hướng dẫn điền phiếu bầu và bỏ phiếu bầu (4 bước) là thời gian bầu cử sớm, thời gian ngày bầu cử chính thức, cách thức gửi phiếu bầu qua đường bưu điện (với cử tri ở nước ngoài).

1. Ngày bầu cử trong toàn quốc: 13/6/2021 (từ 9:00-20:00)

Thời gian bầu cử trước: – 26/5-8/6/2021 (ở Phần Lan) và 02-05/6/2021 (ở nước ngoài).

Tính đến 20:00 thứ ba (8/6), ngày cuối cùng của thời gian bầu cử sớm đã có 1,5 triệu (chiếm 32,9%) cử tri trong cả nước Phần Lan đã bỏ phiếu ở các địa phương, trong đó Helsinki lên tới 37%. Đây là một kỷ lục của bầu cử địa phương từ trước đến nay. Trong cuộc bầu cử thành phố năm 2017, tỷ lệ bỏ phiếu sớm là 26,6%.

2. Địa điểm bầu cử: Mỗi địa phương có nhiều địa điểm bầu cử. Người dân ở địa phương có thể bầu ở bất cứ địa điểm bầu cử nào thuộc địa phương mình. Chẳng hạn ở Helsinki với dân số khoảng 660 ngàn, có 39 địa điểm bầu cử, thường là ở các thư viện hoặc nhà văn hóa.

3. Số ứng cử viên và đại biểu được bầu ở địa phương: Hội đồng mỗi địa phương được bầu ít nhất là 13 đại biểu. Với địa phương từ 500 ngàn dân trở lên (như Helsinki) được bầu ít nhất 97 đại biểu.

Danh sách ứng cử viên vào Hội đồng thành phố Helsinki trong cuộc bầu cử lần này là 1084 người. Số này sẽ bầu ra ít nhất 97 đại diện cho Hội đồng. Còn cả nước có 35.627 ứng cử viên.

4. Máy bầu cử (vaalikone): Để giúp cho cử tri tìm hiểu về các ứng cử viên và xác định ứng viên nào đại diện cho mình ở chính quyền địa phương, các hãng truyền thông và báo lớn, như Yle (Đài phát thanh và truyền hình nhà nước), báo Helsingin Sanomat (tờ báo lớn nhất Phần Lan), Iltasanomat đã lập “máy bầu cử” công khai trên mạng. Mỗi máy gồm 26 câu hỏi cho các vấn đề khác nhau được quan tâm ở địa phương. Cử tri ở tất cả các địa phương đều có thể vào trả lời các câu hỏi này, sau đó “máy bầu cử” sẽ cho biết kết quả trả lời của mình gần nhất với kết quả trả lời của ứng cử viên nào ở địa phương mình nhất. Từ đó, cử tri có thể quyết đinh được mình sẽ bầu cho ứng viên nào.

Dưới đây là các câu hỏi của “Máy bầu cử” trên báo Helsingin Sanomat theo 4 chủ đề:

Dịch vụ và kinh tế

  1. Không nên tăng thuế ở thành phố nữa, mà nên tìm cách cắt giảm chi tiêu.
  2. Tôi tin rằng cải cách an sinh-y tế (SOTE) của chính phủ sẽ cải thiện các dịch vụ xã hội và y tế của thành phố.
  3. Nên dành nhiều ngân sách hơn cho việc chăm sóc người cao tuổi, cả tại nhà và tại các cơ sở, dù phải giảm chi phí cho giáo dục và chăm sóc trẻ em.
  4. Không được giảm trường học và nhà trẻ, dù nó thắt chặt nền kinh tế thành phố.
  5. Dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi không nên thuê các công ty tư nhân.

Nhà ở và an ninh

  1. Thành phố cần tăng cường nguồn lực để cải thiện an ninh, giảm sự bất an.
  2. Cần giảm thiểu tình trạng vô gia cư bằng cách cung cấp nhà ở được xã hội hỗ trợ, kể cả ở khu vực của tôi.
  3. Thành phố có thể tiếp nhận nhiều người tị nạn và nhập cư hơn.
  4. Thành phố nên xây nhà cho thuê hợp lý hơn.
  5. Thành phố cần thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau, thông qua giá đất và thuế, để nhiều người có thể mua nhà trong thành phố.

Đi lại và năng lượng

  1. Thành phố nên xây dựng nhiều năng lượng gió hoặc các nguồn năng lượng tái tạo khác.
  2. Nên xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhỏ. Tôi chấp nhận nó ở trong thành phố.
  3. Thành phố phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng ô tô cá nhân hơn là phát triển giao thông công cộng.
  4. Thành phố cần tạo thêm đường dành cho xe đạp, ngay cả khi chúng chiếm không gian từ làn đường dành cho ô tô.
  5. Thành phố cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng xe ô tô điện và gas, chẳng hạn như trạm sạc.

Bình đẳng

  1. Cần có các ngày ăn chay hàng tuần tại các trường học trong thành phố.
  2. Cần treo cờ cầu vồng trong Tuần lễ bình đẳng giới hàng năm ở thành phố của tôi.
  3. Không có vấn đề gì khi trong xã hội một số nhóm có vị trí kinh tế tốt hơn những nhóm khác.
  4. Theo tôi, xã hội không nên chỉ đạo mạnh mẽ các ông bố bà mẹ để gia đình ở nhà với con cái nhiều như vậy.
  5. Tăng cường tính đa văn hóa bằng cách tăng số lượng người nhập cư vào thành phố là một điều tốt.

Helsinki

  1. Nhiều cây tổ sóc bay hơn đã được tìm thấy trong khu vực của Sân bay Malmi. Khu vực này là một phần quan trọng của văn hóa Helsinki, vì vậy quyết định xây dựng nhà ở trong khu vực cần được xem xét lại một lần nữa.
  2. Tôi ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế ở Cảng Nam của Helsinki.
  3. Thành phố Helsinki không được bán các tòa nhà trong khu vực Lapinlahti cho các nhà đầu tư bất động sản, mà các tòa nhà đó phải được giữ ở sở hữu công cộng.
  4. Tôi ủng hộ việc mở rộng khu vực nội thành của Helsinki bằng cách chuyển các đường cao tốc thành các đại lộ của đô thị. Các đại lộ như vậy sẽ có ít không gian hơn cho ô tô cá nhân và nhiều không gian hơn cho phương tiện giao thông công cộng, người đi bộ và người đi xe đạp.
  5. Tôi thấy trẻ vị thành niên phạm pháp là một mối đe dọa an ninh cần được giải quyết ngoài việc tăng cường các dịch vụ xã hội và hỗ trợ trường học.

Sau khi trả lời các câu hỏi này, vaalikone sẽ cho biết kết quả trả lời của mình gần với trả lời của ứng cử viên nào nhất. Từ đó cử tri có thể quyết định mình nên bầu cho ứng viên nào.

5. Cách bầu: Sau khi được trao phiếu bầu, cử tri đến buồng điền phiếu. Ở đây có danh sách tất cả các ứng viên cùng với số của họ. Cử tri bầu cho ứng viên nào thì chỉ cần ghi số của ứng viên đó vào phiếu. Trên bàn trong buồng phiếu cũng có mẫu các chữ số để cử tri viết theo. Sau khi đã điền số của ứng viên mình bầu, cử tri gấp đôi phiếu bầu và đến bỏ vào thùng phiếu.

Với phiếu bầu trước: sau khi được nhân viên bầu cử ở cạnh thùng phiếu kiểm tra lại căn cước cử tri một lần nữa, cử tri sẽ được đưa cho một phong bì trống tối màu để cử tri bỏ phiếu bầu của mình vào đó rồi tự mình dán lại. Sau đó, cử tri phải ký tên vào một tờ giấy được nhân viên in ra có ngày mình đi bầu và cử tri ký tên vào đó. Giấy này sẽ được nhân viên bỏ vào trong một phong bì khác to hơn cùng với phong bì có phiếu bầu của cử tri. Sau đó phong bì này được nhân viên bầu cử bỏ vào thùng phiếu trước sự chững kiến của cử tri.

6. Công bố kết quả: Từ 19:30 Yle bắt đầu tường thuật kết quả cuộc bỏ phiếu. 00:30 kết quả kiểm phiếu hoàn tất, với kết quả cao nhất thuộc về 3 đảng: KOK, SDP và KESK. Nhưng 2 đảng giành thắng lợi lớn nhất là PERUS và KOK.

Tỉ lệ và số ghế giành được của các đảng

Số ghế và tỉ lệ giành được so với cuộc bầu cử lần trước

Tỉ lệ độ tuổi và giới tính của người trúng cử

Số cử tri và tỉ lệ đi bầu trong cả nước

Tỉ lệ trúng cử của các đảng ở Heslinki

HIẾN PHÁP PHẦN LAN (bản dịch tạm thời)

Lời người dịch: Thuế (vero) và Luật (laki) có lẽ là hai từ thường gặp nhất ở Phần Lan. Trong rừng rậm luật, Hiến pháp là bộ luật quan trọng nhất, là rường cột của nhà nước và nền tảng của các luật khác (bởi thế mà nó có tên perustuslaki). Vì vậy tôi thấy việc dịch nó sang tiếng mẹ đẻ của mình là rất cần thiết để hiểu và chấp hành đúng cũng như đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, vì đây không phải là lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình nên tôi mong được những người am tường về luật cũng như những người có nhiều kinh nghiệm dịch thuật về luật đóng góp ý kiến cho những chỗ chưa được chuẩn xác trong bản dịch tạm thời này để có được một bản dịch hoàn chỉnh hơn bằng tiếng Việt.

Mọi góp ý xin để ở phần comment hoặc gửi về địa chỉ: vivafin@gmail.com

Xin chân thành cảm ơn!

——

Ban hành tháng 6 năm 1999 (với một số sửa đổi tới năm 2018)

Chương 1: Các điều khoản cơ bản

Điều 1. Thiết chế nhà nước

Phần Lan là một nước cộng hòa có chủ quyền.

Thể chế nhà nước của Phần Lan được khẳng định trong hiến pháp này. Hiến pháp sẽ đảm bảo quyền bất khả xâm phạm tới phẩm giá con người, quyền tự do cá nhân và thúc đẩy công bằng trong xã hội.

Phần Lan tham gia vào việc hợp tác quốc tế để bảo vệ hòa bình, nhân quyền và sự phát triển của xã hội. Phần Lan là một Quốc gia Thành viên của Liên minh Châu Âu (1112/2011, có hiệu lực từ 1.3.2012).

Điều 2. Chính quyền và nhà nước pháp quyền

Quyền lực của Nhà nước ở Phần Lan thuộc về người dân,  được đại diện bằng Nghị viện đại diện.

Dân chủ bao gồm quyền của cá nhân được tham gia và tác động đến sự phát triển của xã hội và môi trường sống của họ..

Việc thực thi quyền lực công phải dựa trên luật pháp. Mọi hoạt động công cộng phải tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp. 

Điều 3. Chế độ nghị viện và sự phân chia quyền lực

Quyền lập pháp do Nghị viện thực hiện, Nghị viện cũng sẽ quyết định về tài chính của Nhà nước.

Quyền hành chính nhà nước được thực hiện bởi Tổng thống Cộng hòa và Chính phủ mà các thành viên của nó được Nghị viện tín nhiệm.

Quyền tư pháp được thực hiện bởi các tòa án luật độc lập, cao nhất là Tòa án tối cao (korkein oikeus) và Tòa án hành chính Tối cao (korkein hallinto-oikeus).

Điều 3. Lãnh thổ của quốc gia

Lãnh thổ của Phần Lan là không thể chia cắt. Biên giới của quốc gia không thể thay đổi nếu không có sự đồng ý của Nghị viện.

Điều 5. Quốc tịch Phần Lan

Quốc tịch Phần Lan có được dựa trên cơ sở sinh ra và quyền công dân của cha mẹ, như được quy định cụ thể hơn trong một đạo luật. Quyền công dân cũng có thể được cấp theo các điều kiện do luật quy định trên cơ sở thông báo hoặc đơn xin.

Quốc tịch Phần Lan chỉ có thể được bỏ trên cơ sở luật pháp quy định và với điều kiện người đó có hoặc nhận được quốc tịch của quốc gia khác.

Chương 2: Các quyền cơ bản

Điều 6. Bình đẳng

Mọi người bình đẳng trước pháp luật.

Không ai bị đối xử khác với những người khác vì giới tính, tuổi tác, nguồn gốc, ngôn ngữ, tôn giáo, niềm tin, quan điểm, sức khỏe, tình trạng khuyết tật hoặc nguyên nhân khác liên quan đến người đó mà không có lý do có thể chấp nhận được.

Trẻ em phải được đối xử bình đẳng như các cá nhân và được phép tác động đến các vấn đề liên quan đến bản thân phù hợp với sự phát triển của trẻ em.

Bình đẳng giới được thúc đẩy trong các hoạt động xã hội và trong đời sống lao động, đặc biệt là khi xác định tiền lương và các điều kiện làm việc khác, theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Quyền sống, tự do và bất khả xâm phạm cá nhân

Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do, bất khả xâm phạm và an toàn cá nhân.

Không ai bị kết án tử hình, bị tra tấn hoặc bị đối xử xâm phạm nhân phẩm con người.

Tính bất khả xâm phạm cá nhân không bị xâm phạm hay tước đoạt một cách tùy tiện hoặc không có sự quy định của pháp luật. Hình phạt, trong đó có việc tước quyền tự do, chỉ do tòa án đưa ra. Tính hợp pháp của các hành vi tước đoạt tự do khác có được tòa án xem xét. Quyền của cá nhân bị tước đoạt tự do được pháp luật bảo vệ.

Điều 8. Nguyên tắc hợp pháp trong lĩnh vực hình sự

Không ai bị quy kết bất kỳ tội hình sự nào vì bất kỳ hành vi hoặc thiếu sót nào không cấu thành tội hình sự, theo luật quốc gia hoặc quốc tế, tại thời điểm hành vi đó được thực hiện. Hành vi vi phạm sẽ không bị trừng phạt nặng hơn mức mà pháp luật quy định tại thời điểm nó được thực hiện.

Điều 9. Quyền tự do đi lại

Công dân Phần Lan và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Phần Lan có quyền tự do đi lại trong nước và lựa chọn nơi cư trú của mình.

Mọi người đều có quyền rời khỏi đất nước. Quyền này có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật để bảo đảm việc xét xử, thi hành án hoặc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Công dân Phần Lan không bị ngăn cản nhập cảnh, trục xuất khỏi đất nước hoặc chuyển đến một quốc gia khác trái với ý muốn của họ. Tuy nhiên, nó có thể được quy định bởi một Đạo luật rằng do một hành vi phạm tội, vì mục đích tố tụng pháp lý, hoặc để thực thi một quyết định liên quan đến việc nuôi dưỡng hoặc chăm sóc một đứa trẻ, một công dân Phần Lan có thể bị dẫn độ hoặc chuyển giao cho một quốc gia mà quyền con người và sự bảo vệ hợp pháp của họ được đảm bảo. (802/2007, có hiệu lực từ 1.10.2007)

Quyền của người nước ngoài đến Phần Lan và cư trú tại đất nước này do luật pháp quy định. Người nước ngoài không thể bị trục xuất, dẫn độ hoặc trả lại nếu người đó bị đe dọa bằng hình phạt tử hình, tra tấn hoặc đối xử tệ bạc khác.

Điều 10. Quyền riêng tư

Quyền riêng tư, danh dự và sự an nhiên của mỗi người được bảo đảm. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định chi tiết hơn bằng một đạo luật.

Bí mật của thư tín, điện thoại hoặc tin nhắn khác là bất khả xâm phạm.

Các biện pháp phạm đến sự bất khả xâm phạm nơi ở cần thiết để bảo vệ các quyền cơ bản và tự do hoặc để điều tra có thể được quy định bằng một đạo luật (817/2918, có hiệu lực từ 5.10.2018).

Các giới hạn về bí mật thông tin có thể được quy định bằng một Đạo luật nếu chúng cần thiết trong việc điều tra các tội phạm gây nguy hiểm cho sự an toàn của cá nhân hoặc xã hội hoặc sự bất khả xâm phạm nơi ở, tại các phiên tòa và kiểm tra an ninh, trong thời gian tước quyền tự do, và nhằm thu thập thông tin về các hoạt động quân sự hoặc các hoạt động khác đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia (817/2018, có hiệu lực từ 5.10.2018).

Điều 10. Tự do tôn giáo và tín ngưỡng

Mỗi người được tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.

Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bao gồm quyền tuyên xưng và thực hành một tôn giáo, quyền bày tỏ niềm tin của mình và quyền thuộc hoặc không thuộc về một cộng đồng tôn giáo. Không ai có nghĩa vụ tham gia vào việc thực hành tôn giáo trái với tín ngưỡng của họ.

Điều 12. Tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin

Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận bao gồm quyền bày tỏ, công bố và tiếp nhận thông tin, ý kiến ​​và các hình thức trao đổi khác mà không gây phương hại đến bất kỳ người nào khác. Một đạo luật quy định chi tiết hơn về việc thực hiện quyền tự do ngôn luận. Các quy định hạn chế đối với các công bố hình ảnh cần thiết để bảo vệ trẻ em có thể được đưa ra bằng một đạo luật.

Các tài liệu và ghi âm do cơ quan có thẩm quyền lưu giữ được công khai, trừ khi việc công bố chúng bị một đạo luật ngăn cấm một cách cụ thể vì những lý do cần thiết. Mọi người đều có quyền truy cập vào tài liệu và hồ sơ công khai.

Điều 13. Tự do hội họp và tự do lập hội

Mỗi người có quyền tổ chức và tham gia các cuộc họp và biểu tình mà không cần xin phép.

Mỗi người đều có quyền tự do hội đoàn. Quyền tự do hội đoàn gồm quyền thành lập hội đoàn mà không cần cho phép, trở thành thành viên hoặc không trở thành thành viên của hội đoàn và tham gia vào các hoạt động của chúng. Quyền tự do thành lập công đoàn và tổ chức để chăm sóc các lợi ích khác cũng được đảm bảo.

Các quy định chi tiết hơn về việc thực hiện quyền tự do hội họp và tự do hội đoàn được đặt ra bằng một đạo luật.

Điều 14 – Quyền bầu cử và quyền tham gia

Mọi công dân Phần Lan đủ mười tám tuổi đều có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia và trưng cầu dân ý. Các quy định cụ thể trong Hiến pháp này sẽ điều chỉnh tư cách ứng cử một vị trí trong các cuộc bầu cử quốc gia.

Mọi công dân Phần Lan và mọi công dân khác của Liên minh Châu Âu cư trú tại Phần Lan, đủ mười tám tuổi, đều có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, theo quy định của Đạo luật (1112/2011, có hiệu lực từ 1.3.2012).

Mọi công dân Phần Lan và mọi người nước ngoài thường trú tại Phần Lan, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương và các cuộc trưng cầu dân ý của địa phương, theo quy định của một Đạo luật. Quy định về quyền tham gia vào chính quyền địa phương được quy định bằng một Đạo luật.

Các cơ quan công quyền có trách nhiệm thúc đẩy các cơ hội cho cá nhân tham gia vào hoạt động xã hội và tác động đến các quyết định liên quan đến họ.

Điều 15. Bảo vệ tài sản

Tài sản của mọi người được bảo đảm.

Các quy định về việc trưng thu tài sản, vì nhu cầu công cộng và  bồi hoàn lại đầy đủ, được đưa ra bằng một Đạo luật.

Điều 16. Quyền giáo dục

Mọi người đều có quyền được giáo dục cơ bản miễn phí. Nghĩa vụ học tập được quy định bằng một đạo luật.

Các cơ quan công quyền, sẽ được cung cấp chi tiết hơn bởi một Đạo luật, đảm bảo cho mọi người cơ hội bình đẳng để nhận được các dịch vụ giáo dục khác phù hợp với khả năng và nhu cầu đặc biệt của họ, cũng như cơ hội để phát triển bản thân mà không bị ngăn cản bởi khó khăn kinh tế.

Quyền tự do khoa học, nghệ thuật và giáo dục đại học được đảm bảo.

Điều 17. Quyền văn hóa và ngôn ngữ của mình

Ngôn ngữ quốc gia của Phần Lan là tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển.

Quyền sử dụng ngôn ngữ riêng của mỗi người, tiếng Phần Lan hoặc tiếng Thụy Điển, trước tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác trong trường hợp của họ, và được nhận các giấy tờ chính thức bằng ngôn ngữ đó được quy định bằng một đạo luật. Các cơ quan công quyền phải quan tâm đến các nhu cầu văn hóa và xã hội của người dân nói tiếng Phần Lan và Thụy Điển theo các tiêu chí tương tự.

Người Sámi, với tư cách là người bản địa, cũng như người Roma và các dân tộc khác, có quyền duy trì và phát triển ngôn ngữ và văn hóa riêng của mình. Quyền của người Sámi sử dụng ngôn ngữ Sámi trong các hoạt động chính quyền được quy định bởi luật pháp. Quyền của những người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và những người cần hỗ trợ phiên dịch và dịch thuật do khuyết tật của họ được pháp luật bảo vệ.

Điều 18. Quyền làm việc và quyền tự do tham gia vào hoạt động thương mại

Mọi người đều có quyền, như được quy định bằng một Đạo luật, kiếm kế sinh nhai của mình bằng công việc, nghề nghiệp hoặc hoạt động thương mại do mình lựa chọn. Các cơ quan công quyền có trách nhiệm bảo vệ lực lượng lao động.

Các cơ quan công quyền sẽ thúc đẩy việc làm và hướng tới đảm bảo cho mọi người quyền được làm việc. Các quy định về quyền được đào tạo để thúc đẩy khả năng tuyển dụng được đưa ra bởi một Đạo luật.

Không ai bị sa thải mà không có lý do hợp pháp.

Điều 19. Quyền đối với an sinh xã hội

Những người không thể có được những phương tiện cần thiết cho một cuộc sống tối thiểu (đúng nghĩa) có quyền được nhận trợ cấp cần thiết và chăm sóc.

Mọi người có quyền được đảm bảo sinh hoạt cơ bản bằng một đạo luật trong thời gian thất nghiệp, ốm đau, mất khả năng lao động và tuổi già, cũng như khi sinh con và mất người giám hộ.

Các cơ quan công quyền phải đảm bảo, theo quy định của pháp luật, các dịch vụ xã hội và y tế đầy đủ cho mọi người và nâng cao sức khỏe của người dân. Ngoài ra các cơ quan công quyền cũng phải hỗ trợ khả năng của gia đình và những chính sách khác dành cho trẻ em để chúng có khả năng sống và phát triển cá nhân.

Vai trò của các cơ quan công quyền là thúc đẩy quyền có nhà ở của mọi người và giúp họ thu xếp nhà ở của mình.

Điều 20. Trách nhiệm đối với môi trường

Việc bảo vệ thiên nhiên, sự đa dạng sinh học của nó, môi trường và di sản văn hóa quốc gia là trách nhiệm của tất cả mọi người.

Các cơ quan công quyền sẽ cố gắng đảm bảo cho mọi người quyền có một môi trường lành mạnh cũng như cho mọi người khả năng ảnh hưởng đến các quyết định liên quan đến môi trường sống của chính họ.

Điều 21. Việc bảo vệ theo luật

Mọi người đều có quyền được xử lý vụ việc của mình một cách thỏa đáng và không chậm trễ quá mức theo luật định trong tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, cũng như có quyết định liên quan đến quyền hoặc nghĩa vụ của họ được xem xét bởi tòa án hoặc cơ quan độc lập khác để đảm bảo công lý.

Việc công khai các thủ tục tố tụng, cũng như quyền được nghe, nhận được quyết định hợp lý và kháng cáo, cũng như các đảm bảo khác về một phiên tòa công bằng và quản lý tốt sẽ được quy định bằng một đạo luật.

Điều 22. Bảo vệ các quyền cơ bản

Các cơ quan công quyền phải bảo vệ các quyền cơ bản và thực hiện quyền con người.

Điều 23. Các quyền cơ bản trong các trường hợp khẩn cấp (có hiệu lực từ 1.03.2012)

Những ngoại lệ tạm thời về các quyền cơ bản phù hợp với các cam kết nhân quyền quốc tế của Phần Lan và được coi là cần thiết trong trường hợp Phần Lan bị tấn công vũ trang hoặc trong các tình huống khẩn cấp khác, có thể được ban hành bằng một Đạo luật hoặc một Nghị định do Chính phủ ban bố theo thẩm quyền được luật cho phép với một lý do đặc biệt và phạm vi áp dụng được giới hạn một cách chính xác. Tuy nhiên, cơ sở cho các ngoại lệ tạm thời được quy định bằng một Đạo luật.

Các Nghị định của chính phủ liên quan đến các ngoại lệ tạm thời phải được trình lên Nghị viện ngay lập tức. Nghị viện có thể quyết định hiệu lực của các Nghị định.

Chương 3: Nghị viện và các nghị sĩ

Điều 24. Thành phần và nhiệm kỳ Nghị viện

Nghị viện là đơn viện. Nó bao gồm hai trăm nghị sĩ được bầu bốn năm một lần.

Nhiệm kỳ Nghị viện bắt đầu khi kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện được công nhận và tiếp tục cho đến khi cuộc bầu cử Nghị viện tiếp theo được tổ chức.

Điều 25. Bầu cử Nghị viện

Các nghị sĩ được bầu bằng hình thức trực tiếp, theo tỷ lệ và bỏ phiếu kín. Mọi người có quyền bầu cử đều có quyền bình đẳng trong các cuộc bầu cử.

Để bầu cử Nghị viện, cả nước được chia thành các khu vực bầu cử, với ít nhất là mười hai và nhiều nhất là mười tám, dựa trên số lượng công dân Phần Lan. Tỉnh Åland cũng thành lập khu vực bầu cử riêng để bầu một nghị sĩ.

Quyền đề cử các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử Nghị viện được trao cho các đảng đã đăng ký và theo số lượng do luật quy định.

Thời gian bầu cử Nghị viện, đề cử ứng cử viên, tiến hành bầu cử và khu vực bầu cử được quy định chi tiết hơn bằng một đạo luật.

Điều 26. Bầu cử Nghị viện trước thời hạn

Tổng thống nước Cộng hòa có thể, theo sáng kiến ​​hợp lý của Thủ tướng và sau khi tham khảo ý kiến ​​của các nhóm nghị viện và khi Nghị viện được triệu tập, ra lệnh tổ chức bầu cử Nghị viện trước thời hạn. Sau đó, Nghị viện sẽ quyết định thời điểm ngừng hoạt động trước khi cuộc bầu cử được tổ chức.

Sau cuộc bầu cử Nghị viện trước thời hạn, Nghị viện sẽ triệu tập vào ngày đầu tiên của tháng, bắt đầu không muộn hơn chín mươi ngày sau khi ban hành lệnh bầu cử, trừ khi Nghị viện đã quyết định ngày họp sớm hơn.

Điều 27. Tư cách hợp lệ và tư cách đại diện

Mọi người có quyền bầu cử và không bị quản chế đều có thể là ứng cử viên trong các cuộc bầu cử Nghị viện.

Tuy nhiên, người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự không thể được bầu làm nghị sĩ.

Tổng chưởng lý của chính phủ (oikeuskansleri)[1], Thanh tra Nghị viện, Chánh án của Tòa án Tối cao hoặc Tòa án Hành chính Tối cao và Tổng Công tố viên không được bầu làm Nghị sĩ. Nếu một Nghị sĩ được bầu làm Tổng thống của nước Cộng hòa hoặc được bổ nhiệm hoặc được bầu vào một trong các chức vụ trên, thì người đó sẽ chấm dứt vai trò nghị sĩ vào ngày được bầu hoặc bổ nhiệm. Văn phòng của nghị sĩ cũng chấm dứt hoạt động nếu nghị sĩ hết thẩm quyền của mình.

Điều 28. Đình chỉ văn phòng của một Nghị sĩ và thôi chức nghị sĩ

Văn phòng của nghị sĩ bị đình chỉ trong thời gian nghị sĩ là thành viên của Nghị viện Châu Âu. Trong thời gian đó, một phó nghị sĩ sẽ thay thế. Nhiệm kỳ của nghị sĩ cũng bị đình chỉ trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Nghị viện có thể cho phép một nghị sĩ ngưng hoạt động ở văn phòng theo yêu cầu của người đó nếu xét thấy có lý do chấp nhận được.

Nếu một nghị sĩ không thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc và liên tục, thì Nghị viện có thể, sau khi có ý kiến ​​của Ủy ban Hiến pháp, cách chức toàn bộ hoặc một nhiệm kỳ cố định bằng một quyết định được ít nhất hai phần ba số phiếu tán thành.

Nếu một người được bầu làm nghị sĩ bị kết án bởi một quyết định có hiệu lực thi hành về tội cố ý phạm tội hoặc hình phạt vì có hành vi vi phạm trong bầu cử, Nghị viện có thể điều tra xem người đó có còn được phép trở thành nghị sĩ hay không. Nếu tội phạm cho thấy người bị kết án không xứng đáng với sự tin tưởng và tôn trọng cần thiết đối với chức vụ, sau khi có ý kiến ​​của Ủy ban Hiến pháp, Nghị viện có thể tuyên bố chấm dứt chức vụ của họ bằng một quyết định được ít nhất hai phần ba số phiếu tán thành.

Điều 29. Tính độc lập của nghị sĩ

Nghị sĩ có nghĩa vụ tuân theo pháp luật và trung thực trong các hoạt động của mình. Nghị sĩ có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và không bị ràng buộc bởi mệnh lệnh nào khác.

Điều 30. Quyền miễn trừ của các nghị sĩ

Nghị sĩ không bị ngăn cản khi thực hiện nhiệm vụ.

Nghị sĩ không thể bị truy tố hoặc tước quyền tự do của mình đối với các ý kiến ​​được trình bày tại Nghị viện hoặc đối với thủ tục mà họ đã tuân theo trong quá trình tố tụng, trừ khi Nghị viện đã đồng ý với quyết định đó bằng một quyết định được ít nhất là năm phần sáu số phiếu ủng hộ.

Việc bắt hoặc tạm giữ một nghị sĩ phải được thông báo ngay lập tức với Người phát ngôn của Nghị viện. Nghị sĩ không bị bắt hoặc bỏ tù mà không có sự đồng ý của Nghị viện trước khi bắt đầu phiên tòa, trừ khi người đó bị nghi ngờ phạm tội mà mức án tối thiểu được đưa ra là ít nhất sáu tháng tù.

Điều 31. Quyền tự do phát ngôn của nghị sĩ và việc ứng xử

Nghị sĩ có quyền tự do phát biểu trước Nghị viện về mọi vấn đề họ quan tâm và việc xử lý chúng.

Nghị sĩ phải ứng xử một cách đàng hoàng và lịch sự, không xúc phạm người khác. Nếu Nghị sĩ vi phạm điều này, chủ tịch Nghị viện có thể nhắc nhở hoặc cấm tiếp tục phát biểu. Nghị viện có thể đưa ra lời cảnh cáo với Nghị sĩ vi phạm nhiều lần hoặc cấm người đó dự các phiên họp của Nghị viện trong thời gian tối đa là hai tuần.

Điều 32 – Xung đột lợi ích

Nghị sĩ không đủ tư cách để xem xét và ra quyết định trong bất kỳ vấn đề nào liên quan đến mình. Tuy nhiên, người đó có thể tham gia tranh luận về những vấn đề này trong phiên họp toàn thể của Nghị viện.

Ngoài ra, Nghị sĩ không được tham dự cuộc xem xét trong một Ủy ban về một vấn đề liên quan đến việc thanh tra trách nhiệm nghị sĩ của mình.

Chương 4; Hoạt động của Nghị viện

Điều 33. Phiên họp Nghị viện

Nghị viện triệu tập phiên họp hàng năm vào thời điểm do Nghị viện quyết định, sau đó Tổng thống nước Cộng hòa tuyên bố mở đầu hoạt động của Nghị viện.

Nghị viện sẽ tiếp tục cho đến khi phiên họp hàng năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhiệm kỳ cuối cùng của nghị viện sẽ tiếp tục cho đến khi Nghị viện quyết định kết thúc công việc của mình. Sau đó, Tổng thống sẽ tuyên bố kết thúc hoạt động của Nghị viện thuộc kỳ bầu kỳ đó. Tuy nhiên, Chủ tịch Nghị viện có quyền, nếu cần, triệu tập lại Nghị viện trước khi tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Điều 34. Chủ tịch Nghị viện và Phó chủ tịch

Nghị viện bầu ra một Chủ tịch Nghị viện và hai Phó chủ tịch trong số các nghị sĩ.

Việc bầu cử Chủ tịch và Phó Chủ tịch Nghị viện được tổ chức bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nghị sĩ nhận được hơn một nửa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử là người chọn. Nếu không có ai đạt được đa số phiếu cần thiết trong hai lần bỏ phiếu đầu tiên, thì người đại diện nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong lần bầu thứ ba sẽ được chọn.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Chủ tịch các Ủy ban của Nghị viện lập thành Ủy ban Thường vụ. Ủy ban Thường vụ ban hành hướng dẫn về tổ chức công việc và quyết định của Nghị viện, như được cung cấp cụ thể trong Hiến pháp này hoặc trong Quy tắc Hoạt động của Nghị viện, về các thủ tục cần tuân theo khi xem xét về các vấn đề trong Nghị viện. Ủy ban Thường vụ có thể đưa ra sáng kiến ​​để ban hành hoặc sửa đổi Đạo luật về Viên chức Nghị viện và Quy tắc Hoạt động của Nghị viện, cũng như các đề xuất về các quy định khác liên quan đến hoạt động của Nghị viện.

Điều 35. Các Ủy ban của Nghị viện

Nghị viện sẽ chỉ định cho nhiệm kỳ của mình một Ủy ban lớn, Ủy ban Hiến pháp, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tài chính, Ủy ban Kiểm toán và các ủy ban thường trực khác được quy định trong Quy tắc Hoạt động của Nghị viện. Nghị viện cũng có thể thành lập một ủy ban tạm thời để chuẩn bị hoặc xem xét một vấn đề đặc biệt. (25.5.2007/596)

Ủy ban lớn có 25 thành viên. Ủy ban Hiến pháp, Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tài chính có ít nhất 17 thành viên. Các ủy ban thường vụ khác có ít nhất 11 thành viên. Các ủy ban cũng có số lượng người thay thế cần thiết.

Một ủy ban có quyền quyết định (päätösvaltainen) khi có ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt, trừ khi số lượng lớn hơn được quy định cụ thể.

Điều 36. Các tổ chức và cơ quan đại diện khác do Nghị viện bầu ra

Nghị viện bầu ra các đại diện để giám sát việc điều hành và hoạt động của Cơ quan an sinh xã hội theo quy định của pháp luật.

Nghị viện sẽ bầu ra các ban khác theo quy định trong Hiến pháp này, đạo luật khác hoặc Quy tắc Hoạt động của Nghị viện.

Việc bầu cử đại diện của Nghị viện trong một cơ quan được thành lập theo hiệp định quốc tế hoặc trong một cơ quan quốc tế khác sẽ được điều chỉnh bằng một Đạo luật hoặc bằng Quy tắc Hoạt động của Nghị viện.

Điều 37. Bầu cử các cơ quan Nghị viện

Các ủy ban và các cơ quan khác của Nghị viện sẽ được bổ nhiệm tại kỳ họp Nghị viện đầu tiên của nhiệm kỳ bầu cử cho thời gian nhiệm kỳ nghị viện, trừ khi có quy định khác trong Hiến pháp này, hoặc trong Quy tắc Hoạt động của Nghị viện hoặc quy tắc cụ thể về thủ tục được Nghị viện phê chuẩn dành cho một cơ quan của Nghị viện. Tuy nhiên, theo đề nghị của Ủy ban thường vụ, Nghị viện có thể đồng ý việc bổ nhiệm lại một ủy ban hoặc cơ quan trong nhiệm kỳ bầu cử.

Nghị viện bầu ra các thành viên của các Ủy ban và các cơ quan khác. Trừ khi cuộc bầu cử diễn ra bởi sự đồng thuận, nó sẽ được tổ chức theo tỷ lệ phiếu bầu.

Điều 38. Các nhân viên pháp luật của Nghị viện

Nghị viện bầu một thanh tra viên và hai phó thanh tra, những người phải là chuyên gia pháp lý hàng đầu, cho nhiệm kỳ 4 năm. Phó Thanh tra có thể có một Phó, theo quy định của pháp luật. Các quy định về Thanh tra viên sẽ được áp dụng với những sửa đổi phù hợp đối với Phó Thanh tra và Phó Thanh tra. (24.8.2007 / 802)

Sau khi nhận được ý kiến ​​của Ủy ban luật hiến pháp, vì những lý do đặc biệt nghiêm trọng, Nghị viện có thể miễn nhiệm Thanh tra viên vào giữa nhiệm kỳ của người đó bằng một quyết định được ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ.

Điều 39 – Cách các vấn đề được khởi xướng để Nghị viện xem xét

Các vấn đề được đưa ra để Nghị viện xem xét trên cơ sở đề xuất của Chính phủ hoặc đề nghị do Chính phủ đệ trình hoặc đề nghị do Nghị sĩ đệ trình, hoặc theo cách khác được quy định trong Hiến pháp này hoặc trong Quy tắc Hoạt động của Nghị viện.

Nghị sĩ có thể đề xuất:

(1) Các đề xuất về luật pháp, bao gồm một đề xuất về việc ban hành một Đạo luật;

(2) Các kiến nghị về ngân sách, bao gồm đề xuất trích lập ngân sách hoặc bổ sung

ngân sách, hoặc cho một quyết định ngân sách khác; và

(3) Đề xuất khuyến nghị về việc soạn thảo một đạo luật hoặc thực hiện các biện pháp khác.

Điều 40 – Chuẩn bị các vấn đề

Các đề xuất của chính phủ, đề xuất của các Nghị sĩ, các báo cáo trình lên Nghị viện và các vấn đề khác, như được quy định trong Hiến pháp này hoặc trong Quy tắc Hoạt động của Nghị viện, sẽ được chuẩn bị trong các Ủy ban trước sự xem xét cuối cùng của họ trong một phiên họp toàn thể của Nghị viện.

Điều 41 – Việc xem xét các vấn đề trong phiên họp toàn thể

Một dự án luật và một đề xuất về Quy tắc Hoạt động của Nghị viện được đưa ra trong hai phiên họp toàn thể. Tuy nhiên, một dự án luật bị hoãn và một Đạo luật chưa được phê chuẩn chỉ được xem xét trong một phiên họp toàn thể. Các vấn đề khác chỉ được xem xét trong một phiên họp toàn thể.

Các quyết định trong phiên họp toàn thể được đưa ra dựa trên đa số phiếu bầu, trừ khi có quy định cụ thể khác trong Hiến pháp này. Trong trường hợp số phiếu ngang nhau, quyết định được đưa ra bằng cách bốc thăm, ngoại trừ trường hợp một đề nghị đòi hỏi phải có số phiếu quá bán mới được thông qua. Các quy định chi tiết hơn về thủ tục bỏ phiếu được nêu ra trong Quy tắc Hoạt động của Nghị viện

Điều 42 – Nhiệm vụ của Chủ tịch trong phiên họp toàn thể

Chủ tịch triệu tập các phiên họp toàn thể, trình bày các vấn đề trong chương trình nghị sự, điều khiển cuộc tranh luận và đảm bảo rằng Hiến pháp được tuân thủ khi xem xét các vấn đề tại phiên họp toàn thể.

Chủ tịch sẽ không từ chối đưa vào chương trình nghị sự một vấn đề hoặc một đề nghị trong một cuộc bỏ phiếu, trừ khi cho rằng nó trái với Hiến pháp, Đạo luật khác hoặc quyết định trước đó của Nghị viện. Trong trường hợp này, Chủ tịch sẽ giải thích lý do từ chối. Nếu Nghị viện không chấp nhận quyết định của Chủ tịch, vấn đề sẽ được chuyển tới Ủy ban Luật Hiến pháp, Ủy ban này sẽ kịp thời đưa ra phán quyết liệu hành động của Chủ tịch có đúng không.

Chủ tịch không tham gia vào các cuộc tranh luận hoặc biểu quyết trong các phiên họp toàn thể.

Điều 43 – Chất vấn

Ít nhất hai mươi Nghị sĩ có thể chất vấn chính phủ hoặc cho cá nhân Bộ trưởng về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc Bộ trưởng. Chất vấn sẽ được trả lời trong một phiên họp toàn thể của Nghị viện trong vòng mười lăm ngày kể từ khi chất vấn được đưa gửi tới Chính phủ.

Nếu trong cuộc tranh luận có kiến nghị bất tín nhiệm đối với Chính phủ hoặc Bộ trưởng, một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện sau khi tranh luận chất vấn kết thúc.

Điều 44. Các đệ trình và báo cáo của chính phủ

Chính phủ có thể đưa một đệ trình hoặc báo cáo lên Nghị viện về các vấn đề liên quan đến hành chính quốc gia hoặc quan hệ quốc tế.

Kết thúc việc xem xét đệ trình sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ hoặc Bộ trưởng nếu có kiến ​​nghị về sự bất tín nhiệm đối với Chính phủ hoặc Bộ trưởng trong quá trình thảo luận. Khi xem xét báo cáo sẽ không có quyết định về sự tín nhiệm đối với Chính phủ hoặc Thành viên của Chính phủ.

Điều 45. Câu hỏi, thông báo và thảo luận

Nghị sĩ có quyền đặt câu hỏi với Bộ trưởng về những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của mình. Việc hỏi và trả lời câu hỏi được quy định trong Quy tắc Hoạt động của Nghị viện.

Thủ tướng hoặc một bộ trưởng do người đó bổ nhiệm có thể thông báo cho Nghị viện về một vấn đề thời sự.

Tranh luận về một vấn đề thời sự có thể được thực hiện ở phiên họp toàn thể, như được quy định trong Quy tắc Hoạt động của Nghị viện.

Nghị viện không đưa ra quyết định về các vấn đề được đề cập trong phần này. Khi xem xét chúng, có thể có ngoại lệ như được nói đến trong điều 31 (1) về quyền được phát biểu.

Điều 46. Các báo cáo đệ trình Nghị viện

Chính phủ phải đệ trình báo cáo hàng năm lên Nghị viện về các hoạt động của Chính phủ và các biện pháp mà Chính phủ đã thực hiện theo quyết định của Nghị viện, cũng như báo cáo về tình hình quản lý tài chính nhà nước và tuân thủ ngân sách. (1112/2011, có hiệu lực từ 1.3.2012).

Các báo cáo khác sẽ được trình lên Nghị viện theo quy định trong Hiến pháp này, các luật khác hoặc Quy tắc Hoạt động của Nghị viện.

Điều 47. Quyền tiếp cận thông tin của Nghị viện

Nghị viện có quyền nhận thông tin cần thiết từ Chính phủ để xử lý các vấn đề. Bộ trưởng liên quan phải đảm bảo rằng ủy ban hoặc cơ quan khác của Nghị viện kịp thời nhận được các tài liệu và thông tin khác thuộc quyền sở hữu của cơ quan mà nó cần.

Ủy ban có quyền nhận được báo cáo của Chính phủ hoặc Bộ liên quan về một vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của mình. Sau báo cáo, ủy ban có thể đưa ra ý kiến ​​về vấn đề này với chính phủ hoặc Bộ.

Nghị sĩ có quyền nhận từ cơ quan có thẩm quyền thông tin mà họ cần cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình, thông tin này không bí mật và không liên quan đến dự thảo ngân sách nhà nước đang được chuẩn bị.

Ngoài ra, Nghị viện có quyền được nhận thông tin về các vấn đề quốc tế được nêu ra bởi các điều khoản bao nói đến ở nơi khác trong Hiến pháp này.

Điều 48. Quyền tham dự của Bộ trưởng, Thanh tra viên và Tổng chưởng lý

Bộ trưởng có quyền có mặt và tham gia tranh luận tại phiên họp toàn thể, ngay cả khi người đó không phải là nghị sĩ. Bộ trưởng không thể là thành viên của ủy ban Nghị viện. Khi thực hiện các nhiệm vụ của Tổng thống Cộng hòa theo điều 59, Bộ trưởng không được tham gia vào công việc của Nghị viện.

Thanh tra viên và Tổng chưởng lý (oikeuskansleri) có thể có mặt và tham gia thảo luận trong phiên họp toàn thể khi xem xét các báo cáo của chính họ hoặc về một vấn đề được khởi xướng theo sáng kiến ​​của chính họ.

Điều 49. Các vấn đề tiếp tục xem xét

Các vấn đề chưa được kết luận trong nhiệm kỳ Nghị viện sẽ được tiếp tục xem xét ở Nghị viện tiếp theo, trừ khi các cuộc bầu cử Nghị viện đã được tổ chức trong thời gian đó. Nếu cần, việc xem xét một vấn đề quốc tế đang chờ kết luận tại Nghị viện cũng có thể được tiếp tục tại cuộc họp nghị viện được tổ chức sau cuộc bầu cử nghị viện (có hiệu lực từ 1.3.2012).

Điều 50. Công khai các hoạt động của Nghị viện

Các phiên họp toàn thể của Nghị viện diễn ra công khai, trừ khi Nghị viện quyết định khác vì lý do đặc biệt nghiêm trọng. Nghị viện công bố các tài liệu của nghị viện phù hợp với các quy định của Quy tắc Hoạt động của Nghị viện.

Các cuộc họp của ủy ban không được công khai. Tuy nhiên, ủy ban có thể công khai các cuộc họp của mình khi thu thập thông tin để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận của mình. Biên bản của ủy ban và các tài liệu liên quan khác sẽ được công khai, trừ khi, vì những lý do cần thiết, Quy tắc Hoạt động của Nghị viện có quy định khác hoặc ủy ban quyết định khác về vấn đề.

Các thành viên của ủy ban phải tuân thủ việc bảo mật khi ủy ban cho là cần thiết. Tuy nhiên, khi giải quyết các mối quan hệ quốc tế của Phần Lan hoặc các vấn đề của Liên minh châu Âu, các thành viên của ủy ban phải tuân theo sự bảo mật mà Ủy ban Đối ngoại hoặc Ủy ban lớn, sau khi tham khảo ý kiến ​​của Chính phủ, đã yêu cầu.

Điều 51. Ngôn ngữ sử dụng trong công việc của Nghị viện

Tiếng Phần Lan hoặc tiếng Thụy Điển được sử dụng trong công việc của Nghị viện.

Chính phủ và các cơ quan chức năng khác phải nộp các tài liệu cần thiết về vấn đề được đưa ra xem xét tại Nghị viện bằng tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Các trả lời và bài viết của Nghị viện, các báo cáo và ý kiến ​​của ủy ban, cũng như các đề xuất bằng văn bản của Ban cố vấn cho Chủ tịch và Phó chủ tịch, cũng được chuẩn bị bằng tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển.

Điều 52. Quy tắc Hoạt động của Nghị viện và các quy định hướng dẫn,

Quy tắc Hoạt động của Nghị viện quy định chi tiết hơn về các thủ tục phải tuân theo trong Nghị viện cũng như các ủy ban và công việc hành chính của Nghị viện. Quy tắc Hoạt động của Nghị viện được thông qua trong phiên họp toàn thể theo trình tự xem xét các dự luật và được xuất bản trong Tuyển tập các Đạo luật của Phần Lan.

Nghị viện có thể ban hành các quy định để điều hành trong phạm vi Nghị viện, các cuộc bầu cử do Nghị viện thực hiện và cho các công việc khác của nghị viện. Ngoài ra, Nghị viện có thể phê chuẩn các văn bản dưới luật cho các cơ quan do mình bầu ra.

Điều 53. Trưng cầu dân ý và sáng kiến ​​của công dân

Việc tổ chức trưng cầu dân ý do luật định, trong đó phải quy định thời gian trưng cầu và giới thiệu các phương án cho người được trưng cầu.

Thủ tục trưng cầu dân ý do luật định.

Ít nhất năm mươi ngàn công dân Phần Lan có quyền bỏ phiếu được quyền đệ trình sáng kiến về việc ban hành một đạo luật lên Nghị viện theo quy định của pháp luật. (1112/2011, có hiệu lực từ 1.3.2012)

Chương 5: Tổng thống Cộng hòa và Chính phủ

Điều 54. Việc bầu Tổng thống Cộng hòa

Tổng thống của nước Cộng hòa được bầu bằng phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp từ các công dân Phần Lan với nhiệm kỳ sáu năm. Một người có thể được bầu làm Tổng thống với tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Ứng cử viên nhận được hơn một nửa số phiếu bầu trong một cuộc bầu cử được chọn làm tổng thống. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu bầu, một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức giữa hai ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất. Ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu hơn trong cuộc bầu cử mới sau đó sẽ trở thành tổng thống. Nếu chỉ có một ứng cử viên được đề cử, người đó sẽ được chọn làm tổng thống mà không cần bầu cử.

Quyền đề cử một ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống thuộc về một đảng đã đăng ký và có ít nhất một Nghị sĩ đã được bầu trong cuộc bầu cử Nghị viện vừa qua, cũng như một nhóm 20.000 người có quyền bầu cử. Thời gian bầu cử và thủ tục bầu Tổng thống sẽ được luật quy định chi tiết hơn bằng một đạo luật.

Điều 55. Nhiệm kỳ của Tổng thống

Tổng thống nước Cộng hòa sẽ nhậm chức vào ngày đầu tiên của tháng sau cuộc bầu cử.

Nhiệm kỳ của Tổng thống sẽ chấm dứt khi Tổng thống được bầu của cuộc bầu cử tiếp theo nhậm chức.

Nếu Tổng thống qua đời hoặc Chính phủ nhận thấy rằng ông ấy hoàn toàn không thể đảm nhiệm chức vụ, một Tổng thống mới phải được bầu càng sớm càng tốt.

Điều 56 – Lời tuyên thệ của Tổng thống

Khi Tổng thống Cộng hòa nhậm chức, người đó sẽ đưa ra lời tuyên thệ trang trọng sau đây trước Nghị viện:

“Tôi …, người được quốc dân Phần Lan bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa, xin tuyên thệ rằng trong nhiệm vụ tổng thống của mình, tôi sẽ trung thành và tận tâm tuân thủ Hiến pháp và luật pháp của nước Cộng hòa, và với khả năng tốt nhất của mình thúc đẩy phúc lợi của người dân Phần Lan.”

Điều 57 – Nhiệm vụ của Tổng thống

Tổng thống của nước Cộng hòa thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Hiến pháp này hoặc được nêu cụ thể trong Đạo luật khác.

Điều 58. Các quyết định của Tổng thống

Tổng thống của nước Cộng hòa này đưa ra quyết định của mình trước chính phủ về giải pháp được chính phủ đề xuất.

Nếu Tổng thống không đưa ra quyết định theo đề xuất của Chính phủ, vấn đề sẽ được chuyển lại cho Chính phủ để chuẩn bị. Trong trường hợp này, trong những vấn đề khác với những vấn đề liên quan đến việc công nhận một Đạo luật hoặc việc bổ nhiệm vào một văn phòng hoặc chức vụ, Chính phủ có thể trình lên Nghị viện một báo cáo về vấn đề này. Sau đó, vấn đề sẽ được quyết định theo quan điểm đã được Nghị viện thông qua trên cơ sở báo cáo, nếu điều này được Chính phủ đề xuất. (1112/2011, có hiệu lực từ 1.3.2012)

Bất chấp quy định tại khoản (1), Tổng thống vẫn đưa ra quyết định về những vấn đề sau mà không cần Chính phủ đề nghị:

1) Phê chuẩn chính phủ và các thành viên của chính phủ và cho phép chính phủ hoặc một thành viên của chính phủ từ chức;

2) Ấn định các cuộc bầu cử nghị viện sớm;

3) Ân xá và các vấn đề khác được luật quy định riêng mà liên quan đến một cá nhân hoặc do nội dung của chúng, không yêu cầu xem xét trong một phiên họp chung của Chính phủ; và

(4) Các vấn đề được đề cập trong Đạo luật về quyền tự trị của Quần đảo Åland, ngoài những vấn đề liên quan đến tài chính của quần đảo Åland.

Bộ trưởng liên quan sẽ báo cáo vấn đề này lên Tổng thống để quyết định. Tuy nhiên, việc thay đổi thành phần Chính phủ mà toàn bộ Chính phủ quan tâm sẽ được báo cáo viên liên quan của Chính phủ trình bày.

Tổng thống quyết định các vấn đề chỉ huy quân sự với sự hỗ trợ của Bộ trưởng, theo quy định của pháp luật. Việc bổ nhiệm quân sự và các vấn đề liên quan đến Văn phòng Tổng thống Cộng hòa sẽ do Tổng thống quyết định theo quy định của pháp luật.

Việc Phần Lan tham gia giải quyết khủng hoảng quân sự sẽ được quyết định theo quy định bằng một đạo luật. (1112/.2011, có hiệu lực từ 1.3.2012)

Điều 59. Những người thay thế tổng thống

Trong trường hợp Tổng thống Cộng hòa không thể thực hiện chức trách của mình, Thủ tướng sẽ thay thế hoặc trong trường hợp Thủ tướng cũng không đảm trách được thì Phó Thủ tướng sẽ là người thay thế.

Điều 60. Chính phủ

Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ và một số bộ trưởng cần thiết khác. Các bộ trưởng phải là công dân Phần Lan được biết đến là trung thực và khéo léo.

Các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện về nhiệm vụ của mình. Mỗi bộ trưởng tham gia vào các cuộc thảo luận của Chính phủ phải chịu trách nhiệm về quyết định đó, trừ khi người đó bày tỏ quan điểm bất đồng của mình để ghi vào biên bản.

Điều  61. Thành lập chính phủ

Nghị viện bầu ra Thủ tướng, người sau đó được Tổng thống nước Cộng hòa bổ nhiệm vào chức vụ. Các Bộ trưởng khác được Tổng thống bổ nhiệm theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ.

Trước khi bầu Thủ tướng, các nhóm đại diện trong Nghị viện bàn thảo về chương trình nghị sự và thành phần của Chính phủ. Trên cơ sở kết quả của các cuộc đàm phán này, và sau khi nghe Chủ tịch Nghị viện và các nhóm nghị viện, Tổng thống thông báo cho Nghị viện về người được đề cử làm Thủ tướng. Người được đề cử được chọn làm Thủ tướng nếu được hơn một nửa số phiếu bầu trong một cuộc bỏ phiếu mở tại Nghị viện.

Nếu người được đề cử không nhận được đa số phiếu cần thiết, một người được đề cử khác sẽ được bầu theo cách tương tự. Nếu người được đề cử thứ hai không nhận được sự ủng hộ của hơn một nửa số phiếu, thì cuộc bầu cử Thủ tướng sẽ được bầu tại Nghị viện bằng hình thức bỏ phiếu công khai. Người nhận được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu này sẽ được chọn.

Nghị viện sẽ họp khi Chính phủ được bổ nhiệm và khi thành phần của Chính phủ được thay đổi về cơ bản.

Điều 62. Thông báo chương trình của chính phủ

Chính phủ phải đệ trình chương trình của mình lên Nghị viện ngay lập tức. Điều tương tự cũng phải được thực hiện trong trường hợp có sự thay đổi đáng kể trong thành phần của Chính phủ.

Điều 63. Lợi ích cá  nhân của các bộ trưởng

Trong thời gian giữ chức vụ Bộ trưởng, thành viên Chính phủ không được giữ chức vụ nhà nước hoặc tham gia vào bất kỳ nhiệm vụ nào khác có thể cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng hoặc gây nguy hiểm tới lòng tin trong hoạt động của người đó với tư cách Bộ trưởng.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, Bộ trưởng sẽ đệ trình lên Nghị viện một báo cáo về hoạt động kinh doanh của mình, cổ phần nắm giữ trong các công ty và các tài sản quan trọng khác, cũng như các nhiệm vụ không chính thức và các lợi ích khác có thể liên quan đến việc đánh giá hoạt động của mình với tư cách là thành viên Chính phủ.

Điều 64. Việc từ chức của chính phủ hay Bộ trưởng

Tổng thống nước Cộng hòa, theo đề nghị sẽ chấp thuận sự từ chức của Chính phủ hoặc một Bộ trưởng. Tổng thống cũng có thể chấp thuận việc từ chức Thủ tướng theo đề nghị ​​của Thủ tướng.

Ngay cả khi không có đề nghị, Tổng thống sẽ phế truất Chính phủ hoặc một bộ trưởng nếu người đó không còn được Nghị viện tín nhiệm.

Nếu một bộ trưởng được bầu làm Tổng thống Cộng hòa hoặc Chủ tịch Nghị viện, người đó sẽ được coi là thôi chức bộ trưởng kể từ ngày được bầu.

 Điều 65. Nhiệm vụ của chính phủ

Chính phủ có các nhiệm vụ được quy định cụ thể trong Hiến pháp này, cũng như các các nhiệm vụ cũng như các nhiệm vụ hành chính và điều hành khác được giao cho Chính phủ hoặc một Bộ trưởng hoặc chưa được coi thuộc thẩm quyền của Tổng thống nước Cộng hòa hoặc cơ quan công quyền khác.

Chính phủ thực hiện các quyết định của Tổng thống.

Điều 66. Nhiệm vụ của Thủ tướng chính phủ

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoạt động của Chính phủ và điều hành việc chuẩn bị, xử lý các công việc thuộc Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ chủ trì, điều khiển phiên họp toàn thể của Chính phủ.

Thủ tướng sẽ đại diện cho Phần Lan tại Hội đồng Châu Âu. Thủ tướng cũng đại diện cho Phần Lan trong các hoạt động khác của Liên minh châu Âu đòi hỏi sự tham gia của lãnh đạo cao nhất của đất nước, trừ khi Chính phủ có quyết định khác (1112/2011, có hiệu lực từ 1.3.2012).

Khi Thủ tướng không thể tham dự, nhiệm vụ của ông sẽ được Bộ trưởng được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng đảm nhiệm, và khi người này không thực hiện được thì bộ trưởng từng giữ chức vụ lâu nhất đảm nhiệm.

Điều 67. Việc ra quyết định của chính phủ

Các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ được giải quyết tại các cuộc họp toàn thể của Chính phủ hoặc tại Bộ phụ trách. Các vấn đề có tầm quan trọng rộng lớn hoặc các vấn đề quan trọng vì lý do nguyên tắc cũng như những vấn đề có ý nghĩa bảo đảm, được Chính phủ quyết định trong cuộc họp toàn thể. Các điều khoản chi tiết liên quan đến quyền ra quyết định của Chính phủ được quy định trong một Đạo luật.

Các vấn đề Chính phủ xem xét sẽ được chuẩn bị ở Bộ thích hợp. Chính phủ có thể có Ủy ban của các Bộ trưởng để chuẩn bị các vấn đề.

Cuộc họp toàn thể của Chính phủ có thẩm quyền với sự tham dự của năm Bộ trưởng.

Điều 68. Các bộ

Chính phủ có số lượng bộ cần thiết. Mỗi bộ chịu trách nhiệm chuẩn bị các vấn đề thuộc về Chính phủ và thực hiện đúng chức năng của chính quyền trong lĩnh vực mình phụ trách.

Người đứng đầu mỗi bộ là Bộ trưởng.

Luật pháp quy định số lượng tối đa các bộ và các tiêu chí chung để thành lập chúng. Lĩnh vực hoạt động của các bộ và việc phân chia công việc giữa các bộ, cũng như các hình thức tổ chức khác của Chính phủ, được quy định trong luật hoặc nghị định của Chính phủ.

Điều 69. Tổng chưởng lý của chính phủ (oikeuskansleri)

Trực thuộc Chính phủ có Tổng chưởng lý và Phó Tổng chưởng lý là những người có kiến thức uyên bác về luật được Tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm. Ngoài ra, Tổng thống bổ nhiệm người thay thế Phó Tổng chưởng lý với nhiệm kỳ không quá năm năm. Khi mà Phó Tổng chưởng lý bị cản trở thực hiện nhiệm vụ của mình, người thay thế phải chịu trách nhiệm cho ông.

Các quy định về Tổng chưởng lý áp dụng cho Phó Tổng chưởng lý và người thay thế.

Chương 6: Luật pháp

Điều 70. Đề xuất ​​luật pháp

Việc đề xuất ban hành một Đạo luật được khởi xướng tại Nghị viện theo đệ trình của chính phủ hoặc theo sáng kiến ​​của một Nghị sĩ, có thể được thực hiện trong khi Nghị viện đang họp.

Điều 71. Bổ sung và rút lại một đệ trình của chính phủ

Đệ trình của chính phủ có thể được bổ sung bằng một đề xuất bổ sung mới, hoặc có thể bị rút lại. Một đề xuất bổ sung không thể được đệ trình sau khi Ủy ban chuẩn bị vấn đề đã ban hành báo cáo của mình.

Điều 72. Việc xem xét một dự án luật trong Nghị viện

Đề xuất luật sẽ được đưa ra đọc hai lần trong phiên họp toàn thể của Nghị viện sau khi ủy ban chuẩn bị vấn đề đã đệ trình báo cáo về dự luật.

Ở lần đọc đầu tiên của đề xuất luật, báo cáo của ủy ban được trình bày và thảo luận, và nội dung của dự luật được quyết định. Trong lần đọc thứ hai, được tổ chức không sớm hơn ngày thứ ba sau khi kết thúc lần đọc thứ nhất, quyết định việc chấp thuận hay bác bỏ dự luật.

Trong lần đọc thứ nhất, đề xuất luật có thể được chuyển đến Ủy ban mở rộng (suuren valiokunta) để xem xét.

Việc xem xét dự luật được quy định chi tiết hơn trong Quy tắc Hoạt động của Nghị viện.

Điều 73. Thủ tục ban hành hiến pháp

Một đề xuất về việc ban hành, sửa đổi hoặc hủy bỏ Hiến pháp, hoặc về việc hủy bỏ tạm thời một điều khoản của Hiến pháp, phải được đa số phiếu thông qua ở phiên họp toàn thể thứ hai trong nhiệm kỳ Nghị viện đầu tiên sau cuộc bầu cử Nghị viện. Sau đó, khi Ủy ban đã ban hành báo cáo, đề xuất sẽ được thông qua mà không có sự thay đổi quan trọng trong một phiên họp toàn thể bằng một quyết định được ít nhất 2/3 số phiếu tán thành.

Tuy nhiên, một đề xuất có thể được tuyên bố là khẩn cấp bằng một quyết định được ít nhất là năm phần sáu số phiếu tán thành. Trong trường hợp này, đề xuất sẽ không được để lại và có thể được thông qua bởi đa số ít nhất hai phần ba số phiếu.

Điều 74. Giám sát hiến pháp

Ủy ban Luật Hiến pháp của Nghị viện sẽ đưa ra ý kiến ​​của mình về tính hợp hiến của các dự luật và các vấn đề khác mà ủy ban này xem xét và về mối quan hệ với các điều ước quốc tế về nhân quyền.

Điều 75. Luật đặc biệt của Åland

Thủ tục ban hành đạo luật tự quản của Åland và đạo luật thu hồi đất của Åland sẽ được điều chỉnh bởi những gì được quy định riêng trong các đạo luật nói trên.

Quyền của Hội đồng tỉnh Åland trong việc đưa ra các sáng kiến ​​và ban hành luật của tỉnh Åland được điều chỉnh bởi các điều khoản của đạo luật chính quyền tự quản.

Điều 76. Đạo luật của Giáo hội

Các quy định về tổ chức và điều hành của Giáo hội Luther được quy định trong Đạo luật của Giáo hội. Thủ tục lập pháp để ban hành Đạo luật Nhà thờ và quyền gửi các đề xuất lập pháp liên quan đến Đạo luật của Nhà thờ được điều chỉnh bởi các điều khoản cụ thể trong Bộ luật đó.

Điều 77. Việc phê chuẩn các đạo luật

Một Đạo luật được Nghị viện thông qua sẽ được đệ trình lên Tổng thống nước Cộng hòa để phê chuẩn. Tổng thống sẽ quyết định phê chuẩn trong vòng ba tháng sau khi Đạo luật được đệ trình. Tổng thống có thể lấy ý kiến về một Đạo luật từ Tòa án Tối cao hoặc Tòa án Hành chính Tối cao.

Nếu Tổng thống không phê chuẩn Đạo luật, nó sẽ được trả lại cho Nghị viện xem xét. Nếu Nghị viện thông qua lại Đạo luật mà không có thay đổi quan trọng nào, Đạo luật sẽ có hiệu lực mà không cần phê chuẩn. Đạo luật sẽ được coi là không có hiệu lực, nếu Nghị viện không thông qua lại.

Điều 78. Việc xem xét một đạo luật chưa được phê chuẩn

Nếu Tổng thống của nước Cộng hòa không phê chuẩn một đạo luật trong thời gian quy định, nó sẽ được đưa ra để xem xét lại tại Nghị viện kịp thời. Sau khi báo cáo thích hợp của Ủy ban đã được ban hành, Đạo luật sẽ được thông qua mà không có thay đổi quan trọng hoặc bị từ chối. Quyết định được đưa ra trong phiên họp toàn thể trong một lần đọc với đa số phiếu bầu.

Điều 79. Việc công bố và hiệu lực của luật

Nếu một đạo luật được ban hành theo trình tự ban hành thì điều này phải được thể hiện trong đạo luật.

Một đạo luật đã được phê chuẩn hoặc sẽ có hiệu lực mà không cần phê chuẩn phải được Tổng thống nước Cộng hòa ký tên và được Bộ trưởng liên quan cùng ký. Sau đó, Chính phủ phải ngay lập tức công bố luật trong Bộ luật Phần Lan.

Đạo luật phải chỉ rõ thời gian nó có hiệu lực. Vì một lý do đặc biệt, luật có thể quy định rằng ngày có hiệu lực sẽ được xác định bởi một quy định. Nếu luật chưa được công bố chậm nhất vào ngày quy định có hiệu lực thì luật sẽ có hiệu lực vào ngày công bố.

Luật được ban hành và xuất bản bằng tiếng Phần Lan và Thụy Điển.

Điều 80. Việc ban hành Nghị định và phân quyền lập pháp

Tổng thống của nước Cộng hòa, Chính phủ và Bộ có thể ban hành các Nghị định trên cơ sở họ được phân quyền trong Hiến pháp này hoặc trong Đạo luật khác. Tuy nhiên, các nguyên tắc liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân và các vấn đề khác theo Hiến pháp này là hợp pháp sẽ được quy định bằng các Đạo luật. Nếu không có quy định cụ thể về việc ai sẽ ban hành một Nghị định, nó sẽ do Chính phủ ban hành.

Các cơ quan có thẩm quyền khác có thể được một Đạo luật cho phép ban hành các quy định pháp lý về các vấn đề nhất định, nếu có lý do phù hợp với vấn đề và nếu ý nghĩa quan trọng của các quy định không yêu cầu chúng phải được ban hành bằng một Đạo luật hoặc một Nghị định. Phạm vi của sự phân quyền như vậy sẽ được giới hạn một cách chính xác.

Các quy định chung về việc công bố và hiệu lực của các Nghị định và các quy định pháp lý khác được quy định bằng một Đạo luật.

Chương 7: Tài chính nhà nước

Điều 81. Thuế và các khoản thu

Thuế của nhà nước được quy định bằng luật, trong đó có các quy định về nghĩa vụ nộp thuế và số tiền thuế, cũng như quyền lợi pháp lý của người đóng thuế.

Các tiêu chí chung về việc thanh toán các khoản phí và mức phí cho các nhiệm vụ, dịch vụ và các hoạt động khác của các cơ quan nhà nước được quy định bằng luật.

Điều 82. Việc vay nợ của nhà nước và bảo lãnh của nhà nước

Việc vay nợ của nhà nước phải dựa trên sự đồng ý của Nghị viện, trong đó cho biết mức vay mới hoặc tổng số nợ của nhà nước.

An ninh của nhà nước và bảo lãnh của nhà nước có thể được ban hành với sự đồng ý của Nghị viện.

Điều 83 – Ngân sách nhà nước

Nghị viện quyết định ngân sách Nhà nước cho từng năm ngân sách. Nó được xuất bản trong Sách Quy chế/luật của Phần Lan.

Dự thảo của Chính phủ liên quan đến ngân sách Nhà nước và các dự thảo khác liên quan đến nó sẽ được trình lên Nghị viện trước năm ngân sách tiếp theo. Các quy định trong điều 71 áp dụng cho phần bổ sung và rút dự thảo ngân sách.

Dựa trên cơ sở dự thảo ngân sách, qua một đề nghị ngân sách nghị sĩ có thể đề xuất một khoản ngân sách thích hợp hoặc quyết định khác có thể đưa vào ngân sách Nhà nước.

Ngân sách nhà nước được phê duyệt sau khi Ủy ban Tài chính của Nghị viện đệ trình báo cáo toàn thể về ngân sách này trong một lần trình bày tại phiên họp toàn thể của Nghị viện. Quy tắc Hoạt động của Nghị viện quy định chi tiết hơn về việc xem xét dự thảo ngân sách tại Nghị viện.

Nếu việc công bố ngân sách nhà nước bị trì hoãn sau thời điểm chuyển giao của năm tài chính, đề xuất ngân sách của Chính phủ sẽ được áp dụng như một ngân sách tạm thời theo cách thức do Nghị viện quyết định.

Điều 84. Nội dung của ngân sách

Ngân sách nhà nước bao gồm dự toán thu hàng năm và chi tiêu hàng năm, lý do các khoản chi tiêu và các lý do ngân sách khác. Một đạo luật có thể quy định rằng ngân sách có thể bao gồm dự toán thu hoặc chi tương ứng với chênh lệch giữa thu và chi liên quan trực tiếp nhất định.

Dự toán thu trong ngân sách phải bao gồm các khoản chi tiêu trong đó. Khi bù đắp các khoản chi tiêu, có thể tính đến thặng dư hoặc thâm hụt theo tài khoản nhà nước, theo quy định của pháp luật.

Các ước tính về doanh thu và các khoản chi tiêu tương ứng với các khoản thu và chi liên quan có thể được ghi vào ngân sách cho một số năm tài chính, theo quy định của pháp luật.

Các tiêu chí chung về hoạt động và tài chính của các doanh nghiệp nhà nước do luật định. Các ước tính về doanh thu và chi tiêu cho doanh nghiệp chỉ được nhập vào ngân sách trong phạm vi luật pháp quy định. Liên quan đến việc thảo luận về ngân sách, Nghị viện thông qua các mục tiêu dịch vụ chính và các mục tiêu hoạt động khác của các doanh nghiệp nhà nước.

Điều 85. Các khoản chi tiêu trong ngân sách

Các khoản chi tiêu được nhập vào ngân sách nhà nước dưới các hình thức chi tiêu cố định, chi tiêu ước tính hoặc chi tiêu chuyển giao. Chi tiêu ước tính có thể bị vượt quá dự toán và việc chuyển giao có thể được thực hiện sau khi kết thúc năm tài chính, được quy định bằng một Đạo luật. Chi tiêu cố định và phần chi tiêu chuyển giao không được vượt và không được chuyển phần chi tiêu cố định trừ khi được cho phép bằng một đạo luật.

Một khoản chi tiêu không được chuyển từ khoản ngân sách này sang khoản ngân sách khác trừ khi được ngân sách cho phép. Tuy nhiên, việc chuyển một khoản chi tiêu vào một khoản ngân sách mà việc dùng nó có liên quan có thể cho phép bằng một đạo luật.

Dự toán ngân sách có thể đưa ra  một khoản với số lượng giới hạn và mục đích sử dụng nhất định, cho các chi tiêu phát sinh, trong đó các khoản chi tiêu cần thiết sẽ được trích ra từ ngân sách của các năm tài chính tiếp theo.

Điều 86. Ngân sách bổ sung

Đề xuất của Chính phủ về ngân sách bổ sung được trình lên Nghị viện nếu có nhu cầu chính đáng để bổ sung ngân sách.

Nghị sĩ có thể đề xuất một sáng kiến ​​ngân sách cho một ngân sách bổ sung liên quan trực tiếp đến dự thảo ngân sách bổ sung.

Điều 87. Các quỹ ngoài ngân sách

Một quỹ ngoài ngân sách có thể được lập ra bằng một đạo luật nếu việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước nhất thiết đòi hỏi điều này. Tuy nhiên, quyết định của Nghị viện thông qua một đề án luật để lập ra một quỹ ngoài ngân sách hoặc việc mở rộng quỹ hoặc mục đích của quỹ đó phải được ít nhất 2/3 phiếu bầu đồng ý.

Điều 88. Yêu cầu pháp từ nhà nước đối với cá nhân

Mọi người, bất kể ngân sách của họ như thế nào, đều có quyền được nhận từ nhà nước những gì họ được hưởng một cách hợp pháp. 

Điều 89. Chấp thuận các điều khoản tuyển dụng của nhà nước

Ủy ban nghị viện có liên quan thông qua thỏa thuận về các điều kiện tuyển dụng nhân viên nhà nước thay mặt cho Nghị viện trong phạm vi cần có sự đồng ý của Nghị viện.

Điều 90. Giám sát và kiểm toán tài chính công

Nghị viện giám sát việc quản lý tài chính của nhà nước và tuân thủ ngân sách nhà nước. Để thực hiện điều này, Nghị viện có Ủy ban Kiểm toán. Ủy ban này sẽ báo cáo những phát hiện kiểm soát quan trọng cho Nghị (25.5.2007/596 có hiệu lực từ 1.6.2007)

Để kiểm tra việc quản lý tài chính của nhà nước và việc tuân thủ ngân sách nhà nước, Nghị viện có một Văn phòng Kiểm toán Nhà nước độc lập. Vị trí và nhiệm vụ của Văn phòng Kiểm toán được một đạo luật quy định chi tiết hơn.

Ủy ban Kiểm toán và Văn phòng Kiểm toán Nhà nước có quyền thu thập từ các cơ quan chức năng và những người chịu sự giám sát của họ những thông tin cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình. (25.5.2007/596, có hiệu lực từ 1.6.2007)

Điều 91. Ngân hàng Phần Lan

Ngân hàng Phần Lan hoạt động dưới sự bảo đảm và giám sát của Nghị viện, theo quy định của luật. Nghị viện bầu ra các Thống đốc của Ngân hàng để giám sát hoạt động của Ngân hàng Phần Lan,.

Ủy ban thích hợp của Nghị viện và các Thống đốc có quyền nhận được thông tin cần thiết cho việc giám sát hoạt động của Ngân hàng Phần Lan.

Điều 92. Sở hữu của nhà nước

Luật quy định thẩm quyền và thủ tục thực hiện quyền sở hữu cổ phần của nhà nước trong các công ty mà nhà nước có quyền kiểm soát. Luật cũng quy định khi nào cần có sự đồng ý của Nghị viện để giành quyền kiểm soát của nhà nước trong công ty hoặc từ bỏ quyền kiểm soát.

Bất động sản của nhà nước chỉ được chuyển nhượng khi có sự đồng ý của Nghị viện hoặc theo quy định của pháp luật.

Chương 8: Quan hệ quốc tế

Điều 93. Thẩm quyền trong các vấn đề quốc tế

Chính sách đối ngoại của Phần Lan được lãnh đạo bởi Tổng thống nước Cộng hòa này phối hợp với Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị viện phê chuẩn các nghĩa vụ quốc tế và việc chấm dứt chúng, cũng như quyết định hiệu lực các nghĩa vụ quốc tế trong phạm vi được quy định trong Hiến pháp này. Tổng thống quyết định về chiến tranh và hòa bình với sự đồng ý của Nghị viện.

Chính phủ chịu trách nhiệm quốc gia trong việc chuẩn bị các quyết định được đưa ra trong Liên minh Châu Âu và quyết định các biện pháp liên quan của Phần Lan, trừ khi quyết định đó cần có sự chấp thuận của Nghị viện. Nghị viện sẽ tham gia vào việc chuẩn bị quốc gia về các quyết định được đưa ra tại Liên minh Châu Âu, phù hợp với các quy định của Hiến pháp này.

Bộ trưởng phụ trách quan hệ quốc tế có trách nhiệm truyền đạt các tuyên bố về chính sách đối ngoại với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế.

Điều 94. Chấp thuận các nghĩa vụ quốc tế và việc từ bỏ chúng

Nghị viện phê chuẩn các hiệp ước và các nghĩa vụ quốc tế khác có liên quan đến pháp lý hoặc có ý nghĩa khác hoặc yêu cầu Nghị viện phê duyệt vì các lý do khác theo Hiến pháp. Việc hủy bỏ các nghĩa vụ đó cũng phải có sự phê chuẩn của Nghị viện.

Việc chấp thuận hay chấm dứt một nghĩa vụ quốc tế sẽ do đa số phiếu quyết định. Nếu đề xuất chấp thuận nghĩa vụ liên quan đến Hiến pháp hoặc thay đổi biên giới quốc gia hoặc việc chuyển giao thẩm quyền cho Liên minh châu Âu, một tổ chức quốc tế hoặc một định chế quốc tế có ý nghĩa đối với chủ quyền của Phần Lan, nó phải được thông qua bằng một quyết định được ít nhất hai phần ba số phiếu tán thành. (4.11.2011/1112, có hiệu lực từ 1.3.2012)

Một nghĩa vụ quốc tế sẽ không gây nguy hiểm cho các nền tảng dân chủ của Hiến pháp.

Điều 95. Việc thực thi các nghĩa vụ quốc tế

Các điều khoản thuộc phạm vi luật của hiệp ước quốc gia và các nghĩa vụ quốc tế khác sẽ được thi hành bằng một đạo luật. . Nếu không, các nghĩa vụ quốc tế sẽ có hiệu lực bằng một Nghị định. (1112/2011, có hiệu lực từ 1.3.2012)

Một dự luật của Chính phủ nhằm thực thi một nghĩa vụ quốc tế được xử lý theo trình tự ban hành luật thông thường. Tuy nhiên, nếu dự luật liên quan đến Hiến pháp hoặc thay đổi lãnh thổ của quốc gia hoặc việc chuyển giao thẩm quyền cho Liên minh châu Âu, một tổ chức quốc tế hoặc một định chế quốc tế có ý nghĩa đối với chủ quyền của Phần Lan, thì Nghị viện phải thông qua kịp thời bằng một quyết định được ít nhất hai phần ba số phiếu ủng hộ. (4.11.2011/1112, có hiệu lực từ 1.3.2012)

Trong luật thực thi một nghĩa vụ quốc tế có thể quy định rằng việc bắt đầu có hiệu lực được quy định bằng một nghị định. Các quy định chung về việc công bố các hiệp ước và các nghĩa vụ quốc tế khác được quy định trong một Đạo luật.

Điều 96. Nghị viện tham gia vào việc chuẩn bị quốc gia cho các công việc của Liên minh châu Âu

Nghị viện xem xét các đề xuất về các điều khoản, thỏa thuận hoặc các hoạt động khác sẽ được quyết định trong Liên minh châu Âu và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Nghị viện theo Hiến pháp.

Chính phủ sẽ trình đề xuất nêu trong tiểu mục 1 lên Nghị viện ngay sau khi nhận được thông tin nhằm mục đích xác định vị trí của Nghị viện. Đề xuất được thảo luận trong một ủy ban lớn và thường là trong một hoặc nhiều ủy ban khác đưa ra ý kiến ​​của mình. Dĩ nhiên, đề xuất về chính sách đối ngoại và an ninh được thảo luận tại Ủy ban Đối ngoại. Nếu cần thiết, Ủy ban lớn hoặc Ủy ban Đối ngoại có thể đưa ra ý kiến ​​về đề xuất này với chính phủ. Hội đồng Chủ tịch Nghị viện cũng có thể quyết định đưa vấn đề đó ra thảo luận toàn thể, nhưng, trong trường hợp đó, Nghị viện sẽ không đưa ra quyết định về vấn đề này.

Chính phủ sẽ cung cấp cho các ủy ban liên quan thông tin về quá trình thảo luận ở Liên minh Châu Âu. Ủy ban Lớn hoặc Ủy ban Đối ngoại cũng phải được thông báo về quan điểm của Chính phủ về vấn đề này.

Điều 97. Quyền tiếp cận thông tin của Nghị viện trong các vấn đề quốc tế

Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện, theo yêu cầu của mình và nếu cần thiết, phải nhận được báo cáo từ Chính phủ về các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và an ninh. Theo đó, Ủy ban lớn của Nghị viện phải nhận được báo cáo về việc chuẩn bị các vấn đề khác trong Liên minh châu Âu. Hội đồng chủ tịch Nghị viện có thể quyết định để báo cáo được thảo luận trong phiên họp toàn thể, trong trường hợp đó, Nghị viện sẽ không đưa ra quyết định.

Thủ tướng sẽ cung cấp cho Nghị viện hoặc ủy ban của Nghị viện thông tin về các vấn đề sẽ được thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng Châu Âu trước và ngay sau cuộc họp. Điều tương tự cũng phải được thực hiện khi chuẩn bị sửa đổi các hiệp ước mà Liên minh Châu Âu soạn thảo.

Ủy ban liên quan của Nghị viện có thể đưa ra ý kiến ​​với chính phủ trên cơ sở các báo cáo hoặc thông tin được cung cấp.

Chương 9: Hệ thống tư pháp

Điều 98. Tòa án

Các tòa án chung là Tòa án tối cao, Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa án quận.

Tòa án hành chính tối cao và các Tòa án hành chính khu vực là các tòa án hành chính chung pháp luật.

Các quy định về các tòa án luật đặc biệt, quản lý công lý trong các lĩnh vực được xác định cụ thể, được quy định bởi một Đạo luật.

Tòa án lâm thời sẽ không được thành lập.

Điều 99. Nhiệm vụ của Tòa án tối cao

Quyền tài phán tối cao trong các vấn đề dân sự và hình sự được thực hiện bởi Tòa án tối cao, và trong các vấn đề hành chính bởi Tòa án hành chính tối cao.

Các tòa án cao nhất giám sát việc quản lý tư pháp trong các khu vực pháp lý tương ứng của họ. Họ có thể đệ trình các đề xuất lên Chính phủ về hành động lập pháp.

 Điều 100. Hội đồng các Tòa án Tối cao

Tòa án tối cao và Tòa án Hành chính Tối cao có một chủ tịch và một số thành viên cần thiết khác.

Tòa án Tối cao và Tòa án hành chính tối cao có đủ số thẩm quyền cần thiết năm thành viên, trừ khi một số lượng khác đã được đưa ra bởi một Đạo luật.

Điều 101. Tòa án luận tội

Tòa án luận tội xét xử cáo buộc chống lại một thành viên của chính phủ, Tổng trưởng tư pháp, Thanh tra của Nghị viện hoặc một thành viên của Tòa án Tối cao hoặc Tòa án Hành chính Tối cao về hành vi trái pháp luật khi tại chức. Tòa án luân tội cũng xét xử cáo buộc nêu trong phần 113.

Tòa án luận tội gồm Chủ tịch Tòa án tối cao làm chủ tịch, Chủ tịch Tòa án hành chính tối cao, ba chủ tịch cao cấp của Tòa phúc thẩm và năm thành viên do Nghị viện bầu ra với nhiệm kỳ 4 năm.

Thành phần, số lượng thành viên và hoạt động của Tòa án luận tội được quy định chi tiết hơn bằng một đạo luật.

Điều 102. Bổ nhiệm các thẩm phán

Tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm các thẩm phán thường trực theo thủ tục do luật định. Việc bổ nhiệm các thẩm phán khác dựa theo quy định của một đạo luật.

Điều 103. Quyền của thẩm phán tại vị

Một thẩm phán sẽ không bị bãi nhiệm trừ khi có phán quyết của tòa án. Ngoài ra, một thẩm phán cũng không bị chuyển sang một chức vụ khác mà không có sự đồng ý của người đó trừ khi việc chuyển giao là kết quả của việc tổ chức lại bộ máy tư pháp.

Luật quy định nghĩa vụ của thẩm phán phải từ chức ở một độ tuổi hoặc mất khả năng làm việc được quy định bằng một đạo luật.

Các căn cứ để tuyển dụng các thẩm phán được quy định bằng một đạo luật.

Điều 104. Công tố viên

Văn phòng Công tố do Tổng Công tố, người được Tổng thống nước Cộng hòa bổ nhiệm, đứng đầu. Hoạt động của Văn phòng Công tố được quy định chi tiết hơn bằng một đạo luật.

Điều 105. Việc ân xá của Tổng thống

Trong các trường hợp cá nhân, Tổng thống nước Cộng hòa có thể ân xá toàn bộ hoặc một phần, một bản án hoặc hình phạt hình sự khác do tòa án áp đặt, sau khi có ý kiến từ Tòa án tối cao.

Một lệnh ân xá chung chỉ có thể được đưa ra bằng một Đạo luật. 

Chương 10: Giám sát việc thực thi pháp luật

Điều 106. Ưu tiên hiến pháp

Nếu, trong trường hợp trước tòa án, việc áp dụng một điều khoản của luật rõ ràng là vi hiến, thì tòa án phải ưu tiên cho điều khoản của hiến pháp.

Điều 107. Hạn chế áp dụng các quy định dưới luật

Nếu một điều khoản của Nghị định hoặc Chỉ thị, Thông tư dưới luật khác trái với Hiến pháp hoặc luật khác, nó có thể không được áp dụng tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

Điều 108. Nhiệm vụ của Tổng chưởng lý

Tổng chưởng lý chịu trách nhiệm giám sát tính hợp pháp của Chính phủ và Tổng thống Cộng hòa. Tổng chưởng lý cũng phải đảm bảo rằng các tòa án và các cơ quan chức năng khác cũng như công chức, viên chức và những người khác trong quá trình thi hành công vụ tuân thủ pháp luật và thực hiện nghĩa vụ của họ. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Tổng chưởng lý giám sát việc thực hiện hiến pháp và quyền con người.

Theo yêu cầu, Tổng chưởng lý sẽ cung cấp cho Tổng thống, thủ tướng và các bộ thông tin và ý kiến ​​về các vấn đề pháp lý.

Hàng năm, Tổng chưởng lý đệ trình một báo cáo về các hoạt động chính thức của mình và những phát hiện về việc tuân thủ luật pháp cho Nghị viện và Chính phủ.

Điều 109. Nhiệm vụ của Thanh tra pháp lý của Nghị viện

Thanh tra viên phải đảm bảo rằng các Tòa án và các cơ quan chức năng khác cũng như công chức, viên chức và những người khác trong quá trình thực thi công vụ tuân thủ pháp luật và thực hiện nghĩa vụ của họ. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Thanh tra giám sát việc thực hiện hiến pháp và  quyền con người.

Hàng năm, Thanh tra viên nộp báo cáo cho Nghị viện về công việc của mình và đánh giá tình trạng thực thi pháp luật cũng như bất kỳ thiếu sót nào mà mình nhận thấy trong pháp luật.

Điều 110. Quyền truy tố của Tổng chưởng lý và Thanh tra viên và phân chia nhiệm vụ

Tổng chưởng lý hoặc Thanh tra quyết định có truy tố một thẩm phán về hành vi trái pháp luật khi tại chức hay không. Họ cũng có thể truy tố hoặc ra lệnh truy tố một vấn đề khác do họ kiểm soát.

Việc phân chia trách nhiệm giữa Tổng chưởng lý và Thanh tra viên có thể được quy định bằng một đạo luật, tuy nhiên, không hạn chế quyền của cả hai trong việc xem xét tính hợp pháp.

Điều 111. Quyền được nhận thông tin của Tổng chưởng lý và Thanh tra viên

Tổng chưởng lý và Thanh tra có quyền được nhận thông tin cần thiết cho việc giám sát tính hợp pháp của họ từ các cơ quan công quyền hoặc những người khác thực hiện công vụ.

Tổng chưởng lý sẽ có mặt tại các cuộc họp của Chính phủ và khi các vấn đề được đệ trình với Tổng thống Cộng hòa trong một cuộc họp với tổng thống của Chính phủ. Thanh tra viên có quyền tham dự các cuộc họp này.

Điều 112. Giám sát tính hợp pháp của các hoạt động của văn phòng Chính phủ và Tổng thống Cộng hòa

Nếu Tổng chưởng lý nhận thấy quyết định hoặc việc làm của chính phủ hoặc Bộ trưởng hoặc Tổng thống nước Cộng hòa đưa ra thiếu tính hợp pháp, người đó sẽ gửi nhận xét của mình kèm theo lý do mà các quyết định và biện pháp đó không hợp pháp. Nếu các nhận xét đó không được xem xét, Tổng chưởng lý sẽ ký tên của mình vào biên bản của chính phủ và nếu cần, sẽ thực hiện các biện pháp khác. Thanh tra viên có quyền tương tự để đưa ra nhận xét và thực hiện hành động khác.

Nếu quyết định của Tổng thống là trái pháp luật, sau khi nhận được ý kiến ​​của Tổng chưởng lý, Chính phủ phải tuyên bố quyết định không thể thi hành và đề xuất với Tổng thống rằng quyết định được sửa đổi hoặc thu hồi.

Điều 113. Trách nhiệm hình sự của Tổng thống Cộng hòa

Nếu Tổng chưởng lý, Thanh tra viên hoặc chính phủ phát hiện Tổng thống Cộng hòa phạm tội phản quốc, hoặc tội chống lại loài người, thì phải thông báo cho Nghị viện. Nếu Nghị viện sau đó quyết định truy tố với 3/4 số phiếu tán thành thì Tổng công tố phải truy tố tại tòa án tối cao quốc gia và tổng thống phải tạm dừng chức trách trong thời gian đó. Trong các trường hợp khác, việc làm của Tổng thống có thể không bị truy tố.

Điều 114. Truy tố và xử lý các bộ trưởng

Việc buộc tội một thành viên của chính phủ về hành vi trái pháp luật khi đương nhiệm sẽ được xử lý tại Tòa án Tối cao luận tội như được quy định chi tiết trong một đạo luật.

Nghị viện quyết định về bản cáo trạng sau khi nhận được tuyên bố của Ủy ban Luật Hiến pháp về tính bất hợp pháp của hành động của một thành viên Chính phủ. Trước khi quyết định truy tố, Nghị viện phải cho thành viên Chính phủ cơ hội đưa ra lời giải thích. Ủy ban phải có số lượng đủ thẩm quyền khi giải quyết vấn đề.

Một thành viên của Chính phủ bị truy tố bởi Tổng công tố.

Điều 115. Khởi xướng vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý của một Bộ trưởng

Một cuộc điều tra về tính hợp pháp của các hoạt động chính thức của một bộ trưởng có thể được khởi xướng trong Ủy ban Luật Hiến pháp trên cơ sở:

1) Một thông báo của Tổng chưởng lý hoặc Thanh tra viên cho Ủy ban Hiến pháp;

2) Một lời cảnh cáo có chữ ký của ít nhất mười Nghị sĩ; hoặc

3) Một đề  nghị điều tra do một ủy ban khác của Nghị viện đệ trình lên Ủy ban Hiến pháp.

Ủy ban Hiến pháp cũng có thể mở một cuộc điều tra tính hợp pháp của các hoạt động chính thức của thành viên Chính phủ.

Điều 116. Điều kiện tiến hành truy tố một bộ trưởng

Một bộ trưởng có thể bị truy tố nếu người đó cố ý hoặc thông qua sơ suất nghiêm trọng đã vi phạm nghiêm trọng nhiệm vụ của mình với tư cách là một bộ trưởng hoặc có hành vi trái pháp luật rõ ràng trong việc thực thi công vụ của mình.

Điều 117. Trách nhiệm pháp lý của Tổng chưởng lý và Thanh tra viên

Các quy định của các điều 114 và 115 về các thành viên của chính phủ sẽ được áp dụng cho việc điều tra tính hợp pháp của hoạt động của Tổng chưởng lý và Thanh tra viên, đưa đến việc truy tố họ về các hoạt động trái pháp luật trong quá trình thi hành chức vụ và việc xử lý các trách nhiệm đó.

Điều 118. Trách nhiệm công vụ

Viên chức phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nhiệm vụ của mình. Người đó cũng chịu trách nhiệm về quyết định của một tổ chức nhiều thành viên mà mình đã hỗ trợ với tư cách là thành viên của tổ chức.

Người trình phải chịu trách nhiệm về quyết định đưa ra trong trình bày của mình, trừ khi người đó đưa ra ý kiến ​​không tán thành.

Bất kỳ ai bị xâm phạm hoặc thiệt hại do hành vi trái pháp luật hoặc thiếu sót của một quan chức hoặc viên chức nhà nước khác đều có quyền yêu cầu cơ quan công quyền hoặc viên chức hoặc viên chức nhà nước khác bị trừng phạt và bồi thường thiệt hại theo quy định của một đạo luật. Tuy nhiên, không có quyền đưa ra cáo buộc, nếu theo Hiến pháp, cáo buộc được yêu cầu xét xử tại Tòa án Luận tội tối cao. (4.11.2011/1112, có hiệu lực 1.3.2012)

Chương 11: Tổ chức hành chính và tự trị

Điều 119. Hành chính nhà nước

Ngoài Chính phủ và các bộ, chính quyền trung ương có thể bao gồm các cơ quan, tổ chức và các tổ chức khác. Ngoài ra, nhà nước có thể có chính quyền khu vực và địa phương. Hành chính trực thuộc Nghị viện được quy định bằng một đạo luật riêng.

Các nguyên tắc chung của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ do một Đạo luật quy định, nếu nhiệm vụ của chúng bao gồm việc thực thi quyền lực công. Các nguyên tắc cho các cơ quan khu vực và địa phương của nhà nước cũng được quy định bằng một Đạo luật. Ở các phương diện khác, các quy định về các thực thể hành chính nhà nước có thể được quy định bằng một Nghị định.

Điều 120. Vị trí đặc biệt của Åland

Tỉnh Åland có cơ quan tự quản theo các quy định của Đạo luật về tự chính của Åland.

Điều 121. Chính quyền tự quản của địa phương và khu vực khác

Phần Lan được chia thành các địa phương, mà việc quản lý dựa trên cơ sở tự quản của cư dân địa phương đó.

Các quy định về những nguyên tắc chung liên quan đến chính quyền địa phương và các nhiệm vụ của họ được quy định bằng một đạo luật.

Các chính quyền địa phương có quyền đánh thuế. Các quy định về các nguyên tắc chung liên quan đến trách nhiệm pháp lý và ấn định thuế, cũng như bảo đảm pháp lý của người nộp thuế được quy định bằng một đạo luật.

Các quy định về việc tự quản ở các khu vực hành chính lớn hơn một địa phương được quy định bằng một đạo luật. Người Sámi có quyền tự quản về ngôn ngữ và văn hóa của họ ở nơi họ sinh sống, được quy định bằng một đạo luật.

Điều 122. Việc phân chia các đơn vị hành chính

Trong tổ chức hành chính, mục tiêu phải là sự phân chia lãnh thổ phù hợp, trong đó phải đảm bảo cơ hội của cộng đồng nói tiếng Phần Lan và Thụy Điển được nhận các dịch vụ bằng ngôn ngữ của họ theo các điều kiện bình đẳng.

Việc phân chia các địa phương được quy định bằng một đạo luật.

Điều 123. Các trường đại học và các nhà cung cấp giáo dục khác

Các trường đại học được tự quản, như được cung cấp chi tiết hơn bằng một Đạo luật.

Quy định về các nguyên tắc quản lý các dịch vụ giáo dục khác do Nhà nước và các địa phương tự quản, cũng như quyền sắp xếp giáo dục tương ứng trong các cơ sở giáo dục tư nhân, được quy định bằng một Đạo luật.

Điều 124. Việc trao quyền điều hành cho đối tác khác chứ không phải chính quyền 

 Công việc hành chính công chỉ có thể được giao cho cơ quan ngoài công quyền theo quy định của một đạo luật hoặc đựa trên một đạo luật, nếu việc đó cần thiết để thực hiện nhiệm vụ thích hợp và không gây nguy hại đến các quyền và tự do cơ bản, các biện pháp pháp lý hoặc các yêu cầu khác của quản lý hành chính tốt. Tuy nhiên, các nhiệm vụ liên quan đến việc thực thi quyền hạn chính thức chỉ có thể được giao cho một cơ quan có thẩm quyền.

Điều 125. Tiêu chuẩn chung cho việc chấp nhận vào cơ quan công quyền và các cơ sở khác.

Luật pháp có thể quy định rằng chỉ công dân Phần Lan mới có thể được bổ nhiệm vào một số vị trí hoặc chức vụ công.

Tiêu chuẩn chung để được bổ nhiệm vào các chức vụ công là kỹ năng, năng lực và chứng minh được quyền công dân.

Điều 126. Bổ nhiệm vào các cơ quan Nhà nước (1112/2011, có hiệu lực từ 1.3.2012)

Chính phủ bổ nhiệm các quan chức nhà nước trừ khi việc bổ nhiệm đã được chỉ định là đặc quyền của Tổng thống nước Cộng hòa, Bộ hoặc cơ quan công quyền khác.

Tổng thống bổ nhiệm thư ký thường trực của Văn phòng Tổng thống Cộng hòa và những người đứng đầu các cơ quan ngoại giao Phần Lan ở nước ngoài.

Chương 12: Quốc phòng

Điều 127. Nghĩa vụ bảo vệ đất nước

Mọi công dân Phần Lan có nghĩa vụ tham gia hoặc hỗ trợ bảo vệ tổ quốc theo quy định của pháp luật.

Các quy định về quyền được miễn trừ tham gia quân đội bảo vệ Tổ quốc được nêu ra bằng một Đạo luật.

Điều 128. Tổng tư lệnh Quân đội

Tổng thống của nước Cộng hòa là Tổng tư lệnh của Lực lượng Phòng vệ Phần Lan. Theo đề nghị của Chính phủ, trong những trường hợp đặc biệt, Tổng thống có thể chuyển giao quyền chỉ huy cho một công dân Phần Lan khác. (1112/2011, có hiệu lực từ 1.3.2012).

Tổng thống bổ nhiệm các sĩ quan.

Điều 129. Huy động lực lượng quân đội

Theo đề nghị của Chính phủ, Tổng thống Cộng hòa quyết định về việc huy động Lực lượng Phòng vệ. Nếu Nghị viện không họp vào thời điểm đó, thì nó phải được triệu tập ngay lập tức.

Chương 13: Quy định cuối cùng

Điều130. Hiệu lực

Hiến pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 2000.

Các quy định cần thiết cho việc thi hành Hiến pháp được quy định trong một đạo luật riêng.

Điều 131. Hủy bỏ các đạo luật Hiến pháp.

Hiến pháp này, đã được sửa đổi, bãi bỏ:

1) Luật Hiến pháp Phần Lan ngày 17 tháng 7 năm 1919;

2) Sắc lệnh của Nghị viện ngày 13 tháng 1 năm 1928;

3) Đạo luật Tòa án Tối cao về luận tội ngày 25 tháng 11 năm 1922 (273/1922); và

4) Đạo luật về quyền của Nghị viện để kiểm tra tính hợp pháp của các hành vi chính thức của các thành viên của chính phủ, Tổng chưởng lý và Thanh tra Nghị viện, ngày 25 tháng 11 năm 1922 (274/1922).

Bản tạm dịch này được dịch từ tiếng Phần Lan và tiếng Anh

VXQ giữ bản quyền

Có thể tham khảo Hiến pháp này từ các nguồn sau:

 


[1] Tổng chưởng lý giám sát tính hợp pháp của các hoạt động của chính phủ và các bộ, cũng như văn phòng Tổng thống Cộng hòa. Ông cũng giám sát việc thực thi luật pháp của tòa án, chính quyền và các quan chức nhà nước. Tổng chưởng lý cũng có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của các luật sư, giám sát hoạt động của các quan chức và cơ quan do Tổng thống bổ nhiệm.

Ba chị em nhà họ Tống (phần 2)

Phần IV. Ba chị em trong các cuộc chiến tranh (1937-1950)

15. Dũng cảm và tham nhũng.

Tháng 7/1937 Nhật chiếm Bắc Kinh và Nam Kinh. Tháng 8 chiến tranh bùng nổ ở Thượng Hải. Tưởng kêu gọi toàn quốc kháng Nhật. Chị em Mỹ Linh cũng tham gia cuộc kháng chiến. Họ ra mặt trận, dạy phụ nữ làm cứu thương và chăm sóc các trại trẻ mồ côi, viết cho các báo nước ngoài. Ái Linh xây dựng bệnh viện. Lần đầu tiên Khánh Linh gác lại hiềm thù với Tưởng và kêu gọi nhân dân ủng hộ cuộc kháng chiến chống Nhật của Tưởng. Bà cho biết mừng rơi nước mắt khi nghe Tưởng đọc lời kêu gọi kháng Nhật. Mỹ Linh ra mặt trận thăm hỏi quân sĩ và động viên thương binh.

Tháng 12/1937 Nam Kinh thất thủ, quân Tưởng phải rút về Vũ Hán, sau đó về Trùng Khánh. Cuộc chiến chống Nhật đã giúp Tưởng tập hợp các lực lượng quân sự ở Trung Quốc dưới sự chỉ huy của Tưởng. Chỉ có một lực lượng dứng ngoài là quân Đỏ, nhờ có hiệp ước giữa Tưởng với Stalin. Tưởng đồng ý cho quân Đỏ chống lại Nhật ở hậu phương hơn ngoài mặt trận. Sự ưu tiên đó đã giúp cho quân Mao an toàn và trở thành lực lượng duy nhất chống lại Tưởng.

Mỹ Linh đã hòa mình cùng với quân lính và người dân để chống Nhật. Bà được gọi là: Tổng thư ký của Ủy ban hàng không”: vì đã giúp thành lập lực lượng không quân Trung Quốc vào những năm 1930.

Mỹ Linh có mối quan hệ rất đặc biệt với Ái Linh và gia đình bà. Mỹ Linh cảm thấy thoải mái ở nhà của chị gái hơn ở nhà mình với Tưởng. Đặc biệt các con của Ái Linh gần gũi với Mỹ Linh hơn cả với mẹ họ. Hai người con của Ái Linh gọi Mỹ Linh là mẹ. Cả hai đều không lập gia đình. Con gái Jeannette là người đồng tính, ăn mặc như con trai, quản gia của nhà Mỹ Linh, có lần đi cùng Mỹ Linh đến Mỹ gặp Tổng Thống Roosevelt khiến ông gọi cô như là “my boy”

Trong mấy người con của Ái Linh, chỉ có con gái đầu Rosamonde là người trầm lặng và lịch thiệp. Cô yêu một người thuộc gia đình có bố là chỉ huy dàn nhạc, nghèo mà Ái Linh không đồng ý. Ái Linh có niềm tin rằng bà có sứ mệnh chăm sóc và cung phụng hai em gái, nhất là Mỹ Linh. Bà cho rằng Đức chúa trời giao cho bà sứ mệnh đó vì thế bà kiếm thật nhiều tiền để thực hiện sứ mệnh Chúa trao.

16. Sự thất vọng của Chị Đỏ

Khánh Linh chuyến đến Hong Kong trước khi nó bị Nhật Bản chiếm đóng vào năm 1941, vì bà ghét Tưởng nên không muốn ở Trùng Khánh. Bà thành lập Liên đoàn Bảo vệ Trung Quốc và bận rộn với các hoạt động của tổ chức này.

Vào ngày Hong Kong bị ném bom, chính phủ Tưởng phái một máy bay đến để di tản gia đình họ Tống, song Khánh Linh từ chối không đi. Ái Linh phải thuyết phục mãi và dọa nếu Khánh Linh không đi thì Ái Linh cũng ở lại thì Khánh Linh mới chịu đi.

17. Thành công và sự đau khổ của Mỹ Linh

Tháng 2/1943, Mỹ Linh thăm chính thức Mỹ. Vợ Tổng Thống Rooservelt đón ML ở nhà ga Wasshington. Bà khoác tay Mỹ Linh đi đến gặp Tổng Thống đang chờ trong xe của mình đỗ ở nhà ga. Mỹ Linh nói chuyện với 17000 người ở Madison Square, NY và 30000 người ở Hollywood Bowl ở Los Angeles. Ngày 18/2 bà phát biểu tại Quốc hội Mỹ. “Bài phát biểu của bà với tiếng Anh Mỹ hoàn hảo không chê vào đâu được đã khiến rất nhiều người đàn ông quyền lực rơi nước mắt. Cử tọa đứng vỗ tay kéo dài tận 4 phút”

Chuyến thăm Mỹ của Mỹ Linh không chỉ là một thành công vang dội cho Trung Quốc, mà bản thân Mỹ Linh cũng có một thời gian thần kỳ ở đất nước mà cô cảm thấy thân thuộc như ở nhà. Bà ở đấy 8 tháng tận tháng 7/1943 mới trở về Trùng Khánh.

Mỹ Linh còn đi cùng Tưởng tham gia hội nghị ở Cairo với Rooservelt, Winston Churchill từ ngày 22-26/11/1943 tìm kiếm giải pháp cho châu Á cuộc chiến tranh và hậu chiến tranh. Dường như bà đã đưa Tưởng lên ngang hàng với Tổng Thống Mỹ và Thủ tướng Anh và thay mặt Tưởng trong thương thuyết cũng như làm phiên dịch cho Tưởng.

Là nhân vật phụ nữ duy nhất tại hội nghị của những người đàn ông quyền lực trên thế giới, Mỹ Linh đã gây được chú ý hết sức. Điều đó đã góp phần đem lại cho Tưởng một thành công vang dội tại hội nghị này. Hội nghị tuyên bố: Tất cả lãnh thổ mà Nhật đã lấy của Trung Quốc gồm Mãn Châu, Formosa (Đài Loan), Pescadores được trả về cho Cộng hòa China”.

Tháng 4/1944, Nhật tấn công và chiếm miền bắc Trung Quốc, quân Tưởng bị thất bại nặng nề. Roosevelt thất vọng về Tưởng và yêu cầu Tưởng giao cho Stilwell quyền tổng chỉ huy quân đội. Mỹ Linh không thể làm được gì, bà sang Rio vì lí do sức khỏe. Lúc đầu Tưởng không cho đi, nhưng vì Mỹ Linh kiên quyết nên đành đồng ý. Tháng 7 năm đó Mỹ Linh cùng Ái Linh và hai người cháu đến Rio và 2 tháng sau đến New York.

Trong thời gian khoảng hơn 1 năm Tưởng liên tục viết thư cho Mỹ Linh và đề nghị bà trở về Trung Quốc. Nhưng Mỹ Linh từ chối vì lí do sức khỏe. Tổng Thống Mỹ Truman, người thay Rooservelt đã tặng Tưởng một chiếc máy bay riêng sang trọng. Tưởng lất tên Mỹ Linh đặt tên cho chiếc máy bay.

Mỹ Linh tức giận Tưởng trong thời gian này vì phụ thuộc vào Ái Linh. Ái Linh tức giận Tưởng vì cách Tưởng đối xử với anh rể, chồng Ái Linh và đưa em trai Mỹ Linh là Tường Văn lên làm thủ tướng khiến cho quan hệ giữa anh rể và em vợ bị tổn hại.

Ngày 6 và 9/8/1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật. Ngày 10/8 Nhật tuyên bố đầu hàng. Mỹ Linh đến Time Square ăn mừng chiến thắng cùng người Mỹ và ở lại đây với Ái Linh.

18. Sự sụp đổ của chế độ Tưởng Giới Thạch

Tưởng nghe tin Nhật tuyên bố đầu hàng qua radio và không hiểu nên phải gửi tin nhắn hỏi một người thân. Thử thách ai sẽ thống lĩnh Trung Quốc giữa Tưởng và Mao đã bộc lộ. Tưởng muốn triển khai quân ngay, nhưng Mỹ muốn Tưởng thương thuyết với Mao để tránh nội chiến. Mao cũng muốn cầm phần thắng, nhưng Stalin khuyên Mao thương thuyết với Tưởng. Dưới sức ép của Mỹ với Tưởng và Nga với Mao, Tưởng mời Mao đến Trung Khánh để đàm phán. Vốn nghi ngờ, Mao không muốn đi, song ngày 28/8 Mao rời Diên An. Tưởng nghĩ rằng có thể cầm đằng chuôi.

Tưởng sai một máy bay sang New York đưa Mỹ Linh về. Mỹ Linh không muốn về, nhưng ngày 5/9 bà về Trung Khánh. Hai vợ chống đi du ngoạn 1 tuần ở Tây Xương (Tứ Xuyên). Sau khi trở về Trùng Khánh, ngày 10/10 Tưởng và Mao ký một hiệp ước mà cả hai đều nghĩ là sẽ không thực hiện.

Ngày 11/10, ngay sau khi trở lại Diên An, Mao đã triển khai quân. Còn Tưởng đi khắp nơi tuyên bố là lãnh đạo chiến thắng, được người dân khắp đất nước chào đón giống như Julius Caesar kéo vào thành Roma.

Nhưng niềm vui của Tưởng không kéo dài được lâu. Cùng với sự ngạo mạn, tham nhũng, trên mặt trận Tưởng cũng phạm những sai lầm lớn. Mở đầu là tháng 6/1946, dưới sức ép của George Marshall, người được phái đến Trung Quốc để chấm dứt nội chiến ở đây, Tưởng đã ngừng chiến 4 tháng liền, tạo điều kiện cho quân Mao gượng dậy và hồi phục rồi phản công lại. Thiếu những chỉ huy quân sự và ngoại giao như Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai của Mao, Tưởng độc đoán và không có người tài bên cạnh nên đã bị thát bại.

Ngay từ đầu Ái Linh đã nhận biết kết quả của cuộc chiến giữa Mao và Tưởng. Tháng 6/1947, Ái Linh viết thư cho Khánh Linh bày tỏ tình cảm yêu thương của mình với em gái. Ái Linh dự cảm rằng Cộng sản sẽ giành thắng lợi và cuộc sống sẽ rất khó khăn, ngay cả với qóa phụ của Tôn, vì thế bà đã chuẩn bị các thứ cho Khánh Linh. Bà sai phi công của Mỹ Linh bay đến Thượng Hải và mang theo đồ dùng hàng ngày cho Khánh Linh dùng lâu dài.

Mỹ Linh đã thể hiện một việc làm giúp Tưởng trong thười gian này. Cuối 1947, Mỹ Linh mời chị Khánh Linh cùng đi thăm Hàng Châu. Tại đây ML đã hỏi chị Những người Công sản sẽ làm gì để kết thúc chiến tranh. Trước đó các chị em không bao giờ nói chuyện chính trị, Khánh Linh một mặt âm thầm giúp Mao chống Tưởng, mặt khác gửi cho vợ Tưởng tôm nước ngọt còn Mỹ Linh gửi cho chị bánh quy gừng và bánh pho mát. Khánh Linh gửi thuốc chữa mắt cho Ái Linh làm như các trận đánh xung quanh họ không hề có.

Mùa hè 1948, Tưởng chuẩn bị chuyển ra Đài Loan, hòn đảo 36 ngàn km2 và 6 triệu dân. Tưởng bắt đầu thu vét vàng bạc với chiến dịch “big Tiger” để chuyển đi. David, Con của Ái Linh, chủ của một tổng Công ty nằm trong số này. David bị buộc tội và bị đưa ra tòa, nhưng Mỹ Linh đã can thiệp, khiến Tưởng chùn tay.

Chiến dịch “tả hổ” của Tưởng bị thất bại vì Mỹ Linh. Dư luận chr trích bà. Mỹ Linh đã bị chiến tranh hủy hoại nay lại đau khổ vì mọi người dồn vào chỉ trích gia đình bà. Tổng thống Truman sau này nói với nhà văn Merle Miller rằng: “Tất cả tiền chúng ta dành cho Trung Quốc… đều dồn vào túi của Tưởng và Phu nhân và Gia đình Tống và Khổng. Tất cả họ đều là kẻ cắp, ai cũng nguyền rủa họ”. Mỹ Linh tin rằng gia đình bà không phải là lý do dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Tưởng. “Thời gian và Chúa sẽ bào chữa cho họ”.

21/1/1949 Tưởng bị buộc phải từ chức. Ngày 23/4 những người cộng sản chiếm Nam Kinh, chấm dứt 22 năm thống trị của Quốc dân đảng. 19/5 Tưởng đến Đài Loan. Trong suốt tháng cuối cùng Tưởng ở đất liền, Kinh Quốc đã viết thư bảo Mỹ Linh về, nhưng bà từ chối. Ái Linh cũng khuyên không về.

Tâm trạng Mỹ Linh rối bời. Ngày 1/12/1949, Tưởng đánh điện cho ML và xin lỗi vì không thể tổ chức mừng 22 năm ngày cưới cùng bà. Ngày 13/1/1950 bà về đến Đài Bắc.

Tưởng Giới Thạch cùng ba chị em gái nhà họ Tống

Phần V. Ba người phụ nữ, Ba số phận

19. Phó tướng vủa Mao

Khi Cộng sản chiếm Bắc Kinh, Ái Linh gửi cho Mỹ Linh 1 bức thư, nhưng Khánh Linh không trả lời. Mao mời Khánh Linh về Bắc Kinh để “hướng dẫn chúng tôi xây dựng Trung Quốc” nhưng Khánh Linh không về. Nhưng tháng 8 bà đã về Bắc Kinh và Mao ra tận nhà ga đón. Khi Mao tuyên bố thành lập nước CHNDTH, Khánh Linh bước ra cổng Thiên An Môn bên cạnh Mao. Khánh Linh được giữ cả nhà ở Thượng Hải và có nhà ở Bắc Kinh.

Khánh Linh không pahir là thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vào những năm 1930, Khánh Linh là thành viên bí mật của Quốc tế Cộng sản. Năm 1943, Quốc tế Cộng sản giải tán, Khánh Linh được coi như là thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bà xuất bản một tờ báo tiếng Anh China Reconstruction, nhưng bị kiểm duyệt mỗi số.

Năm 1951-52, Mao phát động chiến dịch Tam phản nhằm vào những người có tiền, Khánh Linh nhận thấy mình bị đe dọa. Năm 1956, Khánh Linh phải đương đầu 1 lần nữa với Đảng Cộng sản. Bà bị mất quyền lãnh đạo China Welfare.

Mao đối xử rất tốt với Khánh Linh, gọi Khánh Linh là “Chị gái thân mến” (Khánh Linh hơn Mao 7 tháng). Về mặt chính trị các láng giềng không Cộng sản của Trung Quốc e ngại Trung Quốc, và Khánh Linh có thể giúp Đảng Cộng sản chiến thắng họ. Tổng thống Indonesia, Sukarno, người mà Mao muốn nuôi dưỡng rất nưỡng mộ vẻ đẹp và coi trọng Khánh Linh, đã từng hát một bài hát tặng Khánh Linh.

Khánh Linh còn rất có giá trị trong việc thu phục Đài Loan. Mao không thể chiếm được Đài Loan bằng vũ lực mà chỉ có thể bằng thỏa ước và không ai khác có thể làm điều đó bằng Khánh Linh. Khánh Linh đã thực hiện nhiệm vụ viết thư cho Ái Linh ở New York bảo về thăm.

Mao còn có cử chỉ đền bù cho sự khổ cực của Khánh Linh khi cho bà làm phó đoàn đi Moscow cùng với Mao dự lễ kỉ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười, năm 1957.

Khánh Linh trở thành vật trang điểm cho Đảng CS Trung Quốc. Đi thăm và đón khách nước ngoài của Đảng. Khánh Linh lặp lại mệnh lệnh của Đảng. Trong chiến dịch “Chống cực hữu” năm 1957, hàng trăm ngàn nạn nhân là những người quen biết, chiến hữu của Khánh Linh trong việc chống lại Tưởng. Năm 1958, Khánh Linh cũng hưởng ứng chiến dịch “Đại nhảy vọt” làm một lò thép trong vườn, không hài lòng song không phản đối. Nhưng việc khiến bà thất vọng và sợ nhất là chuyện Bành Đức Hoài bị đấu tố tháng 7/1959. Bước sang thập niên 1960, ở tuổi 60, Khánh Linh nhận hai trẻ sơ sinh của người bảo vệ trưởng của mình làm con nuôi.

20. Tôi không có điều gì hối tiếc.

Hai con nuôi Yolanda và Yong-Jie đem lại cho Khánh Linh niềm vui khi bước vào tuổi già và sao nhãng đi những phiền muộn. Khánh Linh muốn được gọi là “Mẹ”, nhưng Hai bé nuôi gọi Khánh Linh là mama-Taitai. Khánh Linh gọi con nuôi là “Báu vật tí hon của tôi”.

Cách mạng Văn hóa nổ ra năm 1966, Khánh Linh không thể làm ngơ được với những sự việc bên ngoài lâu đài của bà. Việc Lưu Thiếu Kỳ bị hãm hại, Vợ Lưu bị đi tù vì bị vu là làm gián điệp cho CIA và Quốc dân Đảng.

Khánh Linh được yên nhờ thanh danh của Tôn Dật Tiên. Chỉ có việc mộ của bố mẹ bà ở Thượng Hải bị phá thì bà gửi ảnh cho Chu Ân Lai và mộ được khôi phục lại, song tên của mấy người em trên bia bị đục bỏ.

Nhưng Mao muốn tất cả mọi người đều phải có một chút sợ hải. Với Khánh Linh, Mao cho Hồng vệ binh lập một bốt theo dõi ngoài tường nhà của Khánh Linh ở Bắc Kinh và bà được yêu cầu chỉ ở đây chứ không về nơi ở khác ở Thượng Hải. Loa phóng thanh chĩa vào khu nhà, hàng ngày phát to các lệnh trunwgf phạt và tiếng than khóc của các nạn nhân như một sự hành hạ đối với Khánh Linh – Việc mà thời Stalin và Tưởng chưa từng làm.

Tất cả những người thân, họ hàng của Khánh Linh, đều là đối tượng thanh trừng của Mao trong thười kỳ này. Một người cháu bên mẹ Khánh Linh ở Thượng Hải đã bị bắt và viết thư cầu cứu Khánh Linh can thiệp. Song Khánh Linh không có hành động gì khiến người cháu tự vẫn.

Cái chết của người cháu ám ảnh bà. Đến năm 1971, bà bắt đầu bộc lộ sự phản kháng với Cách mạng Văn hóa bằng lời lẽ mạnh mẽ công khai trong một bức thư gửi một người bạn cũ. Trong thời gian này, bà không được gặp hai con gái nuôi

Năm !971, lâm Bưu, nhân vật số 2 của Mao trong Cách mạng Văn hóa bị tai nạn máy bay. Sau đó Cách mạng Văn hóa hạ nhiệt dần và cuộc sống đỡ hơn, Nhiều người bạn của Khánh Linh còn sống sót được ra tù và trở về nhà.

Tháng 1/1976, Chu Ân Lai chết vì bị ung thư khiến Khánh Linh rất đau buồn. 9/9 Mao chết khi Khánh Linh ở Thượng Hải. Nghe tin dường như Khánh Linh 83 tuổi, rơi nước mắt song không bày tỏ thái độ với ai. Nhưng bà nghi ngờ rằng thư từ gửi đến cho bà sau đó không hề đến tay người nhận. Một tháng sau khi Mao chết, bè lũ bốn tên, trong đó có Giang Thanh bị bắt. Chỉ từ sau đó, Khánh Linh mới trở lại với cuộc sống của mình.

Khánh Linh bất đắc dĩ mới chỉ trích Mao về Cách mạng Văn hóa. Bởi vì nếu chỉ trích Mao, cũng là động chạm đến sự lựa chọn của Khánh Linh và thừa nhận bà sai. Điều đó không có “I made my choice and I have no regrets”. Chỉ đến khi Giang Thanh bị tống vào tù, Khánh Linh mới trở lại thăng bằng trỏng cuộc sống.

Ngày 15/5, sau khi biết cuộc sống của Khánh Linh đang bị đe dọa, Đảng CS Trung Quốc quyết định kết nạp bà vào Đảng một cách công khai. Đăng Tiểu Bình tổ chức họp bộ chính trị một cách khẩn cấp và chấp nhận Khánh Linh là thành viên của Đảng Cộng sản. Ngày hôm sau 16/5, Khánh Linh được trao danh hiệu Chủ tịch danh dự của nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa. Khi Khánh Linh đang chờ chết, Đảng Cộng sản mời họ hàng, nhất là Mỹ Linh về Bắc Kinh để gặp bà. Nhưng Mỹ Linh từ chối.

29/5/1981, Khánh Linh chết, thọ 88 tuổi. Mặc dù nhà nước Trung Quốc hứa đài thọ tất cả chuyến đi, nhưng những người họ hàng gần nhất của Khánh Linh có mặt trong ảnh tang lễ Khánh Linh là cháu của Tôn Dật Tiên với người vợ trước. Hai người con nuôi của Khánh Linh không có mặt trong ảnh vì họ không phải là những người họ hàng gần gũi, nên họ có mặt trong tang lễ nhưng ở phía sau, chứ không bên cạnh quan tài Khánh Linh. Cả hai đều không được nhắc đến trong vòng 3 thập kỷ. Lý do là vì Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn kết nối với dòng dõi ruột thịt của Khánh Linh nhằm thu phục Đài Loan.

Những năm cuối đời Khánh Linh nghĩ nhiều hơn về gia đình. Bà muốn xin lỗi mẹ và muốn được an táng bên cạnh mộ bố mẹ, chứ không phải bên cạnh mộ Tôn Dật Tiên. Bà ân hận vì đã nặng lời với hai chị em gái trong lần nói chuyện với Edgar Snow trước đây. Khánh Linh cũng không đề cập gì đến việc gắn bó với Đảng Cộng sản.

21. Những ngày ở Đài Loan của ML

Mỹ Linh có cuộc đời khác hẳng với Khánh Linh trong 3 thập niên. Khi Cộng sản chiếm Trung Quốc và Khánh Linh trở thành phó chủ tịch của Mao, Ái Linh và Mỹ Linh rời khỏi đại lục và gắn bó với chế độ Tưởng. Mỹ Linh xây dựng nhà đón những người mới đến, thành lập Liên đoàn phụ nữ chống Cộng sản. Giúp Tưởng viết sách “Xố Viết ở Trung Quốc”.

1958 Mỹ Linh trở lại Mỹ. Lần này Mỹ Linh đi nhiều nơi cảnh báo dư luận Mỹ về mối đe dọa của Cộng sản. Mỹ phản ứng tích cực với các bài nói chuyện của Mỹ Linh. Kinh Quốc, đã có cảm tình hơn với Mỹ Linh và thay Bà Tưởng hoặc gọi tên không bằng “mẹ tôn kính của tôi” hoặc “mẹ”. Năm 1959 Mỹ Linh trở lại Đài Loan.

Nhờ có Mỹ và việc Mao hoãn đánh chiếm Đài Loan. Vợ chồng Tưởng sống yên ổn trong hai thập kỷ.Tưởng đã giữ cho người dân Đài Loan tránh được chế độ bạo ngược của Mao. Nhờ có Khánh Linh ở đại lục, mọi người công nhận rằng họ rất may có được Mỹ Linh. Mỹ Linh đã có tác động tốt tới Tưởng và được coi là người tốt và tử tế.

Năm 1971, Tưởng 84 tuổi, Mỹ Linh 73 tuổi, cuộc sống hạnh phúc của hai người bắt đầu tan vỡ. Nixon thăm Bắc Kinh, ghế của Đài Loan ở Liên hiệp quốc bị chuyển cho Đại Lục. Cuối năm đó Tưởng phong Kinh Quốc làm thủ tướng và tổng chỉ huy quân đội. Lo ngại không còn được hưởng quyền lợi như một đệ nhất phu nhân, Mỹ Linh quyết định phải bảo vệ quyền lợi của gi đình họ Tống bằng cách thuyết phục Tưởng cho David làm bộ trưởng tài chính. Nhưng Tưởng từ chối. Bây giờ Tưởng tin tưởng và dựa vào King Quốc nhiều hơn. Ngày 12/6/1972, Tưởng viết trong nhật ký: “Không bao giờ, cho phép người phụ nữ ấy đến gần”. “Lý do của sự lụn bại của ta là David. Sự xấu hổ của đất nước tôi cũng là vì David”.

Dầu năm 1973, Tưởng tỉnh táo lại và sống ốm yếu thêm 2 năm đến ngày 5/4/1975 thì qua đời. Mặc dù đã chọn cho mình một khu đất đẹp ở cạnh khu mộ của Tôn Dật Tiên, song vì lúc bấy giờ Nam Kinh đã thuộc về CS nên Tưởng di chúc lại giữ quan tài của mình ở Cihu, Đài Bắc đợi đến khi chế độ CS sụp đổ đem về mai táng ở Đại Lục.

Những năm cuối đời Tưởng và Mỹ Linh sống thanh bình và quan tâm lẫn nhau. Khi Tưởng chết, Mỹ Linh khóc lặng lẽ, Kinh Quốc bị suy sụp sau khi Tưởng mất, Mỹ Linh thành người động viên, khích lệ Kinh Quốc. Nhất là khi Kinh Quốc được biết Tưởng đã hao tổn tài lực thế nào để đòi Kinh Quốc về từ Nga. Ngoài ra, Mao cũng tỏ ra thương tiếc và tôn trọng Tưởng khi nghe tin ông ta chết.

Năm tháng sau khi Tưởng qua đời, Mỹ Linh trở lại New York. Trước khi mất, Tưởng đã dặn Kinh Quốc chăm sóc Mỹ Linh “Ta chỉ có thể yên lòng nhắm mắt, nếu con làm điều đó”. “Con trai của ta, con phải yêu mẹ của con như yêu cha”.

Sau khi Tưởng chết, Kinh Quốc và Mỹ Linh giữ mối quan hệ gần gũi và chia sẻ giúp Đài Loan thay đổi. Mỹ Linh không bao giờ lo lắng về cuộc sống chừng nào Kinh Quốc còn sống.

22. Quan hệ với Hollywood

Ái Linh chủ yếu ở New York và nhiều lần đến Đài Loan thăm Mỹ Linh và Tưởng. Năm 1956, trong 1 lần đến thăm Mỹ Linh, Ái Linh đã cho Tưởng một số lời khuyên rất hữu ích cho những năm sau. Một trong số đó là khuyên Tưởng cử một số thanh niên sang nước ngoài học để tiếp thu công nghệ. Tưởng đã nghe lời khuyên đó và bắt đầu đưa nhiều sinh viên vượt Thái Bình Dương sang Mỹ học.

Năm 1964, Ái Linh đã bỏ ra khoản tiền 250 ngàn USD trả cho Jennie, vợ trước của Tưởng để bà đồng ý không xuất bản cuốn hồi ức trong đó có những nội dung không có lợi cho Ái Linh và Tưởng.

Ái Linh là người chu cấp cho gia đình họ Tống rất nhiều. Khổng Tường Hy có quan hệ tốt với Tổng Thống Mỹ Roosevelt và đã từng gặp Hitler năm 1937 và Hitler từng nói với Khổng rằng: “Tôi hiểu rằng Bác sĩ Khổng nhận ra sự nguy hiểm của chủ nghĩa CS” và Khổng tỉn rằng “Tôi có thể khiến Hitler nghĩ hai lần trước khi làm bạn với Nhật”.

Ái Linh hiểu rất rõ rằng bà đã có tác động rất nhiều đến sự nghiệp của chồng cũng như có ảnh hưởng tới các quyết sách của vợ chồng Tưởng. Ngoài ra, chính bà cũng là người đã mai mối cho cuộc hôn nhân của con trai Louis với ngôi sao Hollywood, Debra Paget, người đàn bà xuất hiện trong bộ phim đầu tiên của Elvis Presley, Love Me Tender.

Debra lấy Louis năm 28 tuổi và là người chòng thứ 3. Sau 18 năm hai người li dị, nhưng vẫn giữ quan hệ tốt nhờ có người con trai Gregory, sinh năm 1964. Gregory là người cháu duy nhất của Ái Linh, vì trong bốn người con thì hai người không lập gia đình. Một người Là Rosamonde cưới 2 lần song không có con.

Cả Khánh Linh và Mỹ Linh đều không có con. Gregory cũng không có con nên anh ta là người thừa kế duy nhất của ba chị em họ Tống. Anh ta không quan tâm lắm đến việc gìn giữ di sản của họ mà sống một cuộc đời lặng lẽ.

23. New York, New York

Ba chị em họ Tống đều sinh ra ở Thượng Hải. Nhưng vì lý do chính trị, không ai qua đời và yên nghỉ ở đó. Khánh Linh dành những năm cuối đời ở Bắc Kinh. Ái Linh và Mỹ Linh sống ở New York và gần như trở thành người New York.

Hai người em khác của họ cũng sống ở New York. Tử Lương, trẻ hơn Mỹ Linh 1 tuổi, mất năm 1987, vốn là một nhà tài chính, gần như mất sạch hết tiền khi rời bỏ Trung Quốc, nên phải sống nhờ vả họ hàng một cách lặng lẽ. Anh là người duy nhất gửi lời chia buồn với cái chết của Khánh Linh.

Tường Văn là người con trai đầu trong số 3 anh em trai họ Tống, đến New York năm 1949 và có nhà ở Fifth Avenue, nhìn ra Centre Park. Tường Văn là người đã từng có âm mưu lật đổ Tưởng, song cũng là người trong danh sách “tội phạm chiến tranh” của Mao. Tường Văn biết rằng mật vụ của Tưởng sẽ để mắt tới mình nên Tường Văn sống rất lặng lẽ và ẩn dật ở New York, bên người lúc nào cũng có súng. Tưởng từng tin rằng Tường Văn có sự hậu thuẫn của Washington trong trường hợp cần thay thế Tưởng. Mặc dù có nhiều người bạn Mỹ, song Tường Văn ít gặp họ và tránh gặp các quan chức Đài Loan. Tường Văn có một gia đình hạnh phúc, 3 người con gái và 9 cháu.

Tường Văn không có liên lạc nào với Khánh Linh. Khánh Linh ít khi gặp Tường Văn vì từng bị chị nghi ngờ có ý đồ cấu kết với Tưởng để thay anh rể Khổng làm thủ tướng sau khi chiến tranh với Nhật kết thúc. Tường Văn chỉ có quan hệ thân thiết với Mỹ Linh. Nhưng sự xa cách về địa lý đã khiến họ chỉ trao đổi qua thư từ quà cáp. Trong một lá thư dài gửi Tường Văn năm 1962, Mỹ Linh khuyên em trai gọi điện cho Ái Linh nhân ngày sinh nhật của Ái Linh với lời nhắn: “Càng về già chị càng thấm thía hơn sự thông thái của câu ngạn ngữ: Giọt máu đào hơn ao nước lã.”

Sau khi Tường Văn. nghe theo lời khuyên của Mỹ Linh, gọi điện cho Ái Linh, chị cả đã mời Tường Văn đến Los Angeles. Mối quan hệ giữa hai chị em trở nên thân thiết hơn. Được khuyến khích với việc Ái Linh và Tường Văn đã xích lại gần nhau, năm 1963, Mỹ Linh đã gửi thư mời Tường Văn thăm Đài Loan. Tưởng đã cho Tường Văn ở Đài Loan vài tuần, nhưng không mặn nồng với anh như với Khổng tường Hy.

10/1964, Bắc Kinh thử thành công bom nguyên tử. Trong thời gian đó Pháp công nhận chính quyền Bắc Kinh, buộc Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao với Paris. Năm 1971, Tường Văn mất khi đang ăn tối với bạn bè. Mỹ Linh định sang dự lễ tang, nhưng Tưởng không cho đi. Không ai trong số anh chị em đến dự tang lễ của Tường Văn.

Khánh Linh không đến. Ngay cả người em Tử An không liên quan đến chính trị mất năm 1969, Khánh Linh cũng chỉ đánh một bức điện chia buồn. Trong khi Mỹ Linh và Tường Văn, và ái Linh đều đến dự. Tưởng cũng chỉ gửi một bức thư pháp đến viếng.

Năm 1973, Ái Linh mất ở New York vì bệnh ung thư. Mỹ Linh sang dự đám tang chị xong lại trở về Đài Loan với Tưởng. Năm 1975 Tưởng mất ở Đài Loan, Mỹ Linh trở lại New York. Sống với David Kung (con Ái Linh) ở số 10 Gracie Square, Upper East Side, Manhattan. Một căn hộ tầng 9 trong tòa nhà xây những năm 1930 nhìn ra sông Đông. Cạnh đó là nhà ở của Thị trưởng New York, Gracie Mansion.

Thỉnh thoảng Mỹ Linh đến ở lâu đài của họ Khổng ở Long Island, giờ được Jeanette trông coi. Jeanette mất năm 1994, sau khi David mất 1992. Hai cái chết của hai người cháu được coi như hai người con đã khiến cho Mỹ Linh bị suy sụp tinh thần. Năm 1995, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã tổ chức một buổi tiệc tại Quốc hội Mỹ nhân kỉ niệm 50 năm chiến thắng Nhật. Lúc này Mỹ Linh ở tuổi 97 vẫn bận rộn chuẩn bị bài phát biểu. Bà nói một cách đầu nhiệt huyết và ấn tượng.

Sau khi Jeanette mất (1994), Rosamonde (lúc này đã ở tuổi 70), con gái cả của Ái Linh chăm sóc Mỹ Linh và không được như Jeanette.

24. Đối mặt với gia đoạn thay đổi

Những năm cuối đời của Mỹ Linh ở New York trùng hợp với sự thay đổi của Trung Quốc sau cái chết của Mao.

Năm 1979, sau khi Mỹ thiết lập lại quan hệ hoàn toàn với Trung Quốc, Đài Loan dường như gặp rắc rối. Trong khi Đài Loan đang thương lượng với Mỹ về việc quan hệ trong tương lai, Mỹ Linh khuyên Kinh Quốc yêu cầu Mỹ không quan hệ với Đại lục. Điều đó là không tưởng. Mỹ Linh mắng mỏ Kinh Quốc và chi tiền vận động hành lang chống Cộng sản ở Washington, nhưng không thu được kết quả. Bà thất vọng rằng thế giới sẽ bị Cộng sản Trung Quốc thống trị.

Năm 1981, khi Khánh Linh chết, Bắc Kinh mời Mỹ Linh về thăm chị lần cuối, song ML không trả lời. Sau khi Khánh Linh mất, Bắc Kinh lại mời Mỹ Linh về dự đám tang, nhưng một lần nữa bà lờ đi. ML rất buồn vì không được gặp lại chị lần cuối và nhớ lại những ngày Khánh Linh chăm sóc mình những ngày đầu ở Mỹ, song bà không muốn Bắc Kinh lợi dụng dịp này để quảng bá cho Cộng sản.

Năm 1986, Mỹ Linh trở lại Đài Loan dự lễ kỉ niệm sinh nhật Tưởng. Mỹ Linh đã đọc một bài phát biểu với lời lẽ đanh thép. Đó là dấu vết cuối cùng về thời kỳ Tưởng Giới Thạch. Vì sau đó, Kinh Quốc bắt đầu thay đổi đường lối và mở cửa dân chủ. Năm 1987, Kinh Quốc chấm dứt thiết quân luật, chấp nhận đa đảng và tự do báo chí.

Ngày 13/1/1988, King Quốc chết bất ngờ ở tuổi 77. Lý Tường Huy lên thay. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Mỹ Linh lúc này ở tuổi 90 muốn quyền lãnh đạo Quốc dân Đảng không rơi về tay Lý, đã yêu cầu các lãnh đạo Quốc dân Đảng làm chậm việc chuyển giao để tìm người, song không được ủng hộ.

Mỹ Linh chấp nhận thất bại và rời Đại Loan năm 1991 trở lại New York. Năm 1996 Lý Tường Huy trở thành tổng thống dân chủ đầu tiên của Đài Loan. Chính thể dân chủ Đài Loan đã đối xử với Mỹ Linh một cách rất hào phóng.

Mặc dù chính sách ưu đãi đối với các cự nguyên thủ bị siết chặt và gia đình của Tưởng Kinh Quốc cũng phải thực hiện, song Mỹ Linh vẫn được hưởng chế độ biệt đãi. Mỹ Linh vẫn có bảo vệ, có người phục vụ hàng năm được gửi đến Mỹ. Khách sạn Grand Hotel ở Đài Bắc vẫn thuộc sở hữu của bà.

Đôi khi Mỹ Linh thấy thiếu tiền. Song nhìn chung bà chấp nhận sự thay đổi một cách thanh thản. Những năm cuối cùng việc đọc kinh thánh và cầu nguyện đã đem lại cho bà sự thanh tĩnh. Bà không bị ám ảnh với hào quang của quá khứ, từ chối các cuộc gặp gỡ, phỏng vấn. Khi có người gợi ý lấy tên bà đặt cho một đường phố bà gạt đi và nói: “đó là một hư danh, tất cả chỉ là hư ảo”. Bà than rằng “Chúa đã bỏ quên ta”

Ngày 23/10/2003 Chúa đã gọi tên bà lúc bà ở tuổi 105. Bà chết khi đang ngủ, không để lại lời trăng trối gì, trừ mong muốn được nằm bên cạnh gia đình chị Ái Linh. Gia đình Khổng đã mua một khoảng đất ở Fencliff Cemetery, 40 km từ Midtowm Manhattan. Mỹ Linh được an táng như một người New York bình thường (Ferncliff Mausoleum, Unit 11, Alcove JJJ, Private Room 5, Crypt 3). Ngày hôm sau Tổng Thống Đài Loan Trần Thủy Biền đã đến viếng bà ở nhà ở của bà ở New York và trao một lá cờ của Đài Loan cho người thân của bà. Trần Thủy Biền là Tổng Thống đối lập đầu tiên được bầu ở Đài Loan năm 2000.

Tư liệu dùng trong sách được sưu tầm từ :

– 9 cơ quan lưu trữ Mỹ

– 4 ở Anh

– 5 ở Đài Loan

– 1 ở Hong Kong.

Hàng trăm cuộc phỏng vấn với các cá nhân trong đó có những cuộc phỏng vấn đã sử dụng trong sách “Mao, the Unkown Story”.

 

 

 

 

Ba chị em nhà họ Tống (phần 1)

Tóm lược cuốn sách “Big Sister, Little sister, red sister: Three women at the heart of twentieth Century China.

Tác giả Jung Chang, Nhà xuất bản Jonathan Cape, London 2019.

Sách gồm 5 phần:

1. Đường đến nền Cộng hòa (1866-1911)

2. Các chị em gái và Tôn Dật Tiên (1912-1925)

3. Các chị em gái và Tưởng giới Thạch (1926-1936)

4. Các chị em trong các cuộc chiến tranh (1937-1950)

5. Ba người phụ nữ, Ba số phận (1949-2003)

– – – – – –

“Huyền thoại” Trung Quốc thời hiện đại được biết đến nhiều nhất là câu chuyện về ba chị em gái họ Tống sinh ra ở Thượng Hải vào những năm cuối của thế kỷ 19. Ái Linh (King Age, 1889), Khánh Linh (Glorious Age, 1893) và Mỹ Linh (Beautiful Age, 1898). Cả ba đều được đưa sang Mỹ học, chuyện rất hiếm có ở Trung Quốc thời bấy giờ.

Mặc dù không hội đủ những tiêu chuẩn sắc đẹp theo truyền thống của Trung Quốc và không phải là những cô gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nhưng với đầu óc thông minh, ý chí tự lập và nhất là những cuộc hôn nhân lừng danh, họ đã trở thành những công chúa của Trung Quốc thời hiện đại. Người đầu tiên là Tôn Dật Tiên, “người cha của Trung Quốc”, lúc đầu định lấy Ái Linh, nhưng về sau kết hôn với Khánh Linh. Tiếp theo là Tưởng Giới Thạch, người đã thành lập chính phủ Quốc dân đảng năm 1928 và thống Trung Quốc cho đến tận năm 1949. Mỹ Linh là đệ nhất phu nhân của quốc gia trong 22 năm Tưởng cầm quyền. Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, khi Tưởng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc, Mỹ Linh trở thành một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất lúc bấy giờ.

Người chị cả Ái Linh lấy Khổng Tường Hy, cháu tám đời của Khổng Tử, nhờ tài tháo vát và quan hệ của Ái Linh đã trở thành bộ trưởng tài chính và Thủ tướng của chính phủ Tưởng trong nhiều năm. Nhờ có vị trí đó mà Ái Linh đã trở thành một trong những phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Gia đình họ Tống còn có ba người con trai, đã tạo nên một nhóm nội bộ của chế độ Tưởng, trừ Khánh Linh.

Trong thời kỳ nội chiến ở Trung Quốc, sau Thế chiến II, Khánh Linh đã cống hiến hết mình để giúp những người Cộng sản đánh lại Tưởng, cho dù điều đó khiến gia đình bà lụn bại. Sau khi chế độ Tưởng bị sụp đổ và chính quyền công sản ở Trung Quốc được thành lập, Khánh Linh trở thành người phó thân cận của Mao.

Cuộc đời của ba chị em gái họ Tống, nhất là những cuộc hôn nhân lừng danh của họ là đề tài không ngớt được bàn luận trong thế giới người Hoa. “người ta không thấy mệt mỏi và chán khi nói về họ, nhất là về cuộc sống riêng tư. Tôi nhớ hai chuyện cụ thể trong khoảng thời gian tôi lớn lên ở Trung Quốc, từ năm 1950 – 1970 người ta đồn nhau rằng Mỹ Linh tắm trong sữa hàng ngày để có được làn da bóng mượt. Chuyện thứ hai là Khánh Linh sống với vệ sĩ trưởng chỉ bằng nửa tuổi của bà trong một thời gian dài. 

Jung Chang cho biết: lúc đầu bà định viết cuốn sách về Tôn Dật Tiên, người sống từ năm 1866-1925 và trở thành “người cha của Trung Quốc” và ngày nay vẫn được coi như một vị thánh. Câu hỏi đặt ra với bà là: Ông ta là ai? Ông ta đã làm gì cho Trung Quốc và vì Trung Quốc?

Khánh Linh và Mỹ Linh đều bị sẩy thai nên cả hai không có con đẻ.

Ái Linh giúp Mỹ Linh lấp chỗ trống thiếu con, nhưng bà lại phải đương đầu với những thất vọng trong cuộc sống. Bà bị mang tiếng là người tham lam và nham hiểm, trong khi Khánh Linh được coi là nữa thần trong sạch và Mỹ Linh là ngôi sao quốc tế quyến rũ. Mối quan hệ giữa họ như những người phụ nữ được đánh giá đầy xúc động, không phải vì Khánh Linh dành hết tâm sức để hủy hoại hai người kia Tưởng còn giết chết người yêu của Khánh Linh, Đặng Diễn Đạt (Deng Yan da), người đã sáng lập Đảng Trung dung, bên cạnh Quốc dân Đảng và Đảng Cộng Sản, sau khi Tôn Dật Tiên mất.

Lịch sử Trung Quốc hiện đại gắn kết mật thiết với những tổn thương cá nhân của ba chị em họ Tống. Nhưng cuộc đời họ liên quan tới hai nhân vật khổng lồ của Trung Quốc là Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch. Tác giả đã tiếp xúc với nhiều nguồn tư liệu khác nhau từ thư từ, nhật ký, sách báo, bài viết được lưu giữ ở các cơ quan lưu trữ và cả các cuộc phỏng vấn trực tiếp.

* * * 

Phần I. Đường đến nền Cộng hòa (1866-1911)

1. Sự xuất hiện của “Người cha Trung Quốc”

Tôn Dật Tiên sinh ở Quảng Đông 12/11/1866. Khi Tôn lên năm, người anh tên là Ah Mi có một chuyến đi 4 ngày đến Hawaii để thử tìm cuộc sống tốt hơn. Nhờ đó năm 1879, Tôn sang Hawaii, lúc đầu học trường Iolani College do các nhà truyền giáo thành lập ở Honolulu, sau đó đi học ở trường Oahu College, nay là trường Punahou School, nơi gần 100 năm sau Barack Obama tốt nghiệp năm 1979.

Vì Tôn tiêm nhiễm tư tưởng và thích cuộc sống phương Tây muốn tham gia các hoạt động của nhà thờ, năm 1883 người anh đã gửi ông ta về Trung Quốc. Mùa thu năm đó, Tôn đến Hồng Kong và vào học trường Central School. Cũng năm đó, bố mẹ Tôn cưới cho ông một người vợ là Mu-zhen.

Năm 1884, Tôn làm lễ baptized ở Hong Kong và đổi tên cũ “the Image of the North God” thành Yat sen “a new man each day”. Năm 1892, ông tốt nghiệp nhưng không xin được việc.

Những trải nghiệm của Tôn ở nước ngoài đã khiến ông thất vọng về Trung Quốc và ông kết tội chính quyền Mãn châu. Tôn và một số người bạn cùng chí hướng của ông đã công khai bày tỏ sự chán ghết chế độ Mãn Châu.

Năm 1894, một cơ hội đến, Nhật Bản đánh và chiếm Trung Quốc một năm sau. Triều đình Trung Quốc do vua Quang Tự (23 tuổi) không có khả năng lãnh đạo một cuộc đấu tranh của đất nước. Cơ hội cho Tôn đã đến. Tôn phát động một cuộc nổi dậy ở Quảng Đông và chiếm thành phố sau đó cuộc kháng chiến lan rộng.

Năm 1894, Tôn sang Hawaii để quyên góp tiền cho cuộc kháng chiến. Người Trung Quốc ở Hawaii đã tích cực hưởng ứng và một trong số đó là Tống Charlie (bố của ba chị em), một người thuyết giáo ở American Southern Methodist Church, hiện là một nhà doanh nhân lớn ở Thượng Hải.

Năm 1895 với sự tư vấn của Tống Charlie, Tôn từ Hawaii trở về Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Tôn cùng với câu lạc bộ của một nhà tài chính ở Hong Kong hợp nhất lực lượng và bầu tổng thống cho nhà nước cộng hòa tương lai. Yeung chiến thắng. Tôn giận dữ, vì ý tưởng khởi nghĩa là do ông ta khởi xướng nên ông ta phải làm tổng thống.

Nhưng cuộc nổi dậy của hai nhóm đã bị bại lộ và không thành. Tôn rời Hong Kong sang Nhật. Tại Nhật, Tôn bị liệt vào danh sách bị trục xuất, Tôn phải chạy sang Hawaii. Năm 1896 Tôn rời Hawaii vào lục địa Mỹ, đi đến đâu ông ta cũng kêu gọi người Trung Quốc ủng hộ lật đổ chính quyền Mãn Châu. Nhưng người Trung Quốc xa lánh ông ta. Sau đó Tôn đến London tìm kiếm cơ hội.

Chuyện của Tôn đến tai những người cấp tiến ở Trung Quốc khiến ông ta trở nên nổi tiếng. Tháng 7/1897, Tôn rời London trở về Trung Quốc.

Năm 1900, Tôn đề nghị với Nhật hỗ trợ cho ông ta giành chính quyền ở một số địa phương miền nam Trung Quốc. Nhật từ chối kế hoạch của Tôn. Cuộc nổi dậy của họ vẫn nổ ra những không thành. Đài Loan trục xuất Tôn.

Ý tưởng của Tôn về việc lật đổ triều đình Mãn Châu ngày cảng được phổ biến ở Trung Quốc. Hàng ngàn sinh viên Trung Quốc ở Nhật ủng hộ Tôn. Năm 1905 Tôn đến Nhật.

Tháng 11/1908 vua trẻ tuổi của Mãn Châu qua đời. Trung Quốc thiếu vắng một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Tháng 11/1911 một phong trào phản kháng Mãn Châu tăng lên, một cuộc khởi nghĩa của binh lính cộng hòa nổ ra ở Vũ Hán  Lúc này Tôn đang ở Mỹ.

18/12/1911 triều đình Mãn Châu buộc phải thương thuyết với những người cộng hòa. Hai bên thống nhất thành lập một chính phủ tạm thời và cử Huang Xing, người cộng hòa nổi tiếng thứ hai sau Li Yuan hong (người chỉ huy quân đội) đứng đầu. Nghe tin đó, Tôn trở về Thượng Hải ngày 25/12 và sau đó trở thành Tổng thống của Cộng hòa Trung Quốc.  

4/7/1894, Hawaii tuyên bố là một nước cộng hòa. Tôn, một người cấp tiến Trung Quốc, 27 tuổi đã đến quần đảo. Tháng 11 năm đó, Tôn thành lập một tổ chức chính trị có tên Xing Zhong hui (Revive China Society).  

2. Tống Charlie: Người truyền giáo Methodist và một nhà cách mạng bí mật

Tống là một người ủng hộ đầu tiên của Tôn. Sinh 1861 ở Đảo Hải Nam, giống như Tôn, Tống đi ra nước ngoài để tìm một cuộc sống tốt hơn. Năm 1879 ông ta xuống một con tàu của Mỹ tìm việc làm. 

Gia đình Tống Charlie có 6 người con: Con đầu là Ái Linh (15/6/1889). Hai con gái tiếp theo là Khánh Linh  (27.1.1893), Mỹ Linh (12/2/1898) và ba người con trai là Tống Tường Văn (1894), Tống Tử Lượng (1899) và Tống Tử An (1906).

Để có thể cho tất cả các con được học ở trường Mỹ, Charlie đã bỏ việc truyền giáo vảo năm 1892 và chuyển sang kinh doanh. Ông ta nhập khẩu các loại máy móc và lập một nhà in in Kinh Thánh. Charlie nhanh chóng gia nhập tầng lớp thượng lưu ở Thượng Hải và xây dựng cho gia đình một ngôi nhà với phong cách châu Âu hơn là Trung Quốc. Charlie cũng thích đồ ăn phương Tây hơn đồ Tàu.

Phần II. Ba chị em và Tôn Dật Tiên (1912-1925)

3. Ái Ling: Một người phụ nữ thông tuệ và mạnh mẽ

Năm Ái linh 5 tuổi (1894) cô được bố mẹ gửi tới học ở trường Mc Tyeire School, một trường thuộc Hội Giám Lý do bác sĩ Allen sáng lập, mang tên giám mục McTyeire. Đây là một trường tốt nhất ở Thượng Hải và là một trường học dành cho nữ giới ở Mỹ.

Ngay từ khi còn nhỏ, Ái Linh đã thể hiện chí hướng và tham vọng của cô sau này. Là một đứa bé duy nhất ở tuổi bà ở trường, bà tỏ ra hết sức cứng rắn và cá tính. Bà không bao giờ thổ lộ với bố mẹ những bí mật của mình. Suôt cuộc đời, bà kết bạn thật sự với rất ít người, vì thế khi bị chị trích công khai sau này, không ai đứng ra bảo vệ bà.

Con gái thứ hai, Khánh Linh  sinh 27/1/1893. một đứa bé thanh tú, sau này trở thành “đứa bé sinh đẹp và mơ mộng”, “trầm tính và ngoan ngoãn” là cô gái được mẹ yêu thích nhất. Được chăm sóc ở nhà và đến 7 tuổi mới đi học ở trường McTyeire.

Mỹ Linh, cô con gái thứ ba, sinh 12/2/1898, đến trường Mc Tyeire khi 5 tuổi. Mỹ linh là đứa bé bụ bẫm, khỏe mạnh và nghị lực. Ở trường McTyeire, Mỹ Linh phải đi qua những đoạn đường tối một mình để đi học những bài học khó.

Gia đình họ Tống rất nề nếp và sùng đạo. Không ai chơi bài hay khiêu vũ vì “Chúa không muốn thế”. Hàng tuần cả nhà đều đi lễ nhà thờ. Ngay từ bé, Mỹ Linh đã coi việc di nhà thờ của gia đình là buồn tẻ. Khánh Linh  ngoan ngoãn nghe theo mẹ nhưng tỏ ra thờ ơ. Còn Ái Linh, chậm chạp nhưng trở thành một con chiên mộ đạo.

Gia đình họ Tống tìm mọi cách cho các con được hưởng nền giáo dục Mỹ.

Trước khi Ái Linh bước sang tuổi 13, Charlie đã thu xếp cho một người bạn là Bill Burke đưa cô sang Mỹ. Ái Linh được vào học ở Weslean College, trường dành cho nữ giới đầu tiên trên thế giới dành cho phụ nữ ở bang Georgia. Lúc này Mỹ đang căng thẳng với Trung Quốc, Charlie đã mua cho Ái Linh một hộ chiếu Bồ Đào Nha.

Tháng 5/1904, Ái Linh lên tàu ở Thượng Hải. Ái Linh thu hút sự chú ý trên tàu. Một đêm có vũ hội trên tàu, một nhân viên trên tàu mời cô nhảy mấy lần song cô đều từ chối. Khi được hỏi vì sao? Cô đáp: “Tôi là một con chiên theo đạo công giáo và người công giáo không được nhảy”.

30/6/1904, chiếc tàu đến Golden Gate ở San Francisco. Nhân viên ở cơ quan nhập cư không chấp nhận hộ chiếu Bồ Đào Nha của cô và dọa giữ cô. Là cô gái mới 13 tuổi nhưng Ái Linh đã phản đối: “Các ông không thể giữ tôi trong nhà giam giữ. Tôi là một hành khách hạng cabin chứ không phải từ boong tàu” ám chỉ không phải người làm thuê trên tàu. Cuối cùng cô không bị giữ, mà chỉ phải đợi như một tù nhân trên tàu Hàn Quốc. Cuối cùng với sự can thiệp của mạng lưới Methodist, 3 tuần sau Ái linh mới được nhập cảnh vào đất Mỹ.

Ái Linh là một cô gái bướng bỉnh, cứng đầu. Mãi một năm sau cô vẫn nhớ chuyện bị gây khó dẽ ở San Francisco. Khi một người cậu của cô trong đoàn triều đình Mãn Thanh đến Mỹ, cô đã đòi được đi theo vào Nhà Trắng. Tại đây, cô đã kể lại chuyện bị phiền nhiễu với Tổng Thống Theodore Roosevelt và ông dã phải xin lỗi. (48).

Ngày 2/8 Ái Linh vào học ở Macon. Trong 5 năm học, cô được coi là một sinh viên nghiêm trang, lạnh lùng và kín đáo. Không giống như hai người em và bố có nhiều bạn Mỹ, Ái Linh không có một người bạn Mỹ nào.

Trong thời gian ở Mỹ, Ái Linh đề nghị gia đình gửi vải kim tuyến Trung Quốc sang để cô may quần áo. Những người cùng học với Ái Linh nhận thấy Ái Linh quan tâm đến những đề tài đặc biệt. Bài luận cuối cùng của cô ở trường cho thấy sự trưởng thành của cô ở độ tuổi 19. Trong bài luận với tiêu đề: “Đất nước tôi và lời khẩn cầu của nó” (My Country and Its Appeal), cô bình luận về biểu tượng Khổng Tử của văn hóa Trung Quốc.

“Sai lầm rõ ràng nhất của ông ta là sự thất bại của việc tôn trọng phụ nữ. Chúng tôi nhận thấy rằng không dân tộc nào có thể lớn mạnh trừ khi phụ nữ của đất nước đó được giáo dục và được coi trọng ngang với nam giới về đạo đức, xã hội và tri thức… Tiến bộ của Trung Quốc phải đến một cách sâu rộng qua sự giáo dục phụ nữ của mình.” (50)

Lãnh đạo nhà trường đã có ấn tượng với trí thông minh của Ái Linh và rất hài lòng với thái độ của cô với đạo thiên chúa. Họ cho rằng người phụ nữ này sẽ đem đến ảnh hưởng to lớn của đạo Thiên chúa tới Trung Quốc. Điều đó đúng. Ái Linh sau này đã đưa Tưởng Giới Thạch và đệ nhất phu nhân Mỹ Linh đến với đạo Thiên chúa và có một ảnh hưởng to lớn đến lịch sử Trung Quốc.

Năm 1908, khi học năm cuối cùng ở Wesleyan, hai người em gái đã đến cùng với chị. Khánh Linh  dành một suất học bổng của chính phủ khi vừa 14 tuổi và đến Mỹ cùng với Mỹ Linh khi đó mới 9 tuổi. Từ đây Ái Linh làm nhiệm vụ như một người mẹ với hai em, nhất là với Mỹ Linh. 

Năm 1909 Ái Linh tốt nghiệp và trở về Thượng Hải và hai em gái vẫn ở lại Wesleyan. Ái Linh ngưỡng mộ Tôn Dật Tiên, mặc dù chưa hề gặp. Gia đình họ Tống quyên góp tiền ủng hộ những người dân tộc chủ nghĩa của Tôn.

Năm 1912, Tôn Dật Tiên trở lại Thượng Hải và gặp lại gia đình họ Tống sau gần 20 năm. Trong thời gian ở Thượng Hải, Tôn đã lập cơ sở của mình ở nhà họ Tống, khi  Khánh Linh  19 tuổi và Mỹ Linh 14 tuổi vẫn còn học ở Mỹ, chỉ có Ái Linh 23 tuổi ở nhà. Lúc này cô có cơ hội làm việc gì đó cho thần tượng của mình, cô làm phiên dịch tiếng Anh cho ông ta.

Một hôm Ái Linh đi qua phòng của Tôn ở Thượng Hải và Tôn đã ngỏ lời muốn cưới Ái Linh. William Donald, một nhà báo Úc  đồng thời là cố vấn của Tôn khuyên Tôn cân nhắc, vì ông đã có vợ. Nhưng Tôn nói rằng sẽ li dị vợ hiện tại. Donald nói rằng Tôn như là một người chú của Ái Linh (hơn 23 tuổi). Tôn trả lời: “Tôi biết. Nhưng tôi muốn cưới cô ta như thế”. Trong lúc đó, Ái Linh rất quý trọng vợ của Tôn và các con của ông. Mỗi lần đi đâu cùng nhau, Ái Linh đều khoác tay bà và gọi bà là “Mẹ”, có lẽ đó là cử chỉ muốn Tôn dừng lại.

Ngoài một bồ ở Trung Quốc, Tôn còn có 2 phụ nữ khác ở Nhật Bản, trong đó có một người sinh với Tôn một con gái. Gia đình Tôn đã thức tỉnh sự ngưỡng mộ đối với Ái Linh. Bà rất độ lượng với họ, đối xử tốt, nhất là với vợ của Tôn.

5. Đám cưới của Ái Linh & Khánh Linh

Tháng 9/1914 đám cưới của Ái Linh và Khổng Tường Hy được tổ chức ở Yokohama. Biết được tin đó, Tôn không buồn vì có em gái Ái Linh là Khánh Linh  trẻ và xinh đẹp hơn vừa từ Mỹ về cách đó 1 năm (8/1913) thế chỗ chị. Cô cũng làm trợ lý phiên dịch tiếng Anh cho Tôn. Từ chỗ nhiệt thành ủng hộ nền cộng hòa, ngưỡng mộ Tôn, Khánh Linh  nhanh chóng yêu Tôn và hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp của ông.

Tôn cũng rất yêu Khánh Linh . “Tôi không thể bỏ Khánh Linh  ra khỏi trái tim mình. Từ khi gặp cô ấy, tôi cảm thấy như lần đầu tiên trong đời tôi yêu. Bây giờ tôi mới biết hạnh phúc và cay đắng của tình yêu”.

Hè năm 1925 Khánh Linh  về Thượng Hải xin phép bố mẹ cưới Tôn. Bố mẹ bà rất sốc, vì có nhiều lý do, dễ nhận thấy nhất là tuổi tác: Tôn 48 tuổi, Khánh Linh  20. Charlie nhớ lại việc Tôn không về thăm vợ khi bà bị tai nạn ô tô ở Nhật và nghĩ Tôn có thể là một nhà cách mạng nồng nhiệt, nhưng có thể không phải là một người chồng tốt. Thêm nữa Tôn là người đã có vợ con và con lớn tuổi hơn cả Khánh Linh .

Ngày 25/10/1915 Tôn đón Khánh Linh  ở nhà ga Tokyo và ngày hôm sau họ cưới nhau. Đám cưới chỉ có một người chủ công ty Nhật tên là Wada Mizu ở nhà của ông ta và một người bạn của Tôn với con gái 11 tuổi của người bạn.

Một ngày sau đám cưới, bố mẹ Khánh Linh  xuất hiện ở cửa nhà của Tôn. Họ thuyết phục Khánh Linh  chia tay Tôn để trở về nhà. Bố bà còn gặp chính phủ Nhật để khiếu nại với lý do Khánh Linh  chưa đủ tuổi và bị ép cưới. Nhưng chính phủ Nhật không can thiệp.

Từ chỗ quyên tiền, ủng hộ Tôn, Charlie trở nên thất vọng và thần tượng Tôn trong ông bị sụp đổ. Ông lấy làm đau khổ và không bao giờ bỏ qua cho Tôn. Khánh Linh  thấy có lỗi với bố mẹ, song cô gạt sang một bên và sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho Tôn.

6. Madam Tôn Dật Tiên

Khánh Linh  nói với Edgar Snow: “Tôi không yêu. Đó chỉ là một sự tôn thờ một thần tượng. Đó là lý tưởng của một cô gái lãng mạn khi chạy theo làm việc cho ông ấy…Tôi muốn cứu Trung Quốc và bác sĩ Tôn là người có thể làm điều đó, vì thế tôi muốn giúp đỡ ông ấy.” 

Tôn mất ngày 12/5/1925. Sau khi chết, danh xưng “Cha đẻ của Trung Quốc’ lần đầu tiên được sử dụng. Nhất là từ năm 1928, khi quốc dân đảng chiếm lĩnh Trung Quốc, tên của Tôn được nâng lên thành chính thống, việc tôn sùng được lan rộng. Những nhà tuyên truyền của Nga dạy những người dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc gọi Tôn là “người giải phóng dân tộc Trung Hoa”.

Mộ của vua nhà Minh ở núi Vàng Kim cương ở Nam Ninh rộng 1,7 triệu m2 và là một trong những ngôi mộ hoàng đế Trung Hoa to nhất. Mộ Tôn cao hơn 90m, với 392 bậc, rộng 30 triệu m2.

Phần III. Ba chị em và Tưởng giới Thạch (1926-1936)

8. Những người phụ nữ Thượng Hải

Tháng 7/1917 Mỹ Linh trở về Trung Quốc, ở tuổi 19 sau gần hai thập kỷ ở Mỹ với tư tưởng tự do và ít quan tâm tới chính trị. Chưa đầy 10 tháng sau, tháng 5/1918 Charlie mất. “Bạn bè rất hay, nhưng nhớ rằng khi bạn gặp khó khăn (rắc rối) gia đình mới là ở bên cạnh bạn. Với tôi, người từng ở xa gia đình hàng ngàn cây số trong một thời gian dài, điều đó có thể ngây thơ. Nhưng nói một cách thành tâm, bạn sẽ thấy tôi đúng” (121)

Mỹ Linh là người lãng mạn. Trên tàu từ Mỹ về Trung Quốc, cô có cảm tình với một thủy thủ Hà Lan. Gia đình cô phản đối hôn nhân với người nước ngoài. Sau đó là một người tên là Birmeil, cô gặp trên chuyến tài rời Hong Kong. Nhưng gia đình cũng phản đối. Sau đó là một người Trung Quốc, song đã có vợ.

Mặc dù không phải là người có sắc đẹp tuyệt vời, song Mỹ Linh có nhiều cái hấp dẫn và quyến rũ. Cô ta có nhiều cái thực dụng, hữu hình và cuốn hút: vị thế gia đình, ăn mặc và tác phong, lối sống phương tây.

Nhưng sau một thời gian, cô bắt đầu thấy chán nản với cuộc sống ở Trung Quốc và có ý định trở lại Mỹ học tiếp nghề dược. Song lúc này gia đình cô không còn đủ điều khả năng để chu cấp cho việc đó. Mỹ Linh quyết định lấy chồng và sinh con. Cô nghĩ “Phụ nữ mất hứng thú với cuộc sống nếu không kết hôn và có con”.

Trong lúc cô đang chán nản thì Ái Linh đưa cô đến gặp Tưởng Giới Thạch năm 1925 (lúc này 38 tuổi) vừa được giao chỉ huy quân đội của Quốc dân đảng.

9. Mỹ Linh gặp Tưởng Giới Thạch

Tưởng Giới Thạch sinh năm 1887 ở Triết Giang, mồ côi bố (một người buôn muối) năm 8 tuổi. Năm 14 tuổi, Tưởng Giới Thạch kết hôn với một cô gái tên Fu Mei ít hơn mình 4 tuổi.

Năm Tưởng Giới Thạch 34 tuổi mẹ ông ta qua đời. Ngay sau đó, Tưởng Giới Thạch li dị Fu mei và cưới một cô gái khác tên là Jennie. Năm 1907 Tưởng Giới Thạch có học bổng đi học ở Nhật. Năm 1911 khi cách mạng cộng hòa nổ ra ở Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch trở về tham gia. Tưởng đã giết đối thủ của Tôn Dật Tiên và giúp Tôn giữ được chức chủ tịch nội các.

Năm 1923 Tưởng Giới Thạch dẫn đầu một phái đoàn quân sự của Trung Quốc sang Nga. Tưởng chống lại việc Nga muốn đưa Trung Quốc vào quỹ đạo cộng sản và không muốn hợp tác với Nga. Tuy nhiên, sau khi gặp Tôn ở Quảng Đông, năm 1924, Tưởng được Tôn giao cho chỉ huy quân đội dưới sự hướng dẫn của Nga. Ba năm tiếp theo Tưởng che dấu thái độ của mình và dùng người Nga để xây dựng quân đội Quốc dân đảng.

Năm 1926, Moscow đã lật kèo quốc dân đảng, đưa các thành viên của Đảng Cộng Sản ủng hộ Nga lên lãnh đạo Quốc dân đảng. Khánh Linh  là một trong số đó. Lúc này Tưởng bắt đầu bày tỏ chính kiến. Ông ta tung hỏa mù muốn đi học ở Nga để về làm cách mạng ở Trung Quốc, ngày 20/3 Tưởng bắt đầu tấn công, bắt một số thành viên Đảng Cộng Sản và giành quyền kiểm soát quân đội Quốc dân đảng.

Sau khi hành động xong, Tưởng đã khiến cho Moscow hiểu nhầm và vẫn tin tưởng rằng Tưởng có thể và sẽ hợp tác với Nga. Vì thế Tưởng được giữ vị trí chỉ huy quân đội Quốc dân Đảng.

Ái Linh là người nhạy cảm về chính trị, chống lại quan điểm thân Nga của Tôn nên rất ủng hộ Tưởng. Ý tưởng muốn Tưởng làm em rể lúc này xuất hiện với Ái Linh. Để cho Mỹ Linh gặp và tìm hiểu Tưởng, Tháng 6 năm 1926, Ái Linh đưa Mỹ Linh đi cùng đến Quảng Đông. Ngày 30/6 Ái Linh mời cơm tối vợ chồng Tưởng.

Tưởng rất hài lòng với lời mời và bảo với vợ là Jennie: “Anh có quyền, nhưng không có thanh thế” và việc trở nên thân thiết với gia đình họ Tống là rất quan trọng.” Cuộc gặp đó đã khiến Tưởng có cảm tình với Mỹ Linh và trước khi cô về Thượng Hải, Tưởng viết trong nhật lý là ông ta bắt đầu thấy nhớ Mỹ Linh. Sau khi Mỹ Linh rời Quảng Đông, Tưởng nhắn tin cho Ái Linh và em trai Tường Văn bày tỏ tình cảm của ông ta. Nhưng Ái Linh tỏ ra dè dặt, dù trong thâm tâm rất muốn có được Tưởng là em rể.

Ngày 21/3/1927, quân Tưởng chiếm Thượng Hải. Tháng 4, Tưởng Giới Thạch công khai tuyệt giao với Đảng Cộng Sản và Nga. Từ lúc đó Tưởng bắt đầu tán tỉnh Mỹ Linh. Với sự khích lệ của Ái Linh, Mỹ Linh bắt đầu tiếp xúc và gắn bó cuộc đời với Tưởng. Lúc này tưởng đã li dị vợ Fu mei, còn hai bồ được thu xếp đi Mỹ.

Ngày 27/9/1927 Mỹ Linh và Tưởng đính hôn tại nhà của Ái Linh. Ngày hôm sau hai người đến gặp mẹ Mỹ Linh ở Nhật. Biết Tưởng là tổng chỉ huy quân đội, nay được diện kiến, bà Tống tỏ sự hài lòng ra mặt. Ngay sau khi trở về chỗ ở của mình, Tưởng đã dùng bút lông viết mấy chữ: “Heng-sao-qian-jun” (Congquering in one sweep a thousand armies).

Đám cưới được tổ chức ngày 1/12/1927. Hôm đó chú rể viết một bài trên báo quốc dân Đảng bày tỏ niềm vui sướng của mình còn cô dâu khoe với bạn bè cô cảm thấy bàng hoàng. Sau nghi lễ cưới dành cho tín đồ công giáo ở nhà, đám cưới diễn ra ở Khách sạn Majestic với hơn một ngàn người tham dự. Nó là một địa điểm đẹp nhất ở Thượng Hải và là đám cưới hoành tráng nhất từ trước đến lúc bấy giờ ở thành phố. Sau đám cưới, Tưởng có cuộc nói chuyện rất lâu với Ái Linh về tình hình hiện thời và kế hoạch của ông ta. Ái Linh giờ đây như là một cố vấn của Tưởng.

Sự bất hòa giữa Tưởng và Mỹ Linh xảy ra ngay trong tháng đầu tiên sau đám cưới. Một hôm Tưởng về nhà không thấy Mỹ Linh ở nhà như những người phụ nữ sống với Tưởng trước đó. Khi Mỹ Linh về, Tưởng tỏ ra giận dữ. Mỹ Linh cũng không vừa liền vặc lại. Nhận thấy Mỹ Linh kiêu ngạo, Tưởng giả vờ ốm. Mỹ Linh không thèm quan tâm bỏ về nhà mẹ và cũng giả vờ ốm. Tưởng phải xuống thang đến nhà gặp Mỹ Linh. Mỹ Linh nói thẳng rằng cô ốm vì mất tự do và khuyên tưởng phải sửa tính tình.

Lần đầu tiên trong một mối quan hệ, Tưởng là người phải xin lỗi. Ông ta nhận thấy rằng cần phải chiều Mỹ Linh vì ông ta cần cô. Tối hôm đó, khác với thường lệ, ông ta không dậy sớm mà ngủ trên giường với vợ đến tận 10 giờ. Mỹ Linh trái lại cũng điều chỉnh thái độ của mình vì cô tỏ ra rất thích thú khi được gọi Tưởng phu nhân và nghĩ “Đây là cơ hội để cùng với chồng để làm cho Trung Quốc lớn mạnh.”

Mỹ Linh tin rằng thắng lợi của Tưởng có thể chấm dứt nội chiến và đem lại hòa bình cho đất nước. Bà thu xếp để giúp Tưởng giành chiến thắng và làm một đệ nhất phu nhân tốt. Bà bỏ trang phục phương tây và dùng trang phục truyền thống, làm đầu tóc kiểu phụ nữ Trung Quốc. Bà khuyên em trai không từ chức bộ tưởng tài chính của chính phủ Tưởng. Khi Tưởng ở mặt trận phía bắc, Bà phân phát thuốc men cho thương binh, phân phát quân nhu cho binh lính, thay Tưởng giao tiếp với đại diện nước ngoài. Mỹ Linh giống như một đại diện của Tưởng trong mọi mặt.

Ngày 3/7/1928 Tưởng đánh bại quân chính phủ Bắc Kinh và tiến vào thủ đô Bắc Kinh. Chính quyền Quốc dân Đảng lập thủ đô ở Nam Kinh. Tưởng làm chủ tịch. Ngày 23/10/1930 Tưởng làm lễ rửa tội và trở thành tín đồ của đạo Thiên chúa ở nhà bố mẹ vợ ở Thượng Hải.

Năm 1931, Tưởng rời đại bản doanh về Quảng Đông. Ngày 23/7/1931, Bà Tống qua đời vì bệnh ung thư ruột. Đúng ngày đó, em trai của Mỹ Linh (Tường Văn) và Tưởng chết hụt bởi một vụ ám sát.

11. Khánh Linh phiêu dạt ở Moscow, BerLinh, Thượng hải

Khi Mỹ Linh đang đương đầu với sự nguy hiểm của cuộc hôn nhân, Khánh Linh tị nạn ở Moscow. Khánh Linh đi Nga sau khi Tưởng li khai Cộng sản tháng 4/1927 và đến Moscow ngày 6/9. Đây là thời kỳ nguy hiểm ở Nga. Nhưng là vợ của Tôn Dật Tiên, cha đẻ của Trung Quốc, Khánh Linh không bị động chạm đến.

Tuy nhiên, Stalin không quan tâm lắm đến Khánh Linh. Ông ta chỉ gặp Khánh Linh một lần trong vòng khoảng 1 giờ và ông ta khuyên Khánh Linh trở về Trung Quốc sớm.

Tháng 2/1928 khi đang tính sẽ phải làm gì, Khánh Linh nhận được thư của Đặng Diễn Đạt (một cộng sự và lãnh đạo nhóm cánh tả trong Quốc dân Đảng) từ Berlin. 

Đặng cũng đã rời Trung Quốc sang lánh nạn ở Moscow và từng trao đổi với Khánh Linh về việc thành lập một đảng trung dung giữa Quốc Dân Đảng và Cộng sản. Nay ông ta mời Khánh Linh đến Berlin để trao đổi về việc đó.

Khánh Linh đến Berlin vào đầu tháng 5/1928. Bà thuê một căn hộ và sống như một người khách dưới sự giám sát kín dáo của chính phủ Đức. Một tháng sau Tưởng Giới Thạch lật đổ chính phủ Bắc Kinh và thiết lập chế độ của ông ta ở Nam Kinh.

Bà Tống rất đau buồn với việc theo đuổi chủ nghĩa Cộng sản và quyết định đi tị nạn của Khánh Linh và không muốn làm gì với bà. Bà đã không trả lời Khánh Linh sau khi nhận được rất nhiều thư của cô. Trong thời gian đó Ái Linh và Mỹ Linh trở nên gần gũi với Bà hơn và Chị cả (Ái Linh) trở thành trụ cột của gia đình.   

Sau khi gặp lại Khánh Linh ở Berlin, Yanda quyết đinh bỏ vợ và yêu Khánh Linh. Nhưng quan hệ của họ không được công khai và nở rộ, bởi vì Khánh Linh phải mang danh phu nhân Tôn, nếu muốn có một vai trò chính trị.

Vì sợ quan hệ của họ phá vỡ cái đích chính trị nên hai người quyết định xa nhau. Tháng 12/1928, Khánh Linh rời Berlin và Tháng 10 năm sau mới trở lại.

Tháng 6/ 1929 Khánh Linh trở lại Nam Kinh và dự lễ tảo mộ Tôn do Tưởng Giới Thạch đứng ra tổ chức. Khánh Linh nhận thấy bà bị lợi dụng nên tảy chay một số hoạt động.

Hy vọng xích lại gần hơn với mẹ của Khánh Linh trong lần về này không thành. Sau 2 năm xa cách gia đình, bà thấyxa lánh hơn bao giờ hết.  Gia đình bà giờ đây là trung tâm của chế độ Tưởng. Chồng Ái Linh là bộ trưởng công nghiệp và thương mại. Em trai Khổng Tường Văn là bộ trưởng tài chính. Bà Tống được coi như “Mẹ vợ của Quốc gia” (Khi bà mất năm 1931, quan tài của bà được phủ quốc kỳ và tang lễ được cửa hành với đội quân danh dự). Gia đình không quan tâm lắm đến Khánh Linh. Mẹ và chị em gái rất ít khi đến thăm Khánh Linh.

Đúng lúc đó Nga xâm lược Mãn Châu do tranh cãi về việc Nga giúp Trung Quốc xây dựng đường sắt miền Đông Trung Quốc. Khác nhau về chính kiến quanh việc này, Khánh Linh đã viết một bài báo thóa mạ Quốc dân đảng. Tưởng Giới Thạch giận điên lên và muốn cắt đứt liên hệ với Khánh Linh. Nhưng Ái Linh đã khuyên Tưởng kiềm chế.

Vị thế chính trị của Khánh Linh được biết đến rộng rãi. Bây giờ bà đứng về phía Nga chống lại Trung Quốc và trở nên thiểu số. Bà cảm thấy căng thẳng và muốn sống ở một nơi không có người Trung Quốc. Cả gia đình cùng chỉ trích bà. Vì thế, tháng 10 bà trở lại Berlin. Lần này Đặng Diễn Đạt không có mặt ở Berlin, bà sống dưới sự bảo trợ của Đảng Cộng Sản Đức. Họ cử người đến giúp và làm bạn với bà, trong đó có cả nhà viết kịch Bertolt Brecht.

Năm 1930 Đặng Diễn Đạt trở lại Trung Quốc thành lập Đảng thứ ba, đảng Trung dung. Khánh Linh không tham gia song cũng không công khai theo ý muốn của Moscow.  

Tháng 4/1931, Khánh Linh nhận được điện báo bà Tống bị ốm nặng. Vẫn chưa hết giận cả nhà, bà không về. Tháng 7/1931, bà Tống qua đời. Không chị em nào báo cho bà vì tức giận với việc bà không về gặp mẹ. Em trai và chống Ái Linh điện cho Khánh Linh nói là tang lễ của bà Tống sẽ không suôn sẻ nếu vắng mặt Khánh Linh nên bà mới quyết định về dự.

Sau khi dự tang lễ mẹ xong, Khánh Linh không trở lại nước ngoài mà về Thượng hải. Một ngày trước tang lễ bà Tống, Yanda, đối thủ nặng ký nhất trong số các đối thủ của Tưởng bị bắt. Tưởng ra lệnh thủ tiêu, Yanda vào Ngày 29/11/1931 một cách bí mật. Tin bị lọt ra ngoài. Khánh Linh đích thân đến gặp Tưởng xin tha cho Diễn Đạt. Đây là lần đầu tiên Khánh Linh trực tiếp gặp em rể. Nhưng Tưởng trả lời là “đã quá muộn”. Khánh Linh thất vọng trở về Thượng Hải và lần đầu tiên công khai chống lại Quốc dân Đảng và trung thành với những người Cộng sản.

Sau cái chết của Diễn Đạt, Khánh Linh trở thành đại diện bí mật của Quốc tế Cộng sản ở Thượng Hải và xin gia nhập đảng Cộng sản. Nhưng bà đã làm việc cho Quốc tế Cộng sản nên không cần phải là một thành viên của Đảng cộng sản.

Những năm tiếp theo Khánh Linh là một người chống đối quan trọng nhất thách thức công khai chế độ Tưởng, nhất là ở Thưởng Hải. Bà làm bất cứ việc gì mà những người Cộng sản Trung Quốc yêu cầu. Một việc thiết thực nhất là bà đã sắp xếp cho nhà báo Mỹ, Edgar Snow gặp và phỏng vấn Mao cũng như các đồng chí của ông ta trong khu vực quân Đỏ. Kết quả là cuốn sách bestseller Red Star Over China, tiếp thị Mao đến với phương Tây như là một người vĩ đại.

Khánh Linh thành lập một tổ chức mặt trận ở Thượng Hải cho Quốc tế Cộng sản: Liên đoàn quyền công dân Trung Quốc (China League for Civil Rights).

Khánh Linh là cái gai của Tưởng. Các điệp viên của Tưởng đã gửi đạn theo đường bưu điện để cảnh báo và hăm dọa bà. Một vụ ám sát bà được vạch ra, thậm chí đã được diễn tập. Nhưng cuối cùng Tưởng ngăn lại, vì nghĩ đến phản ứng của vợ ông ta, Ái Linh. Mặc dù có những xung khắc, Mỹ Linh trong sâu thẳm tâm hồn vẫn rất gắn bó với chị mình và cam kết bảo vệ gia đình họ Tống. Khánh Linh đã đưa bà tới Mỹ khi mới 9 tuổi và có rất nhiều kỷ niệm về sự chăm sóc của chị trong thời gian xa nhà. Một lần Mỹ Linh thèm cơm, Khánh Linh đã bỏ gạo vào trong bình thủy tinh rồi đổ nước sôi vào và nấu qua đêm đến sáng mai hai chị em mới có ăn. Mỹ Linh còn cảm phục chị một mình đương đầu với thế giới đầy thách thức. Vì thế, bà không để chị mình bị hãm hại, mặc dù rất lấy làm khó chịu. Ngoài ra, Mỹ Linh còn rất cảm thông với Khánh Linh khi Tưởng giết Đặng Diễn Đạt, người mà Mỹ Linh biết là chị mình rất yêu quý. Nhờ sự bảo vệ của Mỹ Linh và Ái Linh, Khánh Linh sống tị nạn ở trong nước mà không bị ám sát.

12. Sát cánh cùng chồng

Việc Nhật tấn công Trung Quốc tháng 9/2019 đem đến cho Tưởng một kẻ thù bên ngoài và cơ hội để phá bỏ sự cô độc về chính trị của ông ta. Tưởng kêu gọi thống nhất cá lực lượng và mời những người đối lập tham gia chính phủ của ông ta.

Sau khi mẹ mất, Mỹ Linh bị trầm cảm nặng. Để đưa vợ ra khỏi tình trạng đó, năm 1932 Tưởng đã tặng Mỹ Linh một đồ trang sức đặc biệt – một biệt thự trên đồi Purple Gold Moutain (Đồi Ngọc Tuyền).

Vào những năm 1930, Mỹ Linh dành nhiều thời gian bên Tưởng hơn. Khi Tưởng đuổi quân Đỏ khỏi lãnh thổ đông nam Trung Quốc vào năm 1934, Mỹ Linh đi cùng với Tưởng đến các vùng này. Cô trở lại với cuộc sống, kháo khát giúp chồng và tìm việc làm cho mình. Ái Linh đã nhiều năm cố gắng khuyên Mỹ Linh nên đến với tôn giáo, và bây giờ bà đã thành công.

Mùa xuân 1934, Mỹ Linh cùng chồng phát động phong trào Cuộc sống Mới (New Life Movement) ở Nanchang. Đây là phong trào xây dựng nếp sống mới, Phong trào không chỉ thay đổi bộ mặt và cuộc sống ở những vùng mới “giải phóng” mà còn đưa Mỹ Linh ra khỏi tình trạng “thất vọng và chán nản” đưa hai vợ chồng xích lại gần nhau hơn. 

13. Giành lại con trai của Tưởng từ nanh vuốt của Stalin.

Kinh Quốc sinh 27/4/1910. Năm 15 tuổi Kinh Quốc được bố (Tưởng Giới Thạch) đưa vào học tại một trường ở Bắc Kinh. King Quốc muốn học tiếng Pháp và văn học Pháp. Nhưng với việc Tưởng đang trở thành lãnh đạo của Quốc dân Đảng đã khiến Moscow chú ý và họ đã đưa Kinh Quốc sang Nga học. Là người ủng hộ Nga lúc bấy giờ, Tưởng không thể từ chối. Tháng 4 Năm 1927, Kinh Quốc tốt nghiệp trường Đại học Tôn Trung Sơn ở Moscow và muốn trở về Trung Quốc, song không được về. Lý do: cha anh ta đã ly khai với những người Cộng sản và Stalin giữ anh ta làm con tin.

Tháng 10/1930, khi Tưởng về Xikou (Khê Khẩu) xây mộ mẹ ông, Ái Linh và Mỹ Linh cũng về theo. Hai người nói chuyện với Tưởng về việc đưa Kinh Quốc về Trung Quốc. Ái Linh gợi ý Tưởng nhượng bộ Nga trong xung đột về việc Nga giúp Trung Quốc xây dựng đường sắt. Nhưng Tưởng từ chối. Moscow đòi hỏi một sự nhượng bộ về sự độc lập của Trung Quốc.

Một năm sau, chính Moscow đưa ra sự trao đổi. Người đứng đầu Quốc tế Cộng sản ở Phương Đông bị bắt và tống vào tù ở Thượng Hải cùng với vợ ông ta. Nhiều người lên tiếng kêu gọi Tưởng thả họ, trong đó có Albert Einstein và Khánh Linh. Khánh Linh cũng là người chuyển tải việc trao đổi của Moscow tới Tưởng tháng 12 năm 1931. Nhưng không có kết quả.

Tháng 12/1932 chính phủ Tưởng nối lại quan hệ ngoại giao với Nga vì Nhật Bản tấn công Thượng Hải. Trung Quốc cần Nga. Nga cần Trung Quốc vì Stalin sợ rằng sau khi chiếm Trung Quốc, Nhật sẽ tấn công Nga qua đường biên giới 7000km với Trung Quốc.  Lúc này quân Tưởng đang vây đuổi quân Đỏ về phía nam, nếu Tưởng nương tay với quân Đỏ, Stalin sẽ có thể thả Kinh Quốc.

Mùa thu 1934, quân Tưởng đuổi quân Đỏ ra khỏi vùng giàu ở phía đông nam của Trung Quốc. Tưởng lại đưa ra nhưng Moscow trả lời là Kinh Quốc không muốn về.

14. Một phụ nữ bảo vệ một nam giới

Tháng 10 Năm 1936 ba cánh quân của quân Đỏ hợp nhất ở miền Tây Bắc Trung Quốc, vạn lý trường chinh kết thúc. Tưởng lại đề nghị Moscow thả Kinh Quốc. Nhưng không thành. Tưởng quyết định gây sức ép với Moscow bằng cách bao vây tiếp quân Đỏ.

Nhưng chỉ huy lực lượng địa phương của quân Tưởng là Trương Học Lương (young Marshal) cựu điền chủ Mãn Châu, có ý đồ riêng, không theo lệnh của tưởng. Young Marshal tiếp xúc với quân Đỏ, giúp đỡ lương thực, vũ khí và hợp tác với quân Đỏ chống lại Tưởng. Y lừa quân Tưởng đến Tây An và bắt cóc Tưởng ngày 12/12 và yêu cầu chính quyền Tưởng ở Nam Kinh phải tổ chức lại và Young Marshal phải được đứng đầu chính phủ.   

Việc bắt giữ Tưởng của Young Marshal khiến cho chính quyền Nam Kinh và gia đình họ Tống hết sức lo lắng, nhất là Mỹ Linh, nhưng lại khiến Moscow bực tức. Mỹ Linh và gia đình tìm cách kêu gọi giải thoát Tưởng, trong khi Moscow đã gửi cho Marshal một thông điệp với lời lẽ rất mạnh mẽ, cho rằng việc bắt giữ Tưởng là hành động giúp Nhật vì Tưởng là người kiên quyết chống Nhật và uy tín của Tưởng trong dân rất cao.

Phó thủ tướng Khổng Tường Hy liên lạc với nhiều người có ảnh hưởng trong nước để giúp đỡ việc giải thoát Tưởng. Hầu hết đều ủng hộ, trừ một người là Khánh Linh. Bà trả lời Khổng Tường Hy rằng bà vui mừng với việc Tưởng bị bắt và bà cũng sẽ làm như Young Marshal và thậm chí còn đi xa hơn.

Khổng Tường Hy gửi thư cho Stalin nói rằng “nếu tính mạng của Tưởng bị đe dọa, nỗi tức giận của quốc gia sẽ dồn vào những người Cộng sản và Xô Viết. Và như vậy họ sẽ bắt tay với Nhật để chống Nga. Stalin quay sang lên án Young Marshal và kêu gọi Cộng sản tìm cách giải thoát Tưởng.

Trước sự phản đối của Moscow và sự gian xảo của Mao, Young Marshal phải tìm cách bảo toàn tính mạng của mình. Ông ta chỉ có một lựa chọn là đứng về phía Tưởng và tin tưởng vào một người là Mỹ Linh.

Ngày 14/12, Young Marshal nhắn cho Mỹ Linh đến Tây An nói rằng ông ta chỉ muốn gây áp lực với Tưởng để chống lại Nhật và việc bắt Tưởng là sai. Ông ta không có ý định làm hại Tưởng mà chỉ muốn đi cùng Tưởng đến Nam kinh. Đồng sự của Tưởng ở Nam Kinh không cho Mỹ Linh đi vì không tin lời Yong Marshal, nhưng Mỹ Linh quyết định đi.  Ngày 22/12 Mỹ Linh bay đến Tây An.

Trước khi thả Tưởng, Young Marshal yêu cầu Tưởng gặp Chu Ân Lai. Tưởng từ chối. Nhưng không được. Đúng ngày Giáng Sinh, Chu bước vào phòng ngủ của Tưởng mang theo lười hứa của Moscow sẽ thả Kinh Quốc. Tại đây hai bên đã thống nhất cùng nhau chống lại Nhật Bản. Trong cuộc kháng chiến này Tưởng đã giúp quân cộng sản Trung Quốc lớn mạnh để sau này đánh bại ông ta. Cái giá đổi lại con trai của Tưởng quá đắt. Kinh Quốc cùng vợ và con trở về Trung Quốc tháng 3/1937 sau 12 năm sống ở Nga.

Đúng ngày Giáng sinh 1936, vợ chống Tưởng cùng Young Marhal trở về Nam Kinh trong cùng một chuyến bay. Sau “tai nạn” đó uy tín của Tưởng lan rộng hơn bao giờ hết.

Công giải cứu Tưởng thuộc về Mỹ Linh. Bởi vì nếu Bà không đến Tây An thì Young Marshal không thả Tưởng và cuộc chiến giữa quân chính phủ với quân Tây An sẽ bùng nổ.và Tưởng sẽ bị giết không vì bom của quân chính phủ thì cũng bị quân Young Marshal hoặc quân Đỏ. Trung Quốc sẽ rơi vào nội chiến tạo điều kiện cho quân Nhật nhanh chóng xâm chiếm Trung Quốc.

Có thể nói Mỹ Linh đã cứu Trung Quốc và chồng bà.

(Còn tiếp)

 

Tranh cãi về chữ viết trên tiền giấy của Nigeria

Một số người nói rằng chữ viết Ả Rập có vẻ vi hiến về đạo Hồi. Những người khác nhún vai

Malcolm Omirhobo không xa lạ gì với Tòa án Tối cao Liên bang ở Lagos, thủ đô thương mại của Nigeria. Là một luật sư nhân quyền, ông nổi tiếng vì đã nhiều lần đệ đơn kiện chính phủ, trong đó có một vụ kiện vì không công bố kết quả kỳ thi của cậu con trai mười tuổi. Nhưng vụ kiện mới đây nhất của ông ấy đã tạo ra một tiếng vang đặc biệt lớn. Ông lập luận rằng chữ viết Ả Rập (được gọi là Ajami được sử dụng để viết các ngôn ngữ không phải tiếng Ả Rập) trên một số tờ tiền của Nigeria vi phạm hiến pháp hiện hành của nhà nước. Ông ấy muốn loại bỏ nó. Ông cũng có thể kiến ​​nghị quân đội xóa lời kêu gọi bằng tiếng Ả Rập trên lá cờ của mình.

Với khoảng 200 triệu người và hơn 350 ngôn ngữ và nhóm dân tộc, Nigeria là một bức tranh đa dạng của các nền văn hóa. Một thế kỷ trước, người Anh đã hợp nhất ba nhóm lớn nhất dưới một chính quyền – Hausa-Fulani ở phía bắc chủ yếu là người Hồi giáo, Yoruba và Igbo ở phía nam chủ yếu theo đạo Thiên chúa – mặc dù mỗi nhóm có truyền thống và lịch sử riêng. Sắc tộc và tôn giáo thường xuyên xung đột, đặc biệt là ở khu vực trung tâm của Nigeria, được gọi là Vành đai giữa.

Ajami và các ảnh hưởng Ả Rập khác từ lâu đã gây tranh cãi về bản sắc của Nigeria. Vào đầu những năm 2000, hàng chục bang phía bắc đã áp dụng sharia (luật Hồi giáo). Năm 2007, ngân hàng trung ương đã thay thế Ajami bằng các chữ cái Roman trên các tờ tiền mệnh giá thấp hơn của naira, đơn vị tiền tệ của Nigeria. Nó cho biết họ đang cố gắng thúc đẩy đoàn kết dân tộc bằng cách đề cao tinh thần của hiến pháp năm 1999, trong đó cấm thành lập quốc giáo và sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào trong nghị viện, trừ tiếng Anh, Hausa, Igbo hoặc Yoruba. Vào năm 2014, tổng thống lúc bấy giờ của Nigeria, Goodluck Jonathan, một người miền Nam, cũng làm như vậy với tờ tiền 100 naira mới.

Nhiều người miền Bắc đã vượt qua giới hạn. Ajami là một chữ viết Ả Rập sửa đổi, được dùng để viết tiếng Hausa, giống như bảng chữ cái Roman được sử dụng cho tiếng Anh, Mustapha Kurfi, một học giả Ajami giải thích. Trong nhiều thế kỷ, nó đã được sử dụng trên khắp châu Phi để viết tiếng Swahili ở phía đông, Mandinka ở phía tây và Yoruba ở nơi ngày nay là Nigeria. Ở miền bắc Nigeria, nó được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Aliyu Ibrahim Gebi, một nhà lập pháp trước đây đến từ bang Bauchi, ở phía đông bắc, giải thích rằng “những người già trong làng tôi” không thể đọc tiếng Anh.

Ngược lại, nhiều người theo đạo Thiên chúa sợ điều mà họ cho là “Hồi giáo hóa”. Họ cho rằng Tổng thống Muhammadu Buhari, một người Hồi giáo phía bắc, trước đây đã tán thành sharia. Nhiều tín đồ Cơ đốc phàn nàn rằng các vị trí chủ chốt trong nội các đều do người miền Bắc đảm nhiệm: tất cả 36 bang đều có đại diện như nhau trong nội các, nhưng không phải tất cả các vị trí đều có ảnh hưởng ngang nhau.

Tương tự, nhiều người miền Bắc coi người miền Nam là “có học nhưng dốt nát”, một học giả gốc Nigeria nói. Ở cả hai phía, các thuyết âm mưu đầy rẫy. Ngay cả những người có trình độ học vấn cũng thường tin rằng Boko Haram, nhóm thánh chiến đã tàn phá miền đông bắc, đã bị bao vây bởi giới tinh hoa mờ ám – miền bắc hoặc miền nam.

Quản trị tồi đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Jacob Olupona, giáo sư người Nigeria tại đại học Harvard, cho biết: Sự chia rẽ sẽ gia tăng khi khả năng lãnh đạo yếu kém. “Buhari không thể quản lý Nigeria một cách chính đáng,” ông nói. “Đây là lý do tại sao mọi thứ đang vượt ra khỏi tầm tay.” Sự tin tưởng vào chính phủ khiến nhiều người Nigeria theo chủ nghĩa chính thống tôn giáo. Sự phổ biến ngày càng tăng của các nhà thờ Pentecostal và các nhà thờ Hồi giáo rao giảng các phiên bản cực đoan của Hồi giáo làm sâu sắc thêm sự nghi ngờ lẫn nhau.

Hầu hết người Nigeria đồng ý rằng mối quan hệ giữa các nhóm dân tộc ở đất nước của họ đã tốt hơn, mặc dù nhiều người Igbo đòi ly khai, dẫn đến một cuộc chiến thảm khốc vào cuối những năm 1960, có thể muốn có quyền tự chủ lớn hơn. Ebenezer Obadare thuộc Đại học Kansas, tác giả cuốn “Pentecostal Republic” (Cộng hòa Ngũ tuần), cho biết: “Tôi nghĩ rằng các mối quan hệ ràng buộc chúng ta rất bền chặt”. Gimba Kakanda, người cũng đã viết về sắc tộc và tôn giáo, lập luận rằng mối quan hệ quốc gia vẫn cần được củng cố: “Chúng ta cần hiểu nhau, biết nhau”. Việc kiện của ông Omirhobo có lẽ chẳng đi đến đâu. Nhưng cuộc tranh cãi đằng sau nó còn lâu mới kết thúc.

10 sự thật thú vị về Nigeria:

  1. Là quốc gia đông dân thứ bảy trên thế giới, với hơn 200 triệu người. Dân số có thể sẽ còn cao hơn nếu không có tỷ lệ tử vong cao và tuổi thọ thấp.
  2. Có nhiều tôn giáo khác nhau, song phổ biến nhất là Cơ đốc giáo hoặc Hồi giáo.
  3. Thị trấn Igbo-Ora được gọi là quê hương của các cặp song sinh. Nhiều người Yoruba địa phương tin rằng khoai mỡ và lá đậu bắp là nguyên nhân khiến họ sinh đôi cao, song không có bằng chứng khoa học nào chứng minh.
  4. Là một quốc gia đa sắc tộc với hơn 520 ngôn ngữ được nói. Tiếng Anh, Hausa, Yoruba và Igbo là các ngôn ngữ chính trong nước.
  5. Lagos, thủ đô cũ trước khi được chuyển đến Abuja, là thành phố lớn nhất và đông dân nhất của Nigeria và được mệnh danh là “Quả táo lớn của châu Phi”.
  6. Trung tâm công nghiệp điện ảnh của Nigeria được biết đến với cái tên Nollywood, là một trong những nhà sản xuất phim lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Bollywood của Ấn Độ.
  7. Nigeria là quê hương của Aliko Dangote, người giàu nhất châu Phi.
  8. Nigeria là nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi. Trong khi ngành nông nghiệp chiếm khoảng 70% việc làm của đất nước, các sản phẩm dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chính – chiếm hơn 90% xuất khẩu của Nigeria.
  9. Giống như ở các nước châu Phi khác, nhiều người Nigeria coi bàn tay trái là không sạch sẽ và việc dùng nó được coi như một dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng. Vì thế họ không ăn, bắt tay hoặc nhận đồ bằng tay trái.
  10. Mặc dù giành được độc lập vào năm 1960, Nigeria vẫn là thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh, một hiệp hội gồm 53 quốc gia có chủ quyền.

Theo The Economics & U.S News